Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

DÒNG SỮA MẸ


Dòng sữa mẹ

Những sợi gió chiều lành lạnh luồn vào mái tóc hớt ngắn của cu Tư, khẽ hất sang một bên. Cậu bé vẫn cắm đầu chạy, băng mình trong cánh đồng lúa chín ướp hương thơm ngào ngạt. Những cọng cỏ may đâm vào da thịt cậu bé, nghe xon xót. Như muốn phô trương sức sống dồi dào của lứa tuổi thanh xuân, mấy dé lúa chín vàng mọng đỏ, vội trườn mình ra níu kéo con đường cỏ dại mọc đầy. Chiếc bóng đen khắc trên khung trời tím đỏ những nét sắc lạnh, cô đơn.

Con đường cong queo nhọn hoắt đâm thủng khóm tre làng, dẫn cu Tư đến một đám ruộng đang gặt dở. Mấy bác thợ gặt như muốn truyền tất cả năng lực của mình vào lưỡi hái, cố gắng gặt xong vào chiều nay. Họ không buồn để ý đến sự có mặt của cậu bé. Đôi mắt cu Tư láo liên kiếm tìm. Quái ! Chị Huyền đâu rồi nhỉ ? Sao mà hôm nay về trễ vậy ? Chắc là mót được lúa nhiều lắm nên chưa muốn về chứ gì ? Cu Tư mới ở trường làng về xong, vừa quăng cái cặp trên chiếc giường tre già nua ốm yếu như bóng hình mẹ nó, thì mẹ cu Tư đã bảo :

- Con chạy ra đám ruộng ông Xã Hòa coi chị Huyền mót được hột nào không mà ở lâu quá vậy ?

Được ra đồng là một dịp để cu Tư bay nhảy. Chốc nữa về, cu Tư sẽ bắt vài con dế than này, vài con dế lửa trong đám lá ngô nữa này. Cu Tư nhốt đầy những con dế than đen tuyền và những con dế lửa rực rỡ trong khối óc vô tư của nó, cái khối óc nhỏ bé mà cô giáo vẫn khen thông minh ấy mà ! Ừ ! Phải bắt vài chú cào cào làm quà cho chú sáo nhà mình nữa chứ ! Gớm chú đói bụng hay sao ấy. Chả thế mà lúc cu Tư vừa mới đi học về chú đã réo loạn cả lên "cu Tư, cu Tư" rồi "đoi đói, đoi đói" làm cu Tư phát cáu, muốn lại đấm cho chú một cái, ra sao thì ra. Nhưng nghe mẹ bảo đi tìm chị Huyền là cu Tư tươi ngay nét mặt, Tư không còn giận chú sáo nữa. Trái lại, cu Tư thấy thương thương chú hơn lên chứ lỵ. Tư toan phóng mình ra sân, thì mẹ đã gọi giật lại :

- Nhớ bảo nó về ngay nghe không, được bao nhiêu cũng được, chứ đừng có ở ngoài ấy nữa.

- Dạ.

Rồi cu Tư chạy một mạch ra cánh đồng. Lúc đầu vừa chạy, nó vừa giăng đôi cánh tay ra, giả làm đôi cánh phi cơ, miệng "u... u" làm tiếng máy nổ. Nhưng lúc sau, mệt quá, chiếc phi cơ tắt máy, xếp cánh lại. Vậy mà nó vẫn tiếp tục "bay", tuy có hơi yếu hơn lúc đầu. Phi trường của nó là đám lúa đang gặt đây. Cu Tư đậu lại à quên phi cơ chứ rồi nó thả đôi chân xuống, đi từ từ. Cu Tư bụm hai tay để trước miệng làm loa, gọi thật to :

- Chị Huyền ơi ! Chị Huyền !

Không ai thèm trả lời nó, kể cả chị Huyền của cu Tư. Băng chân vào đám lúa, cu Tư định đi về cuối bờ ruộng, thì một tiếng hét vang lên, nó vội rút chân lên.

- Lại đằng sau mà mót chứ mót ở đây hả ?

Thì ra tiếng ông Xã Hòa người giàu nhất trong làng Chỉ nghe tiếng nói thôi, cu Tư cũng đủ khiếp rồi nói chi... nó vừa mới ngước lên thì bắt gặp đôi mắt thật bén của ông ta chém vào gương mặt nó. Thế là cu Tư len lén đi dọc theo bờ ruộng, nó không dám nói một tiếng một lời gì cả. Gặp con Tí đang mót ở cuối đám, cu Tư hỏi :

- Mày thấy chị Huyền tao đâu không Tí ?

- Chị Huyền mày hả ? Lên đám bà Hội đồng đó.

- Mà đám nào chứ ? Bà Hội đồng thiếu gì ruộng ?

Con Tí cằn nhằn :

- Đám gần bờ sông, hổng biết sao ? Khéo hỏi…

- Biết rồi !

Cu Tư bèn phóng khỏi đám ruộng của ông Xã Hòa, chạy thẳng ra phía bờ sông. Nỗi sợ sệt lúc nãy vụt đâu mất, thay vào đó một niềm hân hoan mơ hồ. Cu Tư sẽ khoe với chị Huyền chiều nay nó được đến hai con mười cơ. Một con về chánh tả nhé ! Và một con nữa về toán đố ! Bài toán chiều nay khó lắm chứ đùa sao ? Chẳng dứa nào làm hoàn toàn hết. Cu Tư được mười điểm một mình Cu Tư thôi đấy nhé vậy mà không hách à ? Cô giáo còn xoa đầu cu Tư mà bảo : "Tư thông minh quá, các em hãy bắt chước Tư mà chăm học lên nghe không ? Còn bài chánh tả ! Ôi dào ! Dễ ghê đi ấy. Vậy mà, con Dung viết đến năm lỗi, thằng Tiến ba lỗi. Còn con Hòa mọi hôm vẫn nổi tiếng về môn chánh tả, thế mà hôm nay cũng thua cu Tư một điểm. Tháng này, cu Tư lại đứng nhất nữa cho mà xem. Chị Huyền phải thưởng cu Tư nhé ! Ít nhất là một chầu bánh bèo nha ! Bánh bèo mà bà Ba thường bán cho bọn thợ gặt ăn ở ngoài ruộng để trừ bữa cơm trưa ấy ! Chị Huyền phải lấy lúa mót được để đổi bánh chứ ai lại bỏ tiền ra mua phải không ? Chị đâu có tiền há ? Nhưng đừng có nói lại với mẹ, mẹ đánh, cu Tư bắt đền chị đấy. Nghĩ đến đó, cu Tư thấy lòng sung sướng chi lạ, tưởng chừng như mình là một cánh bướm đang bay bổng trong buổi chiều vàng êm đềm ấy vậy.

Nhưng niềm vui của cu Tư như ngọn lửa vừa mới vụt lên đã tắt ngún rồi. Trước mặt cu Tư hình ảnh chị nó hiện lên rõ rệt. Một người con gái, ngồi che chiếc nón cời rách đang khóc tức tưởi. Đúng là dáng dấp chị Huyền đó.

- Sao vậy ? Sao chị khóc hả chị Huyền ?

Cu Tư gỡ chiếc nón sang một bên. Chị Huyền vẫn ngồi im lìm không nói.

- Ai đánh chị hở chị Huyền ?

Chị nấc lên, chiếc vai rung rung nức nở :

- Bà... Hội đồng.

Cu Tư mở to đôi mắt nhốt tất cả ngạc nhiên vào trong đó. Như một thác nước tuôn chảy xuống ghềnh đá, những câu hỏi của cu Tư dồn dập tuôn ra :

- Đau không chị Huyền ? Sao bả đánh chị hả, hả ? Bả đi đâu rồi ? Để cu lại đánh bả cho nha ?

- …

- Chị giận cu hả ? Sao chị không nói ?

Tiếng thút thít như ngấm đầy nước mắt nặng trĩu không lan xa được, chỉ quấn quít xung quanh hai chị em cu Tư. Hình như cái hơi nước mắt ấy đã bốc lên để cu Tư hô hấp, chả vậy sao nó thấy từng mạch máu của mình xót xa, buồn bã chi lạ. Cu Tư quên mất việc khoe nó được hai con mười điểm chiều nay. Mà có nhớ, chắc nó cũng không thèm nói với chị Huyền đâu. Giá mà chị Huyền đừng khóc nữa, để nó khóc thế cho thì... hay biết mấy nhỉ ? Nó không muốn nhìn gương mặt buồn bã ủ dột của chị đâu. Nghĩ đến những lần chị Huyền bị đau, nó cũng đã từng ước ao (thèm muốn nữa là đằng khác) được đau thế cho chị nó. Chứ cứ nhìn chị Huyền rên hừ hự rồi bắt mẹ phải nấu cơm này, quét dọn này, nó chịu sao được.

Thế giới cổ tích thường dẫn cu Tư vào những khu vườn đầy hoa quả chín vàng, thơm ngon phải biết. Ở đó, có một bà tiên phúc hậu nữa này. Bà tiên tóc trắng như tuyết ấy, mà tuyết là gì nhỉ ? Hồi đó, nó quên hỏi cô giáo đi chứ ! Ơ ! Mà cu Tư có nhớ cũng chẳng dám hỏi đâu, cu Tư mà hỏi thế nào lũ bạn cùng học với cu Tư sẽ "chế" cu Tư là ngu này, dốt này. Cu Tư cũng biết "tự ái" chứ không à ? Thôi, cu Tư cứ cho là tóc bà tiên trắng như bông đi nhé ! Bông để dệt vải ở ruộng bà Hội đồng ấy mà ! Bông chắc là còn trắng hơn tuyết nữa cơ. Chao ơi ! Cứ nghĩ đến những múi bông no tròn dìu dịu êm êm ấy, cu Tư cũng đủ khoái rồi. Bông thế mà lại dùng dệt vải, uổng quá nhỉ ? Nếu là của cu Tư thì cu Tư không làm thế đâu, cu sẽ trải những miếng bông ấy trước sân nhà (nhiều lắm chứ bộ ít sao) để chiều chiều cu Tư rủ chị Huyền ra nằm trên chiếc thảm trắng xóa ấy chắc êm lắm nhỉ rồi ngước mắt lên trời nhìn những đám mây có hình con nai, con thỏ mà nói chuyện với chúng nó chứ ! Thích thích là...

Nhưng bây giờ cu Tư phải gọi niềm mơ ước của nó lại chứ, ai lại thả tư tưởng chạy lông bông như thế này. Ừ nhỉ ! Ước gì có một bà tiên (bà tiên tóc trắng ấy mà) hiện xuống trước mặt cu Tư và hỏi : "Con muốn gì ?", cu Tư sẽ đáp thật nhanh không một do dự, không một suy nghĩ : "Con muốn bà tiên "đánh" bà Hội đồng để trả thù cho chị con." Bất chợt cu Tư cúi xuống nhìn lên vai áo chị nó. Áo chị Huyền bị rách toạc đi một đường dài bên cạnh những vá víu chằng chịt.

Cu Tư đưa tay thò vào khe rách, lần đến những đường lằn đo đỏ hâm hấp nóng, mà vuốt ve, như muốn rót vào đó những giọt tình thương đang chứa đầy tâm hồn nó. Cu Tư rươm rướm nước mắt chứ không òa khóc. Có lẽ những giọt nước mắt đã biến thành máu đào tan hòa trong những đường gân xanh mà lan dần khắp cơ thể nên không còn đủ tuôn chạy ra khóe mi nữa. Chị Huyền vẫn ngồi thút thít không nói năng gì, cu Tư lại hỏi :

- Sao vậy ? Sao vậy chị Huyền ?

Bây giờ Huyền nghĩ không nên giấu em nữa, mếu máo đáp :

- Chị vừa mót xong ra ngồi ngoài bờ ruộng thì con Xanh, con bà Năm Thẹo, nó nhờ chị lại chỗ lùm cây ổi ở bờ rào ôm dùm mớ lúa lại cho nó. Nó hứa sẽ chia cho chị một ít. Nhưng chị mới ôm đến bó thứ ba thì một làn roi từ đâu đập mạnh vào lưng chị một cái trót, rồi tiếp theo là những tiếng vun vút dồn dập. Chị chả biết ất giáp gì cả, cắm đầu cắm cổ chạy trối chết. Có tiếng bà Hội đồng đuổi theo : "Ăn cắp ! Ăn cắp ! Quân ăn cắp, bà con cô bác ơi ! Bắt nó dùm tui" Chị lủi đại vào trong đám mía cụ Hương Quản đi vô tuốt trong nhà mà ngồi... Lúc sau, nghe chừng thiên hạ đã đi đâu cả rồi, chị lần mò ra bờ sông lấy nước vã vào chỗ vết thương... cũng bớt nhức đi ! Rồi chị lên đây !

- Chắc con Xanh ăn cắp lúa rồi nó xúi chị lấy dùm phải không ?

- Chớ sao ! Nó mưu mẹo quá mà chị hổng biết.

- Rồi nó bị bà Hội đồng bắt không ?

- Chị đâu có đó mà hỏi.

- Còn lúa chị mót được để ở đâu ?

- Chị để ở bờ ruộng bà Hội đồng, chắc bả lấy rồi. Chị đâu dám trở lại chỗ đó.

Cu Tư đứng im lìm một lúc rồi bảo giọng cụt ngủn, buồn bã :

- Thôi, về đi chị !

Cu Tư đưa tay nắm lấy tay chị nó. Huyền bảo :

- Em nắm nhè nhẹ, chứ chỗ ấy đau lắm ! Bầm tím đây nè.

Cu Tư đưa tay Huyền lên sát mặt nó, kiếm tìm vết thương nhưng trời đã tối rồi, nó chẳng thấy gì hết.

Huyền bảo :

- Cu bóp chỗ nào mềm mềm là vết bầm đó.

Bỗng Huyền la :

- Ý ! Cu bóp đau quá vậy. Nhè nhẹ thôi chứ !

Buông tay chị ra, cu Tư đi sát vào bên Huyền. Huyền đưa tay choàng sang vai em. Hai bóng đen bị đồng hóa trong khoảng tối mênh mông.

- Cu Tư này !

- Gì hở chị !

- Về đừng nói với mẹ nha !

- Nói để mẹ biết mua thuốc xức cho chị chứ !

- Đừng ! Nói mẹ buồn, mẹ khóc tội nghiệp lắm.

- Chớ lấy gì xức.

- Chị hái "lá dang" nhai với muối xức là hết liền.

- Ai bày chị vậy ?

- Con Tủn. Mấy hôm chị bị gai tre đâm vào tay nó vẫn bày chị làm vậy.

- Mà hết hôn ?

- Hết chứ !

- Hay quá há ?

- Ừ ! Mà về đừng nói với mẹ nhá !

- Cu Tư không nói đâu chị đừng lo.

- Chắc hôn ?

- Chắc mà !

Cu Tư quên hẳn việc bắt dế đá và bắt cào cào cho chú sáo. Nỗi buồn đã dắt hai chị em nó về tận nhà. Ánh sáng ngọn đèn dầu từ trong hắt ra, bị những chấn song cửa sổ đan bằng tre chặn lại in thành những vệt đen nằm dài trên chiếc sân nhỏ bé khiến Huyền liên tưởng đến những vết thương tím bầm mọc đầy trên lưng mình. 
*
Cánh đồng bị chôn vùi dưới lớp sương mai trắng đục. Những làn hơi nhỏ uốn éo bốc lên từ mặt hồ phẳng lặng như hơi thở nàng công chúa ngủ trong rừng mơ. Phía xa kia, hiện lờ mờ mấy khóm tre làng e lệ, chụm đầu vào nhau thì thầm như chuẩn bị đón tiếp nàng Xuân. Trời cuối đông vẫn còn lành lạnh cái lạnh gây cho lòng người một thích thú kỳ diệu cu Tư thọc hai tay vào túi áo, đi đi lại lại nhìn mấy cây vạn thọ vàng tươi và mấy chiếc mồng gà đỏ ối.

Đó là những điểm trang cho mùa xuân gia đình cu Tư. Bỗng nhiên, nó thấy lòng mình như hoa nở, chứa đầy ánh sáng trong đó. Một niềm vui nhẹ nhàng nào đó len lén bò vào nấp trong khối óc cu Tư. Cảm giác khoan khoái dìu cu Tư bay vào vùng ký ức xa xôi thật mơ hồ.


- Cu Tư ! Làm gì đó em ?

Nghe tiếng chị Huyền hỏi, cu Tư chợt quay lại. Rồi không đợi em trả lời, Huyền tiếp :

- Mặc áo ấm vào đi, kẻo bệnh đấy.

- Em không lạnh.

Huyền dịu dàng bảo :

- Không lạnh cũng cứ mặc vào đã sao.

Cu Tư nũng nịu :

- Nực lắm, em chịu không được đâu.

Huyền vỗ về :

- Mặc vào đi cu Tư. Chóng ngoan chị cưng.

Chạy lại bên em, Huyền tròng chiếc áo len vào đầu cu Tư. Cậu bé vùng vẫy trốn chạy làm văng những tiếng cười khúc khích. Đuổi theo, bắt được cu Tư, Huyền rót những lời thật ngọt vào tai cậu bé. Cu Tư nũng nịu nhưng rồi cũng chiều lòng chị, ngoan ngoãn mặc áo len vào. Bỗng nhiên nó trở nên nhỏ bé hơn bình thường. Thân hình bị đóng khung trong chiếc áo màu xanh nước biển cũ kỹ, cu Tư cảm thấy khó chịu vô cùng. Nào, cu Tư có lạnh đâu ? Sao chị Huyền khó tính thế nhỉ ? Mà cả mẹ cũng vậy nữa chứ. Năm nào cũng thế, khi trời bắt đầu vào mùa đông, khi những đám sương mù giăng lưới trên mấy khóm tre làng, khi mặt nước im lìm ngái ngủ, thoi thóp thở những làn hơi ẻo lả thì mẹ lại bắt cu Tư phải mặc áo ấm suốt cả mùa đông. Nhớ lúc mới mặc chiếc áo len lần đầu. Hồi đó sao mà cu Tư thích thú kỳ lạ. Nhưng đã ba bốn mùa đông rồi, cứ mặc mãi chiếc áo ấy, cu Tư chán quá. Cu Tư mỗi ngày mỗi lớn, mà chiếc áo hình như mỗi lúc càng co lại. Cu Tư ghét nhứt là khi mẹ bắt cu Tư mặc nó đi học. Mẹ đâu có biết là lũ bạn của cu Tư đã chế diễu nó : "Ê ! Ê ! Lớn rồi mà mặc áo bính". Những lúc ấy, cu Tư muốn chạy thật nhanh về nhà bắt đền mẹ ghê lắm. Nhưng rồi, khi về đến nhà nhìn mẹ, nhìn chị Huyền trong chiếc áo bà ba rách hoặc chằng chịt những miếng vá, cu Tư lại không dám nói với ai hết, mặc cho những tủi hổ, đớn đau sắp lớp trong lòng nó.

Ngước mắt nhìn Huyền, cu Tư bắt gặp một vẻ buồn rười rượi đang nhuốm đầy khuôn mặt chị. Những ngón tay thon nhỏ búp măng đan vào rừng tóc cu Tư, êm ái trìu mến chi lạ. Từ mấy hôm nay rồi, cu Tư thấy chị Huyền buồn ghê lắm, buồn hơn bao giờ hết. Chị không còn thích kể chuyện cho cu Tư nghe nữa, chị ít nói chuyện với cu Tư hơn. Cu Tư muốn hỏi cho rõ nguyên do, nhưng chẳng có dịp nào hết. Bây giờ được đứng trong vòng tay chị không còn một ngăn cách, một cản trở nào nữa, cu Tư vụt hỏi :

- Chị không còn thương cu Tư nữa sao chị Huyền ?

Huyền mở to đôi mắt, nhốt tất cả những ngạc nhiên vào trong đó :

- Sao em lại hỏi thế ?

- Mấy hôm nay chị không thèm nói chuyện với cu nữa. Chị cứ buồn mãi hà.

- Tại chị...

- Tại sao hở chị Huyền ?

- Tại chị... tại chị... thương cu Tư nhiều lắm đấy.

Chị Huyền nói chi mà lạ quá. Cu Tư chẳng hiểu gì hết. Thế nghĩa là thế nào nhỉ ?

- Chị nói thật rõ cho cu nghe với đi. Cu Tư chẳng hiểu gì cả.

Huyền nói thật nhỏ :

- Chị sắp… xa cu Tư rồi.

Một ý nghĩ từ đâu bay đến thật nhanh, đậu vào trong óc cậu bé :

- Chị ... chị sắp lấy chồng như chị Trâm phải không ?

- Không. Không. Chị chẳng thèm lấy chồng đâu.

- Chứ sao chị lại phải xa cu Tư, hở ?

Thời gian đọng lại, quánh đặc không chảy được. Im lặng bao trùm.

Tiếng nói Huyền vụt vang lên thật trong như từ một cõi xa xăm vọng lại :

- Chị không phải là con của mẹ.

Một dãy núi vô hình nào ngã đè trên mình cu Tư đau nhói, nghẹt thở. Chị Huyền không phải là con của mẹ ? Thật sao ? Còn cu Tư ? Ừ ! Còn cu Tư thì sao nhỉ ?

- Chị không muốn cho cu Tư biết điều này, nhưng bây giờ thì chị không thể giấu cu Tư được nữa những điều mẹ mới nói với chị mấy hôm nay.

- …

- Ngày xưa lúc chưa có cu Tư. Mẹ sinh ra người con nào thì mất người ấy. Một lão thầy bói mới bày cha mẹ tìm một đứa con nuôi đỡ đầu. Lúc đầu, cha không chịu nhưng khi người con thứ ba vừa chết, mẹ ruột chị cũng vừa sinh chị được mấy ngày thì mẹ ruột chị mất vì một chứng bệnh nan y. Cha ruột chị vừa nghèo vừa khổ chịu không nổi, nên bán chị cho cha mẹ cu Tư. Nhờ có dòng sữa của mẹ chúng mình mà chị lớn được đến ngày nay, nếu không...

- …

- Năm năm sau mẹ mới sinh ra cu Tư. Hồi ấy cha mẹ cu Tư còn giàu lắm, nhưng khi cu Tư vừa chào đời, thì cha lại đi theo kháng chiến bị thực dân Pháp giết trong một trận giao tranh. Mẹ buồn quá, bỏ làng Mỹ Thạnh về đây mà sống. Vì quá thương yêu chị nên mẹ không muốn cho ai biết chị là con nuôi của mẹ. Mẹ cũng không muốn cha ruột chị biết tông tích của chị nữa.

- …

- Từ ngày dọn về đây, mẹ chẳng làm gì được nên số vốn ngày xưa cũng hết dần, và nghèo đi. Còn cha ruột chị thì khi bán xong chị, ông ấy lần mò lên Đà Lạt kiếm việc làm. Ngày nay trở thành một ông triệu phú. Cách đây độ mười hôm, ông có cho người em cô cậu với ông đến nói với mẹ... xin chuộc chị lại.

- Sao ông ấy biết mình ở đây ?

- Ông ấy lại làng cũ hỏi thăm người ta chỉ.

- Chị có gặp người bà con của chị chưa ?

- Chưa. Bà ta chỉ gặp mẹ thôi. Mẹ nói để mẹ hỏi ý kiến chị, nếu chị bằng lòng, thì mới cho bà ta gặp sau.

- Thế chị có bằng lòng về sống với cha ruột chị không ?

Huyền đáp không do dự :

- Nhờ dòng sữa của mẹ, mà chị lớn khôn, nên đối với người cha ấy chị không còn một liên hệ nào nữa. Chị muốn sống đời đời bên mẹ, bên em, không đi đâu cả.

Niềm vui nở hoa trên gương mặt cu Tư. Nó ôm chầm lấy chị Huyền. Mừng rỡ lan dần trong từng mạch máu nhỏ li ti.

- Thật nha, chị Huyền ! Chị đừng đi đâu nhé ! Đừng bỏ em nha ! Chị thương cu Tư mãi mãi nhé chị Huyền !

Một chiếc hôn đặt nhẹ lên mái tóc non xanh của cu Tư. Nó đắm mình trong tình yêu thương của chị. Nhưng một giọt nước mắt thật trong, thật nhỏ và thật ấm, thật êm từ một bờ mi ngọt ngào nhung tơ, rơi nhẹ trên phiến môi nó. Cu Tư nhìn chị, nó không muốn khóc nhưng chẳng biết nước mắt từ đâu chảy ra thật nhiều, ràn rụa. Trước mặt cu Tư, màn sương mùa đông như dày thêm, phải chăng một bàn tay vô hình nào đã dệt thêm những sợi tơ thương đau vào đó.
*
Cu Tư chợt thức giấc. Trời mùa đông vẫn đầy sương mù. Không một tia nắng nào đến làm bạn với cu Tư. Một làn gió lạnh vuốt ve đôi má cậu bé, cu Tư cảm thấy khó chịu cho sự đùa dai vô duyên ấy. Nó tung mền ngồi nhổm dậy. Mẹ với chị Huyền đi đâu mất rồi. Cu Tư lấy gối chồng vào góc giường sát vách. Dưới gối nó, cu Tư bỗng thấy một tờ giấy của ai để. Nét chữ quen quen đúng là chữ của chị Huyền rồi. Cu Tư mở ra xem :


Chiều 27 tết.

Cu Tư yêu quí của chị.

Chị viết thư này trong lúc em đang say trong giấc ngủ mà chị đoán là trong giấc mộng ấy em sẽ gặp biết bao là nàng tiên đẹp tuyệt trần, phải không nào ? Cu Tư đâu có biết là giờ này chị đang khóc đây. Nhưng sáng dậy, khi đọc những dòng chữ nhòe nhoẹt vì nước mắt này, em mới hiểu lòng chị Cu ạ.

Trên đời này, thật chị không còn biết yêu ai hơn là mẹ với em. Nhờ dòng sữa mẹ mà chị đã lớn lên như một cây non hút chất bổ dưỡng trong lòng đất ướt. Tuy không là người tác tạo ra chị, nhưng tất cả thể xác lẫn tâm hồn của chị ngày nay đều do mẹ mà có. Từ cái hơi thở yếu ớt, từ giọng nói ấm êm, từ dòng máu đang trào lưu trong huyết quản cho đến những nụ cười tươi vui, một tâm hồn trong trắng, một cái vốn học thức ở cấp tiểu học mà chị đã hấp thụ được là nhờ ở mẹ.

Mười bảy năm trời sống trong sự che chở của người hiền mẫu, sung sướng cũng nhiều mà khổ đau cũng không phải là ít, chị không dám và không có quyền đòi hỏi ước ao bất cứ một cái gì nữa ở mẹ. Chị cũng chưa hề được đền đáp cái ơn trời biển ấy. Vì thế mà hôm nay chị phải ra đi, ra đi để về sống với một người cha mà từ lúc sinh ra cho đến bây giờ chị chưa hề thấy mặt bao giờ. Rủi thay, người ấy là ba của chị. Chắc em cũng biết rằng chị sẽ không tìm được một tình thương nào cả ở đó. Nhất là với một bà DÌ GHẺ, mặc dù bà ta không có con đi chăng nữa, nhưng hai tiếng ấy cũng đủ nói lên sự tẻ lạnh rồi phải không Cu ? Chị nào có thích cảnh ấy đâu. Muôn đời chị vẫn muốn làm một cánh chim non trú ẩn trong tổ ấm của mẹ. Nhưng không thể được Cu ạ. Vì chị quá yêu em, yêu hơn cả chính chị nữa. Nên chị phải ra đi. Ra đi để mẹ chúng ta lãnh một số tiền chuộc là một trăm ngàn đồng. Với số tiền ấy, mẹ có thể lo cho em ăn học suốt đời. Chứ em thử nghĩ coi, nếu không có cái vốn ấy, với cái thân hình nay đau mai mạnh của mẹ dù là chị có ở bên cạnh mẹ đi chăng nữa cũng không thể nào nuôi em ăn học được. Cao lắm, em cũng chỉ đỗ được cái bằng tiểu học rồi ở nhà chăn trâu, mót lúa là cùng chứ gì.

Em đừng hiểu lầm chị Cu nhe ! Em đừng cho rằng chị ham giàu sang phú quí mà bỏ mái tranh rách nát này nha ! Không phải đâu Cu ạ. Chị đã nói với mẹ rồi, chị lên trên Đà Lạt trước với một người bà con của chị. Tết xong là mẹ với Cu lên, mẹ sẽ mở một cửa hàng tạp hóa để buôn bán, gần nhà ba ruột chị. Như thế là chị em mình vẫn gần nhau phải không nào ? Chị sẽ để dành tiền riêng khi về sống với ba ruột chị và chị sẽ bồi đắp cho mẹ chúng ta.

Em cũng đừng nghĩ oan là mẹ "bán" chị để lấy tiền nha ! Không đâu Cu ạ. Khi trả chị lại cho người ba ruột của chị, mẹ chỉ nghĩ đến hạnh phúc của riêng chị mà thôi. Mẹ bảo với chị "Con phải về sống với ba ruột con, vì kể từ giờ phút này con không có quyền khổ nữa. Con đã khổ sở nhiều rồi. Những mưa nắng dãi dầu của ruộng đồng không có quyền đày đọa thân con nữa. Những hạt thóc, hạt lúa do con mót được, những củ sắn củ khoai do con đem về nuôi mẹ trong những ngày mẹ bệnh đau, đó không phải là con trả ơn rồi hay sao ? Mẹ đâu có quyền đòi hỏi một món tiền chuộc nào nữa dù là rất ít". Nhưng chị thì không bằng lòng như vậy. Phải có một cái gì đền đáp cho mẹ và một cái gì đền bù cho em thì chị mới chịu ra đi.

Mẹ nói rằng chị không có quyền khổ sở vì mẹ và vì em. Chị lại nghĩ khác : em không có quyền sống một kiếp sống hẩm hiu, trong khi chị được hạnh phúc. Và nhất là mẹ, mẹ không thể mất một đứa con mà suốt đời mẹ không muốn cho ai biết nó là con nuôi để rồi không có một đền bù nào cả. Có thế thì chị mới chịu ra đi, còn không thì chị vẫn sống bên mẹ, bên em đời đời.

Chị biết rằng nếu chị nói cái ý định ấy với cu Tư thì đời nào Cu lại cho chị ra đi, phải không ? Và mẹ cũng đồng ý với chị là không nên cho Cu biết. Vậy Cu đừng giận chị nhé. Lên Đà lạt chị sẽ gởi quà bánh về cho Cu thật nhiều, Cu bằng lòng chứ. Tình yêu chị dành cho Cu vẫn nguyên vẹn đó, không một ai cướp mất đâu em.

Chốc nữa, khi viết xong bức thư này, chị sẽ lại hôn lên vầng trán của em trăm cái. Và gà gáy này, chị sẽ ra đi. Nhưng trước khi đi, chị cũng sẽ ôm em hôn một lần, không, nhiều lần nữa chứ. Chị sẽ hôn thật nhẹ để em vẫn ngủ say trong giấc mộng thần tiên. Chị sợ, lúc ấy chị sẽ bật khóc quá em ơi. Một giọt nước mắt rơi trên má em sẽ làm thay đổi tất cả. Và biết đâu, lúc ấy chị sẽ không còn đủ can đảm để rời xa gian nhà mến yêu này nữa. Lạy Trời, lạy Phật cho con đủ can đảm để lướt thắng nghịch cảnh.

Càng viết, nước mắt chị càng chảy ra, và những dòng chữ càng nhòe nhoẹt khó coi hơn. Thôi cho chị dừng, Cu nhé !

Viết đến đây những kỷ niệm ấu thơ bỗng hiện ra thật rõ rệt trong màn lệ của chị Cu ạ. Và chị nhớ nhiều nhất là cái hôm bị bà Hội đồng đánh oan ở bờ ruộng năm nào đó. Cu còn nhớ chứ em ? Nhưng thôi, nhắc lại làm chi, Cu nhỉ ! Kỷ niệm xa xưa quá, đã bốn năm năm rồi chứ ít sao.

À, hôm qua chị có mua cho Cu một phong pháo đại, chị bỏ trong cặp sách đó. Lấy đốt chơi nhé và cấm em buồn trong ba ngày xuân đó. 
 

Thôi, chị lại hôn em đây này.
Chị yêu của cu Tư     
HUYỀN    
    
_____________________________________________________________________
 Xem tiếp MÙA XUÂN TRONG RỪNG

     
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>