Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Mùa Xuân trở về với tranh Tết cổ truyền


Đì đẹt ngoài sân tràng PHÁO CHUỘT
Om sòm trên vách bức TRANH GÀ   

TRẦN TẾ XƯƠNG


Pháo chuột, tranh gà là hai dấu hiệu tưng bừng chào đón mùa xuân trở về khi quê hương còn ở thuở thanh bình.

Pháo chuột : là loại pháo tép, nhỏ như những cọng tre, dài không tới 3 đốt ngón tay, được ghép thành tràng, lúc đốt lên những chiếc pháo nhẩy nhổm nom như lũ chuột. Pháo nổ không to, tiếng kêu chỉ đì đẹt, nhưng nghe thật vui tai.

Tranh gà : là một loại tranh cổ truyền, ấn loát theo kỹ thuật mộc bản thật đơn sơ, nét vẽ mộc mạc nhưng chứa đựng biết bao tinh thần thuần túy dân tộc.

Theo Lịch Triều Hiến Chương thì nghệ thuật mộc bản có từ triều Lý (thế kỷ 11) vì vào thời kỳ này, nước ta đã sản xuất được các loại sách chữ nho. Theo các làng chuyên sản xuất tranh Tết thì nghề in tranh của ta do trạng nguyên Lương Nhữ Học đời Hậu Lê du nhập từ Trung Hoa qua Việt Nam vào thế kỷ 15. Nhưng tranh Tết được phát triển mạnh nhất vào thời chúa Trịnh Giang vì năm 1734 chúa đã ra lệnh khắc mộc bản in sách Tứ Thư, Ngũ Kinh để dùng trong nước, khỏi phải nhập cảng từ bên Tầu. Mặt khác, vào thời kỳ này, công việc khoa cử bê bối, sĩ tử thường chỉ có quan niệm chạy chọt để lấy bằng hơn là có thực học, nên những tranh thầy cóc dạy học, chuột vinh qui bái tổ có mèo chặn đường ăn hối lộ (miêu thủ lễ) v.v… đều là những bức tranh có nội dung châm biếm xã hội rất sâu cay.


CÁC LOẠI TRANH TẾT

Tranh Tết có thể chia làm 10 loại:

1) Loại chúc tụng : như Tiến Tài, Tiến lộc, Tam Đa, Bách Phúc với các vật biểu tượng như quả đào (thọ) quả lựu (nhiều con cháu) con gà (kê = cát = điềm lành), heo mẹ và bầy hao con (no ấm, hạnh phúc)

2) Loại lịch sử : có sự tích Đinh Tiên Hoàng đứng trên lưng rồng, Bà Trưng cưỡi ngựa, Ngô Quyền chỉ huy chiến thuyền.

3) Loại điển tích, tôn giáo : gồm sự tích chùa Ba, chùa Hương, Đường Tăng thỉnh kinh, Ngưu Lang, chức Nữ.

4) Loại kể chuyện : có Truyện Thạch Sanh, Tam Quốc, Chiêu Quân Cống Hồ, Lục Vân Tiên…

5) Loại giáo dục, luân lý : có tranh Nhị Thập Tứ Hiếu.

6) Loại Giai Cảnh : có tranh Tố Nữ, bộ Tứ bình Mai, Lan, Cúc, Trúc…

7) Loại châm biếm : có tranh Tiến Sĩ chuột vinh qui, Thầy đồ cóc dậy học, Dánh ghen, hứng dừa.

8) Loại sinh hoạt xã hội : có tranh Tứ Dân (Sĩ, Nông, Công, Thương), Mục đồng, canh điền, Du Xuân Đồ, Thương Xuân Đồ.

9) Loại Trấn Yểm : có Môn Thần (ông Thiện ông Ác, Vũ Đình, Thiên Ất, Bát Quái Tử.

10) Loại Thờ : có tranh Táo Quân, Thổ Địa, Ngũ Hổ, Quan Âm, Di Lặc.


MẦU SẮC CỦA TRANH TẾT, IN TRANH TẾT

Tranh Tết được in 5 mầu chính gồm có:

1) Mầu trắng : tán ở vỏ sò, vỏ hến.

2) Mầu đen : lấy ở mực tầu.

3) mầu xanh lá cây : lấy ở phẩm lục.

4) Mầu đỏ : lấy ở phẩm điều.

5) Mầu vàng : lấy ở phẩm vàng, bột nghệ, kim nhũ.

Ngoài ra, các mầu chính còn đem pha để có mầu phụ như son trộn với đen ra mầu cánh quế, xanh trộn với vàng ra mầu hoa lý, phẩm điều trộn với bột vàng ra mầu đỏ son v.v…

Tranh Tết được khắc trên các bản gỗ. Gỗ cần chắc và dẻo. Chắc để gỗ bền, lâu mòn, dỏe để nét khắc được tinh vi, không vỡ, gẫy. Các loại gỗ vàng tâm, gỗ giổi, gỗ mỡ thích hợp hơn cả.

Mỗi bức tranh phải khắc làm nhiều bản gỗ, mỗi bản gỗ in được một mầu, mực in được pha với hồ tẻ loãng (để không làm hoen mặt giấy) và lăn trên gỗ. Giấy in thường là giấy tầu bạch (tương tự giấy in báo), được đặt lên bản gỗ và lăn bằng tay.

Tranh tết, có đặc điểm là đơn sơ, mộc mạc, với nét vẽ giản dị, không cầu kỳ, mầu sắc cũng đơn giản, vui mắt, phản ảnh nếp sống và tâm hồn bình dị của dân tộc V.N. Đó là một trong những kho tàng quí báu  của nền văn hóa cổ truyền mà chúng ta cần phải gìn giữ.



(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>