Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

TRÁI ĐẮNG


Thúy không thể nào quên được hình ảnh Nhung, cô bé có mái tóc thật dài và thật đen. Gương mặt trái soan hồng tươi nhưng đôi mắt nhuốm một vẻ buồn như mặt nước hồ thu. Nhung ít nói, ít cười. Nhưng tiếng nói của nàng thật trong và êm ấm làm sao ! Mỗi lần muốn cười, Nhung chỉ nhếch môi như một đóa hoa hé nở.

Thúy quen với Nhung trong trường hợp thật tình cờ. Một buổi chiều thứ bảy tại Thảo Cầm Viên, Thúy nhớ rõ buổi chiều hôm đó, nắng vàng rực rỡ nhảy múa trên những đám cỏ non xanh mướt chạy dọc hai bên đường, trên những cành hoa sứ tỏa hương thơm dìu dịu. Thúy vừa dẫn bé Diễm rời chuồng voi chợt trông thấy một thiếu nữ đang ngắt những cành hoa Ti gôn bên bờ giậu, mái tóc đen nổi bật trên màu áo tím hoa sim chạy dài theo sống lưng. Thúy đứng nhìn say sưa, chợt nàng con gái ấy quay lại hơi thèn thẹn. Đôi má ửng hồng. Thúy chợt mỉm cười với cô ta rồi hỏi :

- Chị thích hoa Ti gôn lắm hả ?

Cô ta hơi lúng túng gượng cười trả lời :

- Em thích hoa này lắm nhưng không biết tên. Chị nói em mới biết đó. Trên Đà Lạt không có hoa này. Chị thích nó không ?

- Em không thích lắm nhưng chị thích bây giờ em cũng thích như chị vậy.

- Chị nói chuyện có duyên ghê, em biếu chị một cành đây nè.

- Người ta kiêng biếu hoa Ti gôn đó chị ạ.

- Sao vậy ?

- Vì đó là loài hoa của tan vỡ. Nhưng em sẽ vô ngắt một nhánh với chị cho vui.

Thúy xoay qua nói với em :

- Diễm đứng đây nha bé. Chờ chị một tí.

Thúy vừa ngắt xong một nhánh, vội kéo Nhung ra sau này Thúy mới biết tên cô gái ấy là Nhung và bảo :

- Mình giấu nó vào xách tay chứ cảnh sát thấy họ bắt đó.

- Thật sao ?

- Thật chứ !

- Em mới ở Đà Lạt xuống nên không biết gì hết, "quê" quá hả chị ?


Vừa lúc đó một thầy cảnh sát cỡi xe đạp đi ngang. Thúy nhìn Nhung mỉm cười như thầm bảo : "May quá".

Nhung kể cho Thúy nghe về gia cảnh của mình. Nàng là con một nên ba má rất cưng. Quê nội nàng là Sài Gòn, quê ngoại là Huế. Cứ mỗi kỳ nghỉ hè hay nghỉ Tết, nàng được má cho về Sài Gòn thăm nội hay về Huế thăm ngoại. Hè năm nay nàng về thình lình không chịu đánh điện tín trước nên các chị của nàng đã đi nghỉ mát ở Cấp chưa về kịp. Chiều nay, buồn quá Nhung bèn đi lang thang vào Thảo Cầm Viên. Những lần trước Nhung về, các chị con bác nàng chỉ dẫn Nhung đi chơi phố hoặc ra Vũng Tàu nghỉ mát chứ chưa đến đây bao giờ. Cứ mỗi lần Nhung đòi đi thăm Thảo Cầm Viên thì các chị ấy lại bảo : "Chán lắm ! Vô làm gì trong đó" thế là Nhung bỏ ngay ý định, nàng không muốn làm phiền các chị nữa.

Nhung cũng bằng tuổi Thúy thôi, hai đứa lại cùng học một lớp nên Thúy đề nghị nên xưng tên với nhau cho thân mật.

Nhung nghỉ hè ở Sài Gòn vừa đúng nửa tháng, thì ba nàng đánh điện tín xuống gọi về trên ấy học tư để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Mặc dù còn luyến lưu người bạn mới quen nhưng nàng đành phải về theo lời ba dặn.

Buổi tiễn đưa sao mà buồn chi lạ ! Chỉ có một mình Thúy với bé Diễm đưa Nhung ra tận sân ga.

Chiếc xe ca vừa dừng lại bên bực tam cấp, tiếng cô xướng ngôn viên vang lên :

- Yêu cầu quí khách đáp phi cơ về Đà Lạt đi chuyến mười ba giờ lên xe ca màu xanh.

Nhung nhìn Thúy muốn khóc. Hai đứa nhìn nhau như đôi chim non. Một con bị bắt nhốt vào lồng và một con nữa đang đứng bên ngoài kêu gọi, những lời nỉ non vang lên :

- Về Đà Lạt nhớ viết thư gấp cho Thúy nhé ?

- Ừ, mình không quên đâu. Thúy thích hoa gì, về trên ấy mình sẽ gởi xuống cho.

- Hoa gì mình cũng thích hết.

- Thúy có thích hoa Mimosa không ?

- Thích hết mà. Loài hoa ấy dễ thương ghê. À mình quên một loài hoa đẹp nhất đó là hoa Hồng Nhung.

- Để Thúy luôn luôn nhớ đến tên mình phải không ?

Tiếng cô xướng ngôn viên lập lại một lần nữa. Nhung ôm bé Diễm hôn lên má và mắt nó, rồi bước lên xe ca, vừa đi vừa ngoái lại nhìn Thúy. Thúy lần ra lan can, nói với vào trong xe :

- Tết này ráng xin hai bác về Sài Gòn nha ?

- Khỏi nói, mình cũng năn nỉ nữa là.

Trời bắt đầu đổ cơn mưa. Chiều mùa hè ở Sài Gòn thường có những cơn mưa thật nặng hạt nhưng mau dứt. Những cơn mưa tạt vào má hay những giọt nước mắt chảy ra từ tuyến lệ, Thúy cũng không còn biết nữa. Một vị mằn mặn thấm vào đầu lưỡi, một nỗi buồn man mác len nhẹ vào tâm hồn nàng tự lúc nào. Nhung úp mặt xuống thành ghế, không dám nhìn, chiếc xe từ từ chuyển bánh, bất chợt Nhung ngước mắt lên, đôi mắt đỏ hoe và ươn ướt. Thúy nhìn theo cho đến khi khuất, nàng nói trong tiếng động cơ nổ thình thịch :

- Tết này về nghe Nhung.
*
Thế là Nhung không thèm làm bạn với Thúy nữa rồi, chắc là Nhung giận Thúy rồi chứ gì ? Nhưng tại sao giận, Thúy cũng không hiểu nữa. Thúy chỉ biết là nàng đã gởi cho Nhung đến ba bốn lá thư rồi mà vẫn không thấy hồi âm. Chắc bây giờ về Đà Lạt, Nhung có thiếu gì bạn mà cần đến Thúy nữa. Vậy mà hồi đó ở dưới này, Nhung cứ thề với Thúy là tình bạn giữa hai đứa sẽ không bao giờ phai lạt. Nhung bảo nàng chưa tìm thấy một người bạn nào tâm đầu ý hợp như Thúy. Thúy không ngờ con người trông thật dễ thương đó lại dễ dàng thay đổi như vậy.

Hồi mới về trên ấy, Nhung có gửi thư thường xuống cho Thúy. Nàng kể có những buổi chiều nhớ Thúy quá, nàng đi lang thang quanh hồ Than Thở và bây giờ thấy nhớ thành phố Sài Gòn kỳ lạ. Nhớ cả "người đẹp" Sài Gòn nữa. Cách đây ba bốn tháng gì đó, Nhung có gởi xuống cho Thúy một keo mứt mận. Rồi từ đó đến nay, không còn liên lạc gì hết. Trong thư gửi kèm theo với keo mứt, Nhung bảo nếu không có gì thay đổi vào phút chót, nàng sẽ về Sài Gòn ăn Tết với Thúy. Được tin ấy Thúy mừng quá, cứ mong cho mau đến Tết để được gặp người bạn thân nhất đời mình, dù chỉ mới một lần gặp gỡ. Nhưng mãi đến nay Nhung vẫn chưa về với Thúy, chắc là Nhung quên hẳn Thúy rồi chứ còn gì nữa. Thúy cũng chả cần, người ta đã quên mình rồi thì thôi, mình nhớ người ta làm gì. Thúy viết cho Nhung ba bốn lá thư rồi mà sao không thấy hồi âm. Những ngày đầu chờ đợi mong mỏi đã qua, sau đó là những giận hờn trách móc. Cuối cùng, một sự dửng dưng, tuyệt vọng. Không chờ đợi mà cũng chả giận hờn nữa. Chấm dứt bằng một tan vỡ như buổi đầu quen nhau do những cành hoa Ti gôn màu hồng, tượng trưng cho sự vỡ tan.

Phải mà, giữa Nhung và Thúy có một khoảng cách khá to. Nhà Nhung giàu, cha nàng là một công chức cao cấp, Nhung lại là con một nữa, thiếu gì tình thương, mọi người lại sẵn sàng chiều chuộng Nhung. Còn Thúy, Thúy là một đứa con gái tầm thường thôi, sống dưới một mái nhà nhỏ bé nghèo nàn nhưng cũng không phải là do ba má nàng làm chủ mà lại là nhà thuê của người ta. Ba Thúy làm thợ hồ, má Thúy bán chè khoai ngoài chợ. Trong xã hội này, người ta không chấp nhận những tình bạn chênh lệch quá như vậy. Nhung là một đỉnh núi cao tuyệt vời mà Thúy chỉ là một dòng sông nhỏ bé chảy quanh triền núi và không bao giờ leo lên tới đỉnh. Những con người mang mặc cảm thường làm nẩy sinh ra tự ái. Thúy phải có tự ái của mình chứ. Mình đâu thể cầu cạnh ở người khác để xin xỏ một chút tình thương. Thúy không muốn ai khinh khi mình hết. Trái lại nhiều khi Thúy cũng còn cảm thấy hãnh diện vì mình sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, chỉ có sự khổ cực mới tôi luyện nên một con người trưởng thành hoàn toàn. Nàng nhớ là mình đã đọc ở đâu đó một câu đại khái như thế này : "Người ta luôn luôn tìm thấy hạnh phúc trong sự bất hạnh". Nhiều lúc Thúy đã công nhận điều đó, nhưng cũng có khi nàng thấy nó chỉ có giá trị như một câu an ủi không hơn không kém.

Nhất là đối với hoàn cảnh gia đình nàng hiện thời. Ngôi nhà nàng đã bị cháy trong biến cố Mậu Thân do những ngộ nhận hay có chủ trương nàng cũng không thèm tìm hiểu làm gì. Người ta có thể nhân danh vì cái này, vì cái nọ để làm bất cứ việc gì mà người ta có thể làm được. Ai cũng hiểu điều đó nhưng không ai dám nói. Người chủ nhà được bồi thường một số vật liệu và tiền bạc tượng trưng không đủ để xây cất lại một căn nhà mới. Thế là họ có đủ lý do để tống cổ gia đình nàng đi nơi khác. Biết bao nhiêu đồ đạc nhất là sách vở của anh em nàng đã cháy, người ta không cần biết đến. Họ đã nhẫn tâm thiêu đốt tất cả những kỷ niệm đẹp nhất của đời nàng.

Bây giờ Thúy mới có dịp nhìn rõ gương mặt bạn bè. Tất cả đều dửng dưng khi hay tin nhà nàng bị cháy, hoặc tỏ vẻ sửng sốt trong vài giây phút rồi thôi. Như một viên sỏi ném xuống mặt ao tù, chỉ gợn một vài làn sóng lăn tăn rồi tất cả trở về với im lặng, thản nhiên và lạnh lùng.

Thúy càng nghĩ càng thấy mình bi quan hơn. Những ngày chạy loạn bỗng chốc hiện ra trước mặt Thúy như một cuốn phim. Nửa khuya mùng bốn rạng ngày mùng năm Tết, khi cả gia đình đang say trong giấc ngủ, bỗng nghe tiếng súng nổ vang rền... tạch... tạch... đùng ! tạch... tạch... đùng ! chéo... chéo ! vút ! vút ! nghe như sát bên tai, tưởng chừng như có thể bay mái nhà đi được. Thế là cả nhà thức giấc chun tuột xuống gầm giường lấy chiếu trải ra, mền ai nấy đắp trùm kín người lại làm như thể đạn không thể nào xuyên qua lớp giường và lớp mền ấy được, trông có vẻ khôi hài làm sao. Cứ mỗi lần Thúy hé mắt khỏi mền, nhìn ra ngoài thì lũ muỗi tha hồ đốt. Qua khung cửa sổ, Thúy thấy những đợt ánh sáng hỏa châu rực rỡ như ban ngày. Giá đừng có chiến tranh, giá để những trái hỏa châu đó thắp sáng những đêm Tết Việt Nam, cho trẻ em múa hát vui đùa thì còn gì thú vị bằng. Một loạt tiếng nổ vang lên nghe thật gần, cắt đứt luồng tư tưởng của Thúy. Nhưng nàng vẫn trằn trọc suốt đêm không thể nào ngủ được. Sau một đêm mất ngủ, sáng ra người nào người nấy mặt mũi bơ phờ trông như những người nghiện thuốc phiện.

Đài Phát thanh ra thông cáo giới nghiêm hăm bốn trên hăm bốn. Nhưng độ vài giờ sau có vài người lính vào bảo nhỏ bà con hãy gấp rút tản cư để phi cơ oanh tạc vùng này vì địch quân đã trà trộn vào. Mọi người bồng tống nhau đi. Những ai ở lại sẽ không được bảo đảm sanh mạng. Chiến tranh là thế đó. Mỗi người chỉ đem theo bên mình một hai bộ quần áo và vài ký gạo. Sách vở bút mực là những thứ xa xỉ trong thời buổi chiến tranh, đem theo làm gì. Thúy nhìn những chồng sách quí mà ứa nước mắt. Biết đem theo cái nào và để lại cái nào ? Thúy chỉ mang theo một xấp thư của Nhung, mấy cánh Pensée, Mimosa ép vào tập và vài tấm hình của mấy người bạn thân. Còn biết bao kỷ vật đã bỏ sót lại đó. Xấp tiền mới vừa được lì xì hôm mồng một Tết, để trong tủ quần áo Thúy cũng không nhớ mang theo.

Mọi người trong xóm đều dồn ra phố. Vào ngôi trường Tiểu Học T. tạm trú. Chín, mười gia đình, chiếm lấy một phòng, sống chung như một đại gia đình. Tiếng trẻ con khóc lóc, la hét chí chóe nhức óc quá. Đồ đạc chỉ được dọn đi một lần thôi, khi đã bước chân ra khỏi nhà không được quyền quay trở lại nữa. Những gì còn lại coi như cháy hết hoặc không cháy cũng coi như chẳng còn vì "đục nước béo cò" người ta lợi dụng thời cơ và tha hồ vơ vét.

Nơi tạm trú là một ngôi trường của Thiên Chúa giáo, hàng ngày các cha đem bánh mì, cá khô, gạo phân phát cho dân tị nạn. Thúy có cảm tưởng những ngày sống ở đây như ở trong nhà tù. Người ta đông như kiến cỏ, họ tranh nhau, chen lấn tìm cho được một khúc bánh mì với vài ba lon gạo, một con cá khô. Khi đã được ngần thứ ấy, đầu tóc đã bơ phờ, gương mặt hốc hác, mồ hôi chảy nhễ nhại, thấm đầy lưng đầy áo. Trong đời Thúy nàng chưa lần nào khổ sở đến như vậy. Có những hôm chen đến rách cả áo, cầm tờ khai gia đình đến sát bên dì phước thì gạo, cá, bánh mì đã hết sạch cả rồi, đành lủi thủi ra về, lòng tủi hổ vô cùng. Bấy giờ mình chả khác chi mấy người đi ăn xin, những kẻ sống đầu đường xó chợ. Gia tài còn lại chỉ là hai bàn tay trắng với mấy bộ quần áo chẳng lành lặn gì cho mấy. Trong thời buổi chiến tranh, ở các thành phố này nhân phẩm con người không còn gì nữa. Và mọi thứ đều đảo lộn hết. Có người hôm trước giàu sang phú quí, hôm sau không còn một đồng trong túi. Có kẻ hôm trước nghèo xơ xác, hôm sau trở nên triệu phú là thường.

Khi trở lại ngôi nhà cũ, tất cả chỉ còn là một đống tro tàn, gạch vụn chen chúc bên những miếng tôn cháy đen, cong queo. Thúy nhìn và khóc lúc nào không biết. Con heo mẹ nàng nuôi từ một năm nay chờ ra giêng bán đã bị thui chín. Nó nằm dưới tấm tôn đen dáng co quắp, đôi mắt nhắm nghiền, chết tự lúc nào. Vài xác chuột thối nằm rải rác đó đây... Má Thúy vừa nhìn vừa rưng rưng nước mắt. Ba không nói một lời nào. Bé Diễm chạy lăng xăng hỏi : "Nhà mình cháy rồi phải không chị Thúy ?" Thúy không đáp. "Ai đốt cháy nhà mình vậy ?"

- Đừng hỏi nữa bé ơi !

Thúy nghẹn ngào, nàng không muốn nói một lời nào nữa. Có ích gì đâu mà nói. Thôi ! Hãy chôn vùi dĩ vãng như đống tro kia đã lấp hết kỷ niệm của gia đình mình. Và bắt đầu trở lại bằng hai bàn tay trắng.

- Thôi, về đi các con ! Kẻo giới nghiêm bây giờ.

- Về đâu ba ?

- Thì trở về trường học chớ đi đâu nữa mà hỏi.

Ba chiếc bóng, hai lớn, một nhỏ lủi thủi bước đi. Mặt trời khuất dần, bỏ lại trên nền trời những đám mây nhuốm máu.

Thúy còn ngần ngừ, nàng chưa muốn cất bước. Bóng ba má, bé Diễm đã ra tới đầu ngõ. Thúy dõi mắt trông theo, nàng lấy khăn lau nước mắt, rồi uể oải bước đi trong ánh nắng chiều tà.
*
Thôi thế là hết, Nhung ơi ! Tình bạn của mình không còn nữa. Nhung là một đóa hoa hồng nhung kiêu sa, mình là loại cỏ dại. Nhung sống trong sự thương yêu tràn ngập của hai đấng sinh thành, với nhà lầu, xe hơi. Còn mình đâu có gì nữa. Ngôi nhà mà Nhung đến thăm đó, Nhung còn nhớ không ? Bây giờ đã cháy hết rồi. Người ta đuổi gia đình mình ra khỏi nơi đó để họ xây building cho Mỹ mướn. Họ cho gia đình mình mấy chục ngàn bạc gọi là để "bồi thường thiệt hại", họ đuổi khéo mình mà, Nhung biết không ?

Bây giờ gia đình mình vẫn còn sống tạm nơi ngôi trường Tiểu Học T. Trường học sắp khai giảng trở lại rồi. Người ta lại sắp đuổi mình đi nữa. Chẳng biết sống vào đâu đây ? Cả tuần nay má mình đến nhà bạn bè, bà con xin tá túc tạm, nhưng ai cũng từ chối. Người thì nói gia đình mình quá đông đảo, kẻ thì cho là nhà họ quá chật hẹp. Khi người ta không muốn giúp đỡ, mình năn nỉ cũng bằng thừa.

Bạn bè mình cũng chẳng hơn gì bạn bè ba má mình. Họ vờ thương xót mình cho có lệ rồi thôi. Họ nói vài câu tiếc rẻ để lấy lòng mình rồi đâu lại vào đấy. Bây giờ mình cảm thấy trơ trọi quá Nhung ơi !

Mình không còn tin ai nữa hết, ngay cả Nhung mình cũng chẳng hy vọng gì. Nhung có biết nhà mình bị cháy không ? Hôm trước Tết, mình đã viết cho Nhung ba bốn lá thư rồi, sao Nhung không trả lời ? Bây giờ thì thôi, mình không cần cầu xin Nhung nối lại tình bạn nữa. Nối lại làm gì khi mà khoảng cách quá xa vời. Mình không viết cho Nhung nữa đâu.

Có những đêm nằm trên nền xi măng giá lạnh của lớp học, mình bỗng hồi tưởng những chuỗi ngày tháng đã trôi qua, sống dưới mái nhà tuy nghèo nhưng không đến nỗi cực khổ như thế này.

Nhung ơi ? Nhung còn nhớ buổi chiều chúng mình mới quen nhau không ? Nhung có còn yêu loài hoa Tigôn ?... Hay tất cả dĩ vãng đó đã phai mờ trong ký ức Nhung rồi ?

Riêng mình, mình vẫn còn giữ những cánh hoa ép gởi từ nơi xứ lạnh, sương mù. Màu hoa Mimosa vàng, nhỏ li ti như chiếc bông tai, loài hoa Pensée tim tím nhớ nhung nhắc nhở mình nhớ tới người bạn thân nhất đời mình.

Nhung còn nhớ những chiều chúng mình đi dạo phố ? Mùa hè trời thường đổ cơn mưa bất thần. Những chiều gặp mưa, chỉ có một chiếc áo mà hai đứa, mình nhường cho Nhung. Nhung không chịu mặc và nhường lại cho mình, mình cũng không chịu, giằng co mãi. Cuối cùng hai đứa mặc chung một cái. Tuy mưa lạnh mà lòng thấy ấm vô cùng phải không Nhung ?

Bây giờ chắc Nhung đã quên mình rồi. Thôi ! Mình cũng chả cần. Mình phải có tự ái của mình chứ ! Những đứa càng nhiều mặc cảm thì càng nhiều tự ái phải không Nhung ?
*
Từ ngày nhà bị cháy đến nay đã hơn một tháng rồi và cũng từ đó Thúy không còn cắp sách đến trường nữa. Nàng đã thật sự chấm dứt lứa tuổi học trò hoa mộng để dấn thân vào cuộc sống mới đầy gian nan khổ sở. Sống là phải phấn đấu với mọi nghịch cảnh hàng ngày. Những chuỗi ngày hồng như một thứ lụa mỏng ấm êm đã bị đốt cháy. Cuộc đời bây giờ là ngõ cụt, đầy chông gai chắn lối. Cuộc đời, không phải là đóa hoa ngào ngạt hương thơm như dĩ vãng mà hiện tại đóa hoa đó đã kết trái rồi. Trái lại đắng như một viên thuốc độc.

Thúy khẽ mỉm cười với ý nghĩ chua chát đó. Nàng trả tiền rồi bước xuống xe, rẽ vào cổng trường Tiểu Học T. Chiếc xe lam tiếp tục chạy.

Thúy nhớ lại những lời mắng nhiếc của gã giám đốc khi chiều. Thật ra trong đời nàng chưa lần nào Thúy nghe những lời nặng nề đến thế. Có gì đâu, chiều nay khi gã bảo nàng tìm cái hồ sơ "đặt hàng" của bà N.T.X, nàng tìm hoài trong đống hồ sơ đựng trong tủ mà chẳng thấy đâu hết. Đến khi mở hộc bàn ra, nàng mới thấy nơi đó. Gã bảo Thúy : "Sao cô đần độn quá vậy ? Để một nơi mà tìm một nẻo". Nàng lặng thinh không nói. Giá như "ngày xưa" còn đi học, mỗi khi nghe thầy giáo mắng như vậy Thúy đã khóc òa lên rồi. Bây giờ khóc cũng vô ích thôi, có ai dỗ đâu. Gã còn mắng thêm những câu thật nặng nề, giọng gã gằn gằn, sắc bén vô cùng, nàng gục đầu xuống bàn, úp mặt trên đôi cánh tay... cho đến khi hết giờ.

Thúy vừa bước vào căn phòng tạm cư, mẹ nàng đang ngồi nói chuyện với một thiếu nữ, khoảng đôi mươi, bà chợt chỉ Thúy nói với thiếu nữ :

- Con Thúy đó !

Thiếu nữ đứng lên chào Thúy. Thúy khẽ gật đầu chào lại, rồi hai người cùng ngồi xuống chiếc băng học trò kê ở góc phòng. Thiếu nữ tự giới thiệu :

- Tôi là Hương, chị họ của Nhung ở Đà Lạt, cô còn nhớ Nhung chứ ?

- Nhung là bạn thân nhất của em sao không nhớ. Mà làm sao chị biết em ở đây mà tìm hay vậy ?

- Hè năm ngoái tôi có đưa Nhung đến nhà Thúy nhưng không vào. Dạo ấy Nhung tâm sự với tôi rất nhiều về Thúy. Tôi đến nhà cũ tìm, người ta chỉ đến đây.

- Bây giờ Nhung ở đâu hả chị ? Nhung vẫn nhớ em sao ?

- Làm sao Nhung quên được Thúy. Để từ từ tôi kể cho Thúy nghe.

Tôi ở Sài Gòn, nhưng năm nay về Đà Lạt ăn Tết, không ngờ biến cố Mậu Thân xảy ra, tôi bị kẹt trên đó, nhà Nhung cũng bị cháy trong vụ này. Ba má Nhung đều bình yên nhưng Nhung bị một quả bom do phi cơ ném gần chỗ nó. Bị thương nơi chân, Nhung ngã xuống bất tỉnh, người ta khiêng nó vào nhà thương và hiện còn đang nằm ở đó. Có lẽ sau nầy nó sẽ bị tật Thúy ạ.

Thúy chợt la lên :

- Trời ơi ! Vậy mà em cứ tưởng là Nhung giận em nên không thèm viết thư cho em nữa. Chị biết không ? Em viết cho Nhung ba bốn lá thư từ trước Tết mà chưa nhận được thư trả lời của Nhung.

- Nó không nhận được lá thư nào của Thúy cả ! À đây là lá thư của Nhung gửi cho Thúy, tội nghiệp Nhung, đêm nào nó cũng mơ thấy Thúy hết, nó mong Thúy lên, nhiều lúc nó nói dại như thế này : "Chị đánh điện tín gọi Thúy lên giùm em. Chắc em chết mất, em không thể sống trong sự tàn tật như thế này đâu". Tôi mắng nó : "Chớ nói dại, thế nào rồi em cũng lành bệnh mà". Nhung nó khóc hoài Thúy ạ, tội nghiệp nó ghê đi.

Hai hàng lệ từ từ chảy ra ở khóe mắt Thúy. Thúy đã khóc lúc nào nàng cũng không hay.

- Chị thấy tình cảnh em đó, nhà cháy rồi, em phải nghỉ học để đi làm... làm sao em lên với Nhung được hở chị ? Em ân hận quá chị ạ. Chắc hiểu tình cảnh của em, Nhung không giận em đâu chị nhỉ ?

Hương làm thinh, gương mặt nàng buồn như buổi chiều mùa đông đầy đặc sương mù. Hương khẽ thở dài, đôi mắt nàng chơm chớp... Thúy mở bao thư Nhung ra đọc vội vã :



Thúy ơi !

Nhung không nhớ là mình nằm đây tự lúc nào và trải qua bao nhiêu ngày rồi. Thúy cứ hỏi chị Hương của Nhung sẽ rõ, Nhung chẳng còn ý niệm gì về ngày tháng nữa hết. Bây giờ Nhung nằm đây với một bên chân bị thương, chắc bị mổ và Nhung sẽ mang tật suốt đời Thúy ơi.

Ba má và chị Hương đã khổ vì Nhung quá nhiều rồi. Nhung không muốn mọi người phải khổ vì Nhung nữa, bây giờ Nhung chỉ muốn chết thôi. Sống làm gì khi mình chỉ còn là kẻ ăn hại gia đình và làm khổ cho mọi người xung quanh hả Thúy.

Nhung muốn được gặp Thúy... Thúy ráng xin hai bác để lên với mình nhé. Mình mệt quá rồi. Viết cho Thúy mà mình phải nghỉ ba bốn lần cơ đấy. Thôi mình dừng đây nha Thúy. Mong được gặp Thúy.


Bạn của Thúy    
HỒNG NHUNG   

Đọc xong thư Nhung, Thúy nghẹn ngào, một lúc sau nàng mới thốt lên được :

- Vậy mà em đã nghi ngờ Nhung...

Rồi Thúy gục mặt vào đôi bàn tay, để cho những dòng lệ lặng lẽ tuôn rơi.

Hương khẽ thở dài. Má Thúy cũng khóc tự lúc nào...

______________________________________________________________________ 
Xem tiếp BÓNG RÂM

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>