Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

THỤC


Mưa vẫn rơi, rơi mãi. Càng lúc càng nặng hạt. Thục chống tay lên cằm, đôi mắt mở lớn như muốn xuyên thủng cả màn mưa. Hai mép Thục trễ xuống, kéo theo đôi má bầu bĩnh. Ngồi nhìn mưa mãi cũng chán, Thục đứng lên đi về phía tủ để lấy đồ chơi. Một lúc sau, gian phòng đầy ắp cả xe lửa, máy bay, xe điện chạy bằng pin, súng bắn nước, súng bắn nùi, máy ảnh giả, mấy chú lính nhựa v.v... Trước tiên Thục găm điện cho xe lửa chạy, rồi đến máy bay... Chơi chán, cô bé lấy kềm bẻ luôn cả xe lửa, xe điện để lấy trục làm vụ. Chẳng may chiếc kềm đập trúng ngón tay Thục. Cô bé hét lên thất thanh:

- Ái da, đau quá má ơi hu... hu... hu...

- Gì vậy Thục?

Tiếp theo đó là tiếng guốc đập lộp cộp.

Nghe mẹ hỏi, Thục làm nũng khóc to hơn rồi đưa tay cho mẹ xem.

- Ồ! Tội cho con tôi quá, con đợi mẹ một tí nhé.

Nói xong mẹ đi nhanh về phía bếp để lấy muối bóp. Thục nghe tiếng ba hỏi:

- Sao "thằng" Thục khóc dữ vậy em?

- Anh vào mà xem nó bị dập tay đây này, tội cho con tôi quá.

Nghe vậy Thục càng làm già. Cả ba lẫn mẹ đều chạy vào. Ba cầm tay Thục lên:

- Bị sưng sơ thôi mà cả mẹ lẫn con đều cuống cả lên, em kêu mấy con vào bóp tay cho "thằng" Thục cũng được.

-Chúng nó đi xi nê cả rồi.

- Ờ, tôi quên mất.

Nói xong ba bỏ ra ngoài. Thục nghĩ lại lời ba nói hồi nãy và thầm hỏi: "Ba nói đúng ghê, à mà sưng sơ không đau mà tại sao mình cũng khóc nhỉ?"

Sự thật chỉ vì Thục quen được chiều nên hở một tí cô bé cũng khóc. Thục được cưng như thế là nhờ: đầu tóc hớt theo kiểu ma-ni và bộ áo quần sọt của con trai. Những thứ này đều do sáng kiến của ba Thục vì ông đang mong một đứa con trai nhưng ông trời lại không chiều theo lòng người. Lúc đầu Thục thích lắm vì đầu hớt như vậy thật là mát, chiếc quần sọt còn mát hơn nữa. Các chị của Thục cũng rất vui vì có một đứa em khác biệt với chúng nó. Ba má Thục hài lòng và hãnh diện với mọi người rằng ta đây cũng có con trai như ai. Nên Thục được gọi là "thằng" Thục và tiếng con Thục được bỏ ngay khi mới lọt lòng mẹ.

Bắt đầu từ đó Thục cũng leo cây và dự tất cả các trận giặc mà hàng chục đứa bé trong xóm tạo nên. Nhưng sau này bọn con trai lơn lớn biết được Thục là con gái nên không thèm chơi với cô bé nữa. Tuy vậy vẫn còn vài chú lỏi con còn chơi với Thục.

Càng lớn, sự nam hóa bị phai lần và Thục thấy thèm mặc áo bà ba hay được xúng xính trong chiếc áo dài, làm duyên với chiếc nón, cài nơ hồng. Ôi! Đẹp biết bao! Sáng nào đi học Thục cũng rửa chân cho thật sạch rồi đến trường so chân với mấy con bạn. Than ôi! Chân Thục đen đúa sánh đâu được với bàn chân trắng mịn nổi bật lên trong cái quai guốc màu đỏ, xanh... của đám con gái. Buồn hơn nữa, khi ngắm mái tóc dài óng mượt buộc nơ vàng, xanh, mỗi lần như vậy Thục lại lấy tay xoa xoa chiếc đầu tóc ngắn cũn.

Một hôm cả nhà đi phố và lẽ dĩ nhiên là có cả "nữ cao bồi" Thục nữa. Vừa đi Thục vừa đưa mắt nhìn bọn con gái với chiếc áo dài tha thướt đang bước đi uyển chuyển. Bỗng một câu nói như gáo nước lạnh tạt vào mặt Thục:

- Ê, tụi bây lại coi thằng này bị mụ bà bắt lộn này. Con trai mà như con gái.

Thục ôm mặt òa khóc, đòi về nhà vì nó đã phân biệt được con trai, con gái và nhận thức được mình là con gái. Ba má ái ngại nhìn "thằng" Thục rồi chiều theo lòng nó. Về đến nhà Thục nắm tay mẹ nghẹn ngào:

- Má cho con để tóc dài với mặc áo con gái nghe má.

Má ứa lệ nhìn Thục:

- Ừ, để mai con đi may áo với má. Còn tóc thì 2, 3 tuần nữa đi cắt theo kiểu a-la-gạc-son rồi để dài.

Ba tuần sau "thằng" Thục đã trở thành con Thục trong chiếc áo dài Việt-Nam.


Duy Lý      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 80, ra ngày 1-11-1967)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>