Ông Nghè, Ông là ai?
Theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Nghè là các phòng làm việc trong điện-các nhà Vua. Đời Lê chỉ những người (thi Đình) đậu Tiến Sĩ mới được vào làm việc trong các, nên mới gọi Tiến Sĩ là Ông Nghè. Tuy nhiên đến triều Nguyễn danh từ Ông Nghè đã bị lạm phát. Dưới thời này những người được vào làm việc trong các, dù không đỗ Tiến Sĩ, cũng được gọi là Ông Nghè tuốt.
Như vậy không phải Ông Nghè nào cũng là Tiến Sĩ.
Khi Ông Nghè Vinh Quy
Cũng như nhiều nước ở phương Đông ngày xưa, sự thi đậu, đại đăng khoa ở nước ta rất được tôn trọng. Thi cử xưa kia khó khăn, ba năm mới có một khoa, số sĩ tử được chấm đậu không nhiều.
Mỗi khoa thi tại các cổng trường thi đều có treo mấy chữ đại tự Thiên Tử Cầu Hiền chứng tỏ người đỗ đạt được quí trọng đến bực nào.
Một vị hàn nho hôm trước, hôm sau đã trở nên Ông Nghè, rồi mai đây được ơn Vua lộc nước sẽ làm cha mẹ dân.
Chính vì vậy nên các ông Tân Khoa khi Vinh Quy Bái Tổ được đón rước rất trọng thể.
Đậu Tú Tài được hàng Xã đón rước.
Đậu Cử Nhân được hàng Tổng đón rước.
Đậu Đại Khoa, nghĩa là từ Phó bảng trở lên được hàng Huyện đón rước!
Thật là vinh dự.
Mỗi người đậu đều được báo tin về làng. Hương chức trong làng vội vàng cử người đến gặp vị Tân khoa để xin ấn định ngày vinh quy.
Đến ngày ấn định đám rước được tổ chức sẵn và đón đợi vị Tân khoa ở đầu làng, đầu tổng hoặc đầu huyện tùy theo sự đỗ dạt của vị này.
Đậu Đại khoa, nhất là đậu Tiến Sĩ, đám rước long trọng lắm, xưa ta gọi là Đám Rước Ông Nghè.
Nhưng dù ông Nghè, ông Cử, hay ông Tú, đám rước cũng cử hành lộng lẫy. Đi đầu là cờ quạt rồi đến các đồ bát bửu lệ bộ. Kế đến cờ biển của Vua ban nếu đậu Đại khoa.
Sau cờ biển là đến kiệu võng có che lọng của thầy học và cha mẹ Ông Nghè, rồi mới tới Ông Nghè.
Ông Nghè đi trước, bà Nghè đi sau đúng với câu ca dao:
Võng anh đi trước, võng nàng đi sau.
Đi dọc đường, trống đánh báo hiệu cho dân chúng biết. Dân chúng kéo nhau ra xem mặt Ông Nghè. Ông Nghè sung sướng vì đã nhờ có kết quả sự học mà dương thanh danh, hiển phụ mẫu.
Dân chúng cũng mừng, và vui vẻ đi rước Ông Nghè. Ông Nghè đã chứng tỏ rằng làng, tổng mình là đất văn học.
Về tới nhà, Tân khoa lễ Tổ tiên và lễ đức Khổng Tử.
Sau đó là việc khao hàng Huyện, hàng Tổng hay hàng Xã, tùy trường hợp.
Lệ khao này tuy có tốn kém, nhưng có ngại chi, họ hàng, bạn bè, làng nước ai cũng vui lòng tới mừng và giúp đỡ về tài chính nếu cần.
Vinh quy bái tổ xong, Ông Nghè chờ lệnh vua đi nhậm chức.
(Theo TOAN ÁNH, "Nếp cũ, con người Việt Nam". Nam Chi Tùng Thư xuất bản).