Trên
cao nhìn xuống là con đường trải nhựa phẳng lì chạy dài về đồi thông bên kia.
Hai rặng liễu ven lộ đứng rũ mình đợi gió. Mưa thật nhẹ, thật mong manh như tơ
liễu rũ. Rét căm căm, rét vội vàng làm người ta nghĩ đến một bếp hồng lửa đỏ.
Phiến trời qua khung cửa sổ Thủy chỉ nhìn thấy một màn trắng đục như tấm “voile”
trong phòng mẹ dạo nào. Đã bao chiều rồi Thủy thường đứng ở đây nhìn xuống: vẫn
con đường rải nhựa, vẫn rặng thông đìu hiu, vẫn những tơ trời giăng giăng nhớ
nhung, vẫn giá rét châm kim da thịt – Những thứ vô tri nhưng với Thủy chúng có
linh hồn. Chả trách, mẹ Thủy thường bảo, Thủy hay mơ mộng. Đó là những ngày
Thủy còn ở với mẹ, còn được mẹ âu yếm vỗ về, được tâm sự cùng mẹ những chuyện
vui buồn ở lớp. Bây giờ thì hết rồi, xa cách hết thảy, không còn ai bào “con
tôi mơ mộng quá” nữa rồi.
…
Sao mẹ đi lâu quá thế mẹ, sao mẹ bảo hè sẽ về đón con, hè rồi cũng qua, hàng phượng
thắm trước cổng trường nội trú đã hết đơm bông, những đài hoa không còn thắm
đượm, lá xanh mướt rồi cũng tàn lụi, trơ trọi thân khô xương xẩu mà mẹ vẫn
không về. Nay mùa lạnh đã đến từ lâu, chiếc áo mẹ đan dạo nào đã sờn ở phía vai
trái. Mỗi bận thấy con qua lớp co ro với chiếc áo ấy, soeur Simon nhìn con ái
ngại, rồi soeur chạy vào phòng đem ra bảo con mặc chiếc áo ấm của soeur, áo gì
mà rộng quá, nhưng con cũng mặc cho soeur vui lòng, vì soeur thương con ghê
lắm, thương con gần như mẹ thương con vậy. Con nói gần như nghĩa là chưa bằng
mẹ thương con đâu, mẹ đừng dỗi con, mẹ nhé.
Mùa
lạnh về, Noel chỉ còn hai hôm nữa đến rồi, ở đây cũng tổ chức rầm rộ lắm. Càng
rầm rộ bao nhiêu, con lại càng nhớ mẹ bấy nhiêu, nhớ đầy ắp trong trí từng món
đồ chơi, nhớ anh Mai, Thuận, chị Hòa, dì Thảo, nhớ thiết tha những dịp theo mẹ
đi “lễ nửa đêm”. Trời thật lạnh phải không mẹ, thứ lạnh mà mẹ thường gọi đùa là
“lạnh Giáng sinh” đấy, mẹ nhớ không – Con đi bên mẹ mà cảm thấy ấm áp lạ lùng.
Sao những tháng ngày yên vui đó không kéo dài ra, sao mẹ không tiếp tục nuôi
dưỡng con bằng tình yêu biển khơi của mẹ, sao mẹ lại đưa con vào nội trú. Mẹ sợ
“người ta” làm khổ con mẹ, hạch xách con mẹ, và mẹ gởi con vào đây sống những
ngày dài mong đợi. Mẹ bảo đợi mẹ đến hè rồi mẹ cho về. Hè qua rồi, thu cũng
phôi pha và đông đến, Giáng sinh sắp sửa đem yên vui về cho mọi nhà mà mẹ con
mình vẫn xa nhau, sao thế mẹ, sao thế đôi mắt biển khơi của con ơi!
Bây
giờ nội trú vắng rồi, mấy con bạn ở cùng salle với con đã ra về từ hôm nghỉ lễ
cơ. Thậm chí con Vân, –- mẹ biết nó cũng sống trong cảnh cô đơn, có dượng ghẻ,
má nó cũng gởi nội trú như con vậy, – chiều qua má nó đến xin cho nó về thăm và
ăn Noel ở nhà. Con thấy má nó con nhớ mẹ ghê, cũng dong dỏng cao, cũng tà áo múa
nhẹ trong mỗi bước đi đài các, cũng có đôi mắt thương yêu với tia nhìn xoáy
buốt. Má nó hỏi con:
-
Sao Thủy chưa về, ba me đâu chưa đón sao?
Con
sắp sửa khóc rồi đó, nếu Vân không nhanh trí nháy mắt mẹ nó, có ý nói đừng hỏi
nữa, nhưng má Vân đâu có biết. Bà nhìn con ái ngại tiếp:
-
Thế mà bác tưởng con Vân là người cuối cùng ra về trong Giáng sinh này, sao má
cháu đâu chưa đến?
Con
không cầm được nước mắt nữa, khóc òa, má Vân ôm con vào lòng, chiếc áo cũng
thơm mùi long não như áo mẹ, sao người ôm con chiều nay không phải là mẹ, sao
mẹ chưa lại đón con, nhiều lần con tự hỏi thế mà chẳng trả lời được, bây giờ
trả lời sao với má Vân đây, con không nói vẫn khóc.
-
Thôi cháu ở lại ăn lễ Noel vui vẻ với soeur Simon, bác chúc cháu một đêm Noel
thật vui.
-
Dạ, cháu xin cám ơn bác.
Vân
bịn rịn cầm tay, nước mắt chạy quanh:
-
Thủy ở lại nhe, Vân hy vọng mẹ Thủy cũng đến đón Thủy như Vân vậy.
Tiễn
hai người thân đi rồi con vẫn còn đứng nhìn theo, đến lúc trước mắt con chỉ còn
hai bóng mờ – không biết vì xa quá hay tại nước mắt con hở mẹ! – con quay trở vào,
lên phòng mình vội vã.
Soeur
ngồi ở bàn viết con lúc nào không rõ, soeur nhìn con, hỏi:
-
Thủy lại khóc, đừng buồn, còn chiều nay, đêm nay nữa, thế nào mẹ cũng đến đón
Thủy, phải có đức tin và niềm hy vọng mới sống vui vẻ được.
Con
không trả lời, úp mặt vào lòng soeur, soeur vuốt tóc con, giọng đều đều như một
lời ru, hay một lời cầu kinh thoang thoảng:
-
Rồi con đi, mình soeur lại cô độc, soeur buồn lắm, nhưng soeur không nói. Nội
trú vào những dịp Giáng sinh năm nào cũng vậy, thiếu những tiếng cười, tiếng
hát thiên thần của các con, soeur như thấy thiếu một cái gì rộng lớn, và soeur
lại hoang mang, nhớ những kỷ niệm ấu thơ, tuổi vàng đánh mất, mật ong không còn
trên đài hoa. Bởi soeur sống trong giọng cười điệu nói hồn nhiên trẻ thơ quen
rồi, vắng một chút là không được. Noel với ai là mùa sum họp, mùa đoàn tụ yên
vui, nhưng đối với soeur là chia ly, chia ly các con, xa rời những hờn dỗi trẻ
thơ, những nũng nịu dễ ghét, dù là xa một thời gian ngắn, nhưng soeur vẫn thấy
buồn buồn…
*
Thủy
buông viết, xếp quyển nhựt ký, nhìn ra bầu trời vừa mới tạnh cơn mưa, mấy đóa
hoàng lan vừa tắm gội xong khoe sắc thắm, hơi mát tỏa khắp phòng rời rợi. Thủy
quyết định, nếu mẹ có đến đón Thủy cũng không về, Thủy ở lại đây ăn Noel với
soeur Simon, để soeur bớt buồn. Và nếu được, Thủy mời mẹ ở lại cùng. Phòng Thủy
đã sửa soạn, Thủy định bụng sẽ làm ngạc nhiên soeur Simon, Thủy “chạy” được một
cành thông xinh xắn sau vườn, thắp vài ngọn nến bé xíu, một máng cỏ đơn sơ, cắt
một “ngôi sao lạ” chiếu xuống, thế là một đêm Noel tuyệt diệu và ấm cúng rồi.
Và Thủy không quên quả bánh bông lan – tiền Thủy trút ống ở con heo đất – rất
bí mật nhờ chị Hà mua ở phố chợ. Cô bé tốn nhiều công phu đề trên chiếc bánh
mấy chữ bằng sữa ngọt “MERRY CHRISTMAS – MẸ – SOEUR SIMON”, thật là tuyệt cú mèo,
Thủy bật cười, từ của nhóm con Hương ở C1.
Công
việc sửa soạn xong xem như hoàn tất. Thủy quỳ gối thắp cây bạch lạp nhỏ xíu vào
máng cỏ, hát nho nhỏ: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời…”
Bỗng
có tiếng gõ cửa, Thủy hồi hộp nghĩ thầm: Mới 10 giờ hơn mà soeur Simon đã đến
sao, soeur 11 giờ mới đi lễ cơ mà… hay là, Thủy không nghĩ nữa, nhẹ nhàng đến
mở cửa, khuôn mặt mẹ hiện ra, thật đẹp, thật dịu dàng, Thủy ôm chầm lấy nức nở…
Thủy khóc trong sung sướng, trong bàng hoàng cảm xúc, cho thỏa niềm mong đợi.
Thủy khóc cho những ngày những tháng những năm nhớ khuôn mặt mẹ như nhớ một cái
gì không thể quên, và khóc, trong nỗi vui, muốn gọi thật to cho vỡ lồng ngực,
mẹ ơi, mẹ ơi!
Chợt
Thủy nghe một giọng quen quen:
-
Hai mẹ con vui quá quên già này rồi nhé.
Thủy
nhìn kỹ lại, một ông già râu tóc bạc phơ, mậc áo đỏ, sau lưng mang một gùi đồ
chơi. Thủy nhìn nhưng chẳng nhận ra ai. Cả ba vào phòng, giọng quen quen ở ông
già Noel lại cất lên:
-
Chà cô bé này đón Noel tưng bừng quá.
Thủy
hiểu ra rồi, hét thật to: Soeur Simon, và nhảy đến bá cổ. Ông già vuốt tóc Thủy
nói:
-
Ta không phải là soeur Simon, ta là ông Noel mới xuống ở ống khói, ta đem đến
cho con một bà mẹ – niềm yêu thương của con – và món đồ chơi. Nói đoạn, ông
treo đồ chơi lên cây Noel của Thủy.
-
Mẹ ơi, con không về nhà nữa đâu, mời mẹ ở lại ăn Noel với con và soeur Simon, à
quên ông già Noel chứ.
-
Mẹ bằng lòng con lắm, mẹ sẽ ở lại.
Ông
già Noel nói giọng buồn buồn:
-
Không, đêm nay là đên của đoàn tụ yên vui, Thủy và mẹ hãy về với gia đình, ta
vui chơi một lát rồi đi đem quà cho các trẻ khác trong xóm.
-
Vậy xin mời soeur ăn bánh Noel của con Thủy nhà tôi.
-
Con kính mời soeur, à quên mời ông già Noel.
Một
hồi chuông thoang thoảng dóng lên ở miền giáo đường vọng lại, Thủy reo lên:
-
Noel đã về rồi, mẹ ơi, soeur ơi…
Cả
ba cùng quì xuống cất cao giọng hát: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa
sinh ra đời, nằm trong hang đá bên máng lừa”…
Tiếng
ca trầm bổng cất cao, cao mãi, vang vọng ra ngoài thung lũng, những bãi nương,
những núi đồi cùng trở mình, như hồi sinh, như trẻ lại. Niềm vui đã về trong lòng
mọi người, mọi vật.
Hương Kim Long
(Trích từ tạp chí Tuổi
Hoa số 59, ra ngày 15-12-1966)