Trời lại mưa, cơn mưa lâm râm nhưng dai dẳng kéo dài suốt tuần cũng đủ làm cho con đường sũng nước và hàng cây bên đường xơ xác tả tơi. Khách bộ hành vì thế cũng ít đi nhiều. Con đường trở nên hoang vắng lạ như một con đường rừng, nó mất hẳn vẻ nhộn nhịp của những ngày nắng sáng. Tâm hồn Tuấn đã cô đơn lại vì thế mà tăng lên. Cái nghề bán báo, mà nó bắt đầu từ hồi ba má nó nằm xuống để nuôi em nó, và những ngày mưa như thế này thì đành phải ngồi nhìn mưa rơi mà thầm khấn xin ông Trời thương đoái cho cơn mưa mau chấm dứt mà thôi. Giá bây giờ là lúc ba má Tuấn còn sống thì những ngày mưa như thế này là những ngày sung sướng nhất của nó, vì nó sẽ được hưởng những dòng nước mát thấm tới da thịt, được hưởng những trò chơi vui thích dưới làn mưa. Nhưng bây giờ, hết rồi, "huynh thế phụ", nó còn có em nó, nó còn phải nghĩ đến tương lai em nó. Số tiền dành dụm bấy lâu sau một tuần nghỉ bán báo đã sắp hết, và nếu tình trạng này kéo dài em nó sẽ bị đuổi học vì không tiền đóng học phí và còn có thể hơn nữa: anh em nó sẽ chết đói! Nghĩ đến đây, hai giòng nước mắt chợt lăn dài trên má Tuấn... Trong nước mắt nhạt nhòa Tuấn thấy lờ mờ cảnh đầm ấm của gia đình nó lúc còn ba má...
- Thưa anh hai, em đi học về.
Tiếng Liên – em Tuấn vang bên tai làm Tuấn giật mình quay lại:
- Ừ, em cất cặp đi rồi ra ăn cơm.
- Dạ... Ủa, sao mà anh hai khóc?
- ...
- Có chuyện gì vậy? Sao... bộ ai đánh anh hai hả?
Tuấn lau nước mắt, gượng cười:
- Làm gì mà em rối lên vậy, anh có khóc đâu nào, tại nước mưa nó tạt vào ấy chứ.
Rồi đùa:
- Em gái anh hay nhè rồi thấy mặt ai ướt cũng bảo là khóc cả.
Thấy anh vui, Liên hết thắc mắc, nó "déo" anh một cái, nguýt:
- Xí, ngạo người ta hoài, bỏ anh ra đi, không thèm chơi với anh đâu.
- Thôi mà, cho anh xin đi, lần sau anh không dám nữa.
Thấy anh xuống nước, Liên cười xòa:
- Này, em đố anh hai chớ thứ sáu là tới ngày gì nào? Nói đúng em mới chơi, còn không bỏ luôn à.
- Lại điều kiện, con bé sao khó quá vậy.
Tuy nói vậy nhưng sợ Liên giận – con bé hở tí gì cũng giận – Tuấn đưa tay nhẩm tính:
- Này, hôm thứ hai, thứ ba, thứ... thứ sáu 15-8 ta... À, tết Trung Thu chứ gì? Đúng không?
- Anh hai hay quá.
- Thế hết giận chưa cô bé?
- Hết rồi... Mà chừng đó anh hai mua cho em cái lồng đèn nhé?
Câu nói của Liên vô tình làm cho lòng Tuấn se thắt. Nó chợt nghĩ đến hoàn cảnh của nó hiện tại. Nó định nói: "Tiền đâu mà mua đèn em, nhà mình nghèo mà em, một cái lồng đèn 100 bạc chớ ít sao?" Nhưng nghĩ đến em phải thèm thuồng đứng nhìn bọn trẻ đi rước đèn như nó đã chứng kiến hồi nó còn ba má, nó nói đại:
- Ừa.
- Lồng đèn con bướm ấy nhé.
- Ừa... Thôi em cất cặp đi mà ăn cơm chứ, muốn nhịn đói à?
Liên cười xòa, tung tăng chạy vào nhà cất cặp, nó sung sướng, nghĩ đến ngày tết Trung Thu sắp tới. Nhìn em sung sướng, một quyết định chợt đến với Tuấn: "Phải tìm cách để mua cho Liên một chiếc lồng đèn với bất cứ giá nào".
*
- Ủa, anh lấy báo làm gì vậy?
- Thì để bán chớ còn làm gì nữa, em gái anh sao hôm nay ngớ ngẩn thế?
- Nhưng mà trời còn mưa mà, mưa thì có ai ra đường mà bán?
Tuấn cười:
- Họ không ra đường thì mình vào nhà họ mình bán, có gì mà em phải thắc mắc?
- Nhưng mà đi mưa anh sẽ bị nhiễm lạnh rồi bị đau.
- Thế bây giờ cô tính nhịn đói chờ tạnh mưa hả?
- Nhưng...
- Không nhưng gì hết, để anh đi (Tuấn dịu giọng) không sao đâu, hồi nhỏ anh tắm mưa hằng giờ đã sao?
Liên phụng phịu lại giận:
- Không thương em thời cứ đi.
- Thương em anh mới đi ấy chứ.
- Thương mà đi để bị đau lỡ có mệnh hệ gì thì em biết làm sao... em...
Nói đến đây, Liên úp mặt khóc nức nở.
Mọi lần thì Tuấn đã sà đến dỗ. Nhưng lần này, không, nó quyết định rồi, cứ để Liên khóc vì lo cho nó nhưng miễn sao Liên đừng khóc trong đêm Trung Thu vì không có lồng đèn là được rồi. Tuấn bỏ xấp báo vào bao nilon rồi đi ra đường, trời vẫn mưa...
*
Mặc dù Tuấn đã hy sinh suốt tuần dưới làn mưa, vào từng nhà mời gọi mua báo, số tiền lời thu được vẫn chỉ đủ để mua gạo và đồ ăn hàng ngày. Không một hy vọng gì nữa, dù chỉ mỏng manh, rất mỏng manh.
- Thế là Liên không có lồng đèn rồi – Tuấn ôm xấp báo vừa đi vừa lẩm bẩm – tội nghiệp nó quá, mình cố hy sinh suốt tuần mà vẫn vậy, biết làm sao bây giờ?
Bỗng nhiên, ngang qua hàng bán lồng đèn, một ý định chợt lóe lên trong óc nó.
- Phải rồi, may ra – nó lẩm bẩm.
Rồi nó bước nhanh về phía hàng bán lồng đèn như sợ ai biết được việc làm của nó. Nhưng một sức mạnh vô hình nào vẫn kéo nó lại, lời ba nó dạy dỗ lúc xưa văng vẳng bên tai rõ mồn một:
- Con phải biết, ăn cắp xấu lắm, xấu hơn tất cả những cái gì trên đời, dù rằng con ăn cắp vì người khác, con hiểu chưa?...
Nhưng rồi tiếng van xin của Liên:
- Anh mua cho em một chiếc lồng đèn nhé?
Và rồi Liên đã thắng. Tuấn bất kể tất cả rồi, tiếng ba, tiếng lương tâm...
Tuấn tiến lại gian hàng, nó nhìn quanh một lúc để tìm chiếc lồng đèn xếp, hình con bướm mà Liên đòi mua.
- À, kia rồi - Tuấn reo khẽ.
Nó đặt một tờ báo lên chiếc lồng đèn xếp con bướm, nói thật nhanh:
- Bà mua báo ạ.
Bà chủ hàng ngẩng đầu lắc:
- À, cám ơn, tôi không quen đọc báo, em bán chỗ khác vậy.
Tuấn chỉ chờ có thế, rút nhanh tờ báo mà bên dưới có chiếc lồng đèn, kẹp vào rồi cúi đầu đi thẳng khiến bà chủ hàng phải ngạc nhiên nhìn theo tưởng thằng bé giận mình sao không mua báo nó.
Tuấn đi thẳng về nhà quên xấp báo đang còn dày. Chỉ kịp nhét chiếc lồng đèn vào tủ, Tuấn nhảy lên giường lấy mền trùm kín người như sợ ai đó đã thấy việc làm ám muội của mình rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
*
Lão già nhìn Tuấn đăm đăm.
Tuấn hét lên:
- Ông là ai? Ông muốn gì? Tại sao ông lại cản đường tôi?
Lão già không trả lời, lão chỉ cười lên ha hả một lúc, rồi lại nhìn Tuấn đăm đăm. Tuấn vừa sợ lại vừa giận, hét:
- Sao ông lại cười? Sao ông không trả lời?
Bấy giờ lão mới lên tiếng:
- Vội gì, hỡi cậu bé ăn cắp?
Tuấn tái mặt, "chết rồi, lão biết việc làm của ta rồi" Tuấn nghĩ thầm. Tuấn cắm đầu chạy, nhưng chạy mãi mà chẳng thấy nhúc nhích được tí nào. "Chết rồi, chắc ông này là thần thánh rồi" nó nghĩ. Nó ngước lên lão già lúc này vẫn đứng trước mặt nó, nghiêm nghị:
- Vô ích, không thoát được đâu cậu bé. Ta là thần Công Bình đến đây để trị tội ăn cắp chiếc lồng đèn của ngươi, nghe rõ chưa?
Tuấn van xin:
- Dạ thưa, con đâu muốn, nhưng...
- Ta biết, ngươi vì thương em quá mà làm như vậy. Tốt, nhưng mà ngươi thương như vậy là mù quáng, hiểu chưa?
Tuấn lấm lét:
- Dạ hiểu.
- Ngươi đã chối bỏ cả lương tâm, cả lời cha mẹ răn dạy mà làm chuyện xấu xa đó. Ngươi có biết rằng khi ngươi ăn cắp là ngươi đã lỗi phép công bằng, vì ngươi đã ăn cắp sức lao động của họ, bởi chiếc lồng đèn được tạo thành là do mồ hôi của một số người đổ ra để đổi lấy đồng tiền nuôi sống gia đình.
- ... ...
- Tội ngươi nặng lắm, nhưng xét thấy ngươi chỉ vì thương em quá và vì lần đầu tiên ta tha cho. Ta chỉ thâu hồi chiếc lồng đèn để trả lại cho bà chủ hàng mà thôi.
Nói rồi, ông lão giật chiếc lồng đèn trên tay Tuấn, biến mất. Tuấn la lên:
- Ông ơi, ông ơi, trả cho tôi, em tôi...
Tuấn bừng tỉnh, nó nhảy đến tủ, chiếc lồng đèn vẫn còn nằm đó, nhưng nó không thấy mừng, nó thấy hối hận. Rồi lời ba nó xa xưa, lời ông thần trong giấc mơ, rồi lương tâm... Nó quyết định rồi: đem trả lại chiếc lồng đèn cho bà chủ hàng, dù em nó phải buồn, nó phải buồn...
*
- Em không đi rước đèn à?
- Không, em không cần đèn nữa, em chỉ cần có anh thôi, anh thấy sao, có khỏe không?
- Thế em không nghĩ đến công lao anh – Tuấn giấu nhẹm chuyện mình ăn cắp – phải vì chiếc lồng đèn mà bị bệnh đấy à? Anh không sao đâu, tịnh dưỡng vài ngày là lành liền hà. Nhé, nghe lời anh nhé, anh thương.
Con bé gật đầu, nó chạy lại lấy chiếc lồng đèn rồi tung tăng ra đường. Tuấn nhìn theo sung sướng. Nó nhớ lại hồi nó đem trả chiếc lồng đèn, bà chủ hàng khi biết nó chỉ vì thương em mà làm điều xấu, bà cảm động cho nó luôn chiếc lồng đèn, rồi bà dặn nó lần sau đừng có thương yêu cách ngông cuồng như vậy nữa. Không biết lấy gì để đo sự sung sướng lúc đó của Tuấn, nó chạy một hơi về nhà quên cả cám ơn bà chủ hàng. Rồi nó đưa lồng đèn cho Liên, bảo rằng mua, hai anh em nhìn nhau sung sướng...
"Bóng trăng trắng ngà..."
Bọn trẻ rước đèn đi ngang nhà Tuấn hát vang rân. Tuấn nhìn ra, thấy bóng dáng Liên tay cầm đèn đang vui vẻ hát theo, mặt mày rạng rỡ. Tuấn thấy hồn mình ấm lại, một niềm sung sướng từ đâu len vào rồi dưng lên thật cao. Tuấn cảm thấy cơn bịnh biến đâu mất, nó bắc ghế ra ngoài hiên ngắm trăng. Trăng Trung Thu tròn và sáng như niềm vui và niềm sung sướng thật trọn vẹn của Tuấn.
NGUYỄN THANH QUANG
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 185, ra ngày 15-9-1972)