Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Niềm Vui Đêm Trung Thu


Ông Hòa đẩy chiếc xích lô vào nhà, để ngay ngắn qua một bên. Ông ra sau nhà, vắng hoe, không biết hai đứa nhỏ đi đâu rồi. Kệ nó...

Ông cởi nút áo hứng lấy luồng gió mát đưa tới, ông thở ra khoan khoái, với lấy chiếc khăn mặt ướt, ông lau cổ, lau mặt.

Trở lên nhà trên, vẫn không thấy hai đứa nhỏ, thằng Hải và con Hương, ông ngồi bệt xuống thềm xi măng, với lấy chiếc quạt phe phẩy.

Con Hương ào chạy vào, khẽ kêu:

- Ba về!

Ông Hòa dịu dàng:

- Đi đâu đấy con, thằng Hải đâu?

Con Hương nũng nịu bá cổ ông:

- Anh Hải đi... đi coi lồng đèn...

Nó tiếp ngay, nói rối rít:

- Ba ơi! Mua lồng đèn cho con đi... tối nay trung thu rồi!...

Ông Hòa im lặng, ông biết trung thu đã tới rồi, những ngày trung thu được chào đón bằng những chiếc lồng đèn màu sặc sỡ... Những lần chở khách, nhìn những chiếc lồng đèn do những người khách mua cho con, ông Hòa lại nghĩ đến hai con, và ông biết trung thu năm nay con ông không có đèn...

Nghĩ tới đó, ông nhăn mặt, vầng trán nhăn nheo... lộ vẻ buồn. Con Hương thấy ba nó như vậy, thôi không vòi nữa, ra sân ngồi vọc cát. Để mặc cho ông Hòa nghĩ ngợi...

Con ông sẽ không có đèn, nghĩ tới cảnh tượng đêm nay hai đứa ngồi thui thủi một mình thèm thuồng, ông rưng rưng... Con ông còn nhỏ quá, thằng Hải mới lên 10, còn con bé Hương mới 6 tuổi... Ông lại nghĩ đến vợ ông, đang nằm dưới lòng đất lạnh hoang vu. Tay ông run run, mắt mờ nhòa. Ông Hòa vụt nhớ mùa trăng rằm năm trước, cũng không đến nỗi tệ, hai đứa vẫn có lồng đèn. Nhưng năm nay... con Hương ngã bệnh, chứng bệnh ngặt nghèo làm bao nhiêu tiền ông kiếm được đổ vào đó hết. Đến nỗi giờ này vẫn không có đủ tiền mà mua cho hai con... Những trăm rưỡi một chiếc... làm sao!

*

Ông Hòa lên tiếng:

- Hương ơi! Kêu thằng Hải về đây...

Con bé chạy đi liền. Lát sau, thằng Hải vào nhà theo em. Ông Hòa bảo:

- Đi nấu cơm đi con!

Thằng Hải ngần ngừ chưa chịu đi. Trong óc nó còn in rõ chiếc lồng đèn quyến rũ của thằng Cu Tý, mẹ nói mới mua. Chiếc lồng đèn con cá mới đẹp làm sao...!

Ông Hòa dịu dàng:

- Đi con...

Thằng Hải giật mình, đi xuống bếp vo gạo. Vọc những hạt gạo trong tay mà đầu óc nó nghĩ ngợi đâu đâu. Lồng đèn của nó đâu, sao thằng Cu Tý có, sao mẹ nó thương nó quá vậy. Còn ba nó, chắc ông Hòa không thương anh em nó tí nào hết. Nghĩ vậy nên thằng Hải thấy nghèn nghẹn ở cổ, đôi mắt mờ mờ những nước. Nó đưa tay vo mạnh nắm gạo, làm cho những hạt gạo trắng bay tung tóe...

*

Ông Hòa và nốt miếng cơm cuối cùng còn lại trong chén. Thằng Hải và con Hương chiều nay ăn ít thấy rõ. Chả là thằng cu Tý vừa xách chiếc lồng đèn đi qua...

Ông gọi thằng Hải vào thu dọn chén đũa. Với lấy chiếc tăm, ông xỉa vội rồi khoác chiếc áo nhà binh cũ kỹ vào người.

Dắt chiếc xe ra khỏi cửa, ông đạp đi liền. Trời sâm sẩm tối, nền trời màu tím sẫm, phố đã lên đèn. Ông đạp nhanh ra đường phố chính. Lồng đèn vẫn treo đầy ở các cửa tiệm, phải chi lúc này ông được hai chiếc thì hay biết mấy!

Ông đạp nhanh qua mấy phố đông người. Đi đâu cũng thấy đèn, xanh, đỏ rực rỡ làm ông chóa mắt... Người ta nhiều thế kia... Ông lại nghĩ tới hai con, lòng ông lúc nào cũng nghĩ tới hai con... không có lồng đèn chắc chúng buồn lắm! Làm ư? Ông có thì giờ đâu mà làm cho chúng được... Bực chí, ông định quẹo ra bờ biển hóng mát đôi chút. Mồ hôi vã ra đầy trán ông. Chưa chở khách mà mồ hôi đã ra rồi, chắc tại ông lo nghĩ nhiều quá, ông Hòa nghĩ vậy...

Có tiếng gọi xích lô từ bên kia đường. Ông thắng xe lại, đi chầm chậm và quẹo sang. Người gọi ông là một bà khách có vẻ sang trọng ghê, nhìn ông cũng biết. Bà đang khệ nệ ôm những hộp bánh trung thu được cột lại thành một chồng... Nhà ông cũng chưa có cái bánh nào để cúng rằm... Tay bà lại đèo thêm ba chiếc lồng đèn, chắc bà mua cho con... Ông nghĩ vậy và bà khách chưa trả giá gì đã vội leo lên xe ngay như trút nỗi bận rộn mà bà đã phải đèo bồng từ nãy tới giờ. Ông Hòa đạp nhanh, miệng hỏi:

- Thưa cô, cô về đâu?

Bà khách lấy khăn ra lau, đáp:

- Ông cho tôi về đường Chi Lăng... À! Bao nhiêu ông?

A! Con đường Chi Lăng gần nhà ông mà.

Ông Hòa vừa đạp vừa nói nhỏ:

- Cô cho năm chục!

Bà khách lặng lẽ mở ví rút tờ trăm ra, đóng chiếc ví lại và để xuống nệm xe. Cầm chặt tờ trăm trong tay, bà hơi rướn người lên, nói một mình:

- Chà! Trung thu chi cho mệt dữ...

Ông Hòa phụ họa:

- Lo cho bọn nhóc cũng mệt, nhất là nhà đông người, mà "người" con nít thì càng tốn!

Bà khách:

- Chắc bác đông con...

Ông Hòa lắc đầu:

- Dạ không! Tôi có hai đứa...

- Chắc bác mua cho hai cháu đèn rồi phải không? Có hai đứa mà...

Ông Hòa cười gượng:

- Dạ... mua rồi!

Ông phải nói thế chứ không lẽ nói chưa mua, kỳ lắm... không chừng bà ta lại nghĩ mình xin bà ta...

Xe đã tới gần đường Chi Lăng, trời tối đen rồi, bà khách bảo:

- Thôi, cho tôi xuống đây...

Bà đưa tờ trăm cho ông Hòa, bước xuống nói:

- Thôi, biếu bác luôn... về mua bánh cho cháu.

Ông Hòa cám ơn. Bà khách hấp tấp ôm chồng hộp bánh với những chiếc lồng đèn đi vào ca9n nhà gạch to lớn sáng choang. Có tiếng trẻ nít ro:

- A! Mẹ về!

Ông Hòa thầm nghĩ đến hai con, chắc hai đứa đang ngồi nhà, nhìn lồng đèn các trẻ con mà thèm thuồng! Ông quay xe đi, hơi rướn người lên cho đỡ mỏi. Bỗng mắt ông nhìn thấy một vật gì đen đen nổi bật lên nền vải nệm trắng. Ông đưa tay với lấy, và giật mình, nói nhỏ:

- Trời! Chiếc ví... của bà khách... thì ra bà khách vội vàng đến nỗi để quên chiếc ví trên nệm xe!

Ông Hòa ngừng xe phân vân. Ông mà có chiếc ví này thì con ông sẽ có đèn chơi hôm nay... Nhưng không được, đói cho sạch, rách cho thơm, mình nghèo thì nghèo chứ không tham lam. Tay ông vân vê chiếc ví có lớp da đen bóng, thơm thoang thoảng. Ông khẽ kéo chiếc "phẹc-mơ-tuya", một xấp giấy năm trăm nằm ngay ngắn như quyến rũ...! Thế này thì không được, ông nhủ thầm rồi đạp xe đi về con đường Chi Lăng.

Đến trước cánh cổng sắt đóng im ỉm, ông không biết gọi ai. Nhìn thấy chiếc chuông bấm, ông đưa tay ấn nhẹ... Một phút sau, người tớ đi ra. Ông Hòa đưa chiếc ví đen ra, người tớ mừng rỡ kêu lên rối rít. Bà chủ nhà xuất hiện ngay sau đó, gương mặt tỏ vẻ mừng rỡ, mở chiếc cổng sắt mời ông Hòa vào. Nhưng ông lắc đầu đưa trả chiếc ví nói:

- Dạ tôi phải đi rước khách nữa...

Bà khách mở ví, rút hai ba tờ năm trăm ấn vào túi bác, miệng không ngớt cám ơn và nói:

- Bác thật là một người tốt. Chu cha ơi! Giấy tờ của tôi trong này... thiệt nhờ bác...

Ông Hòa ngần ngừ như muốn trả lại thì bà đã nói:

- Dạ, không có gì... đó là tôi đền ơn bác mà...

Bà đẩy chiếc xe xích lô đi. Như sợ ông Hòa sẽ trở lại trả, bà nhanh nhẩu:

- Bác đi rước khách đi...

Biết không thể nào trả lại cái bà khách này, ông cười và nói cám ơn, bà khách cười theo... Ông Hòa bỗng nghĩ tới chiếc lồng đèn... và ông cắm đầu đạp xe ra phố...

*

Khi ông Hòa về đến đầu xóm thì mắt ông ngợp bởi một rừng đèn đang di chuyển. Ông nhìn trên nệm xe, hai chiếc lồng đèn nằm ngay ngắn... Ông lẩm bẩm:

- Thằng Hải chiếc tàu bay, con Hương chiếc lồng đèn con cá, còn 3 hộp bánh... hà hà... Cúng hai hộp còn hộp này ăn...

Ông Hòa nở một nụ cười. Xe đã về trước ngõ. Con Hương và thằng Hải đang ngồi ở ngách cửa buồn hiu. Ông Hòa nhảy xuống xe, lấy hai chiếc lồng đèn giơ lên. Con Hương và thằng Hải cùng chạy ào tới, tíu tít cười nói luôn mồm.

Ông Hòa dắt xe vào nhà, lôi túi nến đỏ ra khỏi thùng xe, và châm lửa đốt nến, gắn vào hai chiếc lồng đèn và trong một thoáng, hai đứa con ông đã nhập bọn vào rừng đèn kia. Ông Hòa đem chiếc chiếu trải ngoài sân, đem hộp bánh cùng con dao. Trăng đã lên cao, soi sáng xuống mảnh sân nhà ông Hòa. Ông chia chiếc bánh ra, và lên tiếng gọi:

- Hải ơi! Hương ơi!

Không có tiếng đáp, chỉ có tiếng hát vang vang:

"Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường... Đèn Thiên Nga với đèn Bươm Bướm, trong ánh đèn rực rỡ muôn màu..."

Giọng hát trẻ thơ sao mà dễ thương. Ông Hòa cảm thấy lòng mình ấm lại. Nhìn lên mặt nguyệt tròn lững sáng ngời, ông khẽ nở nụ cười trên môi...


VŨ NGUYÊN   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 185, ra ngày 15-9-1972) 

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>