Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Trở Về Mấy Thuở Buồn Vui


Cắm trại, ôi hai tiếng thân yêu bao gồm nhiều ý nghĩa của đời du ngoạn. Cắm trại đúng nghĩa của nó phải có lều, cọc, gậy, tăng, dây... Khu vực trại số người tham dự đông đảo trong thời gian dài. Ái chà không biết bao nhiêu chuyện vui buồn lẫn lộn kể không sao xiết. Mệt nhất vẫn là ban tổ chức hay ban quản trại. Lo giấy tờ đi đường không xong là rắc rối với các trạm kiểm soát an ninh ngay. Bao cái miệng rộng với gào "đèo cao dô ta... rừng núi dang tay nối lại biển xa" chợt ngưng bặt hồi hộp theo dõi cuộc điều đình thông cảm, nếu không có màn hợp lệ di chuyển. Nếu có giấy phép đàng hoàng vẫn bị kẹt, chút xíu thôi. Xe lại tiếp tục lăn bánh thả tiếng hát của đoàn vương vãi trong không gian bao la : "Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn..." Này các bạn ơi! Chớ có rống to, rống càng hăng thì càng dễ khan tiếng, do đó nếu tối có "lửa trại" sẽ sút kém với các bạn giỏi thầm thì trên xe. Vừa rống vừa vỗ tay vui thật đấy, nhưng không khí trống trải và loãng khiến chúng ta phải gân cổ hết sức, chỉ sướng cái miệng của vài bạn (có thể là trưởng ban sinh hoạt, hay tác động, hoặc văn nghệ) độc quyền cái "míc-ro-pin" hay cái máy phóng thanh.

Tôi đã từng khổ sở vì cái nạn mất đồ ( Ai biểu ham đem đủ thứ lỉnh kỉnh như dọn nhà). Mất ngay từ lúc vừa rời xe tập họp ở địa điểm, khi ấy đồ đi lạc, tìm không có đành mất luôn. Đôi lúc đồ cũ thành đồ mới, hay ngược lại lúc về không chừng.

Quần áo Hướng Đạo lê lết thì sướng nhất. Nếu không chúng ta nên quần áo mầu đậm và dày để chịu đựng sự chạy nhảy, hoạt động, và lăn lóc với đất cát khi nằm. Lúc đi Thiếu đoàn Hướng Đạo tôi khỏe vô cùng. Khỏe hiểu theo nghĩa bóng. Vừa đủ tuổi gia nhập nhưng với thân hình loắt choắt, tôi là chú lùn trong Thiếu Đoàn. Chú lùn thật khỏe, chú kéo lệt bệt đôi giày bố (đôi giày mà khi nghỉ ngơi, cởi ra bốc một mùi khó tả, cần phải rắc một loại thuốc bột để báng mùi) đi riết rồi lọt tọt sau chót với chiếc bị trên vai. Anh đội trưởng quay lại mang giùm cả ba lô, thế nên chú lùn chỉ việc ôm một lố gậy để rảo bước cho kịp với đoàn thể. Các anh khi bày màn thực tập cứu thương lại lôi chú ra để vác hay khiêng trên băng ca (bằng hai chiếc gậy với mấy khăn quàng) cho nhẹ nhàng. Phân chia công việc nào chú lùn cũng lãnh phần rất nhẹ và dễ. Đi chợ? Chú lùn tuy trong tiểu bang ẩm thực, chớ có quyền đứng góc chợ giữ xe đạp. Lúc nấu cơm thì không trốn chỗ nào được. Nấu riêng đội, không sao, nhưng nấu tập thể có chuyện ngay. Vì chú lùn đã lả lướt trình diễn để bạn bè ca bài : "Trời mùi gì khen khét ông đầu bếp của tôi ơi...", bởi nồi cơm quá lớn so với chú lùn. Đội trường hay giao cho chú phận sự giữ lều trại. Vấn đề này ưa hổng vô, lỡ mất sinh hoạt cộng đồng hay chung trò chơi lớn của chú lùn rồi. Bù lại chú lùn ngủ trễ hay muộn tùy ý. Chẳng ai buồn phá phách chú làm chi. Giam mình bít bùng trong lều cá nhân lại còn trùm chăn kín mít để chống muỗi, nửa đêm chú lùn tốc mền chui ra. Mắt nhắm mắt mở (say ke í mà) chú lùn đá đổ nồi cháo đậu xanh nghi ngút khói thơm lừng kích thích dịch vị. Nghe chửi cho quen. Chú lùn bó buộc phải len lén, rón rén, mò mẫm sang các lều của đội khác để lục gạo về đền bù (phạm tội ăn cắp rồi đấy). Vậy là mấy bạn giỏi thức có quyền tiếp tục thực hiện đêm không ngủ với chờ lần cháo chín thứ hai. Tưởng tượng những kiểu nằm ngồi của họ sáng chế mà tôi hết cả buồn ngủ. Gối thì toàn là bi-đông hay ba-lô, mọi thứ đều bị trưng dụng kể cả cánh tay của họ. Hai bạn thì dựa lưng nhau (chung lưng đấu cật ghê ghê là), hai bạn khác nằm ngó mặt nhau, gối là đầu gối nghiêng tréo qua nhau. Có bạn cuộn tròn trong cái mền như con cuốn chiếu giữa chiếu cỏ, màn sao nào "ngại chi bao gió thét trời gầm..." Ôi chao hết rền rĩ nhạc cộng đồng, dân ca, cải cách, vặc cổ bù loong, nhạc tầm xàm... thì họ đía rân như côn trùng hợp tấu vào những đêm mưa. Còn mấy đám đánh cờ thì lặng thinh quây quần bên ngọn nến nhỏ leo lét theo từng cơn gió thoảng, trông cứ y như đám cướp bàn chuyện làm ăn bí mật.

Ngủ không được các bạn hay giả ma để phá phách. Khéo léo đem đồ hóa trang ở đâu ấy? Nào là mặt nạ sọ người, đầu tóc giả dài xấp xỏa, drap trắng với đôi cà khêu làm mất vía các bạn nhát gan. Nếu co phe kẹp tóc cắm trại chung thì khỏi tả quang cảnh ùn ùn chạy trốn trong tiếng rú thất thanh. Các cô xô vào lều, chẳng đổ chè cháo cũng đứt dây căng. Dĩ nhiên phải có kết cuộc là các tay phá phách bị trừng phạt. Các bạn đùa dai, cố bắt chước tiếng gà eo óc gáy sáng, tiếng mèo, chó, vịt, heo, bò, ngựa, chim chóc, ếch nhái... làm những người mỏi mệt, mất giấc ngủ bực cả mình. Mà họ nhái giọng giống lắm cơ, giỏi như quái kiệt Trần văn Trạch vậy.

Đi cắm trại ít khi ăn được ngon (trừ khi đóng góp nhiều tiền), nhưng "thóc không ngon, gà con đông cũng hết". Vừa làm việc (hoặc cắm lều, công tác vệ sinh, xã hội v.v...) mệt, vừa tập họp chạy vòng vòng, vừa giỡn đùa tập thể, vừa vùng vẫy với sóng nước mênh mông (nếu cắm trại miền bể)... nên đến giờ ăn, trại sinh ùa vào thanh toán chớp nhoáng lũ cơm khê, cơm sống, cơm nhão, thịt dai, cá cháy... vét cả nồi ơ, lon đồ hộp. Thật đúng với danh từ "ăn thủng nồi, trôi rế" hay "nam thực như hổ, nữ thực như voi". Chẳng có cậu nào làm bộ e lệ cả. Đã chấp nhận sinh hoạt sống với đoàn thể vui thú thiên nhiên rồi thì dạn dĩ cả lên. Hò đối đáp các cô cũng lí lắc ra trò. Chia bè hát đuổi, các cô nào chịu lép, mồm năm miệng mười, có những cô tác động nổi bật riêng cá nhân. Phe húi cua mà chòng ghẹo là bị phe kẹp tóc trả đũa liền tức khắc. Đời bây giờ "nam nữ bình quyền", các anh giỏi nơi nào, các cô vẫn gan góc đi xa bằng vậy. Nếu nam nữ cắm trại chung và nấu cơm chung, phe húi cua chỉ làm việc "lặt vặt" như xách nước (gần còn đỡ, xa thì ráng chịu), kiếm củi lửa, nồi ơ, vo gạo v.v... phe kẹp tóc sẽ trổ tài tháo vát về đi chợ, nấu cơm... Ôi chao, rẻ mà ngon mà lẹ vô cùng. Tội nghiệp, các cô nghe khen nở phồng cả mũi, cứ khoe các món cho phe địch thưởng thức, gắp lấy gắp để, ăn ngấu nghiến ngồm ngoàm. Một phần bên bếp nóng và mệt, các cô ăn kỹ, nhai chậm, đến chừng ngó lại tô dĩa đã thấy sahc5 nhẵn (chắc rửa đỡ tốn xà bông!).

Các bạn ơi chớ có tham làm việc, có khi mải hăng say mà bị bỏ rơi đấy. Giờ ăn vui quá, đông quá... họ sẽ quên các bạn chưa xong công tác, tàn nhẫn họ đớp sạch, vô tình bỏ đói bạn đấy. Uống nước cầm hơi chờ bữa chiều cho xong. Đôi khi làm biếng ăn là khỏe khoắn, khỏi phải nấu nướng hay chạy đi mua "cơm tay cầm" về gậm. Sau vấn đề ăn là uống. Quan trọng nhất là nước. Lúc nào trại sinh cắm trại cũng thấy khát. Uống bao nhiêu loại nước cũng không đã, trừ ra nước đá lạnh. Bởi vậy các bạn cần trữ thêm bi-đông hay vật chứa nước thật nhiều, riêng càng tốt, dành lúc nửa đêm, hay sáng rửa mặt, súc miệng không chừng. Kinh nghiệm cho tôi nhận thấy ban ngày ăn mặn cho dữ, tối lại ăn chè ngọt gắt, hò hét suốt ngày... về đêm sẽ khát nước như lạc vào sa mạc.

Tôi cần phải giữ sức, tranh đua vừa vừa phải phải, phòng khi cắm trại lâu ngày. Không hiểu sao những ngày cắm trại tôi thức giỏi ác. Khi khăn gói về nhà, vứt đồ đạc lung tung, không thèm giặt quần áo, giũ đất cát trong poncho, ba-lô... có khi tôi để nguyên cả vớ, chỉ kịp tụt giày để lăn ra mà ngủ. Ngủ li bì quên cả ăn, ngủ 3, 4 hôm liền bù cho gương mặt hốc hác, hai mắt lõm sâu và có quầng vì mải thức để vui chơi. Nhớ tới những cuộc thi đua mà buồn cười. Bích báo thực hiện chớp nhoáng và ba lam nham, lều trại dựng lấy nhanh nên yếu xìu. Kỷ luật thì cố gắng nên lủng củng nội bộ. Nấu ăn thì ẩu tả không chỗ chê. Dùng nước biển nấu lấy lẹ, chín trước mà mặn chát nên về chít (nồi cơm được chúng tôi thủ tiêu và mua bánh mì về gặm với cá mòi). Cơm, thức ăn dọn ra chờ chầm điểm... chúng rình rình "nhón" trước ban quản trại. Mà có gì ngon đâu, ba cái trứng với rau, thịt... (các món dễ mua, dễ chế biến ấy mà)... lại lẫn với cát, khi ăn nghe rào rạo, nhìn sơ qua cứ tưởng bỏ muối tiêu hơi nhiều. Tôi chỉ thích làm ban quản trại, có đem thức ăn theo càng tốt, bằng không chỉ việc rảo quanh các toán, các đội... nếm tí canh, xơi tí cơm với cá, nhón miếng đậu hủ, khoai tây... ăn đến no, bị mời ép đến phát ngán. Chả là các tian1, các đội lấy lòng để mua điểm ẩm thực... Mời anh chị... ăn "la sét" "bánh ngọt nè, chuối nè, mía nè v.v... nước chanh, đá trà... Ôi! Tới tấp, khiến các "tăng già khất sĩ" hay "lão cái bang" phải bấm bụng từ chối bớt. Giá mà có được sức ăn của ông Lê Như Hổ, khổ thay cặp mắt nó cứ đói mà cái tâm nó biểu ta phải khoát tay ra vẻ người lịch sự. Cứ áp dụng câu:

"Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch
Người quân tử ăn chẳng cầu no..."

của cụ Nguyễn Công Trứ thì lỗ cái dạ dày và hổ thẹn với chúng bạn quá đi. Chừng nào ăn uống ở nhà thì chúng ta hãy theo lời cha mẹ khuyên : "ăn lấy hương lấy hoa" hay "ăn để mà sống", chứ đi cắm trại chúng ta phải "sống để mà ăn". Không ăn? Đã có người khác ăn giùm, đừng ngỡ rằng của ế.

Ban tổ chức cần chú ý vấn đề vệ sinh cá nhân, không lo lắng chu đáo sẽ có những bạn phóng uế bừa bãi làm mang tiếng cả đoàn thể. Đã có nhiều đoàn cắm trại gặp trường hợp ấy, hoặc quên, hoặc thiếu sót chỗ đi tiêu, đi tiểu... Khi rút lui để lại vô số thải vật, kể cả lon, bao, giấy rác... bừa bãi. Đó là những điều cần thiết nên lo chu toàn, dù ban quản trại có lu bù công việc cách mấy đi chăng nữa.

Đi trại gọn gàng, vén khéo thì tốt nhất, nhưng cũng đừng sơ sài quá độ đến nỗi phải mượn dây, lều, búa, dao, cọc v.v... Đồ dùng cá nhân chúng ta nên lựa những thứ rẻ tiền, khó vỡ như nhôm, cao su (ny lông). Xài thứ tốt đồ kiểu... dễ hư hao và phí đi. Đi miền bể phải lo trang bị khăn tắm, quần tắm, xà bông v.v... các thứ kẻo mặc quần ướt sẽ khó coi. Đi vùng cao nguyên nên mang áo ấm, chăn mền (khăn quàng cổ?) Và cần thiết là áo mưa để sử dụng vào nhiều việc : chống mưa, mặc choàng để ngủ, trải để ăn, ngồi, nằm... lúc giặt lại dễ dàng, tiện lợi. Chúng ta hãy đem nhiều giấy trắng để gói đồ đạc, lau chùi chén dãi... và bọc ny lông để bỏ rác, dép giày, quần áo khăn ướt... Lỉnh kỉnh thì nặng nề và mất công trông chừng nhưng lo xa cũng có lợi lắm. Nào đàn nào cờ, nào máy chụp hình... nếu thiếu thốn, chúng ta sẽ nao nao làm sao, như là mất mát sẵn những kỷ niệm muốn ghi. Những kiểu hình chụp bè bạn lúc bất ngờ, không chuẩn bị trước chính là những ghi dấu linh động và trung thực mãi mãi về sau. Mặt lưng đừng quên chua những câu phụ để dí dỏm, để khi giở ra ôn lại, nuối tiếc thời mau qua.

Đây cảnh đồng ruộng phì nhiêu màu mỡ của các tỉnh miền Tây, của sông dài nước rộng, dừa cau soi bóng. Nọ cảnh sóng biếc mênh mông, muôn đợt chập chùng, ẩn hiện đồi núi xa xa. Và bao cảnh đồi thông vi vút, hang động thâm sơn, rừng núi hoang dã của cao nguyên miền Thượng... Cắm trại đưa bước chân chúng ta du lịch khắp đó đây, qua bao cảnh đẹp quê hương khiến lòng mở rộng bao niềm ngất ngây lưu luyến. Biết bao giờ quê hương tàn cơn chinh chiến, thực sự thanh bình để đám con yêu tìm tòi khám phá thiên nhiên, đáp con tàu xuyên Việt, quanh co suốt dải đất hình cong chữ S này (?)

Không đủ điều kiện cắm trại, chúng tôi thực hiện những cuộc picnic trong dịp lễ hay chủ nhật ở những địa điểm gần nhưng vẫn có sông, suối, bóng mát... Cũng hòa mình với tự do, với tháo vát cùng thiên nhiên... tạo những kỷ niệm vui đáo để. Một hình thức du lịch nữa là du khảo. Nghĩa là vừa học vừa chơi, khảo sát đất đai, thực vật, rừng rú, lâm tuyền, quặng mỏ, nông trại v.v... Cũng mệt như cắm trại chớ nào phải chơi. Nhưng chương trình sinh hoạt rất tùy hứng, trừ giờ giấc di chuyển, tập họp, ăn uống, ngủ nghê... mà ban tổ chức ấn định sẵn. Ban tổ chức vẫn phải lo xin giấy phép, bảo hiểm, phương tiện di chuyển, ăn uống, nước nôi (chớ để tự túc thì khó khăn nhiều nỗi và hao tốn lắm)... lo kiểm soát thiếu, đủ... Ối! Mệt phờ người. Thành công hay thất bại, ban tổ chức đều gánh lấy trách nhiệm và tai tiếng. Khổ vậy đó. Lo ăn uống sợ mang tiếng ăn lời. Để anh em tự túc, thấy lăng xăng mua đồ hộp, bánh mì, cơm sấy... bắt tội. Mà giờ ăn mạnh ai nấy xực, kẻ trước người sau mất cả tính cách đoàn thể, chụm từng nhóm trông thiếu đoàn kết lắm. Nên tôi luôn hô hào lo ẩm thực chung và xung phong vào tiểu ban ẩm thực, ngon dở gì ăn uống đông cũng có không khí vui trong tình thân ái cả. Rồi mai này đường đời vạn nẻo, biết có còn lúc rảnh rỗi ngồi nuối tiếc những phút giây êm ái lẫn sôi động ngày xưa chăng?

Có các bạn tôi sớm bước vào đời, khoác áo màu xanh vẫn còn thèm sinh hoạt đoàn thể, mơ tìm về tuổi dại rong chơi. Làm sao cho các bạn được dịp vô tư vui đùa trong tinh thần cắm trại. Đời binh nghiệp các bạn rất ghét hai chữ "cấm trại". Than ôi, chỉ khác ở dấu á và dấu ớ, mà chữ cắm trại và cấm trại đổi hẳn ý nghĩa. Đó là lý do mà các bạn tôi không thích nghe nhắc đến "cấm trại". Thôi mời các bạn những ngày phép, khoác lại bộ đồ dân sự tham gia cắm trại cho vui, hẳn là các bạn trọng kỷ luật theo khuôn khổ dù bất cứ môi trường nào cũng đều thích hợp được.

Muôn thuở hoa lòng bừng lên theo ánh lửa đêm thâu, tôi mơ màng thả hồn về những kỳ lửa trại bập bùng, củi khô và cành phi lao tươi nổ lốp đốp. Thỉnh thoảng dầu hôi rưới theo tiếng hát gọi lửa lên khơi : "Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung, đêm khuya vang nghe tí tách cây khô hò reo giữa rừng..." hay "Đốt to cho bùng lên sáng..." (Lửa trại đốt bằng vỏ xe cũ cháy rất lâu nhưng khói rất hôi). Sẽ mãi là những ấn tượng đẹp đẽ trong bao tâm hồn trong trắng với những bài ca chọn lọc và lành mạnh : "Nhạc rừng khuya, Đêm trong rừng, Đoàn người lữ thứ, Tiếng trống cao nguyên..." Mai này trên vạn nẻo đời, xin cho hồn tôi và các bạn ngày xưa thân ái đó hãy còn biết đến thời gian qua mau, rồi phiêu lưu dĩ vãng về những đêm chờ sáng bên ấm cà phê, bên nồi cháo đặc... vì lạ nhà, vì sợ ma, vì muốn thưởng thức đêm huyền diệu của trời tự do khoáng đạt, đôi khi to nhỏ bên trong lều vững chãi, bên ngoài mưa lác đác rơi.

Ôi chuỗi ngày thần tiên hoa mộng, lỡ trôi qua và trôi mãi không ngừng. Tôi vẫn ôm niềm ước mơ nhỏ bé, giá quay được về sống lại tuổi ngây thơ. Tích tích... te te... Morse, Sémaphore... quay cuồng và nhảy múa, lũ âm thanh và cờ xí tung tăng như những khi tôi tham dự "bắt" chúng một cách vụng về đang bủa vây không cho ký ức tôi nghỉ ngơi. Mật mã, dấu đi đường, trò chơi, kinh nghiệm... lũ chúng mày nằm yên đó nhé, chờ đúng lúc sẽ cần đến chúng mày, để áp dụng vào đời để sinh hoạt hay phổ biến với thế hệ mai sau. Chào tất cả.


PHAN KHƯƠNG THÁI   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 100, ra ngày 29-7-1973) 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>