Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Vũ Điệu Tuổi Thơ



Nếu ví đời người như bảng màu vẽ của họa sĩ gồm đủ các sắc màu, từ những sắc trầm buồn, u tối, đến những màu tươi sáng, rực rỡ hơn, thì những năm tháng tuổi thơ êm đềm tôi đã trải qua ở Châu Đốc sẽ được người họa sĩ ấy mô tả bằng một màu hồng phấn, dù nhẹ nhàng đấy nhưng vô cùng ngọt dịu : màu hồng tôi mãi yêu.
Tôi hoàn toàn không nhớ trường mẫu giáo của tôi ở đâu, nơi tôi đã theo học tới hai năm, năm lên ba và bốn tuổi. Chỉ nhớ là sáng sáng, bác gái sẽ dắt tôi và chị Tâm, chị họ của tôi, tới trường, sau khi đã  "trang bị" cho mỗi đứa một khúc bánh mì sữa hoặc đường cát, và năm viên kẹo năm màu khác nhau gói vào một mảnh giấy. Lần nào cũng vậy, sau khi xếp hàng trước cửa lớp, tôi sẽ chạy a vô lớp sớm nhất để giành ngồi chiếc bàn con sơn màu hồng, nhưng một hôm, sau khi thấy chiếc bàn đẹp nhất đó đã bị ai "làm bậy" lên một đống, tôi đã cạch nó cho tới khi thôi học ra trường, và đành bằng lòng với những chiếc bàn khác sơn màu sắc khác  kém xinh xắn hơn : chúng tôi được phép mỗi hôm ngồi tại một chiếc bàn khác nhau, có lẽ để tạo niềm hứng thú cho đám trẻ mẫu giáo chúng tôi, vốn hay mau chán! Những cô giáo của tôi lúc đó rất hiền, và chẳng bao giờ lớn tiếng la rầy hoặc dùng roi vọt gì. Các cô cầm tay từng bé để tập cho tụi tôi viết chữ, vẽ hình như con tôm, trái bí, lồng đèn... Chỉ có một lần lũ trẻ ranh chúng tôi, khoảng chục đứa lau nhau gồm cả trai lẫn gái bị phạt quì gối, đó là vì tụi tôi đã rủ nhau đi vặt trụi những bụi cây ớt chỉ thiên trái xanh trái đỏ trông rất đẹp mắt  của nhà hàng xóm bên cạnh trường, và bị  họ qua tận nơi mắng vốn với cô! 
 Lên lớp năm (tức lớp một bây giờ), rõ ràng là trường nữ tiểu học của tôi phải xa hơn trường mẫu giáo, nên bấy giờ bác gái nghỉ khỏe, và tới lượt bác trai sẽ chở hai đứa chúng tôi đi học bằng xe đạp, rồi  sau đó mới vô sở làm của bác ngay bên cạnh hông trường. Tuy bằng tuổi nhưng tôi lại chào đời sau chị Tâm mấy tháng, và cũng nhỏ con hơn, nên được ưu tiên ngồi ghế con đàng trước. Một hôm bất chợt nhìn xuống bánh xe đạp đang quay đều, thấy những căm xe sáng loáng cứ quay tít thật lạ lùng, tôi đã thọc một bàn chân vào để khám phá! Chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra! Cả ba cha con, bác cháu  chúng tôi đều té lăn ra đường. Khách qua đường xúm lại đông nghẹt, và trách cứ oan uổng bác tôi đủ điều, rằng đã không để mắt trông chừng làm què cẳng "con nhỏ" rồi! Bác tôi, vẫn hiền lành như mọi khi, chẳng phân bua gì với ai, và cũng không trách móc gì tôi hết, lồm cồm bò dậy rồi chở tôi vô nhà thương để băng bó bàn chân sưng vù nhưng may thay chưa gãy! Kỳ đó, tôi phải nghỉ học mất một tuần lễ, còn chị Tâm hôm đó phải cuốc bộ nốt đoạn đường còn lại tới trường một mình. Năm năm ở với bác trai, chẳng khi nào tôi bị người đàn ông phúc hậu nhất trần đời ấy la mắng một điều gì. Khi tôi làm điều gì sai trái, bác sẽ đánh đòn tôi cho có lệ (có lẽ vì sợ mang tiếng bạc đãi cháu!) bằng cây roi nhỏ nhất dành riêng cho tôi! Các anh chị họ của tôi người càng lớn thì chiếc roi càng to! (Công bằng quá rồi phải không các bạn?) Một hôm tôi cắc cớ than phiền với bác rằng roi càng nhỏ đánh sẽ càng đau (nghĩ lại sao thấy lúc đó mình nhỏ nhưng có võ hay sao ấy, vì nói chỉ thấy đúng!), bác bèn bảo rằng kể từ lần sau bác sẽ dùng cây roi lớn nhất để phạt tôi vậy nhé, tôi bèn lắc đầu quầy quậy! Sau này khi bác trai mất, lần cuối đến nhìn mặt bác, thấy bác nằm trên giường, đôi mắt tuy đã nhắm lại nhưng gương mặt vẫn hiền lành phúc hậu như xưa, nước mắt của tôi đã rơi lã chã đọng thành vũng lớn dưới chân tôi, khiến mọi người xung quanh đều phải trố mắt ngạc nhiên. 
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Buổi chiều ở nhà, sau khi học và làm bài tập ở nhà xong, chúng tôi được rảnh rỗi chạy đi chơi lòng vòng quanh xóm. Mấy ông giáo sư cùng xóm thường hay đi  ngang qua nhà bác tôi để chòng ghẹo tôi vì lúc đó tôi là một cô bé rất nhút nhát, và cứ ù té chạy trốn tuốt vô trong nhà khi bị mấy ông ấy núp đâu đó nhảy xổ ra "hù!"!  Giờ nghĩ lại mới nhớ ra mấy  ông giáo  sư ấy chưa hề "hù"" chị Tâm, chị họ  của tôi,  có lẽ  vì chị ấy rất dạn dĩ. Tôi rất thích qua bên nhà ông Tụng  lục sự chơi. Ông Tụng yêu trẻ con nên nhà ông lúc nào cũng đầy con nít, mặc dù con ruột thì ông chỉ có hai đứa. Ông Tụng thỉnh thoảng cho quà lũ trẻ con chúng tôi bằng cách tung nguyên hộp bánh tây lên cao, rồi thì hên xui! Dĩ nhiên là không bao giờ tôi ăn được một miếng nào, vì không thể chen lấn xô đẩy giành giựt cùng một lũ con trai vô cùng mạnh bạo, nhưng đó cũng là một kỷ niệm thật đẹp. Đôi khi vào ban đêm, ông Tụng lôi ghế bố ra nằm ngủ giữa đường lộ,  có lẽ chỉ để giựt le với đám con nít nhát gan tụi tôi mà thôi, vì chỉ một lúc sau ông lại khiêng giường trở vô, vì sợ xe đụng! Kể vậy mới biết Châu Đốc thuở ấy lặng lẽ, yên bình biết chừng nào, tới độ mỗi khi dân Sài Gòn xuống đó chơi thì nguyên cái tỉnh lẻ ấy sẽ xôn xao, xúm đen xúm đỏ ồn ào bàn tán. Có lần một ông giáo sư Sài Gòn phải khệ nệ ẵm bà vợ phốp pháp, môi đánh đỏ chót, mặc jupe bó sát, của ông lên một chiếc xe lôi (đặc sản của vùng Châu Đốc, Long Xuyên) cao nghễu nghện vì cả chiếc jupe lẫn xe lôi đều bất tiện!, thì chiều hôm đó lũ trẻ chúng tôi, và cả người lớn nữa, nói tóm lại là toàn thể dân chúng trong vùng, đã xúm xít bu quanh dòm ngó họ đến độ suýt lé xệch cả con mắt! 
Chiều tối cơm nước xong, chị Tâm và tôi thường hay tới nhà chị Cúc con ông chủ chợ chơi. Nhà ông chủ chợ giàu nhất xóm : ngôi nhà lầu bốn, năm tầng như con công xòe đuôi giữa bầy gà, vì nằm cao ngất nghểu giữa khu nhà trệt lè tè,  mái ngói đỏ, tường quét vôi vàng, phần đông là nhà công vụ dành cho công chức như bác tôi. Hình như ông chủ chợ có bốn người con, trên chị Cúc còn một người chị, và dưới chị Cúc là hai em trai : anh Cang và Điền; Điền bằng tuổi tôi nhưng học kém tôi một lớp vì tôi học sớm một năm. Thuở ấy, nam sinh và nữ sinh học trường riêng rẽ, nên tôi hầu như không biết Điền là ai. Khi tới chơi nhà ông chủ chợ, chị Tâm và tôi chỉ trò chuyện với chị Cúc. Chị Cúc thường dạy chúng tôi múa bài Tiếng Hát  Mường Luông, phần vì chị cũng yêu trẻ con, nhưng mục đích chính là vì chị rất yêu mẹ, và tụi tôi sẽ trình diễn tiết mục múa  đó để giúp vui cho mẹ của chị quanh năm  liệt giường vì bịnh tật. Ba đứa chúng tôi : hai chị em tôi và Tuyết, ở nhà đối diện nhà chị Cúc, sẽ chỉ đảm đương phần múa mà thôi, còn phần hát bài Tiếng Hát Mường Luông sẽ do chính chị Cúc phụ trách. (Sau này khi nghêu ngao hát lại những bài hát đó khi về lại Sài gòn sống với gia đình, tôi thường hay bị các anh tôi chế diễu là ở quê riết nên hát toàn nhạc sến!) Tôi nhớ là chúng tôi tập rất kỹ bài đó, hết buổi chiều này sang buổi chiều khác. Rồi tôi ngã bịnh hai hôm nên không đến tập múa  được. Khi tôi cảm thấy khỏe khoắn trở lại và lò dò tới nhà chị Cúc chơi như thường lệ, thì a thần phù  Điền ở đâu bỗng dưng xuất hiện, chạy tới ôm chầm lấy tôi và nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên trán tôi khi tôi chưa kịp hay biết gì! Nụ hôn đầu đời "vụng dại thơ ngây" và vô cùng thánh thiện của tôi với một chàng "thiếu gia" tỉnh lẻ đã diễn ra như thế đó, năm chúng tôi cùng lên tám tuổi! (Giá mà chị Cúc thay bài Tiếng Hát Mường Luông bằng bài Đám Cưới Đầu Xuân của Trần Thiện Thanh thì hay hơn, lãng mạn hơn, và nhất là hợp tình hợp lý hợp cảnh hơn cho hai đứa chúng tôi biết mấy! Hi hi!) Dù gì đi nữa thì buổi trình diễn ca múa nhạc đó cuối cùng cũng đã ra mắt toàn thể "khán giả", hình như gồm tất cả các thành viên  của gia đình chị Cúc. Giữa căn phòng gió lồng lộng lùa qua song cửa sổ, nằm trên lầu ba hay lầu bốn gì đó của nhà ông chủ chợ, trên một bộ ván gỗ mà mặt tiền được che kín bằng một tấm "ri đô", chỉ được từ từ kéo sang bên như tấm màn nhung sân khấu, sau lời giới thiệu rất điệu nghệ của một MC cây nhà lá vườn, lũ trẻ chúng tôi, (tuy mặt cứ đơ ra, xanh lè xanh lét vì đó là lần đầu tiên trình diễn trước đám đông người lạ như vậy, và cứ lóng nga lóng ngóng, xém té xuống sàn nhà, khiến khán giả người lớn phải luôn miệng  nhắc nhở, cẩn thận! coi chừng!  xích vô trong đi con!) vẫn vô tư nhún chân, múa tay, nghiêng vai, uốn mình, xòe váy, say sưa và hồn nhiên vô cùng, trong VŨ ĐIỆU TUỔI THƠ.

Trần Thị Phương Lan  
(Bút nhóm Hoa Nắng)  

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>