Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Quà Giáng Sinh


Sinh nhật Chúa Hài Đồng đối với gia đình tôi là một ngày lễ lớn trong năm. Tất cả sáu anh em chúng tôi đều chuẩn bị trước hàng mấy tháng. Nơi chúng tôi ở là một ngôi làng nhỏ bé thuộc miền duyên hải, cách đường xe lửa tới hơn chục cây số, chỉ có hai cửa tiệm để cho dân mua sắm những thứ lặt vặt.

Tụi trẻ chúng tôi đều bảo nhau chuẩn bị các món quà mừng lễ rất sớm. Ngay từ tháng Bẩy, chúng tôi đã lo nhặt những cành thông thơm dịu rải đều trên mẹt phơi ngoài hàng hiên: Chúng tôi sẽ dùng những cành thông này nhồi vào gối làm quà cho bạn bè trên tỉnh. Chúng tôi lấy những miếng vải nhỏ mà Má không dùng nữa để khâu thành những áo gối và kiếm lá dương xỉ có mùi thơm dịu dàng ướp vào.

Về mùa Thu, chúng tôi lên rừng hứng nhựa tùng bách đựng vào lọ thủy tinh trong suốt. Ba tôi thích thứ nhựa này trong khi làm việc, nhất là những công việc nặng nề vất vả.

Chúng tôi lại ra biển tìm chỗ nào có ngấn nước thủy triều để lượm những viên đá màu rực rỡ đem về trang hoàng những cánh thư và nhà cửa, hoặc nhặt những vỏ sò trắng tinh và bóng lộn về làm khay đựng kim cho Má hay làm cái gạt tàn thuốc cho Ba.

Chúng tôi còn rủ nhau đi hái những bông hoa thật đẹp, gom lấy những hạt giống quí trước khi mùa sương muối tới, gói vào trong những miếng giấy màu vui tươi, rồi đề địa chỉ gửi làm quà cho chú thím, cô bác cùng anh chị em trong họ.

Em trai tôi đã lãnh nhiệm vụ săn sóc cây táo cho xanh tươi trong suốt mùa nắng. Tới tháng Tám, em tôi trèo lên gắn vào mỗi trái một phong thư trắng.

Sáu tuần sau khi táo chin, trái nào trái nấy đều có một cánh thư xinh xắn bám chặt một bên. Vào sáng ngày lễ Giáng Sinh, mỗi đứa chúng tôi đều thấy trong bít tất của mình một trái táo thơm ngon với chữ đầu của tên mình in vào đó.

Hàng năm cứ vào ngày mồng một tháng Chạp là Ba tôi gọi chúng tôi lại để Người dạy bảo. Người cho anh em chúng tôi mỗi đứa một tấm giấy bạc mới toanh. Chúng tôi sẽ dùng số tiền này để mua sắm các món quà cho tất cả mọi người trong nhà.

Theo thói quen, chúng tôi có bổn phận sắm một món quà riêng cho Ba và Má. Chúng tôi đã để dành được một món tiền và bây giờ chúng tôi có thể dùng số tiền này để mua sắm thật sớm những vật liệu mà chúng tôi muốn biến chế thành những món quà. Chẳng hạn đối với Má, chúng tôi sẽ làm một cái kệ đựng chai lọ thuộc loại “thuốc ho bà Lang Trọc”, mấy cái khăn lau bát, vài cái áo làm bếp và những chiếc gối nhỏ trong có nhồi nến để Má dắt kim cho khỏi rỉ: Tất cả đều được làm bằng lụa hay vải mới, trên có thêu hình ảnh hay dấu hiệu có ý nghĩa tùy theo sáng kiến của mỗi người.

Món quà dành cho Ba có lẽ khó hơn. Ông anh cả của tôi đã có lần kiếm một cành cây đặc biệt đem về hơ lửa, uốn nắn thành một cái ba toong thật đẹp. Anh ấy dùng xi đánh cho chiếc gậy bóng loáng, rồi lấy đồng bịt đầu nhọn lại. Ba tôi tỏ ra rất hài lòng và yêu quí chiếc gậy nầy lắm.

Chúng tôi cũng có thể biếu Ba tôi một cái áo nỉ ấm áp để Người mặc đi làm trong những ngày mưa phùn gió bấc. Ngoài ra chúng tôi cũng có thể tặng Người  một cái gối mới pha nhiều màu để dùng với bộ trường kỷ đặt trong phòng riêng của Người.

Có lần chị tôi đã gây nên một cuộc khủng hoảng giữa chúng tôi vì chị ấy đã tiêu gần hết số tiền dành sắm sửa các món quà Giáng Sinh để chỉ mua có mỗi một tờ đặc san Sinh Nhật mà Ba Má thích. Như thế thì hỏi với số tiền ít ỏi còn lại, chị ấy sẽ xoay sở làm sao để có thể mua đủ các món quà khác?

Chờ đến sáng hôm lễ Giáng Sinh, chúng tôi mới thấy cái tài quán xuyến của chị ấy cũng như hiểu được lý do tại sao chị ấy đã dùng rất nhiều thì giờ lủi thủi một mình trong cái “chái” lạnh lẽo ở đầu nhà.

Chúng tôi đã phục chị sát đất!

Chị ấy đã mua hàng tá kẹp quần áo và mấy hộp sơn xanh và vàng. Các bạn có biết chị ấy làm gì không? Chị ấy dùng mấy cái kẹp áo chắp nối với nhau thế nào mà sau chỉ cần lấy vải may chùm ra ngoài là được hai con búp bê tuyệt đẹp dành cho hai em nhỏ nhất trong nhà. Còn những người khác, chị ấy lấy sơn quét lên những cái kẹp còn lại với những kiểu cách khác nhau để cặp những chiếc màn gió tại phòng của mỗi người. Chị ấy cũng sơn luôn cả những cánh hoa nhỏ li ti dùng làm đồ chơi cho chúng tôi nữa.

Mua những cái nơ để buộc lên các món quà cho mỗi người là một món tiền quá lớn đối với chúng tôi. Bởi vậy chúng tôi lấy kim đan chọc thủng từng hàng theo hình nơ trên món quà rồi lấy những sợi len óng ánh đủ màu đan vào.

Một trong những phong tục tại quê tôi về ngày lễ Giáng Sinh mà tôi ưa thích nhất là trang điểm lại những món quà cũ để biến chúng thành những món quà mới. Ba Má tôi cũng cảm thấy không cần thiết phải có những món quà hoàn toàn mới một khi có thể sửa lại những món quà cũ thành vui tươi hấp dẫn.

Vào ngày lễ Giáng Sinh thứ bảy trong đời tôi, cô tôi đã tặng cho tôi một con búp bê mà tôi hằng mơ ước. Mỗi năm tôi cảm thấy yêu búp bê hơn ; và mỗi lễ Giáng Sinh, tôi lại lo may cho búp bê một cái áo mới. Có lẽ tôi sửa lại búp bê để nó có một cái đầu mới với mớ tóc duyên dáng óng mượt, rồi đặt ngồi tựa vào gốc cây Giáng Sinh ; có lẽ tôi đặt búp bê nằm chơi trong một cái nôi xinh xắn mà ba tôi đã khéo léo dùng gỗ sẵn có trong nhà đóng thành và lấy sơn trang điểm thật đẹp mắt. Rồi Má tôi làm một cái đệm bông êm ái đặt lên.

Má rất có hoa tay trong việc sửa sang chỗ ở của búp bê. Một lễ Giáng Sinh nọ, Người đã đan những đôi bao tay bé tí xíu cho các búp bê rồi dùng những sợi dây nhỏ treo lên trông thật ngộ nghĩnh.

Tới cái tuổi lên chin lên mười thì lũ con gái chúng tôi đã bắt đầu tham dự vào công việc làm các loại bánh mừng lễ Giáng Sinh. Đây là những món quà nhỏ không đáng giá là bao, song tượng trưng một tấm lòng chân thành và nhẫn nại của tuổi trẻ chúng tôi.. Chúng tôi nhào bột nặn những chiếc bánh bít-quy có hình ngôi sao năm cánh rồi lấy kem trắng hoặc đỏ rải lên trên. Chúng tôi cũng đúc những chiếc bánh ngọt rồi dùng kem vàng, kẹo đỏ và những lá cây xanh bằng bột trang hoàng cho bánh thêm rực rỡ. Chúng tôi còn dùng mứt gừng gọt thành hình người rồi ngắt những trái linh dương (một loại nho) gắn lên làm mắt và cúc áo.

Thời gian sắp tới ngày lễ Giáng Sinh là thời gian chúng tôi nôn nao nhất. Chúng tôi chặt cây ở một ngọn đồi gần nhà và chúng tôi luôn luôn làm việc này trước ngày lễ tới một tuần để có đủ thời giờ bầy biện. Chúng tôi lấy bắp rang lên, dùng dây xiên thành những sợi dài treo tòn ten trên các cành cây để làm giả tuyết. Mùi thơm của bắp rang tỏa ra khiến cây Giáng Sinh trở nên dễ thương lạ thường!

Chúng tôi còn sắm sửa cho chính chúng tôi mỗi người một đôi bít tất thật dài và thật chắc. Chúng tôi cũng không quên sắm luôn cho chú chó Vện, chị mèo Mi-nu, bác bò Vàng và thím ngựa Vằn của chúng tôi. Cố nhiên giống nào đều có quà riêng cho giống ấy: mèo sẽ có một chú cá tươi và một con chuột nhắt bằng len màu xám, chó sẽ được một khúc xương to còn bám đầy thịt và một trái banh gỗ sơn xanh, bò sẽ có một bó rơm thơm phức và một cái chuông vàng sáng chói, ngựa sẽ nhận được một chiếc bít tất đầy nhóc khoai tây và cà rốt.

Đến buổi chiều áp lễ Giáng Sinh, chúng tôi đã hoàn tất mọi việc. Đấy là thời gian đánh dấu năm cũ sẽ qua đi, là lúc Ba tôi trịnh trọng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện Chúa Hài Đồng sinh ra nơi máng cỏ cách đây hàng ngàn năm, là thời gian bắt đầu một cái gì kỳ diệu và tinh khiết của ngày lễ Giáng Sinh.

Hàng triệu người trên khắp thế giới tiêu tiền cho những món quà làm sống lại đêm Chúa ra đời, tất cả đều nao nức đón nhận một đêm đông thánh thiện với những lời ca:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”


VĂN TRUNG        
Viết theo Mary Ellen Chase


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 70, ra ngày 24-12-1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>