Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Ổ Chim Sáo


Đằng sau nhà tôi có một miếng vườn rộng, cây cối đủ loại ; có những cây phượng to lớn không biết ba tôi trồng từ bao giờ cứ mỗi lần hè đến, hoa phượng rụng đỏ ối đầy vườn... Chim chóc kéo đến làm tổ ở vườn ấy rất đông. Thằng Hòa, đứa em thứ ba của tôi rất thích bắn chim sẻ, suốt ngày thơ thẩn ngoài vườn, cái mặt cứ hếch lên nhìn vào các bụi cây, tay lăm lăm cầm giàn thun, nạp sẵn viên đạn đất. Nó mải mê với những chú chim sẻ mà lảng lơ với việc học hành, ba tôi vẫn rầy nó luôn, nhưng vẫn chứng nào tật nấy... hễ vắng mặt ba tôi ở nhà là nó lật đật chạy ra vườn với cái giàn thun với hai cái túi đựng đầy đạn đất.

Một hôm, tôi trông thấy thằng Tâm cứ ngồi ở dưới gốc cây phượng, mắt láo liên nhìn lên ngọn cây như để ý một vật gì... Tôi ngạc nhiên đến gần tò mò hỏi nó:

- Gì vậy?

- Kệ em... Kìa! Xích ra chỗ khác... kệ em mà!...

Tôi ngạc nhiên:

- Em kiếm cái gì ở trên cây phượng vậy? 

Tâm tảng lờ đáp:

- Đâu có! Chị ra chỗ khác chơi đi!...

Tôi đưa mắt nhìn lên ngọn cây, cố ý tìm xem cái gì mà thằng Tâm mê say dữ vậy... Nhưng chẳng thấy gì lạ ngoài tiếng chim ríu rít hót chào mừng buổi ban mai tươi đẹp... Cụt hứng, tôi bước vào nhà, sửa soạn đi học.

*

Suốt mấy ngày liền, thằng Tâm cứ lẩn quẩn chung quanh gốc cây phượng vĩ, nét mặt đăm chiêu, cứ thỉnh thoảng lại liếc chừng lên ngọn cây. Tôi liền theo dõi từng hành động của nó xem chuyện gì. Cứ lần nào tôi gạn hỏi thì thằng Tâm chỉ ậm ừ qua loa rồi rốt cuộc tôi chẳng tìm được thêm chi tiết nào. Mấy hôm sau, không biết thằng Tâm lấy ở đâu ra một cái lồng chim đan bằng tre, nó hí hửng treo cái lồng không ở ngoài vườn, chỗ kín nhứt kẻo ba tôi trông thấy thì ốm... đòn. Ngạc nhiên, tôi càng để ý từng cử chỉ của thằng Tâm không bỏ sót cái gì. Hình như nó biết tôi theo dõi nên luôn luôn tránh mặt tôi trừ bữa cơm và buổi tối học bài nó mà trông thấy dạng tôi là lẻn ra chỗ khác ngay.

Một hôm tôi đi học về, chưa kịp cơm nước gì thì thằng Hải, đứa em út, chạy lại khoe với tôi:

- Chị Ngọc ơi!... Anh Tâm cho em một con chim sáo đẹp lắm!

- Đâu? Đưa chị xem nào!

- Anh ấy bảo nuôi hộ em đó! Bốn con to của anh ấy, con nhỏ của em. Ảnh bỏ vô lồng treo ở cành phượng đó! 

Tôi nhìn ra vườn, ánh nắng chiều đã tắt lịm, chỉ còn vài tia nắng yếu ớt cố bấu víu trên cành cây xanh lá. Chim chóc gọi nhau về tổ ; ngoài tiếng chim ríu rít quen thuộc tôi còn nghe rõ ràng một giọng gào thét não nề của một con chim mẹ nào đó, bị mất con. Tôi chợt hiểu và vùng chạy ra vườn.

Bên cạnh gốc cây phượng, một chiếc lồng đựng 5 con chim sáo bé nhỏ, cố đập đôi cánh non vùng vẫy thoát ra ngoài với tiếng gọi thảm thiết của mẹ chúng nhưng vô ích, cửa lồng đã đóng chặt. Thằng Tâm thích chí cười vang. Tôi cự nó:

- Mày làm gì vậy? Bắt chim còn non quá, thả ra đi... để lớn rồi bắt... Tội nghiệp! Mẹ nó gào dữ quá...

Thằng Tâm trợn mắt nhìn tôi:

- Ham lắm! Bắt khó lắm chớ bộ... chim sáo mà... Hứ! Ham lắm mà đòi thả... chị này kỳ hông! Mắc mớ chi tới chị?

Thằng Hải le te đi tới, miệng líu lo:

- Con nhỏ nhất định của em nha, anh Tâm! Chu choa! Đẹp ghê luôn! À, anh bắt luôn con mẹ đi anh Tâm!

- Mẹ nó khôn lắm, bắt hỏng được...

Tôi nhìn con chim mẹ mà cảm thấy thương hại. Tội nghiệp! Quá thương con nên lông lá nó xù ra, miệng gào thét đau đớn... Con chim mẹ lượn vòng chung quanh cây phượng một hồi rồi mệt mỏi đậu trên nhánh cây gần chiếc lồng nhốt con nó mà gào to lên... Bên trong lồng, năm con chim con cố gắng vẫy vùng mong thoát ra khỏi chiếc lồng tre giam giữ sự tự do của chúng mà về sum họp với mẹ... Đôi cánh non đã rướm máu, lông rụng xác xơ, cặp mắt nhòa lệ, năm con chim bé bỏng giờ đây đã mất hẳn tình mẫu tử thiêng liêng... và con chim mẹ âu sầu bay lượn quanh chiếc lồng nhốt đàn con thơ dại mà lòng đau đớn thốt ra những tiếng gào thảm não... Còn gì đau đớn hơn!... Mỏ ngậm mồi đem về đút cho con nhưng... con đâu!! Con chim mẹ thét lên những tiếng bi ai như oán trách kẻ làm cho mẹ con nó phải lìa nhau...

Thằng Tâm lấy cơm đút cho chim ăn nhưng chúng vẫy vùng đòi thức ăn của mẹ chúng đút cho thường ngày... Nhưng biết bao giờ có nữa... từ đây mẹ con chúng phải lìa nhau vĩnh viễn.

Đã hai ngày rồi, con chim mẹ suốt ngày đêm cất tiếng thét não nùng gọi con... Tôi tức bực chạy đi tìm em:

- Tâm! Mày có thả năm con chim sáo ra không? Để mẹ nó gào ầm cả lên! Ba mà biết thì mày chết đòn nha!...

Tâm cự nự:

- Để em chơi mà! Bộ chị mách ba?

- Không! Nhưng tao bảo mày...

- Gì?

Tôi giảng giải:

- Mày... thí dụ nhá... nếu mày... mất mẹ... mày có đau đớn không?

- Có chớ! Đau khổ lắm!... Vì có dì ghẻ... em ghét dì ghẻ lắm cơ!

- Nói bậy!... Tao thí dụ thôi!

Tôi quay ra vườn chỉ con chim mẹ đậu trên nhánh cây đang gào thét gọi con:

- Mày không thương con chim mẹ à?

- Không! Em đang định đánh bẫy nó cho mẹ nướng lên ăn đây!

Tôi cố gắng nói thêm:

- Mày còn nhớ bài học đức dục hôm qua không?...

- Nhớ chớ!

- Nhớ sao mày không thực hành đi?

- Cái gì?... bộ...

- Phải, bài đức dục dạy phải thương yêu loài vật ; nó cũng có giác quan như mình, cũng đau khổ khi con mất mẹ, mẹ mất con...

Thằng Tâm chạy ra chỗ lồng chim, tôi chạy theo nói:

- Thôi! Thả ra đi!...

Bên trong lồng, năm con chim bé rũ rượi miệng kêu "chim chíp" gọi mẹ... Tôi nói:

- Mày thả ra đi, để vậy nó chỉ sống độ vài ngày là cùng.

Thằng Tâm nhìn sững vào năm chú chim non, mắt rớm lệ, nửa muốn thả, nửa không. Tôi thương em, dịu dàng nói:

- Tùy ý!... Mày muốn thả thì thả...

Thấy có người đứng bên chiếc lồng nhốt con, chim mẹ đập cánh liên hồi đảo quanh cây phượng, miệng gào thét não nề. Đột nhiên thằng Tâm mím môi, đưa tay kéo phăng cánh cửa lồng ra... Chim mẹ hét lên sung sướng. Năm con chim nhỏ yếu ớt đập cánh bay ra với mẹ. Chúng tôi sung sướng nhìn chim mẹ dẫn đàn con bay đi nơi khác mà lòng dâng lên một tình thương tha thiết... Thằng Hải lật đật chạy lại, nó sửng sốt nhìn chiếc lồng trống không... Thằng Tâm thản nhiên bảo:

- Anh thả chim ra rồi!


CHÂU HÀ   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 34, ra ngày 25-11-1965)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>