Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Đi Thăm Tù Nhân


"Visit to a Prisoner" (Đi Thăm Một Tù Nhân) là một truyện tiêu biểu của Ignazio Silone (Ý) trình bày cuộc sống cùng khổ của người làm ruộng nước Ý, không những nỗi cực nhọc mà cả kết quả của nó nữa: ấy là sự nẩy nở cảm tình đối với người đồng hương. Cậu bé trong truyện này đã học được cách nhìn một "kẻ tội phạm" khác với cách phê phán của xã hội thay vì coi đó là một tù nhân, cậu chỉ thấy đó là một người đồng hương đương cần dự giúp đỡ của kẻ khác, của cậu.


Tôi theo dõi họ đi từ đằng xa tới mỗi lúc một to lớn rõ ràng thêm trên con đường đất bụi vắng lặng hai cảnh binh đi kèm hai bên một người bị xích tay, quần áo rách rưới, chân không giầy đi lẩy bẩy bước thấp bước cao như mọi da đỏ khiêu vũ. Có lẽ anh ta bị thọt ngay từ khi lọt lòng mẹ hay vừa bị thương ở chân. Bị kèm giữa hai "cây trụ của Luật Pháp" mặc đồng phục xám như đi đưa ma trong ánh nắng gay gắt mùa hè, anh ta làm tôi nghĩ tới một con thú bị bắt trong một đường mương, lấm đất lem luốc cố vùng vẫy để thoát thân. Trên lưng anh ta đeo một cái bọc không biết trong đựng vật gì phát ra một âm thanh nhịp theo bước chân của anh ta nghe như tiếng ve sầu.
 

Lúc đó tôi đương ngồi ở trước cửa nhà với cuốn sách tập đánh vần trên đùi, ra sức vật lộn với những chữ mẫu âm và phụ âm, thì thấy con người vừa đáng thương vừa khôi hài ấy đi tới chẳng khác gì một trò giải trí bất ngờ làm cho tôi cười lên khúc khích. Tôi quay nhìn xung quanh xem có ai cùng chia xẻ cái trò vui ấy không thì thấy cha tôi ở trong nhà lê bước đi ra.

Tôi vừa cười vừa nói: "Ba coi kìa buồn cười không?" Nhưng cha tôi nghiêm mặt lườm tôi một cái, véo tai tôi xoay đi một vòng rồi lôi vào phòng ông. Chưa bao giờ tôi thấy cha tôi giận tôi như vậy.

Tôi vừa xoa tai vừa hỏi: "Con có làm gì lầm lỗi đâu?"

"Không bao giờ con được chế giễu một tù nhân. Không bao giờ, nghe không!"

"Vì lẽ gì ạ?"

"Vì người ta không thể tự vệ được. Và con biết đâu, rất có thể người ta vô tội. Vì dầu sao đi chăng nữa, người ta cũng là người đáng thương."

Cha tôi chỉ nói có vậy rồi bỏ ra khỏi phòng, để một mình tôi đứng ngẩn ngơ với một mối băn khoăn mới lạ. Mẫu âm và phụ âm với những liên quan khúc mắc giữa hai thứ chữ ấy không còn làm cho tôi thích thú nữa.

Tối hôm đó, thay vì thúc giục tôi đi ngủ như thường ngày, cha tôi đã làm một việc khác thường: ông đưa tôi đến Trung Tâm Cộng Đồng. Nhưng đáng lẽ theo thói quen đến đứng gần với bạn bè ở Phòng Hội Tương Trợ thì ông lại tới ngồi vào một bàn kế ở vỉa hè tiệm Cà Phê Tao Nhân là nơi có nhiều nhân vật thượng lưu trí thức tới ngồi hóng mát sau một ngày nóng bức. Ông Chánh án Tòa Tỉnh ngồi ở bàn bên cạnh đương nói chuyện với một ông bác sĩ. Cha tôi quen thân với ông Chánh án, gật đầu chào ông xong, hỏi:

"Người đàn ông  bị bắt hồi sáng phạm tội gì vậy?"

Ông Chánh án đáp: "Ăn cắp".

Cha tôi hỏi thêm: "Người ở đâu tới? Có nhà cửa gì không? Hay mới thất nghiệp?"

Ông Chánh án nói: "Hắn làm việc ở xưởng gạch và hình như ăn cắp gì của chủ ấy. Thế ông có bị nó ăn cắp gì không?"

Cha tôi nói: "Kể cũng lạ. Gặp hắn đi chân không, quần áo rách rưới tôi có cảm tưởng như hắn bị người ta ăn cắp hơn là hắn ăn cắp của người ta."

Mấy năm sau, tôi được cha tôi cho đi theo sang quận Phúc Thạnh lần đầu tiên. Đó là "một biến cố lớn" đối với tôi. Tôi thấy mình bỗng lớn hẳn lên. Cha tôi đánh thức tôi dậy sớm lắm ; trời hãy còn tối nhưng cha tôi đã cho bò ăn uống no đủ và đã đóng xe sẵn sàng đợi ngoài cửa. Tôi cũng ngạc nhiên nghe thấy ở sau nhà có tiếng dệt cửi, tiếng bàn đạp và thoi đưa rầm rập: thì ra mẹ tôi cũng đã làm việc rồi. Nhưng bà tới ngồi ngay bên cạnh tôi trong lúc tôi ăn điểm tâm bánh mì sữa, và dặn dò tôi mấy câu. Tôi nhớ bà bảo tôi tới Phúc Thạnh đừng có ra ngồi ngoài nắng, bà nói: "Con có biết không những người lần đầu ra làm việc ngoài đồng ít tránh khỏi say nắng." Rồi bà đưa tôi ra tận xe. Mỗi chi tiết, mỗi sự việc đều làm tôi rung cảm thêm. Trong ánh sáng tờ mờ buổi mai, đôi bò mộng to lớn, những đồ vật cổ sơ chất trên xe (nào cây bừa, nào bao cỏ, giỏ để ăn đường, nào hũ nước, hũ rượu...) và không ngờ cả con gà trống, mãi đến lúc nó gáy lên tôi mới biết là có nó, tất cả những thứ đó hình như báo cho tôi biết trước đời sống ở nơi mà tôi sắp được phép tới. Chúng tôi phải đi sớm như thế là vì miếng đất của chúng tôi ở xa trên mười cây số gần tới trung tâm quận Phúc Thạnh, và chúng tôi hai cha con tôi và bò phải đi làm sao đến đó trước khi mặt trời mọc thì đỡ khổ hơn.

Ai cũng biết là đi xe bò khó có thể nhanh hơn người đi bộ ; nhưng lại hợp với tâm trạng tôi, một đứa trẻ lần đầu tiên được phép tham dự vào công việc của người lớn. Tôi để ý ngắm những người nhà quê đi thành đoàn hoặc trước hoặc sau chúng tôi và tôi bắt chước họ cố giấu những tính tình và ý nghĩ của mình đi. Tôi để ý thấy ngay giữa bạn bè thân thích với nhau họ cũng chỉ khẽ gật đầu chào nhau một cái rồi thôi. Có lẽ vì hôm đó là ngày đi làm ăn chứ không phải ngày hội hè giỗ tết. Ngay cả cha tôi cũng trầm ngâm im lặng, thỉnh thoảng mới nói một tiếng với tôi, nhưng tôi không quan tâm, và đó cũng là bằng chứng cha tôi không còn coi tôi là con nít nữa. Một điều tôi bất ngờ khám phá ra là quang cảnh làng tôi sau khi chúng tôi đi được một quãng xa, tôi quay đầu ngó lại. Từ bé chưa bao giờ tôi thấy quang cảnh ấy, toàn thể làng trải ra trước mắt tôi trông tựa hồ như tách rời khỏi tôi, vượt cao trên thung lũng. Tôi gần như không nhận ra là làng tôi nữa: một đống nhà cửa chồng chất trong một khe núi trọc.

Càng đi xa về phía quận, đoàn người, xe bò càng thưa đi, tản mác về những nẻo đường bên phải bên trái, cuối cùng chỉ còn lại có một mình xe chúng tôi. Mãi tới lúc đó cha tôi mới biết là đã quên đem theo thuốc lá. Thấy bộ dạng của cha tôi, tôi biết việc này rất quan trọng. Ông làm sao có thể sống qua một ngày trong cái không khí nóng bức của đồng ruộng mà không có thuốc hút? Ngay đến những nông phu nghèo nhất cũng không thể chịu được cảnh thiếu thuốc suốt ngày như vậy.

Mặt trời đã mọc và chúng tôi đã đi già nửa đường nên không thể tính chuyện quay trở về lấy thuốc được. Tôi đến khổ sở cứ phải nghe cha tôi nhắc đi nhắc lại mãi một câu:"Từ xưa tới giờ mình chưa bao giờ quên đem thuốc đi cả, chưa bao giờ, thực thế." Như vậy có nghĩa là lỗi tại tôi sao? Tôi sợ vô cùng. Cái ngày đáng ghi nhớ nhất đời tôi bỗng bị một lớp mây đen làm cho u ám. Tới ruộng nhà, cha tôi tháo bò ở xe ra buộc vào ách cày, không nói không rằng, mà cũng chẳng thèm ngó tôi một cái. Suốt dọc đường cái quan dài hai bên trồng bạch dương và cả những thửa ruộng chữ nhật nối tiếp  xung quanh ruộng chúng tôi đều vắng tanh vắng ngắt, không một bóng người ; vả lại cũng khó có hy vọng gặp được một người quen nào sẵn lòng nhường lại thuốc lá của họ cho cha tôi.

Khi sắp sửa thúc bò cày luống thứ nhất, cha tôi bảo tôi:

"Này cầm lấy mười đồng, ra kia xem có ai đi qua có thuốc lá hay thuốc bào thì cố năn nỉ người ta để lại cho".

Trời đã nóng, và chắc chẳng còn ai đi qua đi lại vào giờ này nữa. Cha tôi cởi áo ngoài, cầm gậy thúc bò, giọng cáu kỉnh. Tôi buồn lủi thủi đi ra lạch ngồi trên bờ cỏ. Con lạch nhỏ  ngăn đường cái với ruộng. Tôi quay lại nhìn cha tôi đương cong lưng đẩy chiếc cày sau hai con bò, đi từ đầu ruộng tới cuối ruộng, quay trở lại rồi lại đi nữa, cứ thế đào những luống đất trộn ra đốt cháy đen. Ông cặm cụi cày, bước từng bước đều chậm chạp, trong khi mặt trời bắt đầu thiêu đốt. Không có lấy một ngọn gió, những hàng bạch dương phân ranh các thửa ruộng đứng im phăng phắc, mặt nước bùn trên con lạch hình như nước tù hãm không chảy. Tôi ngồi trong bóng mát mà còn nóng bức khó chịu, gần như muốn ói và ngất ngư buồn ngủ khiến tôi có ý nghĩ biết thế này thà mình cứ ở nhà thì hơn. Đến gần trưa, bỗng có tiếng cha tôi gọi làm tôi giựt nẩy người tỉnh dậy. Một người cưỡi la đương đủng đỉnh đi trên đường cái về phía chúng tôi. Cả người lẫn vật hình như đi trên một đám mây dầy đặc bụi mà vó la cuốn bốc lên khiến người ta không trông thấy vó nó đâu. Tôi vội chạy tới người cưỡi la, giơ cho người ấy thấy đồng tiền và đề nghị ngay việc mua bán, tôi trỏ cho người ấy thấy cha tôi đương đứng ngừng lại ở giữa một luống cày dở dang.

Người ấy đáp: "Tôi chỉ còn có mỗi một điếu thuốc hút dở."

Tôi vừa bước theo bên cạnh con la, vừa nói: "Không sao. Ông cứ cầm lấy tiền và đưa cháu điếu thuốc - ồ, ông giúp cháu, đừng từ chối, đi ông."

Người ấy hỏi: "Vì lẽ gì tôi lại phải đi suốt ngày không được hút lấy một hơi thuốc lá? Chả lẽ ba cậu là người tốt hơn tôi sao?"

"Không, thưa ông cố nhiên là không phải như vậy. Chỉ vì ba cháu bực mình khó chịu vì không có thuốc hút nên cả ngày chẳng chịu nói năng với ai một lời."

Người cưỡi la hỏi vặn lại: "Ông ấy khó chịu đến thế kia ư? Ông ấy tự cho mình là ông gì vậy?"

Tôi cứ chạy theo bên cạnh con la, nhưng tôi đã bắt đầu thất vọng. Tôi phải làm sao bây giờ để có thể mua được điếu thuốc đang hút dở kia? Tôi đưa mắt nhìn van lơn người cưỡi la ; ông ta nhìn lại nhưng vẻ mặt lạnh lùng, tuy nhiên tôi thấy hình như giấu ẩn một ý nếu không phải là chế nhạo thì là thương hại ; nhưng tôi không quyết định được ý nào đúng. Từ trước ở quanh xóm tôi chưa từng thấy người nào mà lại gầy gò, da dẻ nhăn nheo cháy nắng như ông ấy.

Tôi nói: "Trong giỏ cháu có một ít thức ăn, nếu ông muốn, ông có thể lấy hết phần của cháu. Trong hũ lại có ít rượu nhà cất lấy ngon lắm. Ông ơi, ông hãy ngừng lại một chút mà coi."

Nhưng ông ấy vẫn không chuyển lòng và có vẻ buồn cười về thái độ của tôi. Tôi muốn phát khóc lên, cố năn nỉ: 

" Ông giúp cháu đi ông. Ông phải giúp cháu đi ông."

Chợt ông ấy đưa ra điếu thuốc hút dở và nói: "Thôi đấy. Biếu cậu đấy."

Tôi ngạc nhiên: "Nhưng sao ông không lấy tiền?"

"Ai lại lấy tiền nửa điếu thuốc bao giờ. Có ai bán nửa điếu thuốc bao giờ. Cậu có thể giữ lấy tiền hoặc muốn cho ai thì cho."

Tôi không nài nữa vì tôi còn vội chạy về khoe với cha lòng kiên nhẫn và gan dạ của tôi.

Nghe kể lại "cuộc điều đình thắng lợi của tôi", cha tôi nói: "Lạ nhỉ. Lẽ ra con phải hỏi cho biết tên người ta mới phải."

Mấy năm qua đi. Một buổi chiều, tôi đương ngồi ở cửa nhà với cuốn Ngụ Ngôn La tinh trên đùi, chợt thấy một người tay bị còng đi giữa hai viên cảnh binh, trông rất giống người cho thuốc lá. Tôi nhận ngay ra ông ta, không do dự chút nào, tôi xúc động và thấy như tim mình bị thót lại. Tôi vội chạy đi kiếm cha tôi để báo cho ông biết, nhưng cha tôi đi vắng. Tôi chạy đến nhà bà tôi, rồi đến Trung tâm Cộng đồng, nhưng không ai thấy cha tôi đâu cả. Mãi sau tôi mới thấy ông ở chuồng bò vắt sữa. Chắc vẻ mặt tôi lúc đó bối rối lắm nên vừa thấy tôi, ông đã hỏi có phải ở nhà có tin gì không hay phải không. Tôi nói: "Dạ, đúng như vậy" rồi tôi tuôn ra một mạch hết câu chuyện.

Hôm sau là Chủ Nhật. Ở nhà thờ ra tôi đến Trung tâm Cộng đồng tìm cha tôi vì chúng tôi đã dự tính tới thăm ông Chánh án.

Gặp ông Chánh án, cha tôi bảo tôi: "Kể chuyện của con cho ông Chánh án nghe đi. Con quen người ta chứ ba đâu có quen."

Chuyện không dài, nhưng tôi cố tìm hết tất cả những lời lẽ dễ xúc cảm để kể ra. Ông Chánh án vừa nghe vừa tủm tỉm cười. Nghe tôi kể xong, ông nói người ấy bị bắt vì ăn cắp.

Tôi sững sờ cả người. Tôi tưởng tượng thấy ông ta có thể dữ tợn, đánh người, nhưng không thể nào ăn cắp được.

Cha tôi tìm cách giải thích cho tôi hiểu: " Ông ta có thể đã làm một việc gì khiến cảnh binh và ông Chánh án cho ông ta là kẻ ăn cắp. Việc ông ta làm chắc giống như ăn cắp ; nhưng chỉ có Trời mới biết thật sự ra ông ta đã làm gì, có ăn cắp hay không."

Ông Chánh án rất tử tế, cho cha con tôi một giấy phép vào trại giam thăm người đã cho tôi thuốc lá. Ông Chánh án ghi cả tên người ta trên giấy. Trên đường đi tới trại giam, cha tôi nói:

"Mình nên đem quà cho ông ta. Nhưng biết đem gì bây giờ?"

Tôi đề nghị: "Có lẽ nên đem một vài bao thuốc lá, ba ạ."

"Ý kiến hay đó."

Tôi có thể nhớ hết mọi chi tiết của buổi viếng thăm ấy, vì tôi còn nhỏ tuổi và đó là lần đầu tiên tôi đặt chân tới một chỗ như vậy. Lúc bước qua cổng trại, tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Người cai dẫn chúng tôi đến một gian buồng nhỏ hôi hám chỉ có chút ánh sáng tờ mờ lọt qua hai thanh sắt bịt cửa sổ. Người cai chỉ cho chúng tôi một cái ô nhỏ cao ngang mặt, đục trong tường để chúng tôi có thể nói chuyện qua cái ô ấy với người tù mà chúng tôi muốn gặp. Muốn nhìn rõ mặt người ấy, tôi phải kiễng chân lên cho cao. Trông thấy tôi, ông ấy nhận ra ngay, điều này làm cho tôi vui hết sức.


BẢO SƠN dịch    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 73, ra ngày 14-1-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>