Sắp xếp các thức ăn từ giỏ ra chiếc chiếu trải trên nền nhà mát, treo võng xong, cả bọn lao ngay xuống biển. Nước trong vắt, ấm áp, xanh rờn và đồi cát đối diện với bờ biển sáng rỡ mầu gạch ẩn hiện sau những ngọn dừa cao ngất nghểu. Sao lại mầu gạch? Tâm chợt ngừng bơi, tự hỏi. Trong trí nhớ Tâm, gần bốn mươi năm cũ, không có đồi cát nào có mầu gạch bao giờ, cát vàng, cát trắng thôi. Rồi Tâm nhìn chăm lên đó và bị cuốn hút, mời mọc. Tâm quay sang lũ trẻ, rủ chúng lên đồi mà không đứa nào chịu nghe theo. Chúng bảo là có gì đẹp trên đó mà leo lên cho mỏi? Khác với mấy ngày nay, dù chỗ nào Tâm muốn đến mà không ai cùng đi, Tâm lại thôi, lần này Tâm một mình trở lên bờ, thay quần áo rồi chạy bay lại chân đồi. Lũ nhỏ chong mắt nhìn theo thấy Tâm chậm chạp lên đồi, chúng cười ngặt nghẽo: cát lún, cứ mỗi bước lên lại tuột xuống gần nửa bước, có khi tuột dài. Nhưng sau cùng, khá lâu sau đó, Tâm cũng lên được tận đỉnh đồi, đứng thở dốc, mồ hôi tuôn đẫm mặt, đẫm lưng. Tâm đứng nghỉ chân và nhìn xuống. Từ bờ biển, lũ trẻ reo hò tở mở, giơ tay vẫy Tâm. Tâm vẫy lại chúng rồi thuận chân, đi tới, đi tới nữa. Tâm không định kiếm cái gì cả, Tâm chỉ đi, thế thôi.
Gió từ khơi lồng lộng thổi về, mệt nhọc lúc đầu tan biến. Một vùng trời đất bao la, sáng chói vì mầu gạch của đồi cát phản chiếu trên nền trời xanh lơ trong vắt. Tâm cũng sáng rỡ, nhẹ lâng. Tâm băng mình chạy tới, không mục đích. Rồi Tâm dừng lại giữa vùng cao rộng đó, cảm thấy mình nhỏ bé biết bao và cũng quan trọng biết bao! Rồi Tâm ngẩng mặt nhìn trời, thích thú trong cái ý nghĩ là mình lên cao quá! Vài gợn mây mong manh như tấm voan trắng muốt đang trôi nhẹ và tan loãng đi trong một thoáng.
Tầm mắt Tâm không bị ngăn chặn, vướng víu, bưng bít như ở Sài-gòn. Trong một chu vi rộng lớn quanh Tâm, nhìn từ đỉnh xuống, không kẽm gai, không đồn trại, không mái tôn, không xe cộ. Tít từ xa, rất xa, lố nhố nhà cửa của ngư dân như những món đồ chơi được đặt trên tấm thảm xanh xinh đẹp. Đỏ của những mái ngói, xanh của vòm cây nổi bật lên, trông ấm áp, hiền hòa đầy sức sống, bình dị mà phong phú.
Phía bờ biển, cát trắng viền quanh bãi, lác đác vài con thuyền đánh cá chậm chạp, lượn lờ. Biển xanh nhạt, phẳng như mặt gương phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Lũ nhỏ chỉ còn bé tí, hẳn là đang ngạc nhiên về chuyện lên đồi vô ích của Tâm.
Tâm nằm xoài xuống cát, cát mịn màng lạnh rợi thoạt đầu, rồi ấm dần. Cảm giác ấm áp đó lan rộng toàn thân. Mọi lo lắng buồn phiền chĩu nặng trong Tâm thoáng chốc như vừa được xóa tan, rũ sạch.
Tựa như khối ưu tư chồng chất trong Tâm là những hạt bụi bám hờ trên tấm lụa ngà, chỉ khẽ đụng đến là chúng rơi rụng sạch, chúng không hề ăn sâu, bám chặt, không sao làm hoen bẩn chất lụa óng ả, mịn màng. Tựa như nỗi buồn phiền đeo đẳng trong Tâm là vết chân, là dấu giày in lên cát nõn mà thiên nhiên, ngọn sóng lớn vừa quét sạch, xóa tan.
Không còn liên hệ gì đến thực tại này, Tâm được dẫn nhập vào một cõi riêng, lâng lâng, khinh khoái, lửng lơ giống cánh diều chao lượn giữa không trung.
Vì quá đột ngột, bất ngờ, Tâm xúc động đến sững sờ khi thâm cảm rằng mình vừa bắt gặp lại được thiên nhiên quen thuộc cũ, thiên nhiên mà Tâm hằng khắc khoải, hồi hộp ngóng đợi nhiều ngày, quá nhiều ngày.
Rất tỉnh táo, sáng suốt, Tâm biết rằng mình vừa mở toang cánh cửa sừng sựng, vững chắc từng ngăn cách, chia rẽ đôi bên tự bấy nay. Mối tương giao vốn có lâu rồi và khi gặp lại, tuy sự mừng rỡ không bộc lộ ầm ỹ, vồ vập mà điềm đạm, thiết thân, không sôi nổi cuồng nhiệt mà dung chứa vô vàn nồng nàn, đằm thắm. Ân cần như ánh mắt mẹ hiền. Ấm áp hơn bàn tay bạn cũ. Trong thầm lặng, Tâm ngỡ mình vừa chạm được thiên nhiên, thiên nhiên là một thực thể, nhưng là một thực thể mong manh, huyền nhiệm, có thể tan vỡ, biến mất nếu kẻ được hạnh ngộ sơ suất, vụng về hay tỏ ra bất xứng. Tâm đang trôi xuôi, bay bổng, đang tản mác đâu đây...
Rồi đột nhiên, Tâm không còn nhìn thấy gì, mọi vật vụt tan biến dưới mắt Tâm. Không còn gì cả: rặng dừa, đồi cát, bờ biển, vòm cây. Ngay cả Tâm, Tâm cũng không còn hình thể, đang dần dần tan hòa vào thiên nhiên, thấm nhập vào thiên nhiên, cả hai thành một, bất khả phân. Tâm nằm lặng như thế không biết bao lâu, chơi vơi giữa hư không và thực tại, rồi đến một lúc, không có cả đôi bên, không có gì nữa.
Cái trạng thái xuất thần tuyệt diệu đó đã lâu rồi, dễ có 10 năm Tâm chưa một lần được sống, dù luôn luôn Tâm mong tìm gặp, mỗi dịp được đối diện với nước rộng đồi cao. Nha-trang, Vũng-tàu, Đà-lạt nữa. Cả những lúc về miền Tây, những Long-xuyên, Rạch-giá, Cần-thơ, trên những chuyến phà lồng lộng gió, mênh mông trời nước. Tâm đã tìm kiếm, tìm kiếm trong vô vọng, khổ sở suốt những chuyến đi, khi có dịp. Luôn luôn Tâm hăm hở và chỉ hăm hở lúc ra đi. Vì không bao giờ Tâm tìm được, không bao giờ cả! Sau những lần như vậy, Tâm bị một thống khổ kỳ quái dày vò, và Tâm thường tự hỏi: "Phải chăng loài người xuẩn động đã vô tình xúc phạm, đã làm tổn thương đến thiên nhiên ở những nơi này?"
Rồi, Tâm trở lại Sàigòn, lòng mang nặng ưu tư, phiền muộn cũ, không sao rứt bỏ. Tâm thẫn thờ, chán nản dai dẳng, không sao tìm thấy yên vui.
Đôi lúc Tâm lẩn thẩn so sánh mình với kẻ đói lả nhiều ngày mà thiên nhiên ở những nơi ấy chỉ là bánh vẽ, không giúp Tâm được no lòng.
Ở đây không thế. Y như bậc phú hào đầy quyền uy, Tâm được thiên nhiên ban phát không đợi hỏi xin, ban phát một cách rộng lượng, không dè xẻn.
Thật ra, tương quan giữa Tâm và thiên nhiên không phải thứ tương quan của người cho, kẻ nhận – Tâm cảm thấy mình bị xúc phạm khi so sánh cách này – song biết làm sao? Tâm không thích dùng những ngôn từ hoa mỹ, nên đành tạm hài lòng. Huống chi, dù là chỗ tương tri, Tâm luôn luôn cảm thấy rằng có một khoảng cách định mệnh giữa đôi bên, không phải Tâm có thể lúc nào cũng gặp thiên nhiên được dễ dàng. Không phải như kẻ có tiền bỏ ra mua vé là lập tức được vào cửa rạp để thấy mỹ nhân, để tìm được an ủi, nguôi khuây hay hy vọng (Một điều Tâm đoan quyết là tuy khó gặp thiên nhiên song mỗi lần được gặp Tâm lại một lần đổi mới, trẻ lại, phấn khởi, tràn sức sống.) Và mối giao tình giữa đôi bên vẫn là mối tình thủy chung, thiết thạch, sắt son. Kinh nghiệm trong những ngày qua cũng dạy cho Tâm: đừng bao giờ tìm kiếm mà cứ bình tâm chờ đợi rồi sẽ gặp, trong một lúc bất ngờ, bởi thiên nhiên lại gần không bao giờ báo trước.
Tâm xoay nghiêng người lại cho hai giọt nước ứ đọng trên mi rụng xuống. Sự sảng khoái không quá ồ ạt, mạnh bạo đến độ làm Tâm ngất ngây như kẻ nhấp ly rượu mạnh ; nó dịu dàng như giọt mật tan hòa trong giọt sương mai, như hương cau thoang thoảng dâng lên trong không gian vào một chiều mùa hạ.
Cùng một lúc niềm tin tưởng, lòng yêu thương, sự khoan hòa rào rạt dâng tràn. Tâm lại nghĩ đến cái chết – như từ nửa năm qua – Tâm hằng nghĩ đến – song lần này nghĩ đến trong một trạng thái thanh thản, an lành, nhẹ nhõm, khác trước nay.
Bỗng, một thoáng hồ nghi vụt đến,cùng với sự ngạc nhiên, phải chăng đó chỉ là một sự an ủi, một sự tự dối mà không biết rõ của kẻ cảm thấy mình hoàn toàn bất lực, cam cúi đầu chấp nhận số phần? Phải chăng đó là một hình thái đầu hàng của con thú sa bẫy, biết rằng vùng vẫy thêm khổ sở nên đành chịu nằm yên? Phải chăng đó là sự bắt không được thì phải tha làm phúc?
Tức khắc, Tâm ngồi bật dậy, cố gắng – hơn nửa năm, bây giờ Tâm mới cố gắng sau nhiều ngày buông thả, trễ tràng – để tự tra vấn kỹ càng. Tâm tập trung thần trí, quyết không để cho thiên nhiên dụ hoặc nữa hầu được sáng suốt mà nhận xét về mình ; dù rằng như thế Tâm rất bực bõ và cũng lo lắng nữa. Bởi Tâm biết rằng nếu sự thật như mối hồ nghi kia, Tâm sẽ phiền muộn thêm lên.
Nhưng không : Tâm rất sung sướng mà nhận rằng trong tiềm thức sâu thẳm nhất, cả trong những quan năng mơ hồ nhất, tất cả đều sáng lóe lên cùng đồng loạt xác nhận với Tâm là Tâm không sợ chết, không còn mong cái chết đến mau như những ngày qua. Đó chính là minh chứng hùng hồn nhất về trạng thái bình tĩnh, an nhiên của Tâm hiện tại.
Trong những ngày qua, Tâm mong cái chết đến mau, không phải mong như một người mong chờ sự giải thoát, như mong đợi được chấm dứt kiếp người, tìm đến an nghỉ vĩnh viễn, trút tránh hết mọi liên hệ, ràng buộc, mọi bổn phận với xung quanh mà mong đợi trong khắc khoải, trầm uất và có cả chút dỗi hờn. Vừa chán nản vừa luyến tiếc, vừa đau đớn vừa thích thú một cách chua cay, Tâm đợi cái chết với ý nghĩ trả thù – rất mơ hồ – vì không rõ trả thù ai.
Đây là lần đầu tiên, Tâm nghĩ đến sự chết với tất cả bình tĩnh, lạc quan. Tâm tự cho mình rất đáng khen (!) Tâm thấy không cần phải tập làm quen, phải chuẩn bị đón cái chết như một số người vẫn nói. Tâm cho như thế thì khó nhọc quá, khác nào đứa trẻ bị buộc ngồi vào bàn học trong khi nó muốn chạy nhảy ngoài trời, như kẻ ghét một nghề gì đó mà vì sinh kế phải miễn cưỡng làm. Như thế thì vui làm sao được? Tội nghiệp cho họ biết chừng nào!
Tâm không còn thắc thỏm gì nữa cả. Bao nhiêu câu hỏi như : Ta sẽ ra sao? Linh hồn ta sẽ đi về đâu? Chắc ta sẽ thư thái, không bao giờ còn khổ nhọc tính toán đến chuyện áo cơm và cả những hoài bão dở dang? Cái gánh nặng ta để lại, liệu anh ấy có đảm đương nổi chăng? Lũ trẻ sẽ ra sao? Và những cuốn sách từng in dấu tay ta trong đó mà ta từng khóc cười với chúng? Những cánh thư thân hữu... Cảm tình mong manh hay sâu đậm của mọi người đối với ta, chừng nào họ sẽ quên ta? Ồ, mọi vật chắc sẽ bị xáo trộn hết, không còn ngăn nắp như thói quen ta? Và những lọ nước hoa thoang thoảng mùi chanh, mùi sả, mùi gừng, mùi hoa huệ, ta có thể tìm thấy những mùi ấy? Làm sao ngửi được mùi hương thanh khiết tiết ra từ gáy, từ má, từ lưng của con bé út? Làm sao để còn dịp thưởng thức lối biểu lộ tình cảm một cách nồng nhiệt, ồn ào của thằng kế nó? Làm sao để nghe tụi lớn pha trò? Chúng có còn làm ta giận dỗi, đau đớn, khổ sở, vui thích được chăng? Có còn phẫn nộ trước bất công, thảm cảnh? Có còn sợ hãi tiếng động, cảnh náo nhiệt, xô bồ của nếp sống đô thành? Ta có còn...?"
Lần đầu tiên Tâm nghĩ đến sự chết như nghĩ đến những chuyến du hành từng có trong đời, song là một chuyến du hành không nôn nả như bản tính nóng nảy cố hữu của Tâm. Xe đến đúng giờ hay trễ, đường xấu tốt, có được an ninh chăng cũng không đáng quan tâm. Tâm sẽ đi, bỏ lại phía sau những gì Tâm từng có và rất yên tâm, không chút âu lo. Cũng không hỏi mình sẽ đến đâu. Bởi những chuyến đi được chuẩn bị chu đáo đôi khi lại là chuyến đi tồi tệ nhất.
Cứ an nhiên, tự toại, cạnh mối chân tình thuần khiết của thiên nhiên quen thuộc. Tâm rất vững lòng... Phải! Rất vững lòng! Dù bất cứ đi đâu hoặc đến đâu, Tâm không còn đơn độc nữa.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của kiếp sống, cho đến giờ đây Tâm thâm cảm rằng mọi lạc thú cũng như thống khổ của đời người chỉ là giai đoạn – Phải! Chỉ là giai đoạn. Tâm không cho là giả tạo như một số người bi quan vẫn tuyên bố trước nay.
Riêng với thiên nhiên...
Tiếng léo xéo của lũ trẻ từ chân đồi cát vọng lên, giục giã.
Những giọt nước mắt đã khô từ bao giờ. Tâm đứng dậy, chọn một chỗ dốc nhất rồi ngồi xuống buông rơi thân mình theo triền dốc như đứa trẻ chơi cầu tuột.
Từng chuỗi cười lanh lảnh dội đến tai Tâm. Tâm cũng cười theo, tiếng cười rộn rã như tiếng va chạm của cái muỗng bằng kim khí do một bàn tay tinh nghịch trong cốc nước dừa ngọt lịm, trong lành.
Xuống đến chân đồi, Tâm băng qua quốc lộ (mà không phải mắt trước mắt sau ngó chừng xe) đến rặng dừa và từ đó Tâm phóng nhanh ra bãi. Quá thích thú, Tâm chỉ dừng lại vài giây để thở rồi vội vã thay áo tắm, lao xuống nước như một mũi tên.
Nỗi hân hoan tràn ắp và khung cảnh vắng vẻ khiến Tâm thôi dè dặt, cân nhắc, không cần tỏ ra mực thước, chững chạc. Tâm như lộ nguyên hình, như vẫn còn là đứa trẻ của gần bốn mươi năm trước, trong cái ngày cùng bạn từ mũi Né nằm trên cái cáng kín bưng, tối mịt (vì hai bên cáng bị buông rèm) để đi Phan Thiết nhập học. Nằm trong võng, hai đứa cùng mù tịt không rõ phương hướng gì, chỉ đoán rằng hai người phu khiêng đang đi dọc theo bãi biển. Bước chân trần của họ dẵm lên cát ướt nghe sào sạt – vốn là cái thanh âm quá quen thuộc – nhưng khi họ dẵm lên một vũng nước thì tiếng lách chách nghe thật vui tai. Hai đứa trao đổi cảm nghĩ, tỏ ý tiếc đã không thân nhau sớm hơn, hẹn sẽ cùng cố gắng để đem vinh dự về cho trường Khánh Thiện làng mình, cho bọn trường Nữ học Phan Thiết khỏi khinh khi, cùng hẹn sẽ trở về oai nghi như thể Carnot trong Quốc văn Giáo khoa thư đã học, nhưng chúng không đi cáng cũng không đi thuyền mà cưỡi ngựa đàng hoàng – thầy chúng sẽ nhìn chúng bằng đôi mắt thân yêu thán phục và chỉ cho lũ học trò lau nhau thấy hai cái gương sáng chói của làng mình. Chúng còn ao ước sao cho ngày ấy thầy chúng chịu rời bỏ cái áo xuyến đen mông mốc và đôi guốc gỗ mòn vẹt gót hiện giờ, như thế chúng sẽ thích hơn.
Nằm giao chân, trở đầu lại nhau trong lòng võng êm ái và lắc lư theo nhịp bước của hai chú phu khiêng cáng lại thêm bóng tối như đồng lõa du chúng vào giấc ngủ mặc dù chúng đinh ninh sẽ thức để vẽ vời tương lai. Ngủ đẫy giấc, vừa thức dậy là chúng lại trò chuyện tiếp và lần này cùng nhận ra người lớn bất công đã không cho chúng được đi bộ như ý muốn. Hừ, chúng đau ốm gì mà phải nằm trong cái hộp mềm nhũn, cong vòng, tối mịt thế này để hai người phu khiêng đi chớ?
Chúng nài nỉ hai chú phu để chúng được xuống đất cho đỡ cuồng chân, họ hẹn "chờ đến Rạng" và còn dọa nếu cho chúng đổ bộ rủi ăn cướp ùa tới thình lình, chúng sẽ ra sao? Hai đứa chống đối bằng cách vùng vẫy không ngừng khiến họ không sao tiếp tục đi êm xuôi như trước. Sau rốt, họ đành nhượng bộ. Họ vừa hạ cáng xuống vừa lầu bầu trong lúc hai đứa vén rèm, nhảy tót ra, chạy tràn xuống biển, bất chấp tiếng la lối, ngăn cản phía sau lưng...
Phải, chính trên bãi biển này, nơi từng in dấu chân Tâm thời thơ ấu, từ lúc Tâm lên chín... Kỷ niệm cũ ùa đến, dậy lên, tràn tới vây bủa Tâm như một cái bóng râm khả ái làm Tâm choáng váng vì thích thú. Ôi! Mũi Né! Ta trở về đây! Ta đã trở về đây! Nếu đang ở trên bờ, Tâm đã giang rộng hai tay, chạy bay tới trước mặt và la lên như thế để cho nỗi hân hoan được bộc lộ, được chia xẻ với biển, trời. Nhưng hiện, Tâm đang ở trên mặt nước, chỗ khá sâu.
Tâm ngừng bơi, nằm thẳng, đầu úp xuống mặt nước, mặc cho những lượn sóng êm dịu của biển thân yêu xô đến vuốt ve mình. Tâm mở to mắt: cát ở đây nước cũng nhấp nhô từng gợn như cát trên đồi. Vài cọng hải thảo lập lờ trôi, một con cá vảy bạc lóng lánh bơi cạnh Tâm, vài con nghêu be bé, xinh xẻo. Một quả dừa non rập rờn theo nhịp sóng.
Tâm vụt nhớ có lần Tâm để cho nhân vật lên 10 của mình kêu ca "Trời đất bao la như vậy mà tôi thì không có chỗ dung thân" Sao lại kêu ca, than oán? Mình đòi hỏi gì nửa chớ? Tâm lại muốn – như thói quen mỗi lần cảm thấy xúc động và sung sướng – quì ngay xuống để cảm ơn thượng đế ; song lần này, Tâm không chỉ cảm ơn Ngài, mà Tâm cảm ơn tất cả. Niềm vui, nỗi khổ, sự mất mát cũng như điều thử thách, vị ngọt của mật ong và đắng của mật gấu... phải, tất cả Tâm đều thấy rất đáng ghi ơn.
MINH QUÂN
(Trích từ tạp chí Bách Khoa số 417)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.