Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Mùa Xuân Trở Lại


Ô, con bươm bướm đẹp quá! Trung khẽ reo và rón rén bước lại cội mai già đứng giữa sân.

Trên cánh mai vàng phơn phớt vương nhẹ ở đầu một chiếc nhánh lung linh trong gió sớm, một con bướm to nằm im mơ màng. Đôi cánh mỏng mảnh màu nhung huyền viền xanh điểm đỏ, mở rộng như khoe sắc dưới nắng mai.

Trung đã tới gần sát con bướm. Cậu bé hồi hộp đưa tay lên bắt. Nhưng khi hai ngón tay nhỏ nhắn vừa chạm vào cánh, con bướm đã chớp bay đi. Trung vỗ tay xuýt xoa rồi đuổi theo quyết bắt cho được con bướm đẹp bây giờ đang buông mình đậu ở nhánh bên kia. Song một lần nữa, nó thất bại. Con bướm Xuân lại bay thoát. Đôi cánh vũ chập chờn, chới với như vẫy gọi như cợt đùa.

– Ê, Trung làm gì đó?

Nghe tiếng hỏi, Trung nhìn ra. Thằng Bi ẵm em lững thững bước vào sân, hỏi lại:

– Mầy bắt con gì vậy?

– Con bươm bướm kìa, đẹp ghê!

– Thôi tha cho nó. Để nó bay, mình coi còn hay hơn nhiều.

Bi đến ngồi nơi thềm nhà, thả em xuống đất. Trung theo vào ngồi kế bên, vui vẻ nói:

– Hôm nay trông mọi vật lạ hẳn mầy hén? Cây cỏ xanh tốt, bông trổ đầy.

Bi gật gù:

– Ờ, cảnh Tết vậy mà mầy. Hôm nay hai mươi chín Tết rồi.

– À, phải… Ủa, sao Tết đến nơi ba má tao chưa sửa soạn gì hết vậy cà?

– Ba má tao thì lo mua sắm đã lâu. Nè, năm nay anh em tao có áo mới đẹp lắm nhé!

Trung nôn nao:

– Tao phải hỏi má tao mới được. Không chừng bả quên. Mấy năm trước gần đến Tết ba má tao lo sửa soạn rộn rịp lắm chứ.

Bi hãnh diện:

– Mầy qua nhà tao coi. Ba tao sơn phết, sắp đặt nhà cửa ngon lành! Vách dán giấy hoa mới tinh…

Bi còn khoe nữa, nhưng vừa nghe có tiếng má nó réo bên nhà:

– Bi, ẵm em về ăn cháo!

Nó dạ to, rồi bảo Trung:

– Thôi tao về. Chút nữa mầy qua tao chơi nghen!

Đợi anh em Bi khuất dạng sau dãy rào bông bụp, Trung bước vào trong tìm má.

Trong gian nhà bếp nặng nề thấp hẹp, thiếm Ba đang đứng đun nước, chú Ba ngồi vắt vẻo trên bộ vạc tre gần đấy, phì phà hút thuốc. Trung chạy xuống ôm lấy thiếm Ba, nũng nịu:

– Má ơi!

– Gì con?

– Tết đến rồi, má mua áo mới cho con, mua dưa hấu, mua bánh mứt như năm ngoái đi má!

Thiếm Ba quay sang chồng:

– Mình nghe con nói không? Tiền đâu? Đưa tôi sắm Tết!

Chú Ba rít một hơi thuốc thật dài, vất tàn vào xó tối, hai tay chống xuống vạc, im lặng thở khói một lúc lâu, rồi mới chậm rãi nói:

– Xích lô lúc nầy ế quá! Tôi chạy kiếm đủ ăn là may phước lắm rồi, có đâu tiền dư để mua với sắm? Ối, mà bày đặt ăn Tết chi cho tốn, nghỉ ăn Tết một năm, chết chóc gì không?

Thiếm Ba càu nhàu:

– Lại đem chuyện ế ẩm ra nữa! Anh Năm kế bên cũng đạp xích lô sao ảnh đầy đủ vậy? Tôi biết mình đem tiền dư đi nhậu nhẹt hết mà. Mình không thương con hả? Ít nhứt cũng dành dụm mua cho nó một bộ đồ mới chứ.

– Con nhà nghèo se sua làm chi? Lấy đồ cũ cho nó mặc!

Thiếm Ba bỏ thêm củi vào bếp, chép miệng:

– Khổ quá, rượu chè làm chi không biết?

– Tôi có muốn vậy đâu? Tại ông Trời ổng dành cho tôi cái số như thế. Mình có trách thì trách ổng á.

Thiếm Ba gắt:

– Mình đừng đổ thừa cho ông Trời ông Đất để che lấp lỗi của mình.

Chú Ba cau mày đứng dậy:

– Cằn nhằn mãi điếc tai. Tôi đi đây.

Đoạn bước ra hè. Có tiếng chú đẩy xe lèng xèng ra lộ.

Thiếm Ba thấy lòng thắt quặn. Thiếm nhớ lại cuộc sống sung túc của gia đình mình khi xưa, lúc chú Ba chưa sanh tật rượu chè be bét như ngày nay, mà xót xa nuối tiếc.

Nãy giờ Trung ngồi thụp dưới chân thiếm Ba, lặng thinh nghe ba má đối đáp giờ mới dám đứng lên. Nhìn nét buồn in đậm trên mặt thiếm Ba huyền ảo qua ánh lửa bập bùng, Trung xúc động siết tay mẹ:

– Má!

Thiếm Ba nhìn những mảnh than bùng nổ tí tách, sầu não bảo con:

– Ba con tệ như vậy đó! Thôi, để má tự kiếm tiền mua đồ mới cho con.

Cảnh nghèo đã đem đến cho đứa trẻ sự khôn ngoan quá sớm, Trung nói:

– Thôi má ạ, má đừng mua quần áo mới, bánh mứt cho con làm chi. Con đã có áo quần tốt, bánh ngon rồi.

Thiếm Ba ngạc nhiên:

– Con nói gì? Đâu?

Trung cười lỏn lẻn:

– Thì nè, bộ quần áo con đang mặc đây, má vá miếng xanh miếng đỏ thành ra nó có bông đẹp ghê! Còn bữa cơm mắm pha trộn lòng cưng yêu của ba má nữa, có bánh trái nào ngon bằng?

Thiếm Ba bật cười, cúi ôm con. Tình thương len vào hồn dâng ngập, khiến người mẹ vụt quên đi nỗi lo buồn xâm chiếm tâm trí trong những phút giây qua.

Thiếm Ba thương thằng Trung lắm. Có thể nói trên đời nầy thiếm chưa yêu thương ai bằng nó. Ngày xưa thiếm đã đặt cả khối tình thương cao rộng nơi cha mẹ. Bây giờ hai ông bà đã khuất đi rồi, thiếm lại dồn hết tình thương ấy cho đứa con.

Thiếm Ba yêu thương Trung, vì thiếm đã phải mang nặng đẻ đau, lo lắng, khổ sở vì nó, bồng ẵm nâng niu nó suốt mấy năm trường. Tâm trạng của thiếm là tâm trạng của một người đối với “tác phẩm” mà mình đã sáng tạo với bao nhiêu sự khó khăn, bao nhiêu mồ hôi nước mắt… Thiếm có thể chết vì sự sống của con, và không thể nào chịu nổi lòng ray rứt trước sự thiếu thốn của con, nhất là đứa con một ngoan ngoãn như Trung.

Có tiếng gà gáy ngoài sau.

Trung hỏi mẹ:

– Còn lúa không má? Con gà của con nó réo om kia.

– Còn. Cho nó ăn vừa vừa thôi, đừng vốc hết hũ đầy nhé!

Trung chạy đi xúc một nắm lúa, đem ra sau hè, rải xuống đất và kêu “cúc, cúc” thật to. Ở đàng xa, con gà trống cồ đang đứng thoải mái trên nhánh ổi thấp, nghe tiếng gọi vỗ cánh nhảy xuống chạy bình bịch vừa mổ thóc vừa kêu “cục, cục” vui sướng.

Trung ngồi chồm hổm, vuốt ve bộ lông sặc sỡ, bóng mướt và mát rượi của con gà. Con vật thản nhiên chăm chú ăn. Mình nó nghiêng về phía trước, đuôi uốn cong, hai cánh xề xệ như hai vạt áo choàng, mồng tít đỏ ối nhúng nhẩy theo nhịp đầu cử động.

Trung bảo thầm : Con gà thế mà sướng, có bộ áo lông đẹp đẽ mặc hoài. Phải chi mình có được một bộ như vậy thì khoái biết mấy.

Con gà nầy Trung nuôi đã lâu. Nó dạn lắm, vì từ hồi bác Hai ở dưới quê cho Trung nuôi nó tới giờ ngày nào cậu bé lại chẳng ôm ấp vuốt ve? Con gà mập nặng. Đã có lần chú Ba đòi làm thịt nó nhậu, nhưng Trung khóc lóc không chịu, và nhờ thiếm Ba can thiệp, nó mới còn sống đến nay. Trung quí con vật lắm. Bà Bảy Cầm Đồ ở đàng xóm, hôm qua trả mua nó trên năm chục đồng, Trung còn không bán. Trung thích nhất dáng điệu oai vệ của nó, song chẳng bao giờ muốn cho nó đá lộn. Trung đã thấy người ta đá gà ở vùng quê, trong dịp Tết. Thật là thảm hại! Sau cuộc, cả con ăn lẫn con thua xác xơ như hai cây chổi lông bết máu.

Con gà đã lượm hết thóc, nhìn quanh, khoan khoái quạt cánh phành phạch rồi thong thả bước đi.

Trung quay vào nhà. Nghe tiếng thiếm Ba trên buồng, Trung bước lên. Má Trung đang soạn đồ đạc trong chiếc rương. Trung chạy lại.

– Má ơi, con gà của con bữa nay mọc cựa rồi. Má soạn chi đó?

Thiếm Ba nâng từ trong rương ra một chiếc áo dài màu tro xám, ướm lên người:

– Còn mới chứ, con?

– Dạ, còn mới tinh hà!

Thiếm Ba mỉm cười nhìn chiếc áo, chiếc áo “ni lông” hằn nếp gấp, dấu vết của những ngày dư dả đã qua. Thiếm may áo vào mùa Xuân trước, và chỉ được mặc mấy ngày trong dịp ấy, xong xếp cất vào rương cho đến nay, là vì từ sau Tết đó, gia đình thiếm lâm vào cảnh chật vật, có vui sướng gì để chưng diện? Ngoài ra, một phần cũng bởi thiếm quí chiếc áo, sợ nó chóng cũ mất đi. Đối với thiếm nó khá cần thiết, nhất là mấy hôm Tết, phải có tấm áo đẹp như vậy mới có thể đi thăm viếng bà con, hay đi chơi đây đó được.

Trung nhìn một lúc, rồi hỏi:

– Sao áo của má mới hoài, còn của con cũng may một lượt mà cũ xì vậy?

– Tại con mặc thường.

Thiếm đáp, và xếp áo, lấy giấy gói lại. Đóng nắp rương xong, thiếm bảo con:

– Con ở nhà. Má đi lại đàng nầy một chút nhé!

Đoạn ôm gói đi. Trung hỏi vói:

– Má đem áo theo chi?

– À… Má đem lại tiệm sửa. Nó hơi rộng.

Non giờ sau, giữa lúc Trung đang lục cơm nguội nhai ngồm ngoàm, thì nghe tiếng thiếm Ba về. Trung chạy ra, tay miệng dính đầy cơm. Thiếm Ba bật cười:

– Ái cha, ăn vụng!

Và hớn hở ve vẩy mấy tờ giấy bạc:

– Trung ơi, má có tiền rồi đây! Dùng cơm xong, má đi mua quần áo mới cho con.

Trung nhảy nhót reo mừng, nhưng sau cùng nó chợt thắc mắc:

– Tiền đâu thế má? Còn áo dài má đâu?

Thiếm Ba không nghe lời con, vui vẻ nói:

– Thôi nấu cơm, kẻo thằng con của má đói bụng.

Bữa cơm trưa dọn lên. Hai mẹ con thiếm Ba phải đợi rất lâu, chú Ba mới về đến. Mặt đỏ gay, chú lè nhè bảo, giọng sặc men:

– Ăn đi! Tôi nhậu rồi.

Và nằm vật ra giường ở nhà trước, ngủ như chết. Thiếm Ba lắc đầu. Hôm nay may mà chú mò về được tới nhà. Có khi chú ngủ mẹp nơi quán rượu, hay đạp xe lủi xuống rãnh, mình mẩy lấm mem, phải nhờ người ta lôi về. Đám trẻ hàng xóm chạy theo chọc ghẹo, reo cười, thật là xấu hổ.

Cơm nước xong, thiếm Ba dặn Trung:

– Má đi chợ đây. Con ở nhà đừng rong chơi xa nghe!

Trung vụt nhớ nỗi thắc mắc ban sáng : “Tiền đâu má có?”, và băn khoăn nghĩ ngợi.

Thiếm Ba đi một chốc, Trung chạy sang nhà Bi, hỏi bạn:

– Mầy thấy hồi sáng má tao có đi ngang qua đây không?

– Có. Má mầy cầm gói giấy vô nhà bà Bảy Cầm Đồ.

– Lúc ra, má tao còn cầm gói giấy chứ?

– Không.

– Thôi tao hiểu rồi! Tao về.

– Ủa, ở chơi mậy!

– Chiều tao sang chơi lâu.

Trung lủi thủi quay về. Đến cửa rào nhà mình, Trung bỗng dừng bước, mắt sáng lên, đâm sầm chạy đi bắt con gà trống. Nhìn con vật dễ thương, mắt cậu bé lộ vẻ buồn vô hạn. Nhưng liền đó nó lại tươi cười lẩm bẩm:

– Chắc má sẽ lấy làm lạ lắm!

Đoạn ôm con gà thân yêu đi khỏi nhà.

Mãi chiều, chú Ba mới thức dậy. Chú bình thản ngồi trên giường, vấn thuốc hút.

Thiếm Ba đem bộ quần áo mới mua ra, bảo Trung:

– Con mặc coi có vừa không?

Chú Ba ngạc nhiên:

– Đồ mới đâu đó?

– Tôi vừa mua.

Chú Ba lặng nhìn khói thuốc, lòng luống thẹn thùa.

Trung nói:

– Con mặc đồ mới, má cũng phải mặc áo dài “ni lông” của má vào, con mới chịu.

Thiếm Ba cười:

– Áo của má còn để ở tiệm…

– Má đem về rồi mà. Con vô lấy má mặc nhé!

Trung chạy vào buồng, một lúc lại thấy trở ra đem theo một gói giấy trao cho mẹ. Thiếm Ba mở gói, rồi ngây người sửng sốt:

– Đâu thế nầy?

Gạn hỏi một lúc, Trung mới vui vẻ nói:

– Con biết má thế áo lấy tiền mua đồ mới cho con, nên con bán gà chuộc lại…

Nghe đến đấy, chú Ba bỗng ôm đầu, thốt lên:

– Trời ơi, rượu!

Một tiếng kêu thương bộc lộ bao nỗi nhục nhã hối hận đang trào cuộn trong lòng. Chú vừa đột nhiên cảm thấy mình không xứng đáng với địa vị làm chồng, làm cha. Chú đã hèn kém hơn vợ hiền, hơn con nhỏ. Xưa kia chú cũng biết lo làm ăn, đem no ấm cho gia đình, nhưng rồi do đâu ngày nay chú phải chịu cảnh trạng như vậy? Ôi! Cũng chỉ vì rượu! Thần men quả đáng ghét, đáng từ bỏ.

Chú Ba ghiền rượu thật ra không phải hoàn toàn do lỗi của chú. Chú đã bị bạn bè nài ép dắt dẫn từ chỗ “uống một ít chả sao” đến chỗ say sưa. Chú chỉ có lỗi là không tự chủ được lòng mình.

Im lặng một lúc, chú Ba vụt đứng dậy, vói lấy nón treo trên móc, chụp lên đầu, và hướng về mẹ con thiếm Ba:

– Mình, con… tha lỗi cho tôi!

Cả hai đều ngạc nhiên:

– Mình có lỗi gì?

– Ba định đi đâu?

Chú thì thào:

– Tôi có lỗi. Tôi bỏ bê gia đình. Tôi phải đi đạp xe…

– Nhưng chiều rồi, mình nghỉ sáng hãy đi!

– Không. Lâu nay tôi đã lãng quên bổn phận, phải tiếp tục ngay bây giờ…

Biết không thể ngăn cản được, hai mẹ con đành theo chú đến cổng đưa tiễn.

Nhìn bóng chú Ba nhỏ dần đạp xe đi sâu vào vùng phố xá, thiếm Ba kéo Trung vào lòng, sung sướng nói:

– Con ơi, MÙA XUÂN đã TRỞ LẠI gia đình ta!


Nguyễn Văn Nghệ    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 13, Xuân Giáp Thìn, ra ngày 25-1-1964)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>