Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

Những Mùa Xuân Kỷ Niệm

 
 
Hình như con người chẳng bao giờ hài lòng với hiện tại. Nhỏ thì thích được làm người lớn, có lẽ để được tự do làm bất cứ việc gì theo ý thích cá nhân, không bị người lớn và đặc biệt là phụ huynh, kềm kẹp, ép uổng, áp đặt, ngăn cấm. Còn già thì lại muốn được trở lại thời thơ ấu vô tư hồn nhiên, và nghĩ rằng đó chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời. Tôi nằm trong diện sau!

Ví dụ tết nhất chẳng hạn, chúng tôi thuở nhỏ được cha mẹ dắt đi chúc tết họ hàng, láng giềng, lúc đó chỉ biết diện đồ tết thiệt là đẹp (ba má sắm cho), xức dầu thơm (ba má mua) thơm mát trời ông địa (cũng ba má xức cho). Rồi cũng ba má chỉ định năm nay đứa này chúc ông A bà B, đứa kia chúc chú C thiếm D..., năm sau thay phiên đứa khác..., và lời chúc cũng do ba má "gà" sẵn! Khi gặp bà con, chúng ta chỉ biết tuôn ra lời chúc đã soạn sẵn y như thí sinh thi hoa hậu
cứ việc học thuộc lòng các câu trả lời, rồi xòe tay nhận tiền lì xì thôi, cũng chẳng cần biết số tiền đó người lớn kiếm đâu ra, và họ đã phải hy sinh ra sao: Phải nhín chỗ này, nhéo chỗ kia để mừng tuổi cho xấp nhỏ nó mừng nó vui ba ngày tết. Mà á... đâu chỉ có tiền lì xì không thôi đâu, còn phải đãi đằng đủ thứ bánh mứt kẹo hột dưa, rồi nước ngọt cho xấp nhỏ, cà phê hay la de cho người lớn... Vì thế có nhiều người than vãn rằng, đang nguyên đang lành tự nhiên tết nhứt làm gì cho khổ? Bởi vậy ta nói... làm người lớn sướng chỗ nào?

Lớn rồi tôi mới biết: Khi dẫn xấp nhỏ đi chơi, đi du xuân... là mình vì tụi nó, chớ không vì bản thân mình. Nghĩa là nhiều khi công chuyện nhà còn đăng đăng đê đê chưa giải quyết xong, hoặc cá nhân mình đang có chuyện rầu thúi ruột, trong lòng đang rối như tô canh hẹ, nhưng chỉ vì lũ trẻ đòi hỏi, nằn nì, mè nheo mà ta phải gác lại hết mọi thứ, trong héo ngoài tươi, dắt chúng đi đây đi đó, sẵn sàng và vui vẻ móc hầu bao chi trả mọi thứ, từ tiền cuốc xe taxi hay xích lô lúc đi,  tiền vé vào cổng khu vui chơi, vé mua từng trò chơi mà chúng để mắt để tâm tới, vẫn còn nào tiền mua bánh mua nước mua quà như bong bóng hay đồ chơi chẳng hạn, tiền cuốc xe lúc trở về nhà... hầm bà lằng, để làm vui lòng các cậu ấm cô chiêu. Bởi vì mình có than thở, phàn nàn, kể lể gì đi nữa thì vì còn là con nít, chúng có hiểu được đâu mà thông cảm cho chúng ta, rồi giúp chúng ta giải quyết vấn đề? Tốt nhất là ngậm miệng ăn tiền. Hay xùy tiền, mất tiền thì đúng hơn. Tất cả các điều này tôi chỉ có thể biết được khi tôi đã trưởng thành và phải dắt lũ cháu nhà tôi đi chơi. Lúc còn nhỏ, tôi nào đâu biết ba má tôi đã phải trải qua hết những điều này, để làm cho chúng tôi vui!

Khi tới nhà ông bà trẻ chúc tết, tôi nhớ thường thấy những chậu hoa thủy tiên được ông cắt gọt rất khéo nên đã nở hoa đúng mùng một. Giống như hoa mai, hoa đào hay bất cứ hoa nào được trồng để bán dịp tết, người trồng hoa phải là dân chuyên nghiệp mới có thể canh sao cho hoa nở đúng ngày đầu năm mới. Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu. Càng lớn, hay đúng hơn là càng già, tôi càng hoài cổ. Giờ đây mỗi khi thấy hoa thủy tiên, và cả cây Phật Thủ nữa, tôi lại nhớ tới những mùa xuân tuổi nhỏ, chúng tôi đã hạnh phúc tuyệt đối khi được theo cha mẹ đến chúc tết ông bà, và thấy nhà cửa được bài trí, trang trí rất thanh nhã nhưng vẫn đầy đủ phong vị tết xưa.

Dịp tết trong nhà ông bà trẻ, còn có cả cặp mía cây được đặt hai bên trang thờ, để làm gậy chống cho ông bà ông vải về ăn tết với con cháu có gậy mà xài, giúp ông bà đi lại dễ dàng thuận tiện hơn. Tục lệ ân cần đó sau này tôi không còn thấy được duy trì ở đâu khác nữa.

Phải sống chung với kẻ thù, hay phải chia ly với người mình yêu thích: Cả hai đều là những nỗi khổ, mà có lẽ đã là con người, ai cũng ít nhiều phải trải qua. Ghét của nào trời trao của nấy mà! 

Nỗi khổ của tôi là phải chia xa với anh Hải, người anh tôi yêu quí nhất đời, chỉ sau một thời gian sống chung ngắn ngủi.

Nếu tôi yêu quí anh Hải nhất nhà, chắc cũng có lý do chính đáng. Một lần nọ gần tết, người quen dắt tụi tôi đi vô vườn Tao Đàn chơi,  vì lúc đó đang có hội chợ nhân dịp xuân về. Chẳng hiểu sao lần đó tôi lại bận đồ bộ. Có lẽ tính tôi vốn xuề xòa,  không thích se sua từ nhỏ? Anh Hải thấy vậy bèn nhắc tôi nên thay áo đầm đẹp, nếu không sợ tôi sẽ buồn hoặc mặc cảm thua sút khi thấy người khác chưng diện đẹp đẽ hơn. Nhưng có lẽ anh tôi đã quá lo xa, vì lúc đó tôi còn nhỏ híu à,nên được đi chơi với các anh tôi là tôi đã hạnh phúc lắm rồi, nhất là khi chúng tôi vừa mới tìm được anh Hải sau một thời gian dài đăng đẳng anh đã bỏ nhà đi bụi đời. Nhưng anh Hải yêu quí nhất đời của em ơi, càng lớn em càng thấy lời khuyên lúc đó của anh là chí lý và thật chân tình của một người anh thương yêu em VÔ ĐIỀU KIỆN, để ý săn sóc em từng li từng tí, tới độ sợ nó tủi thân! Dù còn nhỏ hay đã trưởng thành, lúc nào em cũng cần những lời dạy bảo của anh hết, nhưng anh Hải ơi, bây giờ em biết tìm anh Hải ở đâu, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về, nhắc em hơn lúc nào hết, tới sự hiện diện quí báu của anh trong đời em?

Sở dĩ tôi nói tình anh em (nếu có) đều vô điều kiện, là vì tôi biết tình chị em một giọt máu đào hơn ao nước lã, cũng chịu tác động của sự đố kị ganh ghét dèm pha (Có là chị em thì hơn hết thảy, họ cũng là phụ nữ trước, còn chị em thì để tính sau, như lời một văn sĩ người Ăng Lê đã viết )(Sisters are girls first, sisters after).

... Còn tình yêu đôi lứa lại càng phải CÓ điều kiện. Thông thường thì hai đàng trai gái phải môn đăng hộ đối. Bằng không thì trai tài gái sắc, (tài là tiền tài hay tài hoa thì cũng là phải có tài!), chân dài mới lấy được đại gia và ngược lại, và khi sắc suy tình sẽ đổi. Trong trường hợp hôn nhân vì lợi thì khi hết tiền tình cũng tan. Mới đây tôi còn đọc được trên một trang Web nọ, rằng... Tiền có thể mua được sự tử tế của người đàn ông! (Ta có câu Còn bạc còn tiền còn đệ tử, Hết cơm hết gạo hết ông, tôi; thì Tây cũng có những câu  tương tự như No money, no honey! (Không có tiền thì không có tình), hoặc Money talks! (Nén bạc đâm toạc tờ giấy; Miệng nhà quan có gang có thép...). Vậy thì hoan hô tình anh em! Tình anh em muôn năm!

Mỗi khi được xem lại một tấm hình Sài Gòn xưa, lòng tôi lại nao nao nhớ đến những mùa xuân kỷ niệm vàng son, quí giá hơn cả bạc tiền, những mùa xuân khi gia đình còn đông đủ, khi chúng tôi còn có anh Hải hiện diện trong đời. Mới đây được đọc cảm nghĩ của một người viết trên Facebook, có nói rằng... rạp chiếu bóng MĐ rạp xi nê kỷ niệm, khung trời tuổi thơ của chúng tôi là rạp chớp bóng ở Sài Gòn trước 1975 dành cho trẻ em nghèo! Những rạp hát sang trọng, tráng lệ mà chị ấy muốn đề cập, đề cao đó, có các thêm tiền muôn bạc vạn thì tôi cũng sẽ không chịu, để đổi lấy những dĩ vãng êm đềm thuở xưa khi anh em chúng tôi còn được bên nhau. Chẳng gì có thể mua được NHỮNG MÙA XUÂN KỶ NIỆM quí báu hơn ngọc ngà của tôi, khi tôi còn anh Hải, một hình bóng thương yêu nhất trong đời, đã mãi mãi, suốt kiếp, lìa xa.


Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)    

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>