Chương 5
Lan tươi cười đón, Hương ngay cổng giảng đường II:
- Hương ơi, bữa nay có quà cho Hương nè!
- Quà gì đấy Lan? Gớm, sao bồ có vẻ trịnh trọng thế không biết?
Lan giơ lên một gói nhỏ, bọc giấy hoa thật đẹp với một chiếc nơ xanh xinh xắn:
- Quà sinh nhật của Hương đây.
Hương ngạc nhiên, mở to mắt:
- Sao Lan biết hôm nay sinh nhật Hương?
- Thì Lan học bấm độn Khổng Minh chứ sao.
Hương bật cười, độp nhẹ vào vai Lan:
- Lan chỉ đùa giỡn là giỏi! Nói thật cho mình đi, làm sao biết hay vậy?
- Thế mới đáng là bạn chí thân của Hương chứ. Thôi, bồ thử đoán coi sao mình biết đi.
Hương cắn môi suy nghĩ:
- Ừ… Chắc bồ xem thẻ sinh viên của mình phải không?
- Thẻ sinh viên bồ cất kỹ thế, ai mà xem được.
Hương mở ví tìm chiếc thẻ sinh viên xanh nàng mang theo hàng ngày. Nhưng nàng biến sắc hốt hoảng:
- Chết chưa, chiếc thẻ mình vẫn luôn để trong ví, hôm nay biến đâu mất rồi?
Lan giấu một nụ cười ranh mãnh:
- Hương đăng báo, hứa chuộc “theo đúng luật giang hồ” là tìm được ngay đấy mà.
Hương phụng phịu:
- Lan lúc nào cũng đùa được! Mình đang lo muốn chết mà bồ còn cười giỡn với mình nữa!
Lan đấu dịu:
-
Thôi, hay là Hương chuộc đi, mình sẽ tìm cho, Sherlock Homes (1) Việt
Nam chính là tại hạ đây. Thế nào, thân chủ định chuộc bao nhiêu.
Sherlock Homes sẽ kiếm ra trong nháy mắt. Một… hai… ba… thân chủ nhắm
mắt lại:
Hương ngoan ngoãn nhắm nghiền mắt:
- Cấm ti hí đấy nhé! - Lan dặn.
Hương gật đầu, mỉm cười.
Lan vờ lầm rầm đọc thần chú:
- Úm ba la, úm ba la, abacadabra… xong rồi, thân chủ mở mắt ra xem nào!
Lan hãnh diện đưa chiếc thẻ sinh viên của Hương lên, tay kia chìa ra:
- Tiền chuộc đâu? Tiền trao trao cháo múc!
Hương lục lọi trong ví rồi nói:
- Đây, Lan đưa tay ra mà nhận!
Lan vội vàng xoè tay ra, nhưng khi nhìn thấy vật Hương đặt vào tay mình, Lan tiu nghỉu:
- Rẻ quá, có 10 đồng, không được!
Hương đùa:
-Thám tử tài năng quá nên tiền chuộc chỉ đáng… 1 đồng, thân chủ đã trả gấp mười rồi, còn kỳ kèo nữa thì thân chủ xin lại vậy.
Lan vội giấu tay ra sau lưng:
- Thôi, thám tử nhận tạm ăn cà rem đỡ khát vậy.
Rồi Lan trao thẻ sinh viên cho Hương. Hương hỏi:
- Lan nhặt được hồi nào vậy?
Lan hạ giọng tỏ vẻ bí mật:
- Ấy đâu phải Lan. Một kẻ lạ mặt nhặt được đấy chứ.
- Ai vậy Lan?
- “Chàng”
Hương ngơ ngác;
- Chàng nào?
- Thì còn chàng nào nữa? Chàng Trương Chi “khối tình ôm xuống tuyền đài chưa tan” chứ còn ai vào đây nữa?
Hương đỏ mặt, “À” lên nho nhỏ, Lan cười:
- Thế mà còn giả vờ hỏi.
Hương đánh trống lảng:
- Nhưng tại sao lại lọt vào tay Lan?
-
Gây cấn lắm! Bí mật quân sự! Nhưng Lan cũng làm phước kể cho nghe, kẻo
người đẹp sốt ruột, tội nghiệp. “Chàng” đến bên Lan, nghiêng mình chào
thật lễ phép và thỏ thẻ: “Cô bạn cô đánh rơi chiếc thẻ sinh viên, cô làm
ơn trao lại hộ”, rồi thẹn thùng bỏ đi một nước. Tội nghiệp, anh chàng
cũng khá đẹp trai đấy chứ, chỉ phải tội nhút nhát như thỏ đế.
Hương thắc mắc: Tại sao Giang không đưa thẳng cho mình mà lại nhờ trung gian của Lan nhỉ?
Nhưng Hương không dám hỏi Lan, sợ Lan càng chế giễu hơn. Như đoán biết ý nghĩ của Hương. Lan tiếp:
- Chàng mắc cỡ nên phải nhờ Lan đưa hộ. Chàng sợ gặp Hương, chàng sẽ ngất xỉu vì quá cảm… tình.
Hương
sực nhớ lại trước khi ra về chiều qua, nàng rút khăn tay trong ví ra
lau mặt, chắc chiếc thẻ rớt ra mà nàng không hay. Hương lại ngồi ngay
trên lan can lầu 3, gần cửa phòng Sử Địa Giang học. Có lẽ Giang tan học
ra, tình cờ nhặt được. Hương buồn buồn tự hỏi sao số mệnh cứ run rủi cho
nàng chịu ơn Giang mãi mà không cho nàng gặp dịp cám ơn chàng.
*
Hè 69 êm đềm trôi… Hương được ba mẹ cho đi Nha Trang nghỉ hè một tháng.
Vốn
yêu biển, Hương tha hồ vui đùa suốt ngày với sóng nước, nhặt vỏ ốc,
rong biển như một trẻ thơ vô tư lự. Làn da Hương cháy nắng, nhưng nàng
sung sướng đã được hưởng trọn những ngày hạ nơi “miền quê hương cát
trắng” cùng trời nước bao la.
Có
những hôm sóng yên, biển lặng, Hương nằm ngửa trên mặt nước, đầu gối
trên phao, để thân hình bồng bềnh trên sóng, mơ màng ngắm những đám mây
lặng lờ phiêu du trên vòm trời xanh ngắt, những cánh hải âu trắng muốt
nhẹ nhàng lướt gió… nhiều lúc Hương có cảm tưởng mình cũng đang lơ lửng
như những đám mây, những cánh chim hiền hòa kia. Đó là những giây phút
tuyệt vời hạnh phúc đối với nàng. Quên mình đi để hòa hợp với vũ trụ,
cảm thấy mình là một phần tử của vũ trụ, theo thuyết vô vi của Lão Tử.
Nhưng
rồi những ngày hè tuyệt vời ấy cũng thoáng qua như một giấc mộng. Hương
phải giã từ Cầu Đá nên thơ, Cầu Xóm Bóng hiền hòa và bãi biển nên thơ,
hữu tình, để trở về thành đô hoa lệ bụi bậm. Nàng chia tay với miền biển
thân yêu trong một đêm trăng thơ mộng. Đêm ấy, trằn trọc mãi không ngủ
được, Hương được ngắm ánh trăng 18 muộn màng, huyền ảo. Và như trong mơ,
Hương ra biển một mình ngắm ánh trăng bạc lấp lánh trên những đợt sóng
lô xô mà thấy lòng mình chùng xuống, nuối tiếc, vẻ đẹp của biển về đêm
mới thần tiên làm sao! Đó đúng là cảnh thiên nhiên hoàn toàn hoang sơ,
thanh tịnh, không mang dấu vết phàm tục của loài người. Bãi cát phẳng
phiu, nguyên vẹn chỉ in mình dấu chân Hương đêm đó. Tiếc nuối pha lẫn
với nguồn hạnh phúc được độc quyền thưởng trăng bên biển cả bao la khiến
Hương nghẹn ngào. Thôi nhé, giã từ biển cả rạt rào… Hè sau Hương sẽ trở
lại!
*
Thủ Đức ngày… tháng 9, 1969
“Thế
là mình theo học quân sự học đường đã được gần một tháng. Đời sống quân
ngũ cực khổ thật, nhưng mình cố gắng luyện tập, phòng khi hữu sự. Sáng
nay, huấn luyện viên khen mình là thiện xạ trong đám sinh viên Văn Khoa.
Mình hãnh diện và tin tưởng tài bắn của mình mai này sẽ không vô ích.
Có lẽ nhờ hình bóng Hương khuyến khích mà mình đạt được thành quả này.
Mình chẳng đã nắn nót ghi tên Hương lên vành mũ của mình là gì? Tụi bạn
đọc được, cứ theo hỏi và chế giễu mình hoài, mình chỉ cười trừ. Thu
không đi cùng nhóm với mình nên cũng tránh được cảnh ghen tuông của anh
chàng bốc đồng này.
“Hương
ơi, Giang gắng công luyện tập là vì Hương đó. Giang mong sau này sẽ
dùng những kinh nghiệm này bảo vệ Hương và quê hương, đất nước của chúng
mình. Nhớ Hương nhiều…
Thủ Đức, ngày, tháng 9, 1969…
“Một
nỗi buồn man mác xâm chiếm hồn mình khiến mình chán nản. Ban chiều đọc
tờ nguyệt san trong câu lạc bộ, mình gặp lại bài thơ Sonnet của Felix
Arvers mình thường ưa thích. Nay đọc lại bài thơ, mình càng thấm thìa,
tủi cho thân phận mình giống chàng trai tương tư trong thơ. Nhất là câu
“Tou jours à ses côtés, et pourtant solitaire I (1) mô tả đúng số kiếp
mình!
*
Niên
khóa 69-70 bắt đầu với những nét nhộn nhịp thường lệ. Những tà áo màu
thi đua nhau khoe sắc thắm, tung bay trong gió. Các sinh viên gặp lại
nhau, tay bắt mặt mừng, vui vẻ kể cho nhau nghe những mẫu chuyện vui
buồn trong những ngày hè vừa qua.
Riêng
với Hương, năm nay là năm quyết định. Nàng càng phải cố gắng hơn lên đề
cuối năm đạt được văn bằng cử nhân Giáo Khoa. Nhất là năm nay theo học
chứng chỉ Văn Chương Anh, khó hơn các chứng chỉ khác khiến Hương lo
ngại. Đã chẳng có nhiều anh chị sinh viên thi mãi chứng chỉ ấy mà không
đậu rồi sao? Vì vậy Hương đi ghi cours thật đều, chăm chỉ học, đọc sách
khảo cứu để mở rộng thêm kiến thức.
Thu
vẫn theo sát nàng, mượn bài đều đặn. Đã nhiều lần Hương không chịu nổi
những cơn giận vô cớ của Thu và định chấm dứt liên lạc với anh ta, nhưng
nghĩ lại đây là năm cuối, Thu lại cần đi làm giúp đỡ gia đình nên nàng
cố gắng giúp Thu trong việc học. Thu càng ngày càng tỏ ra ích kỷ, vô ơn
và bay bướm. Hãnh diện vì mình luôn thi đậu cả Sư Phạm lẫn Văn Khoa, Thu
vênh vang cùng chúng bạn và bắt đầu bớt thời giờ học để tán chuyện cùng
các nữ sinh viên Sư Phạm. Được họ khen, Thu càng giương giương tự đắc.
Hương chán nản vì thấy Thu xuống dốc quá nhanh, nhưng vì Thu luôn sống
trong môi trường nịnh bợ của các nữ sinh Sư Phạm và ít theo cours Văn
Khoa nên Hương đành bó tay không khuyên nhủ nổi Thu. Nàng chỉ mong niên
khóa mau kết thúc để rảnh nợ với Thu.
*
Ngày… tháng 7, 1970,
“Chỉ còn hơn hai tháng nữa là thi ra trường. Việc học của mình khả quan. Nhưng về mặt tình cảm, mình không mấy thảnh thơi.
Hồi
này Hương có vẻ gầy, hốc hác hơn trước và ánh mắt nàng tiềm ẩn một nỗi
buồn xa xôi. Mình thương xót quá, muốn an ủi Hương nhưng không dám. Mình
nghĩ mà giận Thu quá, vì Thu mà Hương cực khổ!
Cứ
nghĩ đến ngày ra trường, mình lại thấy nao nao tấc dạ. Ngày đó Hương và
mình mỗi người mỗi ngả, biết đến bao giờ gặp lại? Có lẽ đành vĩnh biệt
Hương, đành mất Hương trọn đời mà thôi! Mình muốn níu cánh thời gian lại
để khỏi xa Hương. Mình muốn thét lên như thi sĩ Lamartine, kêu gọi thời
gian hãy ngừng lại cánh bay:
“Ô temps, suspends ton vol et vous, heures propices, suspendez votre cours!”
Buồn ơi, chào mi!
Ngày… tháng 10, 1970
“Cầm chứng chỉ Cử Nhân Sử Địa trong tay mà mình ngỡ đang cầm một bản án khổ sai chung thân. Thôi, vĩnh biệt người tình nhỏ bé!”
“Anh
sẽ yêu thương Hương trọn đời…
Cuốn nhật ký đến đây gián đoạn. Trên trang sau, Giang chỉ vỏn vẹn ghi lại lời bản “Et maintenant”
Cuốn nhật ký đến đây gián đoạn. Trên trang sau, Giang chỉ vỏn vẹn ghi lại lời bản “Et maintenant”
Tu m’as laissé la terre entière,
Mais la terre sans toi, c ' est petit (2)
Cùng câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Lamartine
“Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé” (3)
Rồi kế tiếp là những trang giấy trắng hoang vắng… Đời Giang lúc đó không còn gì đáng chú ý đề ghi lại nữa!
Gần cuối cuốn vở, một đoạn nhật ký khác được tiếp tục.
Cần Thơ ngày… tháng 4, 1972
“Ôi!
Sung sướng quá! Ta ngỡ mình đang sống trong mơ. Nhưng không, đó là sự
thật, một sự thật nhiệm mầu không bao giờ mình dám mơ tưởng đến! Thu
Hương mà mình ngỡ đã phải vĩnh biệt trọn đời đã hiện về cùng mình sáng
nay, lộng lẫy như một tiên nữ.
“Sau suốt hai năm trường xa cách, mình vẫn luôn luôn tưởng nhớ tới Hương, và tình yêu mình dành cho Hương không lúc nào phai nhạt. Càng xa Hương, mình càng nhớ Hương nhiều thêm. Mối tình đầu cũng là tình cuối mình trọn vẹn dành cho Hương. Không một hình bóng nào có thể thay thế Hương trong tim mình. Cần Thơ không thiếu gì các thiếu nữ duyên dáng, nhưng sao mình vẫn dửng dưng.
“Mình tưởng đã yên phận khi xin đổi về tỉnh để cố quên mối tình câm lặng, nhưng Hương lại xuất hiện, khuấy động tâm tư mình. Lòng mình tưng bừng mở hội khi Hương tha thướt bước vào Văn Phòng Văn Khoa. Lúc đầu mình tưởng là ảo ảnh, nhưng rõ ràng không thể nhầm lẫn được, đúng là Hương của mình đây mà! Hương có vẻ vội vã, chỉ nói vài câu về chuyến xuống Cần Thơ tuần tới của nàng với cô Mai, thư ký, rồi đi ngay. Hương đi rồi, mình ngẩn ngơ luyến tiếc… Nhưng Hương dạy cho Văn Khoa Cần Thơ, còn thiếu gì dịp gặp lại nàng.
Hình ảnh dịu dàng của Hương với nụ cười trẻ con muôn thủa sẽ ru mình vào mộng đêm nay.
Cần Thơ, ngày… tháng 4, 1972
“Sáng nay, Hương lại đến văn phòng Văn Khoa điều chỉnh thời khóa biểu cho suốt tháng. Từ tuần sau, nàng sẽ xuôi Cần Thơ mỗi tuần một lần, sung sướng thay! Nàng có vẻ ngỡ ngàng khi thấy mình ngồi bàn giấy thư ký Đại Học Đường thay ông Văn. Khi Hương nói chuyện với cô Mai trông coi thời khóa biểu, mình say sưa ngắm nàng. Hương đẹp ra nhiều, với suối tóc óng ả buông xõa sau lưng. Nàng như đóa hoa mới nở, tươi mát trẻ trung hơn bao giờ. Nụ cười duyên với má lúm đồng tiền vẫn không thay đổi.
Hương vẫn còn giữ trọn vẻ vô tư ngày nào!
Hương ngượng ngùng khi nhận ra mình. Nhưng nàng cố lấy vẻ tự nhiên, nhoẻn miệng cười, chào vị Giáo sư già đang ngồi trước mặt mình:
- Thưa bác ạ.
- A, cô Hương. Cô có nhắn giùm ông Trưởng Phòng lát nữa tôi sẽ về gặp ông không?
Hương lễ phép:
- Dạ thưa bác, cháu vừa nhắn rồi ạ.
- Tốt quá, cám ơn cô nhé.
- Dạ, cháu không dám ạ. Xin phép bác, cháu đi trước ạ.
Hương thoăn thoắt bước ra cửa. Nhưng âm thanh líu lo của giọng nói của nàng vẫn còn văng vẳng đâu đây.
Buổi trưa, khi cô Mai đưa thời khóa biểu tuần tới cho mình ký, mình choáng váng khi đọc tên “Bà Hương” trong đó. Ôi! Có thể như thế được sao? Hương đã có gia đình? Vô lý! Có gia đình sao nàng có thể đi Cần Thơ hàng tuần để giảng dạy? Mình phải tìm hiểu thêm về vụ này mới được.
Cần Thơ, ngày... tháng 5, 1972
“Tuần này, Hương lại xuống Cần Thơ từ thứ bảy tới thứ hai như thường lệ. Trong khi nàng gặp cô Mai - hình như nàng tránh không nói chuyện với mình thì phải - mình có để ý ngón tay áp út của Hương! Khỉ nàng đưa tay lên vuốt tóc, mình thấy rõ ràng chiếc nhẫn oan nghiệt bằng vàng quanh ngón tay ấy như một biên giới ngăn cách mình và Hương. Thế là hết! Hy vọng vừa bừng lên đã sớm tàn! Hương ơi, đời Giang này kể như vô vọng. Lẽ sống mà Giang bám víu vào đã bị chiếc nhẫn nhỏ bé kia tàn nhẫn phá tan!
Cần Thơ, mùa thi 72
“Văn Khoa Cần Thơ nhộn nhịp sửa soạn cho những ngày thi sắp tới. Nào là ghi danh thi, nào là xếp thời khóa biểu khiến mình bù đầu bận rộn. Các Giáo sư đã gửi đề thi về Văn phòng, nhưng sao đề thi của Hương chưa thấy nhỉ? Sắp hết hạn trao đề thi rồi.
Mấy hôm nọ, Giáo sư Khoa Trường khen Hương không tiếc lời:
“Chị Hương là ngôi sao sáng trong ban Anh Văn, anh Giang ạ. Được chị ấy giúp năm nay, các sinh viên mừng lắm. Sinh viên không ngớt lời khen ngợi cách giảng dạy hấp dẫn của chị Hương - Anh trưởng lớp kể cho tôi nghe rằng nhiều sinh viên đã buột miệng khen thẳng với chị Hương: “Cô có giọng nói dễ thương quá!” “Cô giảng bài hay quá, tụi em thích lắm” v.v…
Mình nghe Giáo sư Khoa Trường khen mà khoan khoái trong lòng. Muốn tìm hiền thêm về Hương, mình vội hỏi:
- Thưa ông Khoa trưởng. Giáo sư Hương tốt nghiệp ở đâu về đấy ạ?
- Xong cử nhân Văn Khoa Sài gòn, chị Hương được học bổng đi Hoa Kỳ. Vừa hồi hương năm nay là chị được các Giáo sư cũ giới thiệu cùng tôi. Các Giáo sư hết lòng khen ngợi chị Hương về phương diện khả năng cũng như lương tâm nghề nghiệp.
Mình mỉm cười sung sướng. Hương ơi! Giang hãnh diện về Hương nhiều, nhiều lắm!
*
Đọc
đến đây, Hương không nín cười nổi. Nàng nhớ lại một lá thư tinh nghịch
nàng viết cho Lan sau buổi nói chuyện đầu tiên với Giang. Nếu Giang
biết, chắc anh chàng không sung sướng nhiều như vậy đâu:
Cần Thơ, ngày… tháng 5, 1972
Lan mến,
"Kỳ xuống Cần Thơ này ly kỳ, lâm ly bi đát lắm Lan ơi! Nín thở heng, Hương kể Lan nghe. Chuyện này bí mật, phải thầm thì vào tai mới được cơ. Lan lắng tai nghe Hương nói nhỏ nhé:
“Mới ra khỏi cổng khu tiếp trú dành cho giáo sư thinh giảng thì số mệnh xui khiến Hương gặp "người xưa” (anh chàng thầm lặng ý mà) đi từ phía trái tới, cũng hướng về Văn phòng Văn Khoa. Nhưng Hương tảng lờ, không chào hỏi anh ta chi cả. Và khi Hương vừa vào Văn phòng thì anh chàng cũng về tới nơi (trời mưa phùn lất phất, lãng mạn đáo để!). Anh ta vòng ra sau bàn giấy, có vẻ chờ đợi và bối rối lắm. Có lẽ ông Khoa Trưởng có dặn anh chàng rằng tuần này Hương sẽ mang đề thi tới. Nhưng Hương tỉnh bơ, hỏi cô thư ký cho mượn cái máy kẹp để kẹp những đầu bài thi lại thành từng tập. Xong xuôi, Hương mới ra “thỏ thẻ” giọng oanh vàng:
- Xin lỗi ông, làm ơn cho tôi gởi đầu bài thi ạ!
Anh chàng ngửng lên, không đáp (cảm động đến nghẹn lời! Tội nghiệp!) vẫn bối rối lắm. Thực ra thì Hương cũng thấy “quê quê” vì bị bắt buộc phải nói chuyện với anh chàng trước. Hương vội tiếp cho đỡ ngượng:
- Đây là đầu bài thi khóa 2. Còn đây là đề thi khóa I, xin ông cho quay ronéo hộ 40 bản cho vừa số thí sinh. Còn bài thi cours 4 2 4 và 4 2 6 tôi đã quay sẵn, kẹp sẵn thành từng tập rồi và gửi đủ số bản đầu bài. Nhưng phong bì của tôi nhỏ quá, xin ông cho xin phong bì để tôi niêm phong đầu bài ạ! (Thực ra Hương không nói lưu loát mấy vì vẫn thấy quê quá trời!)
- Phong bì ạ? Vâng, thưa giáo sư có.
Anh chàng mở ngăn kéo, lôi ra một xấp phong bì (quá nhiều!), vẫn bối rối lạ thường. Hương biết vậy vì anh chàng quên cả mời Hương ngồi, dù Hương cần phải viết phong bì. Hương cố gắng “tỉnh bơ”, nói “xin phép ông” rồi ngồi xuống, lấy bút nguyên tử đỏ của anh ta trên bàn và ghi rõ môn thi ngoài hai phong bì. Xong Hương gập lại kỹ càng.
- “Cô Mai ơi, xin cho băng keo nhé!”
Anh chàng lạc cả giọng đi (Buồn cười quá đi mất! Đúng là anh chàng nhút nhát!) Rồi anh ta tự tay lấy băng keo dán phong bì cho Hương. (Hương trao phong bì cho chàng ta với vẻ hơi trịch thượng. Hương viết xong, đặt phong bì lên mặt bàn mà không nói năng chi cả). Anh chàng biết bổn phận mình nên cũng lẳng lặng dán. Nhưng loay hoay cuống quít sao mà băng keo dính vào nhau, khiến anh ta chắc lưỡi, thở dài ngao ngán, đến tội nghiệp! Dán thì không thẳng gì cả, cộm lắm cơ. Anh chàng dán xong, Hương lấy lại hai phong bì để ghi tên Giáo sư phụ trách. Anh chàng cất cả bốn phong bì vào hồ sơ.
Sực nhớ ra, Hương vội nói: “Xin phép ông…” rồi lấy lại chiếc phong bì đề thi khóa II để đề gửi cho Giáo sư Khoa trưởng, kẻo có vẻ vô lễ quá. (Khổ quá! Làm tình làm tội anh chàng đến thế là cùng!) Nhận thấy anh ta cực cùng bối rối, Hương sợ anh chàng quên nên phải nhắc lại: “Thưa ông, đây là đề thi khóa II cho cả ba cours, tôi để cả trong một bao thư, có ghi rõ ở ngoài, còn đây là đề thi khóa I cần quay ra 40 bản. Xin ông cho quay ra giùm”. Anh chàng ngơ ngẩn, hỏi như người mất hồn: “Thưa Giáo sư, đề thi này có quay không ạ?” và chỉ vào đề thi khóa II. Hương phì cười, nhưng cố nín và nói: “Không ạ, đó là cho khóa II thì để kỳ II hãy quay.” Anh chàng càng quê tợn và yên lặng cất các bao thư đi. Theo phép lịch sự. Hương cám ơn anh ta. Anh chàng lắp bắp những gì không rõ…
“Chào ông.” Hương quay ra đi thẳng.
Sau khi Hương về Sài gòn, vừa gặp nàng, Lan đã vội trách:
- Gớm, sao bồ châm chọc anh chàng thỏ đế đến tội nghiệp! Dù sao người ta cũng đã một thời mê mệt vì mình, bồ nỡ nào chọc quê anh ta vậy?
Hương chỉ cười:
- Mình đâu cố ý, Lan ạ. Tại anh chàng cứ cuống quít lăng xăng, quên cả trời đất nên mình mới phải dặn kỹ về đầu bài thi đấy chứ.
Lan lắc đầu, vẻ mặt là lạ, buồn xa vắng.
Hương ngạc nhiên, định hỏi duyên cớ, nhưng nàng lại thôi không tò mò về chuyện người khác làm gì, dù người đó là bạn thân của nàng. Lan gượng cười:
- Mình đi ciné không Hương? Ở Rex đang chiếu “Le Docteur Jivago” hay lắm, chúng mình đi xem nhé. Lan mời Hương, chịu không nào?
Tan phim, thấy mắt Lan đỏ hoe, Hương hỏi:
- Lan khóc đấy à?
- Ừ, mình tội nghiệp vợ Bác sĩ Jivago quá. Hết lòng thương chồng mà ông ta cứ dửng dưng, không đếm xỉa gì đến tình yêu của nàng, chỉ chạy theo Lara, một thiếu phụ có một quá khứ không đẹp.
Hương ngạc nhiên nhưng không hỏi thêm. Dạo này Lan có vẻ thay đổi nhiều, đa cảm chứ không cười đùa như trước nữa. Hay Lan đã vướng vào vòng tình ái?
*
Cần Thơ, ngày… tháng… năm 1972
“Tuần trước, các lớp của Hương thi cuối năm. Văn phòng đã gửi giấy mời Hương xuống coi thi, và sáng nay, Hương đến gặp cô Mai.
- Cô làm ơn cho tôi xác nhận về việc xuống coi thi kỳ này nhé.
- Vâng, vậy là Giáo sư sẽ coi thi ngày 16-5 hồi 9 giờ ạ.
- Có thể dời lại 10 giờ được không cô? Thứ năm tôi dạy suốt ngày nên sáng thứ sáu nếu tôi đi chuyến xe Đức Hiệp đầu tiên, thì ít nhất cũng phải 10 giờ mới tới Cần Thơ.
- Dạ được, tôi sẽ sửa lại từ 10 giờ đến 12 giờ.
- Cám ơn cô nhiều.
- Dạ không có chi, thưa Giáo sư.
Vừa bước được mấy bước, Hương quay lại:
- Cô Mai ơi, phiền cô năm tới sửa lại trong thời khóa biểu là “Cô Hương” thay vì “Bà Hương” nhé. Các sinh viên cứ cười, gọi tôi là “bà” Hương hoài.
- Dạ, chúng tôi sẽ sửa lại.
Nghe lời Hương, mình sửng sốt. Vậy Hương chưa có gia đình. Thế mà mình cứ ngỡ… Nhưng tại sao nàng lại đeo nhẫn cưới nhĩ? Mình phải dò hỏi mới được.
Niềm vui dâng tràn trong tim, hy vọng bừng sống dậy…
*
Cần Thơ, ngày… tháng… năm 1972
Thì ra thế, Hương thực chưa lập gia đình. Một cô bạn học cũ ở Văn Khoa mới xuống Cần Thơ chơi cho mình biết tin về Hương.
Mình đang ngồi thơ thẩn tại bến Ninh Kiều, gửi hồn về thành đô thăm Hương, bỗng nghe tiếng gọi: “Giang! Giang!”. Quay lại, mình nhận ra Lâm, một bạn đồng học cũ, Lâm đi cùng một thiếu nữ mặt quen quen, mình ngờ ngợ, nhưng không nhớ là ai. Lâm tươi cười, vồn vã "Lâu ngày không gặp Giang. Dạo này mạnh giỏi chứ? Trông Giang vẫn như xưa, chẳng khác tý nào. À quên, để mình giới thiệu nhé - chị Lan, chị họ mình. Giang, bạn học cũ của em.
Mình ngả đầu chào:
- Hân hạnh được biết chị.
Mình sực nhớ ra cô Lan là bạn thân của Hương nên vội nắm lấy cơ hội tìm hiểu thêm về Hương. Sau vài câu chuyện xã giao tế nhị đề cập đến việc Hương dạy học tại Đại Học Cần Thơ. Lan tươi cười nói:
- Hương chịu khó lắm, anh Giang ạ. Hương đi dạy nhiều nơi lắm.
Mình hỏi dò, cố ý dùng chữ “Bà” Hương trong câu hỏi xem phản ứng của Lan ra sao:
- Thưa chị, “Bà Hương” đi dạy nhiều nơi ở Sàigòn mà tuần nào cũng xuống Cần Thơ thứ bảy, về Sài gòn sáng sớm thứ hai, chắc mệt lắm nhỉ?
Lan vội cải chính:
- Hương chưa lập gia đình anh ạ. Hương đeo nhẫn để tránh những trường hợp các cậu sinh viên thấy Hương trẻ lại “vương vấn tơ lòng” ấy mà… Hương dạy nhiều, nên mệt thật đấy, nhưng yêu nghề, thưởng các sinh viên nên hết sức tận tâm giảng dạy. Hương khen nữ sinh viên Văn Khoa Cần Thơ dễ thương, mộc mạc, vì thế nên Hương chịu khó đi Cần Thơ hoài đó.
Ôi! Sung sướng thay! Hạnh phúc thay! Hương vẫn còn độc thân. Mình vẫn có quyền xây mộng…
*
Hương
vừa ngồi coi thi độ 15 phút, Giang đi ngang cửa phòng thi, vẻ mừng vui
hiện rõ trên nét mặt Giang khi chàng thấy nàng hiện diện trong phòng.
Giang quay đi, giấu một nụ cười sung sướng. Nhưng nụ cười ấy không thoát
khỏi mắt Hương. Bất giác Hương mĩm cười, tim nàng rộn lên một niềm vui
khó tả.
Trong số thí sinh thi môn Sử, có hai thí sinh đi thi cầu may. Chỉ nửa tiếng sau, họ xin ra về vì không làm được bài và thú nhận với Hương rằng họ không kịp học, chỉ đi thi thử mà thôi. Họ năn nỉ và xin Hương cho họ xóa tên trong danh sách và được coi như vắng mặt. Nhìn gương mặt sợ hãi, tái xanh của hai cô sinh viên nhỏ bé, Hương mủi lòng, cho họ ra về. Nhưng khi Hương hỏi giấy góp bài thi, hai cô xấu hổ vì không làm được chút gì nên không dám góp.
Hương tiếp tục coi thi và suy nghĩ miên man. Hương thương hại hai cô sinh viên bỏ cuộc. Nàng bỗng sực nhớ hình như luật lệ trường quy buộc thí sinh góp giấy trắng khi không làm được bài. Không biết ở Cần Thơ có đòi hỏi như vậy chăng? Biết hỏi ai bây giờ? Chỉ có Giang, thư ký hội đồng thi trong phòng gần đó là có thể hỏi được mà thôi. Đành kêu cứu với Giang vậy.
Hương tiến ra phía cửa, vừa coi thi, vừa chờ đợi Giang đi qua. Một lát sau, Giang đi ngang, nhìn vào phòng nàng, Hương vội tiến ra, nở một nụ cười ngượng nghịu:
- Xin lỗi ông, làm ơn cho tôi hỏi thăm một việc được không ạ?
- Dạ, xin Giáo sư cứ hỏi. (Gớm, giọng anh chàng điệu ghê!)
- Thưa ông, có hai sinh viên xin về và tôi cho phép họ ra về không góp bài. Như thế có phạm luật trường thi không ạ?
Giang tỏ vẻ suy nghĩ:
- Dạ… thưa Giáo sư, thường thì bắt họ góp giấy trắng để sau họ không có cớ khiếu nại là mất bài của họ… Nhưng chắc không sao đâu ạ, vì chính Giáo sư làm giám thị và ghi vào biên bản.
- Vâng, tôi đã ghi rõ là hai sinh viên đó bỏ cuộc, không có bài, không có điểm rồi.
- Dạ, thế thì tốt lắm ạ.
- Cám ơn ông nhiều nhé.
Giang lễ phép:
- Dạ, không có gì ạ.
Rồi chàng rảo bước đi quanh các phòng thi khác.
Chiều hôm ấy, vừa tan buổi thi, trời bỗng đổ mưa tầm tã. Hương đã ngỏ ý với văn phòng là nàng sẽ chấm bài thi ngay nên Giang lại phòng thi mời nàng sang Văn Phòng Hội Đồng thi chờ chàng kiểm số bài thi và trao cho nàng biên bản. Thấy Hương không có áo mưa, Giang vội đưa áo của chàng cho nàng và mời:
- Xin mời Giáo sư ạ.
Ánh mắt Giang ấm áp, trìu mến và thành khẩn xiết bao! Hương mắc cỡ, khoát tay từ chối:
- Thôi, cám ơn ông, tôi không cần đâu ạ.
Nàng dùng chiếc xách tay che đầu, bước mau sang văn phòng đặt tại dãy nhà kế bên.
Sau khi ký biên nhận bài thi, nàng lên xe của Viện Đại Học Cần Thơ, chờ các Giáo sư khác cùng về khu Tiếp Trú. Nàng ngạc nhiên khi thấy Giang cũng thu xếp hồ sơ, cùng Hội Đồng thi trở về Văn Phòng khoa cạnh khu Tiếp Trú, thì ra tất cả đều đi cùng một chuyến xe.
Hương cố ý chọn một chiếc ghế đơn để khỏi ngồi chung với người khác. Giang bước lên xe đầu tiên. Chàng nhìn chiếc ghế kép ngang hàng với Hương, định ngồi xuống đó, nhưng sau lại tế nhị chọn chiếc ghế hàng trên cho Hương đỡ lúng túng. Trên đường về, Giang có vẻ yêu đời lắm, chàng nói chuyện huyên thuyên với một anh bạn phụ khảo cùng khoa. Lần đầu tiên Hương thấy Giang nói chuyện nhiều như hôm nay. Có lẽ niềm vui khiến Giang cởi mở hơn.
Xe ngừng tại Văn phòng Khoa cho Hội đồng thi xuống. Trước khi xuống xe, Giang nhìn Hương và hơi mỉm cười và gật đầu chào. Lời chào của Giang khá bất ngờ khiến Hương chỉ kịp gượng cười đáp lễ. Nàng ngượng ngùng khi phải giao thiệp cùng Giang, khi cặp mắt chan chứa thương yêu của chàng còn theo đuổi nàng mãi. Hương bâng khuâng, tự hỏi sao nàng thật bạo dạn trước đám sinh viên mà lại thẹn thùng trước ánh mắt tha thiết của Giang. Nàng tự trách mình chưa đủ bản lãnh của một giáo sư và tự nguyện sẽ cố gắng tự nhiên hơn khi giao thiệp với Giang trong tương lai.
Sáng hôm sau, vừa đến phòng thi, Giang đã tươi cười đón nàng ngay:
- Thưa giáo sư, sáng thứ hai giáo sư về Sàigòn phải không ạ?
- Thưa vâng.
- Vậy xin giáo sư trao bài thi lại cho giáo sư phụ tá khoa trưởng tối chủ nhật ạ.
Suốt buổi sáng ấy, Giang đi qua đi lại trước phòng thi của Hương nhiều lần. Chàng có vẻ mạnh dạn hơn trước và thỉnh thoảng lại mỉm cười khuyến khích nàng khi thấy nàng nực nội, cầm xấp giấy phe phẩy. Giang đã dám nhìn thẳng vào mắt Hương với ánh mắt tuy thầm lặng, nhưng bộc lộ rất nhiều, khiến Hương bâng khuâng rung động.
Trên chuyến xe về Văn Phòng Khoa và khu Tiếp Trú – chuyến xe cuối cùng đưa Giang và Hương về cùng một địa điểm. Giang có vẻ trầm ngâm hơn mọi ngày. Chàng chỉ ngồi đọc báo mà không cười nói với bạn nữa. Hương yên lặng ngắm cảnh đồng ruộng dọc Đại lộ Nguyễn Viết Thanh, thả hồn mơ về một cuộc sống êm đềm nơi thôn dã, hưởng làn không khí trong lành của miền quê, Hương ước ao được ở hẳn Cần Thơ, lập nghiệp nơi thành phố hiền hòa này. Nhưng nàng biết ba mẹ không bao giờ cho nàng đi xa, ở riêng một thân một mình như vậy. Sống gần thiên nhiên, bên những dân quê mộc mạc là nguyện vọng của Hương. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ viển vông tuy trong tầm tay của nàng và rất dễ thực hiện. Hương nhè nhẹ thở dài… Sợi dây tình cảm gia đình quá chặt chẽ đã buộc chặt cuộc đời nàng với thành đô hoa lệ Sàigòn rồi!
Xe ngừng trước Văn Phòng Văn Khoa, Giang bịn rịn không muốn xuống. Chàng chậm rãi bước xuống khỏi chiếc mini bus, chăm chăm nhìn Hương như muốn nói điều gì. Hương mỉm cười an ủi, gật đầu chào Giang. Nàng nao nao nhìn theo bóng Giang lủi thủi, thờ thẫn bước vào Văn phòng, thở dài tội nghiệp.
*
Vừa
về đến Sàigòn, Hương vội xem lịch trình thi và gọi điện thoại ngay
xuống Cần Thơ, Nàng vừa sực nhớ ra rằng tối hôm trước, Ông Khanh phụ tá
đi gấp quá nên nàng chỉ kịp trao bài thi và biên bản cho ông rồi quên ký
tên trong đó.
Nàng quay vội số điện đàm liên tỉnh:
- Alô, Bưu Điện, phòng điện đàm liên tỉnh,
- Xin cô làm ơn cho liên lạc với Cần Thơ số 22.202 ạ,
- Số Sàigòn bao nhiêu?
- Dạ, 97684.
- Được rồi, cô bỏ máy xuống đi, chút tôi kêu lại nhé!
- Cám ơn cô!
Hương hồi hộp chờ đợi. Khoảng 15 phứt sau chuông điện thoại reo vang. Hương run run nhấc ống, nói:
- Alô...
- Sàigòn 97684 phải không?
- Dạ phải.
- Có Cần Thơ nhé.
- Alô… Alô… Alô…
Những tiếng rè rè khiến Hương không nghe rõ đầu dây kia nói gì. Rồi tiếng máy được bỏ xuống đầu dây bên kia vang động trong ống nghe. Hương gọi cô điện thoại viên:
- Xin cô làm ơn cho xin lại số 22.202 Cần Thơ ạ. Tôi có vừa gọi nhưng không liên lạc được vì máy không nghe rõ.
- Số Sài gòn 97.684 phải không?
- Dạ phải.
Lại những giây phút chờ đợi căng thẳng. Một lần nữa chuông điện thoại reo vang.
- A lô, Sài gòn 97.684 phải không? Có Cần Thơ.
Hương vội hỏi:
- Alô, Cần Thơ, có phải Văn phòng Văn khoa đấy không ạ?
- Dạ phải.
- Xin làm ơn cho tôi nói chuyện với giáo sư Khoa trưởng. Tôi là Thu Hương.
Một giọng nói quen thuộc, ấm áp vang lên trong ống nghe:
- Dạ, Giáo sư Khoa trưởng đang bận coi thi ở Khu Cái Khế, chiều tối mới về.
- A, ông Giang đấy phải không ạ?
- Vâng.
- Tôi có một việc cần thưa lại với Giáo sư Khoa trưởng, nhưng Giáo sư vắng mặt, vậy ông giải quyết hộ được không ạ?
- Dạ, xin Giáo sư cứ nói.
- Sáng nay, trên đường ra phi trường tôi mới nhớ ra rằng tôi quên ký hai biên bản điểm. Như vậy có sao không ông?
- Dạ, chắc không sao đâu, thưa Giáo sư.
- Xin ông công bố kết quả thi cho sinh viên càng sớm càng tốt, kẻo họ mong, tội nghiệp, ông nhé! Ngoài ra, xin ông làm ơn thu hộ những quyển sách tôi cho sinh viên mượn năm nay để năm tới cho các sinh viên khác mượn.
- Vâng, thưa Giáo sư, tôi sẽ lo việc đó.
- Cám ơn ông nhiều.
- Dạ, đâu có gì ạ.
- Thôi kính chào ông, nhé. Xin ông nhớ thưa lại Giáo sư Khoa trưởng hộ tôi.
- Vâng, tôi sẽ thưa lại. Kính chào Giáo sư ạ.
Hương đặt ống nói xuống. Mặt nàng nóng bừng vì cảm động. Định mệnh lại xui nàng nhờ Giang một việc nữa để rồi lại mang ơn. Nàng tự trách mình quá sơ ý, gây ra biết bao phiền hà trong công việc.
*
Bận rộn với công việc coi thi, chấm thi tại Nha Trang trong suốt một tuần, Hương vừa về nhà, ba nàng đã báo tin ngay:
- Người của Đại Học Cần Thơ đến tìm con hai, ba lượt để ký biên bản gì ấy mà. Ba bảo họ để lại đây, chiều nay đến lấy, nhưng họ không chịu. Ba đã hẹn ông thư ký khoảng 7 giờ tối nay lại, con sẽ có nhà.
Hương thắc mắc:
- Ba có nghe họ nói biên bản gì không ạ?
- Ông thư ký bảo là biên bản thi.
- À, đúng rồi ạ. Con quên ký hai tờ biên bản điểm, chắc văn phòng gửi lên cho con ký đấy ạ.
Ba chép miệng, lắc đầu chê trách sự lơ đãng của Hương.
Cơm nước xong, chưa 7 giờ chuông cửa đã reo vang. Hương nhìn qua cửa sổ xem ai thì thấy Giang dẫn xe mobylette vào sân, gượng cười xã giao với dì Hai giúp việc ra mở cửa cho chàng.
Em Hương vội chạy vào báo tin:
- Ông thư ký Cần Thơ đến đấy, chị Hương ơi.
Hương chạy đi khoác chiếc áo dài, trang điểm qua loa rồi lên phòng khách gặp Giang.
Khi Hương bước ra phòng khách, Giang đang khép nép ngồi trên chiếc ghế salon dài, ngắm nghía mấy tờ biên bản chàng đang cầm trong tay, vẻ mặt nghiêm trọng và đăm chiêu. Hương vồn vã:
- Chào ông, tôi xin lỗi đã làm phiền ông nhiều quá. Tôi đi Nha Trang chấm thi vừa về chiều nay. Tại tôi sơ ý quá, không ký tên nên ông phải cực nhọc đến hai ba lần.
Giang đứng lên, lễ phép:
- Dạ, có gì phiền đâu ạ. Xin gửi Giáo sư…
Hương nhận lấy những tờ biên bản.
- Xin mời ông ngồi chơi, chờ tôi vào bàn ký một chút nhé!
- Vâng.
Khi trở ra, thấy Giang vẫn ngượng ngùng, Hương vội nói:
- Mời ông ngồi chơi, dùng nước ngọt đã. Nước đã pha rồi, xin mời!
Giang từ chối:
- Dạ thôi, xin phép Giáo sư, vì ngày mai tôi phải về Cần Thơ rồi nên tôi mới lại đây buổi tối, phiền Giáo sư.
Nói xong, Giang tần ngần giây phút, mặt đỏ bừng, định nói điều gì nhưng lại thôi. Chàng bước ra cửa.
Hương tiễn Giang ra cổng, tự tay mở cổng cho chàng.
Trong khi đợi Giang dắt xe ra, Hương lại xin lỗi lần nữa:
- Xin lỗi ông, tôi vô ý quá, khiến ông phải đi những mấy lần.
Giang mỉm cười:
- Thưa không có gì đâu ạ!
Ra khỏi cổng, Giang chào Hương một lần nữa:
- Kính chào giáo sư ạ.
Rồi chàng nhẹ nhõm nhảy thoắt lên xe, đạp đi một cách thơ thới. Niềm vui chắp cánh cho chàng lâng lâng yêu đời.
Hương lững thững trở vào, nghĩ lại buổi nói chuyện ngắn ngủi vừa qua mà trách mình quá vô tình, không chúc Giang về Cần Thơ bình yên, vui vẻ khi chàng tỏ vẻ tần ngần chờ đợi một lời chúc lành nơi Hương. Thật ra thì nàng bối rối khi gặp Giang nên quên cả phép lịch sự.
*
Hương quay số điện thoại của Lan rồi chờ đợi:
- Alô, Lan đấy phải không? Dạo này mạnh giỏi chứ?
- A, Hương! Lâu quá mới nghe “giọng oanh vàng” của bồ. Mình vẫn khỏe. Dạo này bồ có chuyện gì lạ không?
- Nhiều chuyện lắm, kể sao cho xiết!
- Thế thì bồ tạm kể những tin “sốt dẻo” trước vậy.
- Có chuyện này hay lắm, đố bồ biết chuyện gì?
- Chuyện gặp "hoàng tử của lòng em“ phải không?
Hương bật cười:
- Ứ ừ, không phải.
- Vậy thì có cậu bé sinh viên nào thờ thẫn vì cô giáo như vụ anh chàng Tuấn dạo nọ chứ gì?
- Lại càng không phải nữa.
- Chuyện gì bồ nói đại đi mà, cứ úp úp mở mờ, người ta nóng ruột muốn chết hà!
Hương buông từng tiếng cho thêm vẻ trịnh trọng:
- Chuyện… Thanh… Giang…
- À, lại chuyện « người tình thầm lặng muôn thuở » của Hương chứ gì?
Hương làm bộ giận dỗi trêu Lan:
- Bồ chọc tôi heng! Tôi không kể bồ nghe nữa đâu.
Lan cuống quít:
- Thôi mà, đùa một tý mà bố đã giận rồi. Tại hạ xin chịu tội rồi ạ ạ ạ…
Lan kéo dài giọng khi nói chữ ạ, khiến Hương phì cười. Nàng nhí nhảnh:
- Bồ biết không? Giang vừa ở nhà tôi về.
Lan suýt soa:
- Chao ơi! Sao mà thơ mộng thế không biết.
- Hôm qua anh chàng tới nhà mình thì mình còn ở Nha Trang chấm thi. Ba mình bảo anh ta để lại tờ biên bản, hôm nay trở lại lấy, nhưng anh ta nằng nặc từ chối, định viết giấy để lại nữa.
Lan reo lên:
- Đích thị anh chàng này giả vờ để được gặp mặt Hương đấy. Chứ gặp ông cụ của chính Giáo sư mà không dám đưa biên bản thì còn tin ai được nữa? Anh chàng muốn gặp bồ cho đỡ nhớ nên lấy cớ để hôm nay trở lại đó.
Hương yếu ớt cãi:
- Chắc không phải đâu. Anh chàng gặp mình có ích gì đâu?
- Thì cứ nói chuyện chơi cho đỡ nhớ chứ còn làm gì nữa?
Hương “à” lên nho nhỏ. Lan nói cũng có lý. Có lẽ ngoài vấn đề trách nhiệm, Giang cũng cố ý gặp Hương vì sau khi Hương gửi lại biên bản thi, Giang có vẻ ngập ngừng muốn nói điều gì khác nữa.
- Thế nào, Hương đã chịu lời giải thích của mình có lý chưa?
- Chịu rồi, gớm bồ mà nói thỉ lúc nào mà chẳng có lý. Lan này, sáng mai bồ lại nhà mình sớm, tụi mình đi ăn sáng ở ngõ Casino đi, mình mới lĩnh lương nên “xu hào” rủng rỉnh.
Lan reo lên:
- Thế thi nhất rồi còn gì. Mình hoan nghênh cả hai chân lẫn cả hai tay.
- Sáng mai nhớ 8 giờ đến mình nhé. Cho mình gửi lời kính thăm hai bác.
- Cám ơn Hương, mình cũng gửi lời kính thăm hai bác. Mai gặp Hương nhé,
*
Cần Thơ, ngày… tháng 6, năm 1972
"Qua bao gian nan, tìm gặp Hương vô ích, tối qua mình gặp Hương ngay tại biệt thự nàng ở. Mình sung sướng đến nghẹn lời khi được nàng tiếp tại nhà lần đầu. Những năm còn học Văn Khoa Sài gòn, mình bao lần đi qua ngôi biệt thự cửa đóng then cài mà đau xót, buồn tủi và không bao giờ dám mơ tưởng được đặt chân vào đó một lần trong đời. Nhưng nay mình đã được vào tòa lâu đài của nàng công chúa ngủ trong rừng và được nàng đích thân tiếp đón quá niềm nở. Mình cảm động không thốt nên lời, dù niềm yêu thương dâng tràn trong tim.
“Lần về Sài gòn này mình vui quá, vui vì được gặp lại Hương sau bao ngày nhung nhớ, tương tư. Hè ơi, hãy qua mau cho ta gặp lại nàng! Nghĩ lại, mình thực mâu thuẫn! Hè 70 thì mong níu kéo thời gian để khỏi xa Hương, nhưng hè này lại khác hẳn, mình chỉ mơ ước Đại Học tựu trường ngày mai để tháng tháng gặp lại Hương.
Bản nhạc “Bao giờ biết tương tư” rền rĩ, ai oán qua âm thanh saxophone vẳng ra từ chiếc radio transistor của mình khiến lòng mình thổn thức.
“Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, tôi biết tương tư…
Ôi biết đem tim này vắng như lòng giấy tình yêu lấp đầy!
Rồi biết quên câu cười, biết cho tôi giòng lệ rơi…
“Hương ơi, Hương ơi, nơi thành đô tấp nập, có phút nào Hương nhớ đến Giang chăng?
Cần Thơ, ngày… tháng 11, 1972
“Sáng mai, Hương lại xuôi chuyến DC4 lướt mây gió về Cần Thơ dạy học. Mình nao nức chờ đợi phút gặp lại Hương…
“Giáo sư Khoa trưởng cho mình biết Hương có ý định xuống Cần Thơ lập nghiệp, làm giáo sư cơ hữu cho Viện. Và… làm giáo sư cơ hữu, nàng sẽ được một căn nhà ngay khu mình ở! Sung sướng xiết bao khi mình được gặp nàng hằng ngày. Rồi Hương và mình sẽ thân nhau hơn… Rồi… một ngày đẹp trời nào đó mình sẽ ngỏ lời cùng Hương…
Cần Thơ, ngày… tháng 3, 1973
“Ôi! Những ngày Hạnh Phúc triền miên đáng khắc bằng chữ vàng, đáng ghi lòng tạc dạ!
“Nhưng niên khóa trôi qua mau như một giấc mộng. Những ngày hè lại sắp trở về ngăn cách Hương và mình. Dạo này Hương đã vui vẻ nói chuyện cùng mình mỗi chuyến nàng xuống Cần Thơ, và coi mình như một bạn thân. Ánh mắt nàng đượm vẻ ấm áp, trìu mến vô cùng. Nhưng giữa Hương và mình vẫn chỉ là tình bạn, không hơn không kém.
“Sau bữa cơm chiều, Hương thường có thói quen đi dạo mát một mình trong khu cư xá để “ngắm trăng, sao, tìm về với thiên nhiên thường bị người đời lãng bỏ” nàng bảo thế. Mình cũng thích đi dạo mát buổi chiều mỗi khi nàng xuống Cần Thơ. Những đêm trăng nhìn bóng nàng thơ thẩn nơi hồ sen, hoặc mê say ngồi ngắm trăng trên bờ hồ sen, hoặc quỳ gối nơi hồ sen say sưa ngắm những đóa sen thanh thoát với vẻ thành kính… mình bỗng có ý tưởng Hương chính là một đóa sen trắng thoát tục, vươn lên khỏi đầm nước bùn lầy. Sống giữa xã hội xuống dốc thời đại, Hương không mảy may đua đòi như đa số các thiếu nữ khác. Đã 26 tuổi đời, Hương vẫn còn giữ trọn sự trong sạch của tâm hồn, nét vô tư của tuổi trẻ. Mình tin rằng nét thơ ngây, nền nếp của thiếu nữ Việt Nam sẽ vĩnh viễn sống trong “cô bé văn sĩ” của mình – mình mới khám phá ra Hương là một cây bút của nhà sách “Tuổi Hoa”.
Mình sẽ đặt cho Hương biệt hiệu Bạch Liên! Đóa sen trắng tinh khiết. Bạch Liên, Bạch Liên, Giang nhớ Bạch Liên vô cùng”.
Hương mỉm cười: “Gớm, anh chàng này bày đặt tặng mình biệt hiệu nữa cơ đây. Biệt hiệu anh ta tặng mình sao mà đẹp thế, chả bù cho những biệt hiệu “Anh chàng thầm lặng” “Chàng ánh mắt u buồn” “Chàng Trương Chi khối tình ôm xuống tuyền đài chưa tan” mà Lan tinh nghịch đặt cho Giang khi nói chuyện với Hương về Giang.
Cần Thơ, ngày… tháng 4, 1973
“Hy vọng chứa chan…
“Ta mơ hạnh phúc tương lai bên Hương yêu dấu muôn đời. Với một nghề bảo đảm trong tay, Hương và mình sẽ không phải chật vật về sinh kế và tương lai sẽ là những chuỗi ngày chan hòa yêu thương, triền miên hạnh phúc, Hương ơi, Giang hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho Hương trọn đời, sẽ tuyệt đối trung thành cùng Hương mãi mãi…
"Hương ơi, Hương có biết Giang ngồi hằng giờ viết tên hai đứa đan vào nhau mà mơ đến ngày hai tên Hương – Giang được ghép lại mãi mãi, thành tên giòng sông thơ mộng xứ Huế hữu tình. Chúng mình sẽ trồng hoa quanh nhà, Hương nhé! Hoa bâng khuâng xanh xanh, tim tím, hoa huệ trắng trong sạch, hoa tóc tiên hồng, màu hạnh phúc… Chúng mình sẽ thả một hồ sen nhỏ trong sân nhà – sân rộng chán – đắp một hòn non bộ xinh xinh và nuôi một đàn cá vàng cho đẹp mắt. Thú điền viên sẽ thật tuyệt vời đối với hai đứa, Hương nhỉ? A, sẽ có một giàn bí quanh cửa ra vào cho sân được rợp bóng trong những buổi trưa hè, và một cây liễu nhỏ thướt tha trong bóng chiều bên hồ sen. Căn nhà tương lai của chúng mình như vậy. Hương có hài lòng không? Tổ ấm của chúng mình sẽ mang tên Bạch Liên, Hương nhé!
Cần Thơ, Hè 73
“Ngờ đâu, trời chẳng thương mình! Năm tới Hương sẽ xuất ngoại lấy văn bằng Tiến sĩ.
Mình vừa nhận được đơn xin nghỉ dài hạn của Hương trong suốt thời gian nàng du học. Cầm tờ đơn mà mình ngỡ đang cầm bản án tử hình trong tay. Thôi, Hương ơi, mộng tương lai của Giang đã hoàn toàn sụp đổ. Với sự chênh lệch về học vấn như vậy, Giang nào dám mơ tưởng Hương đoái hoài tới Giang, một anh thư ký quèn.
“Mình đành bó tay nhận chịu số phận hẩm hiu. Bao năm trời ôm mộng, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đời mình vẫn cô đơn, lẻ bóng. Mình và Hương như hai con đường sắt song song nhưng ngược chiều, chỉ một lúc nào đó chạy ngang nhau, nhưng rồi xa dần, xa mãi… Nhưng mình sẽ tôn thờ Hương đến trọn đời.
“Giã từ mái trường Văn Khoa Cần Thơ chất ngất kỷ niệm đẹp, ta đi theo mộng tang bồng, đăng vào Hải Quân và xin đi trấn đóng thật xa cố quên nỗi đau khổ gào thét trong tim. Cầu Trời cho Hương luôn bình an và thành công rực rỡ… Anh đi theo lời sông núi, Hương ơi! Hương ơi! Anh nguyện sẽ sống chết cho màu cờ Tổ Quốc, thực hiện hoài bão anh ôm ấp từ năm Dự Bị, trên lan can lầu 3 ngôi trường Văn Khoa Sài gòn xưa.
“Giã biệt Hương… Có lẽ chẳng bao giờ chúng mình gặp lại, nhưng chân tình của Giang sẽ không thay đổi đâu Hương.
*
Hương
thở dài thương cảm. Nếu Giang biết, phải, nếu Giang biết Hương hoãn
xuất ngoại để phụng dưỡng ba mẹ và trông nom các em thì có lẽ chàng đã
không sớm từ giã cõi đời như vậy. Không cầm được nước mắt, Hương gục đầu
xuống trang giấy, nức nở: “Giang ơi, Giang ơi. Khi Hương hiểu lòng
Giang thì đã quá muộn!”
Nha Trang, ngày… tháng 8, 1973.
“Mình dốc tâm học để trở nên một chiến sĩ Hải Quân xuất sắc. Những khóa huấn luyện quân sự học đường đã giúp ích không ít cho mình trong nghiệp nhà binh. Mình cố quên hình ảnh Hương, nhưng làm sao quên được khi tâm tư mình chỉ hướng về nàng? Bây giờ mình chỉ còn một mục đích độc nhất: hiến thân cho màu cờ Tổ quốc để bảo vệ quê mẹ.
Hôm qua đi nghe nhạc cùng tụi bạn, mình đã ứa lệ khi nghe bản Tristesse của Chopin – Ôi, lời bản nhạc lột rõ tâm trạng của mình quá:
“Cher amour, je t’aime éperdument, éperdument, éperdument …” (4)
Hoàng Sa tháng 12, 1973
“Tết sắp đến.., Nhưng mình chả thiết Tết nhất chút nào. Dạo này tình hình có vẻ nghiêm trọng quanh quần đảo Hoàng Sa này. Những chiếc tầu lạ thỉnh thoảng xuất hiện, lởn vởn quanh quần đảo có vẻ do thám, Hôm qua nhìn qua viễn vọng kính, mình thấy rõ lá cờ Trung Cộng phấp phới trên chiếc tàu lạ. Anh em trên tàu ở trong tình trạng báo động, canh phòng cẩn mật. Mình càng hồi hộp chờ đợi chạm địch. Mình sẽ gắng sức bảo vệ quần đảo này tới hơi thở cuối cùng. Hương ơi, anh sẽ không hổ danh giống Tiên Rồng, anh sẽ đem mạng sống bảo vệ quê hương thân yêu của chúng ta,
Hướng về Hương với “Nửa Hồn Thương Đau”(5).
" Nhắm mắt cho tôi tìm lại chút hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là ước mơ thôi?
...
Nhắm mắt, ôi, sao nửa hồn khéo thương đau
Ô, sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu? Em ở đâu?…
Trường Sa, ngày… tháng 2, 1974
“Quân ta chạm địch đêm qua. Địch tràn lên, đổ bộ Hoàng Sa. Các chiến hạm bạn đã nghênh chiến, quyết bảo vệ hòn đảo này. Chiến hạm Trần Khánh Dư đã đoạt chiến thắng vẻ vang trong việc đầy lui quân Trung Cộng xâm lăng tàn bạo.
Mình được chỉ định lên đảo trấn giữ. Mình biết chắc nhiệm vụ này tối quan trọng vì bọn Trung Cộng sẽ trở lại để thỏa mãn ước vọng thôn tính Hoàng Sa của chúng. Phen này mình quyết một mất một còn cùng chúng.
Chuyến ra đi này không chắc có ngày trở lại, Hương ơi. Nếu anh vĩnh viễn ra đi, lời cuối anh gửi về Hương sẽ là hai câu thơ của Rosemonde Gérard:
"… Chaque jour je t’aime davantage
Aujourd hui plus qu’hier et bien moins que de main” (6)
Cuốn nhật ký chấm dứt ở đây. Sau đó toàn những trang giấy trắng rợn màu tang tóc. Hương nức nở hướng về Giang – chàng chiến sỉ hào hùng đã anh dũng bảo vệ quê hương với trọn lòng nhiệt thành. Hương tự trách mình quá vô tâm, quên hẳn tên Thanh Giang khi em chàng tới trao cuốn nhật ký cho nàng. Ôi! Vô tình nàng đã hững hờ trước lòng nhiệt thành của Giang!
Bỗng chuông cửa reo vang. Dì Hai chạy ra mơ cửa, đon đả:
- Thưa cô lại chơi… Dạ có, cô Hương có nhà đấy ạ, mời cô vào chơi.
Hương lau vội nước mắt, bước ra tiếp Lan. Vừa thấy Hương, Lan giật mình, rối rít hỏi:
- Kìa Hương làm sao mà mắt đỏ hoe vậy? Bồ mới khóc phải không?
Hương buồn bã gật đầu, gượng gạo:
- Lan ngồi chơi.
Lan lo lắng hỏi thăm:
- Hương buồn chuyện gì mà khóc vậy? Có ai làm gì cho Hương bực bội chăng?
- Không, Lan ạ. Mình khóc thương một chiến sĩ vừa nằm xuống, hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc.
- Ai vậy Hương?
- Thanh Giang.
Hai tiếng ngắn gọn của Hương mang lại một kết quả thật bất ngờ. Lan tái mặt, môi rung rung, rồi oà khóc.
Hương sững sờ:
- Tại sao Lan khóc vậy Lan? Mình làm gì cho Lan buồn chăng?
Lan nức nở, không nói nên lời:
- Không… không… Lan không ngờ. Thanh Giang… Thanh Giang…
Hương băn khoăn: “Tại sao Lan quá xúc động như vậy nhỉ? Thật là khó hiểu!”
Như đoán biết ý nghĩ của Hương, Lan gục mặt vào hai tay, giải thích qua tiếng nức nở:
- Chắc Hương ngạc nhiên lắm nhỉ. Nhưng Hương biết không Lan… Lan…
Đến đây, Lan lại òa khóc. Hương gật đầu xót thương. Thì ra Lan đã yêu Giang, lại một tình yêu lặng lẽ, âm thầm, đơn phương! Bây giờ nàng mới hiểu thái độ lạ lùng của Lan gần đây, nhất là sau khi xem phim “Le docteur Jivago”. Giang ơi, ở bên kia thế giới, Giang có thấu cho lòng Lan chăng? Hương mơ màng suy nghĩ.
“Ôi! Tình yêu là gì? Có phải là “một vật đẹp muôn màu”(7) như một bản nhạc ngoại quốc ca tụng? Hay chỉ là một hình phạt đọa đày? Tình yêu hư hư ảo ảo như chiếc bóng thấp thoáng phía trước, người đuổi theo chiếc bóng chỉ nắm được hư vô và đau khổ. Người ấy có ngờ đâu sau lưng mình, một người khác đang miệt mài theo đuổi mình… Cứ như thế, ngày nào nhân loại còn tồn tại, vòng luẩn quẩn này còn tiếp diễn mãi đến thiên thu:
“Theo tình, tình chạy, chạy tình tình theo” (8)
Saigon, tháng 8, 1974
THÙY HƯƠNG
____________________________________
Chú thích:
(1) Lãng Nhân địch: “Vẫn trong gang tấc, mà lòng cô liêu” - “Tình Tuyệt Vọng” - Thơ Pháp Ngữ - Trang 95.
(2) Tạm dịch: “Em để lại cho anh trọn trái đất này,
Nhưng vắng em trái đất sao quá nhỏ bé!
(3) Tạm dịch “Chỉ thiếu một bóng hình mà tất cả đều hiu quạnh”
(4) Tạm dịch: “Hỡi người yêu dấu, ta yêu nàng cuồng nhiệt, mê man, miệt mài”
(5) Bản nhạc của Phạm Đình Chương
(6)
Tạm dịch: “… Mỗi ngày anh càng yêu thương em hơn lên. Tình yêu anh trao
em ngày hôm nay nhiều hơn hôm qua và ít hơn ngày mai“
(7) Love is a many splendored thing.
(8) Qui suit l'amour, l'amour fuit
Qui fuit l'amour, l'amour suit