I
Mọi
năm, mỗi lần Tết đến, bao giờ Sài gòn cũng được hưởng cái không khí gây
gây lạnh thật quý báu. Dù không đến nỗi giá rét như những người lớn đã
được biết ở ngoài Bắc, ngoài Trung hay sương mù như ở cao nguyên, thứ
không khí dễ chịu êm ái mấy ngày Tết cũng làm cho người dân Sài gòn cảm
thấy sảng khoái. Thế mà năm nay, trời không lạnh, lại như oi bức lạ kỳ.
Không khí như loãng ra làm ai nấy cũng thấy ngột ngạt.
Chính cái ngột ngạt ấy đã kéo chúng tôi ra đường, nhường những mái tôn lụp xụp cho người lớn ra vào viếng thăm, chúc tụng.
Chúng tôi, khi thì rủ nhau đi xem “xi nê rẻ”, khi thì đua xe đạp vào Sở Thú, khi lại thi ném pháo chuột – toàn những thứ mà người lớn không thích gì mấy – Nhưng có lẽ thú vị nhất, là rủ nhau vào đánh cờ cá ngựa trong sân nhà bác Liêu. Ba đứa, tôi, thằng Sơn, thằng Hải cùng anh Đỗ so tài với nhau. Thế mà hầu như chơi mười bàn, anh Đỗ đã thắng hết bảy, tám bàn. Chúng tôi ức lòng lắm, anh Đỗ có tài thánh tài thần gì mà bao giờ cũng về chuồng trước tiên trong khi ba đứa tôi vẫn còn ở giữa đường, hoặc bị đá lăn chiêng nằm trong chuồng. Mỗi khi thắng chúng tôi, anh Đỗ cười to, vỗ tay khoái trá. Thế rồi sau đó anh lại “mua cái gì” cho chúng tôi ăn, làm chúng tôi không đứa nào giận anh được.
Tiền lì xì của chúng tôi có ít lắm, nên qua bốn ngày “nhón nhén”, đến ngày mồng năm là không còn đủ để đi một lần Sở Thú nữa. Thế nên ba đứa tôi lại rủ nhau dốc mấy đồng còn lại trong túi để qua nhà bác Liêu đánh với anh Đỗ ván cờ chót. Đứa nào thắng phải khao cả bọn ăn “xắp xắp”. Bọn nhóc kéo đến trước nhà bác Liêu. Trong sân, bác Liêu và anh Đỗ đang uống bia, nói chuyện gì với nhau. Thằng Sơn réo to:
- Anh Đỗ, anh Đỗ, tụi em qua đánh với anh ván cờ chót đây!
Bác Liêu ngó ra, cười:
- Tụi hắn lại qua “khiêu chiến” với mi kìa Đỗ.
Anh Đỗ đi ra mở cửa rào, hỏi:
- Còn được mấy đồng hở các chú bé?
Chúng tôi nhìn nhau cười. Vừa vào sân, thằng Hải đã nhanh nhẩu đến trước mặt bác Liêu:
- Dạ chúng cháu xin mừng tuổi bác ạ! Bác lì xì đi ạ!
Bác Liêu cười ha hả:
- Chà! Mồng năm rồi mà tụi mi còn mừng tuổi tao hả? Thôi được, đây bác lì xì cho mỗi đứa thêm năm đồng rua.
Tôi nói với anh Đỗ:
- Tụi em gần sạch túi rồi, thằng Sơn đòi qua đánh với anh ván cờ chót đây!
Anh Đỗ giả vờ rùn vai:
- Ghê quá! Ừ thì ván cờ chót.
Bàn cờ cá ngựa xếp cất trong túi áo anh Đỗ đã nhàu nát lại được giăng ra trên cái đi-văng cũ. Mỗi người đặt hai chục. Anh Đỗ cho thằng Sơn đi trước – thằng này bé nhất bọn, mà anh Đỗ thì hay nhường quyền ưu tiên cho người bé. Thằng Sơn quăng hột xúc xắc trong chén. Miệng nó cong lên:
- Số năm. Trời!
Đến thằng Hải, cũng chẳng may mắn gì – số ba. Đến phiên tôi, tôi nhìn anh Đỗ, vái thầm trong bụng, rồi bậm môi quăng hột xúc xắc. Nó không vào chén mà văng ra ngoài. Cả bọn cười bò lăn. Tôi được quyền đổ một lần nữa.
- Số một!
Con ngựa đầu tiên ra khỏi chuồng. Tôi giao hẹn:
- Một, sáu ra nghen! Sáu được đi nữa.
Anh Đỗ gật gật. Anh nắm hột xúc xắc, thảy nhẹ vào chén. Hột xúc xắc chao chao mấy vòng rồi ngừng lại. Số sáu. Con ngựa màu trắng của anh Đỗ ra khỏi chuồng. Anh chúm chím cười:
- Một, sáu ra hở? Sáu đi nữa nghen!
Anh đổ thêm một lần nữa. Ba đứa tôi la lên:
- Sáu!
Một lần nữa. Lại ra sáu. Thằng Sơn giẫy nẩy:
- Anh Đỗ đổ thế nào í, ra sáu hoài! Em không chơi nữa.
Tôi can:
- Kệ, Sơn! Cứ tiếp tục, quyết thắng kỳ này mà.
Tụi tôi kiên nhẫn chơi. Bác Liêu ngồi ở ngoài, theo dõi bàn cờ. Bác quên “về phe” con của bác, mà lại mong một đứa trong tụi tôi thắng – bác về phe nào có ba đồng năm rua của bác mà!
Ván cờ sắp kết thúc. Tụi tôi hồi hộp lạ! Ngựa của tôi và thằng Hải còn lận đận giữa đường, chắc không mong gì thắng. Chỉ còn thằng Sơn và anh Đỗ là địch thủ của nhau. Nhưng “tính mạng” của thằng Sơn xem ra nguy kịch lắm, vì con ngựa cuối cùng của nó đứng trước cửa chuồng rồi mà ngựa của anh Đỗ thì cách đó hai nấc nữa thôi, nếu anh thảy ra số hai thì ngựa của thằng Sơn sẽ bị đá. Tụi tôi lo lắng, mong sao anh Đỗ đừng ra số hai. Thằng Sơn thì cứ thảy ra số sáu, số năm nên chẳng vào chuồng được. Anh Đỗ cười hì hì. Ba cái đầu tụi tôi gần như chúi sát vào bàn cờ, nín thở hồi hộp. Bỗng nhiên anh Đỗ ném nhẹ một cái, ba đứa tôi giật mình tuyệt vọng: số hai. Thằng Sơn tức quá nghiến răng. Nhưng… sao anh Đỗ không cho ngựa tiến tới, không la to mừng rỡ? Tụi tôi ngó lên, ngạc nhiên khi thấy mặt anh Đỗ ngẩn ra, đôi mắt đang nhìn ra mãi tận ngoài đường. Sáu con mắt nhìn ra theo. Chúng tôi chợt hiểu, bấm nhau cười. Ngoài cửa rào, một tà áo tím đang lướt qua: chị Minh. Chị cắm đầu đi thật nhanh, tay đưa lên giả vờ che nắng nhưng thật ra là muốn giấu mặt. Dáng chị thướt tha vô cùng. Anh Đỗ nhìn sững, không biết mình ra số hai. Tôi chợt giật mình, rồi lẹ tay lật hột xúc xắc ra số bốn. Thằng Sơn trố mắt, rồi cười mỉm, hiểu ý. Tà áo tím giờ đã khuất sau khúc quanh ngõ xóm. Tôi kêu:
- Anh Đỗ! Sao anh không đi?
Anh Đỗ như chưa hết cơn ngớ ngẩn, nhìn xuống chén, rồi nói nhẹ:
- Ra rồi hả? Ủa, số bốn mà, kẹt rồi!
Thằng Sơn lại đổ, lần này nó ra số một. Cả bọn thở phào nhẹ nhõm. Con ngựa cuối cùng của nó nhảy vào trong qua vài lần đổ nữa, thằng Sơn đã thắng trong khi ngựa anh Đỗ chưa kịp về. Ba đứa vỗ tay reo trong khi bác Liêu nháy mắt, cười. Còn anh Đỗ thì ngẩn ngẩn ngơ ngơ, mặc cho Sơn lùa tiền, anh ra đứng trước cửa rào.
Thằng Sơn khoái chí vì mưu kế của tôi, huyên thuyên:
- Tụi bây được một chầu “xắp xắp”, còn dư hai chục uống nước mía, ha ha!
Bọn tôi chào bác Liêu ra về. Đến cửa rào, thằng Sơn móc tay anh Đỗ:
- Anh Đỗ nhé! Em thắng anh ván cờ chót nhé!
- Thưa anh em về ạ – cả lũ nhao nhao.
Anh Đỗ gật đầu. Bỗng anh gọi:
- Khoan đã.Tụi tôi dừng chân. Anh bảo:
- Sơn, Hải về hỉ! Còn Thụy, đứng lại anh nhờ chuyện ni một chút.
Anh kéo tôi vào nhà, rút trong hộc tủ ra một phong thư, nói nho nhỏ:
- Cho anh gửi cái ni… đưa giùm cho… chị Minh.
Tôi tròn mắt. Anh cười:
- Giùm một tí mà! Đừng cho ai thấy, hỉ!
Tôi gật đầu, giấu phong thư vào trong áo, rồi chạy vụt về nhà.
*
Má tôi cho tôi một miếng mứt bí thơm phức. Tôi bỏ vội vào miệng rồi xỏ chân vào dép.
- Đi đâu nữa vậy, ông tướng? – Má tôi hỏi.
- Đi đâu nữa vậy, ông tướng? – Má tôi hỏi.
Tôi cười:
- Má cho con đi chơi với tụi nó cho đã nghen má, mốt con đi học lại rồi.
Má tôi gật đầu:
- Ừ nhỉ! Hết Tết rồi!
Nghe má tôi nói đến chữ “hết Tết rồi”, tự nhiên tôi có cảm giác vừa xao xuyến vừa tiếc rẻ thế nào! Mấy ngày nghỉ học, chơi chưa đủ thỏa, mà đã gần hết rồi. Tôi chắc ai còn trong tuổi học trò cũng có cái tâm trạng như tôi – không phải lười học nhưng cứ hễ được dịp nghỉ là cứ mong sao ngày nghỉ kéo dài thêm.
Cái ý tưởng tiếc rẻ còn lẩn quẩn trong trí tôi, thì bản tính con trai lại trở về, tôi chạy ra đường. Tôi không muốn nghĩ ngợi vẩn vơ như con gái.
Tôi không ghé nhà thằng Hải, mà quẹo qua ngõ nhà chị Minh. Tôi thấy loáng thoáng bóng chị Minh phơi quần áo sau hè. Tôi đưa tay rờ áo – phong thư của anh Đỗ cồm cộm. Tôi trông trước, ngó sau, rồi thấy không có ai, tôi đi lẻn ra sau hè nhà chị Minh. Chị ấy sắp sửa đi vào nhà. Tôi gọi khẽ:
- Chị Minh! Chị Minh!
Chưa đợi chị hỏi gì, tôi dúi phong thư vào tay chị, rồi bỏ chạy một mạch. Đến đầu khúc quanh, tôi dừng chân, tò mò ngoái đầu nhìn lại phía sau. Tôi thấy chị Minh kín đáo cười.
Tôi nghĩ bụng từ nay về sau không nhận làm công việc này nữa đâu, má tôi mà biết được thì khổ. Tôi phải chạy đến bảo anh Đỗ từ nay gửi thư bằng tem, chứ tôi không làm “bác đưa thư tí hon” như thế này nữa đâu.
Đến ngang nhà bác Liêu tôi toan mở cửa vào, thì thấy trong nhà bác có hai, ba người lính. Tôi ngần ngừ, nhưng anh Đỗ đã thấy tôi, gọi lớn:
- Thụy, vô đây chơi em!
Anh Đỗ đang phủi bụi bộ đồ rằn ri trên móc. Bên cạnh anh là chiếc ba lô to tướng. Hai người bạn lính của anh không để ý đến sự hiện diện của tôi. Nhưng bác Liêu thì đã ôm vai tôi, giọng trầm hẳn xuống:
- Anh Đỗ sắp đi hành quân xa, bạn hắn mới đến báo tin rứa đó!
Tôi ngơ ngác:
- Ủa, Tết nhất mà đi đâu bác?
- Tao mô có biết. Nghe đâu kỳ ni hành quân tận bên Lào đó con!
- Xa dữ vậy bác?
- Bởi rứa tao mới rầu.
Anh Đỗ mặc xong bộ đồ lính. Anh xoa đầu tôi, cười:
- Xa gì mà xa. Tụi anh đi bằng trực thăng, đi bằng xe nhà binh mà!
Bác Liêu chép miệng:
- Tao ở đây mà tao nghe ở tuốt bên Lào là thấy xa rồi. Mi thì mi mô có kể…
- Ba thiệt!... Con gần đi rồi mà ba! – Quay qua hai người bạn, anh nói như phân trần – Mỗi lần tao sắp đi hành quân là “ông già” làm như giận tao vậy đó! Thiệt… khổ ghê. “Dù” về mấy ngày nay đánh cờ cá ngựa cũng đã lắm rồi.
Anh đội chiếc mũ màu xanh lá cây lên đầu, khoác chiếc ba lô lên vai.
- Thôi con vô tiểu đoàn nghen ba! Vô chơi thôi chứ khi mô họ đưa đi thì đi. Chắc cũng còn lâu mới đi.
Bác Liêu đứng dậy, nhìn ra cửa:
- Từ đây đến tận Thủ Đức lận, tụi mi đi bằng chi?
- Dạ có xe chờ ngoài đầu ngõ, ba.
Bác Liêu và tôi đưa ba người lính ra cổng. Bóng dáng nhanh nhẹn của họ khuất mau. Bấy giờ tôi mới nhớ ra là tôi chưa kịp nói với anh Đỗ rằng tôi đã đưa thư cho chị Minh hộ anh rồi. Và tôi cũng chưa kịp cho anh biết rằng tôi từ chối công việc đưa thư ấy từ nay về sau. Mà anh Đỗ cũng chẳng nhớ hỏi tôi việc đó nữa. Đời lính làm gì cũng vội vàng. Tự nhiên tôi thấy thương anh Đỗ vô hạn.
Tôi theo bác Liêu vào nhà. Nhà vắng vẻ buồn thiu. Bác ngồi xuống chiếc giường cũ kỹ, nhìn khắp nơi như cố mong tìm thấy chút hình ảnh của con trai. Không khí trĩu nặng. Tôi nghĩ nếu bác Liêu là một bà mẹ già, thì bà mẹ già trong khung cảnh hiu quạnh như thế này hẳn đã khóc, khóc nỉ non. Chính tôi cũng muốn trốn tránh cảnh tẻ lạnh ấy. Tôi toan xin phép bác Liêu ra về, thì tiếng thằng Sơn, thằng Hải réo gọi ngoài kia:
- Thụy ơi! Có mầy trỏng không?
Tôi chạy ra. Tụi nó nói:
- Tụi tao mới gặp anh Đỗ đi ra. Ảnh nói ảnh đi hành quân xa lắm, ở bên Lào hở mày? Ảnh và hai ông lính kia oai ghê nhỉ! Tao thấy ba người leo lên xe “ríp” chạy một cái vù.
Tôi gật đầu:
- Ừ, đi lính oai thật!
Mà quên hẳn có bác Liêu đứng bên cạnh.
II
- Việt Nam, bắc giáp Trung Hoa, đông và nam giáp biển Đông Hải, tây giáp Ai Lao và Cam-bốt. Nước Lào đây nè bác!
Bác Liêu mang cặp kính già vào, nhìn vào cuốn sách trên tay tôi.
- Mô nà? Tao chẳng thấy chi cả.
Tôi chỉ rõ cho bác:
- Đây nè bác! Vùng màu nâu đỏ này là nước Lào.
- Sao có nơi tô đỏ, có nơi tô xanh vậy cháu?
Tôi nói lại y theo lời cô giáo:
- Nơi tô xanh là đồng bằng, ruộng rẫy; còn nơi tô đỏ là núi và cao nguyên. Bên Lào toàn màu đỏ bác ơi!
Bác Liêu gỡ kính ra:
- Chu choa ơi! Rứa là bên nớ toàn núi non không hở cháu?
- Đúng rồi bác. Bên Lào toàn núi non, với lại khí hậu kỳ lắm, khi thì khô nóng nứt da, khi thì lạnh lẽo cắt thịt. Cô giáo cháu giảng thế đó!
Bác Liêu quay mặt đi nói một mình:
- Rứa mà thằng con tui nó đi qua tận bên nớ, làm răng nó chịu nổi?
Tôi nói, giọng tin tưởng:
- Nhưng anh Đỗ là lính mà bác, cái gì ảnh chịu cũng nổi mà! Bác không nhớ là ảnh có thật nhiều huy chương hay sao?
- Ừ hỉ! Con tui, hắn có nhiều huy chương lắm! Hắn sẽ qua khỏi.
- Bác đừng lo làm gì. Đi lính, đánh giặc oai lắm bác! Cháu thích như anh Đỗ. Lớn lên cháu sẽ đi lính giống như anh ấy, oai ghê!
Bác Liêu nắm cánh tay tôi, nói vội vàng:
- Đừng cháu! Đừng ham đi lính, cháu. Đến thời của cháu có lẽ yên hết rồi, đừng đi lính, ở vậy học đi! Học cho giỏi, làm nghề này nghề nọ sướng hơn. Cháu ưa học nghề gì?
Chưa ai hỏi tôi câu đó bao giờ. Thế nên tôi lúng túng không biết trả lời ra sao. Trong trí tôi xưa nay vẫn thường in hình ảnh hiên ngang của anh Đỗ, với bộ đồ rằn ri và chiếc mũ xanh. Nhưng nếu đúng như lời bác Liêu nói, đến thời tôi sẽ hết loạn, bọn tôi khỏi đi lính, thì tôi phải học chứ! Vậy tôi sẽ chọn con đường nào?
Bác Liêu thấy tôi lặng yên, bèn nói:
- Bác... ngày trước bác muốn cho anh Đỗ học cái chi mà... – bác làm dấu trong không khí – mà vẽ vẽ, đục đục, khắc khắc, rồi sau làm nghề chi mà bày kiểu cho người ta xây nhà, làm trường, nầy nọ rứa mà.
Tôi hiểu bác muốn nói gì, nhưng tôi tìm mãi trong đầu vẫn không nhớ nổi hai chữ để chỉ cái ngành mà bác Liêu nói đến. Bác Liêu mơ màng:
- Bác biểu hắn học cái nớ, rồi sau này về làng mà xây dựng lại thôn xóm, kiến thiết lại lăng tẩm, mồ mả ông bà. Cháu thấy rứa có hay không? - Bác thở dài- Rứa mà hắn có nghe lời bác đâu. Thi đậu tú tài một, hắn quyết định đăng lính, bác can hắn không được. Hắn cãi lời bác, hắn chẳng thương bác.
Bác Liêu giăng hai bàn tay trước mặt tôi, nói:
- Cháu coi nè, hai cha con bác có hoa tay đủ mười ngón, mần cái chi cũng khéo. Nhất là vẽ và khắc, bác khắc cái chi cũng được. Thằng Đỗ nó cũng khéo lắm. Bởi rứa bác mới biểu hắn đi học cái nớ. Bác ngu dốt lỡ rồi, còn hắn, hắn không chịu lo. Nhiều lúc bác giận hắn ghê!
Tôi muốn mở lời bênh vực cho anh Đỗ, nhưng bác Liêu đã đứng dậy. Bác đến bên gầm tủ, lôi từ từ ra một tấm lớn hình chữ nhật, bằng đá trắng. Tôi nhìn kỹ thì biết đó là tấm bia mộ. Bác Liêu nói ngay:
- Ở chỗ bác làm hồ, người ta có lãnh làm bia mộ. Họ thấy bác khắc đẹp nên giao cho bác lãnh bia về khắc tên. Bác làm để kiếm thêm tiền, chứ lương lính của thằng Đỗ ba, bốn tháng mới lãnh một lần, làm răng tiêu?
Bàn tay của bác vuốt ve trên mặt bia láng, bác nói như chứa đầy hy vọng:
- Bác làm thêm như ri, dành dụm tiền cho hắn. Khi mô bình yên hắn giải ngũ, bác cưới vợ cho hắn.
Rồi bác mang những đồ nghề ra, một cây búa, một cái đục thật sắc, một cục đá mài. Tôi đi múc cho bác một lon nước để mài đục. Bác đục đẽo trên mặt đá, bàn tay khéo léo như một nhà điêu khắc. Những nét chữ gãy gọn và tỉ mỉ in hình trên mặt tấm bia mộ trắng tinh. Tôi yên lặng theo dõi công việc của bác. Nhưng, có một lúc, ngắm dáng ngồi khom khom, điệu bộ cần cù, bàn tay nắn nót khắc chữ trên bia mộ, và chợt nghĩ đến anh Đỗ đang gian nan bên xứ người, đang chiến đấu kề cận tử thần, tự nhiên tôi rùng mình và thương bác Liêu vô cùng.
III
Gặp tôi, bác Liêu vừa ho sù sụ, vừa nói:
- Thụy, cháu biết bến xe đi Thủ Đức không?
- Chi vậy bác?
Bác thở hổn hển như sắp hết hơi:
- Cháu về xin mạ, dẫn bác đi ra bến đón xe đi Thủ Đức, gấp lắm!
Tôi nắm tay bác, nói chậm chậm để mong làm giảm cơn mệt của bác:
- Bác đang đau mà đi đâu vậy?
Cơn ho làm bác Liêu chảy nước mắt. Bác cố nói dịu lại:
- Đi tìm chỗ chi... Tiểu đoàn của thằng Đỗ, để hỏi xem hắn ra răng ở bên nớ rồi.
Tôi hoảng hốt:
- Chứ sao mà bác nói thế?
Bác lắc đầu:
- Tao chẳng biết chi hết. Có mấy thằng bạn của hắn ghé ngang. Thằng thì bảo hắn bình yên, nhưng chưa về, thằng thì bảo là hắn... chết mất xác. Tụi hắn chia nhau đánh trận, chứ không ở cạnh nhau, nên chẳng đứa mô nói được rõ ràng. Chừ chỉ còn có nước đi đến tận nơi mà hỏi họ, họa chăng mới biết.
Tôi đồng ý ngay. Trong lúc bác Liêu mặc vội bộ bà ba, tôi chạy về nhà xin phép má tôi để đi với bác. Ghé qua nhà thằng Sơn, thằng Hải, tụi nó đã đi chơi đâu cả rồi.
Hai bác cháu ra bến xe Lam đi Thủ đức. Bác Liêu ngơ ngác nhìn cảnh xa lộ mà đôi mắt như thất thần. Lâu lâu bác lại che miệng ho. Cơn bệnh kéo đến từ hơn một tuần nay, làm bác gầy hẳn đi.
Xe lam quẹo vào chợ Thủ đức. Bác Liêu và tôi leo xuống, đi hỏi thăm đường vào trại của anh Đỗ. Một người chỉ cho chúng tôi con đường ấy. Nhưng không có xe nào chịu chở chúng tôi vào. Hai bác cháu lếch thếch đi bộ. Con đường toàn đất đỏ. Mỗi bước đi của chúng tôi là một sự khó khăn. Thỉnh thoảng một chiếc quân xa chạy vụt ngang, bụi đỏ tung lên mờ cả mắt. Chúng tôi khô ráo cả cổ, đầu nhức bưng dưới nắng gắt, cứ lầm lũi đi chứ không thể nhìn thấy con đường trước mặt bao xa vì bụi cuộn tròn bay từng đụn như những đám sương mù.
Khi nghe tiếng hô đứng lại của một người lính, chúng tôi mới nhìn thấy cổng trại. Bác Liêu đưa giấy tờ ra trình, và chúng tôi được vào bên trong. Tôi ngơ ngác nhìn ngắm những dãy nhà kiểu tiền chế nằm bên nhau thật xinh xắn. Anh Đỗ nhiều lần kể cho chúng tôi nghe về nơi này – nào là câu lạc bộ, nào là phòng ngủ, phòng tắm, phòng chiếu phim, nào là gốc cây bã đậu anh thường ngồi dưới đó viết thư hay đánh đàn, nào là sân cát nóng bỏng nơi tập họp, nào bụi tre xinh xinh anh thường ngồi nói chuyện với bạn bè và bẻ cành tre mà khắc đủ thứ hình lên đó. Tôi muốn chạy thật nhanh trên sỏi trắng rạo rực để đi tìm những nơi đó. Nhưng bác Liêu kéo tay tôi đi vào một căn ở dãy đầu.
- Chắc hỏi ở đây cháu nè! Có nhiều người làm việc trong nớ ghê!
Hai bác cháu rón rén đi vào. Căn phòng không có một tiếng nói, chỉ có tiếng quạt máy chạy thật êm và tiếng gõ lóc cóc của người đánh máy chữ. Không khí trang trọng lạnh lùng.
Một người ngẩng đầu lên. Bác Liêu tiến đến:
- Nhờ ông cho hỏi giùm tin tức của thằng con tui, Nguyễn Thi Đỗ, số quân... chứ hắn đi lâu quá, mới bặt thư một tháng ni. Bạn bè hắn nói lung tung lên cả, tui chẳng biết ra răng.
Người này chỉ bác Liêu và tôi qua phòng bên cạnh. Ở đây không có một ai. Tôi ngơ ngác nhìn quanh, và mừng rỡ tôi kêu:
- Kìa bác, có danh sách gì đây nè!
Hai bác cháu đến gần bức tường có treo một tấm bảng ghi tên họ những người đi hành quân. Bác Liêu thở mạnh:
- Cháu đọc xem, bác chẳng thấy chi cả.
Tôi nhón chân, tìm thấy tên anh Đỗ.
- Nè bác, Nguyễn Thi Đỗ, hành quân ngày... tử trận.
Tôi nghe một tiếng "chao ôi" của bác Liêu rồi sau đó là cơn ho sặc sụa. Nước mắt bác Liêu chảy ra sau mỗi tiếng ho. Người lính đứng sau lưng tôi tự bao giờ, cất giọng trầm buồn:
- Vì rút quân quá nhanh, không ai được mang xác về cả bác ạ. Cháu xin chia buồn cùng bác.
- Cám ơn thầy.
- Xin mời bác ra ghi ngày đến lãnh tiền tử tuất.
- Thôi cám ơn thầy. Tui về... khắc cho hắn một tấm bia.
Những người làm việc ở phòng ngoài nhìn chúng tôi ái ngại. Không khí như đặc lại trong căn phòng này. Hai bác cháu tôi xa dần tiếng quạt máy và tiếng gõ lóc cóc khô khan.
Tôi chợt nhìn thấy bụi tre – hẳn là bụi tre mà anh Đỗ thường nói. Tôi kéo tay bác Liêu đến đó. Bác thẫn thờ ngồi xuống một tảng đá lớn. Ở đây, tôi nhìn thấy cả cây bã đậu xanh um đàng xa và bãi cát hực vàng dưới nắng. Mãi mãi anh Đỗ không còn về lại nơi đây để nhìn thấy khung cảnh nầy nữa. Bác Liêu ngồi im như pho tượng, nhưng tôi chắc là những ý nghĩ đau thương đang dày đặc phủ đầy trí óc bác.
Tiếng sáo ở đâu nghe thoảng buồn trong gió. Cảnh êm ả vô cùng. Tôi bỗng dưng muốn nằm xuống dưới bụi tre nầy để nhắm mắt lại mơ tưởng đến một ngày yên lành trên quê hương.
Một đám mây đen hiện ra ở góc trời vàng hoe, vần vũ kéo đến như một hung thần. Chắc hai bác cháu tôi không về kịp đâu! Tôi nghĩ đến con đường dẫn từ cổng trại tiểu đoàn ra chợ sẽ ngập mềm nước mưa, lầy lội đỏ. Tôi nghĩ đến căn nhà vắng vẻ của bác Liêu từ nay sẽ quạnh hiu thêm. Tôi tưởng tượng nét mặt ngẩn ngơ của bọn Hải, Sơn- và tưởng tượng những giọt nước mắt của chị Minh sẽ đổ ra nhiều, nhiều lắm.
Những giọt mưa đầu mùa đã rơi, thật dòn trên sỏi trắng, rào rạt trên lá tre. Bác Liêu vẫn ngồi yên đội mưa. Tôi không dám động chạm phút giây đau khổ nhất của bác. Nước mưa dội trên đám lá tre gân guốc, chảy ròng ròng xuống khiến tôi có ý nghĩ đó là những dòng lệ của lũ tre già...
IV
Khe Sanh, ngày 1 tháng 3 năm 1971.
Em Thụy thân mến,
Anh đóng quân ở đây đã một tháng rồi, và chẳng còn bao nhiêu ngày nữa chắc sẽ qua Lào. Miền này giáp giới, lạnh lẽo ghê gớm, anh chắc Thụy chưa biết cái lạnh này đâu. Ở đây anh được thấy luôn luôn, những đám sương mù trên núi, nhiều ghê lắm, và trắng xóa, khiến anh cứ tưởng tượng đó là tuyết. Chắc Thụy ức lòng lắm khi nghe đến tuyết, phải không "cậu bé thành thị"?
Anh đã nhận được thư của Thụy đều đặn. Cám ơn Thụy đã chuyển thư chị Minh lên cho anh và đưa thư anh cho chị ấy. Khi nào về anh sẽ mua cho Thụy nhiều quà để bù lại công lao. Nhưng chắc khi qua Lào anh sẽ không nhận được thư đâu, qua bên nớ là phải lo đánh trận rồi. Tiếc ghê Thụy nhỉ!
...
Khác với mọi người, tôi không thích đốt thư của người chết, nên những lá thư của anh Đỗ tôi vẫn còn giữ trong cặp. Bây giờ là cuối tháng tư. Lớp chúng tôi chẳng còn bao lâu nữa là nghỉ hè. Bọn tôi phải lo học thật nhiều để đủ sức thi vào đệ thất trường công. Những trò chơi đã qua và không quyến rũ nổi bọn tôi - từ trò đánh cá ngựa hôm Tết đến trò đá dế, trò thả diều bọn tôi đều đã chơi rồi và những trò chơi đó có "mùa" nên đã bị bỏ rơi dần. Chúng tôi thấy không còn thấy ham thích gì hết, bởi bây giờ mỗi khi đùa chơi chẳng còn ai đứng làm trọng tài hay tham dự; anh Đỗ đã ra đi và bác Liêu thì đau ốm buồn phiền. Như một cái bóng, bác Liêu ngày ngày ra vào trong căn nhà vắng vẻ - có khi lại mang những tấm mộ bia ra khắc khắc, đục đục. Một hôm tôi thấy bác mang về một tấm bia mộ màu trắng bằng đá cẩm thạch. Bác gọi tôi đến xem bác đục tên anh Đỗ vào đó. Bác nghẹn ngào bảo rằng làm cho con bác một tấm bia nhưng sẽ không đặt ở đâu cả, vì anh ấy đã bỏ xác xứ người rồi, không có mộ để cho bác dựng tấm bia.
Nhưng bệnh ho của bác đã trầm trọng, bác làm việc chậm chạp hơn. Bàn tay cầm búa và đục bây giờ run rẩy. Tôi khuyên bác đừng làm gì nữa, để sức mà nghỉ ngơi. Nhưng bác nói rằng bác mong về với tổ tiên càng sớm càng hay. Bác mong gặp mặt vợ bác, gặp mặt con bác cho bõ những ngày tháng hiu quạnh này.
Mùa thi của chúng tôi trùng với mùa mưa. Tâm trạng bọn tôi nao nao. Thế rồi ngày thi đã đến. Buổi chiều đi thi về tôi vui mừng chạy đến nhà bác Liêu để kể chuyện, thì thấy căn nhà của bác chật đầy những người hàng xóm. Bác đã qua đời!
Tấm bia mộ chưa hoàn thành, chỉ vỏn vẹn mấy chữ:
"Mộ chí của Nguyễn ..."
V
Chúng tôi có một trò chơi mới: nuôi chim. Ý kiến này do thằng Sơn nảy ra, khi nó đi trồng trái ở Y viện Tân định và thấy cạnh đó có một hàng bán chim. Mỗi con chim giá hai mươi đồng, đủ các màu. Thế là chúng tôi dành dụm tiền quà để mua vài con về nuôi. Riêng tôi, tôi thích nuôi chim áo dà, nên tôi nuôi toàn loại đó. Nhưng lũ chim không được chăm sóc kỹ càng nên đau ốm rồi chết dần. Tôi tiếc rẻ ghê gớm. Giá anh Đỗ còn sống, anh sẽ chỉ cho tôi cách nuôi chim bằng những thức ăn cần thiết nào. Những tháng hè đã qua, ba đứa tôi đều đậu vào trường công, và đi học thấm thoát đã gần hết năm.
Bây giờ những cơn gió lạnh lạnh khiến tôi phải mặc áo ấm đi học, và mỗi sáng ngọn nắng vàng chiếu xuyên vào tận nhà nhắc tôi rằng lại sắp có thêm một cái Tết nữa. Tôi bồi hồi nhớ những bàn cờ cá ngựa, những đồng năm rua mà thương bác Liêu và anh Đỗ ghê gớm. Bây giờ căn nhà đó đóng cửa kín mít, không ai ở. Nhưng trên bàn thờ – của vợ chồng bác Liêu và anh Đỗ – lúc nào cũng leo lét ngọn đèn dầu và quyện nhẹ khói hương. Mọi người đều biết rằng ngày ngày vẫn có bóng dáng của chị Minh ra vào căn nhà ấy, với một màu áo trắng buồn tênh. Giá tôi là văn sĩ, tôi sẽ viết gì để ca ngợi mối tình cao đẹp và thủy chung ấy.
Thằng Sơn cứ nhắc mãi "ván cờ chót" mà anh Đỗ chơi với bọn tôi và mưu kế của tôi để cho nó thắng. Cho đến bây giờ anh Đỗ cũng chưa biết rằng lũ nhóc ranh mãnh đến nước đó.
Gần Tết rồi, tôi nhất định nuôi một con chim để chưng trong nhà. Bây giờ đến năm mươi đồng một con. Tôi gọi bọn Sơn, Hải đến nghe nó hót. Con chim áo dà này hót thật hay, âm điệu lại có vẻ trầm bổng nữa. Thằng Sơn kêu lên:
- Tụi mày có nghe nó hót gì không?
Còn người thôi đã lỡ rồi
Chết cho tổ quốc thì thôi đừng buồn
Tôi và Hải phá lên cười:
- Xạo quá! Cái này là thằng Sơn hót chứ không phải chim hót đâu nhé! Tính làm thi sĩ hở Sơn?
Thế nhưng cả ba đứa im bặt, buồn thiu. Tôi nghĩ đến những cái chết "da ngựa bọc thây" ở chiến trường. Hình ảnh của anh Đỗ sao không thôi phai mờ trong đầu óc bọn tôi?
Một hôm con chim áo dà của tôi đứng gục đầu chẳng buồn hót nữa. Tôi thất vọng chạy đi tìm thằng Sơn. Nhưng ở đầu ngõ tôi thấy loáng thoáng bóng ai đi vào, bộ đồ rằn ri bạc màu. Anh Đỗ! Trời ơi, anh Đỗ! Tôi hét to lên và chân muốn quỵ xuống. Anh Đỗ chạy đến ôm tôi bằng một cánh tay – một cánh tay mà thôi – Tôi khóc òa trong cánh tay anh, rồi tôi chạy vụt qua ngõ nhà chị Minh réo khóc:
- Anh Đỗ về! Anh Đỗ về! Chị Minh ơi! Sơn ơi! Hải ơi!...
VI
“Một chiều, một chiều trên quãng đường xa
Bóng người anh dũng năm xưa ra đi chốn này
Chàng về nay đã cụt tay
Chàng về nay đã cụt tay …”
Tôi đàn “măn-đô-lin” cho chị Minh hát. Thằng Sơn, thằng Hải vỗ tay nhè nhẹ theo. Điếu thuốc lá trên môi anh Đỗ tỏa khói. Tôi thấy anh quay nhìn bàn thờ mà đôi mắt đỏ hoe. Mấy tháng lạc trong rừng, phải tự lo vết thương, phải trốn tránh ngày đêm, những gian lao khổ cực vượt biên cương lạnh lẽo để về quê hương đã làm anh gầy rộc đi. Nhưng có lẽ niềm đau khổ nhất của anh là từ cõi chết trở về anh phải nhìn thấy hình ảnh của bác Liêu đã ở trên bàn thờ.
Chúng tôi phụ giúp anh dọn dẹp lại nhà cửa đã tiêu điều bấy lâu nay. Bằng cánh tay còn lại, anh quét nhà, phá những mạng nhện giăng đầy trên vách. Trong lúc chúng tôi kéo bàn để hốt rác, anh Đỗ tẩn mẩn lôi trong góc nhà ra tấm bia mộ của bác Liêu để dành cho anh. Anh khóc nức nở khi nhìn những nét khắc dở dang “Mộ chí của Nguyễn…”
Và từ hôm sau, tôi thường đến múc cho anh lon nước, mài đục cho anh, giúp anh khắc tiếp những chữ còn lại. Bằng cánh tay duy nhất, anh cầm đục, còn tôi đập búa lên đục giùm anh. Tay anh cũng khéo léo vô cùng. Những nét chữ hoa mỹ in trên nền đá cẩm thạch.
“Mộ chí của Nguyễn Văn Liêu”.
Tấm bia mộ không còn để trong góc nhà nữa, mà được dựng nơi mộ của bác Liêu.
Và con chim áo dà của tôi từ nay cũng bắt đầu hót những khúc thật vui.
NGUYỄN THỊ MỸ THANH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Nhâm Tý, 1972)