Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Vào Thu


Sau một số truyện ngắn viết về Đàlạt đăng trong T.H, tôi nhận được một số thư của các em gửi về.

Em N.T. kể rằng mùa hè rồi em lên Đàlạt nghỉ mát, em cũng đi trên những con đường cong cong giữa hai bờ cỏ mịn, những lối đi dốc ngược làm đôi chân tho dài bé bỏng của em hình như to ra, và má em hồng lên như những nàng thiếu nữ má phơn phớt màu hoa đào có lông tơ gờn gợn lúc mười giờ sáng. N.T. bảo muốn cắn má họ như cắn quả đào lông của Đàlạt hắt hiu gió lạnh.

N.T. bảo những sáng những chiều mặt trời bừng lên bên kia rặng Lang Biang mang dáng nằm thiếu phụ, những trưa trời trong cao xa vút, đồi cỏ ánh vàng chan hòa màu sắc. Màu tím pansée đậm buồn rưng rức, màu vàng mimosa kiêu sa đài các như một thời vàng son rực rỡ trong lịch sử Việt Nam xưa. Em bảo Đàlạt đẹp hơn trong truyện tôi viết bội phần.

Vâng, em đã nói rất đúng. Làm sao chị ghi lại được tràn đầy và trung thực vẻ đẹp của thiên nhiên hở em? Em bảo những vầng mây dật dờ màu tím buồn giăng trên cao xa, những khu rừng im lìm trầm tư suy tưởng, những đỉnh núi cao mây quyện mù mù gợi thèm một chuyến phiêu lưu vô ngần. Hay bình minh lóe vàng ngoài cửa biển, hay chiều tàn mưa rơi trên sông. Bút chị ghi không trọn, tả không say. Chị mỉm cười nhận tội với em đây, và chị nghĩ rằng có ống kính nào, dù em có là nhiếp ảnh gia đại tài đi nữa, em cũng không thu hết được vẻ đẹp và hương sắc quê hương của chúng mình. Chẳng có họa sĩ nào ghi đúng màu trời trong mơ và huyền hoặc của mùa thu được đâu em nhỉ.

Em H.L., người thơ tài hoa của xứ Banmê buồn muôn thủa đã dí dỏm nhận xét về tôi. H.L. bảo vì thương những chiều thu mưa bay giăng giăng tôi đã chọn nghiệp văn chương mà ôm vào hồn, mà khắc vào tim, mà ghi vào óc. Em H.L.! Thực ra, chị mới tập tễnh vào nghiệp văn chương. Chị nghĩ rằng nghiệp nào chả có đắng cay lẫn ngọt ngào, có hạnh phúc nào không bâng khuâng, có sung sướng nào không ngậm ngùi, cũng như có mùa thu nào lá không vàng không rụng đâu em?

Em bảo đọc Tuổi Hoa, em không cần biết là hay là dở, em chỉ biết rằng em cảm thấy thương yêu quê hương đến nghẹn ngào. Em yêu một Hà nội xa xăm ngàn trùng cách biệt trong trí nhớ. Em yêu Đàlạt với mặt hồ lảng vảng sương mơ, hắt hiu gió chiều. Em yêu Huế với những nàng con gái tóc thề ríu rít nói cười như chim trên con đường Lê Lợi áo trắng bay bay. Ơi! Huế đô trầm mặc u buồn như dĩ vãng. Em yêu Sàigòn bừng bừng sức sống và yêu sao là yêu những con đường có lá me li ti rơi trên tóc rối. Những dòng em viết làm chị xao xuyến đến rưng rưng. Khi cầm bút gợi lại kỷ niệm trong đáy lòng thầm kín, chị cũng mơ ước bấy nhiêu thôi em ạ.

T.L., cậu học trò Adran chuyên chơi nhạc trẻ, khuôn mặt măng tơ, tóc để dài, đôi mắt thăm thẳm với hàng mi rậm như đôi bờ cỏ mộng lại chê văn tôi còn đôi chút vụng về. Cùng lúc L. thú nhận mặc dù lớn kềnh càng ra rồi em vẫn đọc TH. Em ý thức rằng mình là một cậu bé Việt Nam mang trọn giòng máu bất khuất tràn đầy trong da thịt. Em biết rằng em đang thừa hưởng một nền văn minh huy hoàng nhất miền châu Á cao sang. Tôi xúc động vì thư em dễ thương quá sức. Ít nhất trong cuộc sống mọi người xô đẩy nhau, vật lộn quắt quay vì tiền, tôi còn được các em cho tôi chút ít tin yêu đó để có thể nghiến răng lại ngẩng mặt lên nhìn trời mà thành người. L. kể rằng kỳ thi cuối năm vừa rồi em được 13 điểm luận văn với đề tài: "Hãy dựng lên mẫu người đàn bà Việt Nam qua Chinh Phụ Ngâm khúc", cô giáo Việt văn trẻ đẹp dễ thương của em đã khen làm em nở phồng cái mũi vốn đã hếch quá nhiều tuy chưa một lần đi sửa như truyện "Cái mũi" của tôi đâu ạ. Em bảo rằng em thích môn Việt văn vì nó làm em về nhà thương mẹ thương cha đến nồng nàn. Những người mẹ người cha đáng kính của một Việt Nam đau khổ nhục nhằn. Cuối thư em nhấn mạnh mãi mãi tin yêu và hy vọng vào tương lai dân tộc. Em đòi tôi đừng bao giờ bỏ nghề viết báo nhiều ngậm ngùi đắng cay và chua chát. Tôi mỉm cười. Em khôn thật! Em nhất định sẽ làm kỹ sư để khai phá tài nguyên phong phú tiềm tàng trong lòng đất Việt Nam yêu dấu của chúng mình. Em phải làm một chút gì cho đất mẹ đã nhiều đau thương. Tôi tin và tôi cầu cho em đạt được lý tưởng này. Ôi! Nếu mọi người Việt Nam từ lớn đến bé, từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo, đều nhiệt thành lo lắng cho tương lai quê hương như em, những em bé TH dễ yêu dễ mến của chúng ta.

Rồi một lá thư khác nét chữ vừa cứng vừa mềm của T. Vũ M. T. Vũ M. viết rằng em đã về thăm Đà Lạt. Em đã lên đỉnh đồi cao, lộng gió bốn phương tụ về của viện đại học, đỉnh tháp cao chót vót vươn lên bầu trời cao xanh vời vợi, như tuổi trẻ Việt Nam đang vươn lên cao. Năm nay M. sẽ vào Đại Học. M. đòi tôi kể về những năm tháng tung tăng làm cô sinh viên ở đây cho M. nghe. Cuối cùng M. than phiền em tìm mãi, em đi vòng vòng trên những lối đi xinh xinh, em đi giữa hai hàng mimosa nở vàng, em đi trên đá cuội trắng ngà, em đi giữa hai hàng cỏ mọc cao cao, vậy mà em tìm mãi, đỏ mắt, mỏi chân, không thấy khu nhà nội trú tôi tả trong truyệnh.

Tôi mỉm cười, tôi ước chi có đủ phương tiện và thời giờ để dắt từng em, từng em một vào vùng trời kỷ niệm của tôi. Ngôi nhà năm gian, ngói đỏ sậm ủ mình trong lùm cây, nằm khiêm nhường lưng chừng thung lũng vừa đủ thấp để mỗi sáng tôi leo dốc lên giảng đường thì mẩu bánh mì với chút phô ma tan biến theo từng bước chân lên, đến giảng đường nghe thèm một tô bún bò cay nồng ớt sả của xứ Huế vô cùng. Đừng chê chị tham ăn nghe em, mắc cỡ chết, dù chị tham ăn thật đó em ạ.

Muốn tìm thấy nội trú nữ sinh viên của chị, em sẽ theo con đường vòng quanh một quãng hồ Xuân Hương có những tòa lâu đài cổ kính nằm khuất sau ngõ quanh mang tên Dao Tiên, mang tên Violetta. Rồi em lên một con dốc đứng, con đường vắng bóng người, lâu lâu một chiếc xe vụt phóng đi bỏ em ngơ ngác bên bờ cỏ nhìn theo. Đi nữa đi em nhá, đường mát và im lìm quá đi em nhỉ. Có một cái miếu nhỏ bên lối rẽ ngặt đấy nghe, coi chừng đấy đã từng có tai nạn xảy ra ở đây vì lối quanh này. Một lúc nào đó sẽ phải đến em thấy một ngôi trường ngói đỏ nổi bật giữa một vùng cây cối xinh tươi. Trường nữ trung học Bùi thị Xuân đó em. Ở đây có rất nhiều cô bé áo xanh màu bleu marine má hồng thật hồng, mắt xinh thật xinh và môi tươi thật tươi. Dù muốn dù không em cũng ngẩn ngơ xao xuyến vài phút vì những cô bé đó em ạ. Em cười hở? Đúng tim đen chứ gì? Chị mà còn ngất ngây lao đao vì má hồng của họ nữa là em. Những cô bé cười không tròn nụ khi em nhìn họ, chính nụ cười nửa vời này làm em thích thú phải không em?

Đi nữa đi em, đừng ủy mị đứng mãi ở đây nghe em! Em sẽ xuống một con dốc rồi lên một con dốc. Em sẽ thấy hai cái cột bằng đá em không ngờ đâu. Viện Đại Học đó. Năm chữ "Viện Đại Học ĐàLạt" bé bé trên bảng đồng gắn vào một cột đá, chỉ có một dấu hiệu khiêm nhường đó thôi em ạ.

Em biết không? Theo luật lệ quốc tế, các bác sĩ chỉ được gắn một cái bảng đồng nho nhỏ thế thôi. Bây giờ vì lý do cạnh tranh, bác sĩ cũng treo bảng xanh xanh đỏ đỏ đập vào mắt người ta, như các bảng hiệu chạp phô í mà. Chị yêu Viện đại học Đàlạt vì cái bảng đồng. Chị lãng mạn quá phải không em?

Em sẽ đi giữa hai rặng anh đào, hoa nở hồng hay trụi lá chơ vơ tùy theo mùa em ạ. Có những ghế đá, khuất trong cây, có những vòm cầu đỏ cong cong nét kiến trúc Đông phương trên những lạch nước nhỏ. Có những viên đá xám xếp lên nhau theo một nét sáng tạo lạ và bạo của các sinh viên ưa khai phá.

Em sẽ thấy những tòa nhà tường đá ngói đỏ, mang những tên đầy nét Đông phương: những An lạc, những Đôn hóa, những Minh Thành, Tri nhất. Đọc đến đây em có thấy hãnh diện vì mình là người phương Đông chưa em? Mặt trời mọc từ phương đông và mọi nền văn minh huy hoàng nhất của nhân loại đều phát sinh từ đây em ạ. Thật sung sướng cho những người con gái mang trọn vẻ đẹp của miền bán đảo Đông dương em nhỉ? Mỗi lần nghe giáo sư Hoành nói về nền văn minh sâu xa và thâm trầm của Đông phương chị cảm xúc run rẩy cả người, cảm xúc này khác hẳn niềm khâm phục lúc giáo sư Trị nói về Kant, về hiện tượng luận của Husserl. Lên nữa đi em! Bồn cỏ lưng chừng đồi, có năm sáu lối rẽ làm em lúng túng phải không nào?

Thôi dùng lại, đứng nhìn lên đỉnh tháp cao chót vót của thánh đường Đại học, ở đó lâu lâu có những đám cưới do chính linh mục viện trưởng chủ hôn cho các sinh viên của ngài. Đám cưới hai họ đều là sinh viên, cô dâu chủ rể khăn xếp áo thụng đẹp lắm cơ em ạ.

Em hãy xuống con dốc phía bên trái, dốc quá hở? Rồi rẽ qua bên phải... Em thấy hai cây bưởi mùa hạ nở hoa trắng xóa trước một ngôi nhà có mái ngói cong cong chưa em? Nội trú của chị đấy. Ngày xưa chị đã sống ở đây với 14 nữ sinh viên khác. Mỗi phòng 3 người. Hồi đó chị không có nhiều tiền, sống giản dị lắm cơ, ngày 2 bữa cơm nội trú, sáng mẩu bánh mì không. Bây giờ thì chị đi làm có chút tiền. Nhưng sao chị vẫn thấy những ngày ở đó sung sướng nhất đời em ạ. Đêm đêm ngồi học ở bàn mà nghe lá thông vi vu dưới lũng xa, nhớ nhà khóc lên được.

Nội trú của chị có hai con chó Đức to lớn, đêm đêm nằm canh ở thềm nhà. Đàlạt lạnh, nhiều khuya đói meo cả lũ mà không sao kiếm ra hàng quà. Chị và bạn bè chui qua khe hở của hàng rào cây, lội bộ xuống phố mua bắp rang ăn từng hạt, nóng thơm thơm đầu lưỡi mềm thương nhớ.

Vào thu rồi đó em nghe không? Trời trong xanh gờn gợn vẩn mây buồn. Nghĩa là một chiều lá xanh thật xanh, xanh đến cùng tận của màu xanh, chồi non đã vươn trọn cả rồi. Lúc đó là lúc lá bắt đầu rơi, lả tả xuống đường. Em sẽ đi trên những xác lá vàng khô mà nghe thương nhớ về tràn đầy kỷ niệm xưa của em. Lòng em run lên như nốt sầu Dạ khúc mơ. Chị yêu lá vàng, một chiếc thôi cũng đủ. Chị yêu những con đường hiền lành của quê hương lào xào tiếng lá thở đầy cam chịu nhẫn nhục.

Kìa! Mưa bay rồi đó em, mưa nhẹ, nhẹ vô cùng, không đủ nặng để rơi thẳng xuống đất, gió mùa thu lao xao thổi ngang lớp phấn hồng của đất trời, nên người ta gọi là mưa bay bay. Lớp bụi hồng giăng giăng đầy trời đẹp như một áng mơ.

Mưa không làm ướt áo em như những cơn mưa hạ ào ào của Sàigòn đâu em. Những sinh viên học sinh họ thích đi dạo trong mưa bay để tóc vương đầy mưa bụi, vai áo lạnh vương vướng phấn mưa, mắt người đẹp sáng thêm một chút mộng tình thêm một chút thơ. Họ đi lang thang bên nhau dưới mưa bay lất phất. Mưa giăng mờ trời mưa giăng đầy mắt xinh. Hãy đi trong mưa bay đi em, nếu thích em châm một điếu thuốc, hai tay trong túi áo măng tô. Hãy để mưa tự do rơi trên tóc em bồng bềnh như mây trời phiêu lãng.

Mưa không lạnh, mưa không nồng mà mưa ru êm như điệu ca dao ngọt ngào quê mẹ.

*

Mùa thu chợt đến như dáng xưa, không hình không bóng mà sao ngây ngất men say. "Mùa thu đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng. Nàng thu bước rất khoan thai, tà áo thướt tha chân không chấm đất thỉnh thoảng cánh quạt khẽ chệch để lộ đôi mắt êm như trời xanh buổi chiều..." Chợt nhớ đoản văn Thu của Xuân Diệu một ngày nào xa xưa cô giáo Lê Khắc Ngọc Quỳnh áo trắng xinh thật xinh đọc trong lớp cho nghe mắt chị cứ tròn xoe ra. Chị yêu mùa thu từ dáng cô Ngọc Quỳnh, chị yêu mùa thu từ hơi thơ Xuân Diệu. Chị yêu mùa thu từ trên trời rơi xuống. Và chị mê viết văn cũng chỉ vì cô đấy, cô Quỳnh ơi!

Vậy là em đã thăm xong nội trú của chị rồi đấy nhé! Sao, có thơ mộng không em? Chao ơi, những sáng trời thu dịu dịu, thoáng gió heo may rủ nhau về. Bạn bè chị ngồi trước nhà nội trú đan áo len cho mùa đông tới. Chị đứng ngắm họ, tiếc mình không là họa sĩ. Má họ sáng hồng bầu bầu căng sữa, đôi tay thoăn thoắt cử động trên len màu xanh như trùng dương hun hút sâu.

Cảm tạ Thượng Đế đã cho chúng mình một quê hương có đủ 4 mùa. Cảm tạ Thượng Đế đã cho chúng mình đôi mắt để nhìn trời chuyển nhẹ vào thu, đã cho chúng mình một trái tim để yêu thiên nhiên, để thương quê mẹ. Chị muốn em đi mãi, đi lên mãi mãi. Kia là đỉnh đồi cao, này là giảng đường Hội Hữu, mỗi lần mưa bay bay sinh viên ngồi trầm ngâm trên những bục đá dựa vào tường, chắc họ say sưa nghĩ đến một tương lai Việt Nam chan hòa khúc hát thanh bình ca, một quê hương chuyển mình vùng vẫy một trời Thái Bình Dương mênh mông sâu thẳm.

Leo dốc đi em, đỉnh đồi đây rồi, em nhìn đi khắp bốn phương trời. Hồn dâng lên cao bên tòa nhà Năng Tĩnh có những con người đang âm thầm làm việc, đang âm thầm tạo một tương lai cho quê hương yêu dấu.

Gió nhẹ, nhẹ như mơ say. Mây đẹp từng áng trôi lênh đênh. Trời cao không bờ không bến. Rồi em sẽ xuống núi, sẽ lao vào đời, sẽ yêu cuộc đời như yêu chính thân em.

Để rồi có những chiều một chớm thu về đẹp như hôm nay, trong cuộc hành trình dài của em em sẽ dừng lại một quán nước bên đường mà nhớ thương ngày xưa mịt mờ trong dĩ vãng. Như chiều nay trong quán ĐaLa trầm ngâm với ly trà tưởng nhớ, tôi nhìn mùa thu về trong dáng mưa lâm râm ngoài đường phố buồn buồn, nghe mơ hồ đâu đây chút heo may lành lạnh mà nhớ ĐàLạt xa xót.

Những cơn gió thổi vút trên mặt hồ êm đềm và trong xanh. Chiều nhuộm vàng đồi cò. Những cánh pensée gợi hoài thương nhớ những bông mimosa vàng, vàng say ngây thơ. Những con đường, những đồi cỏ, những lũng sâu u buồn, những rặng hoa, những sáng mù sương, những chiều mưa nhạt. Tất cả đã trở thành thánh địa của yêu thương. Chị viết cho các em với xôn xao ngây ngất vì tất cả đã là những kỷ niệm thần thánh trong chị.


LỆ HẰNG      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 160, ra ngày 1-9-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>