- Má, gần tết rồi má.
- Chưa sơn nhà má.
- Chưa làm mứt má.
- Chưa may đồ má.
Chúng tôi nhao nhao tấn công
má. Bà cười với ba tôi:
- Đó, ông coi lũ con ông.
- Chúng đòi hỏi hợp lý chớ
bộ.
- Hợp lý, lúc nào cha con
ông cũng một phe mà.
Nói xong má tôi đùng đùng bỏ
vào bếp. Bảy cái mồm chúng tôi reo lên một lượt:
- Một không! Má thua ba rồi.
- Hoan hô ba.
- Hoan hô.
Ba chúng tôi đang chễm chệ
trên ghế đẩu, nhìn theo má tôi cười một mình. Chợt ông quay sang tôi:
- Thảo đi lấy tờ giấy với
cây viết coi.
Tôi mang giấy viết ra ngồi
cạnh ba. Ông la lên:
- Không được, xuống ván
ngồi… Tao không thích bị làm áp lực.
Ô! Hôm nay chắc ba tôi có
quyết định gì quan trọng đây. Tôi lấy cái ghế đẩu lật nằm xuống đất xong an tọa
lên đó:
- Viết gì đây ba?
- Khoan, để biểu quyết đã.
Thế nào, bắt đầu là con Thu thằng Sơn, con Tuyết cho đến con Ánh, tụi bây thích
ăn mứt gì?
- Mứt me ba.
- Mứt sen ba.
- Thèo lèo cứt chuột nữa ba.
- …
Sau cùng thì đủ các thứ mứt
đều được tụi nó kê khai. Ba tôi phán:
- Thảo ghi vào mỗi thứ một
ký. Ánh, con tính coi phải mất bao nhiêu tiền, bao nhiêu nhân công để thực
hiện.
Chị Ánh tính tiền từ thứ,
nhân công từ thứ. Tôi ghi vào, cộng lại rồi trình lên:
- Thưa ba, thưa chị Ánh,
thưa anh Hùng, thưa tàn thể lũ con nít, tổng số tiền dự chi để làm mứt là ba
ngàn đồng Việt Nam, và công việc cần bảy người từ bốn đến mười tám tuổi làm
trong mười ngày.
- Ải ải, không được, thưa
ba…
- Thưa ba…
- Thưa ba…
- Từ từ, con Thu nhỏ nhất
nói trước.
- Con âu ó iết àm ba, con ổng
èm âu.
Cả nhà cười bò ra vì cái
giọng ngọng nghịu của Thu. Ba tôi cười:
- Đúng, đúng, phải miễn công
tác cho con gái cưng của ba. Rồi, thằng Sơn.
- Con cũng không biết làm
ba.
- Không được, mày lớn rồi
phải tập cho quen, cứ con Ánh sai gì thì làm nấy là được. Rồi, Tuyết, nói đi,
có phản đối gì không?
Tuyết buồn thiu đáp “không”,
vì nó biết không có lý do để từ chối công tác. Tiếp theo thì con Hà và tôi cũng
đành miễn cưỡng chuẩn y việc giao phó của chị Ánh. Tới phiên anh Hùng, đang
ngồi ở góc ván anh đứng dậy trịnh trọng nói:
- Thưa ba, thưa ba, thưa ba,
con thiết nghĩ phải thưa ba ba lần để ba chú ý. Việc phân chia công tác cũng
như việc định số tiền dự chi con thấy có nhiều điều vô lý. Trước hết, thưa ba, thưa ba, thưa ba, ba có bao giờ
phụ tá bếp núc cho má chưa mà ba bảo tụi con trai tụi con phải lăn vào bếp? Con
thiết nghĩ, nam nhi chi chí là phải để làm những việc quan trọng chứ đâu phải
để ngửi mùi hành ớt. Hơn nữa, tết đâu phải chỉ ăn mà còn phải trang hoàng nhà
cửa, thế mà than ôi! Nhà chưa sơn, sân chưa dọn mà ba là một vị chỉ huy tài ba
lẽ nào lại bảo con và Sơn vào bếp (anh xuống giọng). Điều thứ hai là (anh đột
ngột la lớn) thưa ba, hình như có âm mưu tham nhũng… tại sao làm có tám ký mứt
mà phải tốn đến mười ký đường? Thưa ba, ý kiến con đến đây là hết. Và trong khi
chờ đợi sự phán xét công minh của ba, xin ba nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa
của con.
Anh ngồi xuống bó gối nhìn
ba. Anh vẫn được khen là có tài ăn nói, sau này có thể học làm thầy cãi được.
Ba tôi suy nghĩ một chút:
- Có đứa nào phản đối lời
thằng Hùng không?
- Thưa ba, con xin phản
kháng lời vu cáo vô căn cứ của Hùng rằng có âm mưu toan tham nhũng.
- Nhưng tại sao chỉ cần tám
ký mứt lại phải có mười ký đường? – Ba tôi ngẩn ngơ hỏi.
- Phải cần như thế, con
không biết tại sao, con chỉ biết phải cần như thế.
Anh Hùng đứng dậy:
- Ba cho con nói.
- Ừ, nói đi.
- Theo vật lý học, đường là
một chất dắn không bay hơi, vậy tại sao đường biến đi?
- Tôi không cần biết đến vật
lý học của cậu, tôi chỉ biết làm mứt. Chịu tôi làm, không chịu thì thôi, nhịn
đi.
Chị Ánh sắp khóc. Ba tôi gõ
gõ lên bàn:
- Im, im hết. Thằng Hùng,
mày là con trai, biết gì chuyện mứt mà nói. Nhưng con Ánh phải hỏi lại má cho
đàng hoàng đó. Bây giờ thì thằng Hùng và Sơn được miễn công tác bếp núc, nhưng
phải làm cỏ, suốt lá mai và sơn nhà.
- Con biết gì mà sơn ba!
Con Tuyết la lên:
- Sao không biết? Tên mày là
Sơn mờ.
- Ơ! Ơ! Ba bảo Sơn là núi
chớ bộ sơn là quẹt quẹt dầu sơn đó hả?
- Tao không biết, tao chỉ biết
Sơn là sơn thôi.
- Thôi, con Hà im. Thằng
Sơn, mày quậy dầu sơn với lại xách thùng lấy ghế cho thằng Hùng. Còn gì nữa
hết?
- Còn may đồ ba.
- Rồi, ghi đi Thảo. Đứa nào
muốn gì nói đi. Nhớ, chỉ mỗi đứa một bộ thôi nghe!
Được cho phép, chúng tôi vội
vàng chọn những món đồ mình mơ ước. Chị Ánh cái áo dài soie vừa tiền vải vừa
tiền công đến ba ngàn đồng, anh Hùng một bộ đồ và một đôi giày đến mười ngàn
đồng, tôi một chiếc áo dài thường thường cũng hết hai ngàn rồi, còn đám nhỏ đứa
nào cũng đòi đồ tốt. Có lẽ trong phút chốc chúng tôi cùng quên rằng ba tôi chỉ
là một cựu chiến binh “kiêm” nghề thợ mộc.
- Tổng cộng bao nhiêu, Thảo?
- Hai mươi hai ngàn ba trăm
sáu mươi lăm đồng – Tôi run giọng đáp vì chợt nhận ra số tiền quá lớn so với
lợi tức của gia đình tôi.
Ba tôi ngạc nhiên cùng cực:
- Hả?
- Hai mươi hai ngàn ba trăm
sáu mươi lăm đồng, ba – tôi dõng dạc đáp.
- Thôi, chuyện quần áo nhiều
quá không được, phải xét lại và hỏi ý kiến má bây.
Chúng tôi vùng lên cười. Anh
Hùng tuyên bố:
- Một đều! Ba thua má, bất
chiến tự nhiên thành. Hoan hô má.
- Hoan hô.
*
Chiều hôm nay là chiều thứ
bảy nên bọn tôi vui như tết. Chiều thứ bảy nào cũng vậy, từ chỗ làm ra ba tôi
ghé chợ, khi thì mua bánh ngọt, khi thì mua trái cây. Tuần nào có tiền nhiều ba
mua măng cụt, chôm chôm hay vải hộp. Tuần nào có ít tiền hơn ba mua kẹo
chocolat hay rau câu về cho chị Ánh nấu. Chưa bao giờ chúng tôi không có bánh
vào chiều thứ bảy. Ba tôi làm ở một trại cây cách nhà hơn năm cây số. Cứ sáng
sáng ba đi, chiều ba về, trưa ăn cơm nhà chủ. Ba rất giỏi, bất kỳ là làm tủ,
làm bàn, làm ván ba đều biết hết nên suốt năm ba không hề phải ở không. Số tiền
công thì hàng ngày ba kiếm được trên dưới một ngàn. Bao nhiêu đó cộng với số
tiền má tôi buôn bán cũng vừa đủ cho cả nhà sống không đến nỗi khắc khổ. Trong
cuộc đời, việc làm ba ân hận nhất là chị Ánh đã phải bỏ học khi vừa học xong
bậc tiểu học. Ngày đó ba đi lính, má tản cư, tiền bạc thiếu thốn, con lại đông
nên đành phải để chị Ánh nghỉ học giúp việc nhà. Bây giờ chị Ánh giúp má làm
bánh bán và săn sóc bọn tôi. Sống với bọn em quỉ quái dần dần chị cũng lây tính
nghịch ngợm. Để đền bù lại phần nào sự bất hạnh của chị, ba tôi chia thời dụng
biểu bắt chúng tôi làm việc phụ để chị có thì giờ đọc sách và học sinh ngữ với
anh Thư. Gì chứ dạy chị Ánh học thì anh Thư khoái nhất và chị Ánh cũng thích
không kém khi học với anh Thư. Năm nay nếu thi đậu tú tài hai, anh Thư phải đi
Saigon học, không biết ai dạy chị Ánh. Tôi phục và mến anh Thư lắm, anh rất
chìu bọn tôi chứ không như anh Hùng, và anh học giỏi nữa. Anh đọc được cuốn
sách chữ Pháp dày cộm trong khi giáo sư sinh ngữ tôi nói học trò quận lỵ đậu tú
tài hai chưa viết suôn được một câu chữ Pháp, chữ Anh.
- Ba dìa, ba dìa.
Chúng tôi reo lên, chạy ào
ra, nhưng tôi bỗng khựng lại. Ba tôi chỉ xách một túi kẹo loại một đồng hai
chiếc! Tuy nhiên chưa đứa nào dám phản đối. Có lẽ đọc được tâm trạng ai hoài
của chúng tôi, ba cười dịu dàng bảo:
- Rán hà tiện đi các con, để
dành tiền may đồ tết chứ.
Sau bữa cơm chiều, chúng tôi
ngồi chùm nhum chung quanh ba má. Chúng tôi không sao quên được quần áo tết! Ba
móc túi lấy tiền đưa chị Ánh:
- Ba ngàn đây Ánh, lấy mua
đồ làm mứt. Còn bao nhiêu đây tôi giao bà. Ủa mà quên, thôi để tôi giữ.
- Chi vậy?
- Bí mật mà.
- Thôi, đưa má đi ba. Bao nhiêu
đó may đồ tụi con đâu có đủ – Thằng Sơn chen vào.
- Hả? Còn lâu tao mới may đồ
cho tụi bây. Tao giữ dằn túi.
Má tôi ngạc nhiên vô cùng,
hồi nào đến giờ ba tôi có đòi giữ tiền dằn túi bao giờ đâu. Rồi không biết nghĩ
gì, mắt bà long lanh:
- Trời ơi! Tôi biết rồi, ông
có gì với ai rồi.
- Hả? Cái gì? Bà ghen? Ha,
ha, ha.
- Ba ơi, má khóc rồi ba ơi!
Má tôi khóc thật, khóc dễ
dàng! Ba tôi lúng túng phân bày:
- Có gì đâu, không có gì đâu
mà.
Anh Hùng nắm tay ba:
- Lại đây dỗ má đi ba, ba
nắm tay má đi.
Nhưng ba tôi đứng im như
khúc gỗ:
- Bà, không có gì đâu. Tôi
định lấy tiền may cho bà cái áo dài tết vậy mà.
- Hoan hô ba.
- Hoan hô.
Má tôi đỏ mặt lên vội vào
bếp nhưng bị anh Hùng kéo lại:
- Việc má đã xong vậy má
phải lo việc tụi con chớ.
- Việc gì?
- Quần áo tết.
Má tôi quyết định thật lẹ và
thật độc tài:
- Rồi, cho con Ánh ba ngàn
may áo dài, thằng Hùng hai ngàn may cái quần mới, quần cũ cái nào cũng chật và
cụt hết rồi. Còn con Thảo mới mười ba, mười bốn tuổi mà diện cái gì, ngày mai
con Ánh đi chợ lựa món tơ sống nào màu tươi tươi về cắt may cho nó cái áo dài.
Mấy đứa nhỏ thì cứ mua vài thước vải trắng, vài thước hàng đen về tao may mỗi
đứa một bộ để dành đi học luôn. Như thế cũng tốn mười ngàn bạc, hơn một tuần
lương của ba tụi bây rồi.
- Má, cái quần hai ngàn đồng
làm sao may má?
- Thứ thằng Kiên may đó, nhớ
quần xanh nghe, để mai mốt mặc đi học nữa à.
- Thôi quần nâu đi má, tân
thời một chút má.
- Rồi đi học mặc quần cũ à?
- Dạ.
- Má, con không chịu mặc đồ
bà ba đâu má, lớn rồi, má may “đồ tây” cho con.
- Thôi cũng được, má may con
quần “sọt” nhé!
- Con mặc quần tây.
- Không được. May quần tây
con mặc có mươi lần cụt uổng.
- Con không chịu.
- Tao đánh bây giờ chớ cãi
hả?
Ba tôi lấy ngón trỏ để lên
môi ra hiệu cho Sơn im và cười cười. Sơn hiểu ý im ngay. Ba tôi cười cười là
chắc chắn Sơn “có đường” rồi!
- Xong chưa? Tao đi hấp bánh.
- Kể như xong rồi, nhưng
chưa thỏa mãn chút nào hết má.
- Trời cũng không làm tụi
bây thỏa mãn được.
Má tôi đi vào nhà bếp. Ba
tôi chu miệng nói nhỏ, thật nhỏ:
- Bà già bây hà tiện… mai
mốt tao cho thêm tiền mày Hùng…
Chẳng may má tôi nghe lõm
bõm được vài tiếng:
- Ông nói gì thế? Cái gì
tiện? Cái gì thêm?
- À! À! Tôi nói bà làm vậy
mà tiện, tôi khỏi cần có ý kiến thêm.
Cơn tức cười bị dằn xuống
làm tôi muốn bể bụng. Má vừa khuất thì có tiếng trọng tài Hùng vang lên:
- Hai một! Má dứt ba một bàn
thắng vẻ vang. Hoan hô má!
- Hoan hô…
- Hoan hô…
M. ANH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)