Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Những Món Quà


Mấy tháng nghỉ hè thế là sắp dứt hẳn rồi đó! Ngày giờ thật nhanh chóng lạ thường. Mới hôm nào bãi trường, bây giờ đã gần đến ngày nhập học. Mới hôm nào mình "lót tót" về đây, bây giờ lại sửa soạn trở ra tỉnh.

Cứ nghĩ như vậy, lòng Ngọc lại rộn lên những tiếc tiếc, mừng mừng, lo lo. Ngày mai phải rời làng quê, những buổi đi câu, những lần bơi thuyền, và bao cuộc vui khác nữa đâu còn được, cậu luyến tiếc là phải. Tuy nhiên, khi tưởng tượng ra cảnh vào trường họp mặt cùng thầy cũ bạn cũ, cậu cũng thấy vui vui. Nhất là được gặp lại Hùng, bạn học thân nhứt của cậu. Cậu đang có cả khối chuyện dành nói với nó. Hẳn nó cũng thế. Và rồi như mọi năm, hai đứa lại sẽ tranh đua nhau học, giành chiếm những hạng cao trong lớp. Đội banh lớp cậu sẽ hoạt động lại, cũng với cặp "bài trùng" Hùng Ngọc sẽ làm các đội khác trong trường nể mặt, chịu nhường chức vô địch như năm rồi cho coi.

Nhưng, xen giữa niềm vui, Ngọc cũng thấy lo lắng băn khoăn chút ít : Chà, năm nay mình lên lớp nhứt rồi, lớp thi, chẳng biết bài vở có khó không nữa? Không rõ ông thầy nào sẽ dạy lớp mình đây? Vái gặp ông Sách, ông Ngộ hay ông Khiết thì đỡ. Ba ông nầy có tiếng là khó, song dạy hay. Năm nào học trò của mấy ổng cũng thi đậu vào trường trung học nhiều. À, phải chi thầy Nghiệp, thầy cũ của lớp mình lên dạy cũng được. Mình khoái ổng nhứt. Nhưng chắc ổng phải dạy lớp nhì luôn đa...

Sắp soạn đồ đạc xong để sáng mai đi sớm, Ngọc bắt đầu đi từ giã các bạn quê. Thằng Bi ở phía trên, thằng Bền ở ngoài mé sông, thằng Mạnh ở phía dưới, cậu chỉ cần đánh một vòng là qua đủ nhà tụi nó.

Ngọc thích  ba đứa bạn nầy lắm. Chính chúng đã giúp cậu tìm thấy nhiều thú vui trong những ngày hè. Thằng Bi, con bác Tư làm vườn, đã từng cùng cậu đi câu cá, bắn chim, tìm tổ ong ruồi, chặt dừa nước, ăn với nhau. Thằng Bền, con chú Hai "đóng đáy", thường rủ cậu bơi thuyền hái bần, bơi lội đuổi bắt rất vui. Thằng Minh, con dượng tám làm ruộng, đã giúp cậu biết rất nhiều về công việc nhà nông, như cày, bừa, trục, cấy, gặt... ra sao, lúc nào chẳng hạn. Từ trước, Ngọc vẫn sợ con trâu. Trông thân hình đồ sộ, cái đầu to với đôi mắt lầm lầm, Cái mũi thở phì phì, cặp sừng nhọn hoắt cứ đưa qua đưa lại, cùng dáng đi nghinh ngang của con vật, cậu khiếp quá. Nhưng sau nhờ Mạnh giải thích cậu mới rõ trâu hiền và khôn còn hơn chó. Con trâu nào cũng có tên riêng : Con Cò, con Pháo, con Đầm... Gọi tên nó biết chạy lại gần, nhất là lúc cho ăn. Khi kéo cày, bừa hay trục, nó biết nghe hiệu lệnh của người điều khiển, và tuân theo răm rắp. Hễ hô "ví" nó quẹo sang bên trái, hô "thá" nó quay về bên phải. Trâu chỉ dữ vào mùa nắng. Bấy giờ ai tinh nghịch kêu "du... du..." lên, lập tức chúng xáp lại chém lộn nhau liền.

Có bận Mạnh rủ Ngọc sang nhà cô nó, thuộc miệt giồng. Ở đây đất cao và toàn cát, rất sạch nhưng hiếm nước. Giếng đào thật sâu mới có ít nước xài. Người ta trồng nhiều bắp, dưa cải, đậu phọng, mãng cầu ta, nhãn bông lài. Đặc biệt trong các giồng dưa thường có lắm rùa, qui. Có con to bằng bàn tay xòe, cũng có con nhỏ bằng trái cam. Thứ bọ rầy mà trẻ nhỏ châu thành mua năm cắc, đồng bạc một con thổi bay xè xè, gặp mùa, vùng nầy không thiếu. Mạnh đã dẫn Ngọc đi giũ các tàu lá chuối khô để bắt. Ban ngày chúng bám trong ấy ngủ, bị giũ rơi lộp bộp như sung rụng. Mỗi tàu có ít nhất là hai ba con.

Thành ra nhờ ba đứa bạn quê, Ngọc đã được hưởng một kỳ hè khá đầy đủ. Chúng đã sẵn sàng dẫn dắt cậu trong các cuộc vui, vì mến cậu nhiều. Ngọc là cháu nội bà Hội đồng Ba, lại là dân ở thành, chúng xem hơn chúng một bực, nhưng cậu không tỏ vẻ gì phân cách nên được chúng quí mến : chúng nhảy mương, cậu cũng phóng đại. Chúng trèo, cậu cũng thót lên cây. Chúng lội sình cậu cũng không ngại giẫm bước. Bởi vậy bốn đứa thường họp chơi với nhau vui vẻ "hết mình".

Giờ đây, tiện đường Ngọc đến từ giã thằng Bi trước. Gặp nó đang ngồi lúi húi, đập, bổ một gốc dừa tơ, Ngọc lại gần lên tiếng:

- Ê, làm cái gì vậy? Phá hoại hả?

Nó quay lại cười:

- Tao bắt đuôn. Mầy coi nè, cây dừa công trình trồng mấy năm trời, nó đục trong thân ăn muốn chết thấy hôn? Ghét lắm, cứ trồng mười cây là nó ăn hết năm rồi hà!

- Vậy làm sao trừ?

- Thì bổ ra bắt chứ sao. Nhưng cũng không hết, mình tức làm bậy vậy mà...

Ngọc cầm một mảnh dừa Bi đẽo ra ngắm nghía. Một con đuôn to bằng ngón tay, trắng ngà ngà, thun ra thun vào trong một lỗ nhỏ chẳng khác một con sâu to, trông ghê quá. Cậu đặt mảnh dừa xuống:

- Giống đuôn chà là hén. Ăn được hôn Bi?

- Được, ngon lắm. Mầy có ăn đuôn lần nào không?

- Không. Ăn cái gì chứ đuôn thì tao hổng dám rớ... À, tao lại cho mầy hay, mai tao về tỉnh rồi. Mầy ở lại mạnh giỏi nha.

- Ủa, vậy sao? Tới ngày nhập học rồi à?

- Ừ.

- Tao nghe nói quận mình năm nay có lập trường trung học rồi. Thôi mầy xin học ở đây luôn đi Ngọc.

Ngọc mỉm cười lắc đầu:

- Không được đâu, lâu lâu tao về nội chơi vậy thôi. Chứ ba má tao ở tỉnh, tao ở đây sao tiện?

- Ờ há!

- Thôi tao lại cho mầy hay rồi còn qua thằng Bền, thằng Mạnh nữa.

Bi đứng lên:

- Khoan, vào đây cho tao gởi cái nầy.

Nói đoạn nó kéo Ngọc ra sau vườn nhà, hái cho cậu nào mận, nào ổi... đựng một bọc, làm quà đưa tiễn.

Rời nhà Bi, Ngọc sang nhà Bền. Vừa tới cổng, cậu nghe có tiếng reo quen thuộc:

- A, Ngọc, vô mau coi, tới hồi "cụp lạc" rồi nè!

Nhìn vào, Ngọc thấy thằng Bền và cả thằng Mạnh ngồi kề bên nhau trên bộ ván, cười toe toét. Cậu vừa bước vào vừa hỏi:

- Cái gì đó?

- Đá cá lia thia. Cá tao đá với cá thằng Mạnh.

Vào tới trong nhà, Ngọc chăm chú nhìn chiếc ve keo đặt giữa bàn, trong đựng hai con cá lia thia ta đang "đá" nhau kịch liệt. Con nào cũng mun đen, vẩy lấp lánh xanh, mang phùng, kỳ đuôi xòe rộng, quạt lia lịa. Chúng lội qua, lội lại rình cắn nhau làm rung động cả mặt nước.


Mạnh nói:

- Đá nãy giờ lâu ghê mà chưa phân thắng bại. Coi kìa Ngọc, con cá "kỳ điển" của tao đó, "ngon" hôn?

Bền xen vào:

- Con cá "mang xanh" của tao cũng đâu có kém. Hôm trước có thằng nọ trả tao năm đồng mà tao không bán.

Chợt nhìn thấy bọc trái cây của Ngọc, Mạnh hỏi:

- Mầy xách cái gì đó Ngọc?

Cậu đáp:

- Mận ổi của thằng Bi cho đem về tỉnh.

- Ủa, chừng nào mầy về?

- Mai. Tao lại cho tụi bây hay đây.

Mạnh dàu dàu:

- Mầy đi rồi chắc buồn lắm. Mấy ngày hè sao tao coi mau quá mạng.

Lặng thinh nhìn cặp cá một lúc, Bền bỗng nói:

- Tao có ý nầy Mạnh. Mình hãy đem cặp cá lia thia nầy tặng Ngọc.

Mạnh vỗ tay:

- Hay đó! Nhận hôn Ngọc?

Ngọc ngần ngừ:

- Tụi bây có lòng tốt tao cám ơn lắm. Nhưng cho tao rồi tụi bây lấy gì chơi?

- Ối, lo gì, tụi tao sẽ đi hớt con khác. Miễn mầy nhận là tụi tao mừng rồi hà. Phải chi mầy cho tụi tao hay sớm để tụi tao kiếm vài món quà đặc biệt hơn nữa tặng làm kỷ niệm.

Bền nói:

- Thôi vớt cá ra đi. Để chúng đá một hồi có ăn thua đem cho coi sao được.

Vậy là Ngọc lại được thêm một món quà nữa. Trước tình luyến mến chân thật của các bạn quê, cậu rất cảm động.

Trò chuyện, dặn dò một lúc lâu, Ngọc chia tay Bền, Mạnh ra về. Tới nhà nghĩ đến chuyện tặng quà bạn, Ngọc sực nhớ đến Hùng:

- À, tại sao mình không tìm một món quà tặng cho nó, nhân ngày nhập học?

Định thế, song cậu phân vân chẳng biết chọn vật chi bây giờ. Một trái xoài? Một quả ổi?... Không, những thứ đó dễ kiếm quá, và cũng không phải của chính mình vì muốn có, Ngọc chỉ biết xin hay mua lại của người khác, không như Bi. Phải tìm vật gì tiêu biểu cho miền quê mình sống trong mấy tháng hè, và do chính mình tạo ra hoặc tìm ra mới hay chứ!

Nặn óc nghĩ hằng giờ, Ngọc vụt nảy ra một ý. Lập tức cậu "nhảy chân sáo" ra ruộng, miệng huýt gió, vẻ mặt hớn hở ra chiều đắc ý lắm.


Sáng nay Ngọc dậy thật sớm, dùng điểm tâm xong, sửa soạn đi học. Ngày khai trường, bắt đầu một niên học mới, theo đó cái gì cũng mới cả : Tóc cậu mới hớt hôm qua, chải gỡ gọn gàng. Mình cậu mặc một bộ đồ mới còn thơm mùi vải. Tay cậu xách chiếc cặp da mới còn nực mùi da, mùi xi ra. Cậu hãnh diện nhất với nó. Không phải vì nó đẹp, mà vì đó chính là phần thưởng cậu lãnh được vào cuối niên khóa rồi. Trong cặp có chứa những quyển vở còn trắng tinh những cây viết cây thước chưa bẩn mực, cục gôm chưa mòn tí nào. Bề ngoài của cậu, vật dụng của cậu đều mới, chính thật bên trong tâm hồn của cậu cũng hiện diện một sự mới mẻ. Đó là, một niềm vui mới, một băn khoăn mới.

Sửa soạn xong, Ngọc thưa ba má đi. Hai ông bà mỗi người dặn con một câu rồi nhìn nó bước, lòng lâng lâng sung sướng. Bỗng nhiên, những hình ảnh đẹp đẽ tương tự trong  tuổi hoa niên vụt hiện về, hai người lớn cùng cảm thấy nuối tiếc vu vơ.

Ra đến cổng, sực nhớ còn quên mang theo một vật, Ngọc vội quay vào. Vật đó được bọc giấy kỹ lưỡng đặt trên bàn học. Cậu lại lấy đi, trách thầm cho "cái" quên của mình, thiếu chút nữa thì làm lỡ đi một dự định.

Ra ngoài đường, Ngọc thấy không riêng gì mình, các học sinh khác cũng quần áo mới, cặp sách mới đang lũ lượt kéo nhau đến trường. Đường phố sau mấy tháng vắng bóng học trò, buồn buồn vì mất đi một nét tươi trẻ, sáng nay bỗng bừng vui hẳn lên. Trong nắng ấm, bóng dáng mấy cô, mấy cậu học trò tung tăng bước đi trông sáng đẹp lạ! Tiếng chúng chuyện trò, réo gọi nhau nghe vui tai lạ! Những người không có con nhỏ, và cả những người vô tâm nhứt cũng phải nhận ra một sự thay đổi ngồ ngộ. Chú xích lô hỏi chị hàng rong:

- Hình như hôm nay là ngày nhập học thì phải?

- Vậy chứ còn gì nữa?

- Hà, học trò đi học mấy chị bán đắt đấy!

Đến trường, Ngọc lẫn trong cái nhộn nhàng quen thuộc. Khắp sân, học trò chạy nhảy, đi tới đi lui thật rối mắt. Tiếng cười cười nói nói thật inh tai. Gần đến lớp cũ, Ngọc bỗng giật mình vì một bàn tay vỗ mạnh lên vai:

- Ngọc!

Cậu quay lại:

- A, Hùng!

Hai bạn thân gặp nhau, mừng vô hạn.

Hùng hỏi:

- Chà, trông mầy lớn và đen. Nghỉ hè đi đổi gió ở đâu?

- Ở miệt quê. Còn mầy, tìm vui chốn nào? Mầy cũng cao hơn và nám ra chứ thua ai?

- Tao nghỉ hè ở miền biển... À, tao có đem món nầy tặng mầy, còn để trong cặp.

Ngọc vui vẻ đưa gói giấy vẫn cầm cẩn thận trong tay ra:

- Tao cũng đem cái nầy tặng mầy nè.

- Cái gì thế?

- Bí mật, giờ về sẽ biết.

- Ờ, nếu vậy tao cũng giữ bí mật món quà của tao luôn, để giờ về mình trao nhau vậy.

Vừa đến cửa lớp hai đứa nghe các bạn reo mừng vang:

- Ê, thằng Hùng, thằng Ngọc vô! Mạnh giỏi hả hai bồ!

Đôi bạn vốn học giỏi lại hiền nên rất được anh em mến chuộng. Chúng vây quanh han hỏi, cả hai trả lời không kịp thôi.

Chuông rung đến giờ vào lớp, tất cả cùng ngồi vào bàn, chờ thấy mới đến đọc danh sách học sinh lên lớp và ở lại, dẫn sang lớp khác. Bàn ghế bỏ trống đã lâu, bụi bặm đóng cả lớp đứa nào đứa nấy vừa bịt mũi, vừa phủi quét, la ó om sòm. Xong, tạm yên một lúc, tất cả hồi hộp ngồi chờ. Nhất là mấy cậu học dở cứ phập phồng sợ bị "ở lại" thôi.

Ngọc và Hùng ngồi kế nhau. Ngọc hỏi:

- Sao thầy cũ mình chưa thấy tới?

Hùng đáp phóng chừng:

- Có lẽ ổng còn ở trên văn phòng một lát thế nào cũng lại với tụi mình chứ!

Nhưng mãi đến lúc có thầy mới đến gọi học sinh lên lớp dĩ nhiên trong số đó có Hùng và Ngọc hai đứa vẫn không thấy thầy dạy năm rồi đâu. Ngọc đánh bạo hỏi ông thầy mới:

- Thưa thầy, ông thầy Nghiệp, thầy cũ của tụi con đâu rồi ạ?

Ông đáp:

- Các em không hay gì sao? Thầy nhập ngũ rồi!

- Ồ!...

Thầy đi lính rồi sao? Dẫu biết thầy mình ra đi vì nhiệm vụ người trai thời chiến, song những học trò mến thầy cũng thấy buồn buồn trong dạ, vì từ nay vắng hẳn bóng dáng kính yêu của thầy trong sân trường rồi. Ngồi xuống băng, Ngọc lặng thinh hình dung gương mặt của thầy. Tiếng nói trầm ấm của thầy như còn văng vẳng bên tai cậu.

Hôm nay là ngày đầu tiên nên không có học gì. Thầy mới chỉ dặn sơ học trò mới về thời khóa biểu, số tập dùng, rồi để mặc chúng tự do "tâm sự" với nhau. Lớp học lại ồn lên như lúc mới vào.

Cũng như các đôi bạn khác, Ngọc và Hùng hỏi thăm và kể cho nhau nghe những thú vui trong lúc nghỉ hè, thỉnh thoảng cùng phá lên cười, vui thích. Nhắc đến quà tặng, đứa nào cũng mong chóng đến giờ về để biết rõ bạn mình tặng mình vật chi. Ai bảo hai đứa "giữ bí mật" làm chi rồi nôn nóng? Nhưng, trong sự nôn nóng ấy, có cái gì thích thích.

Rồi giờ tan học cũng tới. Trên đường về, Hùng, Ngọc song bước bên nhau. Cả hai lặng thinh, thử đoán món quà mình sẽ nhận : Một trái cây? Một món đồ chơi?... Khó tưởng quá!

Đến ngã rẽ, hai đứa dừng lại. Hùng mở cặp lấy ra một gói giấy trao cho Ngọc. Ngọc cũng đưa gói giấy nằng nặng của cậu cho Hùng. Hai đứa đâu lưng, bóc giấy ra xem.

- Ồ!

- A!

Hai tiếng reo cùng phát một lượt. Hai  đứa cùng quay mặt lại. Trên tay Ngọc: một vỏ ốc to lởm chởm gai, rất đẹp. Trên tay Hùng : một pho tượng nhỏ bằng đất, nắn hình "mục đồng ngồi trâu thổi sáo", rất khéo. Ngắm nghía một lúc, Hùng vui vẻ hỏi:

- Của mầy nắn đây hả? Xinh quá!

Ngọc gật đầu:

- Tao nắn đó đa. Còn vỏ ốc nầy ở đâu mà lạ quá vậy?

- Tao lượm được trên bãi biển đấy. Biết mầy thích vật lạ nên tao để dành cho mầy.

Đôi bạn xiết chặt tay nhau. Chưa bao giờ tình bằng hữu đẹp như lúc nầy!


DẠ NHẤT PHƯƠNG  


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 51, ra ngày 15-8-1966)

Nguồn : nhasachducme.com


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>