Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Thơ Xuân Gởi Bạn


Kiến Hòa, Ngày 28 Tết.

An thân mến,

Gần một tháng rồi, từ hôm An bệnh phải về quê đến nay, Bằng không được tin tức gì của An cả, nên hôm nay viết thư này hỏi thăm anh đây. Đáng lẽ Bằng phải lên tận nhà An để thăm, nhưng ba má Bằng không cho phép. Ông bà chẳng muốn Bằng đi đâu xa, nhất là thời buổi nầy. An hiểu và tha lỗi cho Bằng chứ?

Thế nào, đến nay An đã hết bệnh chưa? Bệnh có làm An mất sức lắm không? An đã dùng thuốc Bắc hay thuốc Tây thế? Thấy An bệnh nặng, Bằng lo nhiều, song chẳng biết chi hơn là cầu mong bạn mình mau bình phục. Chóng mạnh An nhé, mạnh để ăn Tết với người ta chứ!

À, trên nầy Tết có vui không An? Dưới tỉnh thì khỏi nói, tưng bừng rộn rịp hẳn. Tuy nhiên, riêng Bằng không lấy gì làm vui, vì lòng vẫn hướng về làng quê mình. Như An biết, quê Bằng hiện không được yên ổn, năm nay Bằng cũng như ba má không về ăn Tết ở đấy được, buồn ghê An ạ!

Hồi trước, mỗi lần Tết đến làng Bằng vui lắm. Không hẹn mà nhà nào cũng sơn phết lại, dán câu đối, dựng nêu, trồng hoa đầy sân. Mồng một, mồng hai, mồng ba suốt ngày người ta kéo nhau đi chúc Tết. Trên con đường làng, từng tốp người lũ lượt đi lại, áo mới rực màu trong nắng ấm. Người lớn cười nói huyên thuyên, trẻ em tung tăng chạy nhảy, reo đùa... Thăm viếng chúc tụng nhau xong, các ông đổ xô đến trường gà, các bà tấp nập kéo đến chùa dâng hương. Phần trẻ nhỏ như Bằng thì tổ chức múa lân, đốt pháo. Mấy con lân đầu làm bằng thúng giạ phất giấy, đuôi là mảnh khăn vằn của mấy bà già, nhảy loi choi theo tiếng trống cơm lung tung, cũng xôm ra phết. Ở đình thường thường lại có một gánh hát bội dọn đến hát. Từ xế chiều, tiếng trống chầu đã nổi lên giục dân làng đến xem. Đám khán giả trung thành nhất, và cũng đáng phiền nhất của gánh hát là Bằng và các bạn nhỏ. Tụi Bằng ra đình sớm hơn ai hết, nhưng lại phải vào xem sau, và có khi đành tiu nghỉu đi về bởi còn tùy ở sự may rủi. Con nít đâu có tiền mua giấy, phải năn nỉ người lớn dẫn vào, hay thừa lúc anh gác cửa sơ ý lẻn vô thôi. Vào được bên trong, tụi Bằng mừng còn hơn được kẹo. Song có yên đâu, trẻ nhỏ không có ghế ngồi còn bị nạn lấn tới xô lui, giẫm lên chân nhau la oai oái. Đứa nào cũng nhễ nhại mồ hôi, nực nội khó chịu hết sức, tuy nhiên trong lòng lại thấy vui nhiều. Càng về khuya càng buồn ngủ, ngáp lên ngáp xuống, nhưng tụi Bằng cứ cố mở rộng mắt nhìn lên sân khấu. Chẳng rõ các bạn khác thì sao, riêng Bằng, thú thật, nhìn vào đám kép họ nhảy múa, la hét ca vang như vậy, song chả hiểu gì. Về nhà, ba má hỏi tuồng có hay không, Bằng đáp bừa: "Hay lắm, hay lắm!", rồi phóng lên giường lăn ra ngủ một mạch tới sáng bét. Tối hôm sau Bằng lại cùng lũ trẻ trong xóm rủ nhau men ra đình...

Giờ đây những chuyện trên đã trở thành những kỷ niệm xa xưa. Chiến tranh lần đến cướp đi tất  cả. Bà con trong làng cũng như gia đình Bằng tản cư đi nhiều, và hôm nay Tết đến vẫn không dám trở về tạo lại bầu không khí bừng vui thuở nào. Hôm trước Bằng có theo má về thăm quê. Đứng trước cảnh điêu tàn của thôn xóm, lòng Bằng thắt quặn. Bây giờ là mùa Xuân, nhưng không tìm đâu được một vẻ tươi vui: Con đường làng bị thu hẹp bởi cỏ dại, gai góc, hầm hố. Hai bên nhà cửa bỏ trống, tróc nóc, xiêu cột. Khó khăn lắm mới tìm thấy một ngôi nhà có người ở. Chùa chiền vắng lạnh, vôi tường rạn nứt cả chẳng có ai chăm sóc, tứ phía nhện giăng. Ngôi đình vẫn còn đấy, nhưng không một bóng người, âm u dễ sợ. Hồi tưởng lại cảnh rộn ràng vui vẻ của những cái Tết xưa ở đây, Bằng cảm thấy buồn đau vô cùng. Khách thưởng Xuân ở đâu? Các sư sãi, tín đồ, tiếng chuông mõ, mùi trầm hương ở đâu? Gánh hát, tiếng trống chầu ở đâu? Mấy đứa bạn của Bằng đâu mất rồi? Than ôi! Làm sao tìm lại được những hình ảnh thân yêu ấy?

An mến, mải nói đâu đâu, Bằng quên thuật lại buổi họp mặt tất niên của lớp chúng mình cho An nghe. Để coi, à trước đó anh em trong lớp đã bàn soạn, phân công sẵn: Ai muốn dự buổi họp mặt thì đóng một số tiền, chung góp lại nhờ anh trưởng lớp và một vài anh khác đến hôm ấy mua bánh mứt đem vào "nhậu nhẹt" với nhau. Để giúp vui, anh nào biết đàn, hôm ấy sẽ đem đàn vào đánh ; anh nào ca hay hôm ấy chuẩn bị lên ca. 

Thế rồi ngày vui đến, theo giao hẹn, từ tám giờ anh em lần lượt tề tựu tại lớp. Tới tám giờ mười lăm thì những anh phụ trách ca nhạc như Quang, Hùng, Điệp, Long... đều có mặt với những nhạc cụ sở trường. Nhưng còn lớp của chúng mình, và mấy anh lo việc mua bánh kẹo sao chưa thấy tới? Theo dự định, khi đã họp mặt đông đủ, anh em mới chia kẹo bánh ra vừa nhai vừa đàn hát lên. Hiện thời bánh mứt chưa có, cuộc vui chưa thể khởi sự. Tất cả kiên nhẫn chờ. Nhưng hơn tám giờ rưỡi vẫn không thấy bọn anh Đức. Trong khi ấy các lớp khác người ta đã đập đàn khua trống, ca hát cười giỡn om sòm rồi. Anh em lớp mình ai cũng nóng ruột. Bỗng, anh Tạo la to:

- Thôi đừng chờ vô ích! Bọn anh Đức "bợ" tiền của tụi mình trốn luôn rồi.

Lập tức, nhiều anh hét lên:

- Phải đó, phải đó!

- Đúng rồi! Đả đảo trưởng lớp! Đả đảo mấy "già" đi theo trưởng lớp!

Nhưng Mạnh, anh chàng cao nhất lớp ấy, lại bảo:

- Ê, đừng vội kết tội người ta nhen các bồ! Có lý nào các anh ấy lại tệ thế?

Anh Tạo trợn mắt hỏi:

- Nếu không như lời tôi, thì sao giờ nầy các anh ấy vẫn chưa tới?

Anh Mạnh đáp:

- Có lẽ mấy ảnh gặp một sự rủi ro chi nên chậm trễ, như đánh mất tiền chẳng hạn. Nếu tôi đoán không lầm thì hiện giờ họ đang khóc mếu máo, chạy xuôi chạy ngược kiếm tìm đó.

Tất cả cùng cười. Chợt có tiếng hỏi quen quen ngoài cửa lớp:

- Bàn cãi chuyện gì ồn thế các em?

Quay nhìn, nhận ra thầy Sơn, giáo sư hướng dẫn lớp mình, anh em reo mừng:

- A, thưa thầy!

- Mời thầy vào chơi ạ... 

Ông thủng thỉnh đi vào, tươi cười hỏi lại:

- Các em vừa tranh luận chuyện gì có vẻ sôi nổi thế?

Chưa ai kịp thưa, bỗng một anh trỏ tay ra ngoài reo lớn:

- Kìa, bọn anh Đức!

Quả vậy, anh Đức và anh Thuận, anh Tâm vừa đến. Nhưng lạ chưa, anh nào cũng tay không.

- Bánh kẹo đâu, anh trưởng lớp?

Anh em vây quanh ngạc nhiên hỏi. Anh Đức cúi chào thầy Sơn, rồi quay nói với các bạn:

- Chúng tôi chưa mua kẹo bánh chi, vì còn định bàn với các anh một chuyện.

Bất mãn, anh em la hét vang:

- Còn chuyện gì nữa? Mấy anh muốn dẹp bữa "tiệc" nầy à?

Thầy Sơn khoát tay:

- Đừng, các em hãy để anh Đức trình bày chuyện của anh ấy xem sao.

Anh Đức ôn tồn nói:

- Chắc các anh cũng thấy, hôm nay anh Hiền không có mặt ở đây, mặc dù anh đã ghi tên dự buổi họp mặt tất niên nầy...

Anh em đồng gật đầu, mỗi người nói một câu ra ý công nhận.

- Ờ nhỉ, không thấy mặt anh ấy thật.

Chính tôi đang lấy làm lạ về điều đó.

- Nhưng tại sao vậy?

Anh Đức giải thích:

- Vừa rồi tôi cùng anh Thuận, anh Tâm ghé qua nhà anh Hiền tính rủ anh ấy đi. Gặp mặt, anh buồn rầu cho chúng tôi biết: Ba anh, một chiến binh, vừa bị thương trong một trận đánh, hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh nhà. Anh phải lo chăm sóc ông nên không thể đến chung vui với chúng mình được. Ba đứa tôi đã ở nán lại thăm hỏi cặn kẽ nên tới lớp hơi trễ đó.

Im lặng một chốc, anh tiếp:

- Như vậy, trong khi chúng mình đang yên vui hưởng Tết, anh Hiền đang chịu lắm buồn lo. Mà sự không may của anh cũng liên quan đến chúng mình phần nào. Bởi lẽ, ba anh ấy xông pha chiến đấu là để bảo vệ cái Tết bình yên cho chúng mình đó, các anh nghĩ có đúng không?... Bây giờ chúng mình có nên đem số tiền chung góp mua quà tặng ba anh ấy, để tỏ lòng kính phục ông, và riêng an ủi bạn mình chăng?

Đồng một loạt anh em có mặt lớn tiếng tán thành.

Thầy Sơn bảo:

- Các em làm thế rất phải. Đây, thầy cũng xin góp một số tiền nhỏ...

Anh em vỗ tay hoan hô. Anh Mạnh hỏi:

- Nhưng chừng nào chúng mình sẽ đi thăm ba anh Hiền và kéo cả lớp đi chăng?

Anh Đức nói:

- Sáng mai chúng mình đi mua quà rồi đến bệnh viện luôn. Đi cả lớp thì bất tiện, tốt hơn nên cử một vài anh thay mặt được rồi.

Anh Tạo hỏi:

- Còn bây giờ, cuộc vui hôm nay kể như hủy bỏ?

Anh Đức cười đáp:

- Bậy nào! Trừ chuyện "nhậu nhẹt" ra, chúng ta vẫn thực hiện chương trình như đã định chứ!

Liền đó, anh em đàn hát lên. Ai biết gì giúp vui, đứng lên trổ tài. Được dịp, đứa nào cũng la hét, cười đùa cho thỏa thích. Lớp học mất hẳn vẻ trang nghiêm, một bầu không khí vui nhộn thay vào. Nhờ buổi họp mặt nầy, anh em mới biết lớp mình có lắm nhân tài:

Anh Hùng, anh Long đàn rất giỏi. Anh Đạm, anh Hải ca tân nhạc không thua gì ca sĩ chính cống. Anh Thệ ca vọng cổ "mùi tận mạng", rất tiếc là chẳng ai biết đàn cổ nhạc để hòa theo. Mỗi lần anh xuống "xề", anh em lại vỗ tay, đập bàn muốn bể lớp. Kể chuyện có duyên nhất là anh Tươi. Như một kịch sĩ, anh nói:

- Thưa thầy, thưa các bạn, để góp một nụ cười, tôi xin thuật lại một chuyện trinh thám vui, có thật, vừa xảy ra ở nhà tôi: Số là hôm qua, má tôi để một dĩa mứt trên bàn xuống nhà dưới một lúc trở lên đã thấy vơi đi một nửa. Bả tức giận quát mắng um. Tôi thì có nhiều em nhỏ tuổi xuýt xoát nhau, khó mà biết đứa nào vừa "thủ tiêu" phần mứt nọ. Có gạn hỏi, chúng cũng chối leo lẻo. Sau cùng chợt nghĩ ra một cách, tôi nói với má tôi:

- Được rồi, con sẽ tìm ra thủ phạm ngay cho má coi.

Và tôi bắt mấy đứa em ngồi sắp hàng trước mặt, đoạn lấy giọng nghiêm nghị bảo:

- Ê, đứa nào lỡ ăn vụng mứt thì khai ra ngay đi, tao sẽ nói má tha tội cho. Bằng không, đợi đến khi tao tìm ra được thì bị đòn nứt đít, mai mốt không được mặc áo mới, không được dẫn đi chơi, nghe không!

Tụi nó vẫn làm thinh. Tôi quắc mắt nhìn chằm chặp từng đứa một, rồi gọi lần lượt:

- Con Mai, lại đây coi!... Thằng Toàn nữa...

Đứa nào khi bước đến gần, tôi cũng đưa tay sờ túi áo trên của nó như để xét. Không thấy điều chi khả nghi, tôi bảo nó đứng sang một bên. Đến lượt đứa em thứ ba là thằng Dũng, làm xong cử chỉ trên, thình lình tôi chỉ mặt nó quát:

- Mầy, chính mầy ăn vụng mứt!

Nó vụt khóc òa, mếu máo nói:

- Hu hu! Hết mong bận áo mới, hổng được đi chơi rồi!

Tôi xoa tay đắc chí:

- Đáng kiếp! Hãy lại xin tội với má đi, họa may má tha.

Các bạn có biết vì sao tôi tìm ra thủ phạm một cách dễ dàng thế không?

Anh Tươi ngừng lại một chút chờ các bạn trả lời. Không thấy ai đáp, anh vui vẻ giải thích:

- Có gì đâu, tôi đưa tay sờ túi áo của mấy đứa em là cốt xem nhịp tim đập của chúng như thế nào. Mấy đứa kia tim đập bình thường, riêng thằng Dũng tim nó nhảy thùi thụi trong ngực. Nhờ đó, tôi biết ngay...

Câu chuyện chấm dứt, anh cúi chào bước xuống. Lại một tràng pháo tay nổi lên tán thưởng. 

Đặc biệt nhất, theo lời yêu cầu của anh em, thầy Sơn cũng ca một bản cổ nhạc. Hôm ấy ông trút bỏ vẻ trang nghiêm mọi khi, để hòa vui với tụi học trò. Trông ông tươi trẻ lạ!

Buổi họp mặt tất niên được chấm dứt bằng những lời chúc tụng tốt lành. Rồi thầy trò, anh em bạn chia tay nhau ra về với một niềm vui cởi mở.

An mến, thư đã khá dài đấy nhỉ. Thôi, Bằng xin dừng bút nơi đây vậy.

Chúc An sang năm mới gặp thật nhiều may mắn.

Thân ái,
Bằng.

*

Tiên Thủy, mồng 2 Tết Bính Ngọ.

Bằng quý mến,

Đang buồn bực bỗng nhận được thư Bằng, An mừng ghê lắm. Sau khi đã đọc đi đọc lại thư của Bằng nhiều lượt, sáng nay An viết thư nầy phúc đáp ngay đây.

Trước hết, An xin cám ơn Bằng đã có lòng lo lắng thăm nỏi bệnh tình của An. Cho đến nay An chưa được rời xa phòng riêng, song căn bệnh cũng sắp dứt hẳn. Tuy có ốm đi đôi chút, nhưng hiện An thấy khỏe khoắn như thường. Đó là nhờ tài bốc thuốc của ông thầy Hai trong làng đấy. Có lẽ sau Tết An sẽ đi học trở lại.

Từ hôm bệnh khởi phát đến giờ, An không hề bước chân ra ngoài, nên không rõ năm nay dân làng mình đón Tết ra sao. Tuy nhiên cứ thấy mọi người trong nhà sửa soạn rộn ràng, An đoán chắc Tết nầy làng An cũng vui như mọi năm vậy. Điều đó không có chi lạ, trên nầy vẫn được bình yên, nên ít ai bỏ qua ba ngày Tết.

Phần quê của Bằng, nghe Bằng nói, An buồn nhiều. Đất nước là của chung ai lại không đau xót khi nghe cảnh trạng đó? Nhưng Bằng ạ, chúng ta cũng đừng quá sầu khổ, mà nên đặt nhiều hy vọng ở ngày mai. Cứ tin tưởng, rồi đây thế nào giặc giã cũng tan, không sớm thì muộn quê hương mình sẽ bình yên trở lại. Bằng ơi, giờ đây Xuân đến, chúng ta hãy gác mọi ưu phiền qua một bên để vui lên chứ!

A, Bằng có biết không, đã sẵn bực tức cho căn bệnh của mình, An càng giận ghét "nó" hơn, khi nghe Bằng thuật lại buổi họp mặt tất niên vui nhộn của lớp chúng mình. Nếu không bệnh, có phải An cũng được dự ngày vui ấy không? Một năm chỉ có mấy ngày Tết để vui chơi, An lại phải bệnh, mà là bệnh đậu mùa, một chứng bệnh nặng và dai dẳng, mới chết!

Ngót tháng rồi An bị bó chân trong một căn phòng nhỏ riêng biệt. Suốt ngày hết nằm lại ngồi, thấy thời gian kéo dài ra mãi, An buồn chán hết sức. Trong phòng có một tờ báo, An lấy đọc không sót một chữ, từ tin tức, tiểu thuyết cho đến rao vặt.

Đã thế, trừ má An, người trong nhà chẳng ai dám bén mảng đến phòng An hết. Nhất là chị Thùy, chị của An, má có chuyện nhờ chị vào phòng An là chị kiếm cớ thoái thác. Một hôm An nói với má:

- Má, con biết rồi, chị Thùy không thương con chút nào cả.

Bà hỏi:

- Sao con bảo thế?

An đáp:

- Má không thấy chị cố tránh xa con đó sao?

Bà cười:

- Con đừng nghĩ lầm. Thật ra chị Thùy vẫn thương con. Nhưng sở dĩ chị con không dám đến gần con vì sợ bị lây bệnh. Nếu con thấy bị bệnh là khổ thì đừng trách người khác e sợ con à.

Ờ nhỉ, nhưng còn má An, tại sao bà không sợ bị lây? Bà tận tay chăm sóc An, cho kê một bộ ván sát phòng An để đêm ngủ canh chừng. Nhiều đem An trằn trọc khó ngủ, bà cũng thao thức hỏi han, hâm thuốc men cho uống. Thế mới biết tình mẹ yêu con cao rộng biết bao! Vì con, mẹ không quản khó nhọc, không ngại hiểm nghèo.

Nằm trên giường bệnh An khao khát đủ thứ. Nhất là những ngày cận Tết, mọi người bàn bạc chuyện Tết với nhau, An nghe mà ham. Như chị Thùy cứ lải nhải:

- Nè, má coi chiếc áo mới nầy có đẹp không? Con định mặc trong mấy ngày Tết đó.

- Chiếc kiềng của con đâu má? Má đem ra cho con diện với người ta chứ.

- Má ơi, đầu năm nay mình đi chúc Tết nhà ai trước nhất? À, con ngại vào nhà bà Hai Mai ghê, bà ấy cứ chế con hoài.

Má An thì hay nói tới bánh trái:

- Chà, cặp dưa ba nó mua lớn dữ, nhưng không biết có đỏ chăng?

- Nầy Thùy, mứt bí của mình trắng quá đấy chớ!

Lời của chị Thùy khiến An nôn nóng bao nhiêu, thì những câu nói của má làm An thèm thuồng bấy nhiêu. Trong trí tưởng của An hiện ra đủ các loại hoa quả, bánh mứt ngon lành của ngày Tết: Nào dưa hấu, nào quít cam, nào mứt bí, mứt gừng, mứt cà, nào bánh tét, bánh ít... An ao ước được thưởng thức qua mỗi thứ một tí cho đã thèm. Nhưng không được, bắt buộc An phải cữ kiêng. Nói thật, Bằng đừng cười nhé, An vốn háu ăn, bây giờ phải nhịn, thật là khó chịu. Cũng do đó mới có chuyện nực cười và may mắn mà An xin kể lại cho Bằng nghe sau đây...

Ngày cuối năm, theo tục lệ, nhà An làm gà làm vịt cúng "rước Ông Bà" rồi dọn ra ăn uống với nhau. Dĩ nhiên là An không được dự phần. An đã được cho dùng bữa trước với hai món canh chua me và cá trê kho thường khi. Lúc thấy má bưng các thức ấy vào, An càu nhàu hỏi:

- Hôm nay bệnh con đã gần dứt hẳn, cũng chưa được dùng một món chi khác sao má?

Bà bảo:

- Ráng cữ thêm vài hôm nữa cho thật mạnh con à. Má còn để dành cho con một con gà mái thật mập đó.

Dùng cơm xong, An leo nằm chèo queo trên giường. Giữa lúc ấy, bên ngoài mọi người ăn uống trò chuyện rất vui vẻ. Ba An nói:

- Tết đến, tôi ghét nhất là vụ bài bạc. Năm nào cũng có người khổ vì nó. Má nó biết thằng Sáu Chỉ không?...

À, chú Sáu Chỉ thì An rất quen. Thật ra không phải tên chú như vậy nhưng vì chú có một bàn tay sáu ngón, nên người trong vùng gọi đùa riết thành tên. Chú nầy rất hiền và vui vẻ. Nhưng chú vừa làm chuyện gì mà ba An nhắc đến thế? Bên ngoài, ba An tiếp:

- Thằng Sáu Chỉ đó nó đánh bài thế nào mà thua hết tiền bạc, thiếu điều bán quần bán áo. Vợ nó kêu trời như bọng!... Coi đó, cờ bạc có hại ghê không?

Má An nói:

- Bởi vậy, tôi mà bắt gặp con Thùy hay thằng An cầm đến lá bài là cho tụi nó ăn đòn nứt đít.

Chị Thùy cười:

- Con, má khỏi lo. Có thằng An ấy...

An không để ý đến lời hài tội nầy, vì đang mải nghĩ đến mấy cái đùi gà no thịt, mấy miếng thịt vịt béo mỡ, mấy cục gân nhai giòn rụm...

Nửa đêm, khi mọi người đã ngủ say, An chổi dậy rón rén mở cửa phòng lần xuống nhà bếp. An bước khẽ đến nỗi má An ngủ trên bộ ván kê sát phòng vẫn không hay.

Nhưng đến gần bếp, An bỗng giật mình. Ô kìa, trước mặt An có bóng người! Một cái bóng đàn ông cao lớn. Nếu không phải ba An thì là ai? An vội nấp vào chỗ khuất, ló đầu ra xem ổng làm gì mà âm thầm thế. Không hay biết, bóng đen thản nhiên đi tới đi lui, cố tránh tiếng động, nhẹ tay mở cửa tủ đồ ăn lục đục một chốc thấy bưng ra một cái nồi lớn đem đặt lên bàn gần đấy. Đoạn bóng đen thò tay vào nồi, bốc cái gì đó, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Không nín cười được, An nhảy ra, kêu lên:

- Ha ha, ba làm cái chi vậy?

Bóng đen giật nẩy người, đột nhiên chạy nhào về phía vách, thụp xuống, biến mất. Tiếp đó, An nghe có tiếng chân nện thình thịch gấp rút ở ngoài sân. Qua phút kinh ngạc, An vụt hiểu: Bóng đen nọ không phải là ba An, mà là:

- Ăn trộm! Bớ người ta, ăn trộm!

An gào to. Ba má An, chị Thùy chổi dậy, lật đật bước xuống hỏi ồn lên:

- Cái gì? Ăn trộm ở đâu?

An trỏ tay về phía vách:

- Nó vừa chạy ra ngõ kia!

Liền sau đó, đèn đuốc được thắp sáng lên. Ngoài nồi thịt còn nằm trơ trên bàn, mọi người còn tìm thấy một túi vải to vất cạnh bếp. Mở túi, thì nào đồng hồ, nào áo quần, các đồ quí giá trong nhà đều nằm gọn trong ấy. Thì ra, tên trộm sau khi vơ vét đồ đạc trên nhà trên, còn xuống bếp kiếm thức ăn bỏ bụng. Chẳng ngờ bị An bắt gặp, y hoảng hốt bỏ chạy, không kịp mang theo cái gì cả. Thật là may!

Bấy giờ má An, chị Thùy vừa lo cất dẹp đồ đạc suýt bị mất kia, vừa trách nhau quá say ngủ, người một câu, nghe om sòm. Ba An trái lại làm thinh, lo quan sát chỗ ăn trộm đào đất chui vào. Bỗng, ông cất tiếng sang sảng nói:

- Tao biết thằng ăn trộm nầy là ai rồi!

Ồ! Thật vậy sao? Chính An thấy tên trộm mà còn không rõ là ai, thì ông làm sao biết được, tài thế? An hỏi:

- Ba bảo tên trộm là ai, quen hay lạ?

Ông đáp:

- Tao vừa nhắc tới nó hồi chiều: Thằng Sáu Chỉ đó!

Má An hỏi:

- Do đâu ông biết?

Ông chỉ tay vào cây cột dừa cạnh chỗ ăn trộm đào hầm:

- Hãy xem kìa!

Mọi người nhìn theo và thấy ngay dấu một bàn tay sáu ngón in rõ trên thân cột. Ạ, phải rồi trong lúc bưng nồi thịt, tên trộm đã làm bết lọ vào tay, nên khi chạy trốn vô tình để dấu tích lại đấy. Và chắc chắn đúng như lời ba An nói, tên trộm ấy là Sáu Chỉ chứ không ai. Bởi, nội làng đâu có người nào có bàn tay đặc biệt như thế? Im lặng một lúc, ba An gằn giọng bảo:

- Hừ, rồi thằng nầy biết tay tao! Cờ bạc cho đã, thua rồi đi ăn trộm ăn cắp của người ta.

An nói:

- Thôi kệ bỏ qua đi ba ạ. Mình chưa mất món chi được rồi. Chú ấy không phải là người xấu, nhưng vì túng quẫn quá nên mới sanh tật thế, cũng đáng tội nghiệp!

Chị Thùy vụt cười lên:

- Em bênh vực tên trộm phải lắm, vì em cũng đồng cảnh với y mà.

An hỏi:

- Đồng cảnh là sao?

Chị nói:

- Nửa đêm em thức dậy mò xuống bếp để làm gì, nếu không phải... là để ăn vụng?... Ha ha! Ăn vụng gặp ăn trộm, buồn cười quá!

An tức tối hét lên:

- Nhờ em đồ đạc trong nhà, trong số đó có của chị, mới khỏi mất. Chị không cám ơn, còn kết tội oan cho em nữa hả?

Ghét chưa, chị vẫn cười ngặt nghẽo!

Bỗng, má An cười theo. Rồi ba An cũng cười: Rốt cuộc, chính An phải cười. Xấu hổ quá, An vùng vằng bỏ về phòng riêng...

Bằng thân, viết đến đây, An nghe ngoài trước có khách đến viếng nhà chúc Tết. An cũng bắt chước xin chúc Bằng sang năm Bính Ngọ gặp nhiều điều vui đẹp.


SA BIỆT LƯU    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>