Chuyến xe đò chạy suốt đêm đưa mau mẹ con tôi xuống Sóc Trăng. Tôi mải ngủ trên vòng tay êm ấm của mẹ, nên không rõ cảnh tượng phải kẹt "bắc" sang phà. Nhưng qua khỏi "bắc Mỹ Thuận", trưa ấy lại đến "bắc Cần Thơ", hành khách lục tục kéo nhau vào các hàng quán ăn cơm trưa. Hai mẹ con ngồi ăn cháo lòng cho nhẹ bụng đề phòng tôi còn nhỏ dễ bị nôn. Rồi cũng đến lúc xuống phà, xe đò thứ tự chạy theo sau. Trời ui ui, gió lồng lộng, một đàn cá nược vượt sóng bập bềnh bơi theo, làm tôi ngạc nhiên reo lên:
- Mẹ ơi! Cá gì ngộ quá, sao không ai bắt nó vậy?
Mẹ tôi cười đáp:
- Cá nược đó con, truyện tích xưa người ta cho nó là một người đàn bà gian xảo lừa người, bị người gạt lại, hết cả của cải, đâm đầu tự vận, hóa thành cá ấy... Người ta không ai bắt cá đó đâu, nó có vú cho con bú như người vậy...
Tôi đã tạm thỏa mãn phần nào tò mò, đầu óc non nớt của tôi lúc ấy chịu là mẹ tôi giải thích hợp lý. Sang bên kia bờ, xe chạy, tôi lại đắm chìm vào giấc ngủ có gió ru tạt từ cửa sổ xe đò. Trong giấc mơ tôi thấy căn nhà ở Bà Chiểu, có ông Sáu tôi đang ngồi đọc báo, phì phà điếu thuốc. Ông sẽ ở giữ nhà một mình, sau khi đi bán kẹo bánh về, không có tôi, đứa cháu nhỏ gọi bằng ông cậu quấn quít hằng đêm. Mẹ con tôi với hai va ly nặng trĩu sẽ đến ngôi nhà mới cấp cho công chức, ở với ba tôi vừa bị đổi xuống đấy.
Một chiếc xe lôi chạy đụng ngay vi la nhà ông Lục Sự, đằng sau là một dãy nhà, nơi chính giữa là nơi gia đình tôi sẽ trú ngụ, không rõ hạn định, không biết lúc nào lại đổi đi chỗ khác. Mẹ tôi hay cầu nhầu tính bộc trực của ba tôi không biết xuôi chiều gió để mích lòng cấp trên nên bị thuyên chuyển đi xa hoài. Mỗi lần đi tuy có cái thú thật, nhưng mỗi lần tốn kém, hao đồ, sửa soạn, sắp đặt mọi việc thật bận rộn và mệt người. Mẹ tôi bảo rằng tôi đã có dịp đi phi cơ, xe lửa đêm v.v... Khi ra Huế, Quảng Ngãi, Đà Lạt hay Mỹ Tho v.v... Nhưng dạo ấy tôi còn ẵm ngửa trên tay, biết chuyện gì mà nói, mà nhớ. Có còn chăng là những kiểu hình kỷ niệm, gia đình tôi chụp đứng ở cầu Tràng Tiền, ga xe lửa Mỹ Tho, nhà bưu điện Quảng Ngãi... trông thật là đúng "mốt" thời xưa. Tôi hãy còn lưu giữ từng hình trong quyển "album". Chỉ tiếc mình sao không lớn ngay lúc ấy để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của đất nước. Có cầu Tràng Tiền ngang dòng Hương lờ lững, có núi Bút ở xứ Quảng nổi tiếng kẹo mè xửng và mạch nha, có Đà Lạt sương mờ, hàng đống trái su, khoai tây... ở chợ... Tôi chỉ là một chú bé con chưa biết đi, hãy còn ngậm núm vú giả mỗi lần khóc thét. Bây giờ tôi đến Sóc Trăng cũng chưa hẳn lớn, vừa đủ trí khôn để đi học lớp vỡ lòng. Lớp vỡ lòng dạy không nổi tôi, tôi học hay ra rít, đòi đi học trường lớn, có viết chấm mực đàng hoàng, thản nhiên vứt bỏ sau lưng ngôi nhà nhỏ ba gian đã khai thông trí óc mình. Ở đó đường đi lầy lội mùa mưa, hàng quà bẩn và rẻ, vây quanh lấy ngôi vườn tươi tốt xanh um. Nhưng ở đó các bạn tôi chất phác, hiền lành... (đánh rơi tấm bảng nhỏ trên đường về, khi trở lại nhặt vẫn còn) Có lần gây lộn tôi đập một đứa gãy đôi cây thước kẻ, tôi còn lấy thước của nó nữa, thế mà nó vẫn nhịn dù lớn hơn tôi. Tôi càng ngày càng tệ, phá phách và không sợ cô giáo. Muốn đi học thì đi, còn nhõng nhẽo hay ngủ dậy muộn để khỏi vào lớp. Ba tôi bàn định cho vào nội trú trường Lasan, cho mấy ông "thày dòng" trị thằng "quỷ". Tôi sợ và khóc quá, năn nỉ mãi... nhưng vẫn bị bỏ vào trường "Bà Sơ". May thay các bà áo trắng này thương trẻ con hơn, không dọa dẫm chi tôi, mà còn dỗ dành, đút ăn cho mỗi bữa cơm Tôi làm biếng ăn lắm, ngủ cũng vậy, người cứ ốm teo. Cuối tuần ba mẹ đón về, mẹ tôi xa xót cho con, nên phải cho học bán trú, để tiện việc săn sóc hơn. Buổi trưa tôi vẫn không ngủ, hay lén nhặt me keo, điệp... đút cho bầy dê ăn. Có tiền thì ăn cà rem, chuối nấu ứ bụng, đến bữa nuốt cơm không vô. Rồi cũng chẳng ở yên nơi, ba tôi lại bị đổi qua "Kế Sách", một quận đèo heo, hút gió cũng thuộc Sóc Trăng (nay là Ba Xuyên). Thôi thế là từ nay dở dang, hết dịp coi các chị lớn múa hát giả trai diễn kịch ngày lễ. Hết phá trốn để các "Sơ" tìm, hay lấy đại "bi dăng tin" của mấy anh lớn trét rít chịt cái đẩu, về nhà mẹ gội rồi la. Hết rồi những bữa điểm tâm, cơm xá xíu có chan nước lèo ngon tuyệt. Hay "xíu mại" mang vào trường, trưa mới ăn vẫn không hôi. Bỏ cả công viên ven bờ sông lộng gió, có đu tiên chóng mặt trẻ em. Có từng hàng ghe dưa hấu vàng ngọt lịm, quả đặc biệt ở Sóc Trăng, không đủ số cung. Có cây cầu quay ngang làm đứng tim những khi tàu lớn qua và nếu ta bị kẹt ở lưng chừng phần giữa. Và còn nhiều lắm ngôi vườn tôi ở, có cây táo ta trái rụng đầy sân, có ổ ong ruồi góc cầu tiêu hư, có cây me keo gai góc cao vút, có những cây mít, trái non bằng ngón tay ăn với muối chát mà ngon... Mẹ tôi cũng sẽ mất cả những trái gòn rơi trắng xóa, mà mẹ gỡ để dồn gối cho đầy. Mẹ tôi cũng mất các bà bạn, trưa trưa tụ họp ngồi se giấy vé số, giấy "Thế giới tự do" làm màn treo bằng căm xe đạp... Nhưng mẹ tôi sẽ quên đi con rắn hổ đất đã bị mẹ đập chết khi bò vào nhà. Vật dụng thì còn đó, mới cũ gì cũng chở hết lên một xe hàng, cả đàn gà ác lông trắng, chúng sẽ theo với lũ con vừa mới nở xong. Ở "Kế Sách" quận lỵ nghèo buồn, chợ búa buồn tênh. Người Minh Hương dẫy đầy, gây lộn tụi trẻ con Tiều phát chán, chúng chửi cũng chả hiểu. Bù lại học tiếng người cũng vui, nào "hia", "chế", "xực phàn", "xực chút", "phia xuân"... sao mà lộn xộn. Ở đây đêm xuống hắt hiu vì thiếu điện, nhà nào cũng đèn dầu. Chơi "mua heo" chán chỉ có việc nằm lăn ra ghế bố ngắm trăng sao. Ba tôi hay bỏ đi nhậu với bạn bè mới, vào miệt đồng ruộng xa xôi ăn "trứng cò, diệc", "cháo cua đinh"... Tôi lại vào học ngang ở trường quận, tính rắn mắt khiến tôi chết hụt hai lần. Một lần ở trường trợt xuống mương sâu vì sảy chân vô ý dẫm bùn trơn. Lần ấy nước ngập đến miệng tôi, tôi la chói lói, bác đánh trống kéo lên, mò không được đôi dép cao su, tôi ướt hết người, về nhà liền và bịnh mấy hôm. Lần thứ hai theo người lối xóm gánh nước sông ở cầu đò, trợt rêu ngã lộn cổ xuống sông, may phước là không có miểng chai, đá nhọn ở bãi, lại trôi dép mất. Thế mà không bị đòn, ba tôi còn kiếm những con cá lia thia cho tôi nuôi trong hũ trong veo, dụ cho tôi đừng lê la ở ngoài. Và có lẽ tôi sợ mất hồn, phần mấy con cá xanh lè, tím rực, đỏ sẫm trông thật mê tơi... nên tôi suốt ngày ở nhà với mẹ mà ca hát, trừ giờ học. Tôi chỉ thích nhất mỗi khi đi chơi trên tàu Hải quân, đến các cù lao mua trái cây ăn. Các bạn ba tôi, còn dẫn gia đình tôi ghé nhà ăn bún với tôm hùm gạch đỏ ửng, thủy thủ đánh cá lên tươi rói. Ghé các cù lao thì quít đầy vườn, cam, mận trĩu cành... lớp mua, lớp biếu... ăn ngán luôn. Đó, hoa quả thương yêu, mật ngọt của đất nước tôi sao mà đậm đà luyến tình quê chi lạ. Thế mà tôi phải rời bỏ sao? Bỏ những buổi sáng thèm ăn bánh xèo, bánh khọt, những buổi chiều mua mía ngọt lịm ở chùa, những đêm khuya làm gan đi xem bắt ếch ở gần nhà bảo sanh. Lại có những tối sợ "ma da" ngồi một đống ở cầu đò, tôi chỉ dám lén nhìn qua khe cửa, sáng ra mới biết hai con mắt rực lửa là hai đốm nhang của bà xẩm tiệm tạp hóa gần đó. Lại có những cuộc lễ tuy trời mưa lâm râm, nhưng cả con đường nhộn nhịp, lăng xăng trẻ du côn chờ giựt quà bánh cúng cô hồn ở các cửa tiệm của bà xẩm, chú chệt.
Gia đình tôi lại dọn về Tân An, ở đó chỉ ba bữa phải đi sâu vào Tầm Vu bùn lầy nước đọng. Có những buổi học giờ giấc lạ đời, sáng học từ tờ mờ 7 giờ, trưa 10 giờ rưỡi tan. Cô, thầy về nghỉ ngơi, ăn cơm... học trò làng hẻo lánh thì ở tụ lại ăn cơm gói hay trong "gà mên" mang theo. Chúng xin nước mưa ở lu nhà quen uống vội vàng, đi tiêu trên những cầu tiêu làm ngay giữa hồ, ao nuôi cá vồ, thật dễ sợ! Chiều xuống vội vàng trên ruộng lác oặt oại, buổi học từ 1 giờ trưa đến 3 giờ rưỡi cũng xong. Thầy, cô, học trò về nhà tắm táp, dùng cơm để còn kịp tắt đèn dỗ giấc tối, khoảng 7 hay 8 giờ. Giờ mà bóng đêm tràn nhanh xuống, khiến đàn gà ác không rõ lối vào chuồng. Mẹ bảo tôi cầm đèn dầu bắt gà bỏ vào từng con, đừng mò mò mà lây "bệnh quáng gà" như lũ nó. Cả một quận lỵ âm thầm ấy, ghi nhớ trong tôi với những cọng lác khô queo ngày hôm sau khi cắt. Tôi đã dại khờ dùng lác làm đũa mà chơi, có biết đâu nó chỉ dùng để cột đồ, đan chiếu... lúc phơi khô xong. Một trời thơ ấu, phá, ngu... hiện ra:
Tôi đã nhét một nụ bông bụp vào mũi một thằng bạn làm bao người lo sợ, nếu không nhờ móng tay nhọn của mẹ tôi lấy ra. Và còn cả đồng lác bao quanh cái ao nuôi cá vồ, thứ cá mà gia đình tôi không bao giờ ăn đến. Cả hai vệ đường cỏ dại, với cây trái nổ. Hái đựng đầy "mủng vùa" mà nghịch, bỏ vào keo cá lia thia, cá ăn nhằm chết ngửa bụng. Và nơi đó trừ con đường chính có xe đò lỡ qua lỡ lại lổm chổm đá nhọn, ngoài ra toàn đường đất bùn sình trơn trợt. Thiếu nhiều lắm, đèn điện, ồn ào, xinê... ở tỉnh lỵ mới có rạp cho Cải lương về hát. Nhưng xa quá về đêm khuya, nhỡ các ông bên kia chận bắt giữ đi thì khốn. Nên ba tôi không hề dẫn đi một lần, chả bù khi ở Sóc Trăng có hai rạp hát coi suốt tháng, để đêm đêm đi xe lôi giữa trời lành lạnh, vắng mà vui. Sao mà tôi vẫn yêu những đàn cá đói ở trong ao, mấy con gà hay được bắt đá giao hữu, và ngôi trường rộng lớn với sân chơi đầy hang dế với lỗ chân trâu. Cả những tâm hồn mộc mạc có lần họ mời ba tôi ăn cháo rắn, mà họ ngỡ là ba tôi ăn được, quí thay! Mẹ tôi và một số đồ đạc nặng về Saigon trước, ông Sáu tôi mừng lắm. Ông cười hả hê với giỏ cua đồng mà ba tôi mang về tuần sau đó. Trên xe Vespa của ba tôi, sao đường về nhanh quá. Tôi cảm thấy nao nao khi phải rời bỏ những gì cũng tạm gọi là thân thuộc mà mình sống chung đụng bấy lâu. Cầu Tân An hiện ra, rồi cầu Bến Lức. Đàn vịt hai bên đồng nước vẫn thản nhiên số kiếp con vật nuôi, ông lái vịt khua mạnh cây dầm, làm tôi giật mình ôm chặt ba tôi hơn. Ba tôi ngạc nhiên chạy chậm chậm lại hỏi lớn:
- Chó con, ngủ gục hả? Ra phía trước này đứng dựa vào ba đây.
- Không, con ngồi hà, đứng phía trước mỏi chân, gió cay mắt, buồn ngủ hơn.
- Thôi con ngồi tử tế, tới mũi tàu Phú Lâm rồi về nhà mặc sức mà ngủ.
Ông Sáu ôm chầm lấy tôi hôn hít, mắng yêu:
- Mày đi đâu bỏ ông, lâu quá mới về, nhớ muốn chết.
- Con đi học – Tôi ngây thơ đáp.
- Đâu con học được cái gì ba năm qua?
Mẹ tôi cười trả lời thế:
- Nó có học gì đâu, đổi trường luôn, đến lớp thì phá và lì, thày, cô nào cũng ngán nó.
- Thôi đừng rày nó. Kể ông nghe hai năm nay con đi đâu, ở đó có gì vui không? Cho ông nghe coi.
Biết bao hàn huyên, tâm sự đúng dịp để tôi tuôn ra:
- Con ở Sóc Trăng nè, ba cho đi Cà Mau với Bạc Liêu chơi. Có mùng lưới họ giăng cho trâu ngủ á. Có cái ông già nuôi con trăn bự vầy nè, bự bằng cái cổ con lận, để nó bắt chuột ăn hại lúa. Mà con đi bằng tầu Hải quân, có cái bác cho con mượn "ống dòm" ngộ lắm. Ngó thuyền chài trên sông xa gần gì cũng được... Ở Sóc Trăng có dưa hấu ruột vàng nữa.
- Có mua về cho ông Sáu không con?
- Chưa Tết mà ông, dưa cũng có ít vậy. Ở Sóc Trăng con sợ mấy ông Miên ghê, má nói họ có phép thư người, bịnh hoạn rồi chết luôn. Chùa của mấy ông sư mái cong vút và nhiều lắm. Con cũng sợ mấy ông Frère áo đen ở trường Lasan nữa.
- Mấy ổng làm gì con?
- Ba má tính bỏ con học nội trú ở đó đó, con đâu có chịu. Rồi qua Kế sách con nói tiếng Tiều nè.
- Đâu nói tiếng Tiều ông nghe chơi!
- Hì hì, con quên rồi, con hớ trái cây rẻ vì mua tận chỗ ở cù lao mà thôi. Con bị lọt mương, té sông... hết dám lý lắc. Ở Tầm Vu tụi học trò "làm biếng" ghê, đem cơm nguội ăn hổng chịu về buổi trưa. Tụi nó đứa nào cũng xách cặp đan bằng lác rộng và bự lắm...
Nói chuyện một hồi tôi đòi đi ngủ, mẹ tôi giải thích với ông Sáu:
- Nó quen lệ ngủ sớm như gà ở quê rồi đó.
Rồi mộng đẹp đưa tôi vào giấc ngủ dễ dàng, giấc ngủ lờ lững giữa cảm giác nhồi xóc bởi các ổ gà trên đường về ban chiều.
Ở Saigon làm vài tháng ba tôi lại bị đổi về Xuân Lộc, nơi đất đỏ, bụi mờ, cát nóng. Vì nơi ấy thiếu tiện nghi nhiều, mẹ con tôi không thể khăn gói mà theo. Chỉ đi thăm cách vài tuần, nơi đồi núi, đất đỏ bám đầy mọi vật, thiếu nước nôi giữa trời nắng nhiều hơn mưa.
Có mưa chỉ thêm lầy lội, nhưng làm tốt tươi cây trái như mít, chuối, chôm chôm, sầu riêng. Nhớ về Xuân Lộc với những cảm tình chưa rõ, tôi không biết mình thích cảnh vật, cây trái... hay thích vì được đến cùng ba.
Quê của ba tôi ở Mỹ Tho, quê mẹ tôi ở Cái Bè. Tôi vẫn về Cái Bè những lễ giỗ, tiệc ở nhà bà cô. Nơi đó mộ ông ngoại tôi đã truất hữu theo luật mới, chỉ còn chăng mấy mảnh vườn hoang, bỏ phế, xác xơ. Đó là ở làng Hiệp Đức, ở tận cù lao đầy mận và xoài, mãng cầu xiêm... Tôi có về cũng dừng lại ở Cái Bè thôi, qua cách con sông, cũng chưa đủ nghĩa về làng quê, dầu rằng hàng dừa gieo bóng nhìn thơ mộng, đò lướt trên sông cũng thoáng buồn.
Những năm sau đã lớn, tôi đi học xa ở Mỹ Tho thế là có dịp về Gò Cát. Giờ mang những lô cốt, hàng rào thân dừa đó đây. Làng quê hoang vu, chưa sáng tỏ đã có người cõng thân nhân ra tỉnh lỵ vì đạn lạc hồi hôm. Những bờ tre bằng bùn không đủ sức đỡ đạn xoáy, đạn trái phá... và bà con vài người bặt tin trong bưng. Còn đâu những thú hái ớt hiểm mọc đầy. Trộm những quả dưa hoàng-kim vàng tươi. Hay xách nặng buồng chuối sứ, quày dừa nạo của chú bác cho làm quà. Còn những giỏ mận hồng đào, giỏ ổi xá lị, xoài cát... nhiều lắm. Mấy xâu cua đi bắt ngoài ruộng chờ nước, cột bằng cách tước dây thân chuối. Tắm sông ôm bập dừa chán, lên phơi nắng chờ khô ngồi nướng cua đồng ăn, thịt ngọt mùi lúa mạ non. Rồi những dịp cắm trại ở Cù lao Rồng, Cồn Phụng... Đi vườn nhà bạn ở Bến Tre, Trung Lương... biết bao là kỷ niệm tiếc nhớ. Mà giờ tôi đành bỏ lại hết sao? Phải, vì Tết Mậu Thân, ba mẹ đem đứa con một về, không nỡ bắt học xa nữa. Một phần tôi sắp vào trung học đệ nhị cấp, cần học cho giỏi hơn ở đất Saigon này.
Tôi ước mong sao mình mau lớn, làm việc có tiền, sẽ đi du lịch cho thỏa tình non nước suốt giải sơn hà gấm vóc này. Tôi sẽ là một ký giả, một phóng viên chẳng hạn để được đi thăm miền Tây, miền đồng bằng sông Cửu Long. Miền Trung khô cằn sỏi đá, các nơi cổ kính uy nghiêm. Ra cho tới miền Bắc, vẫn còn là quê hương yêu dấu Việt Nam, để mà nhìn những di tích lịch sử, dù nó đã bị sửa đổi, đổ vỡ bởi gần ba mươi năm chính chiến điêu tàn. Ôi, bao nhiêu là địa danh, thắng cảnh mà tôi chỉ thấy qua sách vở sẽ được hiện rõ trước mắt tôi, một ngày Hòa Bình không xa. Ngày ấy đạn bom thôi rơi, trùng dương mở hội, nước non hát mừng, trẻ thơ vui tươi, người già rưng lệ. Tất cả sẽ được về, và cố về nơi chốn khi xưa, ai cũng sẽ tự do thăm viếng những chỗ mình chưa từng đến. Và tình yêu quê hương khi ấy sẽ nở hoa đậm đà dưới bầu trời trong rợp cánh đàn chim trắng. Những nơi mà tôi biết chưa thấm vào đâu với người lớn, lưu lạc, từng trải. Bao giờ, ta sẽ đi tàu suốt xuyên Việt từ Bắc vô Nam, khi ấy chút tình sẽ không đủ mà vương vấn ở cảnh đẹp những lúc dừng chân.
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 18, ra ngày 20-1-1972)
Gia đình tôi lại dọn về Tân An, ở đó chỉ ba bữa phải đi sâu vào Tầm Vu bùn lầy nước đọng. Có những buổi học giờ giấc lạ đời, sáng học từ tờ mờ 7 giờ, trưa 10 giờ rưỡi tan. Cô, thầy về nghỉ ngơi, ăn cơm... học trò làng hẻo lánh thì ở tụ lại ăn cơm gói hay trong "gà mên" mang theo. Chúng xin nước mưa ở lu nhà quen uống vội vàng, đi tiêu trên những cầu tiêu làm ngay giữa hồ, ao nuôi cá vồ, thật dễ sợ! Chiều xuống vội vàng trên ruộng lác oặt oại, buổi học từ 1 giờ trưa đến 3 giờ rưỡi cũng xong. Thầy, cô, học trò về nhà tắm táp, dùng cơm để còn kịp tắt đèn dỗ giấc tối, khoảng 7 hay 8 giờ. Giờ mà bóng đêm tràn nhanh xuống, khiến đàn gà ác không rõ lối vào chuồng. Mẹ bảo tôi cầm đèn dầu bắt gà bỏ vào từng con, đừng mò mò mà lây "bệnh quáng gà" như lũ nó. Cả một quận lỵ âm thầm ấy, ghi nhớ trong tôi với những cọng lác khô queo ngày hôm sau khi cắt. Tôi đã dại khờ dùng lác làm đũa mà chơi, có biết đâu nó chỉ dùng để cột đồ, đan chiếu... lúc phơi khô xong. Một trời thơ ấu, phá, ngu... hiện ra:
Tôi đã nhét một nụ bông bụp vào mũi một thằng bạn làm bao người lo sợ, nếu không nhờ móng tay nhọn của mẹ tôi lấy ra. Và còn cả đồng lác bao quanh cái ao nuôi cá vồ, thứ cá mà gia đình tôi không bao giờ ăn đến. Cả hai vệ đường cỏ dại, với cây trái nổ. Hái đựng đầy "mủng vùa" mà nghịch, bỏ vào keo cá lia thia, cá ăn nhằm chết ngửa bụng. Và nơi đó trừ con đường chính có xe đò lỡ qua lỡ lại lổm chổm đá nhọn, ngoài ra toàn đường đất bùn sình trơn trợt. Thiếu nhiều lắm, đèn điện, ồn ào, xinê... ở tỉnh lỵ mới có rạp cho Cải lương về hát. Nhưng xa quá về đêm khuya, nhỡ các ông bên kia chận bắt giữ đi thì khốn. Nên ba tôi không hề dẫn đi một lần, chả bù khi ở Sóc Trăng có hai rạp hát coi suốt tháng, để đêm đêm đi xe lôi giữa trời lành lạnh, vắng mà vui. Sao mà tôi vẫn yêu những đàn cá đói ở trong ao, mấy con gà hay được bắt đá giao hữu, và ngôi trường rộng lớn với sân chơi đầy hang dế với lỗ chân trâu. Cả những tâm hồn mộc mạc có lần họ mời ba tôi ăn cháo rắn, mà họ ngỡ là ba tôi ăn được, quí thay! Mẹ tôi và một số đồ đạc nặng về Saigon trước, ông Sáu tôi mừng lắm. Ông cười hả hê với giỏ cua đồng mà ba tôi mang về tuần sau đó. Trên xe Vespa của ba tôi, sao đường về nhanh quá. Tôi cảm thấy nao nao khi phải rời bỏ những gì cũng tạm gọi là thân thuộc mà mình sống chung đụng bấy lâu. Cầu Tân An hiện ra, rồi cầu Bến Lức. Đàn vịt hai bên đồng nước vẫn thản nhiên số kiếp con vật nuôi, ông lái vịt khua mạnh cây dầm, làm tôi giật mình ôm chặt ba tôi hơn. Ba tôi ngạc nhiên chạy chậm chậm lại hỏi lớn:
- Chó con, ngủ gục hả? Ra phía trước này đứng dựa vào ba đây.
- Không, con ngồi hà, đứng phía trước mỏi chân, gió cay mắt, buồn ngủ hơn.
- Thôi con ngồi tử tế, tới mũi tàu Phú Lâm rồi về nhà mặc sức mà ngủ.
Ông Sáu ôm chầm lấy tôi hôn hít, mắng yêu:
- Mày đi đâu bỏ ông, lâu quá mới về, nhớ muốn chết.
- Con đi học – Tôi ngây thơ đáp.
- Đâu con học được cái gì ba năm qua?
Mẹ tôi cười trả lời thế:
- Nó có học gì đâu, đổi trường luôn, đến lớp thì phá và lì, thày, cô nào cũng ngán nó.
- Thôi đừng rày nó. Kể ông nghe hai năm nay con đi đâu, ở đó có gì vui không? Cho ông nghe coi.
Biết bao hàn huyên, tâm sự đúng dịp để tôi tuôn ra:
- Con ở Sóc Trăng nè, ba cho đi Cà Mau với Bạc Liêu chơi. Có mùng lưới họ giăng cho trâu ngủ á. Có cái ông già nuôi con trăn bự vầy nè, bự bằng cái cổ con lận, để nó bắt chuột ăn hại lúa. Mà con đi bằng tầu Hải quân, có cái bác cho con mượn "ống dòm" ngộ lắm. Ngó thuyền chài trên sông xa gần gì cũng được... Ở Sóc Trăng có dưa hấu ruột vàng nữa.
- Có mua về cho ông Sáu không con?
- Chưa Tết mà ông, dưa cũng có ít vậy. Ở Sóc Trăng con sợ mấy ông Miên ghê, má nói họ có phép thư người, bịnh hoạn rồi chết luôn. Chùa của mấy ông sư mái cong vút và nhiều lắm. Con cũng sợ mấy ông Frère áo đen ở trường Lasan nữa.
- Mấy ổng làm gì con?
- Ba má tính bỏ con học nội trú ở đó đó, con đâu có chịu. Rồi qua Kế sách con nói tiếng Tiều nè.
- Đâu nói tiếng Tiều ông nghe chơi!
- Hì hì, con quên rồi, con hớ trái cây rẻ vì mua tận chỗ ở cù lao mà thôi. Con bị lọt mương, té sông... hết dám lý lắc. Ở Tầm Vu tụi học trò "làm biếng" ghê, đem cơm nguội ăn hổng chịu về buổi trưa. Tụi nó đứa nào cũng xách cặp đan bằng lác rộng và bự lắm...
Nói chuyện một hồi tôi đòi đi ngủ, mẹ tôi giải thích với ông Sáu:
- Nó quen lệ ngủ sớm như gà ở quê rồi đó.
Rồi mộng đẹp đưa tôi vào giấc ngủ dễ dàng, giấc ngủ lờ lững giữa cảm giác nhồi xóc bởi các ổ gà trên đường về ban chiều.
Ở Saigon làm vài tháng ba tôi lại bị đổi về Xuân Lộc, nơi đất đỏ, bụi mờ, cát nóng. Vì nơi ấy thiếu tiện nghi nhiều, mẹ con tôi không thể khăn gói mà theo. Chỉ đi thăm cách vài tuần, nơi đồi núi, đất đỏ bám đầy mọi vật, thiếu nước nôi giữa trời nắng nhiều hơn mưa.
Có mưa chỉ thêm lầy lội, nhưng làm tốt tươi cây trái như mít, chuối, chôm chôm, sầu riêng. Nhớ về Xuân Lộc với những cảm tình chưa rõ, tôi không biết mình thích cảnh vật, cây trái... hay thích vì được đến cùng ba.
Quê của ba tôi ở Mỹ Tho, quê mẹ tôi ở Cái Bè. Tôi vẫn về Cái Bè những lễ giỗ, tiệc ở nhà bà cô. Nơi đó mộ ông ngoại tôi đã truất hữu theo luật mới, chỉ còn chăng mấy mảnh vườn hoang, bỏ phế, xác xơ. Đó là ở làng Hiệp Đức, ở tận cù lao đầy mận và xoài, mãng cầu xiêm... Tôi có về cũng dừng lại ở Cái Bè thôi, qua cách con sông, cũng chưa đủ nghĩa về làng quê, dầu rằng hàng dừa gieo bóng nhìn thơ mộng, đò lướt trên sông cũng thoáng buồn.
Những năm sau đã lớn, tôi đi học xa ở Mỹ Tho thế là có dịp về Gò Cát. Giờ mang những lô cốt, hàng rào thân dừa đó đây. Làng quê hoang vu, chưa sáng tỏ đã có người cõng thân nhân ra tỉnh lỵ vì đạn lạc hồi hôm. Những bờ tre bằng bùn không đủ sức đỡ đạn xoáy, đạn trái phá... và bà con vài người bặt tin trong bưng. Còn đâu những thú hái ớt hiểm mọc đầy. Trộm những quả dưa hoàng-kim vàng tươi. Hay xách nặng buồng chuối sứ, quày dừa nạo của chú bác cho làm quà. Còn những giỏ mận hồng đào, giỏ ổi xá lị, xoài cát... nhiều lắm. Mấy xâu cua đi bắt ngoài ruộng chờ nước, cột bằng cách tước dây thân chuối. Tắm sông ôm bập dừa chán, lên phơi nắng chờ khô ngồi nướng cua đồng ăn, thịt ngọt mùi lúa mạ non. Rồi những dịp cắm trại ở Cù lao Rồng, Cồn Phụng... Đi vườn nhà bạn ở Bến Tre, Trung Lương... biết bao là kỷ niệm tiếc nhớ. Mà giờ tôi đành bỏ lại hết sao? Phải, vì Tết Mậu Thân, ba mẹ đem đứa con một về, không nỡ bắt học xa nữa. Một phần tôi sắp vào trung học đệ nhị cấp, cần học cho giỏi hơn ở đất Saigon này.
Tôi ước mong sao mình mau lớn, làm việc có tiền, sẽ đi du lịch cho thỏa tình non nước suốt giải sơn hà gấm vóc này. Tôi sẽ là một ký giả, một phóng viên chẳng hạn để được đi thăm miền Tây, miền đồng bằng sông Cửu Long. Miền Trung khô cằn sỏi đá, các nơi cổ kính uy nghiêm. Ra cho tới miền Bắc, vẫn còn là quê hương yêu dấu Việt Nam, để mà nhìn những di tích lịch sử, dù nó đã bị sửa đổi, đổ vỡ bởi gần ba mươi năm chính chiến điêu tàn. Ôi, bao nhiêu là địa danh, thắng cảnh mà tôi chỉ thấy qua sách vở sẽ được hiện rõ trước mắt tôi, một ngày Hòa Bình không xa. Ngày ấy đạn bom thôi rơi, trùng dương mở hội, nước non hát mừng, trẻ thơ vui tươi, người già rưng lệ. Tất cả sẽ được về, và cố về nơi chốn khi xưa, ai cũng sẽ tự do thăm viếng những chỗ mình chưa từng đến. Và tình yêu quê hương khi ấy sẽ nở hoa đậm đà dưới bầu trời trong rợp cánh đàn chim trắng. Những nơi mà tôi biết chưa thấm vào đâu với người lớn, lưu lạc, từng trải. Bao giờ, ta sẽ đi tàu suốt xuyên Việt từ Bắc vô Nam, khi ấy chút tình sẽ không đủ mà vương vấn ở cảnh đẹp những lúc dừng chân.
ĐƠN HOÀI PHAN
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 18, ra ngày 20-1-1972)
Bìa của Vi Vi : Nhìn đời |