Thấm thoát Thiếu Nhi đã ra được 51 số. Một năm trời trôi qua với đủ nỗi buồn vui, nhiều khi say mê, hăng hái ; đôi lúc mệt mỏi, chán chường ; được khen ngợi khuyến khích cũng nhiều, mà bị chỉ trích, xuyên tạc đã lắm! Hôm nay ngồi viết những dòng chữ này, nhân dịp kỷ niệm đệ nhất chu niên tuần báo TN, tôi muốn gửi tới các em độc giả thân mến một số kỷ niệm những buồn vui mà tôi đã thâu lượm được trong suốt một năm làm việc ở tòa soạn.
KHỞI ĐI VỚI NHIỀU KHÍCH LỆ QUÝ BÁU
Trong thời gian sửa soạn cho số ra mắt của tờ báo, phải thành thực mà công nhận là chúng tôi (Nguyễn Hùng Trương và Nhật Tiến) đã nhận được rất nhiều sự yểm trợ tinh thần của các bậc phụ huynh, các nhà giáo, và anh chị em văn nghệ sĩ. Anh Lê Tất Điều, dưới bút hiệu Kiều Phong viết một loạt bài trên 4, 5 nhật báo, báo động sự xâm nhập đáng ngại của các sách báo nhảm nhí trong lãnh vực tuổi thơ để hỗ trợ tinh thần cho tòa soạn. Anh Hồ Nam trên báo Hòa Bình dành nguyên một kỳ văn nghệ cuối tuần để viết một bài dành riêng cho Thiếu Nhi số ra mắt. Hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ trong Trung tâm Văn Bút VN đều gửi đến chúng tôi những lời thăm hỏi, khích lệ và bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề sách báo của Thiếu Nhi. Ở lãnh vực giáo dục, chúng tôi nhận được của ông Giám Đốc Nha Trung Học Tư Thục một lá thư đặc biệt giới thiệu tới tất cả các trường học trên toàn quốc cho phép phổ biến Thiếu Nhi, đây là một biệt lệ ít có. Tại Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, vấn đề sách báo cho Thiếu Nhi được Linh mục Thanh Lãng, chủ tịch Trung Tâm Văn Bút VN và Trưởng ban Nhân Văn Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục đề cập tới và giới thiệu đặc biệt riêng tờ Thiếu Nhi. Tại Thượng Nghị Viện, nghị sĩ Hoàng Thế Phiệt gửi thư riêng cho tòa soạn ca ngợi thiện chí của tờ báo và hứa sẽ vận động các bạn đồng viện chú trọng, nâng đỡ để phổ biến một tờ báo lành mạnh, hữu ích như Thiếu Nhi.
Còn thật nhiều khích lệ nữa kể sao cho siết, cho nên hành trang tinh thần của Thiếu Nhi lúc khởi hành thật dồi dào, phong phú, đem lại cho tòa soạn thật nhiều hứng khởi để hoạt động.
Nhân đây, thay mặt cho toàn thể tòa soạn, chúng tôi xin chân thành cảm tạ tất cả quí vị đã dành cho TN sự yểm trợ tinh thần trong suốt một năm qua.
CÓ NHẬN QUẢNG CÁO HAY KHÔNG?
Thiếu Nhi ra được 2 số thì tòa soạn nhận được một văn thư của ông Giám đốc một hãng Hàng Không đề nghị dành cho TN 1 trang quảng cáo ở bìa sau, với hảo ý giúp TN thêm phương tiện vật chất để có thể duy trì được lâu dài. Tòa soạn hội ý với nhau rồi đi tới quyết định đành phải khước từ. Đăng một trang quảng cáo là mất đi một trang bài vở cho các em. Bìa sau lại có nhiều mầu sắc rực rỡ, lấy đi sẽ làm các em thiệt thòi. Từ chối thì tiếc thật, nhưng đành, vì tất cả dành cho các em Thiếu Nhi là chủ trương của tòa soạn.
TẤT CẢ CHO CÁC EM
Thật đúng vậy. Tất cả là cho các em TN. Bởi thế, vấn đề chính là phải làm sao cho TN tới được tay các em để mọi nỗ lực của tòa soạn không bị uổng phí. Mặc dầu việc quảng cáo cho tờ báo đã tổ chức rầm rộ, nhưng Thiếu Nhi vẫn còn nhiều người chưa biết tới. Một loạt bích chương nhiều mầu được in ra và tòa soạn đã mở một cuộc xuống đường tự tay đi dán bích chương khắp mọi đường phố. Trước hết ở Saigon. Rồi từ Saigon tòa soạn đổ xuống mấy tỉnh miền Nam. Dưới nắng gắt buổi trưa, trong cơn mưa tầm tã của buổi chiều, trước trường học, trong công viên, trên đường phố, ở Bình Chánh, ở Gò Đen, ở Long An, ở Mỹ Tho, ở Kiến Hòa... Nhân viên tòa soạn, kể cả chú nhiệm đã leo lên cây, lên tường, dán những tấm bích chương rực rỡ. Mồ hôi hòa lẫn nước mưa. Niềm vui trong cơn mệt nhọc. Vất vả thật, nhưng hy vọng tờ báo tới được tay các em, một vấn đề cần thiết để ngăn chận ảnh hưởng của biết báo sách báo nhảm nhí đang lan tràn...
BÁO KHÔ, BÁO NẶNG, COI CHỪNG SẬP TIỆM
Hai mươi lăm tuần lễ trôi qua, hai mươi lăm số báo đã trình diện độc giả. Tòa soạn bắt mạch dư luận qua những ý kiến trực tiếp cũng như qua thư từ. Một kết luận chung được rút ra là tòa soạn đầy mặc cảm mô phạm, tinh thần giáo dục theo kiểu học đường đã thể hiện đầy dẫy trên các bài vở. Nói khác đi, nội dung các bài đều tốt, bổ túc hữu hiệu cho kiến thức học đường, nhưng hầu hết đều thiếu một yếu tố quan trọng lôi cuốn các em. Đó là yếu tố linh động. Bởi một tờ báo không phải một học đường thuần túy. Nó phải uyển chuyển hơn, nhẹ nhàng hơn, kiến thức xâm nhập vào các em không ở sự bó buộc mà là sự thích thú, tự nguyện. Nhưng biết dễ, làm khó. Bởi viết hay dịch một bài khảo cứu, sưu tầm thì chỉ cần một số vốn sinh ngữ, nhưng biến bài khảo cứu khô khan thành linh động, tươi vui mà vẫn chuyên chở hết được nội dung là cả một vấn đề không phải ai cũng làm được. Nhưng dẫu sao, tòa soạn cũng rút tỉa được một bài học nghe thì thật tầm thường nhưng rất quí giá : đó là báo khô, báo nặng, coi chừng sập tiệm! Đường lối mới của tòa soạn đề nghị với các anh chị em cộng tác là tránh các lối dịch nguyên văn, tránh cách trình bày một bài theo lối sưu khảo thuần túy, càng đem được tinh thần dí dỏm tươi vui vào bài báo càng tốt. Sau đó, nhiều bài đã dịch xong phải xếp lại, một số bài sắp chữ sẵn ngay từ những số đầu còn đọng lại nay cũng bị gác luôn. Một vài loạt bài đang đăng giở phải cúp ngang xương. Quyết định này gây sứt mẻ không ít đối với một số anh em cộng tác. Một trong những phản ứng làm tôi buồn thấm thía là được trả lời trong một lần đi hỏi bài : "Chừng nào đăng hết bài cũ rồi mới lấy bài mới chứ. Viết mà không đăng thì lấy bài làm chi". Tôi biết đấy là một lời trách móc do lỗi ở phần tôi. tôi không buồn vì không xin được bài, nhưng buồn vì chuyện bài vở đã gây nên sự sứt mẻ đáng tiếc. Tôi có thể hàn gắn lại dễ dàng bằng cách đem bài ra xếp chữ. Nhưng tôi không thể làm thế. Vấn đề sống còn của tờ báo thì sao?
MỘT CHUYÊN VIÊN ĐÁNG GHÉT
Qua thư từ của các em độc giả, thì tôi là một chuyên viên ném bài vô sọt rác. Lời trách móc đó chỉ đúng có một nửa. Loại bài của các em đi thì có, nhưng ném vô sọt rác thì không.. Tòa soạn có một tủ riêng để lưu trữ những bài bị loại. Lưu trữ để làm gì, tôi không biết nhưng để đó còn hơn là thủ tiêu cho biệt tích. Vấn đề chính mà các em thắc mắc là tại sao bài của các em bị loại. Có tiêu chuẩn nào để lựa đăng bài của các em không? Nếu muốn được đăng thì các em phải viết thế nào? Tiện đây, tôi xin trả lời chung về những thắc mắc ấy:
Trước tiên là như các em đã thấy, trang báo của TN chỉ có hạn. Bài dành cho phần sáng tác của các em vì thế cũng phải hạn chế. Tờ báo không phải một tuyển tập văn nghệ sáng tác mà phải dung hòa giữa 2 loại đơc5 giả : phần đông các em gái thích đọc truyện nhiều hơn, trong khi phần đông các em trai lại đòi tăng thêm phần tìm tòi, khoa học. Tráng báo đã hạn chế, bài vở của các em lại gửi về thật nhiều, từ đó phải có sự tuyển lựa. Tiêu chuẩn tuyển lựa là nội dung bài viết phải đừng quá tầm thường, đừng nhai lại những gì người khác đã viết. Phần đông các bài viết của các em tôi thấy mắc phải cái khuyết điểm này. Chẳng hạn các em thấy trên báo có bài đăng về ngày sinh nhật, thế là tuần sau ùn ùn các em gửi bài về viết toàn chuyện sinh nhật. Thử hỏi nếu đăng hết lên thì độc giả sẽ chán chường đến thế nào khi phải nhai hết bài này đến bài kia toàn một đề tài na ná nhau. Một thí dụ khác, trên báo có bài được chọn đăng viết về gia đình. Gia đình nào chẳng thông thường chia làm 2 phe : phe ba, phe má. Phe ba gồm các anh nghịch ngợm, phe má gồm các cô gái hay dỗi hay hờn, hay ăn quà vặt, và có chung một đứa em út có nhiều điều ngộ nghĩnh tức cười. Thế là tổng số các bài viết về nội dung đó, tòa soạn nhận được tới ba mươi bẩy bài. Các em thử nghĩ nếu đăng cả 37 bài này lên báo thì có khác gì phải ăn hoài 1 món ăn trong suốt một tháng liền không? Vậy vấn đề chính là các em phải chịu tìm tòi, suy nghĩ. Các em hãy tự hỏi điều mình viết ra có na ná những bài mà người khác đã viết rồi không? Nếu đúng vậy, tốt hơn các em nên tìm một đề tài khác. Các em sẽ cho là nếu đòi hỏi như vậy chắc sẽ chẳng có điều gì mà người khác chưa viết cả. Không phải như vậy đâu. Một nhà văn Pháp, ông Gustave Flaubert đã nói câu này : "Trong mỗi vật dù quen thuộc đến đâu cũng có một cái lạ mà chưa ai khám phá" Vấn đề là suy nghĩ, tìm tòi. Các em hãy cố gắng tập được cái thói quen đó.
Ngoài khía cạnh nội dung, về hình thức trình bày các em cũng cần chú ý tới nữa. Văn nên gọn gàng, mạch lạc, đừng nôm na quá nhưng cũng chẳng nên sáo quá. Cần nhất là tác phẩm phải có chi tiết. Chi tiết có được là nhờ sự quan sát, óc tinh tế. Thiếu chi tiết tác phẩm trở nên thẳng đuột như người kể chuyện thiếu thông minh. Thí dụ các em viết một bài về "Ngày chủ nhật của em" - Nếu các em kể : buổi sáng ngủ dậy đánh răng, rồi ăn sáng, rồi chơi với con mèo, rồi đọc truyện, buổi trưa ăn cơm rồi ngủ trưa... v.v... như vậy là các em đã kể một câu chuyện tầm thường, ai cũng biết rồi, chẳng có chi đặc sắc. Nhưng nếu em biết cho vào câu chuyện những chi tiết mới thì lại khác. Cái cảm giác lúc em mở mắt dậy vào buổi sáng chủ nhật, buổi sáng an nhàn, rũ bỏ mọi lo toan về bài vở ; buổi sáng yên tĩnh, trầm lặng khác hẳn những buổi sáng vội vã, hối hả của ngày hôm kia... phải cắp sách đến trường ; buổi sáng mà khi mở mắt dậy các em có thì giờ ngắm lên đỉnh màn nhìn thấy vài chỗ sứt chỉ, mấy con muỗi mọng còn bay chập chờn ; buổi sáng mà các em nghe thấy được các tiếng động ở trên mái ngói, đằng sau nhà, trong xóm nhỏ... v.v...Như thế chỉ cần tả lại riêng cái cảm giác lúc thức dậy vào ngày chủ nhật các em cũng đã có một bài văn đặc sắc, không tương tự ai với những chi tiết thật tầm thường mà mới lạ như vết rách trên đỉnh màn, con muỗi mọng bay vo ve, tiếng mái ngói cựa mình trong nắng sớm... v.v... Vậy các em hãy cố gắng đi, trong cái tầm thường thế nào cũng có những điều mà không ai nói tới. Nhờ tìm tòi, suy nghĩ các em sẽ viết khá hơn, và chừng hiểu được điều đó chắc các em sẽ chẳng có ý nghĩ như một em đã viết tới 14 trang thư về tòa soạn, trong có đoạn : ... "Hy vọng chú cũng nên đáp lại tình thương chân thành đó bằng cách hết lòng dang tay thu nhận tất cả mọi bài vở của các anh chị bốn phương mà không kể đến văn hay chữ dở gì nữa cả. Chú nhớ kỹ giùm nhé! Anh chị phương xa gửi bài về tham dự trên tuần báo TN ắt hẳn là ai chẳng mong bài mình sẽ được đăng lên mặt báo để rõ tài mình với thiên hạ. Vậy chú phải sắp xếp bài vở mỗi tuần làm sao để các bài của anh chị phương xa được đăng đều lên mặt báo TN tuần đó là được. Sở dĩ V. viết những trang giấy này cũng là vì các bạn V. và anh em V. vì yêu mến TN nên cũng hết lòng mang bài vở tham dự gửi về. Nhưng tức ơi là tức, ai đời gửi bài về trên dưới hơn cả tháng nay, bỏ công chờ đợi mà chẳng thấy đăng gì. Chú xử sự với các anh em và bạn của V. quý hóa quá chú nhỉ?"
Rồi ở một đoạn khác : "Mục thơ bướm trong vườn của chú nên trả lại cái tài tuyển lựa thơ văn cho chị ĐPK vì tâm lý chú là đàn ông làm sao hiểu rành thơ văn của các anh chị bằng chị Khanh là đàn bà được. Hơn nữa mục Vườn Hồng là do chị Khanh làm chủ mà. Việc gì chú lại mó tay vào làm, chỉ thêm mệt người mà thôi. Còn dư thì giờ chú để dành đi đánh xì phé".
Trách khéo lắm, mà đuổi khéo cũng khéo lắm. Nhắn riêng với V. rằng chú rất khoái khi đọc xong thư của V. Không làm báo T.N thì không bao giờ được đọc những trang thư tràn đầy thương mến và trách móc tương tự. Nhưng chú phải cái có tính lì. Một mai chú vẫn mó tay vào để không có dư thời giờ đánh xì phé. Đánh xì phé sao bằng làm báo T.N. Làm báo T.N vui hơn nhiều.
TÒA SOẠN... CÀ CHỚN!
Đấy là lời nhận xét của các em đã cất công tới thăm tòa soạn mà đi rồi lại về không. Trước hết đường Thiệu Trị là một con đường hiểm hóc không kém đường Nguyễn thông ở Sàigòn. Nó khởi đi từ mé hẻm Chuồng bò bên Cư Xá Kiến Thiết, băng qua Trương Minh Ký rồi vào Nghĩa Địa xuyên qua đường tầu đến Trương Tấn Bửu rồi tận cùng ở mãi bên gần Phú Nhuận. Biết thì kiếm dễ, không biết, có người đi cả buổi rồi lại về không.
Mướt mồ hôi kiếm được tòa soạn rồi thì chẳng có ai đón tiếp. Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, tuyệt nhiên tòa soạn không có cái vẻ gì gọi là bận rộn công việc của một tờ báo trừ cái biển lớn gắn ngoài cổng số nhà 159... Thế thì cà chớn thiệt ấy chớ. Nhưng thật ra tòa soạn Thiếu Nhi, không giống ai, chỉ làm việc vào buổi... tối! Kể từ 8 giờ sau khi cơm nước xong, mọi người mới tụ tập lại. Chị ĐPK tới cắt thư trong ngày rồi ngồi trả lời hay viết bài. Những người khác sửa bản in, làm thẻ gia đình, tham khảo tài liệu, viết bài, hay thảo luận công việc. Họa Sĩ Vi Vi ngồi minh họa. Chú Bách Khoa đánh vật với ba bộ Bách Khoa Tự Điển, thỉnh thoảng lầu bầu những gì, những gì không ai nghe rõ, nhưng hình như là suốt buổi không mấy khi thấy chú ta nhếch miệng cười. Gần tới giờ giới nghiêm, tất cả chia tay vội vã, để sáng hôm sau tòa soạn lại trở về với cái vẻ phẳng lặng mọi ngày. Sở dĩ mọi người phải làm việc theo lối "vạc đi ăn đêm" như vậy là vì ban ngày ai cũng bận. Hầu hết nhân viên đều là nhà giáo hay quân nhân. Nhà giáo phải bận công việc ở học đường. Còn quân nhân thì lại kẹt hơn nữa. Như Họa Sĩ Vi Vi, từ ngày có lệnh cấm trại, chỉ ghé tòa soạn được mỗi tuần đúng một lần. Trong tình trạng ấy, chỉ có buổi tối là có nhiều cơ hội nhất để gặp nhau. Đó cũng là lý do để các em thấy tại sao Thư Viện T.N. chỉ mở cửa hàng tuần có mỗi một buổi sáng chủ nhật!
Chuyện vui buồn một năm qua thì có kể ra đến trọn cả số báo cũng không hết. Muốn viết thật nhiều nhưng phải dành chỗ cho bài vở khác.
Bước qua một năm mới, hy vọng T.N. sẽ được phổ biến nhiều hơn, và qua sang năm, hẳn khi viết bài tổng kết sẽ có nhiều cái thật vui để hàn huyên cùng các em thân mến.
NHẬT TIẾN
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 51, ra ngày 13-8-1972)