Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

CHƯƠNG BỐN_MÙA XUÂN CỦA LAM


BỐN


Những ngày Tết đã đến và trôi đi thật bình lặng, không có vẻ gì gọi là nhộn nhịp và nuối tiếc đối với Lam.
Lam đã đón tiếp nó thật hững hờ như những ngày bình thường khác. Không phải bị ảnh hưởng bởi thiên hạ mà chính lòng Lam như vậy. Lam đã thật dửng dưng trong đêm giao thừa và buổi sáng mồng một dường như chưa bao giờ có trong Lam.
Những thứ Lam cần thì nó lại không đến và ngược lại, những thứ Lam không muốn thấy thì nó lại ngờ ngờ trước mặt. Lam trở nên cau có và khó tính vô cùng, một sự đổi thay đã đến với Lam trong những ngày đầu tiên của tuổi mười sáu.
Chỉ còn hôm nay và ngày mai, ngày mốt lại phải đi học rồi. Lam lầm bầm như vậy khi nhìn vào tờ lịch treo trên tường.
Đã hơn chín giờ mà vẫn chưa thấy Thảo đến. Hôm nay Lam, Thảo, Hà, Thủy, bốn đứa rủ nhau đi xi nê và làm một chuyến bát phố đầu năm. Đi chơi với đám này chưa bao giờ Lam buồn vì ở chúng luôn luôn có những niềm vui bất tận. Lam thèm thuồng địa vị đó nhưng luôn luôn Lam phải bận tâm suy nghĩ về nhiều vấn đề, dĩ nhiên không bao giờ có những ý nghĩ vui trong đó.
Thường những điều khiến Lam phải suy tư là những điều buồn, “có buồn thì mới có suy tư chứ!”, Lam vẫn hằng trả lời Thảo như vậy.
Bầu trời hôm nay thật đẹp đúng với ý nghĩa của nó. Trời trong vắt, không vẩn đục, không có những cụm mây xấu xí nằm trơ trẽn, không có những tảng mây xám u buồn giăng ngang, từng đàn én bay thật thảnh thơi, những ngọn gió êm ả nhẹ nhàng… tất cả là khung cảnh của bầu trời hôm nay…
Tiếng xe cộ ầm ĩ trước cửa, chưa kịp đứng dậy, Lam đã nghe giọng “the thé” của Hà:
- Con Lam đâu? Đợi vào mời mới chịu đi hả?
Lam trở vào nhà xin phép mẹ rồi bước nhanh ra cửa.
- Từ từ chứ! Ăn cướp hả?
Hà đanh đá:
- Ái dà! Nó lại còn lên mặt xài x mình nữa chứ!
Thảo giục:
- Lên đây. Lẹ đi bà hoàng.
Lam liếc xéo Thảo một cái rồi mới chịu lên yên ngồi. Hà đi chung xe với Thủy. Thủy nhìn Lam hỏi:
- Đi đâu trước đây?
Lam trả lời:
- Ai biết đâu nào?
Thủy hất mặt ra ý hỏi Thảo, Thảo cười:
- Trông “du côn” không?
Hà cáu kỉnh:
- Lạc đề rồi.
Thảo trêu chọc:
- Đề gì?
Hà trợn tròn mắt, hăm dọa:
- Đầu năm đừng để tao rủa nghe.
Lam phì cười:
- Cũng tin dị đoan cơ à?
Thủy nôn nóng:
- Thôi. Lải nhải mãi. Đi đâu quyết định quách cho xong đi.
Thảo trả lời:
- Lên Eden xem xi nê trước đã rồi muốn đi đâu thì đi.
Thảo và Thủy cho xe chạy ra giữa đường, nối đuôi đoàn xe đang di chuyển như một con rắn khổng lồ.
Đi khoảng hai mươi phút thì đến Saigon, Thảo và Thủy tìm chỗ gởi xe rồi cả bốn nắm tay nhau hướng về đường Tự Do.
Mặt trời đã lên cao, phố xá dường như cũng vui hơn lên; Lam, Thảo, Hà, Thủy thả chân lạc vào rừng người…

*

Phim buồn quá! Lam thấy thương nhân vật nữ chính trong phim vô cùng, một chuyện phim đầy nước mắt. “Bài học tình yêu”. Đó là tên của cuốn phim mà Lam đã xem hôm nay.
Lam vẫn bước yên lặng bên cạnh Thảo, Hà, Thủy, tâm hồn còn đang luyến tiếc, xót thương cho cuộc tình đổ vỡ của John và Kelly.
Mặc dù chỉ là một câu chuyện tưởng tượng được người ta quay thành phim, Lam vẫn mường tượng như chuyện có thật, vừa mới xảy ra mà Lam được chứng kiến.
Lam đặt mình vào trường hợp của Kelly, Lam thấy không còn gì đau đớn hơn. Tình yêu thật phức tạp vô cùng và có lẽ khi yêu người ta khổ hơn là vui sướng. Bằng chứng là đa số các phim, các truyện tình cảm, Lam thấy họ chỉ dựng lên những chuyện tình đổ vỡ chứ ít khi người ta nói đến một cuộc tình với những diễn tiến thật tốt đẹp.
Lam chợt nhớ đến bài thơ “Yêu” của Xuân Diệu:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song chẳng nhận bao nhiêu.
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết!”
Biết thế nhưng người ta vẫn cứ yêu, yêu cuồng, yêu dại… và chính Lam, hình như Lam cũng đang mong đợi tình yêu đến với mình cho dù kết quả thật đau buồn…
Đã mười hai giờ hơn, thành phố gần như uể oải, rã rời sau một buổi sáng ồn ào náo nhiệt. Rừng xe, rừng người không còn nữa. Một vài người còn lác đác trên hè phố bước nhanh như trốn chạy bầu trời oi nồng.
Lam lên tiếng phá tan sự yên lặng, nặng nề từ lúc bốn đứa bước ra khỏi rạp:
- Đi kiếm gì ăn chứ chúng mày?
Thủy đề nghị:
- Về Gia Long ăn mì bồ câu.
Thảo lơ đãng, Hà lưỡng lự, Lam tiếp:
- Được… Mấy con này nó mất hồn rồi, mặt cứ ngơ ngơ ngáo ngáo như mọi lạc vào thành.
Hà cong cớn:
- Còn mày không?
Lam lên mặt đàn chị:
- Trầm tư mặc tưởng phải có giờ giấc đàng hoàng. Không phải lúc nào cũng suy tư. Nghe chưa?
Thủy đùa:
- À ra thế! Phải có giờ giấc đàng hoàng. Nghĩa là phải đặt một cái thời biểu… một ngày như mọi ngày…
Thảo nói:
- Lại sắp sửa ông ổng lên đấy.
Thủy cười:
- Còn thua mày.
Hà châm chọc:
- Mỗi con một vẻ.
Thảo sừng sộ:
- Vẻ làm sao?
Hà phê bình:
- Con Lam thì cứng đầu khó nắn như cục đất, con Thảo thì lúc nào cũng cong cớn khó thương, còn con Thủy thì chanh chua đanh đá…
Thảo cáu sườn:
- Còn mày thì bép xép như gà con, ào ào như chong chóng, ăn nói vô trật tự, chẳng ra cái thống chế gì cả, xấc xược, cọc cằn.
Hà hét lên:
- Thôi! Tao có một mà mày rủa tao đến mười cơ à?
Thảo cười đắc ý:
- Có như vậy mới trị được mày. Con khốn! “Thằng” nào vô phước mới được mày chiếu cố.
Hà mắt trợn tròn, miệng há hốc trong khi Lam, Thảo, Thủy cười quên thôi…
Bốn đứa lại lên xe về đường Gia Long. Lam vẫn chưa tìm được sự thoải mái hoàn toàn trong buổi đi chơi hôm nay.
Lam vẫn nhớ về anh Sĩ với tất cả niềm thương yêu, xót xa hiện hữu trong Lam. Ở anh Sĩ vẫn có một sự lôi cuốn đặc biệt đối với Lam, ngoài khuôn mặt đăm chiêu, huyền bí, anh còn có cái tài nói chuyện. Anh nói chuyện rất hấp dẫn và có duyên, những câu chuyện mà anh kể, cho dù không có gì đặc biệt, có thể Lam đã được nghe, Lam vẫn thấy thích thú và say mê vô cùng.
Ngày phép cuối, anh đã dắt Lam đi xem xi nê và bắt Lam phải vào tiệm kem Phương Lan ngồi nghe anh tâm sự.
Buổi đi chơi thật vui, thật đẹp, mà cho đến bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại, Lam vẫn thấy thích thú và luyến tiếc vô cùng. Anh nói đáng lý ra, anh phải đưa Lan về Tân Định, ngồi ở quán café quen thuộc của anh, nơi mà anh đã đến và ngồi ở đó, làm bạn với tách café suốt bảy năm trời nay. Nhưng vì Lam là con gái, vào những chỗ đó không tiện nên thôi. Anh sợ người ta hiểu lầm là Lam thuộc “tuýp” chì lắm, con gái mà cũng biết thưởng thức café đàng hoàng.
Hôm ấy anh đã nói với Lam thật nhiều về con người và nếp sống của anh mà anh đã cưu mang từ ngày anh chấp nhận nhập cuộc. Lam thương anh vô cùng vì nếu theo như lời anh kể thì cuộc sống của anh khổ cực quá, thiệt thòi và thua lỗ trên tất cả mọi phương diện.
Thảo và Thủy cho xe ngừng trước cửa tiệm mì bồ câu, cả bọn bước vào, chọn chiếc bàn thật khuất ở trong cùng để tránh những người quen thuộc.
Buổi trưa, quán thật vắng khách, ngoài đường cũng thưa thớt người qua lại, thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy ngang, phá tan bầu không khí yên lặng rồi tan loãng. Rã rời, mệt mỏi trở về trong lòng thành phố, mọi sinh hoạt như dừng hẳn lại, cô đọng thành từng khối nặng nề…

*

Lam thức dậy khi đồng hồ vừa điểm năm tiếng. Lam uể oải đứng lên, xuống nhà rửa mặt, rồi bước trở ra phòng khách. Lam nghe có tiếng người nói chuyện ở nhà ngoài, Lam dừng lại lắng tai nghe ngóng rồi tiếp tục bước sau khi nhận ra tiếng của anh Dương và chị Hằng.
- Anh ạ.
- A! Lam, mới ngủ dậy hả?
- Vâng ạ.
Lam vừa trả lời anh Dương, vừa ngồi xuống chiếc ghế dài bên phải. Chị Hằng nhìn Lam mắng yêu:
- Sao không để đến tối hãy dậy?
Lam cười xấu hổ:
- Tại bọn quỷ nó kéo em đi suốt cả buổi trưa.
Anh Dương hỏi:
- Các cô đi đâu?
- Tụi em đi xi nê rồi dạo quanh Saigon.
- Thích nhỉ! Vui không?
- Chán lắm anh ạ! Buổi trưa chả có gì vui cả.
- Ai bảo các cô dạo phố buổi trưa?
Chị Hằng xen vào:
- Tụi này nó điên rồi mà.
- Tụi em tưởng chưa hết Tết chắc thiên hạ đi chơi đông lắm.
- Đông là buổi chiều kìa. Chứ buổi trưa họa chăng có điên mới đi.
Lam vẫn giữ nụ cười trên môi, nhìn anh Dương hỏi:
- Chiều nay anh không đi làm ạ?
- Không. Chiều nay anh được nghỉ. Anh định rủ chị Hằng đi xi nê. Em có đi không?
- Thôi! Em mới đi ban sáng rồi.
- Ban sáng em xem phim nào?
- Bài học tình yêu.
Chị Hằng lên tiếng:
- Hách nhỉ.
Anh Dương hỏi:
- Hay không?
- Hay “tuyệt cú mèo”! Cảm động hết chê! Anh với chị Hằng mà không xem uổng lắm.
- Quảng cáo dữ vậy?
- Thật mà. Anh đi xem thì biết.
Chị Hằng đứng lên nói với anh Dương:
- Anh ngồi nói chuyện với Lam chờ em lên sửa soạn một chút.
Anh Dương gật đầu, chị Hằng bước đi, Lam nhìn bâng quơ hỏi:
- Tết năm nay buồn quá anh nhỉ?
- Ừ!.. Lam năm nay bao nhiêu tuổi?
- Em mười sáu.
- Tuổi yêu đời, tuổi đẹp nhất của các cô.
- Em chẳng thấy đời đáng yêu và đẹp tí nào cả.
- Sao vậy?
- Cuộc sống thật tầm thường, ăn, ngủ và đi học. Em nghĩ mình làm một cái gì nhưng chưa tìm ra được “cái gì phải làm”.
- Tại em chưa nhìn thấy cái đẹp của nó. Thường không ai bằng lòng với hiện tại của mình. Sau này em sẽ hối tiếc khi nó đã vuột khỏi tầm tay em với. Như anh bây giờ chẳng hạn, biết bao giờ có thể tìm về thế giới của tuổi ngọc, cái tuổi mà em đang khoác trên mình.
- Đồng ý với anh là không bao giờ người ta có thể tìm về thế giới tuổi ngọc khi đã bỏ mất nó. Người ta chỉ có thể tìm về quá khứ để nghe những tiếc thương nhem nhúm trong lòng, để “tưởng nhớ mùi hương”, để rồi những giọt nước mắt bất chợt (?) xóa mờ dần quá khứ trước một hiện tại và lo cho tương lai.
Anh Dương nhìn Lam ngạc nhiên:
- Lam nói chuyện có vẻ người lớn quá.
Lam cười, tiếng cười trong như pha lê:
- Anh quên rằng Lam đã lớn? Các anh lúc nào cũng chỉ nhìn Lam bằng một con mắt hẹp hòi. Không ai hiểu Lam cả, không ai chịu nghe lời Lam nói để biết rằng Lam đã lớn.
- Lam có vẻ suy tư nhiều?
- Vâng! Em vẫn thường suy tư nhưng đối với em, cái gọi là suy tư chỉ xuất hiện như làn khói thuốc làm cay mắt em một thoáng rồi tan mau theo nước mắt và rồi… thế là hết.
- Lam đã nhận diện được sự lớn khôn của mình từ bao giờ?
- Không ai có thể xác định được mình lớn khôn từ bao giờ. Em cũng chẳng hiểu nó đến với em lúc nào? Bao lâu rồi? Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng, kiểm điểm lại lời nói và ý nghĩ, em thấy mình quả đã lớn khôn… Như vậy có sớm lắm không anh?
- Không! Theo anh, đến cái tuổi mà Lam phải hiểu, phải biết, thì chuyện gì nó đến rồi sẽ phải đến. Không sớm mà cũng chẳng muộn.
- Lam muốn hỏi anh một điều.
- Lam cứ hỏi.
- Làm thế nào để phân biệt được rằng đó là tình yêu?
- Lam đã yêu?
- Chưa! Em muốn biết thế thôi.
- Kể ra thì cũng khó phân biệt lắm, nhưng theo anh, khi mà mình để ý đến người nào nhiều nhất, dành cho họ nhiều tình cảm nhất, nhớ đến họ luôn, vui với cái vui của họ, buồn với cái buồn của họ, lúc nào cũng nghĩ đến họ, trong lúc đi, trong lúc đứng, trong bữa ăn, trong giấc ngủ, lúc nào hình ảnh họ cũng ngự trị trong tâm khảm mình, thương họ kinh khủng v.v… tức là mình đã yêu rồi đó.
Lam đùa:
- Như anh và chị Hằng chẳng hạn.
Cả hai người cùng cười, vừa lúc đó chị Hằng trở ra:
- Có gì vui mà hai anh em cười dữ vậy?
Anh Dương cầm mũ, đứng dậy trả lời:
- Tâm sự vụn.
Chị Hằng tiếp:
- Vâng lớn lắm rồi. Thôi ở nhà trông nhà, chị đi với anh Dương một chút nghe.
- Vâng ạ.
Lam theo anh Dương và chị Hằng ra đến cổng, gài cồng cẩn thận rồi mới bước trở vào nhà. Căn nhà trở lại sự yên tĩnh, vắng vẻ, Lam nằm dài trên chiếc ghế salon, với tay lấy tờ báo chăm chú đọc…
Chiều đã xuống, những tia nắng gắt buổi trưa không còn nữa. Mặt trời đang thoi thóp thở những hơi cuối cùng trước khi lịm tắt…

*

… Lam lặng lẽ đến bên cạnh quan tài anh Sĩ. Anh Sĩ vẫn còn đây nhưng chỉ là một cái xác không hồn, một cái thây lạnh giá.
“Sao anh không nói với Lam dù chỉ một lời? Sao anh không cười với Lam dù chỉ nhếch môi? Anh đã đi thật rồi sao? Nghĩa là anh đã chối bỏ cuộc đời, vĩnh viễn xa Lam?… Lam muốn nói với anh thật nhiều nhưng những lời nói của Lam uất nghẹn ở cổ. Lam chỉ biết gục đầu, để mặc lệ tuôn rơi khóc thương anh. Anh Sĩ! Lam vẫn gọi tên anh, vẫn nhìn thấy anh, giữa hai hàng nến trong anh lặng yên không nói, khuôn mặt anh vẫn buồn thật buồn… Đôi mắt anh sâu thăm thẳm nhưng chỉ là đôi mắt chết nhạt nhòa trên di ảnh. Hương khói Bastos xanh ngày nào không còn nữa, bây giờ chỉ có mùi thơm của những nén hương được thắp cho một thây ma. Anh Sĩ! Lam đây! Sao anh không cười với Lam? Anh ghét Lam lắm sao mà anh bỏ đi hả anh? Không! Không bao giờ anh có thể chết được! Hình hài anh vẫn còn đó, Lam vẫn còn đây thì anh không thể chết được!... Mới tuần trước anh còn dắt Lam đi chơi mà? Anh còn hứa hẹn với Lam nhiều lắm mà! Anh quên rồi sao anh Sĩ?”…
Lam vẫn đứng đó đầu gục trên nắp quan tài của anh Sĩ, Lam không thấy gì nữa cả ngoài một khoảng tối đen dày đặc trước mặt. Anh Sĩ đã trở về. Nhưng trở về trong tiếng trống kèn với muôn ngàn tiếng khóc nức nở thê lương! Anh chết thật tình cờ, không một lời từ giã, không một tiếng oán than!.
Chị Hằng đứng dậy, dìu Lam trở về chỗ ngồi. Anh Quốc, anh Dương lặng yên không nói, nhưng đôi mắt của các anh đã nói lên thật nhiều. Thảo lấy khăn thấm nước mắt cho Lam, Lam nhìn Thảo thẫn thờ hỏi:
- Như vậy là anh Sĩ chết thật rồi phải không mày?
Thảo gật đầu. Lam úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở. Chị Hằng và Thảo để mặc Lam khóc, chỉ có nước mắt mới giúp Lam vơi đi phần nào nỗi thống khổ.
Lam nhìn cặp lon Trung úy mới tinh gắn trên là cờ phủ kín chiếc hòm.
“Anh vừa được vinh thăng sao anh không mừng hả anh Sĩ? Sao anh không bắt Lam cắt bánh trong dịp lễ khao lon của anh như lần trước hả anh Sĩ? Kìa! Sao anh không trả lời Lam? Anh giận Lam rồi sao? Anh quên Lam rồi sao? Lam đây mà! Anh không nhớ sao? Anh Sĩ!”
Lam hỏi thật nhiều, những câu hỏi luân lưu trong đầu nhưng anh Sĩ không trả lời Lam, anh chỉ nhìn Lam với đôi mắt không có linh hồn!...
…Chiều xuống thật mau, Lam vẫn ngồi yên bên ngôi mộ vừa mới đắp sơ sài của anh Sĩ. Nước mắt Lam đã cạn. Tâm hồn Lam khô cứng. Anh Sĩ đã về với Lam thật gần gũi nhưng cũng thật xa vời. Trong đầu Lam hiện lên hình ảnh của anh Sĩ ngày nào… và bây giờ… quan tài được đặt xuống, từng nắm đất che lấp hình hài thân yêu, Lam nghe lòng tê tái, xót xa.
Một giọt l lăn xuống! Lam nghe linh hồn mình dường như đang giãy chết. Những giấc mơ huy hoàng sụp đổ. Niềm tin chắp cánh bay cao và mùa xuân cũng đang nhạt nhòa trong đôi mắt Lam!...

NGUYỄN SỸ NGUYÊN    

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>