1
Ngay từ khi còn cắp sách đi học, tôi đã tự biết tôi lạc loài và bất hạnh. Tất cả cũng chỉ do cái chân. Tôi nhích một chút. A! Cái chân mềm nhũn được bó bằng 2 thanh sắt cứng và những vòng tròn từ dưới lên trên cũng bằng sắt. Tôi có thể di chuyển với một cái chân như thế nhưng cả thân người tôi sẽ bị vẹo qua vẹo lại rất dễ té. Cho nên tôi phải đi bằng 2 chiếc nạng cũng bằng sắt. Trọng lượng bằng nửa sức nặng người tôi rồi. Mỗi lần di chuyển, từng tiếng cạch, cạch vang lên làm tôi khó chịu. Ngày mới tập đi đôi nạng này, tôi đã khóc hết nước mắt. Ba tôi dỗ dành, mẹ im lặng, nghiêm khắc. Và lũ em rộ lên cười thích thú. Ở đâu tôi cũng có ý nghĩ rằng mọi người đang coi tôi là một quái vật. Lúc đi học cũng vậy. Mọi người nhìn tôi tò mò, quái gở. Một lần tôi đeo cặp đi học. Hôm đó tôi đi trễ một chút nên sân trường chả còn ai. Tôi cành cạch lê chân vào cổng nhà xứ (lớp tôi học phải đi qua cổng này cơ), tôi gặp một dì phước. Dì đến bên tôi ân cần:
- Con học lớp nào để dì dẫn con vào. Cặp con có vẻ nặng, dì cầm hộ con nhé.
Tự nhiên tôi nổi cáu. Tôi nhìn thấy nụ cười của dì có vẻ thương hại tôi. A! Thương hại! Tôi đâu cần ai thương hại tôi đâu. Lại còn bày đặt xách cặp dùm tôi nữa chứ! Chả cần. Tôi què nhưng tôi không cụt. Tuy 2 tay tôi đang phải chống cặp nạng nặng nề thọc sâu vào nách. Tôi có thể đeo cặp tôi tròng qua cổ tôi cơ mà. Tôi không thèm nhờ ai hết. Tôi trừng mắt ngó thẳng vào mặt dì, giọng tôi cộc lốc khó chịu:
- Cám ơn dì! Con không cần ai giúp cả. Con đi được.
Nói xong tôi cúi đầu, lấy nạng đẩu cánh cổng sắt nặng nề ra và cành cạch vào lớp học sau khi chào cô giáo đang đứng ở cửa lớp.
Cứ thế, tôi sống âm thầm, lặng lẽ và mặc cảm. Tôi cô độc trong những sinh hoạt của gia đình tôi. Giờ ăn, tôi cúi đầu lặng lẽ ăn cho nhanh xong lại cành cạch về giường ngồi học bài. Luôn luôn tôi cúi đầu, trước mặt tôi chỉ có đôi chân nặng nề và mặt đất màu nâu bẩn thỉu. Tôi không dám ngẩng đầu lên. Tôi hiểu rằng nếu tôi ngẩng đầu lên tôi sẽ gặp những tia mắt thương hại nhìn theo tôi và những cái chắc lưỡi "Tôi nghiệp con bé ghê, há!" Ba tôi khuyên tôi coi như pha những tia nhìn ấy đi, ông bảo coi họ như con kiến dưới bước đi của mình. Tôi đã thử nhiều lần, tôi đã thản nhiên cành cạch bước và thản nhiên ngẩng mặt nhìn thẳng trước mặt. Nhưng rồi tôi lại thua, tôi không dám nhìn những ánh mắt yên lặng nhìn tôi với vẻ tội nghiệp, xót xa. Tôi không chịu nổi những tiếng người ta gọi tôi: con bé đi nạng, con bé khập khiễng... còn nhiều, nhiều những tiếng nặng nề người ta dùng cho tôi làm tôi tủi thân, làm tôi nhìn rõ ràng hơn thân phận của tôi, một con bé tật nguyền giữa cộng đồng xã hội này. Và rồi tôi lại nhìn xuống đất, âm thầm và lặng lẽ thường xuyên. Trước mặt tôi, hai cái chân thì an phận với số mệnh hẩm hiu như tôi, và đất thì hiền hòa, dễ tính, mặt đất không biết mỉa mai và mặt đất cũng không có ánh mắt tội nghiệp, xót xa. Tôi thương đôi chân tôi vô vàn, đôi chân với một bên teo nhỏ, bó những vòng sắt nặng nề, trắng xám. Nhiều lần, tôi ngẩn ngơ tự hỏi: tôi thương chân tôi hay tôi thương cho đời tôi? Có lẽ, có lẽ cả hai, các bạn ạ.
2
Những lần làm vệ sinh tại lớp là cả một hình phạt với tôi. Tôi phải chống một chiếc nạng bên trái và khập khễnh đi quét từng dãy bàn, mỗi lần chỉ có 2 đứa quét lớp mà thôi, mỗi đứa quét một dãy (tôi gọi "đứa" chứ không dùng tiếng "trò" vì tôi thích như vậy, diễn tả thật ngôn ngữ và ý tưởng của tôi không phải là một cái tội, phải không các bạn?). Đội tôi, đứa nào cũng sợ phải quét lớp chung với tôi. Tôi bực mình kinh khủng. Chúng không nói ra nhưng thái độ của chúng nói rất nhiều. Tôi hiểu chúng ghê tởm tôi, ghê tởm cái cặp nạng tôi gõ cành cạch mỗi ngày. Chúng sợ tôi quét lớp không sạch chứ gì? Tôi biết thừa đi rồi, nhưng tôi vẫn thản nhiên chịu đựng và yên lặng quét lớp. Tôi cố gắng quét sạch hơn chúng nữa kia. Thế rồi đến giờ vào lớp, đọc kinh xong, cô giáo cúi xuống gầm bàn đầu dãy A nhặt lên một tờ giấy loáng mỡ nhàu nát:
- Em nào vừa xả rác đây? Cô phạt hết lớp bây giờ!
Rồi cô đem bỏ vào thùng rác ở cuối lớp. Đội tôi nhìn nhau lo sợ. Ai quét lớp kỳ vậy? Tôi yên lặng nghe chúng hỏi nhau. Dãy bàn có tờ giấy loáng mỡ là dãy bàn tôi quét lúc nãy. Tôi đã quét thật sạch và cô giáo vừa hỏi "em nào vừa xả rác đây?" cơ mà! Nhỏ đội trưởng hỏi: hồi nãy ai quét dãy A đó. Tôi chưa kịp trả lời, thì nhỏ Huệ, con nhỏ quét lớp với tôi lúc nãy đã lẹ miệng: "Con Loan què quét dãy A đó bồ!" Tôi quay sang nó: nó ngồi phía trong, cùng bàn với tôi. Tôi mím môi căm hận nhìn nó. Tôi muốn tát cho nó mấy cái nhưng lại thôi. Nó tránh tia nhìn của tôi, quay lên bàn cô. Đột nhiên nó đứng dậy, tiếng nó sang sảng:
- Thưa cô, hồi nãy chị Loan quét bên dãy A, còn để rác lại đấy ạ.
Những cặp mắt xoi bói quay nhìn tôi, tôi đứng lên định chồm vào tát cho nó câm miệng nhưng sợ cô phạt, tôi ngồi im. Cô giáo ra dấu cho nhỏ Huệ ngồi xuống, tiếng cô rõ ràng:
- Không phải chị Loan quét lớp dơ. Tờ giấy này do một người trong lớp vứt xuống đất lúc xếp hàng vào lớp vừa rồi chứ không phải tại chị Loan đâu các em.
Tôi nhìn cô giáo, thầm cám ơn cô. Tôi bắt gặp ánh mắt cô đang nhìn tôi. Tiếng cô nhẹ nhàng:
- Ngọc Loan quét lớp hả? Thôi, từ nay Ngọc Loan khỏi phải quét lớp nữa nhé. Để các chị khác quét được rồi, Loan nghỉ cho khỏe nghe.
Quay sang nhỏ đội trưởng, cô dặn:
- Từ nay đừng chia Ngọc Loan quét lớp nghe em.
Mặt tôi nóng bừng và tay tôi run lẩy bẩy. Tôi không thèm cô thương hại tôi đâu. Đừng tưởng tôi tàn tật tôi không biết quét lớp. Tôi học lớp này tôi phải quét lớp này. Đừng tội nghiệp tôi, đừng thương hại tôi, tôi làm được những gì lũ bạn tôi làm được. Tôi đứng dậy chậm chạp nhưng tiếng nói tôi run rẩy và dữ tợn:
- Cám ơn! Cám ơn cô. Tôi không cần cô thương hại tôi. Tôi quét lớp được. Tôi không cần nghỉ cho khỏe đâu.
Tôi gục đầu xuống bà, cả lớp xôn xao quay nhìn tôi chăm chú. Tôi là đứa học trò đầu tiên dám xưng "tôi" với cô giáo. Tôi nghe mấy nhỏ quanh tôi xầm xì bàn tán. Tôi nghe tiếng nhỏ Huệ rõ thật rõ: "Xí! Đồ què mà còn bày đặt làm bảnh nữa". Tôi ngẩng phắt đầu quay vào phía trong, mắt tôi trợn trừng:
- Đứa nào gọi tao là đồ què?
Nhỏ ngồi cạnh tôi có vẻ sợ sệt đáp nhỏ: Con Huệ chớ không phải tao!
Tôi nhìn thẳng nhỏ Huệ, mím môi:
- Mày gọi tao là đồ què hả Huệ?
Nhỏ nhìn tôi đáp nhỏ thật nhỏ:
- Mày đi nạng thì không què sao mà còn hỏi?
Theo phản xạ tự nhiên, tôi giơ cao chiếc nạng đập xuống đầu nhỏ Huệ. Con nhỏ Vũ thị Huệ đã gọi tôi là "đồ què", con nhỏ có cái mỏ cong như mỏ Trư Bát Giới và hàm răng lổn nhổn như răng ngựa. Máu lênh láng trên mặt nhỏ Huệ. Lũ bạn quanh tôi rú lên khiếp đảm. Thấy máu đỏ, tôi chợt hoảng sợ. Cất chiếc nạng xuống gầm bàn, tôi ôm mặt khóc lên rưng rức. Cái bàn tôi ngồi chỉ còn tôi với Huệ. Cô giáo đang lau mặt cho nó bằng chiếc khăn tay của cô. Máu dính vào tà áo dài cô loang lổ. Con Huệ cũng đang khóc như tôi. Tiếng cô có vẻ hốt hoảng:
- Có ai biết nhà Ngọc Loan không? Về mời ba Ngọc Loan lên dùm cô đi.
Nhỏ đội trưởng chạy ra khỏi lớp thật nhanh. Tôi im lặng khóc trước những tia nhìn của các bạn trong lớp. Tôi nghe chúng bảo nhau "Con quỉ đó dữ ghê!" Tôi mệt mỏi trước những giọt máu của Huệ nên chả nói gì với chúng nữa. Băng bó cho Huệ xong, cô quay sang tôi, vẫn cái giọng bình thản hồi nãy:
- Tại sao Loan đánh Huệ vậy?
Tôi nấc lên, đáp thật rõ:
- Tại nó gọi em là... đồ què!
Cô giáo vuốt tóc tôi:
- Nín đi em, không sao đâu. Đừng sợ!
Chiếc khăn tay đã loang máu nhỏ Huệ nên cô kéo vạt áo dài lau nước mắt cho tôi. Tôi chợt ân hận đã hỗn với cô lúc nãy.
Phía chúng tôi ngồi các bạn đã bỏ trống vì tên nào cũng lo chạy xa khỏi chỗ có ẩu đả. Tôi mong ba tôi lên thật nhanh. Chỉ có ba, chỉ có ba mới hiểu tôi mà thôi.
Tôi lại nấc lên: Ba! Ba ơi! Cô giáo lại vỗ vai tôi: "Nín đi Loan. Đừng sợ. Không có gì đâu!"
Lúc ba tôi lên đến, cô giáo đứng nói chuyện với ba tôi thật lâu. Ba tôi cũng nói với cô rất nhiều. Tôi lại câm lặng. Có ba tôi hiện diện là xong hết mọi rắc rối. Lát sau, ba xuống chỗ tôi ngồi, bước vào bên Huệ:
- Trưa cháu về nhà dẫn bác về với nhé, bác sẽ thưa chuyện với ba má cháu về vết thương này. Từ nay, cháu đừng gọi Loan là đồ què nữa nghe!
Nhỏ Huệ vẫn ấm ức:
- Vâng ạ.
Quay sang tôi, ba dìu tôi đứng dậy đến bên cô, giọng ba đều đều:
- Con đã hỗn với cô. Bây giờ con phải xin lỗi cô đi Loan!
Tôi vòng tay, nước mắt ràn rụa. Tôi nói với cô những lời xin lỗi thật vụng về. Cô vẫn cười, nói với ba:
- Thưa bác, không sao đâu ạ! Cháu cũng biết em nó bị mặc cảm mà.
Ba lau nước mắt cho tôi và xin phép đưa tôi về, tôi cúi đầu chào cô và cành cạch lê chân bên ba ra về. Ba cúi xuống, đỡ lấy cặp nạng và bế bổng tôi lên. Trước khi ra khỏi lớp, tôi cúi đầu chào cô một lần nữa:
- Thưa cô, em về!
Cô lại cười:
- Ừ! Loan về, mai đi học Loan nhé.
Tôi gục mặt vào vai ba, mùi mồ hôi khen khét làm tôi dễ chịu. Tôi xiết tay tôi vào cổ ba thật chặt. Ba! Ba ơi! Giá ba không lên kịp...! Có ba là có tất cả ba nhỉ? Chỉ có ba hiểu con thôi. Ba không trách con đâu ba nhỉ? Có tiếng ba tôi bên tai:
- Ơ kìa! Loan, xiết cổ ba nghẹt thở làm sao?
Tôi cười bẽn lẽn buông tay ra khi tiếng ba vẫn đều đều:
- Cha bố mày! Con khùng ạ!
Mt. HOA