-
Nghi, Vị Nghi.
Nhưng
tôi vờ như không nghe, cứ băng mình chạy xuống đồi. Gió se lạnh hai bên má. Tôi
suýt soa thọc tay vào túi áo. Vừa đi tôi vừa nghĩ, phen này mẹ về tôi phải mách
lại chuyện này mới được. Dù tôi chắc mẹ sẽ buồn khi biết chị em tôi cứ hay gấu
ó nhau như chó với mèo.
Chạy
một đỗi, người bớt lạnh. Tôi tháo giầy ra, ngồi bệt xuống đất. Tiếc rằng chẳng
có ai “rước em lên đồi cỏ non ngập lối, níu em lên ngồi trên bãi cỏ tơ. Vươn
đôi chân êm, thân tròn ơn mưa móc, hãy vứt chiếc dép bước đi ôm cỏ mềm…” (Cỏ
hồng của Phạm Duy). Chú chó Winky nhảy phóc ra khỏi giỏ, ngoạm một chiếc giầy
của tôi. Nó vừa nhảy vừa nghịch. Điệu này không khéo hư giầy tôi mất.
-
Winky, Winky.
Con
chó nhỏ bướng bỉnh không kém tôi. Nó ngoạm chiếc giầy chạy len lỏi qua các bụi
cây. Cuối cùng tôi phải chịu thua nó, quơ chiếc giầy còn lại bỏ vào giỏ đuổi
theo.
Winky
chạy cách xa tôi hai thước, nó tỉnh bơ mặc cho tôi gọi, tôi réo. Mải miết theo
dõi con chó, tôi đâm sầm vào một anh chàng (à quên, khi tôi nhìn kỹ lại mới
thấy đó là một người đàn ông trạc 30 tuổi). Ông ta đang loay hoay vẽ tranh. Ứ
ừ, ông này trông quái đản ghê, họa sĩ gì lại đi dựng giá vẽ giữa đường giữa sá
thế này. Tôi nhìn ông ta rồi lại nhìn bức tranh.
-
Xin lỗi ông ạ!
Nói
xong, tôi lại tiếp tục đuổi theo con Winky. Con chó nhỏ làm thế nào không biết
lại để rớt chiếc giầy xuống suối. Tôi nhặt lên, ướt cả bên trong, đành bỏ vào
giỏ và mang trở về. May ghê, tự nhiên hôm nay tôi hứng nên mang vớ, những ngày khác
thế nào chân tôi cũng bị sưng phồng lên khi phải đi bộ một quãng xa mà không có
giầy.
Trở
lại chỗ cũ, tôi thấy ông họa sĩ đang thu dọn mầu vào hộp. Tôi hỏi:
-
Ông này, ông vẽ gì thế?
-
……
-
Tôi thích hội họa lắm cơ! Ông chỉ tôi cách vẽ và pha mầu đi.
Tôi
hỏi hai câu, không được trả lời. Tự nhận thấy mình vô duyên quá (vì nói mà
chẳng được người nghe trả lời). Tôi im lặng, tính bướng bỉnh trở lại trong tôi.
Cúi xuống, tôi ôm con chó nhỏ lên tay, tôi thì thầm với nó nhưng đủ để cho “ông
lạ mặt” nghe:
-
Thôi mình về Winky, đừng thèm ở lại với kí người khó tính nầy nữa.
Tôi
lên đồi. Chẳng nghe người lạ gọi lại. Ơ, mà ông ta đâu có biết tên tôi và sao
tôi lại nghĩ về ông ta nhiều quá vậy.
*
Trái
với dự định, mẹ về tôi lại không mách chuyện chị Vị Thanh bắt nạt mình, cũng
nhờ tài “ngoại giao khéo léo” của bà ấy. Để bù lại cái tát tai, chị Vị Thanh đã
cho cô em gái cuốn tập có những tờ pelure trắng dùng viết nhật ký.
Buổi
chiều, tuy mới năm giờ, u Thạnh đã phải đốt lò sưởi. Trời rét quá đi. Mẹ đang
soạn lại áo ấm cho hai chị em. Chị Vị Thanh đòi mẹ đan áo mới, viện cớ áo cũ
ngắn quá. Riêng tôi, áo nào mặc cũng được, miễn chống được lạnh là đủ. Dạo này
tôi thấy chị Vị Thanh làm dáng kinh khủng, chị để tóc dài tới vai. Còn tôi, eo
ơi tóc ngắn cũn cỡn như con trai. Có lẽ tôi còn bé quá, với số tuổi 14 tôi chưa
đủ khả năng làm đẹp riêng cho mình.
Ngồi
mãi một chỗ cũng chán, tôi nhẩy chân sáo xuống bếp.
-
U nầy, sắp đến Noel rồi nhỉ!
-
Ừ, chớ Giáng sinh ni mi có đi mô không?
-
Chưa biết chừng nữa. Nhưng chắc năm nay con không theo đoàn xuất du.
-
Rứa thì hôm Noel mi kêu con Hồng lại đây làm bánh với tao.
-
Con làm cũng được vậy.
-
Mi mà biết chi.
-
Thôi con đánh trứng cho.
-
Ừ, cũng được. Miễn mi không ngồi chơi là được.
Vừa
nói chuyện, tôi vừa bốc khoai tây chiên ăn. U Thạnh nhìn thấy u đuổi tôi chạy
một mạch lên nhà trên.
Bữa
cơm chiều, tôi nói nhiều hơn ăn.
-
Mẹ nầy, hôm qua đi chơi, con gặp cái ông kỳ lạ lắm cơ! Con hỏi gì cũng chẳng
nói.
Mẹ
đang nói chuyện gạo than, nắng mưa với u Thạnh nên không để ý lời tôi nói. Còn
chị Vị Thanh thì vừa ăn vừa xem truyện, cũng không thèm đáp lại. Bực quá, tôi
chẳng nói nữa cứ cắm cúi ăn, định bụng sẽ cho con nhỏ Sao Hồng biết chuyện nầy.
*
Đi
bên cạnh tôi, Sao Hồng cứ suýt soa kêu lạnh. Ừ mà trời lạnh thật. Hai ngày nữa
đến Giáng sinh rồi. Từ nhà của Sao Hồng xuống, mắt tôi ngợp trước một rừng hoa
trắng. Tôi nhớ tới hai câu thơ “Tống biệt” của Tản Đà:
“Lá đào reo rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi”.
Hoa
đào trắng phau phau rất đẹp, nhưng ép trong tập hay nát nên tôi không thích.
Tôi ưa mimosa, có lẽ nó giống như viên thuốc bổ vẫn thường uống sau bữa cơm và
nó dễ ép. Tôi nói với Sao Hồng:
-
Ê mi, còn học một hôm nữa thì nghỉ. Sướng nhé!
Con
nhỏ hưởng ứng:
-
Bữa này vào lớp có tiết mục hay ho lắm.
-
Gì?
-
Văn nghệ.
Tôi
nguýt dài:
-
Tao chúa ghét mấy mục lẩm cẩm này. Vả lại tao thấy lớp mình nhiều nghi kỵ quá,
tụi nó ưa đặt điều. Tao không thích.
Sao
Hồng phân bua:
-
Mi coi lớp mình có 70 mạng, 30 mạng không thèm biết đến các hoạt động của lớp,
28 mạng chuyên môn xem các tờ báo phụ nữ lá cải. Còn lại là tụi mình. Sĩ số ít
ỏi quá. Chúng ta không thể làm gì được…
Sao
Hồng ngưng nói, nó chỉ tay về phía trước thì thầm:
-
Nghi ơi, ông họa sĩ nào vậy mi?
-
Tao nào có biết. Có điều “cha nầy” lạ lắm Hồng ạ!
-
Kể tao nghe đi.
-
Ừ để chút nữa đã.
Ngang
qua mặt cái ông khó tính, tôi dừng lại:
-
Chào ông.
Lần
đầu tiên tôi nghe ông ta nói:
-
Cô bé vui lòng cho tôi chụp một tấm ảnh nghe.
(Ơ,
đã bảo ông lạ mặt nầy rất ư quái đản mà). Tôi hỏi lại:
-
Chụp để làm gì ạ? Vả lại tôi chẳng có điểm gì đáng cho ông chụp.
Người
đàn ông đáp:
-
Có chứ, cô bé rất giống em gái tôi.
-
Thế thì ông về tìm cô em ông mà chụp. Tôi còn phải đi học.
Nhìn
vào cặp mắt người đàn ông, tôi thấy những tia nhìn van lơn.
-
Em tôi… đã chết.
Con
nhỏ Hồng huých tôi:
-
Trễ giờ học bây giờ, mi cứ để “bác” chụp đi có sao đâu.
Tôi
phát phì cười vì tiếng “bác” mà Sao Hồng dùng để chỉ người đàn ông lạ mặt. Sau
một hồi đắn đo, tôi bằng lòng. Kệ cứ chụp.
Người
đàn ông rối rít cám ơn. Ông ta hỏi tôi tên gì, học lớp mấy, nhà ở đâu.
Tôi
hỏi lại ông ta, ông ta lắc đầu.
-
Rồi cô bé sẽ biết tên tôi.
Sao
Hồng nhìn đồng hồ, hối tôi đi học. Từ giã người lạ mặt, hai đứa chạy lúp xúp
như hai con khỉ đến trường.
*
Chiều
ngày áp lễ Giáng sinh, tôi nhận được món quà đặc biệt. Món quà bọc giấy hoa
thật đẹp trên có hàng chữ bay bướm gửi tặng Vị Nghi. Mở quà ra, tôi ngạc nhiên
suýt rú lên một tiếng thực to. Một bức tranh vẽ tôi mặc quần Jean bó sát ngắn tới
đầu gối, áo cánh màu đỏ, tay cầm chiếc giầy hồng bị ướt, một bên chú chó Winky
le lưỡi. Không cần suy nghĩ lâu lắc, tôi biết ngay bức tranh nầy là của người
đàn ông lạ mặt. Ông ta vẽ tôi thật giống, chắc chắn nhờ vào tấm ảnh chụp.
Nhỏ
Sao Hồng đi lên, mặt mày dính đầy bột, nó véo tôi.
-
Nghi, xuống phụ tao lấy bánh ra coi. Mi ngắm cái chi mà lâu dữ vậy.
-
Ừ ừ, chờ tao chút.
U
Thạnh với con nhỏ Sao Hồng làm bánh thì ngon nhất đời. Giáng sinh nầy tôi đầy
đủ quá.
*
Buổi
tối Noel tôi thức đến ba giờ khuya. Sáng nay thức dậy hết nổi. Trời cao nguyên
lại rét nữa, thành thử mãi đến 11 giờ tôi mới tỉnh giấc, nhưng vẫn còn nằm quấn
chăn định ngủ nướng. Tôi nghe con nhỏ Sao Hồng hỏi mẹ tôi:
-
Nghi thức chưa hở bác?
Gớm
sao hôm nay con nhỏ đến sớm dữ vậy kìa. Tôi nói vọng ra:
-
Tao thức rồi, vô đây chơi.
Sao
Hồng đâm sầm vào. Nó quăng cho tôi tờ báo (con nhỏ là chúa bày đặt). Tôi nhặt
lên, liếc qua trang đầu. Bức hình quen thuộc đập vào mắt tôi.
-
Ai như ông họa sĩ mình gặp ấy nhỉ.
-
Ừ đúng đó.
-
Răng ông ấy có hình đăng ở đây?
-
Mi đọc đi rồi sẽ biết.
Chàng là một họa sĩ trẻ, 28 tuổi, mồ
côi từ thuở nhỏ. Chàng sống với người em gái 14 tuổi. Trong lần uống rượu say
lúy túy, chàng không nhận ra phải trái nên đã lỡ tay giết chết cô em gái yêu
dấu nhất đời. Sự việc xảy ra khiến chàng hối hận. Bỏ thành phố, bỏ sự nghiệp dở
dang, lên cao nguyên sống tại đây, hàng ngày chàng tiếp tục sáng tác trong cô
đơn. Và vì hối hận dày vò, ngay trong đêm Giáng sinh chàng đã tự tử chết, trên
tay còn nắm chặt bức ảnh của một cô bé.
Sao
Hồng nói:
-
Coi chừng ta với mi bị liên lụy đó nghe.
-
Tội nghiệp người đàn ông quá.
Tôi
nhìn ra khu vườn nhà mình. Hình như hôm nay hoa hồng nở thêm một bông.
Trương thị NGỌC DUNG
(Em
Dung dành tất cả ưu ái về cô L. đó)
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 40, số cuối cùng, ra ngày 20-12-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét