Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

NGHẸN NGÀO

Hôm nay lớp Huy học đến bảy giờ. Vừa ra khỏi trường trời đã nhá nhem tối. Sài Gòn dạo này mưa luôn nên đêm dài hơn ngày. Đèn phố đã thắp sáng tự bao giờ. Huy leo lên con ngựa sắt "thúc cương", nó vừa chạy vừa than vãn trông thật tội nghiệp. Mà không than vãn sao được chứ ? Nó đã làm "nô lệ" cho Huy từ năm Đệ Thất đến nay gần sáu năm trời rồi. Sức khỏe nó đã hao tổn trông thấy, giơ bộ xương gầy gò ốm yếu như người nhịn đói lâu ngày. Đôi bánh mòn khe, nhẵn thín. Cặp thắng đứt gần tháng nay, Huy vẫn chưa thay mà con ngựa yêu quý của cậu vẫn không đòi hỏi gì cả. Mắt trước bị mù gần một năm rồi, Huy vẫn không đem nó đi khám "bác sĩ". Thế mà nó vẫn chạy "phây phây". Chiếc yên rách toẹt ra, mỗi khi đi qua ổ gà là nó run lên như cầy sấy. Huy thấy thương con ngựa già của mình quá. Cũng có lúc cậu tự hỏi không biết mình thương nó thật hay là thương chính cậu. Và câu trả lời chỉ là một cái dấu than to tướng.

Nhà Huy ở vùng ngoại ô. Từ trường về nhà gần năm sáu cây số. Trong khi các bạn cậu đi Suzuki, Honda, Lambretta... thì cậu vẫn "trung thành" với con ngựa "thâm niên" này. Có những buổi trưa trời nắng chang chang ngâm mình trong bầu không khí oi bức đầy hơi xăng khó thở, cậu gò thân trên mình con ngựa sắt, dùng chân "thúc cương " với tất cả cố gắng của mình, cậu cảm thấy tủi thân quá. Cậu cho rằng ba má cậu quá bất lực không đủ khả năng đem lại sự sung túc cho gia đình. Tại sao ba không đi làm cho Mỹ, lãnh mỗi tháng năm sáu vạn bạc, mà cứ khư khư ôm lấy cái nghề gõ đầu trẻ, cái nghề mà ba cậu vẫn thường cho là bạc bẽo ? Còn má, tại sao má không học vài khóa Anh văn rồi đi bán bar, có phải đời sống dễ thở hơn không ? Má còn đẹp mà, sao má lại cứ thu mình trong gian hàng nhỏ bé nơi xóm lao động như loài ốc sên suốt đời nhốt mình trong cái vỏ cứng ngắc để an phận thủ thường ? Tại sao thế nhỉ ? Huy bị tư tưởng ấy dồn cậu vào ngõ bí.

- Anh Huy ơi ! Anh Huy... bác Hai bị xe đụng.

Huy định rẽ vào con đường hẻm để vô xóm, thì nghe ai gọi tên mình với một cái tin sét đánh. Cậu đưa chân ra sau thắng xe lại và dáo dác nhìn. Bắt gặp nét mặt quen thuộc dưới lớp ánh sáng vàng nhạt hắt ra từ ngọn đèn điện bên đường, cậu hỏi giọng đầy ngạc nhiên :

- Chị Thanh đấy à ? Sao ? Má tôi bị xe đụng hả ? Trời ơi ! Thật không ?

- Ờ ! Má anh bị xe đụng hồi chiều ở xa lộ.

- Trời ơi ! Bây giờ má tôi nằm ở đâu ?

- Ở bệnh viện Nguyễn văn Học đó. Thôi đi luôn đi.

- Ai ngồi trên xe xích lô máy với chị đó ?

- Thím Tư.

- Thím Tư cũng đi à ?

- Ờ ! Tôi cũng đi lên coi giúp bác được việc gì không. Ở nhà có bà nội lũ nhỏ lo rồi.

Tiếng chị Thanh nói như ra lệnh :

- Anh đạp xe theo nha !

Chiếc xe xích lô máy vụt chạy như bay. Huy thúc cương con ngựa sắt đuổi theo về hướng xa lộ. Gió thổi mát lạnh hất tung mái tóc ra sau, Huy vẫn không thèm để ý. Ra đến ngã ba Hàng Xanh, Huy rẽ về hướng Gia Định. Con ngựa sắt nuốt hết quãng đường xa lộ bóng loáng, giờ rẽ qua ngã khác đầy ổ gà, nó vừa đi vừa ho hen nghe thật tội nghiệp.

Đầu óc Huy đang vẽ ra những cảnh hãi hùng, ghê rợn nhất. Cậu tưởng tượng hình ảnh bà Hai mặt mày đầy máu me đang nằm thiêm thiếp trên làn ra trắng, Huy khẽ rùng mình. Cậu thầm khấn nguyện : "Vái Trời vái Phật cho má con đừng... có việc gì cả". Đây là lần đầu tiên trong đời, cậu tin có những huyền lực của đấng vô hình.

Huy dựng xe đạp ở sân sau bệnh viện. Cậu hỏi người y tá trực ở phòng chỉ dẫn, rồi vào khu bệnh nhân. Huy đẩy nhẹ cánh cửa, một mùi khó chịu mà cậu gọi là mùi bệnh viện xông lên. Hai dãy giường, mỗi bên độ mười chiếc chạy song song, dựa đầu vào hai tấm vách màu vàng nhạt loang lỗ vài vệt nước mưa nâu sậm.

- Anh Huy ! Bác Hai nằm ở đây nè.

Nghe tiếng Thanh gọi, Huy quay trở lại thì thấy nào là thím Tư, chú Ngân thư ký, chú Sáu Hoài, anh Năm xích lô, chị Tám gánh nước, bà Hai bánh canh, chị Ba cháo lòng v.v... đang đứng xung quanh một chiếc giường. Tất cả đều im lặng như ngầm san sẻ nỗi đau đớn cùng bệnh nhân. Huy bước lại, cậu muốn nói hai tiếng cám ơn dù rất nhỏ, nhưng chả hiểu sao, cậu chẳng nói được gì cả. Cậu xúc động quá về sự sốt sắng của mọi người trong xóm. Sao họ tử tế với gia đình mình thế nhỉ ? Vài người lách mình qua một bên. Huy bước lại chiếc giường bà Hai đang nằm. Gương mặt bà Hai xanh tái. Bên má mặt băng một lớp bông gòn, máu rịn ra đo đỏ, ươn ướt. Trên đầu, những sợi tóc kết vào nhau thành những lọn nhỏ, bê bết máu đã khô. Huy đứng nhìn mẹ mà không dám gọi. Đôi mắt bà Hai nhắm nghiền sưng húp, bầm đen như ai đặt vào đó hai quả cà tím. Chiếc ngực bà Hai thoi thóp dưới làn áo đầy máu một cách đều đặn yếu ớt. Huy ghé sát vào tai mẹ gọi nho nhỏ :

- Má ơi má, còn nhức lắm không má ?

Bà Hai im lặng không đáp. Một thứ im lặng nặng nề ngột ngạt. Bỗng cánh cửa phòng sịch mở. Ông Hai và Lan bước vào. Anh Năm xích lô gọi lại. Ông Hai khẽ chào mọi người rồi hỏi Huy :

- Má con đã bớt chưa con ?

- Má chưa tỉnh ba à.

Ông Hai sờ nhẹ lên vầng trán in một vài vết bầm, khẽ thở dài đau đớn. Lan chạy lại bên bà Hai khóc tức tưởi :

- Má ơi má, sao vầy nè má ?

Vẫn không tiếng trả lời. Thím Tư bảo Lan :

- Thôi đừng gọi để má nằm đi cháu.

Huy nói nhỏ vào tai em :

- Im đi em, đừng khóc nữa.

Lan vờ như không nghe lời anh. Cô bé vẫn gào thét bên mẹ một cách thảm thương. Chú Ngân thư ký nói với ông Hai :

- Này bác Hai, hay là bây giờ đưa bác gái vào nhà thương Grall đi chớ bệnh tình có vẻ trầm trọng lắm đấy.

Ông Hai lo lắng :

- Bây giờ xin vô gì được ? Vả lại tiền nong biết xoay ở đâu đây ? Giữa tháng lương phạn tiêu hết cả rồi.

- Tôi có người bạn làm y tá trưởng ở Grall, có thể hắn giới thiệu cho vô dễ dàng, chứ không thì phải "chạy chọt" hơi mệt.

- Chú có lòng tốt như thế tôi cảm ơn thật tình. Nhưng... hãy để sáng mai gặp cảnh sát và chủ xe xem họ bồi thường ra sao rồi mới tính sau chú ạ, chứ nhà mình cũng nghèo...

Ông Hai bỏ lửng câu nói ở đấy. Nhưng chú Ngân thư ký đã hiểu ông muốn nói gì. Vì là người hàng xóm với nhau chú Ngân đã rõ gia cảnh của ông Hai quá rồi.

Mọi người về dần chỉ còn lại một mình ba cha con Huy. Ông Hai xem đồng hồ rồi bảo :

- Mười một giờ rồi. Thôi sửa soạn rồi về, một đứa ở lại.

Huy nói :

- Để con ở lại cho ba ! Lan về đi. Con thức khuya hơn Lan và sẽ thức nữa. Em con ngủ mê lắm.

Lan cãi :

- Anh là con trai không quen nuôi người bệnh. Để em ở lại cho. Em sẽ không ngủ mê đâu. Em thức suốt đêm.

Ông Hai giảng hòa :

- Con Lan nó nói phải đó con. Thôi con về với ba rồi sáng đi học sớm. Năm nay là năm thi mà... xui xẻo quá !

- Thôi để đón ra ngoài kia mua cho nó một khúc bánh mì rồi về.

Nói xong Huy vụt chạy đi. Lúc sau cậu đem vào cho Lan một đoạn bánh mì thịt cứng quèo. Cô bé cầm nhai một cách uể oải. Từ chiều đến giờ chưa ăn một hạt cơm mà Lan vẫn không thấy đói.

Có tiếng ông Hai thúc :

- Mình về chứ sắp đến giờ giới nghiêm rồi Huy !

Huy đưa tay lấy chiếc áo mưa rách rồi bước ra ngoài. Ông Hai nói thêm với Lan :

- Mai ba đến sớm, ba nấu cháo rồi đem lên cho má con.

- Mai ba không đi dạy à ?

- Có giờ, nhưng ba nghỉ một hôm rồi xin phép sau cũng chả sao.

Ông Hai và Huy bước ra khỏi phòng bệnh nhân, một sự im lặng bao la phủ chìm lên cả gian phòng rộng lớn này. Bây giờ Lan bỗng nhiên cảm thấy một nỗi sợ hãi từ đâu chạy về xâm chiếm tâm hồn cô bé. Hình ảnh con ma với đôi răng nanh nhọn hoắt, mái tóc phủ dài, làn da trắng nhợt hiện ra một cách rõ rệt trong trí tưởng tượng của Lan. Eo ơi ! Ma nhiều nhất là ở bệnh viện. Anh Huy thường bảo với Lan như thế mà.

Nhai xong khúc bánh mì một cách khó nhọc Lan vẫn không dám ra ngoài để uống nước. Cô bé lấy vài tờ báo trải dài xuống nền xi măng bên cạnh giường rồi nằm lăn ra đó sau khi đã treo mùng cho bà Hai. Chiếc mùng đầy những miếng vá mà khi chiều thím Tư và chị Thanh đã đem hộ lên. Lũ muỗi thi nhau tấn công vào đôi gò má hồng hồng của cô bé. Phần vì bị muỗi cắn phần vì bị hình bóng con ma ám ảnh khiến Lan không thể nào chợp mắt được. Cô bé thức trắng đêm để canh chừng giấc ngủ cho má.
*
Từ lúc chích mấy mũi thuốc cầm máu khi mới đem vào bệnh viện, đến nay đã ba hôm rồi, bà Hai chả nhận được một viên thuốc, một mũi tiêm nào nữa.

Sáng nay Lan phải về nhà nấu cháo. Huy thay em coi chừng má. Từ sáng cho đến trưa mà chẳng thấy bác sĩ hay y tá lại khám bệnh gì cả. Bà hai đã tỉnh lại từ hôm qua. Bà thì thầm kể cho Huy nghe :

- Chiều hôm đó, má qua bên trại mộc... nói họ đóng cho con chiếc bảng đen... Lúc về má băng ngang qua xa lộ... khúc gần cầu Phan Thanh Giản... Qua được nửa đường, má đứng ở ranh gạch vàng, nhìn về phía Sài gòn thấy có một chiếc xe chở hàng chạy tới nên má do dự chưa dám băng ngang thì từ hướng Biên Hòa về một chiếc xe chở rau cải... lách qua đường vàng. Má nghe một tiếng hét lớn rồi... không hay biết gì nữa cả.

Huy lắng nghe một cách chăm chú. Cậu muốn gánh lấy những đau đớn dùm má mà không làm sao được.

Đã mấy hôm rồi bà Hai không nhận được một giọt thuốc nào nữa. Huy đâm sốt ruột. Cậu đánh liều, bước lại phòng cô y tá trực, lễ phép hỏi :

- Thưa cô, hôm nay có bác sĩ khám bệnh không ạ ?

Cô y tá ngẩng đầu lên, nhăn mặt đáp cộc lốc :

- Không.

- Thế cô có thể lại khám dùm má cháu không ạ ? Má cháu kêu nhức quá, cô có thể tiêm cho một mũi thuốc gì cho...

Huy chưa nói hết lời cô ta đã gạt phắt :

- "Ông" cứ về đi để rồi chúng tôi lo cho.

Huy cảm thấy khó chịu về tiếng "Ông" mà cô ta đã dùng để gọi một cậu học sinh mười sáu tuổi đầu. Và lời nói ấy như một tiếng xua đuổi không hơn không kém. Cậu lững thững trở về giường bệnh của bà Hai, gọt cam cho má hút nước vì hàm răng của bà đã "rêm" cả rồi, không nhai được gì hết.

Chiều đến Huy bàn với ông Hai nhờ chú Ngân thư ký giới thiệu vào nằm nhà thương Grall. Ông Hai nói với con :

- Thì ba cũng tính vậy đó. Nhưng tìm ở đâu ra mười lăm ngàn để nạp trước cho người ta đây. Trước khi vào phải nạp chừng ấy để "thế chân" rồi cứ mỗi ngày năm trăm đồng trừ dần cho đến khi ra, họ sẽ thối lại hay mình đóng thêm cũng không biết chừng. Đó là chưa kể đến tiền thuốc men và tiền rọi kính chụp hình, tính riêng nữa.

Huy chống tay lên cằm suy nghĩ :

- Hay là ba lên chú Ba hỏi mượn đỡ được không ?

Chú Ba của Huy có tiệm kim hoàn ở đường Lê Lợi, ông có trong tay cả bạc triệu nhưng chẳng bao giờ giúp đỡ anh em. Lúc nào ông cũng chỉ nghĩ đến việc làm giàu. Làm sao cho cái vốn ấy càng ngày càng to ra, cao lên mãi, chia sẻ cho anh em thì cái vốn ấy nó bị "lủng lỗ" đi còn gì. Khi nghe tin chị dâu bị nạn ông nói :

- Trời ơi ! Hổm rày tôi bận quá. Bà xã tôi đi Đà Lạt nghỉ mát rồi, chẳng có ai ở nhà hết. Thôi để bữa nào bã về rồi tụi tôi rủ nhau lại thăm chị ấy luôn thể.

Ông Hai nghẹn ngào không nói gì cả. Thế mà lúc về nhà ông lại bảo với vợ rằng :

- Chú Ba nó đòi lại thăm mình nhưng tôi không cho. Tôi bảo mình còn yếu lắm nằm mê man chả biết gì hết.

- Thế cũng được.

Nghe vợ bảo thế ông Hai có vẻ an lòng.

Thực ra, ông cũng đã hỏi chú Ba vay đỡ hai chục ngàn đồng chứ không phải đợi Huy nhắc đâu. Nhưng chú Ba trả lời :

- Anh vay rồi lấy gì trả cho tôi. Anh ở nhà mướn chứ phải anh có nhà cửa gì đâu ? Vả lại, bây giờ hàng họ mới về. Sao anh không nói trước để tôi mua hết cả rồi, gần nửa triệu đó, mà chả bán được gì cả. Nên bây giờ chẳng còn đồng nào. Hay là anh lấy đỡ hai ngàn về lo cho chị ấy... khi nào có thì trả.

Ông Hai nghĩ đến tình đời mà ứa lệ trong lòng. "Sao anh không nói trước ?". Thật là mỉa mai quá ! Tai nạn xảy đến nó có báo trước cho ông bao giờ đâu để ông nói trước với em ông. Mà chú Ba nói cũng phải : "Anh Hai ở nhà mướn" thì lấy gì mà trả cho chú được. Hai ngàn bạc mà chú định cho ông đấy đúng hơn là cho mượn là một hình thức để đuổi khéo ông. Chú ấy muốn nói "Thí cho đấy, cút đi đừng làm rộn tôi nữa" thì cứ việc nói rõ ra, chứ việc gì phải đuổi khéo nhỉ ? Ông Hai, lẽ dĩ nhiên là không thèm nhận hai ngàn bạc nhục nhã ấy ? Nhưng ông cũng cám ơn cái "lòng tốt" của chú Ba trước khi bước ra khỏi nhà chú.

Bây giờ nghe con nhắc đến chú Ba, ông mỉm cười bảo :

- Chú ấy mới mua hàng hết tiền rồi con ạ. Mà chú ấy cũng chưa bán được hàng nên không có sẵn.

Huy bĩu môi :

- Con biết mà, chú ấy sợ mình trả không nổi chứ gì.

Ông Hai buồn rầu :

- Con đừng nghĩ bậy, nhằm lúc chú ấy không sẵn mà.

- Có lúc nào chú lại sẵn với mình đâu.

Ông Hai làm thinh. Ông ngỡ rằng đó là những lời kết án ông chứ không phải là nói về em ruột ông nữa.

- Thôi để rồi chiều nay ba đi hỏi mấy người bạn vay đỡ xem sao.
*
Ông Hai đi hết nhà người này đến nhà người khác, nhưng chẳng có ai chịu giúp đỡ ông hết. Họ có đủ mọi lý do để từ chối một cách khéo léo. Người thì bảo vợ đang sanh, kẻ thì nói con đi học nên vừa gởi tiền cho nó hết rồi. Y như rằng người nào cũng ân hận mà bảo : "Sao anh không chịu nói trước".

Nhưng giá ông Hai có nói trước được đi chăng nữa ấy là tỉ dụ những trường hợp cần vốn liếng để làm ăn, chứ tai nạn làm sao mà nói trước được thì họ có khối lý lẽ khác để biện minh cho sự từ chối của mình. Ông không dám trách móc ai cả. Có chăng là ông tự trách lấy mình mà thôi. Trách sao ông quá dở mả, không biết hái ra tiền như thiên hạ để đến nỗi khổ sở như thế này. Trách sao mình còn quá tin cậy ở lòng tốt của mọi người. Thế thôi.

Đã hai hôm rồi mà ông chả vay được một đồng xu cắc bạc. Chiều nay đang ngồi ủ rũ, chống tay lên cằm suy tưởng việc đời, bỗng ông ngước mắt lên vì có tiếng ai gọi mình nghe quen thuộc quá :

- Bác Hai ơi, bác Hai !

Thì ra đó là tiếng chú Ngân thư ký.

- À chú gọi tôi có việc gì thế chú Ngân ?

- Cũng có tí việc bác ạ.

Ông Hai đứng dậy vồn vã :

- Vào đây đi chú. Uống miếng nước trà chơi.

Chú Ngân bước vào. Ông Hai rót miếng nước trà nguội mời người khách láng giềng sát vách. Chú Ngân hớp một hơi dài rồi chậm rãi nói :

- Chả nói giấu gì bác. Tôi hiểu rõ hoàn cảnh của bác lắm. Và nhất là mấy hôm nay nghe bác phàn nàn với cậu Huy và cô Lan là không hỏi vay tiền ai được để đưa bác gái vào nhà thương Grall. Vì thế tôi đã hỏi mượn của bà nội các cháu được hai mươi ngàn. Bác hãy cầm số bạc này để đóng cho nhà thương nhé ! Và như tôi đã nói với bác hôm nọ đấy, tôi sẽ nhờ một người bạn trong Grall giới thiệu để được vào dễ dàng. Tôi nói với thằng bạn của tôi bác gái là chị dâu của tôi đó.

Ông Hai lắng tai nghe chú Ngân nói một hơi dài. Ông ngạc nhiên như người từ cung Hằng rơi xuống. Lòng tốt của chú khiến ông nghẹn ngào, mãi một lúc sau mới nói nên lời :

- Lòng tốt của chú tôi không bao giờ dám quên. Chú giúp tôi lúc này cũng như chú cứu sống má bầy trẻ rồi đó. Biết lấy gì mà đền ơn trời biển của chú đây.

Chú Ngân xua tay :

- Ấy bác đừng nói vậy, anh em lối xóm giúp đỡ nhau là thường có gì đâu mà bác ngại. Bác cứ nhận số tiền này là tôi vui lòng rồi.

Nói xong chú móc trong túi ra một xấp bạc dầy cộm, trao cho ông Hai. Ông Hai đưa tay ra nhận với ánh mắt chan chứa niềm vui. Thật là một niềm vui bất ngờ mà ông chưa hề nghĩ đến.

- Thôi tôi về nha bác Hai ! Chiều nay, còn phải đi làm nữa. Hôm nay đi trễ một tí cũng chả sao.


Ông Hai đưa vị ân nhân của mình ra cửa. Siết tay bạn thật chặt và ông cũng không quên nói lời cám ơn một lần nữa. Ông quay lưng vô, miệng lẩm bẩm : "Anh em xa, không bằng láng giềng gần". Chợt ông nhớ ra câu nói ấy có một nửa không đúng cho trường hợp này. Nhưng ông cũng chẳng biết câu nào khác để thay thế cả.

Rồi ông vội vàng thay quần áo lên nhà thương Nguyễn Văn Học đưa bà Hai vào Grall.
*
Khi về đến nhà trời đã tối lâu rồi. Huy bỗng thấy một sự im lặng khác thường. Cậu linh cảm hình như thiếu thốn một cái gì, mặc dù lòng cậu lúc ấy đang tràn ngập niềm vui.

À ! phải rồi Huy đã nhớ ra. Mọi hôm giờ này nhà chú Ngân đã mở tivi. Nhưng hôm nay sao im lìm quá thế này. Hai nhà chỉ cách nhau một tấm vách ván. Mà tấm vách ấy lại có một lỗ hở nhỏ bằng mặt đồng hồ đeo tay. Thỉnh thoảng Huy nhìn qua đó xem tivi, cậu rất ngại khi phải qua nhà chú Ngân. Không phải tại vì chú ấy khó nhưng tính cậu không muốn làm phiền ai cả.

Nghe vắng tiếng tivi, cậu ghé mắt vào lỗ hở ấy nhìn sang thì hôm nay cậu chả thấy chiếc tivi đâu hết. Cậu nói với ông Hai bằng giọng sửng sốt :

- Chiếc tivi của chú Ngân đâu mất rồi ba nhỉ ?

Ông Hai lại nhìn và ngạc nhiên không kém. Nhưng ông chợt hiểu ra. Ông lẩm bẩm một mình : "Thì ra hai mươi ngàn ấy do chiếc tivi này mà ra. Trời, lòng tốt của chú Ngân sao mà to lớn thế nhỉ ? Lấy gì mà đền đáp được ơn chú". Huy nghe cha nói và cậu cũng đã hiểu cả rồi. Hai cha con nhìn nhau nghẹn ngào.

___________________________________________________________________ 
Xem tiếp  MẶC CẢM

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>