Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

CHƯƠNG XIII, XIV, XV_SÔNG NƯỚC TIỀN GIANG


CHƯƠNG XIII


Dì Thảo tiễn đưa Thủy ra tận bến xe để nàng đi Vũng Tàu. Nghĩ đến lòng mến thương và sự giúp đỡ tận tình của dì, Thủy nói với một giọng đầy xúc động:

- Dì không khác nào một bà mẹ thứ hai của cháu. Cháu sẽ nhớ ơn trọn đời.

- Thôi, cháu cứ yên tâm ra ngoài đó. Dì không bao giờ quên cháu và dì biết ở ngoài đó cháu sẽ được an vui. Trên bước đường đời, bất cứ việc gì xảy đến, cháu cũng nên giữ vững “niềm tin”, dì chắc sau này đời sẽ mang lại cho cháu nguồn hạnh phúc xứng đáng.

Xe từ từ chuyển bánh, Thủy không cầm được giọt lệ lúc chia ly.

Chạy được nửa tiếng, xe đã tiến vào xa lộ Biên Hòa. Bữa đó là một sáng chúa nhật đẹp trời. Trên đường thiên lý, từng loạt xe cộ chạy về hướng Vũng Tàu. Phần đông là những gia đình đi hóng gió ngoài bãi biển. Xe cộ gồm đủ loại xe hơi, xe hai bánh, xe đò chở khách, nhiều xe tư gia phải kê thêm ghế phụ ở băng sau mới đủ chỗ ngồi. Lâu lâu, Thủy lại thấy một chiếc xe đã cũ chạy ì à ì ạch, vì ngoài một đại gia đình gồm từ bà nội tóc bạc phơ đến đứa cháu mới biết ngồi, trên xe còn chất thêm đồ ăn, ghế bố, nước ngọt để dùng trên bãi biển.

Những xe hai bánh đủ “mác” cũng không kém thi đua tốc lực. Nhiều xe cũng chở cả đủ mặt bầu đàn thê tử.

Các đoàn xe chạy nối đuôi nhau qua hết một thị trấn lại tới đồng ruộng hay rừng cao su. Du khách rất chú ý tới Quán Chim, Long Thành, rồi rừng Tràm ở Phước Tuy. Mọi chỗ đều nhiều vẻ quyến rũ nhưng du khách không dừng bước vì còn nóng lòng tới nơi mong đợi. Khi suối Cái và cầu Rạch Hào đã vượt qua thì thành phố Vũng Tàu xuất hiện.

Xe của Thủy chạy thẳng ra Bãi Trước. Đây là lần đầu tiên nàng thấy biển. Nàng có một cảm tưởng khoan khoái kỳ diệu, khi nàng được hít thở những làn không khí đầu tiên mằn mặn và mát dịu từ bể khơi đưa vào, và khi cảnh tượng trời cao biển rộng hiện ra trước mắt nàng như cả một khoảng tự do vô tận. Bên tai nàng, tiếng sóng rì rào nghe như một nhạc điệu ru hồn, nó át hẳn mọi âm thanh khác và nó làm nàng rung động đến tận đáy tim.

Thủy tới tiệm sách của bà Hiền vào lúc mười giờ sáng. Tiệm ở ngay gần chợ. Sau khi xem thư giới thiệu của bà Thảo, bà Hiền lộ vẻ mừng rỡ nói:

- À, tốt quá, cháu ra đây vừa đúng lúc cửa tiệm của dì đang thiếu người trông nom, nếu có cháu thì dì yên tâm hết sức. Trong thư, chị Thảo rất ca tụng các đức tính của cháu nên dì đặt hết lòng tin cậy vào cháu. Ngược lại, cháu cũng có thể coi dì như dì Thảo vậy.

- Thưa dì, cháu được dì thương mến giao phó công việc, cháu rất cảm động và cháu xin hứa sẽ không làm phụ lòng tin cậy của dì.

- Như vậy tốt lắm, bây giờ cháu mang hành lý vô nhà. Dì dành riêng cho cháu một phòng để ở.

Nói xong bà Hiền dắt Thủy vào nhà:

- Phòng của cháu đây.

- Thưa dì vâng.

Thủy thấy căn phòng thật xinh xắn, đồ đạc gọn ghẽ ngăn nắp, cửa sổ có treo chiếc màn thiên thanh trông ra một vườn hoa nho nhỏ, với những đóa hoa mầu sắc rực rỡ đang ngẩng chào ánh dương buổi sáng. Cảnh vật tựa một bức tranh đầy vẻ thái hòa này mang lại cho Thủy một niềm phấn khởi vô biên.

Từ hôm đó, Thủy nhận công việc tiệm sách. Trước kia ở nhà bà Phủ, nàng đã quen tổ chức công việc, tính toán tiền nong sổ sách, nên đối với tiệm sách này nàng không thấy gì bỡ ngỡ.

Nhờ sự vui vẻ, dịu dàng, khả ái của cô hàng tiệm mỗi ngày thêm đông khách, nhất là những ngày thứ bảy chủ nhật có nhiều du khách, phải mở cửa suốt ngày cho tới khuya.

Bù lại, tiệm đóng cửa ngày thứ hai để Thủy có thời giờ nghỉ ngơi và mua thêm hàng hóa tồn kho. Những ngày đầu tuần vắng khách, Thủy dùng thời giờ xếp đặt cửa hàng và đọc sách cổ kim.

Thỉnh thoảng, những ngày nghỉ, Thủy cùng Lan, một bé gái 12 tuổi, cháu gọi bà Hiền bằng cô, rủ nhau đi thăm thú những thắng cảnh Vũng Tàu.

Mỗi lần đi du ngoạn, Thủy lại cảm thấy tâm hồn rạt rào những xúc động kỳ diệu. Ngắm cảnh chán chê, hai cô cháu lại cùng nhau mê mải lần theo những mỏm đá, những vũng nước để bắt cua bắt cá, nhưng nhiều khi chỉ lượm được một ít vỏ trai vỏ ốc mà họ quý như những đồ châu báu, vì mầu sắc óng ánh hay hình dáng lạ lùng. Từ thuở lọt lòng, Thủy chưa bao giờ được hưởng những thú vui hồn nhiên như thế.

Cứ lần bước đi mãi, hai cô cháu chợt khám phá ra, ẩn hiện sau những mỏm đá quây lại như bức thành bao bọc, một làn nước trong vắt, như pha lê, nằm im lặng như ngủ mà một luồng ánh sáng êm dịu đang soi thấu tận đáy cát.

Để thay đổi tầm mắt, hai cô cháu leo lên những đồi cao để nhìn bao quát xuống một vùng biển bao la hơn. Khi đó, Thủy nhìn thấy một mặt biển phẳng lờ, khác hẳn một mặt biển sâu thẳm và sôi động với sóng vỗ ào ào như khi nàng đứng ngay ở bãi cát gần mặt nước.

Đi tới một mỏm núi xa, nàng thấy cảnh vật lại đổi khác. Hai cô cháu dừng chân đứng lại, dưới luồng gió mạnh từ ngoài khơi thổi vào liên miên không dứt, để theo dõi những con hải điểu tung hoành trên không trung rồi sà xuống mặt nước. Dưới chân núi, sóng dội ầm ầm như thác đổ, Thủy mê mải nhìn theo những ngọn xoáy kinh hồn, rồi lại ngước nhìn lên một ngôi đền vách trắng đứng trơ trơ trên sườn núi như muốn thi gan cùng tuế nguyệt, rồi mắt nàng lại chuyển qua một cánh buồm thấp thoáng tận chân trời.

Đứng giữa khung cảnh bao la hùng vĩ đó, nàng như bị lạc lõng giữa biên giới của đất liền, của biển cả, của trời cao. Lúc đó, nàng thấy mặt biển như một cánh đồng rộng mênh mông bằng nước, một mặt biển màu tím đã được các thi sĩ ngâm vịnh từ ngàn xưa, một mặt biển oai hùng đang cám dỗ trí mạo hiểm và những giấc mơ chinh phục trùng dương của những con người yếu đuối.

Đi mãi đã mỏi chân, hai cô cháu bèn tìm một bóng mát để nghỉ. Thủy ngồi tựa lưng vào vách đá, đôi mắt lim dim mơ mộng. Đàng xa, một con thuyền nhỏ đang bồng bềnh trên mặt sóng làm nàng liên tưởng đến cảnh ngộ của mình. Nhớ lại quãng đời ở Lái Thiêu, nàng bất giác thấy lòng mình se lại. Lúc đó, nếu có dì Thảo bên cạnh, chắc dì đã khuyên Thủy:

Thôi vương vấn chi hoài chuyện cũ, 

Mặc tình cho sóng gió nỉ non, 

Lòng tơ luống lại bồn chồn, 

Khơi dòng hoài niệm, ngừng tuôn mạch sầu.



CHƯƠNG XIV


Cuộc sống mới, với công việc đều đặn hàng ngày, với lòng thương mến của bà Hiền và của bé Lan, với những thú vui hồn nhiên, đã mang lại cho Thủy sự khuây khỏa và một niềm vui giản dị thanh cao. Dần dần, xóa nhòa trong tâm khảm của cô gái cù lao Reng.

Hai năm trôi qua... Một buổi sáng thứ ba, Thủy đang ngồi tính sổ sách, chợt một ông khách vào tiệm sách để mua hình ảnh. Sau khi lựa trên giá quay mấy tấm hình chụp phong cảnh Vũng Tàu và Long Hải, ông khách tiến đến quầy trả tiền.

Thủy đếm tiền trả lại và khi ngước lên, nàng thấy ông khách nhìn mình một cách chăm chú làm nàng phát ngượng. Ông khách bỗng cất tiếng hỏi:

- Xin lỗi cô, cô có phải là cô Thủy?

Nàng ngơ ngác đáp:

- Thưa vâng, nhưng xin lỗi, ông là ai?

- Tôi là Sơn ở Cao Lãnh.

Nàng giật bắn mình, kêu lên:

- Trời ơi! Cậu Sơn, trông cậu bây giờ khác quá, tôi không thể nào nhận ra.

- Vâng, chính cô Thủy cũng đổi khác nhiều lắm, nhưng vẫn còn giữ những nét đặc biệt mà tôi không thể quên được từ 5 năm nay, nên tôi mới nhận ra Thủy.

Rồi hai người không giấu nổi sự xúc động, không thốt được nên lời, hình như để cố ngăn những tiếng thổn thức nghẹn ngào trong cổ.

Sau một lúc lâu, nỗi xúc cảm đã nguôi nguôi, Thủy mời Sơn ngồi rồi nàng vào nhà trong lấy nước uống, luôn tiện mời bà Hiền ra để giới thiệu. Sau khi chủ khách chào hỏi, bà Hiền lui vào trong để hai người nói chuyện. Sơn bèn lên tiếng trước:

- Chắc Thủy vẫn thắc mắc không hiểu sao từ 5 năm nay tôi tuyệt âm vô tín.

- Vâng, tôi chỉ đoán chừng cậu bận học hành.

- Nếu chỉ bận học hành thì những vụ hè tôi vẫn có thể tìm đến thăm Thủy chứ.

- Cũng có lúc tôi nghĩ hoặc giả cậu đã quên con bé mọi rợ ở cù lao Reng.

- Trời ơi! Mỉa mai tệ! Chỉ khi xuống tuyền đài tôi mới có thể quên được.

- Thật vậy ư, thưa cậu? Thủy cảm động quá. Vậy nếu cậu không quên thì vì lẽ gì ạ?

- Chắc Thủy còn nhớ, năm đó, khi chúng mình chia tay, hôm sau tôi phải lên ngay Sàigòn để sửa soạn thi vào Đại Học Nông Lâm Súc. Sau đó, ba tôi đổi ý kiến và cho tôi qua ngoại quốc để học ngành bác sĩ thú y, cũng tương tự. Tôi vẫn muốn viết thư về cho Thủy, nhưng không rõ địa chỉ thế nào, mà gởi người quen thì cũng không tiện. Nay tôi đã tốt nghiệp trở về được ít ngày. Tôi ra đây vì công việc, nhân tiện nghỉ một vài tuần, sau đó tôi sẽ đi tìm Thủy. Ngờ đâu, không hẹn mà lại gặp Thủy ở đây, thật là Trời kia đã giúp tôi.

Ngưng lại để nhấp ly nước, Sơn hỏi tiếp:

- Còn Thủy thế nào? Có phải từ cù lao Reng, Thủy đã dùng con đò kỷ niệm để phiêu lưu xuôi giòng Tiền Giang, rồi vượt biển tới đổ bộ ở Vũng Tàu này phải không?

Hai người cùng cả cười.

- Cậu khôi hài quá. Chắc là cậu nhớ tới hành động dại dột của Thủy hồi đó chớ gì?

- Không những tôi nhớ mà còn phục nữa. Ấy chính là nhờ cái dại dột đó mà Thủy đã thành vị cứu tinh của tôi. Nếu không thì sao bây giờ tôi có hân hạnh ngồi đây?

- Chuyện Thủy ly kỳ lắm, kể hết cho cậu nghe thì phải mất cả ngày. Thủy chỉ xin tóm tắt.

Khi Thủy kể xong câu chuyện của nàng, Sơn không khỏi bồi hồi tấc dạ, chàng an ủi:

- Tôi thấy trong cái rủi thường có nhiều cái may. Nhưng chính sự đau khổ rèn luyện con người và giúp ta hiểu được chân lý. Thủy cũng ở trong trường hợp đó.

- Thủy không dám nhận là đã hiểu được chân lý, nhưng Thủy rất hiểu tư tưởng của cậu.

Lúc này đã gần 12 giờ trưa, Sơn cáo biệt ra về. Và từ hôm sau, hàng ngày chàng đều mang hoa lại tặng Thủy. Trong những cuộc đàm luận, chàng rất ngạc nhiên thấy Thủy hiểu biết rộng về triết lý người đời. Trong khi đang vui câu chuyện, Sơn nói:

- Chẳng dám giấu gì Thủy, có một điều tôi thấy ân hận là từ hôm gặp lại Thủy ở đây, Thủy vẫn giữ cách xưng hô từ 5 năm trước, nó có vẻ xa lạ quá đi. Vậy tôi muốn xin Thủy một ngôn từ khác được chăng?

- Xin tùy... “anh”.

- Cảm ơn Thủy lắm.

Thấm thoát, một tuần lễ trôi qua. Một hôn Sơn cho biết nhân dịp bế mạc một cuộc hội thảo ở Vũng Tàu, các sinh viên liên viện Đại Học sẽ tổ chức một buổi dạ hội văn nghệ, có mời chàng tới tham dự, vì chàng thuộc thành phần ban giảng huấn Đại Học. Chàng ngỏ lời mời Thủy cùng mình đi dự.

- Thủy rất cám ơn anh, nhưng xin anh miễn cho Thủy không thích tới những nơi đông đúc.

- Chẳng mấy khi tôi có dịp mời Thủy.

- Nhưng tôi không đi được, anh hiểu cho.

- Hay là Thủy sợ rằng mình không xinh đẹp, hoặc không ăn vận sang trọng bằng ai?

- Thế anh không biết cái căn nhà mà trong đó xưa kia tôi được nuôi dưỡng hay sao!

- Điều đó thì có gì là quan trọng.

- Tôi thấy những y phục lộng lẫy và những cử chỉ lịch sự không phải dành cho tôi.

- Trời ơi! Có phải vì thế mà Thủy e ngại thật sao?

Nàng không đáp. Sơn nói tiếp với một giọng tha thiết:

- Từ ngày tôi gặp lại Thủy ở đây, tôi có cảm tưởng rằng Thủy còn giấu tôi một điều gì về đời Thủy. Tôi đã được nghe Thủy kể lại rất dài về cuộc hành trình từ Cao Lãnh lên Lái Thiêu, về cái chết đột ngột của ba Từ, về đời sống ở Vũng Tàu này. Còn đời sống ở Lái Thiêu, Thủy chỉ kể lướt qua, mặc dầu Thủy đã ở đó được ba năm.

Thủy vẫn im lặng. Nhưng Sơn nhận thấy Thủy có vẻ bối rối nên chàng nói nho nhỏ:

- Tôi rất đau khổ khi nghĩ rằng một điều gì bí mật đã ngăn cách chúng ta. Tôi vẫn tưởng rằng Thủy tin cậy ở nơi tôi, nhưng tôi lầm. Tại sao Thủy không muốn đáp lại lời mời của tôi để đi dự buổi văn nghệ đó, nói cho tôi biết đi.

Nàng ngập ngừng một lát, rồi quay đi như có vẻ hổ thẹn, nàng kể lại cho Sơn nghe quãng đời ở Lái Thiêu, chuyện cậu Vinh, chuyện đi phù dâu, tiếp đến sự thất vọng. Nàng nói rất dài như sống lại thời gian ở Lái Thiêu. Khi kể xong nàng bưng mặt khóc.

- Anh Sơn, anh hiểu câu chuyện của tôi rồi. Tôi đã bị đau khổ nên bây giờ tôi không muốn làm gì khác một đứa con gái quê mùa, tầm thường.

- Đối với tôi cũng thế sao?

- Tôi được biết rằng tình bạn không phải là tất cả.

- Đối với cậu Vinh có lẽ đúng, nhưng còn đối với tôi?

- Có lẽ đối với anh cũng vậy, mà anh không hay biết.

- Trời ơi! Thủy làm con tim tôi đau nhói.

Chàng nói xong đứng dậy từ từ ra cửa, vì sợ ở đó không giấu được nỗi hận lòng.

Còn lại một mình, Thủy bỗng cảm thấy nỗi thất vọng tràn ngập tâm hồn, vì nàng đã làm cho Sơn mang hận. Từ trong nhà bước ra, bà Hiền thấy mắt nàng còn ngấn lệ vội hỏi:

- Cháu Thủy, có chuyện chi vậy? Sao cậu Sơn lại bỏ đi?

Nàng bèn thuật lại cuộc đối thoại vừa rồi và kể cả chuyện cậu Vinh ở Lái Thiêu.

- Tội nghiệp, chỉ vì lẽ đó mà cháu từ chối không đi dự dạ hội với cậu Sơn hay sao? Thế cháu không tin rằng cậu sẽ vui sướng và hãnh diện đến bậc nào khi có cháu đi cùng?

- Thưa dì cháu biết, nhưng cháu e ngại quá.

- Dì biết cậu ta rất quí mến cháu, quí mến một cách thật tình. Vậy cháu chẳng nên từ chối.

Nàng không đáp. Suốt cả ngày và một đêm hôm đó, nàng luôn luôn nghĩ đến Sơn, đến sự buồn phiền đã gây cho chàng. Hôm sau, khi chàng tới, nàng ra đón tiếp rất niềm nở.

- Anh Sơn, hôm qua tôi tàn nhẫn quá, anh tha lỗi cho tôi nhá. Bữa nào dạ hội, tôi sẽ đi dự cùng anh.

Chàng rất cảm động đáp:

- Thủy ơi, tôi biết rằng lòng tin cậy của Thủy sẽ trở lại.

Hai hôm sau, buổi văn nghệ được trình diễn trong một phòng rộng lớn trang hoàng lộng lẫy. Ở cuối phòng là một sân khấu, căng nỉ màu huyết dụ. Thủy cảm thấy bỡ ngỡ trong không khí tưng bừng đó, nhưng bên cạnh đã có Sơn nên nàng thấy yên dạ. Chàng nói với một giọng kiêu hãnh:

- Thủy coi kìa, mọi người đều quay nhìn Thủy, em không thấy sung sướng sao? Anh thì rất hãnh diện.

Sơn đã nói đúng. Vẻ đẹp cao quí rất khả ái của Thủy đã làm nhiều người chú ý và nhiều bà, các cô thuộc giới thượng lưu Vũng Tàu cũng mơ ước. Lúc đó, Thủy tưởng mình như đang sống trở lại bữa tiệc cưới ở Lái Thiêu, nàng tự nghĩ:

- Không, ta muốn xóa nhòa các kỷ niệm đó. Sơn không bao giờ giống Vinh.

Đôi bạn đi tới chỗ ngồi đã đành cho hai người.

- Chương trình hôm nay có gì thế anh?
Thủy hỏi.

- Anh được biết có phần trình diễn ca nhạc, rồi đến tiệc trà.

Quan khách đã tới đông đủ, nhạc hội bắt đầu khai diễn.

Thủy cảm động quá nên hình như nàng không chăm chú mấy đến các màn trình diễn. Thỉnh thoảng, nàng lại ngước mắt lên nhìn Sơn và thầm nghĩ:

“Có đúng rằng anh không giống cậu Vinh chăng? Giá như hồi trước ta không ở Lái Thiêu, thì có phải bữa nay ta được hoàn toàn sung sướng không?”

Chốc chốc Sơn cũng quay sang nhìn Thủy bằng con mắt thật dịu dàng, âu yếm, làm cho nàng thấy bối rối.

Trên sân khấu, các diễn viên với tài năng điêu luyện đã lôi cuốn khán giả qua những bài ca điệu hát lúc nghiêm trang, lúc hùng hồn, lúc đằm thắm, lúc êm dịu du dương.

Đôi bạn Sơn và Thủy có vẻ thích nhất những bài dân ca, như bài “Hát chèo thuyền” nói lên đời sống cần cù, không quản nguy nan và cái chí bất khuất của người dân Việt qua câu ca dao.

Chồng chài, vợ lưới, con câu.

Lênh đênh biển cả biết đâu bến bờ.

Khi nên tay kiếm tay cờ.

Không nên ta cũng chẳng nhờ cậy ai.

Hoặc như bài “Lý giao duyên” rất đằm thắm, lưu gót người viễn xứ bằng câu:

Tới đây thì ở lại đây.

Bao giờ bén rể xanh cây thì về.


Trong hơn một tiếng đồng hồ, đoàn văn nghệ sinh viên đã làm khán thính giả say mê, thả hồn theo những âm điệu tuyệt vời.

Tiếp theo đó là một tiệc trà. Sơn chạy ra gặp một số bạn quen, khi trở về chỗ cũ thì thấy Thủy đã biến mất. Chàng bèn đi kiếm khắp nơi trong phòng nhưng không thấy. Lo lắng, chàng tiến ra phía vườn, nhìn khắp các lối đi tranh tối tranh sáng. Chẳng thấy Thủy đâu, chàng lại trở vào phòng. Không nghi ngờ gì nữa, chàng đoán rằng Thủy khó ở nên về trước để khỏi phiền cho chàng. Chàng bèn hỏi thăm mấy anh sinh viên phụ trách trật tự ngoài cửa.

- Có, có, chúng em có thấy một cô đúng như anh tả, áo hồng, tóc bới cao, vừa ra khỏi đây độ mười lăm phút.

Sơn vội vàng ra xe về tới nhà bà Hiền thì thấy Thủy đang ngồi ở ghế mặt có vẻ nhợt nhạt. Bà Hiền ngồi bên cạnh đang khuyên giải. Sơn tưởng là nàng khó chịu bất ngờ, muốn giấu chàng nên bỏ về một cách vội vàng.

- Thủy, em làm sao vậy?

Nàng không trả lời. Sơn nhìn bà Hiền ra ý dò hỏi nhưng bà lắc đầu tỏ vẻ không biết.

- Thủy, sao đang vui em lại bỏ về? Anh có làm gì cho em phật ý không?

- Không, không.

- Vậy thì tại sao?

Mọi người im lặng. Bà Hiền đứng dậy đi vào nhà. Một ngọn đèn nhỏ soi gian phòng nên Sơn không thấy rõ mặt nàng đang cúi.

- Thủy, nói cho anh yên tâm.

- Em xin lỗi anh, đáng lẽ em không nhận đi dự dạ hội với anh mới phải.

- Sao lại lỗi em?

- Phải, lỗi em đã tin vào giấc mơ đẹp đó.

- Dầu sao em vẫn là nàng tiên của lòng anh kia mà.

- Không, anh Sơn, khi em trút bỏ bộ áo dạ hội này ra, em lại trở thành một kẻ tầm thường, mà chẳng một ai, kể cả em, biết từ đâu đến.

- Điều đó thì có quan hệ gì? Em tưởng rằng tình bạn của anh đối với em chỉ ở bộ áo mà thôi sao?

- Anh là giới thượng lưu xã hội, danh vọng có thừa, thiếu gì người ưa chuộng.

- Em nói chi lạ vậy?

- Anh biết em là một đứa con gái mọi rợ, tàn nhẫn.

- Đừng nói vậy em.

Rồi nàng sụt sùi khóc. Sơn ngồi yên lặng. Đợi cho nàng vơi bớt cơn sầu, chàng nói:

- Thủy, anh rất buồn khi thấy em tỏ ra thất vọng như thế. Nhưng tại sao em bỏ ra về, không đợi khi tiệc tàn anh sẽ nói với em một điều.

Nàng nhìn Sơn với đôi mắt dò hỏi:

- Điều gì vậy anh?

- Là ngày mốt anh sẽ về Cao Lãnh để thưa chuyện em với ba anh.

- Chuyện em?

- Anh sẽ xin phép ba anh cho anh được cùng em xây dựng hạnh phúc tương lai. Đó là điều anh muốn nói với em khi tan tiệc.

Thủy tự hỏi không biết có phải nàng đang mơ chăng? Lời Sơn nói có đúng không? Nàng nhìn Sơn rất lâu như vẫn còn nghi ngờ, rồi nàng bật khóc vì sung sướng.

Sau đó, hai người bàn tính công việc trong những ngày sắp tới. Ngày mốt thì Sơn sẽ giã từ Vũng Tàu. Một tuần sau vào ngày thứ sáu, Thủy sẽ khởi hành về Cao Lãnh, Sơn sẽ ra đón nàng ở bến xe vào lúc bốn giờ chiều. Đôi bạn sẽ tới cù lao Reng để thăm ngôi nhà cũ của ba Từ và tìm chiếc hộp bí mật. Bé Lan sẽ tạm thay Thủy để trông nom cửa hàng khi nàng đi vắng. 



CHƯƠNG XV

Tạm từ giã dì Hiền và bé Lan, Thủy cảm thấy trong lòng rất vui sướng được trở về quê cũ, nơi mà Sơn đang chờ đợi. Nhưng từ lúc bước chân lên xe, nàng lại thấy lo ngại vẩn vơ. Đành rằng Sơn không giống Vinh, đành rằng chàng đã hứa hẹn một cách rất gắn bó và Thủy rất tin tưởng nơi chàng nhưng dù sao chàng cũng hãy còn trẻ. Tại Cao Lãnh hoặc Sàigòn, thiếu gì những thiếu nữ đẹp, giàu, sẵn sàng để chàng chấm, hoặc những bà mai đến thuyết phục Ông Hội Đồng để tiến cử cô này, cô khác. Như vậy, chàng có thể quên Thủy, một cô gái nghèo, tầm thường này chăng?

Sự nghi ngờ đó đã trở lại trong đầu óc Thủy mà nàng không thể sao xua đuổi được suốt trong cuộc hành trình từ Vũng Tàu về Cao Lãnh. Mối lo ngại của nàng lại càng tăng thêm khi càng về tới gần Cao Lãnh. Đó là điều bí mật mà ba Từ đã trối trăng lại trước khi nhắm mắt. Ở Vũng Tàu, nàng cách xa cù lao Reng quá mà lại ở cạnh Sơn, nên nàng gần như quên mất điều bí mật đó. Bây giờ thì nó lại ám ảnh nàng đến nỗi nhiều lúc ngồi thiu thiu trên xe đang chạy đều đều, nàng mơ thấy những điều ghê rợn, mơ thấy nàng là con những tên trộm cướp đang bị truy nã. Có lúc nàng nghĩ: hay là mình không trở lại cù lao Reng nữa, thà mình không biết gì còn tốt hơn. Và một đôi khi xe đậu cho khách xuống, nàng thấy tâm thần khủng hoảng đến nỗi như muốn chạy trốn.

Trời đã về chiều khi những mái nhà đầu tiên của quận Cao Lãnh hiện ra. Trái tim Thủy như thắt lại. Quãng đường chót đối với nàng vừa quá dài lại vừa quá ngắn. Xe về tới bến, nàng nhìn trước nhìn sau chẳng thấy Sơn đâu. Uể oải, nàng bước xuống đứng đợi một lúc nữa. Không thấy gì, nàng bèn giao hành lý cho hãng xe giữ hộ, rồi thủng thẳng đi bộ tới bờ sông phía đầu cầu. Nàng kiếm một chiếc ghế đá để ngồi nghỉ chân. Đợi suốt một giờ nữa cũng chẳng thấy hình bóng người bạn đâu, nàng lẩm bẩm:

- Anh Sơn, lời hứa của anh đã thành vô giá trị rồi hay sao? Ồ không, em không thể tin rằng anh đã quên em.

Nàng ngồi gục mặt vào tay, khổ não. Đường phố đã vắng vẻ và mặt trăng mới lên chiếu ánh sáng vào các dãy nhà tường vôi trắng xóa. Nàng bèn đứng dậy, tiến bước lên cầu. Nàng thấy cù lao Reng như cám dỗ. Thủy, đi đâu vậy? Nàng đi tới đó để làm gì? Có phải để ngó lại căn nhà mà xưa kia nàng đã chịu khổ cực và bây giờ chẳng ai chờ đón. Phải, có lẽ thế. Nàng cảm thấy quá cô đơn. “Anh Sơn ơi, sao anh lại bỏ em?”

Như thúc đẩy bởi một sức mạnh vô hình, nàng tiến xuống cù lao Reng. Men theo bờ sông dưới ánh trăng, chẳng mấy lúc nàng đã nom thấy ngôi nhà của bà Từ. Ồ, không, nàng sẽ không vào ngôi nhà đó vì nàng không muốn gặp lại những người xưa kia đã làm nàng đau khổ. Tuy nhiên, nàng vẫn tiến bước lại gần. Ngôi nhà có vẻ vắng lặng.

“Ba Từ ơi! sao ba không có ở đó để đón tiếp sự sầu muộn này của con?”

Nàng chỉ còn cách cửa nhà vài bước. Sao cửa lại mở hé? Nàng đẩy cửa nhìn vào thấy trong nhà trống rỗng, không bàn ghế giường tủ. Nàng tiến vào phía trong, các phòng cũng vắng ngắt. Có lẽ bác Từ gái vì mấy người con đã bỏ đi nơi khác để sinh sống. Quang cảnh hoang tàn này làm cho nàng xót xa tấc dạ.

Nàng đứng lặng một lúc lâu tại chỗ quen thuộc xưa kia ba Từ hay ngồi, rồi nàng quỳ xuống chắp tay lâm râm khấn vái: “Ba Từ ơi! Lòng con đang tan nát, lúc này hơn lúc nào hết, con cần sự phù hộ của ba. Từ dưới lòng đất, ba cho con biết bây giờ con phải làm gì để bớt đau khổ”.

Bỗng nhiên nàng nhớ đến những lời trối trăng của ba Từ, đến điều bí mật quan hệ mà ba không thốt được nên lời.

“Cây đa to nàng nói cây đa to vẫn còn kia. Bây giờ thì ta còn e sợ gì, trong sự đau khổ tột độ này nữa”.

Trên hòn đảo, ánh trăng rải rác đó đây. Bên bờ sông vắng, một hàng cây đa um tùm che rợp hết lối đi. Như một người mộng du, nàng tiến thẳng đến một cây to nhất. Cây đa này đã già, gốc lớn đến vài ôm. Run rẩy, nàng đứng nhìn một hồi lâu trước khi dám đụng tay vì sợ rằng những điều khủng khiếp sẽ được phơi bày ra. Nhưng còn có gì có thể xảy ra mà khủng khiếp hơn sự phản bội của Sơn nữa.

Bỗng cách mặt đất độ hai thước, nàng thấy một hốc tối om trong thân cây xù xì. Nàng kiễng chân thò tay vào hốc. Chẳng có gì. Cái hốc có vẻ như còn ăn sâu vào thân cây và thông xuống tới gốc. Nàng bèn ngồi xuống. Những cái rễ lớn, bị trơ ra vì trận lụt vừa qua, nằm chằng chịt trên mặt đất. Bỗng giữa đám rễ đó, hình như ăn thông với cái hốc bên trên. Tay run rẩy, nàng bới bới và lôi ra những lá mục với đất ẩm.

Đột nhiên, tay nàng đụng phải một vật gì cứng có đất bao quanh. Nàng bèn lôi nó ra và chạy như người điên xuống mé sông. Sau khi rửa sạch đất, nàng thấy một chiếc hộp bạc nhỏ lộ ra. Nàng định mở, xong lại thôi. Ngắm nhìn chiếc hộp, nàng tự nghĩ:

“Vật gì ở trong hộp này chỉ có thể cho ta biết những điều đau đớn. Tại sao cha mẹ ta lại bỏ ta từ mười bảy năm trước, nếu người không phải là những kẻ cùng cực”.

Trong khi nàng do dự, bỗng có tiếng chân chạy làm nàng giật mình. Ngoảnh lại, nàng thấy một bóng người chạy tới. Nàng sợ sệt, giấu chiếc hộp vào xách tay và đứng nép người sau một bụi cây. Nhưng quá trễ, người kia đã chạy tới và gọi:

- Thủy, Thủy, em làm gì ở đây?

Nhận ra là tiếng gọi của Sơn, nàng vùng vằng quay đi:

- Thôi, anh đi đi, anh đã dối tôi. Thà anh để tôi chết một mình ở đây còn hơn.

Rồi nàng vùng chạy trốn. Sơn chạy theo:

- Thủy nghe anh nói đã.

- Tôi không muốn nghe gì nữa.

Sơn bèn nắm lấy hai tay Thủy giữ lại. Nàng cố vùng ra, nhưng rồi nàng phải chịu thua trước hai cánh tay rắn chắc và vẻ mặt quá lo lắng của chàng. Thủy đành bỏ cuộc và bật khóc.

- Thủy! Chàng nói em tha lỗi cho anh vì không có mặt ở bến xe khi em tới lúc chiều. Nếu em biết rằng anh đã mong đợi em như thế nào!Nhưng rủi trưa nay nhận được tin cấp báo, anh phải xuống gấp trại chăn nuôi gia súc của chú anh ở cách đây chục cây số để chữa cho thú vật đang bị bệnh dịch sát hại. Công việc quá nhiều nên anh về trễ mất vài tiếng đồng hồ. Bây giờ thì anh có thể báo tin mừng cho em hay rằng ba đã chấp thuận cho chúng ta xây lâu đài hạnh phúc sau này.

Thủy đã nghe rõ, nhưng nàng còn chưa nguôi được nỗi sầu bi. Đôi bạn ngồi im lặng một lúc lâu. Dần dần, Thủy vơi bớt được cơn sầu, nàng nói:

- Anh Sơn! Anh tha lỗi cho em đã nghi ngờ anh. Trong mấy ngày qua em đã suy nghĩ đường kia nỗi nọ nên em lo sợ.

- Thế bây giờ em yên tâm rồi chứ?

Nàng thở dài đáp:

- Em chỉ lo rằng một ngày kia anh sẽ hối tiếc lời hứa của anh. Thế anh có chắc sau này không bao giờ anh buồn phiền về sự bí mật bao phủ cuộc đời em không?

- Thủy, anh thương em trong tình trạng hiện tại và sau này không có gì có thể làm thay đổi lòng anh được.

- Nhưng em nghĩ đến tương lai, khi chung sống dưới mái nhà của anh, sẽ còn có họ hàng thân thích, bạn bè.

- Em sợ rằng anh sẽ hổ thẹn vì em sao?

- Em không rõ nữa... có lẽ vậy?

- Ồ! Không đời nào!

Hai người im lặng. Thủy vẫn như còn băn khoăn, day dứt. Bỗng nàng mở chiếc xách tay rút ra chiếc hộp bạc.

- Cái chi vậy? Sơn vội hỏi.

- Ba Từ đã nói với em cái hộp này chứa đựng tất cả sự bí mật về cuộc đời em. Vì muốn khám phá ra điều đó nên em mới trở lại cù lao tối nay. Em chưa dám mở.

- Nhưng bây giờ đã có anh bên cạnh em.

- Em lại càng sợ hơn.

- Không, dù chiếc hộp này có chứa đựng vật gì đi nữa thì cũng không có gì thay đổi.

- Ngộ nó chứng tỏ em là con một tên trộm cướp và một mụ đàn bà trắc nết cũng vậy chứ?

- Sự lựa chọn của anh là vĩnh viễn rồi em ạ.

Chàng kéo Thủy ra gần bờ sông để có ánh trăng sáng hơn.

- Em đưa anh coi chiếc hộp nào.

Chàng cầm lấy và ngắm nghía rất lâu, rồi lấy con dao trong túi ra cạo cạo trên nắp hộp.

- Này em coi, có chữ viết trên nắp hộp.

Rồi chàng cố nhìn mãi mới đọc được:

“Chỉ mở khi nào Thủy mười sáu tuổi”.

- À! Nàng thở dài bây giờ em mới biết tại sao ba Từ không nói gì cả. Trời ơi! Sao ba cẩn thận quá vậy?

Với mũi dao, Sơn loay hoay một lúc, nắp hộp mới bật ra. Bên trong có một tờ giấy cuộn cẩn thận, chữ viết không đều đặn nhưng cũng dễ đọc. Thủy thấy tim mình đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Soi tờ giấy dưới ánh trăng, Sơn đọc:

“Con ơi, má xin Đức Mẹ tha tội cho má vì đã bỏ con như thế này khi má hấp hối sắp lìa trần. Má đành tâm hành động như vậy, chỉ cốt để cứu sống lấy mạng của con. Thủy! Con nên biết rằng ba của con là kỹ sư Hoàng Đức Tuấn, quê quán ở Cần Thơ, nhưng ba chưa hề biết mặt con, vì ba đã nhắm mắt trước khi con ra chào đời. Con là con duy nhất của ba má. Trước khi chết, ba đã làm chúc thư cho con thừa hưởng cái gia tài rất vĩ đại của ba để lại. Khi con mới sanh ra, nhiều kẻ muốn hãm hại con để chiếm đoạt gia tài. Hai lần, những bàn tay khát máu đã muốn đầu độc con ngay trong nôi. Vì vậy, mẹ con ta phải tạm lánh nạn lên Cao Lãnh. Chẳng ngờ hôm nay, tự dưng má mang bạo bệnh. Trong giờ phút này, má cảm thấy kiệt sức và biết rằng má phải lìa bỏ con mãi mãi. Má đã nhờ cha sở giấu con thật lâu để con được an ninh. Vì thế má đã tỏ bày ý nguyện gởi con vào một gia đình thường dân nhưng lương thiện. Má tin cậy tất cả nơi cha sở. Nếu bức thư này đến tay con khi con được mười sáu tuổi như má mong mỏi, con sẽ biết rõ sự thực và con sẽ đủ sức tự vệ đối với những kẻ còn muốn hãm hại con.

Thôi, vĩnh biệt con. Má cầu chúc cho con luôn luôn dịu dàng hiền hậu và xin Chúa ban phước lành cho con.”

Thủy vừa nghe vừa nín thở. Khi Sơn đọc hết câu cuối cùng, nàng thở phào nhẹ nhõm như trút hết được gánh nặng đang đè áp con tim. Thảng thốt, nàng nghĩ đến người mẹ hiền đã phải gạt lệ bỏ nàng để cứu mạng cho nàng. Bây giờ, nàng không phải là một đứa con rơi, mà nàng đã có một người mẹ thương nàng bằng một tình thương tuyệt đối. Và bây giờ, bên cạnh nàng, nàng đã có Sơn là người đã dành cho nàng tất cả mối tình chân thật, bất diệt. Cách đây mấy tiếng, khi nàng mới tới bến xe thì tưởng chừng như nàng mất tất cả. Bây giờ thì tất cả đã trở thành thắm tươi, rực rỡ như một đóa hoa đang nở trong ánh bình minh tươi sáng.

- Anh Sơn ơi! Thật là thần tiên, em không tin được nguồn hạnh phúc như thế này! Em tự thấy không xứng đáng với hạnh phúc đó, không xứng đáng làm người bạn đường của anh, vì nhiều lúc em đã tàn nhẫn và quá nghi ngờ.

Sơn cầm tay Thủy và cười âu yếm:

- Nàng tiên của anh! Em không tàn nhẫn chút nào cả, đó chỉ vì em đã bị đau khổ quá nhiều. Còn bây giờ thì hết rồi phải không em?

- Vâng, anh Sơn, em sẽ dịu dàng hiền hậu như má em mong mỏi.

Rồi đôi uyên ương sánh bước đi về dưới ánh trăng sao vằng vặc của một đêm đẹp trời trên cù lao Reng....



THÙY HƯƠNG   


Nguồn : https://sites.google.com
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>