Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Bác Đèn Dầu Khó Tính


Đồng hồ đã gõ mười hai tiếng tình tang trong đêm vắng, âm điệu thật buồn. Đã nửa đêm rồi đấy! Thế mà trên chiếc bàn học bé nhỏ của Phú, bác đèn dầu vẫn phải chịu đứng hầu. Sáng choang. Ánh sáng của bác soi tỏ những dòng chữ đen chi chít, nhỏ li ti trong cuốn "Câu Hỏi Thường Thức" mà cậu bé Phú đang gò lưng ra sức học miệt mài.

Bác đèn dầu "căm" cậu bé Phú vô cùng, vì rằng thì là đã nửa đêm rồi mà cậu ta chưa cho bác đi ngủ, bắt bác đứng "chầu" hoài, y như ông quan cận thần phải đứng chầu bên bệ rồng của Vua vậy. Thật là khổ! Thử hỏi ai mà buồn ngủ quá rồi, thì có thể đứng hoài như thế được không? Hẳn là không! Vì khi sự mệt mỏi tột bực đã đến với cơ thể rồi, thì hầu hết người ta đều chẳng làm được việc gì mà muốn làm đi chăng nữa cũng chẳng làm được và lúc ấy, chỉ có giấc ngủ là cần, chỉ có giấc ngủ mới giải quyết được mọi vấn đề mà thôi. Thế mà...!

Bác đèn dầu bực mình, lên tiếng bẳn gắt:

- "Bố" cái thằng nhãi Phú! Nó chẳng biết điểu tí nào cả! Nó chẳng biết quí trọng giấc ngủ của người ta. Nó quấy rầy, nó hành tội. Nửa đêm khuya khoắt mà nó chẳng để mình yên. Nhất là cái thân "già" này, đã mệt mỏi quá rồi! Chả lẽ nó bắt mình thức trắng đêm với nó hay sao?... Ái chà chà! (bác dẩu môi ra) Làm như ta đây siêng học dữ lắm không bằng! Suốt ngày chỉ vùi đầu vào sách, vào vở léo nhéo luôn miệng. Ối dào! Biết có thi đậu không đấy? Hay lại đi tuốt luốt, làm uổng công hao mòn thân thể của "già" này, hằng khuya hằng sớm đứng chầu một bên cho nó học?

Đó là những lời mà bác đèn dầu mỉa mai cậu bé Phú. Số là ngày thi đệ thất sắp đến rồi, nên hằng ngày, hằng đêm, hằng sớm, cậu bé Phú lo lắng ; lo cho sự thi cử của mình ; nên siêng năng chăm chỉ học ôn lại bài. Cậu bé hết học câu hỏi thường thức ; lại đến luyện toán, đến luận văn ; mong sao cho thông suốt thuộc làu, để lúc làm bài thi khỏi phải vấp váp bỡ ngỡ. Vì vậy mà cậu bé đã quấy rầy đến bác đèn dầu ít nhiều. Đêm đêm, cậu chong bác trên bàn, ngồi học. Sáng sớm thức dậy, cậu cũng chong bác lên. Bác đèn dầu "căm" cậu và mỉa mai cậu cũng là vì ở chỗ đó!

Kể ra thì bác đèn dầu này cũng có... hơi kỳ! Tại sao bác lại đi căm tức và mỉa mai một cậu học trò, khi cậu học trò này vô cùng siêng năng?

Siêng năng là một tính tốt, mà cậu học trò nào cũng cần phải có, mà tại sao bác lại không biểu đồng tình? Nhẽ ra thấy cậu bé Phú lo học hành như vậy, thì bác phải thương, phải khuyến khích cậu thêm mới phải chứ?! Đằng này bác chẳng hề như thế bao giờ, mà bác lại còn "lên án" cậu bé Phú, rằng thì là cậu quấy rầy bác. Thiệt kỳ. Thì ra bác chỉ biết sống cho riêng mình, và chỉ muốn cho thân mình lúc nào cũng được sung sướng, chứ bác không chịu khổ. Thế là bác có hơi... ích kỷ rồi đấy! Bác chẳng có tấm lòng hy sinh, và cũng chẳng có tinh thần phục vụ, dù rằng bác đang phải đóng giữ hai vai trò đó. Hy sinh và phục vụ cho "kẻ sĩ" trau giồi, dùi mài kinh sử mà bác lại cho là một điều khổ, thì bác chẳng có lương tâm tí nào. Tại sao bác không nghĩ rằng, những người "dùi mài kinh sử"  dưới ánh sáng của bác như vậy, rồi một ngày kia khi họ đi thi, họ sẽ đạt được thành quả tốt đẹp sau bao cố gắng chuyên cần, thì lúc ấy bác cũng được hãnh diện lây đôi chút chứ! Bác cũng có công trạng với người đó đôi chút chứ! Tại sao bác không nghĩ thế đi mà tự lấy làm sung sướng, vì đã giúp ích được cho người, cho đời. Như thế có phải hơn không? Có phải bác đã trở thành một bậc trưởng thượng hy sinh vì đại nghĩa không? Hay hơn thế nữa là bác đã góp công vào việc đào tạo nhân tài. Bác đã thắp sáng lên linh hồn và trí tuệ của biết bao kẻ sĩ, từ cõi u tối về nơi quang nhuần ; có phải bác đã trở thành quan trọng đối với đời không? Vậy mà bác lại đi cảu nhảu, càu nhàu ra mặt, không muốn ai quấy rầy đến bác, không muốn làm việc công ích. Thế thì công lao của bác hằng đêm đứng "chầu" mệt mỏi, cũng chẳng đáng ghi ơn tí nào. Rõ uổng!

Nhưng cũng tình ngay mà nói, thì lòng dạ của bác đèn dầu không xấu xa vị kỷ quá như vậy! Đừng vì một phút bực mình bẳn gắt của bác mà đoán con người bác như thế, cũng tội cho bác. Hãy thử nghĩ rằng khi mình buồn ngủ quá rồi, mà ai sai mình làm một việc gì, thì coi mình có bực và càu nhàu trong miệng không? Hẳn là có! Vì thế cho nên, bác đèn dầu nhiều lúc bẳn gắt và mỉa mai cậu bé Phú như thế, chẳng qua là vì bác đã buồn ngủ. Vâng, bác buồn ngủ lắm! Vậy mà phải đứng hầu hoài, nên bác mới nổi quạu, mới càu nhàu. Ta cũng nên thông cảm cho bác.

Và đêm nay, đêm cuối cùng của bao đêm thức trắng chuyên cần, để rồi đêm mai cậu bé Phú sẽ không còn thức khuya mà chong bác đèn dầu lên học bài nữa. Vì sáng ngày mai, cậu đã đi thi rồi. Và cũng vì lẽ đó, mà đêm nay cậu bé thức khuya hơn mọi đêm. Bác đèn dầu cũng phải bị thức theo.

Đồng hồ đã gõ mười hai tiếng, Phú vẫn ngồi học ôn bài. Trong ánh sáng vàng vọt của bác đèn dầu, trông cậu bé xanh xao đến tội nghiệp ; cũng vì cậu bé lo học quá! Vậy mà bác đèn dầu không thương, lại còn mỉa mai cậu này nọ. Phải chi bác đèn dầu biết cậu là một học trò siêng năng, và bác đừng buồn ngủ trước cậu, thì có lẽ bác sẽ thương cậu hơn. 

Đồng hồ lại gõ một tiếng êm đềm. Tình tang. Tiếp theo đó là tiếng tíc-tắc tíc-tắc nhịp nhàng, đều đặn. Bác đèn dầu lúc này ngủ gục, ánh sáng của bác hắt hiu mập mờ. Và kìa! Cậu bé Phú cũng đã gục xuống bàn ngủ khò tự lúc nào. Ô hay! Thì ra cả hai bác cháu đều mệt mỏi tột bực.

Nhưng một lúc, bác đèn dầu bỗng giật mình thức dậy. Nhìn thấy Phú đang thả hồn say sưa trong giấc mộng vàng, bác lại lên tiếng càu nhàu cậu bé:

- Thằng lỏi! Nó ngủ rồi mà không cho mình ngủ với. Chả lẽ nó bắt mình đứng đây hoài tới sáng hay sao? Như thế thì còn gì cái thân của "già" này nữa? Khổ ơi là khổ! (rồi bác quát lớn): Bớ Phú dậy cho tao đi ngủ nhanh mày!

Nhưng cậu bé vẫn thiếp đều. Và trong đêm khuya khoắt im lìm, mọi vật đều ngủ say ngủ vùi hết cả. Chỉ còn lại mình bác đèn dầu đứng chơ vơ giữa bàn, với cơn giận đang sôi lên sùng sục. Bác ta lải nhải chửi đổng luôn miệng. Nhưng mặc cho bác muốn chửi sao thì chửi, đêm vẫn là đêm, vắng lặng vẫn là vắng lặng. Cho dù bác có lải nhải chửi hoài đi nữa thì cũng chẳng lọt vào tai ai lời nào.

Thế là bác ta đành chịu thức mỏi mắt. Chờ khi nào cậu bé Phú thức dậy, bác ta mới được đi ngủ. Nhưng lúc ấy thì còn lâu! Vậy cũng đáng đời. Cho bác đèn dầu từ nay hãy bỏ cái tật khó tính, và ưa bẳn gắt của bác đi.


LÊ TRUNG   
(Biên Hòa)     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 72, ra ngày 7-1-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>