Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Huyền Thoại Về Chim Họa Mi


Vào những đêm Xuân khi các loài chim khác đang ngủ ngon trong tổ ấm, thì chim Họa Mi bắt đầu cất tiếng hót làm ấm lòng người. Nhưng xưa kia không vậy, chim Họa Mi thường hót vào ban ngày chung với tiếng hót của những chú chào mào, vành khuyên, hồng tước, sơn ca…

Câu chuyện kể lại rằng hồi xưa, vào một đêm cuối Xuân, thay vì ngủ yên trong tổ ấm, chú Họa Mi lại đậu trên một cành nho dại thật cao để quan sát cảnh vật và trông nom cho gia đình chú đang ngủ trong tổ.

- “Ở trên cao này sẽ ít nguy hiểm hơn”, chú thầm nghĩ : “dù chỉ là một làn gió nhẹ hay một con vật lạ nào bò đến gần, cành nho sẽ lay động, và ta biết liền. Tiếng đập cánh của một con cú đi ăn đêm từ xa cũng vang đến tai ta rõ mồn một”.

Nhưng đêm đó thật là yên tĩnh và chú Họa Mi ngủ thiếp đi. Trong lúc ngủ say, hai sợi tay nho vươn lên móc quấn quanh lấy đôi chân bé nhỏ của chú. Đến sáng, khi tỉnh dậy, chú thấy mình đang bị cầm tù. Chú cố gắng vùng vẫy một cách tuyệt vọng để thoát thân, nhưng những tay nho vẫn cứ quấn chặt lấy chân chú. Chú bắt đầu lo sợ sẽ là mồi ngon cho những con quạ hoặc diều hâu, hay nếu không chú cũng sẽ bị chết đói. Chú Họa Mi bèn nghĩ đến những bác nông phu mà họ là những người bạn tốt của chú. Họ rất yêu các chú chim nhỏ vì đã đuổi bắt các sâu bọ côn trùng giúp họ.

- “Hỡi bác nông phu!” Chú cất tiếng kêu sầu thảm : “hỡi bác nông phu! Hãy đến cứu tôi… Hãy đến cắt cành nho đi để giải cứu tôi!”

Một nông phu ở gần cây nho dại nghe thấy tiếng kêu bèn bảo vợ : “Một con chim nhỏ đang kêu cầu cứu, ta phải mau tới giúp. Những con chim nhỏ là những đồng minh của chúng ta”.

Lần theo tiếng chim kêu, bác nông phu tiến đến một gốc nho.

- “Hãy cắt cành nho!”, con chim nhỏ van xin : “Bác nông phu ơi, hãy cắt cành nho để giải cứu tôi”.

Bác nông phu ngần ngừ trong giây lát. Chặt cây nho là cả một điều thiệt hại. Hàng năm nó cho rất nhiều trái nho khô nhỏ và cứng mà gà vịt của bác rất ưa thích. Nhưng dù sao cũng không thể để chú Họa Mi chết được. Chú lại đậu trên một nhánh nho thật cao khiến bác không thể nào với lên gỡ tay nho để giải cứu chú, ngoài cách chặt đứt cành nho. Bác nông phu ngần ngừ rồi quyết định đi lấy cái liềm… Và khi những chiếc lá nho xanh lả tả rơi trên mặt đất, chú Họa Mi rút được đôi chân bay lên cao với tiếng kêu sung sướng.

Rồi mùa thu năm sau tại nơi này có một hiện tượng rất lạ lùng : Trong khi tất cả những cây nho dại trong vùng của bác nông phu chỉ có những trái nho nhỏ, khô và cứng để cho gà vịt ăn thì chính cây nho của bác nông phu đầy lòng bác ái sai đầy những chùm nho thật đẹp. Mỗi trái nho to như một trái mận, thơm ngon đầy nước và thật ngọt… Từ trước đến nay bác chưa hề bao giờ thấy những trái nho ngon và đẹp đến như thế.

Bạn bè và hàng xóm xa gần đều đến chia vui và hỏi thăm bác nông phu:

- “Bí quyết của bác như thế nào? Làm sao bác có thể biến đổi một cây nho dại thành một cây nho tốt và quý báu như vậy?”

- “Ồ! Giản dị lắm”. Bác nông phu vui vẻ trả lời, “mùa xuân năm ngoái tôi đã giải cứu một con Họa Mi…”, rồi bác kể tiếp bác đã cắt cành nho như thế nào.

Từ đó, tất cả những cây nho dại đều được xén tỉa và đã cho những trái nho thật ngon ngọt. Riêng chú Họa Mi thì dù những cây nho có được xén tỉa hay không, chú cũng không còn bao giờ dám đậu trên những cành nho nữa.

… Và vào những đêm Xuân, ủ mình trong những tàu lá tươi xanh, chú Họa Mi cất tiếng hót thật hay để cám ơn bác nông phu đã cứu sống chú, đồng thời có ý nhắc nhở:

“Hỡi bác nông phu! Hãy nhớ xén cành nho,
Để có được những chùm nho thật ngon, thật đẹp.”


H. ROBITALLIE        
NGÔ BÁ TÙNG phỏng dịch


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 103, ra ngày 17-8-1973)

Bìa của Vi Vi : Lá thu vàng
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>