Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Hương Vòng


Ông nội ngồi trên cái chõng tre kê ở hàng hiên, cái chân gà giơ ra trước mặt. Lông mày ông cau lại, đôi mắt nặng chĩu suy tư. Hai tay ông run run, ông săm soi cái chân gà hàng giờ, hình như ông có điều gì suy nghĩ và lo lắng dữ lắm. Ông nhắp một chút nước trà rồi tặc lưỡi, giọng ông đục đục buồn như buổi chiều tàn rũ trên sông:

- Quái lạ, khác hẳn những lần trước, có chuyện gì đây bà nó ạ.

Ông nhắp thêm ngụm trà nữa, chăm chú nhìn ngắm cái chân gà co quắp rồi cao giọng gọi bà nội:

- Bà nó đâu ra đây mau lên nào.

Bà nội từ dưới sân chậm rãi đi lên:

- Chuyện gì nào, ông không thấy tôi đang bận tíu tít đây sao? Ngày mai bố con nó đi lễ chùa mà ông.

- Thì bà lên đây đã nào, để chúng nó làm cho. Cháu nữa, Na lên đây ông bảo.

Ông nội xoa đầu Na, mắt ông đo đỏ, có lẽ vì men rượu:

- Sắp có chuyện lạ… cái chân gà cúng kỳ này làm sao ấy bà ạ. Mai bố con nó lên chùa cúng Phật phỏng, oản đúc xong chưa? Bà coi này lạ không cơ chứ!

Bà nội cười thật hiền, hàm răng đen hé nhỏ:

- Ối dào… tôi có biết gì ba quyển sách nho với chùm chân gà của ông đâu mà bàn.

Ông nội run run đặt cái chân gà xuống, mắt ông lim dim. Bà nội lặng lẽ dắt Na xuống sân để mặc ông với những suy tư tuổi già, với những quyển sách nho cũ nát, màu giấy vàng khè chi chít ngoằn ngoèo mực xạ đen.

Buổi sáng, khi mặt trời vừa ló dạng, màu hồng chan hòa túa ra trên vùng lúa non xanh, Na tung tăng theo bố đi lễ chùa. Cô bé hớn hở mặc áo mới, tay cầm bầu rượu có cột sợi tia đỏ phất phới. Bầu rượu giống y của đức Khổng Tử mà ông nội treo hình ở bàn thờ ấy. Anh Hớn đội mâm oản chậm rãi theo sau. Những khuôn oản bà nội đúc bằng nếp đầu mùa, nhuyễn và thơm phưng phức. Con gà giò chễm chệ nằm giữa mâm, mỏ hích lên ngậm một nụ hoa hồng, mà nội mới cắt trong vườn, cánh hoa mềm còn mướt sương đêm. Những khuôn oản thì đặt trên lá mít đã cắt tỉa gọn gàng.

Màu xanh lá mít, màu vàng mâm đồng, màu trắng ngần của nếp thơm đầu mùa làm mắt Na sáng rực lên, cô bé nuốt nước bọt chịu trận, vì cô bé biết đồ cúng không bao giờ được nếm trước cả.

- Bố à, gà béo vàng kìa bố, gớm nhiều mỡ ghê bố nhỉ, da nó loang loáng mỡ bố thấy không. Ngon phải biết bố nhỉ.

Bố cười xoa đầu Na:

- Chuyện! Cúng Phật bà nội chọn con gà giò mập nhất đàn cơ mà, chắc con bố thèm lắm nhỉ.

Cô bé nũng nịu nguýt bố:

- Hừ, bố làm như con tham ăn lắm ấy, chả thèm chơi với bố nữa đâu.

- Con bố khó ghê, cho bố xin đi, mai bố đi rồi, con giận bố thì buồn lắm đấy.

Na ngước nhìn bố, tóc bố hơi dài lòa xòa che bờ vừng trán phiền sầu. Mắt bố buồn mênh mông như chiều nào mưa rụng trên sông. Da bố đen đen nên trông bố có vẻ phong sương lạ. Cô bé dặc dặc tay bố:

- Tại sao bố hay đi thế? Sao bố không về ở bên kia với mẹ?

Bố vẫn cười trước những câu hỏi dồn dập của Na.

- Làm sao con hiểu nổi, chỉ cần biết bố thương con nhất đời, vậy chưa đủ sao con?

Ngôi chùa hiện ra trước mặt ba người. Chùa nằm lưng chừng đồi, giữa một vùng cây cối um tùm. Ngói đỏ ủ kín trong rêu phong tháng ngày. Cong cong những đường nét Đông phương trầm mặc. Tất cả u ẩn và lặng lẽ như rủ nhau về đây nghiêng hồn trong gió hạ mênh mang.

Trời mùa hạ trong xanh và cao vòi vọi. Mái chùa ngự trên đồi cao như im lìm chờ đợi. Đường lên chùa thoai thoải dốc, hai bên là những bụi trúc vàng lào xào, những cây hoa dại nở đầy hoa trắng tỏa hương thơm nhè nhẹ, ngọt ngào như mộng lúa trải dài dưới kia.

Anh Hớn vẫn lễ mễ đội mâm oản lễ Phật, Na vẫn thỏ thẻ kể lể trăm thứ chuyện cho bố nghe:

- Mẹ con hay thở dài lắm cơ bố, nhất là mỗi khi con hỏi chuyện về bố. Mẹ con ít nói ghê bố nhỉ.

Bố chớp mắt:

- Tính mẹ con vẫn thế, mà con đừng làm mẹ con buồn nghe không? Bố giận bố không về nữa đâu.

Cô bé phụng phịu, nắng nhuộm thêm màu hồng trên đôi má căng sữa, nắng tặng thêm xanh cho tròng mắt ngây thơ:

- Bố không về thì con cứ khóc mãi đến khi nào bố về mới thôi. Cả bố cả mẹ đều không cho con hỏi, con lớn rồi chứ bộ. Con biết đọc biết viết lâu lâu đấy thôi. Mẹ dạy con học mỗi ngày, và mỗi ngày con đều nhớ bố hết.

Bố có vẻ xúc động, nhìn Na thật lâu, rồi quay đi thở dài. Trẻ con mau quên; cô bé lại ríu rít như con chim bé nhỏ:

- Chùa làng mình đẹp quá đi bố, con thích đi lễ chùa lắm cơ, bố xa làng bố có nhớ chùa không hả bố?

Bố gật đầu:

- Nhớ chứ con.

- Nhớ thế nào hả bố? Nhiều không?

- Nhớ như nhớ con vậy mà, con chó lí lắc quá.

Họ bước vào cổng chùa, sân chùa lát gạch Bát tràng. Vườn chè xanh mát bên cạnh. Cô bé dướn người như muốn hít đầy ngực không khí trong sạch và trang nghiêm nơi đây.

Sư cụ mặc áo nâu sòng, tay lần chuỗi Bồ đề láng bóng vì năm tháng, chậm rãi đi ra. Sư cụ nghiêng người:

- Nam ô A di đà Phật, bần đạo rất mừng được gặp lại thầy giáo.

Bố vòng tay đáp lễ rồi theo sư cụ vào chùa. Anh Hớn đội mâm cỗ vào tận sau chùa. Sư cụ gõ mõ tụng kinh giữa vùng trầm hương nghi ngút bay. Mùi trầm ngào ngạt tòa hương thơm khắp chùa, ánh nến mờ mờ, cuộc đời như dừng lại ngoài kia. Ở đây chỉ còn những bâng khuâng dịu vợi, những ngất ngây siêu thoát. Đôi mắt Đức Phật chìm trong màu sáng lung linh của những hàng nến đỏ, như đang suy tư giữa những vòng hương quyện bay mùi thiền.

Những hàng cột bằng gỗ lim chạm trổ tỉ mỉ đứng im lìm như trầm tư suy tưởng.

Tiếng mỏ đều đều, tiếng chuông ngân vang trong không khí tịch mịch vắng lặng của một ngày hè êm ả nơi thôn dã, khiến tâm hồn người cha lâng lâng theo từng đợt khói trầm tỏa rộng. Lòng ông mềm lại, tay ông ấm trên bờ vai cô gái nhỏ. Mắt ông buồn thăm thẳm. Cả một cuộc đời sôi nổi gian lao ập tràn, vây bủa lấy hồn ông.

Ông nhìn con mình chắp tay thành kính, lòng ông lao xao niềm yêu thương xót xa. Không khí yên lặng, nên hương trầm thêm thơm, nên lòng ông thêm dạt dào rung động.

Na ngước mắt nhìn bố. Sư cụ đứng lên, dịu dàng đặt tay lên đầu cô bé. Bàn tay nhăn nheo run run trên tóc mun đen nhánh. Chuông chùa ngân vang rồi tan loãng cùng cây cỏ ruộng đồng. Cô bé theo Sư cụ và bố xuống nhà trai dùng tuần trà theo thói quen của bố.

Uống trà tàu đàm đạo với Sư cụ là thói quen bố Na không bao giờ quên mỗi lần về làng.

Nghe bố và ông nội nói chỉ có trà của Sư cụ là ngon nhất phủ này thôi. Mà phải pha bằng nước trong vắt của chùa nữa cơ.

Chùa xây trên đồi cao, vậy mà có một cái giếng quí, nước trong văn vắt và ngọt mát như nước suối trong của khu rừng vắng lặng. Thỉnh thoảng, cụ Phủ, ông nội bé Na vẫn bắt người nhà lên tận chùa xin nước giếng về, để pha trà mỗi lần có trà ngon khách quí.

Sư cụ chuyên nước vừa sôi già vào ấm. Chén Tổng chén Quân được chú tiểu trang trọng mang ra. Sư cụ và bố vừa nhắp trà vừa say sưa trò chuyện.

Na đòi anh Hớn dẫn ra vườn chè chơi, bỏ lại sau mùi trà thoang thoảng bay, nét mặt Sư cụ phiêu diêu siêu thoát, nét mặt bố trầm ngâm sau hương trà ươm màu tưởng nhớ, những ngày vùng vẫy xưa. Cô bé nghe loáng thoáng lời bố tâm sự với Sư cụ:

- Thời cuộc đen tối lắm bạch sư cụ.

- Kháng chiến, chống ngoại bang, lẩn trốn, giam cầm.

Na không hiểu nổi. Cô bé tung tăng chạy nhảy trong vườn chè nhà chùa. Anh Hớn cất tiếng hát, anh hát thật hay, giọng ấm và nồng nàn. Cô bé ngồi trên cành chè hai chân đu đưa. Anh Hớn mồ côi cả cha lẫn mẹ, bà nội thương anh lắm, nhưng anh vẫn hay buồn, mỗi khi buồn anh lại cất tiếng hát.

Tiếng hát của anh Hớn tan trong nương chè, cô bé khe khẽ hát theo, xa xa khói vương nhẹ mơ hồ, “nhà ai thổi cơm mà sớm thế anh Hớn nhỉ” cô bé dịu dàng nói với anh.

Tiếng bố gọi âm vang ngoài sân chùa. Cô bé nhảy như sáo trên con đường làng lát gạch màu nâu non. Nắng đã lên cao, nhảy múa qua những rặng tre xanh, trán Na lấm tấm mồ hôi, bố ngắt một cánh hoa dại tim tím bên lề đường đưa cho Na. Màu tím buồn rưng rức và hoang vu như đôi mắt của mẹ mỗi khi cô bé nhắc đến bố.

Bố đưa Na về tận nhà, bố đứng sau hàng giậu thưa trìu mến nhìn cô bé ríu rít bước chân chim, cô bé quay lại miệng nhoẻn cười giơ tay vẫy bố:

- Chiều con qua bố nhé, bố để phần xôi cho con nghe bố.

Khi dáng dấp tung tăng đáng yêu ấy khuất sau vòm cổng gạch, người đàn ông thở dài, buông nhẹ cánh hoa dại rơi lả tả trên con đường lát gạch. Đôi mắt sâu thẳm ngập ngừng quay đi.

*

Buổi tối Na ngồi với mẹ ở sân gạch. Mẹ sàng gạo dưới ánh sáng  đêm trăng mùa hạ vằng vặc soi bóng. Xa xa tiếng chó sủa gọi nhau. Na nghịch những hạt gạo tám thơm trắng ngần tung tóe trên nia – Tóc mẹ đen, đôi mắt sáng long lanh. Nụ cười của mẹ dịu dàng như hoa nở ướp sương. Mẹ mặc áo phin trắng, tóc vấn trần phảng phất mùi bồ kết thơm thơm. Na thương mẹ quá đi mất.

- Mẹ ơi, sao mẹ hay buồn thế? Ngày mai bố con lại đi rồi đó, mẹ biết không? Con thích gần bố gần mẹ mãi mãi như cái Nhớn cái Tâm con bác Cả mẹ ạ.

- Mỗi người một cảnh chứ, con gái của mẹ làm nũng quá, cả ngày hôm nay con gần bố bên nội chưa đủ sao con?

Na lắc đầu, mái tóc mun đen xao động dưới ánh trăng loang loáng màu bạc:

- Thấm vào đâu mẹ, cái Nhớn cái tâm nó ở gần bố nó cả ngày cả đêm, cả tháng cơ mà.

- Giời ơi, thế con không thương mẹ, không thích ở với mẹ hay sao mà con nhắc bố không vậy.

- Con thương mẹ chứ, thương thật nhiều! – Nhưng sao nhà mình kỳ quá vậy mẹ? Sao bố không về bên này với mẹ với ngoại? Mẹ nói cho con nghe đi, con giận mẹ bây giờ, con không đi ngủ nữa đâu, con ra vườn con chơi một mình con chả ngủ với mẹ nữa.

Người mẹ lắc đầu thở dài, tiếng thở dài khe khẽ trong đêm, bà ngừng tay sàng gạo vuốt tóc con, nước mắt ngập ngừng viền quanh mi. 


Na ngơ ngác nhìn mẹ, rồi cô bé cũng buồn vu vơ. Mẹ ngồi đó lặng lờ như hình bóng, bao nhiêu lần rồi, hễ bố về, mẹ cho Na sang bố chơi, để rồi sau đó mẹ u uất buồn bã, mấy ngày liền không nói. Cô bé tức ghê, nhất định phải hỏi cho ra lẽ.

Na đứng lên, nhè nhẹ rời mẹ, Na lang thang trong vườn. Cô bé giận mẹ ghê, kệ cho ma bắt đi cũng được, mẹ cứ giấu quanh giấu quẩn mãi.

Na trèo lên cây bưởi, hoa bưởi nở trắng xóa một vùng lá xanh. Mùi thơm hoa bưởi thật dịu thật nồng. Cô bé thích hoa bưởi lắm cơ. Không hiểu sao cô bé cứ nghĩ chỉ ở bên ta mới có hoa bưởi thôi. Bên tây làm gì có. Như Xuân Diệu vẫn nghĩ… “Mùa Thu là ở bên tàu, mùa Thu cũng đồng một quê quán với nàng Tây Thi quá xưa cho nên quá đẹp. Không ai nỡ tưởng tượng nàng Tây Thi với má hồng môi son, mà chỉ cảm nàng Tây Thi như một áng mơ không màu sắc”…

Bài tập đọc mẹ dạy cô bé đấy, cô bé ngồi vắt vẻo trên cây bưởi bi bô đọc lại. Mẹ Na học giỏi lắm cơ, đỗ đíp-lôm tận Hà nội cơ mà.

- Na ơi! Đi ngủ con, khuya rồi đấy, khéo ngã.

- Không, con ngủ trên cây mà, con không ngủ với mẹ nữa đâu, mẹ coi con là con nít mãi con giận mẹ, giận bố, con biết hết rồi mẹ còn giấu con, con buông tay cho ngã đây này.

- Xuống đi con, mẹ thương đừng bướng chứ.

- Không, mẹ kể hết con mới xuống, con biết rồi, mà con muốn nghe mẹ kể cơ.

Người mẹ lại thở dài, không biết nghĩ sao bà nâng niu một chum hoa bưởi trắng ngào ngạt hương thơm rồi dịu dàng hứa:

- Ừ, mẹ sẽ kể hết, xuống đi con kẻo rụng hết hoa bưởi của mẹ.

- Nhá mẹ kể nhá, mẹ đừng dối con nghe không.

Cô bé tụt xuống nũng nịu để mẹ vòng tay ôm bờ vai nhỏ bé dìu ngồi dưới gốc bưởi. Hoa bưởi trăng trắng rụng đầy trên cỏ xanh. Hai mẹ con dựa vào nhau dưới tàn cây bưởi tỏa rộng. Mùi thơm tỏa ngất ngây trong gió hè hiu hắt.

Giọng mẹ đều đều và xa vắng ; Nạ dựa đầu vào ngực mẹ, ngước mắt nhìn những vì sao lấp lánh trên nền trời thăm thẳm. Trăng thật lạnh và sao thật buồn. Buồn như khuôn mặt mẹ lạnh sầu dưới trăng.

- Bố con đi kháng chiến. Bố con lưu lạc khắp nơi, những đêm ngủ đò lênh đênh trên sông, những chiều băng rừng vượt biên giới để hoạt động chống Pháp. Có những chiều mưa sập sùi bố con ngồi trong một cái quán tre xiêu vẹo nghĩ thương vận nước điêu linh. Cuộc đời tuổi trẻ của bố con là những ngày đầy gian lao nguy hiểm. Lúc đó mẹ đang học ở Hà nội, ông bà ngoại gửi mẹ vào nội trú của bà Phước.

- À, con nhớ rồi bố giống như Dũng trong truyện Đôi Bạn mẹ dạy con tập giảng văn chứ gì. Còn mẹ, mẹ là chị Loan lang thang nhớ Dũng trên con đê Yên phụ phải không mẹ?

- Giỏi, con mẹ giỏi lắm, để mẹ kể tiếp nghe. Mẹ gặp bố con. Mẹ và bố thương nhau. Mẹ cảm phục cuộc đời đầy lý tưởng của bố con, mẹ yêu thương bố con không tính toán, quên đi sự khe khắt sẵn có của gia đình mẹ. Bố con có một cuộc sống đầy bí mật và không kém hào hùng, chợt đến chợt đi như cánh chim. Mẹ cảm cuộc sống ấy, như thương cánh chim bằng chim vạn bay cao ngút ngàn vùng vẫy chốn sa mạc để chết đi không một tiếng vang.

Na nhìn mẹ say sưa kể lể, giọng cô bé ngọt ngào:

- Con cũng phục bố nữa mẹ ạ, bố oai oai là mẹ nhỉ, bố cái Nhớn đâu có oai bằng bố con.

Mẹ cười nhè nhẹ:

- Một năm sau bố mẹ làm lễ cưới trước một bàn thờ đơn sơ ở trại Đồng Lá. Mẹ cảm xúc quá không nhớ đó là bàn thờ Tổ tiên hay bàn thờ Tổ quốc nữa con ạ. Một lễ cưới của kẻ làm Cách mạng vài chục bạn thân cùng chí hướng, trang nghiêm và thầm lặng vô cùng.

Cô bé sáng rực đôi mắt thơ long lanh:

- Vui quá mẹ nhỉ, chắc không có lễ Tơ hồng hả mẹ? Con cũng thích nữa.

Người mẹ tát yêu má con:

- Con bé này… một tuần sau bố con vượt biên giới Lào-Việt với một công tác rất quan trọng. Mẹ trở về nhà sống bên ông bà ngoại, vì mẹ vừa thi đỗ xong. Mẹ không dám hé môi cho ông bà ngoại con rõ mẹ đã lấy chồng một cách quá mới mẻ. Ông ngoại đã già yếu lắm rồi, mẹ không nỡ làm ông buồn lòng. Mẹ là con gái út của ông bà ngoại, là niềm vui duy nhất lúc tuổi già xế bóng. Mẹ âm thầm chờ đợi bố con.

Na tò mò hỏi:

- Sao bố mẹ không làm thêm lễ cưới ở làng nữa?

- Ông ngoại con là một ông quan về hưu, ông không bao giờ chấp nhận bố con làm rể, vì bố con sống như một tên lãng tử nay đây mai đó, trắng tay không sự nghiệp. Mẹ lo lắng quá, ông bà ngoại vẫn tin tưởng mẹ, cô con gái ngoan hiền. Mẹ đã phải thú thật với ông bà ngoại nhưng ông bà ngoại nhất định không nhìn nhận bố con.

Bố con thỉnh thoảng từ khu kháng chiến về thăm mẹ, nhưng không được lai vãng nhà ngoại.

Vì thế mỗi lần bố con về, mẹ phải cho con qua bên ấy chơi để bố con hủ hỉ với nhau, bố con thương con lắm đấy.

Đời bố con gian khổ đã nhiều, bây giờ có lẽ chỉ có con là nguồn vui duy nhất của bố cũng như của mẹ.

Hoa bưởi rụng lả tả, tóc mẹ xõa dài như mặt giòng suối ướp đầy hương yêu.

Mẹ thở dài:

- Thôi khuya rồi vào nghỉ đi con, ngày xưa bố mẹ cũng yêu hoa bưởi lắm, bố con thường rắc hoa bưởi trên tóc mẹ và bảo rằng đẹp hơn kim cương trên tóc Hoàng hậu nữa cơ.

*

Rồi một chiều bố đột ngột về làng, bố mặc áo đen, bố lặng lẽ đi dạo trong vườn nhà nội với Na, khuôn mặt bố trầm lặng như một đêm trời không trăng sao. Bố dắt Na đi dạo hàng giờ mà không nói gì cả. Bố quì xuống giữa những luống cải vàng nâng mặt cô bé lên, bố đặt nhẹ chiếc hôn trên đài trán ngây thơ mịn màng của Na rồi bố đeo cho cô bé một sợi dây chuyền vàng nhỏ xíu.

- Của con, bố cho con đấy đừng làm mất nghe con gái của bố.

Bố dắt Na lên chùa, cô bé hớn hở đi cạnh bố. Ngày sắp tàn, cảnh chùa càng vắng lặng và mênh mang thêm. Giữa những vòng hương nghi ngút, lòng cô bé lâng lâng êm ái. Vẫn Sư cụ với những tách trà tỏa hương sen tinh khiết. Vẫn tượng Phật với nét trầm ngâm ngàn đời suy tưởng. Cô bé chắp tay cầu nguyện cho bố mẹ yêu thương.

Sau đó Sư cụ, bố và Na đứng ngắm cảnh ngày tàn trước sân chùa. Nương chè thoai thoải trải đều, lóng lánh ánh vàng của trời chiều trên lá cây xanh.

Gió bỗng lao xao dồn về, bụi đất mù mịt trên con dốc đổ. Giữa vùng trời xám nhạt, màu đỏ túa ra sau đỉnh núi như những tia máu hồng. Na rùng mình cầm lấy tay bố. Bố đăm đăm nhìn một chiếc lá xanh lìa cành lăn lông lốc trong cơn gió lạ.

Bỗng nhiên từ con dốc lên chùa, một nhóm người xăm xăm đi lên. Bố đứng lên nói với sư cụ giọng bố chùng hẳn xuống:

- Vĩnh biệt sư cụ – có lẽ tôi nguy.

Sư cụ chắp tay, chuỗi bồ đề run run. Bố vụt chạy, sư cụ nắm chặt tay Na, cô bé òa khóc đòi theo bố sư cụ vẫn đứng im như tượng đá, bàn tay nhăn nheo giữ chặt cánh tay non dại của cô bé.

Bố chạy như lao người trên sườn đồi, bọn người săn đuổi bố túa ra khắp nơi đón đường bố chạy. Áo đen của bố lao chao trong đôi mắt mờ lệ của cô bé.

Một con dao phóng tới, bố gục ngã. Cô bé ôm mặt gục đầu vào lòng vị sư già.

- Nam mô A di đà Phật…

Từ từ đôi giòng lệ ngắn lăn trên khuôn mặt từ bi của sư cụ.

Cô bé mở choàng đôi mắt long lanh. Cô bé không khóc được nữa. Lòng cô bé trắng xóa như mây trôi trên cao. Cô bé đứng đó mà như chết, nhìn bố lảo đảo, áo đen nhuộm máu đỏ đi giữa bọn người đuổi bắt bố – Thế là họ dắt bố đi. Con đường có trúc vàng lao xao, có hoa dại nở đầy trắng xóa. Màu áo đen của bố dâng lên, dâng lên, màu đỏ của máu, màu vàng chết rũ của ngày tàn. Cô bé ngất lịm trong vòng tay già nua của sư cụ, môi còn mấp máy:

- Bố ơi! Bố ơi!

*

Từ đó không bao giờ bố trở về làng để dẫn Na đi lễ chùa nữa. Cô bé đỏ mắt ngóng trông bố về. Một ngày một tháng một năm – Chiều chiều cô bé ngó mông ra cánh đồng, nhìn ngôi chùa sừng sững trên đồi cao. Cô bé run lên, nước mắt lặng lẽ trào ra như con suối nhỏ khóc thầm trong khu rừng hoang vắng.

Mãi mãi Na không nguôi quên hình ảnh người bố cô đơn đến vô cùng của nó.

Dáng dấp cao cao, nghiêng sầu của bố in hình trên nền trời tưởng nhớ. Tóc bố bồng bềnh dưới trời khuya. Đôi mắt Na mờ mờ, Na thương bố nghẹn ngào. Hình ảnh bố lảo đảo đi giữa nhóm người đuổi bắt ngày nào hiện ra trước mắt Na. Ngôi chùa mái ngói đỏ rêu phong trở thành thánh địa ghi dấu kỷ niệm cuối cùng của bố con Na. Một đời hăng say vì lý tưởng, một đời lặn lội cho quê hương. Bố ra đi thật âm thầm chua xót, như hình ảnh một người hùng cô đơn.

Na đứng dựa lưng vào gốc bưởi, hoa bưởi rụng rơi trên tóc Na, thơm thơm mùi thương nhớ. Khuôn mặt phảng phất nét u sầu mờ chìm trong bóng chiều nhòa nhạt. Mẹ đi ra khe khẽ thở dài.

- Vào nhà đi con, kẻo sương xuống lại bị cảm đấy! À, con có biết mai là ngày gì không Na?

Gió hiu hiu thồi, Na trìu mến nhìn mẹ, thấp thoáng bố về lung linh trong bóng mây:

- Làm sao con quên được, mai ngày rằm mẹ nhỉ, mau ghê, mới đó mà… con mới mua được cái này để cúng Phật quí lắm cơ mẹ.

- Gì đó con? Mẹ cũng sửa soạn xong cả rồi mai mẹ con mình đi lễ chùa nhé.

- Hương vòng mẹ ạ.

Mẹ chớp hàng mi sầu muộn:

- Ngày xưa bố con thích mùi hoa bưởi và mùi hương vòng lắm – kìa tóc con đầy hoa bưởi đó Na.


LỆ HẰNG     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 152, ra ngày 1-5-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>