Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

CHƯƠNG VII, VIII, IX_SÔNG NƯỚC TIỀN GIANG


CHƯƠNG VII


Thủy ở nhà bà Phủ Thạch thấm thoát đã được hai năm.

Một bữa kia, trong khi vui câu chuyện, nó hỏi dì Thảo :

- Dì ơi, cháu không hiểu sao dì cứ luôn luôn cưng chiều cháu hả dì ?

Dì Thảo mỉm cười và để thay thế câu trả lời, dì kể lịch sử của dì cho Thủy nghe :

- Xưa kia, chính dì cũng đã bị đau khổ. Thân mẫu dì, mà dì rất yêu quý, đã mất khi dì còn nhỏ tuổi. Vài năm sau, ba dì đã tục huyền với một thiếu nữ suýt soát với tuổi dì. Chẳng bao lâu, người này đã tỏ ra ghen ghét với lòng thương mà ba vẫn dành cho dì. Đời sống lúc ấy đối với dì thật là khó thở nên một hôm dì đã bỏ nhà ra đi. Dì tới Lái Thiêu này và vào giúp việc cho nhiều gia đình quyền quý trước khi vào làm quản gia cho bà Phủ. Bây giờ thì chắc cháu đã hiểu tại sao dì rất thương mến cháu rồi chứ.

- Vâng, đời của dì cũng gần giống như đời của cháu vậy. Dì cũng đã đau khổ như cháu.

- Phải, như cháu vậy.

Thủy nhìn bà Thảo hỏi :

- Thế bây giờ, dì còn đau khổ nữa không ?

Bà quản gia tóc bạc phơ mỉm cười đáp rất dịu dàng :

- Với thời gian, người ta cũng quen dần và chấp nhận cuộc đời như nó đến với ta. Bà Phủ ở đây rất tin cẩn và trọng đãi dì, nếu dì kêu khổ thì dì sẽ là người không biết điều tí nào cả.

Thủy thở dài :

- Có lẽ sau này cháu cũng sẽ thành một nữ quản gia như dì đó.

- Ồ, dì không chúc cho cháu như vậy đâu. Sống độc thân suốt đời không phải lúc nào cũng vui đâu… Thế sau này, cháu không muốn lấy chồng hay sao ?

Thủy đỏ mặt cúi đầu, đượm một nét buồn sâu xa.

- Cháu sao vậy?
Dì Thảo hỏi cháu không ưng điều đó sao? Cháu sắp mười lăm mười sáu tuổi, sắp thành một thiếu nữ rồi, thì một ngày kia…

- Thưa dì, ngày đó sẽ không bao giờ tới. Những đứa con gái không cha không mẹ như cháu, thì làm sao mà lấy chồng…Nhất là mặt lại xấu xí như cháu ?

- Bậy nào! Ai bảo rằng cháu xấu xí ?

Ở cù lao Reng các chị nó thường nhắc là mặt nó chẳng có tý duyên dáng, tay chân thì gầy gò nên con nhỏ cứ yên chí là nó rất xấu xí.

- Thôi đi cháu dì Thảo nói
cháu làm điệu hay cháu thật tình nghĩ như vậy?

- Thưa dì, cháu nói thật tình mà.

Bà quản gia nhìn Thủy một lúc lâu và hiểu nó không nói dối. Bà bèn đi kiếm lược, bàn chải, kéo và kim gài tóc rồi bắt đầu làm bộ tóc cho Thủy. Có đôi bàn tay khéo léo và khiếu thẩm mỹ bà rất rành về nghệ thuật sửa soạn bộ tóc cho thích hợp với khuôn mặt của mỗi người. Sau một hồi lâu chải cắt, uốn, kẹp, bà chìa cho Thủy một chiếc gương và soi. Con nhỏ nhìn trong gương và rất ngạc nhiên trước sự biến đổi của nó nhưng chưa dám tin hẳn.

“ Bộ tóc không phải là tất cả
dì Thảo nói Nó lại chẳng có nghĩa lý gì nếu nét mặt vẫn giữ vẻ đăm chiêu, khóe mắt vẫn đượm niềm khắc khổ. Thủy! Cháu thử mỉm cười đi… Không, không phải thế…Cháu phải mỉm cười như cháu đang có hạnh phúc sự thật kia. Mà hiện bây giờ cháu không phải là người có hạnh phúc hay sao? Cháu được ăn uống thỏa thích khi đói lòng, cháu được sống trong một biệt thự nguy nga, và luôn luôn có dì ở bên cạnh để làm cho cháu cảm thấy rằng, mặc dầu cháu đã gặp phải những điều bất hạnh nay vẫn có người luôn luôn nghĩ đến cháu và thương mến cháu”.

Ngượng ngùng, Thủy cúi đầu, rồi nó từ từ ngẩng lên nhìn dì Thảo. Bây giờ vẻ mặt nó bổng tươi hẳn lên như một đóa hoa mới nở.

- Không cháu đừng có nhìn dì
bà Thảo nói mà cháu phải nhìn vào trong gương đó.

Tới đây, bỗng Thủy như thấy một phát hiện rất lạ lùng. Trong gương nó thấy không phải hình ảnh của chính nó mà là hình ảnh của một Thủy nào khác, chưa hề quen biết bao giờ. Nó vội quay lại phía sau để bắt gặp người thiếu nữ nào đang đứng sau lưng nó để nhìn qua vai nó vào tấm gương. Nhưng nó đã lầm, khuôn mặt trong gương không phải của ai khác, mà chính là của nó, của một Thủy tươi cười, duyên dáng, đẹp đẽ, phải, rất đẹp.

Trong sự ngỡ ngàng và cảm động, con nhỏ vội ôm chầm lấy dì Thảo và òa khóc vì sung sướng.



CHƯƠNG VIII



Cứ mỗi năm đến kỳ hè hoặc tết Nguyên đán, bà Phủ Thạch lại lên Đà Lạt để thăm cậu con trai, nhân dịp để nghỉ ngơi và hưởng cái khí hậu mát mẻ của vùng cao nguyên. Nhưng bà thích Đalat nhất là có thể ngồi cả ngày chung quanh chiếu tổ tôm mà không biết mệt.

Bà Phủ có một người con trai duy nhất, cậu Vinh năm nay hai mươi tuổi, vẫn học tại Đalat từ hai năm trước.

Ở mãi Đalat trong mấy năm liên tiếp, cậu Vinh cũng thấy chán, nên vụ hè năm nay cậu được bà Phủ cho phép về Lái Thiêu để thay đổi không khí.

Dì Thảo báo cho Thủy biết chỉ vài ngày nữa bãi trường, cậu Vinh sẽ về.

- Thưa dì, cậu là con bà Phủ ạ ?

- Phải, mọi thứ ở nhà đã sẵn sàng để đón cậu, không có gì phải lo, nhưng cháu phải cẩn thận.

- Thưa dì, tại sao ạ?

- Cậu hơi khó tánh. Dì đã thấy cậu ra chào đời, và đã thấy cậu lớn lên. Có lẽ cậu không ác tâm ác tính đâu, nhưng cậu đã quen được bà Phủ nuông chiều. Cậu ta trông bảnh trai đấy, nhưng tính nết không được điều hòa, hay thay đổi bất thường, và có vẻ tôn thờ tiền bạc lắm. Vả lại ở đời này, chắc cháu cũng nhận thấy, tiền bạc vẫn luôn luôn chiếm ưu thế, một ưu thế quá lớn.

- Vậy là cậu ấy sắp về, thưa dì ?

- Vài ngày nữa thôi.

- Cháu có phải tuân lời cậu ấy sai bảo không, thưa dì ?

- Thì tất nhiên cậu ấy có quyền sai bảo cháu, như bà Phủ vậy. Do đó, những sự ngông cuồng của cậu ta có thể làm cho cháu khó xử. Nên cháu cần phải khôn ngoan lắm để cậu khỏi phật ý.

Thủy cảm thấy hơi lo ngại.

Hai bữa sau, cậu Vinh đã từ Đalat về, Thủy gặp cậu lần đầu tiên trong vườn cảnh, lúc nàng đang tưới những khóm lan mà bà Phủ mới gởi mua từ Đalat về hôm trước.

Thấy Thủy cậu Vinh dừng lại và hỏi với một giọng có vẻ hách dịch:

- Chị là ai? Vào làm đây tự bao giờ?

- Thưa cậu, cháu làm được 3 năm.

- Tên chi?

- Thưa cậu cháu là Thủy.

Cậu ta đứng đó, nhìn Thủy tưới, rồi đột nhiên hỏi với giọng gay gắt :

- Sao đổ lắm nước trên những bông lan vậy? Không biết rằng hoa lan chỉ cần vẩy chút nước cho mát thôi à? Thế mà cũng đòi trông coi vườn cảnh.

Bình nước run rẩy trong tay Thủy, nàng đỏ mặt nói lí nhí:

- Xin cậu bỏ qua, vì cháu chưa được ai chỉ dạy.

Cậu hơi bĩu môi một cái rồi bỏ đi. Thủy đứng lại trong vườn cảnh, vẻ mặt tần ngần buồn bã. Từ ba năm nay, nàng vẫn cố gắng để làm vui lòng tất cả mọi người. Thủy chạy vào kiếm dì Thảo.

“Dì đã cho cháu biết trước
bà Thảo nói cậu Vinh đã quen được nuông chiều nên không cần để ý đến sự phiền muộn có thể gây cho người khác. Thôi, cháu chẳng nên để tâm những lời nói của cậu”.

Đúng vậy, hai ngày sau, cậu Vinh không để ý gì đến Thủy nữa và và nàng cảm thấy tinh thần được nhẹ nhõm.

Độ nửa tháng sau, cậu Vinh đi Saigon về đưa cho bà Thảo hai chiếc sơ mi mới mua để thêu tên trên miệng túi cho cậu. Bà Thảo bữa đó bị cảm phải nằm nghỉ nên Thủy đem áo ra thêu. Khi làm gần xong, cậu Vinh chợt đi vào thấy vậy cầm lấy một chiếc ngắm nghía nói :

- Ờ, thêu được đấy, chị học thêu hồi nào?

- Thưa cậu, cháu cũng học được ít lâu.

- Vậy tiện thể thêu luôn cho cậu mấy chiếc khăn tay.

Ngay lúc đó, một thiếu nữ ở phòng khách đi vào thấy vậy hỏi :

- Áo của anh Vinh đó à? Mua hồi nào thế? Sao không để em thêu cho?

- Phải, áo của anh mới mua từ Saigon về. Tiện ai thêu cũng được, không quan hệ gì mấy. Nhưng chị này thêu cũng hay lắm.

Ánh mắt thiếu nữ hơi cau lại. Rồi hai người cùng đi ra ngoài, mỗi người dắt một chiếc xe máy ra cổng để đi dạo.

Hai người đi khỏi, dì Thảo mới nói cho Thủy biết thiếu nữ vừa rồi là cô Liên, cùng trạc tuổi với Thủy, con bà chủ hiệu kim hoàn Phúc Thịnh ở gần đây. Hai nhà đều giàu có nhất nhì ở Lái Thiêu, đã quen thuộc từ lâu. Bà phủ Thạch và bà Phúc Thịnh vừa là bạn đi lễ bái, vừa là bạn tổ tôm nên thân lắm. Hai bà đã hứa hẹn với nhau là sau này cậu Vinh và cô Liên lớn lên, hai gia đình sẽ kết nghĩa sui gia. Cô Liên được cái là con gái nhà giàu nhưng lại không xinh lắm.

Từ hôm cậu Vinh ở Đalat về, chẳng mấy ngày là hai người không gặp nhau để đàm thoại, hoặc đi dạo ở vườn cây có nhiều bóng mát và trái chín, hoặc đi du ngoạn bằng xe gắn máy tại Bình Dương, Thủ Đức hay Saigon.

Ít ngày sau đó, bà Phủ sai Thủy lên Bình Dương để thu mấy bát họ. Thu xong vào lúc ba giờ chiều, Thủy ra đón xe đò để về Lái Thiêu. Đợi đến gần nữa tiếng mà không có xe nào về. Hỏi ra mới biết chiều hôm đó, các giới xe đò và xe lam ngừng chạy để hội họp nghiệp đoàn, hầu giải quyết những vấn đề tương quan.

Thủy rất lo lắng vì bà Phủ đã dặn là phải về trước bốn giờ chiều để lo công việc cho bà. Trong khi đang đợi thì chợt nghe một chiếc xe máy chạy tới phía sau hãm thắng đến két một cái. Thủy giật mình quay lại thì nhận ra cậu Vinh.

- Đứng làm gì đấy, Thủy? Cậu hỏi.

- Thưa cậu, cháu lên đây thu tiền họ về cho bà Phủ, cháu đón xe đò để về nhưng chiều nay xe không chạy. Thưa cậu lên chơi trên này hồi nào?

- Cậu lên thăm người bạn, bây giờ về Lái Thiêu. Giờ không có xe đò thì tính sao?

- Thưa, cháu cũng chưa biết tính sao bây giờ, cháu lo quá vì bà đã dặn phải về trước bốn giờ.

- Ờ, thấy cũng tội nghiệp. Nếu chị dám ngồi xe gắn máy thì cậu cho quá giang để về cho kịp kẻo bà mong.

Thủy nhớ lại hồi ở cù lao Reng đã có lần ngồi sau xe Honda của cậu Sơn mà không thấy sợ, nên đáp :

- Thưa cậu, ngồi sau xe thì cháu không sợ, vì mấy năm trước, đã có lần cháu ngồi xe máy rồi. Nhưng cháu cám ơn cậu, vì cháu không dám.

- Đây là trường hợp nhỡ độ đường, có gì mà không dám.

- Thưa cậu, ngộ dọc đường có người quen gặp thấy có điều bất tiện.

- Chị ngại thì thôi, cậu mặc kệ. Thế không sợ ở nhà bà trông đợi à?

- Ấy, cháu chỉ lo điều đó, mà cháu lại mang nhiều tiền của bà Phủ, nữa chớ ! Khó quá, không biết làm thế nào cho ổn.

- Thế sao còn nghĩ lẩn thẩn ?

Thủy đứng tần ngần trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nàng nghĩ nếu không về được Lái Thiêu mà còn chờ đợi thêm lỡ mất số tiền của bà Phủ thì trách nhiệm to. Sau cùng, nàng chép miệng nói :

- Vâng, thưa cậu cho cháu quá giang vậy, để bà khỏi mong, ở đây lỡ mất tiền của bà thì nguy cho cháu.

- Vậy thì đi.

Nói rồi, cậu Vinh cho nổ máy, Thủy leo lên ngồi sau xe và thở ra nhẹ nhõm như trút được nỗi lo âu.

Chiếc xe bon bon như nuốt quãng đường trường, tóc Thủy bay lất phất trước luồng gió mát thổi vù vù bên tai. Hai người im lặng, không nói nữa lời. Chẳng mấy chốc, xe đã chạy được nửa đường. Bổng một thanh niên cưỡi xe gắn máy ngược chiều phóng tới. Khi nhận ra Vinh, thanh niên bèn cười và ngoắc tay cho Vinh dừng lại.

Thanh niên vòng xe trở lại đậu cạnh xe Vinh và hỏi với một giọng vừa thân mật vừa hóm hỉnh :

- Thế nào, cậu chở người đẹp đi đâu về vậy ? Thơ mộng quá !

- Bậy nào, Vinh đáp. Đây là chị phó quản gia của má tôi. Chị đi thu tiền họ trên Bình Dương, rủi xe đò cũng như xe lam chiều nay ngưng chạy. Ngẫu nhiên mình đi qua cho chị quá giang kẻo má mình ở nhà đợi.

- Thôi giải thích dài dòng làm chi, thì cứ cho là thơ mộng đi, có sao?

- Nhưng tính chị ấy nghiêm nghị, nói đùa như vậy chị ấy không thích đâu.

Từ nãy Thủy vẫn giữ thái độ im lặng dửng dưng, vì nàng nghĩ để cậu Vinh cải chính cũng đủ rồi.

Thanh niên bèn hỏi tiếp :

- Thế tôi hỏi cậu: trước vẻ duyên dáng đó, chị ấy ngăn sao được tụi thanh niên rung động? Thế mới rắc rối chứ. Mà ai biết trong lòng cậu ra sao kia chứ? Ai thấy cảnh ngộ này mà chẳng phải thắc mắc.

- Đành vậy, nhưng đây là trường hợp ngẫu nhiên nên không thắc mắc.

- Trường hợp ngẫu nhiên! Ấy thế lại càng thú vị hơn, vì khác nào câu chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ ?

- Chà, cậu giầu tưởng tượng quá. Cái gì cũng muốn thi vị hóa.

- Thì nhờ vậy, cuộc đời đau khổ nầy mới vui tươi hơn chớ.

- Nhưng tôi có lời can cậu một tí, cậu mà cứ thi vị hóa bừa bãi như thế thì lại càng hay vỡ mộng, cậu sẽ mất cả học hành, làm ăn cho mà coi.

- Gớm, cậu đạo đức quá vậy? Thôi được rồi, câu chuyện của cậu bữa nay tạm gác đó, để hậu hồi phân giải. Bây giờ thì mình quyết định phóng thích cho cậu đó.

Tới đây, hai thanh niên cả cười chia tay, rồi nổ ga cho xe khởi hành mỗi người một ngả.

Vinh than một câu: “Gớm, thằng Đạt em họ cô Liên. Thằng quỷ này bạo mồm bạo miệng quá đi mất. Không dè điều e ngại ban nẫy lại thành sự thật”.

Rồi hai người lại trở về im lặng như trước khi gặp Đạt. Nhưng cuộc đối thoại vừa rồi đã gợi trong tư tưởng của hai người những cảm nghĩ là lạ, khó tả, mà từ trước họ chưa bao giờ nhận thấy. Nên thái độ của họ bây giờ như có vẻ bẽn lẽn, không còn được tự nhiên như trước.

Xe vẫn chạy đều đều, mỗi người thả hồn theo ý nghĩ riêng tư của mình. Nhưng cả hai ý nghĩ đều phức tạp, vừa thấy khó chịu về những lời đoán non đoán già của thanh niên ban nãy, vừa thấy nó cũng hay hay… Và giữa buổi chiều tà, bóng nắng kéo dài trên con đường nhựa đã thưa thớt người đi lại, hai kẻ đồng hành bỗng cảm thấy trong lòng ấm áp. 



CHƯƠNG IX

Cuối tháng chín. Nhà bà Bích Trà đang nhộn nhịp sửa soạn lễ cưới linh đình cho cô Bích, người con gái lớn. Ngoài bộ áo cưới lộng lẫy của cô dâu, gia chủ còn phải may hai bộ áo đồng màu cho hai cô phù dâu, trong số đó có cô Liên con bà Phúc Thịnh, chủ tiệm vàng.

Chỉ còn hai ngày nữa là cử hành lễ rước dâu. Chẳng may trong một cuộc rượt xe máy, cô Liên bị té bại xương hông bên trái, thầy thuốc bắt phải nằm một tháng mới đi lại được bình thường. Nguyên do là trên con đường nhựa phẳng lì cô đã thuận đà phóng quá nhanh, tới khúc quanh thắng lại không kịp, xe bị lao vào lề đường và quật cô ngã vật xuống. May chỗ đó là một bãi cỏ khá dày, nếu không thương tích còn có thể nặng hơn.

Vì thế, việc cô Liên đi phù dâu thành lỡ dở. Trước cảnh ngộ đó, nhà gái cuống cuồng lên, lo sốt vó vì chưa kiếm được ai thay thế. Vấn đề không phải dễ, vì người đó phải mặc vừa bộ áo phù dâu đã may sẵn, mà ngày thì đã cận. Bàn soạn mãi, bà Thảo đưa ra ý kiến để Thủy đi phù dâu thay thế cô Liên, vì Thủy cũng cùng một khổ người. Bà Phủ Thạch có ý không tán thành vì bà cho rằng không thể đặt Thủy ngang hàng với cô Liên được.

Nhưng bà Thảo nói nhỏ với bà Bích Trà:

- Nói thiệt tình cho chị nghe, để cháu Thủy đi phù dâu còn nổi bật đẹp đẽ bằng mấy con Liên ấy chớ. Không tin tôi bảo cháu qua bên đó, chị đưa áo nó mặc thử cho mà xem.

Bà Bích Trà vốn dễ tính, không câu nệ như bà Phủ, hơn nữa xưa nay bà vẫn quý mến bà Thảo và Thủy nên nghe theo ngay.

Trước khi đi, bà Thảo đã lôi Thủy ra để trang điểm mặt mày và sửa soạn bộ tóc cho đẹp đẽ.

Khi Thủy mặc thử bộ áo phù dâu bằng kim tuyến màu hồng thì thấy vừa như in và làm tôn hẳn nét mặt với làn da trắng nuốt. Trên áo cài một bông hoa trắng, thêm đôi bông tai bằng ngọc và chiếc kiềng chạm bằng vàng nạm kim cương, chân đi giày thêu kim tuyến, Thủy sửa soạn xong soi vào tấm gương đứng thì nàng không giấu được sự xúc động. Bà Bích Trà, cô Mỹ và bà Thảo đều phải trầm trồ khen ngợi.

- Ồ, cháu Thủy
bà Thảo nói cháu cứ tự cho rằng cháu xấu xí nữa đi. Dì thấy bộ áo này hợp với cháu nhất, chẳng có cô nào có thể ăn đứt được.

Thủy đi đi lại lại uyển chuyển, rất tự nhiên, chẳng có vẻ gì ngượng nghịu, y như là thường ngày nàng vẫn quen ăn vận lịch sự như thế. Thật không ai có thể nhận ra đây là cô gái tầm thường giúp việc cho nhà bà Phủ Thạch, mà thấy nàng là một trang tiểu thư con nhà khuê các.

Bà Thảo đang xoay quanh Thủy để sửa soạn một vài lọn tóc thì chợt cửa phòng mở ra làm Thủy giựt mình. Cậu Vinh đi vào.

- Kìa, em Liên, em tới đây hồi nào vậy? Em lành rồi hay sao?

Khi nhận ra là Thủy thì cậu ta sững sờ, kinh ngạc. Cậu đứng ngẩn người ngắm Thủy một lúc lâu, rồi tiến lại gần nàng để nhìn rõ hơn, cậu nói:

- Thật tôi không thể nhận ra là chị Thủy. Không, không thể nào nhận ra.

Nói xong cậu nhìn Thủy một lần nữa, chào bà Bích Trà rồi đi thẳng, không rõ trong đầu óc cậu nghĩ gì…

Bà Bích Trà và cô Mỹ thì lộ ra nét mừng và căn dặn Thủy thế nào ngày mốt cũng phải đi phù dâu, chớ để lỡ hẹn vì bất cứ lý do gì. Rồi bà Bích Trà chạy qua bên bà Phủ để thuyết phục cho bà vui lòng cho phép Thủy đi phù dâu.

Hai ngày sau, lễ cưới cử hành rất linh đình. Chú rể là anh một người bạn của cậu Vinh nên cậu được mời đi phù rể, nhất cậu lại là con nhà gia thế, đẹp trai, sinh viên Đại học.

Sau lễ rước dâu, hai họ họp mặt trong một bữa dạ tiệc đông đảo. Cặp đinh số một của tiệc cưới lẽ dĩ nhiên là đôi tân hôn, vì ai cũng đến để mừng cho hạnh phúc của đôi trẻ.

Nhưng cái đinh số hai thì phải kể ngay đến Thủy. Bữa đó, nàng thật là yêu kiều rực rỡ trong bộ áo kim tuyến lóng lánh, bộ tóc đã được bàn tay khéo léo của bà Thảo kết cao trên đỉnh đầu, rất thích hợp với khuôn mặt đều đặn, khổ người mảnh mai, dáng đi uyển chuyển, tất cả cộng lại làm cho nàng có một vẻ đẹp cao sang quý phái, không khác gì một nàng công chúa, làm cho mọi người đều phải chú ý.

Cậu Vinh thì luôn luôn chuyện trò với nàng một cách thân mật chớ không còn vẻ gì cách biệt như trước. Trong bàn tiệc, cậu có vẻ hãnh diện ngồi cạnh Thủy và cậu được dịp thủ trọn cái vai phù rể hào hoa phong nhã đúng nghĩa của nó.

Bữa đó, bà Phủ Thạch cũng phải nhìn nhận những nét xinh đẹp quý phái của Thủy. Tuy nhiên, bà vẫn không bỏ được ý nghĩ là nàng xuất thân từ chỗ tầm thường. Nên khi thấy trong bàn tiệc cậu Vinh luôn luôn săn sóc Thủy, gắp thức ăn cho Thủy, chuyện trò rất tâm đầu ý hiệp, thì bà có vẻ khó chịu lộ ra tia nhìn. Và lúc đó bà vẫn nghĩ phải là cô Liên mới xứng đáng lãnh nhận các cử chỉ phong nhã của cậu phù rể con bà… 


____________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG X, XI, XII
 

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>