Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Thằng Bù Nhìn


Xếp xòng Bù Nhìn đắc ý cười rung cả người. Anh chàng phe phẩy miếng cờ bằng ny-lon te tua. Gọi là phe phẩy cho oai, thật ra cờ bay nhờ gió thổi tư bề. Tụi ranh se sẻ rút đi xa còn ngoái lại đám ruộng mạ với vẻ tiếc rẻ. Có thêm thằng Sáo Sậu đậu cây gòn cũng rất bực tức. Chúng bàn với nhau.

- Cái lão kỳ đà, chẳng để ai làm ăn gì hết.

- Hôm nào phải choảng lão một trận chí tử.

- Ừ, đúng đó... Hoan hô! Hoan hô!

Gió chợt thổi cơn mạnh bạo và mưa đổ ào xuống, đuổi tụi lì lợm đi chỗ khác chơi. Những đám mạ non run rẩy trước thiên nhiên cuồng nộ.

Xếp xòng Bù Nhìn gây gây lạnh và ướt át tận cọng rơm ở giữa thân. Miếng cờ bay phần phật, dù sao nó vốn quen tùy hứng không chịu tuân theo sự điều khiển của xếp xòng Bù Nhìn. Khéo không xếp xòng Bù Nhìn sẽ cảm mạo. Cái nón lá tả tơi mà cu Bi đội đầu cho anh chàng đã bay xuống ruộng trơ trẽn nằm nở lá bằng mật cật. Bùn sình với nước mưa văng đầy nón, nhưng không thể làm lấm cặp giò lêu khêu của xếp xòng Bù Nhìn. Xếp Xòng Bù Nhìn xiêu vẹo. Cái thân cây đính anh chàng ở trên làm anh chàng mất oai.

Bù lại, với nhiệm vụ chính đáng mà nhà nông giao phó, ông Trời đã cho xếp xòng Bù Nhìn có độ dăm mười đệ tử giúp đỡ đêm cũng như ngày. Đó là chim Cú, Diều Hâu, Cú Mèo, Cú Vọ, chim Lợn, chim Táp Muỗi, Én hay Sa Yến... Đại khái mấy tụi kể sau, đôi khi chúng giúp nhà nông bằng cách ăn sâu, bọ, v.v... Nhưng xếp xòng Bù Nhìn điên tiết khi chúng liến khỉ ăn cả rau, lúa và các hạt giống ngũ cốc gieo và lấp không kỹ. Hạng nhất là tụi Se Sẻ và Sóc. Thỉnh thoảng lại có tụi Gi Đá, Di Sừng, Gi Cam, Sơn Ca, Bạc Má, Giòng Giọc... Cả tụi hay hót nhí nhảnh như Họa Mi, Sơn Tước, Mai Hoa, Hoàng Oanh, Hồng Tước... cũng thuộc vào loại nửa nạc nửa mỡ này.

Xếp xòng Bù Nhìn ghê gớm là vậy vẫn chịu bó tay trước tụi Cua Đồng và Chuột Đồng. Mặc cho xếp xòng Bù Nhìn hăm dọa và dùng đủ cách, tụi này vẫn không ngán. Cua đòi bò lên cao kẹp chân, tay của xếp xòng Bù Nhìn. Chuột tính gặm cái sào tre ngã xuống cho rồi. Lúc đi tha hồ tụi nó xâu xé. Cố nhiên tụi này ham ăn và ham phá hại, chỉ lo vấn đề bao tử nên xếp xòng Bù Nhìn yên thân bấy lâu. Ước gì xếp xòng Bù Nhìn di chuyển được thì bọn phá hoại biết tay chàng. Bọn phá hoại tuy vậy mà nhát gan. Chúng sợ cả dãy băng bằng thiếc mỏng cắt nho nhỏ dài và cột theo hàng cọc tre lưa thưa bay theo gió. Chúng hốt hoảng vụt cánh khi nghe tiếng động khua bởi lon sữa bò hay hộp thiếc giăng trên những thửa ruộng xanh màu mạ non. Lắm lúc gã Diều Hâu đói mồi đi săn, bọn phá hoại bảo nhau trốn thật kín ở xó tăm tối nào.

Xếp xòng Bù Nhìn có ra lệnh và chỉ trỏ lung tung, nhưng gã Diều Hâu ngờ nghệch không thấu hiểu. Cứ thế xếp sòng Bù Nhìn và chim chóc sống trong tình trạng căng thẳng dần dà, chờ ngày tháng qua mau trên đồng ruộng mạ. Gieo mạ được ba tuần lễ, nông dân bắt đầu ra ruộng nhổ lên để cấy.

Xếp xòng Bù Nhìn rảnh việc, nghỉ xả hơi một hôm. Anh chàng khoan khoái nhìn già, trẻ, trai, gái ra đồng làm việc. Họ bó từng đám mạ để qua ngày phân phát, chuyền nhau cấy đều từng hàng. Họ vui vẻ nói cười trong lúc tay làm nhanh thoăn thoắt và công việc trôi chảy điều hòa.

Miếng cờ nylon bướng bỉnh, nó vẫn bay về phía trước và định làm quen với 2 con nghé. 2 con nghé non tung tăng như muốn rong khắp con đường nhựa, bờ cỏ và mấy thửa ruộng mênh mông. Cu Bi lăm le cái roi mây. Chẳng những nó vụt vào mông lũ nghé ngọ mà còn phết luôn mấy con trâu già chỉ chực dẫm lúa của nhà nó, của hàng xóm.

Lúa lên tươi tốt và xanh um. Ngày lúa ngậm hột không xa. Như các cô gái quê xuân thì trổ mã, lúa cho đòng đòng sực nức hương quê. Tụi chim chóc không còn xơ múi gì được. Chỉ còn lũ Cua và Chuột, Ếch, Nhái nữa... Chúng còn sót lại sau những cuộc lùng bắt của bọn trẻ loài người trong mùa mưa 1 số ít nên không nguy hiểm mấy. Người ta chỉ e ngại thất mùa với chúng hồi lúa còn là mạ non mới cấy kia. Bây giờ dấu vết tố cáo chúng là những bụi lúa lem nhem hay ngã rạp ven bờ ruộng, men bờ đường đất. Thành tích của Cua, Còng và Chuột đó. Xếp xòng Bù Nhìn, dĩ nhiên, chẳng bằng lòng. Chưa kể đến những tên phá hoại tí hon: Sâu, Bọ, Rầy... Tuy không đuổi cổ bọn chúng, nhưng đứng thị thiền nơi đây xếp xòng Bù Nhìn trông rõ ràng sự việc xảy ra. Lẽ ra một số bụi lúa đâu bị lùn. Chỉ tại bọn Ruồi đục lá, thường cắn bìa lá hay phiến lá. Lũ Ruồi mẹ đẻ từng trứng trên lá lúa. Ấu trùng màu xanh vàng lợt như màu lá lúa non. Khi vừa nở nó bò vào đọt lúa sinh sống, cắn vào lá non đang tượng hình. Tuy khó nhìn kiếm, nhưng xếp xòng Bù Nhìn biết rằng hễ con Nhộng nằm phía ngoài lá bị cắn, ắt ấu trùng nằm sâu trong đọt lá. Lại thêm sự hỗ trợ của Sâu Nách. Kìa những dấu cắn đứt ngang ống lúa, những dấu bên ngoài như bẹ lá hay 1 phần thân lúa bị cắn đứt và những lỗ hổng cho sâu thoát ra. Nhưng gia đình bác Hai không lầm được lúa bị Chuột phá hại. Bởi vì Chuột đã bị họ lùng bắt và xơi tái đủ món, ướp làm mắm... Bác Hai nhổ từng cây lúa bị bạc đầu lên quan sát và chỉ cho cu Bi xem. Này Sâu nách màu hồng, sọc nâu (màu đất sét), sọc nâu đầu đen, Sâu nách màu vàng, màu trắng... đều sống ký sinh ở lúa. Qua thời kỳ nhộng, chúng phủi công ơn và hóa bướm bay đi mất.

Thế rồi xếp xòng Bù Nhìn ngạc nhiên với 2 cái bình của cha con bác Hai đeo trên lưng. Họ làm việc gì bí mật giữa ban ngày đây? Chẳng có gì lạ lùng, vì họ đi xịt thuốc trừ sâu. Phải ngừa cả Sâu đeo, Sâu keo, Sâu cắn chẻn. Tụi này trông na ná với nhau. Sâu keo ăn mòn gần hết phần trên chiếc lá và thân cây lúa. Sâu cắn chẻn thì hay phá hại phần dưới của cây lúa, cắn đứt ngang cây lúa ở bất cứ đoạn nào. Còn Sâu ống hay Sâu đeo luôn quấn mình trong 1 đoạn lá rồi từ đó cạp mòn các bộ phận khác của cây lúa. Vậy nên ban đêm xếp xòng Bù Nhìn khoan khoái thấy lũ Bướm sâu ống thi nhau đâm đầu vào chỗ chết. Bác Hai đốt một bóng điện 40 watt treo lòng thòng trên 1 chậu nước to tướng. Dù gì Bướm chết trôi cũng đỡ được bao trứng non chúng sẽ ký thác dưới mặt các lá lúa. Bọn lúa dẫy nẩy né qua, né lại. Chúng gào réo ầm vang như lũ trẻ ở dơ, lười biếng, chẳng may bị bắt đi tắm, xịt nước vào. Xếp xòng Bù Nhìn làm le, mắng rằng:

- Này! Đừng có ồn, ta đây muốn xịt "nước hoa" mà họ có thèm để ý đâu.

Tội nghiệp tụi Sâu, chết dần chết mòn, xác trôi lềnh bềnh. Cu Bi rủ em, lố nhố 4, 5 đứa ra đồng vạch lúa bắt tụi Sâu còn sót. Vài con Bọ Gai đen nháy nhảy loi choi. Đám Bọ Xít Hôi sẽ bị nhận biết dễ dàng bởi chúng tiết mùi rất khó ngửi. Đi xục xạo thế này, Bọ Xít Hôi thường hay bay túa ra hai bên cạnh cu Bi. May thay vụ mùa này vắng bóng chúng. Chừng mấy tuần sau, người ta rộn rịp ra đồng gặt lúa. Họ gặt vần công nên đông đảo hò hát, cười đùa cho quên đi bao nhọc mệt. Xếp xòng Bù Nhìn thèm thuồng với ý tưởng tham gia. Ồ! Đó là chuyện chiêm bao. Họ cũng sắp sửa sa thải anh chàng sau vụ mùa. 

Tụi chim chóc sợ đông người với cảnh tượng hoạt động đã rủ nhau sang xứ khác làm ăn. Tụi Cua, Còng nấp kỹ trong cái hang nhiều ngách để lột vỏ, thay xác. Tụi Chuột Đồng táo tợn kinh tâm với mấy gã Mèo. Loài người họ săn bắt ráo riết quá. Nào đặt bẫy, hun khói, dùng Chó, dùng mồi thuốc độc. Rốt cuộc vài gia đình Chuột Đồng ngậm ngùi bồng bế con cháu, và sự sản để di cư. Thà là đói khát nơi đất hoang, đồng trống, hơn là ở lại chốn trù phú nguy hiểm, Chuột Đồng nghĩ vậy đó. Vả lại lúa đã gặt xong xuôi, còn chơ vơ những gốc rạ, đầy vẻ tiêu sơ. Gió thổi nghe cũng lạnh. Sót gì đâu? Cu Bi đánh trâu ra đồng, tha hồ cho trâu nhặt nhạnh. 2 con nghé non lớn nhanh, đã bớt xông xáo và giữ bộ tịch chững chạc, theo đuôi trâu mẹ bắt tức cười. Cu Bi đặt cái ách vào cổ trâu mẹ, bắt nó lôi cái xe 2 bánh. Trên đó cu Bi bỏ đầy rơm. Lũ em cu Bi hăng hái chất nhau lên xe kéo, vừa "hò dô ta" vừa làm trò nhào lộn trên đống rơm. Bọn lúa màu vàng héo hắt, không ngờ già lão lúc nào. Chúng bị tước đoạt những hạt ngọc. Những hạt ngọc trắng tinh thu mình trong 2 dĩnh trấu xinh xắn, mập có, lép có... Cần gì, họ sẽ sàng để lựa ra mấy hồi. Bây giờ lúa tơi tả vì những bó tập thể theo nhịp đập đều đều của thợ. Lúa trơ trụi biến thành những cọng rơm. Rơm chán ngán ngày tự do qua mau nên âm thầm rơi lệ. Trên sào tre, xếp xòng Bù Nhìn an ủi chúng:

- Đừng buồn, rồi tụi mày sẽ về chốn ấm êm chớ không cực khổ dầm mưa dãi nắng như ta đây.

Bọn rơm được nén thành những đụn lồ lộ, cao hơn cả nóc chuồng trâu. Chúng bất mãn phản đối cha con bác Hai đã dùng chĩa nhọn để xỉa vào chúng, nhưng họ nào hay biết. Con Vện "ẳng ẳng" chạy quanh đụn rơm. Theo sau là chị Gà Mái. Chiều rồi mà chị vẫn chưa dẫn con về ổ. Chị móc, chị bới rơm tung tóe. Mươi tên gà con tiệp màu lông với rơm vàng, lăng xăng bắt chước gà mẹ. Vài đứa giành nhau cọng rơm khô dính đâu được 1 hạt lép. Bỗng con Vện nghịch ngợm rượt nà mẹ con chị gà. Gà Mái cáu kỉnh dẫn con ù té chạy. Bọn rơm thở phào sung sướng. Thỉnh thoảng vẫn nghe chúng cãi nhau: "Sao lại nằm ép rệp bên trên, nằm dưới bị ngộp thở ghê! - Tại người ta sắp chỗ vậy đó, giỏi thì cứ phản đối ngay họ."

Chẳng bao lâu rơm rạ đã thật sự khô ráo. Bọn rơm khỏi phải chê bai với than phiền. Chúng bị bó thành từng bó riêng. Và được đặt lần lượt trở đầu vào nhau, san sát nhưng không chật chội vì nén chặt như xưa nữa. Trước hết, cu Bi "tắm" rơm. Lại tắm! Rơm gồng mình chịu trận, hết cách né với kêu la. Nước rưới đều ướt rơm và thấm xuống nền đất. Mô đất cao độ 2 tấc, rộng 8 tấc và dài cũng cả thước. Vậy là bọn rơm yên phận nằm trên chục liếp dài, cách nhau đều đặn. Bác Hai xức phấn cho rơm. À không! Bác rải meo giống như bụi nhỏ li ti. Bác lại tiếp tục xếp những bọn rơm bó khác lên trên. Bọn rơm giờ đã quen với những lượt meo đều hai bìa mô với những giọt nước từ búp sen của bình nhôm. Sau cùng cu Bi nhẹ tay cởi lỏng dây lạt buộc rơm ra. Bọn rơm uốn éo vặn mình, muốn đẩy những cọng thứ tự nằm trên đi chỗ khác chơi. Và cứ thế, ngày sang ngày, họ đốt mô cho cháy những phần rơm rạ so le ở hai bên sườn. Họ dập tàn lửa và quét tro rắc đều lên mô, xong tưới nhẹ ngoài mặt. Bọn rơm hết nóng vì lửa, lại nóng vì thân nhiệt của chính chúng bốc hơi. Cũng bởi bác Hai "làm áo mô" quá kỹ để thu hoạch năng suất được cao. Bác Hai và cu Bi chăm nom mô nấm cẩn thận. Nào vạch "áo" xem chừng độ ẩm, nhìn gió, nhìn mưa...

Bao nhiêu là công việc qui mô và bận rộn, vậy mà xếp xòng Bù Nhìn chịu phép chẳng giúp đỡ được gì cho nhà nông cả. Xếp xòng Bù Nhìn ước gì họ rã thây mình ra đem vào mà trồng nấm. Tiếc thay họ không để ý đến thân hình tiều tụy của xếp xòng Bù Nhìn. Họ chọn lựa tụi sạch sẽ, không mục, không meo mốc mọc sẵn. Tụi còn mới tinh, cọng xanh cứng còn được hoãn nữa, nói chi đến bọn rơm bệnh hoạn, bị bệnh tim hay trước vốn sống ở đồng chua nước mặn, có phèn...

Vì rơm để trồng nấm, không dự trữ cho mẹ con nhà trâu ăn dần, nên ngày 2 buổi cu Bi phải dắt chúng ra đồng gặm cỏ. Vơ vẩn cu Bi dùng ná cố bắn hạ những con chim lười cánh không muốn đi xa kiếm ăn. Tụi Se Sẻ hốt hoảng đậu trên vai xếp xòng Bù Nhìn để trốn. Cu Bi quyết không tha. Những viên đạn bùn khô cứng, không trúng mục tiêu, chỉ tổ làm xếp xòng Bù Nhìn đau đớn, bung ra. Hai con mắt bằng trái cà dược đen già của xếp xòng trúng đạn rơi mất. Vậy để xếp xòng Bù Nhìn khỏi chứng kiến cảnh thương tâm. Con "nghé già" chậm rãi đến bên xếp xòng Bù Nhìn xiêu vẹo. Nửa muốn mài cặp sừng non, nửa muốn ủi chướng ngại vật trên bước đường thênh thang của nó. Nhưng cu Bi đã quát con "nghé già" tránh ra để cu Bi tiếp tục trổ tài thiện xạ. Cu Bi không nghĩ đến việc thực hiện 1 thằng Bù Nhìn khác cho vụ mùa sau. Tay chân, thân thể xếp xòng Bù Nhìn tơi tả, thi nhau bay với miếng cờ nylon. Có tiếng nhóc em cu Bi vỗ tay reo mỗi khi cu Bi nheo mắt, buông ná thung. Mục tiêu không là chim chóc mà vẫn là xếp xòng Bù Nhìn bất động, đau lòng với số phận. Một con Cò Trắng cô độc vừa đáp xuống bờ mẫu bên kia. Nhóc Tèo chỉ anh nó. Cu Bi quay phắt lại để nhắm bắn. Viên đạn bùn trượt văng. Cò Trắng hốt hoảng bay bổng. Cặp giò lêu khêu của nó như đôi chân sào tre của xếp xòng Bù Nhìn, thừa thãi không biết giấu ở đâu. Con "nghé già" vừa quanh lại. Liếc trộm cu Bi, rồi thích ý nó há mỏm rút nhanh ruột gan của xếp xòng Bù Nhìn. Xếp xòng Bù Nhìn lịm chết. Dù gì anh chàng đã làm tròn bổn phận bao ngày qua, không kể công và không cần trả ơn. Nhóc Tèo rình rình nhảy lên lưng con "nghé già". Con "nghé già" giật mình tuôn chạy. Vô tình nó báng ngã xếp xòng Bù Nhìn. Chỉ còn những gốc rạ trọc đầu, "khóc cho 1 người vừa nằm xuống."


PHAN KHƯƠNG THÁI     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>