Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Abu Nuwas (I)


Dân Á-rập nói tới "ABU NUWAS" của họ như ta nhắc tới Trạng Quỳnh Trạng Lợn, với nụ cười thật tươi, dễ dãi và hồn nhiên không kiềm chế nổi. Họ bảo: "Ai nghe truyện Abu Nuwas mà không cười được nữa thì... chở hắn vào nhà thương ngay đi. Hắn bệnh rồi đấy!

Vậy Abu Nuwas là ai mà ghê gớm đến thế?

Cũng như những Ông Trạng của ta, Abu Nuwas có một tiểu sử khá... mập mờ và đầy trào lộng. Theo các... cụ Á-rập kể lại, thì ông vốn là thi sĩ trong triều Harun-al-Rashid. Khi Abu cảm thấy muốn cù thiên hạ hay muốn "trả miếng" kẻ nào, thì từ Harun-al-Rashid cho đến anh dân cày, Abu không kiêng nể một ai!

Abu nổi tiếng vì những trận đùa "lên ruột" của ông, và qua bao nhiêu năm tháng, đến nay một số lớn truyện tếu rất mơ hồ về tác giả người ta cũng đem gán tuốt cho Abu Nuwas! Truyện của Abu Nuwas rất phổ thông trong dân chúa Á-rập cũng như những nước nói tiếng Á-rập ở Trung Đông. Không xó xỉnh nào ở Bagdad (Thủ đô I-rắc hiện giờ) mà không biết đến Abu. Những cái "cù" của Abu nói chung không độc địa. Vì thế đối với xã hội Hồi Giáo, ông rất được cảm tình. Đến Harun-al-Rashid là vị "Caliph" * đầy uy quyền lúc bấy giờ, khi bị Abu cho vào tròng cũng đành cười... trừ mà thôi!

Dưới đây chúng tôi giới thiệu với bạn trẻ Tuổi Hoa vài mẩu truyện về Abu Nuwas. Trong các bạn ai đã không hơn một lần cười nghiêng ngửa với những Trạng Lợn, Ba Giai, Tú Xuất... Đọc "Abu Nuwas" bạn nào không nhếch mép được tí tị nào thì, một là kẻ này kể vô duyên quá, hoặc có khi là... thần kinh của bạn bị tê liệt rồi!


Một bữa kia Abu đang cùng mấy người bạn rượu ngồi nhấm nháp tán dóc trong một quán rượu. Rượu vào thì lời ra, một người nói:

- Tớ chỉ cầu Trời cho tớ một trăm bạc thôi, tớ sẽ nghĩ ra khối cách thú vị để tiêu.

Một anh khác cười:

- Sao lại chỉ một trăm thôi? Đã ước thì ước luôn lấy vài ba trăm mà tiêu cho đã chứ lị!

- Các bác thực thà quá Abu lúc này mới lên tiếng Các bác chẳng biết nghĩ, chứ Trời thì muốn bao nhiêu chẳng được? Tôi ấy à? Dưới một ngàn thì tôi không thèm. Trời cho một ngàn thì tôi nhận, chứ chín trăm chín mươi chín đồng tôi cũng trả lại ngay lập tức!

Câu nói của Abu truyền lan ra khắp các quán rượu và tiệm buôn ở Bagdad.

Dân chúng tỏ vẻ không tin Abu lại dám từ chối món tiền chín trăm chín mươi chín đồng của Trời để đòi cho đủ một ngàn đồng. Chuyện đến tai một lái buôn giàu có trong thành. Và lão nghĩ ra một cách để thử lòng Abu.

Trong đêm tối lão đem một chồng tiền vàng đến sắp trước cửa nhà Abu.

Sáng dậy Abu bước ra khỏi cửa thì đã thấy một đống tiền nằm lù lù ở đó, đồng thời hắn thấy ngoài ngõ một đám đông người trong phố đang nhìn vào. Hắn mỉm cười rồi lẳng lặng ngồi xuống đếm. Đám đông ngoài ngõ cũng đếm theo. Khi đồng tiền cuối cùng được đếm xong, hắn đứng dậy ngước mặt lên trời, kêu to:

- Tạ ơn Trời! Ngài đã đáp lại lời thỉnh cầu của tôi.

- Khoan đã! Lão lái buôn ở ngoài chạy vào kêu lên Anh xin bao nhiêu và bây giờ anh được bao nhiêu tiền?

- Tôi hỏi xin một ngàn đồng và Ngài ban cho tôi chín trăm chín mươi chín đồng. Chỉ thiếu có một đồng mà thôi. Nhưng điều đó không sao. Tôi sẽ cho Ngài thiếu đồng đó, và Ngài sẽ cho tôi lại một ngày kia. Như thế sẽ đủ một ngàn.

Nói xong Abu ôm tiền quay vào.

Lão lái buôn kêu lên:

- Khoan hẵng... Làm gì mà vội vậy. Tôi nghe hôm qua anh nói phách rằng nếu Trời cho anh không đủ một ngàn đồng chẵn thì anh từ chối? Anh phải trả lại số tiền. Chính tôi là người đã để nó ở đó.

Abu quay lại, giọng ngạc nhiên:

- Ồ không... Đây là của Trời cho tôi mà! Hôm qua và suốt đêm nay tôi cầu xin Thượng Đế, và Ngài đã ban cho tôi. Nếu Ngài đã có đến chín trăm chín mươi chín đồng, chắc Ngài sẽ tìm thấy được một đồng kia sót lại đâu đó cho tròn một ngàn bạc. 


Lão lái buôn thấy khó mà lấy lại được món tiền lớn. Bấy giờ lão mới thấy là lão dại. Lão muốn chứng tỏ sự láo khoét của Abu cho thiên hạ thấy, nhưng không ngờ sự thể lại đến với lão một cách đau đớn như vậy.

Lão nói với Abu:

- Tôi phải đem việc này lên trình Harun-al-Rashid. Anh làm ơn theo tôi.

Abu cười:

- Rất vui lòng. Nhưng làm sao tôi có thể tới trước Caliph với bộ đồ bẩn thỉu hôi hám này được?

Vừa nói hắn vừa giũ giũ áo quần cho bụi bay ra, rồi nói tiếp:

- Ông có áo choàng và khăn đóng làm ơn cho tôi mượn tạm một lát. Cả con lừa nữa, chứ xa xôi thế tôi làm sao đi được?

Muốn được việc, lão về tiệm buôn của lão lấy cho Abu một chiếc áo và cái khăn. Lão lại cho người về nhà dắt ra cho Abu một con lừa. Thay đồ xong, Abu và lão lái buôn dắt nhau lên dinh Caliph. Đám người hiếu kỳ chạy theo sau. Harun-al-Rashid nghe lão lái buôn trình, rồi cho đòi Abu vào. Khi được gọi lên đối chất, Abu nói một cách phẫn nộ:

- Thưa Ngài, lão này đã gây ra bao phiền phứcVừa nói hắn vừa chỉ vào gã lái buôn Thật quá lắm: Nếu lão ta dám vu oan cho tôi như vừa rồi, chắc Ngài sắp nghe lão đòi chiếc áo choàng và cái khăn tôi đang mang này là của lão, cả con lừa xấu xí ngoài kia cũng của lão nốt cho Ngài xem.

Lão lái buôn hét lên:

- Chứ còn gì nữa! Vành khăn, chiếc áo và con lừa là của tôi!

- Đó Ngài thấy chưa? Tôi nói trước có sai đâu.

Caliph ngồi nghe gật gật đầu cho Abu có lý. Rõ ràng là Abu suýt bị gã lái buôn này lường gạt, và ông tuyên bố Abu thắng kiện!

*

Một hôm có người đến mượn Abu con lừa.

- Tiếc quá. tôi muốn giúp bác lắm, ngặt vì con lừa của tôi hôm nay không có ở nhà. Nó đang đi xa bác ạ.

Sự thực con lừa đang cột khuất sau nhà, anh hàng xóm không trông thấy. Gã vừa quay ra thì, không may cho Abu, con lừa hí to lên mấy tiếng. Anh hàng xóm giận lắm, quay lại nói với Abu:

- Đó không phải là tiếng lừa hí hả? Tôi cứ tưởng là con lừa vắng nhà như lời bác nói chứ?

Abu điềm nhiên trả lời:

- Bác nghe đây. Thế bác đến mượn lừa hay chỉ mượn tiếng hí của nó? Nói thật với bác, con lừa không có nhà thật đấy. Nhưng nếu phải bác muốn mượn tiếng hí của nó thì đây, tôi không dám tiếc.

Nói đoạn Abu bụm miệng hí lên mấy tiếng: "Hí í í u u! Hí í í u u!" Rồi quay lại phía anh hàng xóm đang đứng đực ra, hắn nói tiếp:

- Đó tiếng hí của bác đó. Trèo lên cho mau và cưỡi về đi!

*

Truyện kể một lần khác Abu đến chơi một gã hàng xóm keo kiệt ở gần nhà và hỏi mượn cái máng cho lừa uống nước. Vốn xấu bụng, gã làm bộ đi xục xạo khắp nhà. Cuối cùng gã tìm được một cái bằng đồng đã rỉ sét và nứt rạn đưa cho Abu. Lão cũng không quên căn dặn:

- Bác làm ơn... nhẹ tay giùm nhé. Ngày kia tôi cần dùng nó đấy.

Abu lẳng lặng ra về. Hắn giữ đúng ba ngày.

Đến ngày thứ tư hắn bỏ thêm một cái máng nhỏ vào trong, rồi mang giả gã hàng xóm.

- Tôi đến giả bác chiếc máng tôi mượn hôm nọ. Cám ơn lòng tốt của bác nhé.

Trông thấy cái máng nhỏ, gã hàng xóm ngạc nhiên:

- Ồ? Nhưng cái máng nhỏ này không phải của tôi?

- Quả vậy Abu trả lời Cái gì thuộc về bác vẫn là của bác. Trong đêm rồi, chiếc máng lớn của bác đã đẻ ra cái máng nhỏ ấy đấy. Sáng ra tôi thấy chúng nó nằm cạnh nhau. Nó là con của chiếc lớn, vậy cả hai thuộc về bác. Tôi không dám tham cũng không phải là của ăn cắp ăn trộm gì đâu. Cái gì của bác thì tôi xin giả lại.

Gã hàng xóm tự nghĩ: "Có đứa nào ngu hơn thằng này không chứ? Của đưa đến tội gì không hưởng?" Gã thấy không có lý do gì để từ chối được.

- Thật không còn ai thật thà hơn bác nữa. Cám ơn bác nhé. Cả mẹ lẫn con là của tôi... Nhà bác lắm phúc đức nên đến máng, thùng cũng sinh con đẻ cái được. Thật phúc đức quá!

Mấy hôm sau Abu lại mò đến nhà gã hỏi mượn chiếc máng lớn cho lừa uống. Lần này gã hàng xóm vui vẻ vào buồng lấy cho Abu mượn một cái máng lớn thật đẹp. Cái máng quý nhất của gã. Lão chắc mẩm lần này thế nào lão cũng được thêm một cái máng con đẹp hơn lần trước gấp bội. Abu long trọng cảm ơn và ôm máng về. Lần này hắn giữ luôn không thèm trả. Cả tuần lễ trôi qua, gã hàng xóm chờ mãi nóng ruột, mò sang hỏi. Đến nhà lão thấy Abu mặt buồn xo, nước mắt như cứ chực trào ra.

- Tôi có một tin buồn cho bác Abu buồn rầu bảo.

Gã hàng xóm lo sợ hỏi vội: 

- Chuyện gì xảy ra vậy?

Abu nói như mếu:

- Cái máng của bác... chết rồi bác ơi!

- Anh nói cái gì??! Cái máng chết? –  Gã kinh ngạc kêu lên.

- Phải. Tôi biết điều đó làm bác đau đớn không ít, vì thế tôi đã không dám cho bác biết ngay hôm đó. Nó chết đã ba ngày, và tôi đã lo liệu chôn cất tử tế thay bác rồi.

Gã hàng xóm nổi cơn thịnh nộ; gã quát:

- Abu! Đừng có hòng làm bộ giở ngây giở dại với tôi. Có đời thuở nào một cái máng đồng lại chết bao giờ? Đưa giả ngay nó đây cho tôi.

Abu ngẩng lên hỏi:

- Tôi hỏi bác, cái máng nó có đẻ con được không?

- Có! Gã nhớ lại tuần trước khi không mà được cái máng con xinh xinh.

- À vậy chắc bác biết rằng vật gì có sinh được thì một ngày kia nó sẽ tử chứ? 

Rồi Abu lại buồn rầu thở dài, tiếp: "Thật đáng buồn vì cái máng đã chết và không còn ở đây nữa!"

Gã hàng xóm của hắn tiếc ngơ tiếc ngẩn, đứng chửi rủa suốt một ngày. Cuối cùng lão hậm hực bỏ ra về.

Truyện đồn ra khắp nơi. Dân phố kháo nhau: Abu hắn nói đúng đấy chứ. Vật gì đã sinh ra được thì rồi cũng chết được, tự nhiên là vậy!


HÀ TĨNH
---------------------
* Vua ở một nước Hồi Giáo thì gọi là "Caliph"
 

____________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 17, ra ngày 25-5-1964)        

 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>