Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Hoa Đồng Nội


Vĩnh mở choàng mắt khi nghe tiếng gà của bác Tư gáy rộ sau nhà. Mọi khi vừa nghe nó đã vùng dậy đi rửa mặt. Nhưng hôm nay nó cảm thấy khó chịu, cái nóng từ đâu bay về đậu ở hai bên thái dương và đầu khiến nó có cái cảm tưởng của một người "sưởi cho ấm" trong lúc trời đang nắng gắt. Nó nhếch môi mỉm cười với cái ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy. Rồi nó nhắm mắt lại, lắng nghe tụi chim đang thầm thĩ tâm sự. Chúng nó nói chuyện gì mà vui đến thế, tưởng không bao giờ dứt nhưng lại đúng giờ lắm. À thì ra tụi nầy có kỷ luật lắm mà! Vĩnh lại mỉm cười vì nó cũng đặt ra luật lệ mà mấy "tự" chăn trâu đều răm rắp tuân hành. Nó muốn vùng dậy để nhảy ra đồng, nhong nhong trên mình trâu, nghêu ngao một bản đồng dao trong lúc mặt trời đang ngủ vùi sau mấy rặng núi đằng Đông. Nhưng nó lại làm biếng, kéo chiếc chăn rách nát phủ lên bụng, nhắm mắt lại để dỗ giấc ngủ. Nhưng chỉ lát sau, một tràng líu lo từ đầu cổng vọng vào đúng là giọng thằng Danh làm nó vụt chỗi dậy:

- Vĩnh ơi... dậy chưa? Mau đi mầy, có chuyện hấp dẫn lắm!

Không đáp, Vĩnh lẳng lặng ra sau súc miệng và tạt vào bàn lấy mấy củ khoai mà má nó đã dành phần cho vào túi, vớ lấy chiếc ná cao su quàng vào cổ, chọn một túi đầy đoạn tròn, đoạn hấp tấp ra cửa.

Bây giờ trời đã sáng, sương sớm vẫn chưa nỡ rời mấy ngọn cây. Gió ban mai mát lạnh đùa cợt trên người Vĩnh và len qua chỗ rách của chiếc áo để chọc lét vào da thịt nó. Vĩnh nghe nhồn nhột khắp người. Nó đưa tay bịt chỗ rách đoạn đếm bước đến chuồng trâu. Nói là chuồng cho oai chứ thật ra đấy chỉ là một mái rạ rách nát không che nổi nắng mưa, đè lên bốn cây cột tre đã mục, gần muốn gãy. Còn ba con trâu và một con bò thì đêm nào cũng được buộc chặt vào cọc và sáng nào nó cũng dẫn chúng đi ăn. Đó là nguồn sống của gia đình nên Vĩnh "cưng" chúng lắm.

Đến trước chuồng, Vĩnh dừng lại, ngắm lũ trâu phục phịch, con bò vĩ đại. Nó nghĩ nó là một anh hùng tứ chiếng, một hiệp sĩ đầu thai lộn kiếp. Trong đầu óc non nớt của nó, không những có những ý nghĩ ngây thơ mà đôi lúc còn ngộ nghĩnh nữa. Nó mở dây buộc lùa trâu đi trước và rất nhanh, nó phóng lên mình chú bò đực ra roi. "Đoàn chiến mã trong trí tưởng tượng" của Vĩnh dẫn nó tiến ra cổng.


Ngồi trên lưng bò, mắt Vĩnh lim dim, môi nhếch lên kiêu hãnh. Nó nghĩ nó là một Bill Cody do những mẩu chuyện thằng Danh kể lại. Bằng một giọng trịch thượng, nó kê miệng sát vào tai chú bò vàng:

- To như mầy mà phải đợi tao dẫn mới đi ăn được. Sao mầy ngốc thế, hở Dăm-Bô?

Con bò không biết gì cả, ngỡ chủ quát đi nên nó càng phi nhanh thêm. Bốn chân con vật nện thình thịch bên đường như điệu reo trong lòng Vĩnh. Vĩnh phơi phới vui khi thấy thằng Danh đang ngất ngưởng trên lưng con bò bướu mà chúng thường gọi là con Xích Thố. Thấy Vĩnh, thằng Danh lên tiếng:

- Tưởng mầy chết ở đâu rồi ấy chứ!

Hai đứa cùng cười. Vĩnh vụt hỏi:

- Danh nầy, có chuyện gì hấp dẫn đâu, kể tao nghe coi!

Nói xong Vĩnh mỉm cười, vì nó thấy giọng mình cũng "quyền" lắm. Riêng thằng Danh thì không lấy làm khó chịu, vì chúng quen nhau lâu lắm rồi. Danh nói:

- Có một nhóc tì dám khiêu chiến với tụi mình. Mầy thử nghĩ, tao với mấy thằng bạn ngồi trên lưng "ngựa" cho phi nước đại về nhà, cứ như Triệu Tử Long ấy chứ. Thế mà thằng nhóc đã không tán thưởng mà còn bảo tao điên. Thế có ức không?

Vĩnh gật đầu:

- Ức thật. Thế mà mầy với con nhà Míc-xơ-lanh không dám "đốp" nó à?

Thằng Danh cung tay:

- Ông đâu có sợ. Nhưng...

- Nhưng gì?

- Nhưng chưa có lệnh mầy, tao chưa dám ra tay.

Vĩnh bật cười. Trong chốc lát, nó nghĩ nó là một chủ soái, chung quanh nó là những dũng sĩ sẵn sàng chết vì nó. Với ý nghĩ ấy, Vĩnh vỗ vai Danh:

- Mầy khá lắm, tao không bao giờ để mầy bị nhục đâu. Nhưng Danh nầy...

- Gì đấy Vĩnh?

- Thằng nhóc bao lớn và vẻ mặt ra sao?

- Ối! Thằng nhóc ốm lắm, thoạt trông tao tưởng thánh Cam-Địa tái sinh. Nhưng vẻ mặt nó thì chao ôi, coi đời chưa bằng nửa hột cát. Thằng đó tưởng nó đi học là sang, còn tụi mình là thứ bỏ. Nhìn cái dáng khinh khỉnh của nó ông muốn đập quá!

Vĩnh cung tay đấm dứ vào không khí:

- Được rồi, nhóc tì sẽ nhận được sự trả thù của tao.

Danh mỉm cười:

- Nhưng mầy chơi bằng cách nào? Mọi da đỏ à?

- Ối, trò đó xưa rồi. Đời nầy nửa mới nửa cũ thì phải chơi trò bán cổ bán kim mới đúng điệu.

- Thế nghĩa là sao?

Vĩnh vỗ vai thằng Danh:

- Mầy kém đến thế cơ à? Bán cổ bán kim là nửa mới nửa cổ ấy.

Danh "à" lên một tiếng. Nó giương đôi mắt nai tơ ra nhìn Vĩnh với vẻ thán phục:

- Mầy tiếp đi.

- Bây giờ nhé, mầy, con nhà Tíu, con nhà Míc-xơ-lanh phục quanh con đường thằng nhóc thường đi. Đợi thằng nhóc lọt vào vòng vây rồi, tao sẽ hành sự sau. Lúc ấy sẽ có một bất ngờ lý thú xảy ra...

Danh giục:

- Mầy làm cứ như là truyện trinh thám ấy. Kể tao nghe đi.

- Nếu kể thì còn gì lý thú nữa đâu, phải không mầy?

- Ừ nhỉ!

Trông gương mặt con nhà Danh đờ ra, Vĩnh thấy thương hại quá. Nó lần túi lấy ra một củ khoai dúi vào tay Danh:

- Ăn đi mầy, phần của tao đấy.

Rồi hai đứa cùng bóc vỏ ra ăn. Trước mắt, chúng đã thấy ngôi miếu cổ hiện ra. Ngôi miếu nầy nằm khiêm tốn trên một giải đất rộng lớn bị bỏ hoang, là "kho quân nhu" của giới trâu bò. Đây cũng là nơi tụ tập của những  tay anh hùng mã thượng... chăn trâu. Chúng nó có thể chạy mỏi cả chân, thực hiện mọi trò chơi một cách dễ dàng vì cây cối ở đây rất nhiều và rất xa nhà cửa nên không sợ ai quấy rầy cả.

Hai đứa đến nơi đã thấy bảy, tám con bò đang gặm cỏ non và hai trự chăn bò nằm ngửa trên cỏ. Vĩnh đằng hắng một tiếng, đã thấy một thằng nhóc mập như một gã ba Tàu chạy đến. Vĩnh bảo:

- Đem bò trâu ra cột hộ tao. Nhớ nối dây cho dài ra nhé. Hôm qua bò tao bị đói đấy.

Míc-xơ-lanh dạ rất ngoan rồi dắt bò đi xa dần. Vĩnh quay qua Danh:

- Thằng nhóc thường đi đường nào, hở mầy?

Danh trỏ con đường dẫn ra tỉnh:

- Con đường ấy.

Vĩnh chợt nhìn thẳng vào mắt Danh, nghiêm giọng:

- Thằng nhóc dám chửi mầy là đồ điên à?

Vĩnh thấy có cái gì khác lạ trong câu trả lời của Danh:

- Ừ... hắn bảo tao điên.

- Tao thì không tin rồi. Mà tại sao mầy lại nói dối cả tao nữa, Danh nhỉ?

Danh ngập ngửng:

- Tao chịu mầy thông minh. Đúng đấy, thằng nhóc không chửi tao nhưng trong ánh mắt, trong nụ cười của nó hàm chứa biết bao nhiêu tiếng chửi...

Vĩnh bật cười:

- Cha, mầy nói văn chương được lắm. Tiếp đi...

- Tao thường thấy nó đi, cái dáng khinh người của nó như chọc tức tao. Mầy biết không, thấy tao cỡi bò đi nhong nhong mà nó cất tiếng cười. Tiếng cười như trêu chọc, khinh khi tao. Đáng lẽ thấy tao nghèo phải đi chăn bò thì nó phải thương tao hơn, lẽ nào còn nhạo tao nữa?

Chưa bao giờ Vĩnh thấy thương bạn như lúc nầy. Vĩnh lẳng lặng cởi chiếc ná cao su xuống và lắp đạn vào. Nó trương dây thun nhắm vào chùm bàng đang lắc lư trước gió đoạn buông tay. Mấy trái bàng rơi đánh bịch xuống đất, vài chiếc lá tơi tả rụng. Vĩnh nghiến răng:

- Mầy yên chí, tao sẽ bắn vỡ đầu nó ra như thế nầy.

Danh cảm động:

- Chúng mình sống chết có nhau, Vĩnh nhá!

*

- Bây giờ thì thằng nhóc sắp về rồi đây...

Tiếng thằng Danh nhắc chừng bạn. Vĩnh nói:

- Con nhà Danh sao nóng quá. Ừ! Thì tao sắp cho phục kích đây. Nhưng nếu chờ lâu, đừng có trách ông đấy nhé.

- Mầy yên chí đi mà.

Xong hai đứa vẫy hai thằng nữa đi dần về phía con đường mòn. Cứ như một dũng tướng, Vĩnh ra lệnh:

- Míc-xơ-lanh núp vào bụi cỏ đằng kia, con nhà Tíu ở đây, con nhà Danh trên cây khế trước mặt. Còn tao cây bứa nầy. À con nhà Míc-xơ-lanh không được nóng đấy nhé, chờ thằng nhóc lọt vào vòng vây rồi, tao ra lệnh mới được nhảy ra nghe. Lúc ấy, chỉ cần mình tao "chọi" với nó là đủ, tụi bây thì làm khán giả...

Bọn nhóc chừng như khoái lắm, chia nhau phục kích từng nơi.

Ngồi trên thân bứa um tùm, Vĩnh đưa mắt quan sát. Con đường mòn quanh co vẽ thành một con đường cong ôm lấy những thân tre vàng vọt, không người qua lại. Vĩnh nghĩ: Thằng nhóc đi học thì giờ nầy chắc đã về. Nhưng sao chưa thấy gì cả. Hừ! Cái thứ khinh người thì ông không bao giờ tha đâu con ạ.

Có giọng thằng Danh:

- Hồn vía thằng nhóc linh thiêng hay sao ấy, mọi khi thì giờ nầy nó đã về đến đây. Bắt ông chờ càng lâu thì càng ốm đòn con ạ!

Vĩnh mím môi, nó cũng mang một ý nghĩ như Danh. Đột nhiên con nhà Tíu reo lên:

- Ha ha! Thằng nhóc kia rồi!

Vĩnh nhổm dậy đưa mắt nhìn về khoảng đường ăn ra tỉnh. Không một bóng người. A! Thằng nầy láo! Vĩnh nghĩ thế nên quay lại định mắng con nhà Tíu. Nhưng ánh mắt nó chợt dừng lại ở con đường dẫn vào làng. Một thằng bé trắng trẻo, quần áo sạch sẽ đang nhớn nhác như tìm ai. Đúng là thứ khinh người rồi. Vĩnh nghĩ thế và sửa lại dáng ngồi. Thằng bé không hay biết gì cả, vẫn tiếp tục đi trong dáng điệu tìm kiếm. Vĩnh chúm môi huýt một tiếng sáo lệnh:

- Tuýt!... Ào ào!!

Vừa nghe thấy tiếng động bất thường thằng bé đã nằm gọn giữa bốn người lạ mặt rồi. Vĩnh bước tới hai bước, hất hàm:

- Ê nhóc con, có biết anh là ai không?

Thằng bé còn đang lúng túng thì Danh kêu lên:

- Khoan, không phải thằng nầy!

Vĩnh ngây người:

- Thật à?

- Thật!

Vĩnh nhìn thẳng vào khuôn mặt măng sữa của thằng bé, hỏi:

- Nầy bé, mầy đi đâu mà nhớn nhác vậy?

- Dạ em đi tìm...

- À mầy tìm tao để mách lại cho thằng nhóc đi học ấy, phải không?

Thằng bé ngơ ngác:

- Thằng nhóc đi học nào ạ?

- Thế mầy đi tìm cái quái gì?

- Dạ em tìm chú Danh.

- Tìm tao?

Con nhà Danh nắm lấy vai thằng bé lắc mạnh. Thằng bé kêu lên:

- Ái da!... Em tìm chú Danh thật mà.

- Thế mầy có biết tao là ai không hở nhóc?

- Em không biết...

Danh cáu tiết:

- Không biết thì tìm tao làm gì?

Thằng bé rơm rớm nước mắt:

- Em không tìm anh, ông Phong bảo em đi tìm chú Danh cơ.

Danh ngạc nhiên:

- Mầy biết ông Phong, ba tao ấy à?

- Ông Phong là ba anh? Thế ra chính anh là chú Danh của em đấy à?

- Đúng đấy bé, nhưng bé là con ai?

- Con ông giáo Hùng.

Con nhà Danh ôm chầm lấy thằng bé, nói:

- Xin lỗi bé nhé. Chú mau quên nên mới nạt bé. Mà bé mau lớn quá, ai nhìn cho ra được.

- Không sao, tìm được chú là cháu mừng rồi.

- Có việc  gì không bé?

- Có chứ, ông Phong đã đồng ý để chú ra nhà ba cháu học.

Một niềm vui len nhẹ vào hồn Danh. Nhưng niềm vui ấy chợt tắt khi Danh bắt gặp tia nhìn buồn bã của Vĩnh. Danh chớp mau đôi mắt run run:

- Chưa chắc đâu Vĩnh à. Có thể anh Hùng tao về chơi bảo cháu tao đi tìm đó thôi. Mầy yên trí, chẳng bao giờ tao xa mầy đâu.

Vĩnh yên lặng, một nỗi buồn từ đâu dâng lên mờ cả mắt nó...

*

Vĩnh nằm ngửa trên bãi cỏ. Bầu trời buổi sáng thật đẹp. Vài sợi mây dệt trên nền xanh dương những đường đan ngang dọc. Mặt trời đã dậy, có lẽ còn ngái ngủ nên chưa được sáng lắm, soi vạn vật dưới một màu vàng nhợt nhạt. Hai con chim gáy đang tỉ tê tâm sự đâu đây, nghe rõ mồn một. Bỗng dưng Vĩnh thấy cô độc lạ, một niềm trống vắng từ đâu tìm về với nó. Vĩnh nghe như thiếu sót, như mất mát một cái gì quý giá lắm. Phải rồi Danh, Danh của nó đã ra tỉnh. Bây giờ Danh cứ vui ở khung trời đầy mầu sắc ấy đi nhé. Còn bao nhiêu nỗi buồn cứ gom về tao, về thằng Vĩnh nghèo nàn của mầy, Danh nhá. Mầy biết không, giữa khung trời kỷ niệm cũ còn có tao đơn côi trong kiếp sống nhàm chán nầy, Danh ơi, Danh ơi! Mầy ở đâu, và có biết tao đang buồn đây không?

Vĩnh đưa hai tay bưng lấy mặt. Những giọt nước mắt chảy vào miệng vị mằn mặn, mặn như cõi lòng nó đang thổn thức. Thế là hết, Danh đã đi, một thằng bạn của tao đã đi. Rồi tao sẽ ở đây với ai đây Danh ơi! Tao còn nhớ hôm qua, mầy ra đi với vẻ mặt đưa đám. Tao biết mầy buồn, buồn như tao vậy. Nhưng tao lại khuyên mầy đi, và cố học đi. Sao thế? Khốn nạn chưa, tại sao tao lại không bảo mầy ở lại với tao cho có bạn. Phải chăng tao thương mầy, thương tao, thương cái kiếp bất hạnh nầy nên tao bảo mầy cứ đi, cứ thoát càng sớm càng tốt. Ừ! Phải đó Danh ạ, mầy cứ đi, mầy phải đi, chứ không lẽ cả đời mầy mãi mãi chôn tương lai trong cái kiếp nầy sao. Tao đã hy sinh, tao phải hy sinh cái tính ích kỷ của tao để mầy đi vì tao biết, chỉ một tiếng nói của tao là không bao giờ mầy đặt chân tới cái vùng trời ánh sáng đó đâu. Vui lên Danh nhé, cố học lên Danh nhé, chân trời ánh sáng không đến với đời ta hai lần đâu, Danh ạ!

Mầy phải đi, đúng thế, mầy phải đi. Chăm đi Danh, đừng để ai khinh mình như thằng nhóc ấy đã khinh mầy. Mầy cứ đi, đi để vớt danh dự của mầy và cũng là của tao. Mầy cứ an tâm, đừng bận bịu gì cả. Tao sẽ xử tội thằng nhóc khinh người ấy, tao sẽ trừng trị thật thẳng tay, thật đích đáng. Không lâu đâu mầy, độ chục khắc nữa thôi...

Vinh nhỏm dậy, mồ hôi nó rỏ xuống đất từng giọt. Mặt trời đã lên cao buông từng đợt nắng xuống thân thể nó. Thế mà nó đã quên, quên mất một lúc rất lâu. Vĩnh đưa tay áo lên lau mồ hôi, đưa mắt nhìn về ngôi miếu. Con nhà Míc-xơ-lanh và con nhà Tíu đang thủ thỉ chuyện trò. Danh ơi! Chúng không thể bằng mầy đâu, chúng không thể gần tao được vì mỗi đứa là một thái cực khác nhau. Danh ơi! Tao không thể quên mầy, nhớ về chơi với tao ít hôm Danh nhé. Danh ơi! Danh ơi!...

Giọng Vĩnh lạc hẳn đi trong nỗi nhớ thương của mớ tuổi dại. Vĩnh bước trên cỏ non, chân cao chân thấp. À! Mà buồn làm gì nhỉ? Tại sao mình lại buồn, mà buồn có kéo được niềm vui lại với mình không? Thôi làm một vòng quanh đây chơi, biết đâu chẳng gặp điều hay? Vói ý nghĩ ấy, Vĩnh bắc loa tay gọi to:

- Canh hộ bò tao một lát nhé!

Hai chiếc đầu của hai thằng nhóc cùng gật một lượt khiến Vĩnh yên lòng. Nó bước dần vào làng. Mấy ngọn tre vàng vọt lắc lư chiếc ngọn thẳng băng như chế riễu mấy thân bứa dại, ngàn đời vẫn cong lưng khúm núm. Mắt Vĩnh như dán chặt vào một tổ cà cưỡng. À! Những cái thân tròn lẳn nầy mà nướng lên thì khoái biết mấy. Phải chi có Danh, tao sẽ cho mầy một bữa chén ngon miệng. Ừ! Đi chi cho vội thế Danh, sao mầy không ở lại chén cùng tao một lần cuối rồi ra sao thì ra?

- Làm gì mà ngẩn ngơ thế anh?

Một giọng trẻ thơ cất lên, ơ! Sao giống giọng thằng Danh đến thế? Vĩnh rụt cổ, dụi mắt ngắm thằng bé. A đúng rồi, thằng nhóc đã khinh Danh đây. Nhưng sao lạ thế, trước mắt Vĩnh bây giờ thì thằng bé giống Danh lạ. Cũng chiếc mũi dọc dừa, cũng đôi môi dày mà ngắn, cũng đôi mắt tròn mà thoạt trông chỉ có con ngươi. Chỉ khác, ừ chỉ khác là thằng bé có một chiếc răng khểnh và mỗi khi nói, hai má nó lại lúm sâu vào mà nó đoán là lúm đồng tiền. Thằng bé dễ thương thật. Vĩnh nghĩ thế nhưng lại đáp cụt ngủn:

- Làm gì mặc tao ai cầu mầy hỏi.

Thằng bé tiu nghỉu trông thật đáng thương. Vĩnh bảo:

- Mầy khinh tao lắm phải không?

- Em đâu dám khinh vì ai cũng là người cả.

Vĩnh mím môi:

- Thế sao mầy lại cười thằng Danh?

Thằng bé tròn mắt:

- Ơ! Cười cũng phải tội hở anh?

Vĩnh vung tay:

- Chứ sao, nhất là những nụ cười khinh bỉ.

- Thế thì em chả có tội rồi, vì em chỉ cười để làm quen.

- Làm quen?

Thằng bé thong thả:

- Đúng thế. Hôm kia thầy giáo em giảng về cuộc đời cơ cực của các anh nên em thương lắm. Học về em định làm quen thì anh ấy đã cưỡi bò chạy như bay rồi.

Vĩnh chợt tỉnh:

- Thì ra tao đã nghĩ oan cho mầy. Đừng giận tao nhé!

- Anh có nghĩ oan cho em cái gì đâu?

Vĩnh bật cười:

- Thì tao chỉ nghĩ trong óc tao thôi, mầy biết thế nào được. À mầy tên gì?

- Em tên Ngọc.

- Mầy có thích làm bạn với tao không?

- Thích lắm chứ. Nhưng anh đừng gọi em bằng mầy nữa, vì người ngoài nghe vào thì nó ra làm sao ấy.

Vĩnh chép miệng:

- Thế tao phải gọi mầy bằng gì bây giờ?

- Bằng Ngọc, còn anh thì xưng tên. À anh tên gì nhỉ?

- Vĩnh, còn họ quên rồi.

Ngọc hỏi:

- Lúc trước anh định làm gì đấy?

- À, tao định bắn mấy con chim nầy chén chơi.

Vừa nói Vĩnh vừa đưa tay trỏ lên một ngọn tre. Bốn năm con chim non mập mạp đứng chật cả một chiếc tổ to lớn đan bằng cỏ khô.

Ngọc nói:

- Tội nó chết!

Vĩnh ngạc nhiên:

- Sao lại tội?

- Vì nó cũng như mình. Nếu chúng chết thì mẹ chúng sẽ đau khổ lắm. Ví dụ xa nhà như em, anh sẽ thấy buồn vô cùng.

Vĩnh yên lặng. Đúng rồi, mới xa Danh mà nó đã buồn đến thế thì nói gì đến mẹ xa con. Vĩnh nhìn Ngọc với đôi mắt biết ơn:

- Mầy giỏi quá.

- Chẳng có chi, cái gì cũng phải học cả.

- Mầy học lớp mấy rồi?

- Lớp ba, còn anh?

- Tao thì chẳng bao giờ được như mầy cả.

- Không sao, em sẽ chỉ cho anh mà.

Vĩnh nắm chặt tay thằng bé:

- Mầy không đùa chứ?

- Em nói thật đấy.

Vĩnh đăm đăm nhìn thằng bé:

- Trông mầy giống con nhà Danh quá...

Rồi không đợi thằng bé nói gì, Vĩnh tiếp luôn:

- Ngọc ạ, con nhà Danh tốt như vậy. Chúng tao thương nhau lắm. Thế mà nó phải ra tỉnh học, bỏ tao thui thủi một thân ở đây. Tao buồn quá, nhưng phải chịu vì tao không muốn nó vướng víu cái kiếp này.

Ngọc chớp chớp đôi mắt:

- Anh thật tốt. Mọi người nghèo đều tốt cả. Em mến anh cũng như mến những ai cùng hoàn cảnh như anh.

- Mầy tốt quá, thế mà có lần tao đòi bắn vỡ óc mầy ra. Tha lỗi cho tao Ngọc nhé.

- Cái đó thì chưa là lỗi, vì trường hợp em, em cũng nói thế. Nhưng thôi bắt đầu từ chiều mai, em sẽ chỉ cho anh cách đánh vần. Khi đọc được rồi anh sẽ thấy vui hơn. Em tin sau nầy anh sẽ làm nên việc lớn.

Vĩnh ngờ nghệch:

- Chăn trâu mà làm nên việc gì được hở mầy?

- Anh nói thế chứ có người chăn trâu mà làm nên chuyện lớn. Anh có biết ông Đinh Bộ Lĩnh không?

- Không.

- Ông ấy củng chăn trâu, dùng cờ lau tập trận mà sau nầy làm vua cai trị muôn người.

Vĩnh nuốt nước bọt.

- Cái đó thì hàng tỷ người mới  được một.

- Chưa hết đâu. Ông Đào Duy Từ không được đi thi vì là con của kiếp hát. Ông phải đi chăn bò lúc tuổi đã lớn, lớn như bác em vậy đó. Thế mà sau ông đắp lũy Thầy và lũy Trường Dục, giúp chúa Nguyễn giữ được nước nhà, vang danh khắp nước. Ai dám bảo chăn trâu là nhục đâu anh?

- Tao thì thích Bill Cody hơn vì ông nầy bình dân lắm. Con nhà Danh bào Bill Cody cũng cưỡi trâu, lấy ná cao su bắn hàng vạn bò rừng về nuôi hàng trăm dân công. Mầy thấy có cừ không?

- Cừ lắm. Nhưng Danh của anh kể sai rồi. Khi nào biết đọc em sẽ cho anh mượn quyển "Bin Bò rừng" về xem chơi.

- Mầy cho tao mượn bây giờ nhé?

- Nhưng anh chưa biết đọc cơ mà!

Vĩnh đờ người ra, mặt ngẩn ngơ:

- Ừ nhỉ.

*

Hai năm im lặng trôi qua.

Những ngày tháng hờ hững ấy đã thay đổi nếp sống của Vĩnh khá nhiều. Vĩnh ngày nay đâu còn là Vĩnh của một năm về trước. Nó đã biết đọc, biết viết. Không có đêm nào, giờ nào mà nó rời quyển tập, cây bút, lọ mực mà Ngọc đã tặng cho nó. Vĩnh cần cù lắm, chăm học lắm. Và kết quả đã bù đắp những ngày tháng cần cù, siêng năng là những giòng chữ đều đặn, ngay hàng thẳng lối của nó. Nó không ngờ nó được ngày nay. Bởi thế Vĩnh đã đem sự hiểu biết của nó chỉ cho con nhà Tíu, con nhà Míc-xơ-lanh, và cả ba đều đọc cũng như viết được. Vĩnh sướng run người, ước gì có con nhà Danh ở đây, nó sẽ chỉ cho người bạn yêu của nó cách đọc, cách viết. Danh ơi mầy học đến đâu rồi? Một ngày gần đây tao sẽ viết thư cho mầy, Danh nhá.

Vĩnh trở mình trên cỏ, quyển "Bin Bò rừng" đã lật đến trang cuối. Nó thấy lời Ngọc là đúng. "Bin cô-đy" không giản dị như con nhà Danh nói đâu, không là một bóng hình trong trí tưởng tượng thô thiển của nó. Bill Cody thật sang quá, cách Bill Cody của nó một trời một vực.

Vĩnh nhỏm dậy. Bóng Ngọc từ đầu xa đang tiến lại tươi cười. Đột nhiên Vĩnh thấy Ngọc không còn là cậu bé 12 tuổi nữa mà là một người lớn, một bậc thầy của nó. Vĩnh bỗng thấy thương Ngọc bằng tình thương mà nó đã cho Danh. Ngọc ơi! Trọn đời tao, tao không bao giờ quên công ơn của mầy đâu, Ngọc ạ...

- Làm gì mà ngẩn ngơ thế, hở anh?

Giọng Ngọc cất lên. Vẫn cái giọng giống con nhà Danh hôm nào mà Ngọc đã rụt rè hỏi nó. Nhưng lần nầy Vĩnh không bực tức mà lại nghe thương mến làm sao. Trong một giây cảm động, Vĩnh ôm chầm lấy Ngọc, nói như nói trong mơ:

- Ngọc ạ, mầy là một bà tiên Tình Thương xuống trần giúp tao. Trọn đời tao chỉ có hai bóng hình thương yêu nhất là con nhà Danh và mầy. Đừng bỏ tao bơ vơ như con nhà Danh, Ngọc nhé!

Ngọc gật đầu đáp:

- Không bao giờ. Em sẽ ở trọn đời với ngoại em và anh.

Vĩnh ngẩng đầu lên:

- Thế còn ba má Ngọc đâu?

- Mất cả rồi, ba má đã bỏ Ngọc ra đi. Bởi thế chẳng bao giờ anh giận Ngọc cả nhé, anh Vĩnh!

- Đừng nói thế chứ Ngọc. Vì anh không dám giận em đâu, dù sao cũng vậy. Ngọc ơi! Tuy gọi Ngọc bằng em nhưng trong tim anh, hình ảnh em muôn đời vẫn là một hình ảnh đáng kính, là một bà tiên đã mở mắt cho anh những ngày tháng sau nầy...

Hai đứa nhìn nhau, chưa bao giờ chúng thấy thương nhau bằng lúc nầy...

*

Bình-Thanh ngày 10-6

Danh mến!

Nhận được thư nầy hẳn Danh ngạc nhiên lắm nhỉ. Ừ! Mà không ngạc nhiên sao được khi những thằng người khốn khổ như chúng mình mà nói nên lời, viết nên câu, phải không Danh?

Cả Vĩnh lẫn Danh đều không ngờ rằng chúng mình lại có ngày nay, một chuỗi ngày tươi đẹp vờn quanh cái xóm Bình-Thanh nghèo nàn mà đã bao đời rồi còn chìm trong tăm tối.

Danh biết không, ngày nay xóm mình hầu hết đều biết đọc biết viết, mầy thích không Danh? Riêng Vĩnh thì thích quá, nhỡ bây giờ Vĩnh có chết đi thì cũng không còn gì để tiếc nữa.

Danh ạ, từ ngày Danh đi Vĩnh buồn lắm, thì lại gặp một người bạn tốt. Người bạn đó là ai Danh biết không?

Chẳng có ai xa lạ cả, Danh ạ, vì đó là người mà một buổi sáng xa xưa Vĩnh đã bắn nát mấy chùm bàng và thề sẽ bắn nát đầu ra đấy. Ngọc đấy, Danh ạ!

Chính Ngọc đã dạy cho Vĩnh viết và đọc. Ngọc nói rằng: "Đời nầy không có gì quý bằng tình thương, mình chỉ nên vui trong cái vui của người khác". Bởi thế khi biết đọc biết viết rồi, Vĩnh liền chỉ lại cho mọi người trong xóm, để tất cả cùng đọc được.

Vui quá, Danh ạ. Ngày nay về xóm, Danh sẽ thấy trẻ con trong làng lễ độ, không có nói năng ngậu xị như chúng mình trước kia đâu. Ngọc tốt quá phải không Danh, mà suốt đời vẫn đáng cho Vĩnh tôn làm thầy.

Bây giờ đọc lại Bill Cody, Vĩnh thấy thương cho cái quãng đời xưa cũ của chúng mình. Bill Cody không cưỡi bò nhong nhong suốt ngày như Danh, không dùng ná cao su như Vĩnh mà dùng súng cỡi ngựa đi săn. Người ta là dân sang, không đáng thương như cái kiếp nghèo, như cái trí tưởng tượng giản dị của chúng ta đâu, Danh ạ.

À Danh ơi! Cố học lên đi Danh nhá. Rồi một ngày lễ nào đó, trở về quê cũ, chúng mình sẽ ra ngôi miếu cổ gối đầu lên tay nhau kể lại chuyện xa xưa.

Chúc Danh vui, gia đình chú Danh hạnh phúc.   

Vĩnh của Danh.       

HÀN GIANG chiều 25-6

Vĩnh thân!

Trời ơi! Làm sao nói được nỗi vui mừng của Danh khi nhận được phong thư đầu tiên, những nét chữ thân yêu của người bạn mà Danh thương mến viết. Hồn Danh cứ như bay bổng lên trời cao, như thoát khỏi cái vùng đen tối xa xưa, ngày mà hai đứa giong trâu ra ngôi miếu cổ, nằm nghe gió về ru tuổi thơ chúng ta đến lớp tận cùng của khổ đau và bi đát...

Vĩnh ạ!

Từ ngày bước chân ra đi, lòng Danh đã khắc ghi hình ảnh hai thằng người xấu số, bị người ta rẻ khinh. Danh không bao giờ quên được đôi mắt buồn rũ rượi của Vĩnh một chiều nào nhìn theo hướng bước của Danh. Danh không dám quay lại vì làm thế Danh biết sẽ không đủ can đảm ra đi, sẽ không đủ can đảm vạch một tương lai, không những cho Danh mà còn cho Vĩnh nữa.

Ngoài tỉnh đẹp thật, Vĩnh ạ. Nhưng bầu trời ở đây không trong và rộng như bầu trời kỷ niệm của mình mà chỉ là một cái vòm chật hẹp, nhung nhúc những nhà cao.

Vĩnh ơi!

Còn đâu những đêm trăng sáng, Danh và Vĩnh gối tay nhau để nghe từng mẩu chuyện cổ thêu dệt bởi trí tưởng tượng khờ dại của chúng mình. Nơi đây không có trăng, không có đêm ba mươi đom đóm lập lòe, mà chỉ có đèn điện vàng vọt như những buổi bình minh sương mờ còn giăng đục bầu trời.

Vĩnh ạ!

Nhiều lần Danh muốn trở về, về với Vĩnh, về với xóm Bình Thanh mến yêu vì Danh thấy không thể sống xa quê, xa Vĩnh mến yêu một phút giây nào được.

"Danh ơi mầy cứ đi, mầy phải cố lên đi, chăm lên đi để không ai được khinh mình, dù mình đã xuất thân từ một gã chăn trâu." Đó là lời mà ngày chia tay, Vĩnh đã nói với Danh và mãi đến bây giờ còn vang vọng dư âm.

Ừ! Không ai có quyền khinh mình, cũng như mình không được để cho ai khinh. Bởi thế Danh đành nán lại, ngày đêm chăm chỉ học để ngày về chúng mình sẽ chỉ dẫn cho nhau.

Vĩnh!

Vĩnh biết không, lòng Danh lúc nào cũng nuôi một mối hận lòng, u uất dồn ép vào tim Danh. Danh tự nhủ phải chăm chỉ để cho thằng bé ấy thấy rằng, ai cũng như ai. Và hôm nay kết quả đã trông thấy rõ.

Xưa lắm rồi, Vĩnh ạ. Có một người con ở với bà mẹ kế ác độc. Bà bắt người con nấu cơm, nấu nước, giặt quần áo và đi chợ nữa trong khi nó chỉ là một thằng bé như mình. Một hôm nó nấu cơm khê bị bà mẹ kế lấy đũa bếp đập túi bụi vào đầu kèm theo một tràng xỉa xói.

Khốn khổ chưa, người con đáng thương đành bỏ nhà ra đi, nuôi chí học tập nên người để cho bà mẹ thấy rằng nó không phải là thứ vứt đi.

Thế rồi qua bao năm cặm cụi sách đèn, từ một thằng người buồn đau chất chồng, nó trở thành một tân quan áo mão rỡ ràng. Trong ngày vinh quy quan lớn trở lại làng xưa, không phải để trả thù, mà để đền ơn người mẹ kế.

Đọc xong chuyện nầy, Danh không khỏi suy nghĩ. Ừ! Tại sao thằng bé cười mà Danh lại hận nó, nhất là nhờ nụ cười ấy mà Danh có ngày nay, ngày tươi đẹp trong quãng đời tăm tối của chúng mình?

Danh càng hối hơn khi biết thêm đó chỉ là một nụ cười thông cảm của một tâm hồn gặp một tâm hồn. Chính chủ nụ cười ấy đã giúp Danh, thì hận nó là có tội lắm rồi. Vĩnh ơi! Nếu gặp Ngọc bảo hộ tao rằng:

"Một ngày nghỉ gần đây Danh của Vĩnh sẽ hồi quê cũ, sẽ nói những gì mà lòng hối hận của Danh đang tạm giữ, với Ngọc thân yêu..."

Vui lên, Vĩnh nhá, một ánh dương sẽ về với vùng kỷ niệm mà chúng ta đang nắm giữ. Khỏi nói Vĩnh cũng biết đấy là ngày mà chúng ta đoàn tụ dưới gốc bàng xưa cũ, đem tình thương sưởi ấm khung trời...

Thôi thư đã khá dài, Danh tạm dừng bút nơi đây. Chúc Vĩnh và hai bác vạn an.

Bạn của Vĩnh.    


HUYẾT PHƯỢNG TÂM    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 60, ra ngày 1-1-1967)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>