Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Đứa Con Nuôi


Điệp khoan khoái ngồi xuống chiếc băng gỗ trống kê dài theo vách tường nhà bán vé, cũng là nhà để hành khách nghỉ chân đợi “bắc”. Đặt hộp dụng cụ đánh giày kế bên mình, Điệp sung sướng nghĩ đến số tiền kiếm được sau buổi sáng hôm nay.

Điệp vui vẻ nhìn quanh. Không khí ồn ào của bến bắc mấy phút trước không còn nữa. Xe cộ, hành khách đã xuống bắc cả rồi. Thỉnh thoảng có vài người đến trễ vội vàng mua vé, vội vàng chạy xuống cầu để đi kịp chuyến bắc sắp sửa rời bến dưới kia. Trong số người đó, Điệp bỗng chú ý đến một ông mới bước vào. Với hai chiếc giỏ trĩu nặng, người ấy bước đi có vẻ khó nhọc lắm. Tự nhiên Điệp muốn giúp ông ta một chút.

Đợi người đàn ông mua vé xong, Điệp đến bên ông ta và hỏi:

– Thưa ông, chắc ông định đi chuyến bắc nầy?

– Phải. Nhưng không biết có kịp chăng đây?

– Ông để cháu xách hộ một giỏ. Mình đi mau một chút chắc kịp.

– Ồ, cám ơn em!

Điệp liền nhấc lấy một giỏ.

Người kia cũng xách giỏ còn lại cùng bước đi thật nhanh. Sau cùng cả hai đặt chân lên bắc, đúng lúc bắc từ từ tách bến.

Người đàn ông vừa thở vừa nói:

– Nếu không có em, chắc tôi bị trễ chuyến nầy đa. Đi chuyến sau nhằm bắc nhỏ, nắng chết thôi!

Chọn chỗ ngồi xong, người ấy định trao cho Điệp ít tiền để tỏ ý biết ơn, nhưng Điệp đã mỉm cười nhỏ nhẹ:

– Cám ơn ông cháu không dám nhận ạ. Việc nầy cháu vẫn thường làm, có đáng chi?

Và lẩn đi nơi khác ngay.

Điệp ra trước mũi bắc, đứng tựa bao lơn, nhìn cảnh vật trên sông.

Bắc chạy nhanh, xa dần bờ Rạch Miễu để tiến sang bến Mỹ Tho. Gió thổi lộng làm tan sự oi bức của buổi trưa hè. Nhà cửa khuất dần sau ngàn cây lá, để trả lại sự hoang vắng cho dòng sông. Trên bờ, trên những cù lao, bần mọc san sát, kéo dài thành những vệt xanh thẫm, lặng lẽ, hoang vu thế nào! Nước lớn, dòng sông Cửu dạt dào trôi chảy, sóng gợn nhấp nhô lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời như chứa đựng muôn ngàn vì sao sáng từ trên trời rớt xuống đây trốn lánh ánh nắng tươi nồng. Xa xa, một chiếc thuyền con. Tít tận chân trời, đôi cánh buồm nâu thấp thoáng. Nếu không có tiếng máy bắc nổ đều đều, tiếng cười nói, tiếng rao hàng, có lẽ cái cảm giác yên vắng sẽ thấm thía biết mấy.

Điệp đang vươn vai hít thở không khí trong lành, bỗng nghe có tiếng gọi, rồi một cậu bé cũng mang hộp đánh giày như Điệp, từ đâu tiến lại cười hỏi:

– Sao không lo kiếm mối, đứng đây làm chi Điệp?

Điệp vui vẻ đáp:

– Từ sáng tới giờ tao kiếm cũng khá nên muốn nhường mầy đấy chứ! Sao, mầy được bao nhiêu, Tư?

Tư xịu mặt:

– Chẳng được “một đôi”!

– Thế à?

Điệp ngẫm nghĩ một chốc, rồi móc túi lấy mấy đồng giúi vào tay Tư:

– Tao chia mầy một ít đây.

Tư cảm động:

– Nhưng…

– Mầy cứ lấy. Anh em mình giúp đỡ nhau mà. Lúc khác tao túng thì mầy giúp lại.

Vừa khi đó, chợt có tiếng kêu bực dọc gần đấy. Đôi bạn cùng quay lại. Sau lưng Điệp, một cậu ăn mặc bảnh bao đang nhăn nhó vì bị một đứa bé bán báo giẫm phải đôi giày nhẵn bóng của mình. Cậu ta quắc mắt nhìn thằng bé:

– Đi thế hả? Phủi mau!

– Xin lỗi anh, em…

Đứa bé nói, và đứng tần ngần chưa biết tính sao. Thình lình, cậu nọ vung tay tát vào mặt nó. Nhưng nó tránh được. Bàn tay cậu nọ trượt đi, vụt ngay vào cây thang sắt của chiếc bắc. Vừa đau vừa tức, cậu ta toan đuổi theo thằng bé lúc ấy đã phóng chạy đi. Bất ngờ, Điệp nhảy tới kéo tay y lại. Quay nhìn Điệp, y tức giận hỏi:

– Anh muốn gì?

– Xin anh tha lỗi cho thằng bé. Nó vô ý một chút, đâu đáng tội để anh đánh đập.

Cậu ta định cãi lại, nhưng nhìn thấy dáng vóc khỏe mạnh của Điệp, và cũng nhận ra quanh đây không ai thích hành động của mình, nên chỉ hằn học nhìn Điệp, rồi bước đi nơi khác.

Quay về chỗ cũ, Tư bảo:

– Thằng Lâm phách láo ấy, mầy binh nó làm gì chứ?

– Dù nó hay là ai, tao cũng không chịu được khi thấy lớn hiếp bé, Tư à.

Điệp dứt lời, bỗng thấy một bàn tay ai đặt lên vai mình. Thì ra ông hành khách mà Điệp vừa giúp ban nãy. Điệp cung kính hỏi:

– Thưa ông cần chi cháu?

Người ấy mỉm cười:

– Không có việc chi. Tôi muốn trò chuyện, làm quen với em, vậy thôi.

Tư bảo Điệp:

– Thôi mầy ở đây, tao đi kiếm mối.

Đợi Tư đi khuất, người đàn ông vỗ vai Điệp:

– Em là đứa trẻ tốt. Em hiện trú ngụ nơi đâu? Cha mẹ vẫn khỏe chứ?

Điệp đáp:

– Dạ, cháu mồ côi ông ạ!

– Ô, tội nghiệp! Thế quê em ở đâu?

– Thưa, ở Phú-an-Hòa.

– Phú-an-Hòa hả? Ủa, quê tôi cũng đấy. Em có thể nói tên cha mẹ em chăng? Không chừng tôi biết gia đình em đó.

– Ba cháu là Hai Như, thưa ông.

Người đàn ông bỗng nhìn Điệp trân trối:

– Chèng ơi! Thế ra con của bạn thân tôi đây mà. Sao lại ra nông nỗi nầy, cháu?

Điệp cũng sửng sốt hỏi lại:

– Chắc ông là thầy Sáu mà ba cháu vẫn thường nhắc?

– Phải, đúng rồi cháu ơi!

Điệp buồn rầu kể:

– Sau ngày ra tỉnh, ba cháu đi làm thợ hồ, rồi chẳng may bị tai nạn mất đi. Cháu đang học phải thôi, lo đánh giày. Mới đây má cháu lại mất vì bịnh dịch nữa!

Thầy Sáu cúi đầu, trầm ngâm một lúc lâu rồi ngẩng lên bảo:

– Thôi cháu hãy về ở với bác nhé!


Điệp đã được thầy Sáu nhận làm con nuôi, đem về nuôi dưỡng, cho ăn học tử tế. Thầy Sáu xem Điệp như con đẻ, vì nghĩ đến tình bạn thân thiết với cha Điệp ngày xưa, và cũng vì Điệp là một cậu bé rất tốt. Thật vậy, Điệp đã sống bơ vơ, chung đụng với đám trẻ chẳng giáo dục, mà còn giữ được đức tính do cha mẹ, do thầy dạy bảo khi xưa, quả thật là đáng quí.

Nhưng tình thương Điệp chỉ có trong lòng thầy Sáu, còn đối với cô Sáu, vợ thầy, và Tính, đứa con ruột độc nhất của thầy, thì trái lại hẳn.

Cô Sáu tỏ ra hết sức bực mình vì sự tốn kém do nơi Điệp: Nào tiền ăn, tiền mặc, tiền học… tự dưng mất đi vì một đứa trẻ không bà con thân thích, chẳng là vô lý lắm sao? Do những ý nghĩ trên, cô Sáu muốn Điệp phải làm một cái gì để trả. Và rồi hiện giờ Điệp vẫn được biến thành một đứa đầy tớ, mặc sức cho cô Sáu hành hạ. Điệp vẫn được đi học đấy, nhưng khi về nhà là phải làm việc quần quật, chẳng được ở không tí nào.

Phần Tính, lòng oán ghét Điệp lại càng sâu cay hơn nữa. Bởi lẽ Điệp đã về đây để chia sớt bớt tình thương cha con giữa thầy Sáu và cậu. Vì thế Tính luôn tìm cách hành hạ Điệp cho bõ ghét.

Thầy Sáu có biết chi đến thảm cảnh của Điệp? Ngày tối thầy chỉ lo cần cù với công việc của mình.
Trong khi đó, Điệp nhẫn nhục hứng bao sự bạc đãi ấy, mà không một lời than vãn. Điệp cho mình được sống như thế là may mắn lắm rồi.

Điệp cố học và tỏ ra không phiền giận chi, sau những lần bị mẹ nuôi đánh mắng. Chính cử chỉ nầy đã khiến cho cô Sáu đôi khi nghĩ lại cũng xót thương, hối hận. Nhưng rồi Tính, với những lời gièm pha, Tính đã làm cô Sáu lại ghét giận Điệp hơn. Như câu chuyện đã xảy ra hồi sáng nầy…

Vì hôm nay chúa nhựt nên Điệp, Tính đều được nghỉ học. Lúc hơn tám giờ, thầy Sáu vừa đi vắng có việc gấp, cô Sáu và Tính chưa thấy dậy. Như lệ thường, Điệp mang đĩa tách uống trà ra lu nước trước hiên để chùi rửa. Đang làm viêc ấy, Điệp bỗng nghe có tiếng gọi ngoài cổng. Điệp ngạc nhiên nhìn ra, và vui vẻ kêu lên:

– A, Tư! Vào chơi!

Đoạn Điệp chạy ra mở cửa kéo bạn vào, rồi vừa tiếp tục công việc vừa hỏi thăm rối rít:

– Mạnh hả Tư? Sao lâu quá không lại thăm tao? Tao nhớ mầy lắm đó!

Tư tươi cười:

– Vậy chứ tao không nhớ mầy à? Trước tao không lại thăm mầy vì chưa biết nhà. Vả lại bây giờ mầy giàu rồi, biết có phiền mầy không?

– Ê, đừng nói vậy! Lúc nào tao cũng không quên tình bạn giữa hai đứa mình đâu.

Điệp đã rửa xong bộ đồ trà thứ nhứt, nên toan đứng dậy đem vào cất. Nhưng Tư bảo ngay:

– Để tao đem vào cho. Tao vào trong được chứ?

– Sao không? Nhưng để tao.

– Anh em lâu ngày gặp nhau, tao muốn giúp mầy một chút xíu cũng không được sao? Đem để trên bàn kia chứ gì?

Điệp đành trao bộ đồ trà cho bạn:

– Ừ, thì đây. Cám ơn mầy.

Tư đỡ lấy đem vào trong. Điệp múc nước rửa bộ còn lại. Song khá lâu mà chưa thấy bạn trở ra, Điệp gọi vọng vào:

– Làm gì lâu thế Tư? Đặt trên bàn tròn ấy mà.

Vừa dứt lời, Điệp bỗng nghe có tiếng đổ vỡ đánh xoảng bên trong. Tái mặt, Điệp bước nhanh vào, và gặp ngay Tư hoảng hốt đi ra.

– Gì thế?

– Bể rồi.

– Bể gì?

– Lọ cắm hoa!

– Chết!

Điệp kêu lên. Nghĩ tới nét mặt giận dữ của cô Sáu, nghĩ tới những đường roi vun vút quật vào mình, Điệp thấy rủn cả người. Ngay lúc đó Điệp muốn thoi vào mặt Tư hai ba đấm. Nhưng chẳng hiểu sao Điệp lại bảo nhanh:

– Thôi, mầy hãy về ngay, để tao!

Tư nói như muốn khóc:

– Khổ quá! Tao thấy đẹp, cầm lên coi, trật tay…

Điệp gắt:

– Biết rồi, đi đi, không thì khốn cho mầy!

Tư đành bước ra cổng, vừa đi vừa ngó ngoái lại.

Mãi lúc nầy cô Sáu và Tính mới chợt thức. Cả hai bước ra, nhìn thấy cảnh đổ vỡ như vậy đều sửng sốt. Sau cùng, cô Sáu rít lên:

– Tính, lấy cây roi cho tao!

Và tiếp đó, một trận đòn diễn ra dữ dội. Điệp oằn oại dưới lằn roi không thương xót. Chỉ một chốc nữa thôi, có lẽ Điệp sẽ chết ngất đi trong đau đớn.

Song may thay, thầy Sáu đã vừa về kịp.Thầy nhảy lại giằng lấy con roi trên tay vợ, hỏi to:

– Việc gì làm dữ thế?

Cô Sáu chỉ những mảnh lọ vỡ, hổn hển đáp:

– Thì cậu xem đó. Đứa con của cậu làm thế đó.

– Đã lỡ bể, mợ đánh nó như vậy rồi lọ có lành lại không chứ? Điệp, đi rửa mặt, rửa mày đi. Từ nay cẩn thận một chút nghe không?

Điệp thút thít khóc, lầm lũi đi xuống nhà sau. Thầy Sáu quay sang vợ:

– Mợ sao nhẫn tâm quá! Nếu thằng Tính làm bể, mợ có đánh đập như vậy không?

Cô Sáu cúi đầu lặng thinh. Tính bỗng nói:

– Ba đừng che chở cho ảnh làm chi. Việc nầy ảnh cố ý chứ không phải vô tình đâu. Con nghe ảnh than phiền là ở nhà mình bị bó buộc. Nay chắc ảnh đập cái lọ nầy cho má rầy mắng đặng có cớ bỏ đi đó mà!

Thầy Sáu nạt lớn:

– Mầy chỉ nói bậy thôi!

Nhưng thật ra lời nói ấy cũng khiến thầy nghi hoặc. Rất có thể như vậy lắm, vì xưa nay những đứa trẻ hoang ít chịu tuân theo một kỷ luật nào. Thầy Sáu nghĩ vậy, nên lúc Điệp trở lên, thầy nghiêm nghị đưa mắt nhìn như dò xét. Điệp bắt gặp cái nhìn ấy, và cảm thấy dường như tình thương của cha nuôi đối với mình đã mất đi phần nào. Tự nhiên Điệp đau nhói trong tim.

Do trận đòn ban sáng, trưa nay Điệp không dùng cơm được. Xế chiều, Điệp lại thấy người hâm hấp sốt, có lẽ lại phải bịnh chăng?

Cô Sáu không bắt Điệp phải làm lụng như mọi ngày, cũng không hề nhắc đến tên Điệp. Điều đó khiến Điệp càng khổ sở hơn.

Điệp buồn bã ra ngồi ủ rũ trước thềm nhà, ngẫm nghĩ cho số phận mình mà chua xót. Đang đắm hồn trong sự suy tư, Điệp bỗng nghe có tiếng gọi bên ngoài:

– Tính ơi, Tính!

Điệp bước ra, và đứng dừng lại ngạc nhiên khi thấy rõ người gọi. Đấy chính là cậu trai bảnh bao kiêu hãnh, Điệp đã gặp dưới bắc lúc trước.

Điệp hỏi:

– Anh muốn tìm ai?

Rất thản nhiên, cậu ta nói:

– Tôi muốn gặp Tính. Tính có ở nhà không?

Điệp đáp gọn:

– Có lẽ không.

– Ô, chắc anh lầm, Tính kia!

Thật vậy, Tính vừa từ trong bước ra. Điệp cau mày, khó chịu quay vào.

Sau một lúc trò chuyện với bạn Tính trở vào trong bảo Điệp:

– Má có hỏi, anh nói tôi đi chơi một chút nhé!

Điệp hỏi:

– Đi đâu vậy?

– Đi tắm.

– Tắm sông hả? Ấy, coi chừng!

– Mặc tôi!… À, tại sao anh bảo với thằng Quí, bạn tôi, là tôi đi vắng?

– Vì tôi không muốn Tính giao thiệp với tên đó. Nó không tốt đâu!

Tính cười to:

– Thế à? Anh có biết nó nói với tôi về anh ra sao không? Nó bảo, anh là một thằng du côn.

Nói xong, Tính đi nhanh ra ngoài.


Lần đầu tiên ngâm mình trong dòng sông mênh mông sóng nước, Tính hơi sợ sệt. Song chỉ một lúc, cảm giác ấy tan biến ngay, Tính bắt đầu vùng vẫy một cách thích thú.

Ngoài kia, sau một hồi lặn lội, Quí bỗng đứng dừng lại ở một nơi cách xa Tính một khoảng ngắn, và gọi vào:

– Tính ơi ra đây chơi. Chỗ nầy có tảng đá lớn quá!

– Thôi đi, tao không dám đâu.

– Sợ gì? Ở đây nước chỉ tới ngang vai.

Tính lắc đầu, nhưng rồi cũng tò mò lần ra. Hai tay rẽ nước, cậu dò dẫm bước đi trên bãi đất bùn chìm sâu dưới làn nước đục.

Sắp đến gần Quí, Tính nhấc cao chân bước mạnh tới. Bỗng dưng, cả người cậu rơi tòm vào một khoảng nước dày đặc. Bãi đất bất chợt chìm đi, hay biến mất?

Tính thét lên khủng khiếp, nhưng tiếng thét lại biến thành những tiếng ùng ục, uất nghẹn. Hai tay cậu quạt cuống cuồng. Cậu thấy mình nổi lên, thoáng thấy mặt nước, gương mặt kinh ngạc của Quí. Vừa muốn kêu cứu, cậu lại chìm xuống ngay. Đôi tay hoạt động gấp bội, Tính nổi lên lần nữa. Lần nầy cậu không thấy Quí đâu, xa xa chỉ có một gốc bần. Tính níu lấy mặt nước, tưởng như có thể leo lên được, để nắm trong tay một giọt nước, và chìm lỉm xuống sâu. Lần thứ ba, Tính nổi lên. Quí đã trốn chạy thật rồi. Đồ khốn! Tính chỉ kịp nghĩ thế, rồi không còn trông thấy gì nữa, ngoài màu nước đục ngầu, dày đặc bao quanh. Tay Tính vẫn đập, nhưng đã yếu. Người cậu không nổi lên nữa!

Chết! Nghĩ đến cái chết, Tính rùng mình. Hình ảnh cha cậu, mẹ cậu lần lượt hiện ra. Ôi! Từ đây, mãi mãi cậu sẽ không còn thấy mặt những người thân yêu ấy nữa! Nước mắt cậu tràn ra, chan hòa với nước sông. Cậu vụt nhớ đến lời ngăn cản của Điệp mấy phút trước mà hối tiếc.

Nhưng thình lình Tính có cảm tưởng như được ai nắm lấy tay lôi hẳn lên mặt nước. Cậu hít mạnh một hơi không khí, từ từ mở mắt ra:

– Anh Điệp!

Nghe Tính thều thào, Điệp mừng rỡ:

– May quá, chưa sao!

Đoạn dìu em tiến vào bờ.

Khi đã hoàn toàn đứng trên mặt đất, Tính bỗng gục đầu vào vai Điệp khóc nức nở. Mãi một lúc lâu, cậu mới nghẹn ngào nói:

– Xin anh tha lỗi cho em. Lâu nay em đã đối xử xấu xa với anh, em rất hối hận.

– Chuyện cũ hãy bỏ qua đi Tính à. Nghĩ cũng may! Nhờ không ưa thằng bạn của Tính, nên tôi dò theo xem y dẫn Tính đến đâu, hòng bảo vệ cho Tính. Khi hai người xuống tắm, tôi núp ở gốc bần đàng kia. Lúc Thấy Tính đột nhiên chìm mất, tôi đã hiểu vội phóng xuống nước lại vớt đấy, Tính à.

– Em không hiểu vì sao chỗ đó mặt đất đột biến như vậy?

– Tôi đoán chừng người ta đã đào lấy đất nơi đấy nên có cái hố sâu như vậy. Chính khi đến gần Tính, tôi cũng bị hụt chân. Lập tức, tôi lội lên, và đứng trên miệng hố mò kiếm Tính. Rất may, tôi đụng tay Tính liền…

Tính ngồi lặng thinh, bàng hoàng nghĩ đến tai nạn vừa qua. Được một lúc, cậu đứng dậy kéo tay Tính:

– Thôi về, anh Điệp.

Bỗng cậu ngạc nhiên kêu:

– Ô! Sao tay anh lạnh và run thế?

Điệp đáp nhỏ:

– Không sao Tính à!


Qua một ngày một đêm mê man trên giường bịnh, Điệp mới vừa chợt tỉnh và cảm thấy trong người đã khỏe khoắn rất nhiều. Điệp mở mắt ra, thấy đông đủ thầy Sáu, cô Sáu, Tính, ở cả trong phòng mình.

Thầy Sáu đi tới đi lui, nói lên bằng một giọng nửa buồn rầu nửa tức bực:

– Tôi không ngờ mợ lại ích kỷ như thế. Tuy nó không phải là con ruột của mình, nhưng nó là một đứa trẻ đức hạnh, một đứa trẻ khốn khổ. Lòng nhân bắt buộc mình phải thương yêu, đùm bọc nó. Vả lại về đây, nó đã giúp cho nhà mình nhiều việc lắm chứ. Đó mợ thấy không, nếu không có nó, thằng Tính đâu còn sống sót đến bây giờ.

Ngừng một chốc, thầy tiếp:

– Nó là một đứa trẻ tốt. Thằng Tính không bằng nó đã đành. Cả mợ cũng thua nó nữa sao?

Thấy cô Sáu lặng thinh, thầy dừng lại trước mặt cô:

– Tôi nói, thằng Tính không tốt bằng nó, dù chỉ bằng một góc thôi, vì thằng Tính là đứa ganh tị, láo khoét, mợ biết không?

Cô Sáu ngẩng lên:

– Sao tôi không thấy như vậy?

– Đây nầy, chiều hôm qua tôi có gặp một đứa bé. Nó nhận là bạn của thằng Điệp, và thú thật đã làm bể lọ hoa, trong lúc vào thăm Điệp… Thế mà thằng Tính bảo anh nó đã đập cái lọ kia chứ!

Đến đây, Tính bỗng bước lại bên cha, cúi đầu, khoanh tay, nói như bày tỏ tất cả lòng hối cải:

– Xin ba thứ lỗi cho con. Từ nay con hết dạ yêu thương anh Điệp, và cố bắt chước những đức tính cao quí của anh ấy.

Nghe Điệp trở mình, cô Sáu vội bước lại. Cầm tay đứa con nuôi, cô gọi:

– Điệp, con đã tỉnh đấy à, khỏe chưa con?

Điệp đáp nhỏ:

– Thưa má, con đã bớt nhiều.

Cô Sáu dịu dàng hỏi tiếp:

– Con có giận má không?

Điệp không đáp, chỉ ngước nhìn cô, mắt mờ lệ. Bỗng nhiên, ngay lúc đó, Điệp nhận thấy cô Sáu giống mẹ ruột của mình quá. Điệp ôm chầm lấy tay cô, thốt lên một tiếng yêu thương thành thật, bộc phát tự trong tim mình:

– Má!…


Nguyễn Văn Nghệ     


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 29, ra ngày 25-6-1965)




oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>