Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Ánh Sao_CHƯƠNG 1


Chương 1


Buổi chiều của một ngày tháng tám, trời thật đẹp. Hạm đội tiến vào Torbay, nương theo làn gió nhẹ thuận chiều. Dân chài các làng quanh đấy mê say ngắm cảnh tượng hùng vĩ, quên cả công việc hằng ngày. Một tay che mắt, mỗi người như cố để thu nhận những hình ảnh ấy. Đó là những kỷ niệm quí báu mà họ sẽ gìn giữ đến mãn đời.

Thật ra thì đã có nhiều hạm đội đến và đi, nhưng những lần đi đến đã qua chỉ có thuyền buồm bình thản tiến vào giữa những tia nắng cuối cùng của một hoàng hôn rực rỡ. Mấy ngọn đồi xanh phía tây vàng ửng. Đầu ngọn sóng, ánh sáng tụ lại, kết thành một chuỗi lửa lập lòe và mặt bể xanh sẫm.

Đất và biển đều lặng lẽ, vài con hải âu trắng giương đôi cánh viền vàng chao lượn êm ả trên không. Sóng dịu nhẹ như lời ru, thì thầm và tan loãng vào vô tận.

Nom to lớn nhưng tàu tiến rất nhanh, những chỗ mạ đồng nơi vỏ tàu sáng chói, sàn tàu bằng gỗ vàng tươi cũng bóng loáng, các bánh lái chạm trổ công phu, tỉ mỉ ; những khung cửa sổ tròn lấp lánh ánh nắng. Đẹp nhất là những cột buồm cao vút và những cánh buồm rộng, trông có vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng song sức mạnh rất đáng kể. Cao hơn nữa là những lá cờ phất phơ dưới nắng chói. Sau mỗi đuôi tàu, một làn bọt nước trắng xóa.

Rồi thì mặt trời khuất dạng, ánh sáng vàng rực lên một lúc trước khi tắt hẳn. Tàu lần lượt bỏ neo, và đêm xuống.

Trên tàu cũng như trên đất liền đèn lần lượt thắp sáng, sao lấp lánh trên nền trời cao rộng và yên tĩnh.

Từ bờ biển, người ta trông thấy ánh sáng lập lòe ẩn hiện trên các tàu, trong khi dưới tàu nhìn thấy ánh sáng trên đất liền và đôi bên đều ao ước thèm muốn chỗ của nhau. Đó là thông lệ : không ai bằng lòng chỗ của mình!

Có một người trên tàu cũng trong tâm trạng ao ước đất liền nhưng không phải là những kẻ "đứng núi này trông núi nọ cao" mà vì anh đang chịu một hình phạt của kẻ ngủ gục trong canh gác: bị trói vào cột buồm, đầu nóng bừng, mình lạnh ngắt vì xô nước vừa tạt vào mình. Thần kinh căng thẳng như sắp đứt.

Anthony L. M. buồn, tức và tuyệt vọng, không chịu nổi những bất công. Phải! Cậu có tội, nhưng theo luật Hải quân thì hình phạt chỉ có thể là phơi nắng hoặc dội nước, không bao giờ cả hai. Nhưng  tàu này làm gì có công bằng, luật... tàu này là chiếc tệ nhất của Hải quân Anh (Hải quân Anh quốc ít có tàu tệ, nhưng ít không có nghĩa là không có).

Với Anthony thì chiếc tàu này thực sự chỉ là một cửa địa ngục, các sĩ quan chỉ huy là một lũ ác quỉ, hung thần ; còn thủy thủ chỉ là bầy chuột sống.

Anthony cố cử động, tức thì sống lưng đau rát tựa như có ai đặt lên một cái bàn ủi nóng và cậu cố gắng để nén rên rỉ.

Gia nhập Hải quân vừa đúng 8 tuần lễ mà cậu có cảm tưởng là suốt 15 năm đầu tiên trong đời cậu, chưa hề chuẩn bị để chịu đựng cực nhọc thử thách trong hai tháng vừa qua.

Anthony lớn lên trong khu vực Bath quí phái, được bà nội nuôi nấng và giáo dục kỹ càng. Bà là một người thuộc quí tộc Ái Nhĩ Lan, tuy không có tài sản đồ sộ nhưng bà được trọng vọng trong một xã hội mà một đầu tóc sang trọng chải chuốt nhất vẫn không gây được sự chú ý nhỏ nếu bộ tóc đó bên trong chứa một bộ óc nghèo nàn kém cỏi. Xã hội này, người khách xách đến một túi vàng không chắc được đón tiếp niềm nở hơn là mang đến một cây đàn.

Anthony là con trai độc nhất của một người con trai cũng độc nhất của bà. Nó là lẽ sống của bà. Giống như cha: cậu bé thông minh, nhạy cảm. Cha cậu được học ở Trung học Harrow rồi Đại học Oxford. Song một nết xấu làm cho tiêu tán sản nghiệp đồ sộ của ông, vì ông quá mê những cuộc đỏ đen. Một người họ ngoại giúp cha Anthony làm một chuyến du lịch Âu châu để nguôi sầu muộn. Ghé lại Ba-lê, cha Anthony say mê một thiếu nữ đẹp quên cả mẹ lẫn quê hương và sau cùng, cả hai bị tán mạng vì cuộc cách mạng của xứ này.

Anthony còn đỏ hỏn trong bọc tã, may mắn nhờ những nhà quí tộc bạn thân của cha chàng mang đi trốn và đem về Anh quốc cho bà nội. Từ đấy, bà thề rằng không chểnh mảng để xảy ra một lần nữa tình trạng đáng phiền trên cho đứa cháu thân yêu độc nhất của bà, nó sẽ không hư hỏng vì ảnh hưởng xấu của học đường và bè bạn ; nó sẽ trở nên một chính nhân (Gentleman) như ông nội bà mới hài lòng.

Bà mời gia sư dạy cháu tại nhà và kiểm soát kỹ lưỡng những bạn bè của cháu để kịp thời ngăn chặn những ảnh hưởng xấu sắp phát sinh.

Sự giáo dục này không hề là một thất bại, cậu bé cũng biết giao thiệp một cách lịch sự. Lại bẩm sinh vốn thông minh, siêng năng nên cậu học rất tấn tới ; dù rằng thiếu bầu không khí tranh đua thuận lợi của học đường. Anthony yêu âm nhạc, mà bà nội thì giao thiệp toàn hạng người thanh lịch vì vậy bé cũng học được nơi họ những tư tưởng, cử chỉ tế nhị, phong nhã.

Mặc dù vậy, tất cả những cố gắng của bà nội không giúp ích thiết thực cho cháu bà khi bà nằm xuống. Phải! Bà đã tiên liệu tất cả nguy hiểm có thể xảy ra cho cháu, tiên liệu đầy đủ, chu đáo, ngoại trừ cái chết của chính mình. Sức khỏe dồi dào, bà chưa kịp nghĩ đến sự chết, đinh ninh mình cũng giống mẹ: sống trên dưới 90.

Nào có ngờ đâu, bà đột ngột từ trần vào năm 70 tuổi sau một cơn bệnh xoàng ; Anthony trở thành trơ trọi trên đời. Đề đốc Rubert, em họ của cha Anthony là người bảo hộ cậu mà cậu gọi bằng chú trước nay không hề thân mật gần gũi hai bà cháu ; bà cụ chỉ gặp Đề đốc vài lần khi sinh thời. Ông này lập tức trở về và hết sức giúp để số phận Anthony không đến nỗi tệ hại. Nhưng bà nội chết, Anthony trắng tay, của cải không còn chi cả. Ông bèn bổ nhậm Anthony làm sĩ quan trên tàu ông, vì ông nghĩ là chức vụ này hứa hẹn cho cháu họ mình một tương lai tốt đẹp.

Sau đó, Đề đốc như quên bẵng Anthony đi (hoặc do ông cho là nếu ông tỏ ra chú ý đến, tư vị cháu, tình trạng nó sẽ tệ hơn?) Song thực tế, cháu ông lọt vào tay các sĩ quan tàn ác trên tàu, bọn này thô lỗ, cục cằn, ưa bắt nạt. Việc Anthony là cháu thuyền trưởng lại càng làm họ ghét bỏ, ngược đãi thiếu niên hơn. Họ trả thù vị thuyền trưởng bằng cách hành hạ đứa cháu đủ trò.

Tội nghiệp! Anthony hay say sóng. Cuối cùng Anthony bị ngược đãi cũng do cậu mang một xâu chuỗi nơi cổ nữa, vì cậu cương quyết không vứt xâu chuỗi xuống bể để vừa lòng bọn cục súc kia. Chúng làm sao hiểu được tác phong cùng bổn phận đối với gia phong của một người quí tộc, dù người đó còn là một thiếu niên?

Hơn tất cả, nguyên do chính làm cậu bị xử ác là vì cậu trẻ nhất trong đám sĩ quan, thật là một đại họa cho Anthony. Sống chung đụng với bọn này, thiếu niên gần điên vì những điều tai nghe, mắt thấy.. Vậy mà xưa nay, cậu vẫn ngờ rằng tội ác và hung bạo chỉ là những danh từ...

Tuy nhiên, cậu vẫn giữ vững tinh thần và rất lấy làm bằng lòng vì cậu biết mình không thuộc vào loại người cứng cỏi. Thiếu niên tự hứa phải bám víu vào sự nhã nhặn, bình tĩnh càng lâu càng tốt như một kẻ đắm tàu bám cứng mảnh phao.

Nhiều lần Anthony khiếp đảm nghĩ đến một ngày kia, mình kiệt lực, khi ấy tình trạng sẽ ra sao?

Cậu sẽ thấy dễ thở hơn nếu cậu được ngủ đầy đủ, đằng này cậu chỉ chợp mắt từng chặp trong căn phòng hôi hám, ồn ào.

Sau cùng, Anthony ngủ gục trong phiên gác và bị treo lên cột buồm. Trong 2 giờ đồng hồ bị treo, đầu và lưng cậu đau dội, nhức nhối không thể tả. Cậu phải nhắm chặt hai mắt để khỏi buồn nôn ; vì cậu biết cơn say sóng sẽ dễ chịu hơn khi ta không nhìn tàu chạy. Cậu ngất đi mươi phút và trong mươi phút đó, một cơn ác mộng chập chờn ; những điều ghê tởm cậu đã chứng kiến lần lượt diễn lại trước mắt cậu, dù cậu nhắm nghiền!

Một lần kia, cả thủy thủ đoàn tụm lại để xem một người bị đòn cho đến chết.

Một lần khác, thuyền trưởng đứng dưới quát tháo bọn thủy thủ đáng thương đang trèo lên giăng buồm. Kẻ nào xuống chót thường bị phạt cách tàn nhẫn nên hôm đó một thủy thủ luống cuống thế nào, sẩy tay rơi tòm xuống biển sâu. Và đoàn người đứng nhìn mặt biển nuốt trọn mạng người một cách hả hê, không thương xót. Anthony cho là bọn này dã man, lấy sự hành hạ kẻ khác và thấy cái chết thì mới vui, như người bình thường thích gia vị để thấy món ăn ngon vậy.

Thêm vào đó, tuy chưa dự trận đánh nào, cậu lại ghét và sợ đánh nhau. Tâm hồn đa cảm, cậu luôn luôn cảm thấy bất an, một tiếng động, một sự thay đổi nhỏ nhặt, sự đau khổ, sự chết và nhất là tù ngục đều làm cho cậu sợ hãi. Thế mà, con tàu cậu phục vụ giống như một nhà tù mà mỗi phòng là một nhà giam, không hy vọng gì vượt ngục. Anthony sẽ mãi mãi bị nhốt ở đây, bị dày vò bởi bọn người hung bạo? Chúa ơi! Thà chết đi còn hơn!

Mi mắt nặng như chì, cậu cố gắng để mở mắt ra, khỏi cảnh tượng đau lòng trước mắt, say sóng còn dễ chịu hơn...

Cậu không hay tàu đã vào bến. Cậu mở mắt đúng vào lúc dân chài trên bờ nhìn ra khơi theo dõi đoàn tàu uy dũng. Nhìn lên bờ, cậu thấy một quang cảnh mà cậu cho là suốt đời cậu không quên: đồi thoai thoải bao quanh vịnh và rừng cây dưới các thung lũng lấp lánh ánh nắng vàng. Sau dãy đồi, khung trời ráng hồng, qua đầu sóng trắng xóa, một làng chài có vẻ an lành trong thung lũng xa trông tựa trong lòng một chiếc cốc. Hình như làng này có tên là Torbay? Sau bờ bể hình cong như lưỡi liềm, một cánh đồng xanh ngắt, trải dài đến chân đồi ; xa xa, giữa các vườn hoa rải rác 6, 7 căn nhà nhỏ nổi bật lên và từ ống khói, từng cuộn khói lam nhạt tỏa ra, ấm cúng thân mật. Bên phải, con suối xuyên qua cánh đồng chảy ra bể, một cái cầu đá bắc ngang.

Anthony đoán là ngôi nhà quét vôi trắng cạnh chiếc cầu kia hẳn là một lữ quán vì cậu thấy một tấm bảng đong đưa theo gió. Bên phải cầu và lữ quán có vài xưởng đóng tàu và vài ngôi nhà xinh xắn nằm dọc theo bến. Tàu đánh cá và tàu lớn neo lại bến chao lên chao xuống theo nhịp sóng. Hải âu bay là đà quanh đó. Anthony nhìn mê mải, quên cả đau cả sợ.

Tim cậu rộn đập trong lồng ngực khi nghĩ đến mình được lên bờ. Thường thì thủy thủ đoàn chỉ được đổ bộ vào những dịp đặc biệt vì lẽ họ hay đào ngũ.

Nhưng ta là thành phần sĩ quan mà! Chắc chắn sĩ quan được rời tàu chứ! Cậu tự nhủ. Anthony tưởng tượng đến lúc mình ngồi trong xuồng nhỏ, mỗi quật chèo sẽ đưa cậu tiến gần đất liền hơn, rồi giây lát sau cậu đặt chân lên vùng đất thần tiên, bước đi một cách vững vàng, mạnh mẽ, không bập bềnh vì sóng. Đất chắc nịch dưới chân, ấm áp, đáng yêu. Cậu qua cầu, đến lữ quán dùng tách sữa, dạo trong khu vườn đầy hoa, rồi ngược dòng suối đến tận mái nhà tranh cũ kỹ mang đầy dây leo dưới chân ngọn đồi tím xinh xinh, đến tận... Chân phải cậu chợt đau điếng, thì ra viên sĩ quan trẻ có phận sự mở trói cho cậu vừa đập cậu một phát thân thiện, nhưng phát đập thân thiện này lại nhằm vào vết bầm trên mình cậu.

- Nào cô bé! Xong hai giờ của cô đó! Tha cho!

- Thưa ông! Anthony lễ phép chúng ta có thể lên bờ chứ?... Tôi muốn nói các sĩ quan...

- Thôi đi! Mày đã ngủ quên khi gác, vả lại, đừng tưởng mày đã là sĩ quan, còn là khuya, cô bé ạ! Bận sau mà còn ngủ gục khi gác, mày sẽ được cột vào miệng đại bác cho xuống bể ngủ luôn, khỏi dậy!

Anh ta nói một thôi, một hồi đoạn phát lên vai Anthony lần nữa rồi biến mất. Anthony ngồi bệt xuống sàn tàu, choáng váng mất một lúc. Nghe đồng hồ đổ tám tiếng, cậu biết giờ ăn đã qua rồi. Cậu không tiếc bữa ăn vì tình trạng dạ dày với thực phẩm đều tồi tệ. Cổ khô rốc, cậu cố lê xuống phòng dưới kiếm nước ngọt. Phải lê ngay, vì đến khuya lại phải tới phiên gác của mình. Phòng dưới quả là một địa ngục, nhưng có nước, mà Anthony thì cháy cổ lúc này. May ra, cậu sẽ có chanh đường và nếu họ để yên cho cậu sẽ lên đây đánh một giấc. Anthony bò lê khó nhọc xuống phòng. Căn phòng hôi hám không quá hai thước bề cao, bốn thước bề rộng, chất chứa trăm thứ bà nhằng: bàn ăn cho sĩ quan, cũng là bàn mổ cho các binh sĩ khi lâm trận, rương áo quần của các sĩ quan, vật dụng của họ và cả võng, trên võng có cả người!

Mùi hôi hám tỏa rộng, đặc đậm, cộng với mùi bơ, phô ma cũ làm Anthony lại muốn nôn. Cậu tự hỏi làm sao chịu nổi trong bốn tiếng tiếp đây? Các sĩ quan trẻ thì nằm vắt vẻo trên võng, còn các đàn anh của họ lại đang nhậu một cách ồn ào vui vẻ, thỏa thuê. Anthony được tiếp đón bằng những câu chửi thề và huýt sáo. Cũng may là chỉ có chừng đó mà thôi, vì hình như họ cũng hiểu rằng Anthony đã quá sức chịu đựng rồi.

Không một cánh tay nào đưa ra giúp cậu treo võng hay đưa cho cậu cái ca. Tất cả cố gắng khó nhọc của Anthony làm cho họ vui... Sau cùng, họ cũng để yên cho cậu ngủ.

Toàn thân nhức nhối, rã rời mà rồi Anthony chỉ ngủ có hai tiếng đồng hồ. Sau đó, cậu tỉnh phắt dậy, đầu óc sáng suốt một cách kỳ lạ. Đột nhiên, cậu quyết định: "Phải rời tàu bằng bất cứ giá nào. Mình đã quá sức chịu đựng rồi".

- Anthony!

Trong lúc còn đang miên man suy tính thì bị gọi tên vì đến phiên gác. Cậu lảo đảo leo lên boong tàu. Trời tối mịt, một lớp sương mù dày bao phủ tất cả, Torbay bây giờ chỉ còn nhận ra nhờ bởi ánh đèn trong lữ quán và trên bến. Còn lúc nào thuận tiện cho dự tính của cậu hơn đêm nay? Với ánh sáng yếu ớt kia, cậu sẽ được hướng dẫn vào bờ, khó có ai nhận được khi cậu còn dưới nước.

Anthony biết rõ mình phải làm gì. Phiên gác diễn ra như thường lệ, vì tàu đã được neo và không có gì đáng đề phòng nên viên sĩ quan đi tuần cũng ngồi yên một chỗ mơ màng, thường, ông ta xách gậy đi vòng vòng để nện vào đầu anh nào gục ngủ trong phiên gác. Chả một tiếng động nào ngoài tiếng nước vỗ đều vào mạn tàu và tiếng tên gác hét lên từng lúc "yên ổn".

Anthony ngồi gác trước mũi tàu. Đợi đến một lúc không ai nhìn về phía mình nữa, bấy giờ cậu cởi áo khoác ngoài, khăn quấn cổ, mũ, dao găm, quấn tròn tất cả lại nhét vào một góc. Cậu chỉ giữ lại quần và áo sơ mi vải dày, đôi giầy nhẹ thì cho vào túi quần rồi len qua cửa quầy tàu xuống sàn dưới đến giữa thân tàu. Đem mát mẻ nên cửa sổ thành tàu được mở rộng. Nhờ vốn nhỏ gầy, cậu bám lấy thành cửa sổ đoạn buông tay ra. Cậu đoán là buông rơi mình cách mặt nước có một khoảng ngắn như thế chắc tiếng động không đáng kể, song đến lúc mình cậu chạm mặt nước cậu tưởng như một tiếng đại bác vừa nổ bên tai. Tuy nhiên, lúc trồi lên mặt nước, hốt hoảng gần nghẹn tim, cậu vẫn không thấy động tĩnh gì chứng tỏ có người lưu ý đến tiếng động do cậu gây ra. Thật ra, có người nghe, song họ lại ngỡ là tên đầu bếp vứt rác xuống bể, vì vào giờ đó, gã bắt đầu làm việc.

Thở phào nhẹ nhõm, Anthony bơi thẳng vào bờ, nương theo ánh đèn lấp lánh xa xa. Thoạt tiên, cậu rất tin tưởng vào tài bơi lội của mình, nhưng chỉ mươi phút, tay chân cậu tợ như treo chì và buốt không chịu nổi.

Dù sao đi nữa, Anthony không thể thối lui ; chết hay vào bờ, cậu phải lựa một, và cậu bằng lòng cả hai, vì cậu ao ước được thoát cái địa ngục nổi đã giam cầm cậu trong tám tuần liền.

Anthony như được tiếp sức, phấn khởi lên sau một lúc buông thả mình nằm ngửa bập bềnh, và cậu lại tiếp tục bơi.

Sau cùng cậu vào được bờ, bám lấy cái khoen sắt trên bến, rồi bước từng bước theo các bực cấp, đi lên.

Trời còn mờ tối, nhưng nhớ đến khung cảnh đã quan sát hôm qua, cậu tiến về phía các xưởng đóng tàu. Đến nơi, Anthony ngồi nép mình dưới một chiếc tàu đóng dở, không quên mang đôi giày ướt đẫm vào chân, rồi nắm chuồi xuống chờ sáng.

Một lúc sau, bình minh trở lại. ánh sáng như mang đến sinh khí và niềm tin, tiếng động và hương thơm thoang thoảng dâng lên, rồi tiếng sóng vỗ nhẹ dưới bến, tiếng suối thì thầm và tiếng hát đâu đó từ một khung cửa sổ. Sau cùng, tiếng chuông nhà thờ ngân nga thong thả, tất cả hợp thành một khúc ca du dương làm Anthony tưởng như tất cả được làm bằng ánh sáng lóng lánh màu xà cừ.

Mùi ngai ngái của rong bể, mùi thơm nhẹ của bánh mì nướng, mùi hoa dại đẫm sương mai, mùi khói rừng và đồng xanh hòa lẫn nhau thành một thứ hương đặc biệt, khó tả của một bình minh đầy hứa hẹn.

Anthony thấy dễ chịu và tin tưởng hơn lên. Cậu cẩn thận chui ra khỏi chỗ nấp, đảo mắt nhìn quanh. Nắng trải rộng, chan hòa khắp nơi làm cậu phải lấy tay che mắt để tránh tia sáng phản chiếu đỏ rực trên mặt bể. Cậu hướng mắt về phía mấy vườn hoa, nơi rải rác những ngôi nhà trắng xinh xẻo ; giòng sông lượn lờ dưới cầu như một giải lụa mầu bạc, rồi những cánh đồng, những ngọn đồi và những thung lũng đầy bóng mát. Thung lũng chạy dọc theo ven sông, nom có vẻ trù mật. Giữa màu xanh của cỏ cây, nhiều ngôi nhà trắng nổi bật lên.

Anthony không dám tiến đến mái nhà tranh có dây leo, nằm giữa đám biệt thự xinh xắn ấy, vì cậu nghĩ biết đâu một trong những biệt thự này chẳng có vài sĩ quan đi phép ghé vào? Dù áo quần mình rách nát thảm thương nhưng với con mắt nhà nghề cậu sẽ bị nhận diện dễ dàng ; Anthony rùng mình nghĩ đến những hình phạt dành cho kẻ đào ngũ.

Anthony đói tợn song cậu biết tốt nhất là nên tìm đến xin những kẻ nghèo, dù họ có nhận ra tông tích mình, họ cũng không nỡ tố cáo. Một đợt khói nhẹ thoát ra khỏi miệng ống khói có vẻ ấm cúng mời mọc. Thêm vào đó, cửa lữ quán mở rộng, mùi bánh nướng thơm ngát mũi cùng bay ra đến tận tai cậu cùng với một giọng hát đàn ông. A! Không phải là một bài hát tiếng Anh! Quay nhìn ra bến, cậu thấy một thuyền Tây Ban Nha neo chen giữa đám thuyền đánh cá, nhìn kỹ thuyền ấy có vẻ tồi tàn chứng tỏ từng nhiều lần vượt bể, chắc họ ghé vào đây để sửa chữa chi chăng?

Anthony hiểu là không rời làng này ngay rất có thể nguy hiểm cho thân song khốn nỗi: cậu sẽ không lê chân nổi nữa, nếu không có gì đỡ dạ. Và cậu lại tin rằng bọn thủy thủ ngoại quốc này sẽ cho cậu ăn uống tử tế. Vì vậy, Anthony dừng lại nhìn vào lữ quán, ngôi nhà được quét vôi trắng nằm giữa vườn hoa, ngay chân cầu. Bảng hiệu cũ kỹ, đong đưa theo gió, bốn chữ gợi nhớ đến trùng dương đầy sóng gió: "Lữ Quán Hải Hồ"!
 
Tay chân run bây bẩy, tai ù đặc, mắt hoa lên nhưng cậu cố tựa vào tường và giữ cho khỏi ngã, nhìn vào trong. Sáu thủy thủ ngồi quanh bàn, ăn uống ngon lành, bia và thịt nướng bày la liệt, người nào cũng mang khoen vàng ở tai và hai cánh tay trần của họ lộ rõ những bắp thịt rắn chắc và mầu da nâu bóng. Một gã có vẻ như... ca sĩ, xong bữa ăn trước các bạn, bắt đầu trổ tài và cứ sau mỗi bài hát, anh ta lại tợp luôn cả nửa ly bia.

Áo quần cả bọn đều sạch sẽ, râu cạo nhẵn và anh nào nom cũng tươi tỉnh, vui vẻ.

Trong bếp ngăn nắp, ấm cúng, một chị đàn bà đang lăng xăng cạnh lò lửa đang rực cháy. Khung cảnh có cái gì thân mật, dễ dãi như là một ngày lễ... Anthony nuốt nước bọt một cách khó khăn... Bỗng, y như một tấm màn đen vừa phủ xuống, cậu tối tăm mặt mũi ngã khuỵu bên hè.

Khi tỉnh tại, Anthony thấy mình nằm trên ghế dài cạnh lò lửa, bên mình cậu là người đàn bà, tay bưng ly nước, vẻ mặt lo lắng. Bà ta có vẻ mừng rỡ thấy cậu tỉnh lại, vội vàng kê ly vào miệng Anthony, dịu giọng:

- Em chịu khó uống chút trà nóng cho khỏe, nào!

Anthony ngoan ngoãn vâng lời người đàn bà, uống cạn một hơi, rồi chống tay ngồi dậy, dụi mắt nhìn quanh mình, ngượng ngập cười với mọi người.

Người đàn bà kêu lên, giọng thương xót:

- Áo quần em ướt đẫm thế kia, thảo nào! Lại đây! Em phải sưởi cho khô bớt rồi ăn vào một chút gì là khỏe ngay ấy mà!

Bà ta nói và mang lại cho cậu bánh mì, thịt băm và kèm thêm tách sữa nóng. Sự tiếp đãi niềm nở của bà ta cũng như vẻ thân thiện của đám thủy thủ làm Anthony vững bụng. Quả là một liều thuốc làm dịu bao nhiêu thống khổ, nhục nhằn mà cậu đã hứng chịu 8 tuần lễ liền trên cái địa ngục nổi đáng ghét kia.

Anthony thấy người đàn bà nhìn xâu chuỗi mình mang ở cổ và cùng một lúc, cậu lại thấy những thủy thủ Tây Ban Nha đều cũng có mỗi người một chuỗi như mình. (Bà ta ngỡ là Anthony cùng bọn với đám thủy thủ) Cả bọn lại cười với Anthony như có vẻ quen biết, Anthony cười đáp lễ đoạn ăn uống tự nhiên, ngon lành.

- Em tên gì?

Người đàn bà hỏi sau khi cậu ăn xong. Anthony rụt rè đáp nhỏ:

- Thưa bà, Anthony!

Người đàn bà nghe không rõ, hỏi lại:

- Cái gì? Zachary hẳn? Lạ quá: đúng là một tên Anh chính cống!

Anthony không đính chính. Với cậu bây giờ thì mang cái tên Anthony càng thêm nguy hiểm mà thôi. Ờ! Cái gì ngăn cậu lấy tên Zachary? Được lắm chứ! Trong cuộc hành trình đến ngả rẽ của cuộc đời mới, Anthony muốn khai tử tên cũ của mình. Mang tên Zachary cũng là một cách đánh dấu sự may mắn đầu tiên cùng là cảm ơn người đàn bà tốt bụng.

Đám thủy thủ đứng lên, Zachary nối gót theo họ. Người đàn bà đưa cả bọn ra tận cửa và chỉ đường đến nhà nguyện Saint-Michel, theo lời họ yêu cầu.

- Đây nhé: qua khỏi cầu, đi thẳng một đoạn rồi rẽ lên dốc. Đến đỉnh đồi, các ông sẽ thấy nhà nguyện Thánh Michel. Chúc các ông đi bình an. Cả em nữa, Zachary!

Đoàn người theo lời bà chủ quán chỉ. Họ ca hát, cười đùa vang dậy. Ngang những hàng rào nở hoa đỏ ối, họ ngừng lại, nghiêng mình, kiễng chân ngắt hoa của những nhà hai bên đường, giắt lên tai. Một người có hảo ý quẳng cho Zachary một đóa. Zachary không thể vô tư như thế nhưng cậu vẫn không rời đám thủy thủ vui tính ngay được ; cậu phải dùng họ làm tấm mộc để chắn giữa biển và cậu. Vừa rời lữ quán, nom thấy tàu bè, nỗi sợ hãi dấy lên trong lòng cậu.

Thức ăn và lòng tốt của bà chủ quán làm cậu dễ chịu đôi chút nhưng hiện đầu óc cậu vẫn còn váng vất, rối mù. Và trong lúc chưa có quyết định gì dứt khoát, cậu còn phải bám theo đoàn người. Cảnh trí trên dốc tuyệt đẹp, song Zachary không còn tâm trí đâu mà thưởng thức. Cậu buông mình xuống một phiến đá khi lên đến nơi. Tiếng trầm trồ ca ngợi vang lên bên tai cậu. Một lúc sau đó, khi bình tĩnh lại cậu nhìn quanh: khung cảnh quả nên thơ, bên dưới vịnh rực rỡ trong nắng sớm, uốn cong giữa vòng đồi non bao quanh, hướng tây nhiều ngọn cây cao ngất nổi bật trên nền trời. Giữa bể và núi, một dãy đồi xen kẽ với thung lũng. Rải rác đây kia là những cánh đồng cỏ tươi mát, nhà, rừng và vườn cây ăn trái.

Chợt, cậu cảm thấy lòng dạt dào yêu mến khi nhìn thấy những nông trại trước mặt. Cậu chưa từng sống ở đồng quê, chỉ biết có Bath, khu vực quí phái và con tàu địa ngục trong đời. Vậy mà Zachary lại cả quyết rằng mình sẽ được dung thân ở một trong số những nông trại ấy, cậu sẽ được an toàn và thoải mái. Cậu sẽ xin việc làm tại đó: cày bừa? vắt sữa bò? xén lông cừu? Được! Việc gì cậu cũng không chê.

Về hướng tây, một lâu đài cổ nằm cạnh một tu viện đổ nát. Bên ngoài khu vườn lộng lẫy là một bãi cỏ xanh, vài con nai thơ thẩn gặm cỏ. Tất cả như được bảo vệ kỹ càng bằng một vòng thành đá kiên cố bao quanh.

Giữa tu viện và gành đá của bờ biển còn có nhiều đồi, đồi gần nhất tại đó rất thấp. Vài ngôi nhà nhỏ, một thánh đường cũ kỹ, tường xám xịt, nghĩa địa cạnh thánh đường. Có lẽ tiếng chuông ngân trong lúc bình minh mà Zachary đã nghe là tiếng chuông của thánh đường này, vì bây giờ tiếng chuông lại vừa ngân lên trong vắt, ấm cúng hòa lẫn trong tiếng be be của đàn cừu.

Các thủy thủ Tây Ban Nha trịnh trọng bước vào thánh đường S.Michel. Họ kính cẩn quì gối cảm ơn Chúa đã che chở họ vượt qua những cơn giông bão trên bể cả. Nhà nguyện bấy giờ chỉ còn vang lên tiếng tràng hạt và tiếng kêu của vài con hải âu bay lượn quanh nóc thánh đường.

Zachary cũng quì gối cạnh cửa ra vào song không đọc được một câu kinh nào. Nhìn qua cửa sổ, cậu thấy cánh hải âu nổi bật giữa nền trời xanh ngắt và cậu tận hưởng sự an toàn quên cả thực tại bấp bênh. Cậu như tìm được bình yên mỗi khi không thấy bóng dáng tàu bè. Và cậu quỳ mãi đó trong khi các thủy thủ lần lượt rút lui, tâm hồn bình thản, nhẹ lâng.

Chợt, cậu giật mình tự nhủ: phải đi ngay, tìm đến một nông trại để được an toàn bảo đảm. Thánh đường này không phải là chỗ dung thân vĩnh viễn. Zachary đứng lên, ra khỏi nguyện đường, cẩn thận men theo vách đổ dốc, xuống đồi. Nắng ấm như tiếp sức cho cậu.

Dù cho những giờ sắp đến chưa biết sẽ có gì đón đợi mình, Zachary vẫn vững tin là không đến nỗi tồi tệ như những ngày qua.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 2

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>