Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Nghệ thuật TẶNG QUÀ


Thánh Kinh chép khi Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-Lem, có 3 nhà Thông Thái phương Đông – ta quen gọi là Ba Vua – được sao lạ dẫn đường đến thờ lạy Người, mang theo lễ vật gồm có vàng, mộc dược và nhũ hương. Người ta bảo chính những món lỉnh kỉnh mang theo đó của ba Vua đã phát sinh tục lệ tặng quà Giáng sinh ngày này.

Tặng quà ai, tức là chúng ta muốn tỏ lòng yêu thương quí mến đối với người đó một cách cụ thể. Sự quí mến đó phải được biểu lộ trong cung cách cho, mà không ở nơi món quà. Của cho không bằng cách cho, tục ngữ ta dạy như vậy. Khi ba nhà Thông Thái từ phương Đông lặn lội sang Bê-Lem chiêm bái Chúa Hài Đồng, chắc chắn không phải vì lễ vật của các Ông quí giá. Chính là tấm lòng thành, được thể hiện qua cuộc hành trình diệu vợi và nguy hiểm của các Ông mà món quà thành ý nghĩa và quí giá.

Nhưng đó là… nguyên tắc, và là chuyện… đời xưa. Việc tặng quà ngày nay đã biến thành một nghệ thuật lỉnh kỉnh – nghệ thuật tặng quà – và nhiều nguyên nhân phức tạp , hàm chứa nhiều ý nghĩa thật bất ngờ. Ta hãy tạm phân ra sáu loại người cho : Thứ nhất là loại cho vì mưu lợi, tức cho chính mình. Đây là loại hay thả con săn sắt để mong bắt con cá giếc vậy. Kế đến là những người cho vì hứng thú, chẳng vì mục đích cao đẹp hay vì lý do thực tế nào cả. Thứ ba là loại người khi cho có một chút dính dáng đến lương tâm, vì tự trọng, hay cho như là một cách để chuộc một lỗi lầm nào đó. Thứ tư phải kể đến những người cho vì thấy người khác cho, mình mà không “móc túi” thì mắc cỡ thí mồ! Có thể tay họ cho mà lòng thờ ơ, lạnh nhạt. Loại này có lẽ chiếm đa số. Loại thứ năm họ phải cho vì trách nhiệm, bổn phận hơn là vì lòng thương hay quí mến. Vì tư cách của họ mà họ phải cho, thế thôi. Loại người thứ sáu : họ cho với tất cả tinh thần bác ái, cho vì thương yêu quí mến người nhận như chính họ. Đây chính là những người cho có tâm hồn, cho mà không hề mong được đền đáp lại.

Bạn thuộc vào loại nào đây?

Để giúp bạn nắm vững ý nghĩa và tinh thần của việc tặng quá Giáng Sinh, người viết xin kể lại tặng bạn vài mẩu chuyện làm quà dưới đây.

Ai lại không từng xúc động khi được nghe tấu khúc “Moonlight Sonata” của Beethoven? Nhạc khúc bất hủ này diễn tả nét diễm ảo, huy hoàng của ánh trăng khuya. Tác giả đã để hết tâm hồn thiên tài của mình vào đó, bằng âm thanh, vẽ lại hình ảnh kỳ diệu của ánh trăng cho một cô gái mù thưởng thức.

MỘT CẬU BÉ 13 tuổi nghe tin nhà trường đang gom góp tiền và phẩm vật để làm quà Giáng Sinh cho trẻ em nghèo. Cậu dành dụm nhịn ăn tiêu suốt tháng và để dành được 15 đồng. Hôm cậu tính lên trường để góp tặng, một trận bão tuyết xảy ra khiến xe cộ không thể lưu thông được. Không hề thối chí, cậu bỏ xe và lội bộ qua cánh đồng tuyết để đến trường.

Ông Hiệu Trưởng thực sự sửng sốt khi nhận món tiền từ tay cậu bé. Trước mặt ông chính là một trong những trẻ em nghèo mà nhà trường đã nhắm tới để trao quà Giáng Sinh.

Với những kẻ đầy lòng bác ái, cái nghèo vật chất không phải là chướng ngại vật ngăn cản họ với những niềm vui do việc bố thí mang lại.

Ông quản lý một cửa hàng lớn kể lại truyện một nhà quí tộc nọ, đã đứng tuổi, trước ngày lễ Giáng Sinh đã bỏ rất nhiều thì giờ và tiền bạc vào gian hàng đồ chơi của ông. Ngồi ở một nơi kín đáo, nhà quí tộc ngắm các trẻ em nghèo đi qua gian hàng đồ chơi, mỗi khi thấy đứa nào nhìn ngắm một món đồ chơi với vẻ thèm thuồng vô vọng, ông ra hiệu cô bán hàng cho gói lại và đem tặng ngay cho em nhỏ. Cuối buổi ông tính sổ và trả tiền cho nhà hàng.

Nhà quí tộc không có con, nhưng ông đã mang niềm vui đột ngột đến cho rất nhiều trẻ em nghèo chưa một lần được biết đến món quà Giáng Sinh.

Hạnh Phúc có thể tìm thấy mọi nơi và mọi lúc, nếu chúng ta biết đem niềm vui đến cho kẻ khác.

MÓN QUÀ CỦA BA VUA – The gift of the Magi – là tựa một truyện ngắn Giáng Sinh nổi tiếng của văn sĩ O. HENRY.

Truyện kể lại hai vợ chồng nghèo nọ, trong dịp Giáng Sinh đều muốn tặng nhau một món quà thật ý nghĩa. Bởi cả hai đều nghèo, không có tiền riêng, người chồng bèn đem bán chiếc đồng hồ vàng kỷ niệm của cha để lại và mua được cho vợ một cái lược đồi mồi tuyệt đẹp. Phần người vợ, tính toán và xoay xở đủ điều vẫn không dư được đồng nào mua quà cho chồng, nàng quyết định lén cắt bán suối tóc óng ả của mình, và mua được sợi dây đeo đồng hồ bằng bạch kim để làm quà cho chồng.

Câu chuyện kết thúc bằng những giòng nước mắt của Hạnh Phúc – chan hòa và thắm thiết hơn bao giờ. Mỗi người hy sinh chính bảo vật quí nhất của mình để làm quà cho vợ, cho chồng… Những món quà giờ đây trơ trẽn, vô dụng nhưng là những chứng tích hùng hồn nhất của hạnh phúc.

Câu chuyện  mang đầy đủ mọi ý nghĩa của việc tặng quà vậy.

CUỐI CÙNG ai bảo với bạn người Tô Cách Lan là hà tiện? Không, người Tô Cách Lan cũng hào phóng lắm chứ! Có một ông già Tô Cách Lan, trong giờ hấp hối cho mời một vị chưởng khế đến để lập chúc thư. Ông đọc cho vị chưởng khế ghi lần lượt thân nhân, bạn hữu và cả hàng xóm lẫn kẻ ăn người làm, để lại cho người năm trăm đô la, kẻ một đôi ngàn, có người lại chỉ vài trăm đô la v.v… tùy theo liên hệ và ý muốn của ông.

- Nhưng, thưa ông Mc Dougali – vị chưởng khế ngắt lời – những món tiền này hiện ông để tại đâu ạ.

- Tôi… Tôi – lão mệt nhọc nói – chỉ muốn chứng tỏ cho mọi người thấy lòng tốt của tôi thôi… Chứ tôi làm gì có đồng đô la nào đâu…

Thưa bạn, như thế hà tiện cũng đâu phải là chướng ngại vật ngăn cản chúng ta với niềm vui do việc… bố thí mang lại? Ăn thua là ở tấm lòng…


Song Thất    


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 229, ra ngày 1-12-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>