Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024

PHẦN THỨ HAI_NHỮNG VÌ SAO LẠC

PHẦN THỨ HAI
 
CHƯƠNG MỘT
 
Thư của Liễn:

"Tri Cụ ngày...

Hỡi Vũ, 
 
Lá thư đầu tiên này tao viết trên ván gỗ, buồng số 9, dẫy C, khu 5 của trại trừng giới Tri Cụ, Bắc Giang. Hôm rời Hà-Nội trong sương đục trắng ngoài cửa ô, tao biết rằng tụi bây chẳng thể ngờ được đời ta ra nông nỗi thế. Hai trăm bạc bán giầy của thằng Quì đã dẫn tao đến cái chốn rừng xanh, núi đỏ. Mùi vị của những bát phở tầu bay hết ngay từ hôm tao xỉa toác vai thằng Sơn, nhưng mùi vị cay đắng của kiếp con người quằn quại trong những ngày tháng tôi tăm ở chốn này vẫn còn đay nghiến lòng tao. Tao không oán đứa nào, cũng không hối tiếc cả việc tao làm. Tại số cả Vũ ạ.

Mới hôm nào chúng mình còn đánh bóng ở sân chùa vào buổi chiều sau bữa cơm, tao còn nghe thấy tiếng còi xe ở chợ cửa Nam vọng về, còn trông thấy hàng trăm bộ mặt cà lơ, đói rách ra vào ở trong những dẫy phòng hôi và ẩm. Bây giờ thì quanh tao khác rồi. Trước mặt tao là hàng rào dây thép, đàng xa có cây xanh, rừng xanh, núi xanh. Có những con chim rúc lên ùng ục vào buổi trưa, có tiếng mõ trâu lốc cốc vào buổi chiều và những tiếng động kỳ quặc vào những đêm sương lạnh.

Trong sổ của tao ghi rằng: "Lê văn Liễn, 18 tuổi, bố chết, mẹ chết, vô gia cư, vô nghề nghiệp, can tội đả thương chí mạng. Nhà trừng giới Tri Cụ một năm". Cha ơi, mẹ ơi, nếu các ông, các bà sống lại thì cũng chẳng thể ngờ được rằng thằng con của các ông các bà mang nặng đẻ đau, bây giờ lại có cái lý lịch yêng hùng như thế. Nhưng lỗi ấy là tại họ đẻ tao ra, rồi bỏ tao lại một mình, sống lang thang như một con chó đói, tao cho rằng nếu có thật rằng tao đã bôi nhọ dòng họ nhà tao thì ông cụ, bà cụ cũng chẳng nên oán hờn gì ở nơi chín suối.

Ở đây buồn lắm Vũ ơi. Tao nghĩ đến hôm qua, hiện tại và ngày mai, nhiều khi rưng rưng nước mắt. Nhất là buổi chiều phải nghe tiếng sáo dai dẳng tới đêm khuya. Tiếng sáo của những kẻ xa nhà, sống hằn học, tức tủi, hờn giận cuộc đời dành cho những sự bất công quá đỗi. Bài Sơn La, bài Đàn Chim Việt, bài Tình Quê não nùng như tiếng nghẹn ngào dâng lên từ tim, óc. Âm thanh réo rắt lướt ở trên vòm lá xanh đen, xục xạo ngoài song cửa, vương vãi trên đình màn, trong bóng tối, trong những giọt nước mắt long lanh của những kẻ thao thức không ngủ. Bọn họ ngồi bó gối trong khung cửa nhìn ra sương đêm chập chùng. Ngoài ấy có tiếng động kỳ lạ của rừng đêm, có tiếng gió rì rào xen với tiếng suối chảy. Lá khô xạc xào ở trong tiếng vượn hú bên rừng. Địa ngục trần gian là đây Vũ ạ..."

*

Xấp thư dầy như cả một tập vở, viết bằng bút chì nhem nhốc mà chín tháng sau mới đến tay người nhận. Chúng tôi mới đọc đến đấy thì Vũ gập tập thư lại. Hắn nằm ngửa trên phản, mắt tần ngần nhìn lên mái ngói. Vũ buồn, và ít khi hắn lộ vẻ buồn ra như thế. Riêng tôi, tôi thấy thật là xúc động. Tôi nhớ lại cái lúc Liễn cầm con dao sáng loáng đâm xéo qua bả vai Sơn. Mặt Liễn hơi xanh khi hắn nhìn thấy máu đỏ, môi và tay hắn run run. Mắt hắn bối rối nhìn theo Sơn ôm vạt áo chan hòa máu chạy ra ngoài phố. Hắn ném con dao xuống đất rồi thẫn thờ ngồi xuống bực gạch. Mồ hôi trên trán hắn giỏ giọt như một kẻ vừa qua cơn kinh sợ. Ngực áo hắn lốm đốm đỏ, tay hắn cũng đỏ. Hắn xòe bàn tay ra ngắm rồi ôm lấy mặt. Máu dây ra ở mắt, ở má và môi. Con dao sáng nằm rơi trên bờ cỏ, nước thép gờn gợn, long lanh dưới nắng buổi chiều. Tiếng thằng Sơn chu chéo lên từ ngoài ngõ vọng vào. Từ bể nước, qua sân gạch, đến cổng ngoài, chỗ nào cũng lốm đốm những giọt máu đỏ hoe thấm ở trên nền gạch. Liễn hiểu đời mình hỏng từ phút ấy. Mặt hắn ngây dại đi. Mái tóc rối bù xòa xuống cặp môi mím chặt, tái ngăn ngắt. Không ai đến gần Liễn cả. Hắn cứ ngồi ở đấy cho đến khi người ta vào xích hắn lại. Liễn nhìn chúng tôi một lần cuối. Cuộc đời đối với Liễn thật là đen bạc. Tôi cho rằng đã phải sống ở chùa là điều khốn khổ cuối cùng rồi, thế mà Liễn không được an thân ở trong ấy.

Vũ ngồi thừ ra mãi rồi kéo tôi trở dậy. Chúng tôi bàn nhau về một hơi thuốc lá. Trong nỗi buồn như thế này mà được hút một điếu thì thật là tuyệt. Nhưng cả Vũ lẫn tôi chẳng còn lấy một đồng bạc từ ba bốn hôm nay. Mặt Vũ hơi sút đi vì ăn uống thiếu thốn. Trong óc chúng tôi nhiều khi làng vảng hình ảnh những bát phở có mỡ váng màu vàng, hay bát miến gà có miếng thịt trắng phau. Ngày xưa tôi có ý nghĩ rằng thèm ăn một món gì là một tính xấu. Cuộc đời có nhiều cái phải suy nghĩ, miếng ăn không là điều cho người ta đáng phải quan tâm. Nhưng thật là tôi lầm. Ngày ấy tôi có cơm, có áo. Mâm cơm dọn lên bao giờ cũng có thịt, những miếng thịt nằm ngon lành trên chiếc đĩa sứ màu xanh. Lúc ấy tôi không thể nghĩ được rằng sẽ có ngày tôi thèm ăn những miếng thịt ấy và coi nó như một lý tưởng ở đời. Những buổi tối cái đói nổi lên ý nghĩ của tôi, sóng sánh đầy hình ảnh bát nước dùng váng mỡ. Mùi thơm của những miếng thịt có gân vừa dai vừa bùi vấn vương ở một chỗ nào trong đầu óc. Tôi tự khinh mình là đáng xấu hổ, nhưng không làm sao tôi tránh nghĩ tới những điều nhỏ mọn ấy được.

Hai đứa chúng tôi nằm ở trong bóng tôi mờ mờ của căn phòng lúc hoàng hôn. Ngoài sân có tiếng bát đĩa chạm vào nhau lách cách. Tôi nghĩ đến những rá cơm nhạt và bở, ăn với rau muống luộc chấm nước mắm đỏ. Một cảm giác chán nản và uể oải dâng lên tràn ngập trong lòng. Tuy đói nhưng tôi cảm thấy mình không thể nuốt trôi mãi những món như thế được. Tôi nói điều ấy với Vũ. Vũ đồng tình bỏ một bữa cơm và rủ tôi đi ra phố. Chúng tôi gặp cô Xuân ở ngoài cổng.

Xuân là con gái bà chủ thầu trong trại Tế Sinh. Nàng vẫn thường hay rung cái chuông reo ở cuối hè đằng góc sân. Xuân không đẹp nhưng có duyên kín đáo. Bọn trẻ sống ở đây thường gọi nàng là cô Xuân Tóc Đỏ, tuy rằng mái tóc của nàng đen và dài mượt. Xuân rất ít khi nói chuyện với ai. Trong những ngày ở đây, tôi chỉ thấy nàng ra vào như một cái bóng chăm làm và có cuộc sống riêng trong ý nghĩ.

Nàng hỏi chúng tôi:

- Sao các anh không ở "nhà" ăn cơm đã?

Vũ đáp:

- Chán cơm quá rồi cô ạ, không ăn cũng thấy no.

Xuân có vẻ băn khoăn:

- Nếu thế rồi ốm thì chết.

Tôi bảo:

- Nhịn cho nó quen đi cô Xuân ạ.

Ba người cùng cười, nhưng chắc rằng có ba nghĩa khác nhau. Đây là lần đầu tiên chúng tôi vui đùa với Xuân. Nàng có vẻ dễ dãi chứ không khó khăn và khinh khỉnh như chúng tôi vẫn tưởng. Nàng bảo:

- Nhịn gì đấy, các anh lại ra ngoài ăn mảnh một mình phải không?

Vũ đáp:

- Kể thì cũng muốn lắm, nhưng tiếc là không có đồng nào. Cô cho chúng tôi vay nhé.

Mặt Xuân ửng lên hồng hồng. Nàng có vẻ bối rối về sự thân mật đến chóng vánh như thế. Riêng tôi hiểu Vũ, vì đó chỉ là câu nói đùa của hắn. Nhưng Xuân lại đưa tiền cho chúng tôi thật. Cử chỉ của nàng lúng túng như một kẻ phạm tội. Hình như nàng cho rằng kẻ cho vay đáng ngượng ngùng hơn là kẻ đi vay. Lúc ấy Vũ nhìn vào đôi mắt bồ câu. Hắn có vẻ ngạc nhiên về kết quả của câu nói đùa của hắn. Điều ấy làm mặt Xuân đỏ hơn. Nàng cúi xuống nhìn những viên gạch mầu đỏ nằm lổn nhổn bên rìa cỏ xanh. Chúng tôi trông thấy hai hàng mi dài và cong. Rồi bất chợt, Xuân bỏ chúng tôi, đi nhanh về phía cổng. Tôi đấm vào lưng Vũ vì sự có tiền đột ngột. Nhưng Vũ lại có vẻ ngẩn ngơ như mình vừa được ban một ân huệ đặc biệt. Hắn không tin rằng Xuân lại có cảm tình với hắn như thế.

Buổi chiều thành ra vui hơn. Chúng tôi đi ăn bánh ở vườn hoa cửa Nam - những khúc bánh ngon tuyệt vời. Lần đầu tiên Vũ băn khoăn về một người đàn bà. Vũ nói chuyện trai gái với tôi. Hắn kể rằng ngày trước hắn cũng đã yêu một thiếu nữ. Vũ viết thư cho nàng trước, rồi nàng trả lời. Hai người hẹn nhau ở một tiệm giải khát. Nhưng Vũ không có quần áo để mặc. Hắn đi dép cao su, và mặc một cái áo sơ mi vá. Điều ấy không làm Vũ quan tâm, vì chưa bao giờ Vũ quan tâm đến cả. Người yêu của Vũ đến thật đúng giờ và thật lộng lẫy. Nàng không tâm lý chút nào. Hôm ấy nàng đánh môi hồng, vận áo hoàng yến và đi dép đỏ. Mọi người đều chú ý đến nàng. Lúc ấy Vũ mới nghĩ đến bề ngoài của mình. Có thể hắn không ngượng, nhưng hắn sẽ làm nàng xấu hổ. Bởi vậy Vũ không gọi nàng mà lẳng lặng đi ra. Vũ thấy có cái gì dâng lên nghẹn ngào ở cổ mình. Vũ kết luận:

- Kinh nghiệm lần sau có hẹn với người yêu, cậu phải nhớ viết thêm câu này: "yêu cầu em mặc quần đen và đi guốc mộc".

Nhưng Vũ chắc chẳng gặp chuyện chua xót ấy một lần thứ hai. Vì Vũ đã yêu Xuân mà Xuân thì đã hiểu hoàn cảnh của hắn từ lâu rồi. Tôi bắt gặp nhiều lần hai người nhìn nhau. Xuân cười hai má ửng đỏ. Nắng chiếu vào đôi mắt bồ câu long lanh. Tôi biết những cái nhìn thiết tha ấy là trao cho Vũ. Vũ so với nàng thì thật xứng đôi. Ở Vũ có một sự ngay thẳng và mạnh mẽ. Vũ có thể mang lại niềm tin cho nàng, cũng như Vũ đã đem niềm tin lại cho tôi. Vì thế tôi mong cho hai người yêu nhau. Nhưng Vũ thật là rát. Hắn rất bẽn lẽn khi gặp nàng, và trái lại hắn gọi tên nàng rất hăng ở trong những bài thơ. Dạo này Vũ làm thơ rất nhiều. Buổi trưa, cái nắng đưa hơi nóng hầm hập từ mái tôn vào trong phòng, Vũ gò lưng lên thùng sữa để viết. Mồ hôi của hắn rỏ nhễ nhại xuống mặt giấy. Nhưng Vũ làm công việc của hắn rất say mê và đều đặn. Những bài thơ Vũ sản xuất đều ký tên Xuân Vũ. Hắn đe sẽ có một ngày gửi đến cho Xuân xem, nhưng tôi chưa thấy lần nào hắn dám làm như thế cả.

Rồi đến một hôm Vũ đi vắng, tôi đem tập thơ giao cho nàng. Tôi bảo:

- Vũ có nhờ tôi trao giùm cô cái này.

Xuân nhận lấy với vẻ mặt đỏ bừng bừng. Còn Vũ thì nằm chết dí trong phòng mấy hôm không dám nhìn mặt Xuân. Hắn vò đầu bứt tai như một kẻ khổ nhất trên đời:

- Cậu giết tôi! Cậu giết tôi!...

Nhưng tôi không ân hận vì đã "giết" hắn. Bởi vì sau chuyện ấy thì họ yêu nhau. Vũ đã sống những ngày thần tiên nhất. Thỉnh thoảng Xuân gửi cho hắn một bao thuốc lá. Nàng viết cho Vũ:

"Anh ơi, sao hôm nay không ra ngồi ở cửa sổ. Buổi tối có trăng, em ra ngồi chẻ tăm ở thềm. Nhớ đến nụ cười lúc chiều ở trên Chùa sao mà ghét thế. Nhưng em muốn lúc nào Vũ cũng cười với em như thế. Lúc đi chơi về em mua cho anh một gói thuốc lá. Thế mà mất mặt không thấy đâu. Định cất đi cho bõ ghét nhưng nghĩ lại thấy thương nên em gửi anh Khánh cho anh đấy. Nhớ hút ít không có hại phổi nghe không. Nhớ anh quá".

Ví của Vũ dầy cộm lên vì những lá thư như thế. Hắn hay giở ra đọc hằng bẩy tám lần, mà lần nào cu cậu cũng cười tủm tỉm một mình. Có Xuân len vào cuộc sống, chúng tôi thấy đỡ cô đơn. Tính tình dịu dàng của nàng gây cho tôi cảm giác như nàng là một người thân thứ hai, sau Vũ. Nàng hứa sẽ nhờ ông chú xin cho Vũ một chân làm ở xưởng xe đạp Bercet. Có việc làm rồi thì hai người sẽ cưới nhau.
 


CHƯƠNG II

Một buổi chiều cuối mùa hạ, người đưa thư cầm lại cho tôi một phong bì của dì Tư. Dì ấy viết cho tôi:

Anh Khánh,

Tôi chờ anh từ một tuần lễ nay mà không thấy anh lên. Biết trại của anh ở nhưng không rõ lối vào nên tôi không làm thế nào để gặp được anh. Bởi vậy khi anh nhận được thư này thì tôi đã quyết định xong mọi việc rồi. Tôi thấy ở Hà-Nội khó sống quá nên tính xuống Phòng buôn bán. Con ở tôi cho thôi từ hôm qua. Còn em Mai thì tôi gửi cho một người quen ở ngõ Trạm, số... Họ hiếm con nên nhận nó làm con nuôi. Ở Hà-Nội thỉnh thoảng anh cũng nên lại thăm nó. Từ ngày ba anh mất đi, tôi như người mất chỗ tựa. Bởi vậy phải lăn ra ngoài kiếm ăn. Phải quyết định công việc như thế, anh cũng đừng buồn. Vĩnh biệt anh.

Nguyễn-thị-Tư

Đọc xong lá thư của dì, tôi vụt như lại thấy đời mình có một sự đổi thay. Đối với dì, tôi không giận mà chỉ thấy thương. Ngoài ba mươi tuổi như dì mà chưa tìm được một chỗ ngồi êm ấm là một điều xấu số. Trong cuộc sống phức tạp thế này, tôi không biết cuộc đời của dì sẽ còn đưa dì trôi giạt về đâu. Nhưng cái đau đớn nhất cho gia đình tôi là số phận của em Mai. Bây giờ mẹ nó bỏ đi rồi, mẹ nó bỏ nó lại giữa lúc nó đang cần tình thương. Sự bơ vơ giữa một gia đình xa lạ ở cái tuổi thơ ngây của nó còn đau đớn hơn sự vất vưởng của tôi trong Chùa rất nhiều. Tôi hình dung đến khuôn mặt tím bầm của ba tôi lúc chết. Nếu ông ấy biết rằng sau sự trốn tránh của ông, mọi việc đã xảy ra như thế này thì tôi đoán chắc ông sẽ chẳng đủ can đảm mà từ giã cõi đời. Ông chết đi thật là yên phận, thật là thảnh thơi, không còn phải khóc, không còn điều gì để mà bận bịu lo nghĩ. Nhưng tôi lại nghĩ rằng nếu ông đừng đẻ chúng tôi ra đời thì sự nhắm mắt của ông chắc còn thanh thản hơn. Sự tủi thân làm tôi cứ cầm lá thư mà khóc. Tôi hình dung đến chuyến đi hối hả của dì. Dì ấy bỏ con, dứt mọi dĩ vãng để tìm một cuộc sống mới, tôi cầu mong cho dì được bớt đau thương hơn, bớt nhục nhã hơn là những ngày qua. Căn gác hẹp với tất cả mọi kỷ niệm trong gia đình tôi bây giờ thật chỉ là một hình ảnh sót lại trong ý nghĩ.

Chẳng bao giờ tôi còn được đứng ở ngoài hiên gác nhìn xuống bể nước có nắng lung linh, buổi tối tôi không có một mình một cái bàn để học hay ngồi đọc báo ở ghế xích đu. Em Mai cũng phải bỏ đấy mà đi. Trong cuộc đời, nó mới thật bơ vơ, khốn nạn. Rồi đây ai thương nó, ai trông nom cho nó. Nó sẽ chẳng còn được gọi tên tôi, tên cái ở mỗi lần khát nước, cũng như chẳng bao giờ cha nó, mẹ nó nâng niu nó ở trên lòng. Tôi vẫn nhớ được cảm giác của tôi vào lúc buổi chiều. Có tiếng xe điện chạy ầm ầm trên đường sắt, đèn giữa phố chiếu những tia sáng nhàn nhạt vào căn buồng tranh tối trên gác. Lúc ấy dì Tư dọn bát đĩa lách cách ở mặt bàn. Cái ở bế Mai xuống ngồi bón cơm dưới gốc cây trước cửa. Muộn hơn chút nữa thì ba tôi trở về. Ông lên cầu thang một cách nặng nề và không nói. Dì Tư không chào ông và nhìn lơ đãng ra sân. Ông cởi giầy vứt vào một góc và nằm một mình. Hai người khi ấy chỉ như hai cái bóng ghê tởm nhau. Tôi nghĩ đến những ngày dì ấy mới đến. Ông hay ôm lấy đầu dì. Hai người hôn nhau rất lâu, vẻ sung sướng hiện lên ở cặp mắt.

Những ngày ấy dù vui, dù buồn, dầu sao anh em chúng tôi cũng còn có chỗ nương tựa. Không lo cơm ăn, không lo áo mặc, không phải khép nép ra vào như quãng đời tôi sống ở nhà ông Thuận Ký cũng như ở trong trại Tế Sinh. Bây giờ tôi mới thấy có một mái nhà, có cha, có mẹ là một điều vô vàn hạnh phúc. Ngày trước tôi hay đòi hỏi những cái cao xa, nhưng lúc nhận ra được điều ấy thì tôi đã mất cả. Cha tôi chết rồi, dì Tư bỏ đi, em Mai bơ vơ trong một gia đình xa lạ. Toàn những chuyện đau đớn mà tôi không bao giờ nghĩ đến được. 

Tôi bỏ bữa cơm chiều để đi lang thang trong lòng phố lúc đã lên đèn. Tôi nhìn lên những cánh cửa sổ mở rộng. Cánh màn bay phơ phất ở trong gió nhẹ. Ánh sáng mầu xanh tỏa dịu dàng xuống những mái nhà thấp. Trời không có mây và xanh trong. Một vài vì sao mới mọc long lanh trên nền trời. Cảnh vật tháng này qua tháng khác chẳng hề thay đổi nhưng ý nghĩ của tôi thì đổi khác rất nhiều. Tôi cảm thấy xa lạ trước đám người qua lại. Hàng cây bên hè phố thờ ơ đối với tôi. Những tủ kính rực rỡ bày các hàng hóa xa xỉ chẳng gây cho tôi sự ham muốn. Vì bây giờ tôi chỉ muốn được sống đủ cơm, và đủ áo. Nhưng điều ước mong ấy thật là khó khăn đối với khối óc non dại của tôi. Tôi đi qua cửa hiệu Đại Mỹ và đứng một mình ở dưới gốc cây. Cái biển hàng màu xanh, sơn chữ Đại Mỹ đỏ đã được thay thế bằng một cái biển khác vẽ nhiều kiểu giầy. Tủ kính trong cửa hàng cũng được sửa lại to hơn, sáng hơn. Tôi không còn tìm thấy hình ảnh ngày xưa. Tôi nghẹn ngào nhìn lên cửa sồ trên gác. Có mấy đứa bé đang ôm chấn song ngó ra cột dây điện. Ánh sáng vàng vọt ở trên ấy bây giờ được thay bằng ánh đèn néon dìu dịu. Tôi nhắm mắt lại để hình dung lại cái không khí ngày xưa, Nhưng chỉ có nước mắt ứa ra ở hai bên hàng mi.

Tôi vội vã bỏ đi vào trong ngõ tối. Hai bên là hai dòng nước cống chẩy lặng lẽ qua đống rác rưởi. Những đứa bé cởi truồng hò hét đuổi nhau quanh những chiếc xe đậu. Tiếng cười đùa thật là độc ác. Âm thanh hỗn loạn đập vào óc tôi chát chúa. Tôi không thấy gần chúng nó, nhưng cuộc đời tôi thật cũng đen tối như thế. Nếu chúng tôi không được hưởng một sự may mắn nào đó mà cuộc đời có thể dành cho chúng tôi thì biết đâu sẽ chẳng có đứa xấu số như thằng ăn cắp ở chợ hàng Da. Người ta sẽ đánh nó sấp mặt xuống bùn dơ để giành lại trong tay nó mấy quả chuối, mấy củ khoai. Tôi rùng mình ghê sợ. Tôi vụt nhớ đến bàn tay mềm mại của mẹ tôi ngày xưa nắm lấy tôi và kéo tôi ra khỏi đám đông độc ác ấy. Bà thật là một tấm gương sáng soi đường cho tôi đi, là sự che chở vững chãi ấp ủ cho tôi được sung sướng trong cuộc đời. Hơn lúc nào hết, tôi nhớ mẹ tôi một cách bồng bột. Nếu ở đây là khung cảnh đồng không mông quạnh xa thành phố Hưng-Hóa, nếu trước mắt tôi là nấm mộ xanh rì cỏ dại có tấm bia gỗ đề tên mẹ tôi, thì tôi sẽ ôm lấy tấm bia ấy mà khóc, khóc thật to, thật nhiều để thấy rằng tôi còn được gần bà hơn, được tìm lại hơi hướng của bà sau những năm trời cách biệt.

Những ý nghĩ ấy làm tôi thấy mệt. Tôi muốn quay trở về cái không khí yên tĩnh của ngôi chùa cổ dưới Sinh Từ. Tôi sẽ ngồi trên thềm gạch, trong bóng tối, ngủ ở đấy cho hết một đêm, để chỉ nghĩ về dĩ vãng. Nhưng lúc mỏi chân thì tôi lại rẽ vào một vườn hoa yên tịnh như một thế giới riêng biệt. Tôi ngồi ngả lưng ở trên ghế đá. có tiếng nước phun vào bể róc rách. Gió xào xạc trên những khóm cây mầu đen. Mặt đá sỏi sáng lên yếu ớt dưới ánh đèn vàng úa. Không gian lặng lẽ như có hơi thở của những loài hoa nở trên dẫy cỏ xanh. Trên đầu tôi là một khoảng trời đen bao la. Ngày xưa mẹ tôi hay chỉ cho tôi nhìn những vì sao sáng. Bầy vịt bơi ở trên dòng Ngân-Hà, ông Thần đứng ở một góc đeo thanh kiếm dài lê thê. Có cả hình hai con gấu mắt lốm đốm ướt nhìn sang vì sao Hôm sáng long lanh. Mẹ tôi đố:

- Sao nào sáng nhất.

Cha tôi trả lời:

- Mắt của mẹ sáng nhất.

Bà chớp mắt rồi ôm chặt tôi vào lòng. Cả hai người cùng dựa lên vai ba tôi. Chúng tôi hôn nhau ở trong làn gió mát thổi qua vườn. Không khí bấy giờ thật là yên tĩnh. Không một tiếng còi xe, không một tiếng người nói. Tôi ngủ rất mau và mơ thấy mình đứng giữa những vòm sao. Đến sáng tỉnh dậy lại thấy mình nằm trên nệm trắng. Ngày xưa của tôi thật là thần tiên và đầy đủ. Bây giờ tôi cũng thiu thiu ngủ ở trong cái dĩ vãng êm đềm đó. Nhưng giấc ngủ chập chờn và đầy mộng mị. Có những hình ảnh hãi hùng đi rất sâu vào tiềm thức. Em Mai khóc rất nhỏ ở một khoảng xa. Bóng dì Tư đi cô đơn trong một ga xép nhỏ. Khuôn mặt tím đen của ba tôi nằm trong nhà xác lạnh lẽo. Những đôi giầy, những ngọn đèn sáng ở cửa hiệu mới mở nơi nhà cũ. Tất cả đè chĩu trong ý nghĩ của tôi lúc ngủ, khiến tôi phải luôn luôn ở trong cái trạng thái khắc khoải, chập chờn.

Lúc tôi tỉnh dậy thì thành phố đã ở trong giờ giới nghiêm. Tôi không biết là mấy giờ nhưng chung quanh hoàn toàn im vắng. Cả đến tiếng còi xe cũng không vọng về. Đường Quần-Ngựa tối hun hút như một căn hầm. Sương khuya lành lạnh xuống ướt hai vai áo. Bầu trời đục hơn. Những vì sao không còn lấp lánh và chỉ lưa thưa. Tôi ngồi co ro chờ sáng. Tôi suy nghĩ rất nhiều về em Mai. Hiện tại, tôi chẳng nâng đỡ gì được cho nó. Hai tay tôi không có việc làm, túi không có đồng xu, quần áo cũng rách từ độ đầu xuân. Tôi vụt thấy phải tạo cho mình một đời sống. Ăn bám vào nhà chùa chỉ là một phương sách cuối. Nếu tôi đi làm, nếu tôi kiếm được đồng tiền bằng chính bàn tay, khối óc lương thiện của tôi, thì tôi sẽ không còn phải trải qua những giây phút u uất thế này. Tôi sẽ nuôi Mai. Mai sẽ có nhiều sữa để ăn, có áo đầm xanh buộc nơ ở bụng, có dép đỏ thật vừa chân của nó. Buổi chiều đi làm về tôi sẽ dẫn Mai đi ăn kem ở trên phố. Hai anh em đi chơi ở trên đường có ve sầu kêu vào mùa hạ. Mai chạy tung tăng ở phía trước. Tôi sẽ nhặt hoa phượng đỏ đầy hai tay và cài lên tóc Mai. Anh em tôi sẽ sống ở trong tình thương. Mai sẽ lớn lên ở trong sự đầm ấm. Đôi mắt đen của nó sẽ không bao giờ phải nhìn thấy cảnh xấu xa mà tôi đã phải nhìn trong dĩ vãng. Mai sẽ là con chim. Mai chỉ hát những bài vui tươi. Mai sẽ chỉ nghĩ được những ý nghĩ đơn giản như tâm hồn của nó. Thật là sung sướng và hạnh phúc.

Lòng tôi háo hức về những hình ảnh tươi sáng như thế. Tôi thấy mình lớn lên, óc bình thản, hai bàn tay tôi đầy sức mạnh. Tôi sẽ làm và nhất định làm như thế.

Nhưng ai sẽ dẫn dắt cho tôi những bước đầu tiên thực sự đi vào cuộc đời bây giờ đây? Tôi nghĩ rằng chẳng có ai ngoài ông bà Thuận-Ký. Trước khi cha tôi chết, ông có ký thác tôi cho gia đình ấy. Tôi tin rằng sẽ được ông bà ta giúp đỡ.

Lúc trời sáng, tôi ra rửa mặt ở máy nước. Dòng nước mát lạnh làm tôi tỉnh táo. Bây giờ thì tôi đói. Cái đói cồn cào, váng vất ở trên đầu làm run run ở hai đầu gối và những ngón tay. Tôi nhớ lại thấy mình đã bỏ bữa cơm chiều hôm qua. Chắc Vũ và Xuân ở nhà đã lo tìm tôi hết hơi.

Vì trời còn sớm nên tôi không bám vào xe điện mà đi thong thả giữa cảnh nhộn nhịp của buổi sáng trong thành phố. Sự cô đơn chiều hôm trước không còn ám ảnh tôi. Lòng tôi hân hoan nhìn những mảng nắng vàng tươi xuất hiện ở trên vòm cây cao. Tôi sung sướng đi giữa đám người đổ về trung tâm thành phố. Tôi cảm thấy gần gũi với họ hơn. Vì trong cái đám náo nhiệt này, ngày mai cũng sẽ có tôi dự phần vào đó. Tôi sẽ có cơm, có áo, có giường nằm, chăn đắp và một buồng riêng. Tôi sẽ được nhìn mọi người bằng con mắt bình đẳng vì tôi không ỷ lại, không còn ăn bám vào lưng cơm trắng của nhà Chùa, tôi được là một người, một người thực sự trong xã hội. Tôi cầu mong cha, mẹ tôi phù hộ cho ý định của tôi được hoàn toàn thực hiện.

Tôi lên tới nhà Thuận-Ký thì cửa hàng đã mở. Bác thợ đã khung kính những chiếc đồng hồ mạ kền. Cửa hiệu thật là sang, cái gì cũng đẹp, cũng lộng lẫy sáng sủa. Đem so với cửa hiệu Đại-Mỹ của ba tôi thì khác xa một trời một vực. Tôi đảo qua một vòng. Tôi không nom thấy ông Thuận-Ký. Chỉ có bà ấy đang ngồi ở bộ ghế sa ông, bón đồ ăn cho một đứa nhỏ. Cái quạt cao để ở một góc, xoay tròn lấp loáng. Bình hoa bằng sứ đặt ở trên bàn có cắm hoa màu tím. Ở trên cao còn có nhiều hoành phi, câu đối và tranh tầu. Sự lộng lẫy và sang trọng ấy khiến tôi ngại ngần. Nhưng nghĩ đến Mai, đến những ngày vui sắp đến nên tôi mạnh dạn đi vào khung cửa rộng. Bác phó nhìn tôi từ đầu đến chân. Hai tấm gương ở hai bên tường in rõ mái đầu bù xù, hôi hám của tôi. Tôi có cảm giác như mình hèn hạ và bé nhỏ đi ở trong bộ quần áo vừa nhầu, vừa rách. Ngón chân tôi bấu vào quai dép. Tôi đi nhè nhẹ về phía sa lông. Tôi cúi chào bà Thuận-Ký. Bà ấy ngẩng đầu lên, mùi phấn thoang thoảng. Tôi trông thấy hai mắt bà ấy nhíu lại. Bà ấy nhìn tôi một cách soi mói và hỏi như gắt:

- Cái gì thế?

Tôi cố nói dõng dạc:

- Thưa bà cháu là con ông Khang ở hiệu Đại-Mỹ.

Mặt bà ta thoáng một vẻ kinh ngạc. Tôi đoán rằng bà ta không ngờ rằng tôi lại có thể khốn khổ như thế này. Một giây lâu bà vừa bón cơm cho đứa bé vừa nói:

- À... cậu là cậu Khánh phải không?

- Dạ...

- Sao từ dạo ông nhà mất, cậu không về đây mà ở?

- Thưa, cháu không muốn làm phiền ông bà.

- Hừ, vẽ chuyện. Đã côi cút lại còn... Thế bây giờ cậu ở với ai?

- Thưa, cháu xin vào ở chùa dưới Sinh Từ.

- Chùa người ta chịu nuôi à?

- Vâng.

- Thế còn bà dì...?

- Thưa dì cháu đi buôn dưới Hải-Phòng.

- Bà ấy mang cả con bé đi hay sao?

- Không ạ, có người đã xin nó làm con nuôi.

- Tội nghiệp...

- Thưa bà...

- Chuyện gì thế?

- Cháu định đến nói với ông bà tìm cách xin cho cháu một việc làm.

Hai mắt của bà ta nhíu lại trong một giây. Tôi trông thấy những hạt phấn lốm đốm ở trên lông mày. Rồi bà ấy nói:

- Xin việc bây giờ khó lắm. Mà cậu thì biết làm cái gì.

- Dạ cháu làm cái gì cũng được.

- Thì ai chả biết thế. Nhưng đã làm thì phải biết một cái chuyên môn chứ. Này thôi đi, đừng có vẽ chuyện. Về đây tôi nuôi cơm cho, ba cậu ngày xưa cũng tốt.

Tôi thấy mình đang bắt đầu rơi xuống một hố thất vọng. Nhưng tôi muốn níu lấy tình thương của bà:

- Thừa bà cháu muốn tự lập hơn là...

- Ồ cái đó tùy cậu, không có rồi sau lại bảo tôi không nói. Nhưng việc bây giờ thì xin chả dễ đâu. Khối người khỏe mạnh mà còn nhăn răng ra kia kìa.

Rồi bà ấy móc túi lấy ra tờ giấy năm chục:

- Thôi đây này, cậu cầm lấy mà uống nước.

Tôi nghẹn ngào đứng chôn chân ở đấy. Như thế là dự tính của tôi tan tành ra mây khói. Tôi có cảm giác như mình đang bơi ở một chỗ đầy uất ức và nghẹn ngào. Sự đời chẳng dễ dàng như tôi đã tưởng. Có bàn tay, khối óc lương thiện chưa đủ, lại còn cần phải có sự may mắn nữa. Mà những kẻ như tôi, như em Mai, như Vũ, Liễn, Quì đều là những kẻ không may, những người xấu số. Có xấu số thì cuộc đời mới đưa đến cái lúc khốn khổ thế này.

Thấy tôi tần ngần, bà Thuận-Ký có vẻ khó chịu. Chắc bà ta cho rằng tôi đang chê món tiền năm chục là ít. Bà ấy vội vàng đứng dậy, nhét tờ giấy bạc vào túi áo tôi rồi nói:

- Thôi cậu vui lòng, tôi cũng muốn giúp cậu. Nhưng biết làm thế nào?...

Tôi muốn khóc. Tôi muốn ném tờ giấy bạc lên mặt bàn bằng đá trắng, và nói với bà rằng tôi không đến ăn mày bà năm chục bạc. Nhưng bà đã bế sốc thằng bé đi trở vào, mặc nhiên như xua đuổi tôi một cách hối hả. Cổ họng tôi ứ lên, nghẹn ngào. Tôi xoắn tờ giấy bạc ở trong bàn tay. Tôi nghĩ đến tờ giấy một trăm mà phó Đông đã dúi cho tôi vào một đêm nào tôi bắt gặp hắn đang ngủ với dì Tư. Một trăm ấy, tôi đã tiêu với Vũ một cách hả hê, tuy rằng trong sự hả hê ấy, tôi thường xỉ vả tôi là đồ khốn nạn. Bây giờ, tờ giấy năm chục này nằm gọn trong bàn tay tôi cũng nhục nhã không kém, nhưng nó còn cần thiết cho tôi hơn ngày trước. Tôi nghĩ đến cái đói hiện tại của mình. Với năm chục này tôi có thể ăn được những bát xôi nóng hổi buổi sáng và mua được cho Mai mấy hộp sữa bò lúc đến thăm nó.

Vì vậy tôi lặng lẽ trở ra với cảm giác tờ bạc làm nóng phỏng gan bàn tay. Hai lần tôi có tiền là hai lần tôi bị tủi nhục. Tôi đi chậm chậm với những giọt nước mắt lóng lánh ở trên mi. Dưới mắt tôi là sàn đá hoa trắng. Mầu trắng lan dần ở trong ý nghĩ rồi trở nên rộng mênh mông, tôi thấy mình cô đơn ở trong đó.

Bước ra ngoài phố, tôi như thấy còn có bác thợ đang soi mói nhìn tôi. Bác ấy đã trông thấy tôi ngửa tay cầm năm chục bạc. Thật là đau đớn. Nào tôi có khác gì một kẻ ăn xin vừa được người ta bố thí. Tôi gọi ba tôi, mẹ tôi ở trong ý nghĩ. Ngày xưa chắc ông bà ấy chẳng thể ngờ được đứa con độc nhất của mình sẽ phải khốn khổ như thế này.

Tôi đi vào trong đám đông của buổi sáng. Những cửa hàng mở rộng, lộng lẫy, muôn màu sắc. Cảm giác say sưa hồi sáng không còn nữa. Ở trong thành phố này tôi chẳng có gì đem góp phần vào cả. Hè phố, cột đèn, biển hàng, cây cối, tất cả đều thờ ơ với tôi. Tôi đứng như một người ngơ ngẩn ở đầu phố hàng Đào. Nắng sớm in trên mặt hồ trong xanh. Những toa xe điện màu đỏ đi ở dưới những lùm cây. Bánh xe rít lên ở trên đường sắt. Dẫy nhà thủy tạ trắng lốp màu vôi. Rất đông người ở bến xe Cầu Gỗ. Nhưng chẳng ai biết đến tôi là kẻ đang ước ao được sống một cuộc đời lương thiện như họ. Giữa tôi và họ sự liên lạc chỉ còn là một ý thức rất mơ hồ. Tôi đi lại phía bến và ngồi xuống một hàng xôi. Thúng xôi vàng tươi có những liễn mỡ đỏ ngậy làm tôi ứa nước miếng. Nhưng tôi có tiền. Tôi hãnh diện xòe cho cô hàng nom thấy tờ giấy năm chục. Điều ấy làm tôi vụt nghĩ đến sự tủi nhục vừa rồi. Tôi không hiểu tại sao mình có thể hãnh diện với cô hàng về sự có tiền như thế. Nhưng cái đói không cho tôi nghĩ lâu hơn. Tôi phủi bụi ở vỉa hè rồi ngồi xuống ăn rất tự nhiên. Những miếng xôi vừa bùi vừa ngậy làm tôi quên hết cả. chưa bao giờ tôi được ăn một bữa ngon lành như thế. Lúc đứng dậy, lấy tiền trả lại, tôi cho một thằng bé vẫn đứng chầu từ nãy bốn đồng bạc lẻ. Mắt nó sáng lên, và cô hàng xôi cũng ngạc nhiên nhìn tôi. Thằng bé vồ lấy bốn đồng bạc rồi co giò chạy tuốt sang tận hè phố bên kia. Tay nó ôm khư khư mấy đồng ở bụng như sợ tôi sẽ thay đổi ý kiến. Nhưng tôi thì rất sung sướng nghĩ đến lúc nó được cầm bát xôi nóng hổi. Bát xôi của chính nó.

Còn lại bốn chục, tôi đi mua cho em Mai một hộp sữa con chim và một lạng bánh dừa. Ngày xưa, Mai rất thích ăn bánh dừa. Mỗi khi nó khóc, cái ở thường dỗ bằng một chiếc bánh để sẵn trong hộp. Nghĩ đến nó, lòng tôi vui hơn. Tôi lại rẽ vào hàng xén mua một cái lược nhựa rồi đứng chải đầu ở trước một tủ kính. Mặt tôi vêu vao, hai mắt trũng xuống. Bây giờ thì tôi chính thật là một đứa ma cà bông dưới mắt mọi người. Lý lịch của tôi cũng giống như lý lịch của Liễn viết trong thư hôm nào: "Chết bố, chết mẹ, vô gia cư, vô nghề nghiệp". Ý nghĩ ấy làm tôi khẽ thở dài. Tôi lủi thủi đi về phía ngõ trạm.

Tôi gõ cổng nhà bố mẹ nuôi của em Mai. Có u già đi ra mở cổng. Tôi trông thấy em Mai đang ngồi trên một cái ghế kê trong sân. Mai mặc chiếc quần trắng có giải đeo sau cổ. Cái áo cánh trắng ngắn tay thêu đường viền bằng chỉ đỏ. Mai gầy và xanh hơn trước nhiều lắm. Anh em tôi ôm lấy nhau. Tôi nghẹn ngào gọi tên Mai. Tôi vuốt những sợi tóc mềm rủ xuống đôi mắt đen lay láy của nó rồi bảo với u già rằng tôi là anh nó. U già kể rằng Mai khóc suốt đêm, suốt ngày, khiến ông bà chủ nhiều lần cãi nhau vì nó. Nó nhớ mẹ, nhớ bố. Nhưng nó không biết rằng bố đã chết, mà mẹ thì đã bỏ đi. Bây giờ nó chỉ còn có một mình tôi là máu mủ. Chỉ còn có tôi là nghĩ đến nó, thương xót nó, coi nó là kẻ độc nhất thân thiết ở trên đời. Tôi ôm nó thật chặt. Tôi vừa sung sướng vừa đau khổ. Lòng tôi rưng rưng như đã khóc từ một lúc nào lâu lắm. Tôi giở bánh cho Mai ăn. Hai tay Mai cầm hai cái bánh, nó nhai lúng búng ở trong mồm. Không có hình ảnh nào đối với tôi yêu thương bằng hình ảnh ấy. Tôi vuốt ve nẹp áo của nó, hôn lên đôi vai bé bỏng rồi tôi bế Mai đi từ sân lên nhà. Tôi gặp bà chủ ở trong phòng khách. Bà ấy cũng thương Mai nhưng bà cho rằng số nó không đậu được ở trong gia đình này. Bà đã mấy lần định cho nó vào trại mồ côi, vì thư gửi đến mẹ nó chẳng lần nào nhận được một bức trả lời. Nghĩa là mẹ nó đã bỏ Mai. Người đàn bà ấy đã dứt tình với một đứa con để đi thêm một bước nữa. Bây giờ trách nhiệm đối với nó chỉ còn về phần tôi nếu tôi còn thương nó, không muốn chôn vùi đời nó trong viện mồ côi. Tôi kéo sát Mai vào ngực, nói thì thầm ở trong lòng:

- Anh không bỏ Mai...

Trong khi u già và bà chủ đi thu xếp quần áo thì tôi ngồi nghĩ đến thân phận mình. Anh em tôi chắc rồi sẽ lại ăn nhờ cơm của nhà chùa, ngủ vạ vật ở trại Tế Sinh, không hiểu rồi  đây Mai có kham nổi cuộc sống như thế hay không. Khi chúng tôi ra về, bà chủ tiễn ra tận cổng và cho em Mai hai trăm. Tôi cám ơn bà và nhận tiền không thấy hổ thẹn. Tôi hiểu được lòng tốt của bà. Chúng tôi bế nhau đi ở trong ngõ hẹp. Nắng buổi trưa chiếu lên cái mũ nan của em Mai. Một tay Mai đầy bánh dừa. Một tay Mai ôm hộp sữa. Nó nói bi bô:

- Đi về với mẹ!


CHƯƠNG III

Không phải chúng tôi an phận với cuộc sống như thế. Tôi đã bàn với Vũ. Dù là Vũ hay tôi, nếu xin được một việc làm thì chúng tôi cũng thuê một căn nhà ở ngoại ô để được thổi lấy cơm của mình. Tôi tưởng tượng như thế bữa ăn chắc sẽ ngon hơn. Mai sẽ được ngồi riêng một ghế, ngực của nó sẽ quàng một cái khăn màu, thêu hoa. Tôi sẽ bắt chước dì Tư, nấu những món ăn ngon vào mỗi ngày chủ nhật. Bổi tối lúc Mai đi ngủ, tôi sẽ ngồi nghe Vũ ngâm thơ. Câu chuyện văn chương của Vũ có sức hấp dẫn tôi lạ lùng. Tôi sẽ tập viết cho Vũ sửa. Vũ hứa với tôi như thế.

Nhưng trong hai đứa thì Vũ có hy vọng thực hiện được mộng tưởng ấy hơn tôi. Vì Vũ đã nộp đơn vào hãng xe đạp Bercet. Vũ chỉ chờ có giấy gọi là sẽ được bước chân vào thế giới gồm toàn những người lương thiện, có cơm, có áo mà chúng tôi vẫn hằng ao ước. Trong hoàn cảnh của chúng tôi, chẳng còn gì sung sướng bằng một ngày hai buổi được đi trong đám đông của thành phố lúc nắng lên ở những chòm cây, hay lúc hoàng hôn trở về với gió mát. Lòng tôi ngay ngất khi nghĩ đến cái thanh thản, nhẹ nhàng sau một ngày làm việc mệt nhọc. Tôi sẽ được nhìn thẳng vào mọi người mà không hổ thẹn, tôi sẽ được đóng góp với họ vào cuộc sống bằng chân tay và khối óc lương thiện của mình. Điều ước ao của tôi thật là nhỏ mọn nhưng cũng thật là khó khăn. Nỗi khó khăn làm tôi bứt rứt và trằn trọc trong những đêm dài mất ngủ.

Tuy vậy những ngày sống ở đây không phải là không dễ chịu. Tôi xin được một cái phản kê ở đằng sau nhà chứa đồ. Cửa liếp trông ra bãi rác phía đằng xa. Mùa hạ thì có gió mát. Nhưng mùa đông chắc là lạnh. Nhất là những ngày mưa thì nước hắt vào tới mép phản. Ở đây khuất hẳn phía sân đằng trước, nên cũng bớt ồn ào rối loạn. Bữa cơm tôi đem bát ra xin về cho Mai ăn riêng. Xuân hay dúi xuống dưới cơm những miếng đậu rán vàng tẩm sốt cà chua hay những khoanh trứng có hành có mỡ. Đó là thức ăn ở nhà nàng. Trước kia nàng chỉ lủi thủi một mình. Bây giờ nàng hay chơi với Mai. Những lúc rảnh việc, hai chị em thủ thỉ với nhau ở trong nhà. Một đôi lần nàng nhét vào túi áo nó lá thư cho Vũ. Vũ cũng trả lời lại bằng cách ấy. Vì thế chúng tôi gọi đùa Mai là thùng thư. Mai độ này ăn được. Hai má của nó bắt đầu phính ra. Mắt nó càng thêm to và đen. Xuân hay vuốt lên những sợi lông mi cong và dài. Nàng bảo nó đẹp như một con búp bê Nhật Bản. Nó hay cười với tôi, với Vũ và Xuân. Điều ấy khiến tôi nhận ra rằng Mai không thiếu tình thương. Tôi mong cho Mai được nhớn lên trong hoàn cảnh như vậy. Có những buổi trưa, tôi dẫn Mai lên chơi ở trong gió mát trên chùa. Tôi hay nhặt lá đa làm con nghé ngọ cho Mai cầm, hoặc xâu những chiếc hoa đại trắng vào sợi lạt làm giả vòng tay cho nó đeo. Nhiều khi Mai ngủ ở thềm đá phía sau chùa, giấc ngủ thật ngoan ngoãn và vô tội.

Dạo này Mai nói cũng đã sõi rồi. Nó biết khoanh tay chào sư cụ ở trên chùa. Sư cụ rất mến nó. Mỗi lần nó lên chơi, người lại chịu khó đi lục cho nửa phẩm oản hay một, hai quả chuối. Người khen nó có vẻ mặt phúc hậu, chắc số nó sau này sẽ sung sướng. Tôi cũng tin tưởng như thế.

Cuộc sống đều hòa của chúng tôi, nếu không kể đến sự ăn nhờ nhà chùa, có thể nói là êm ấm. Mai quên mất rằng nó mất bố và xa mẹ. Nó quấn quít bên Xuân như tình ruột thịt và Xuân cũng coi nó như em. Tôi nghĩ rằng hình ảnh những ngày sống ở nhà đã bị xóa mờ trong óc nó. Điều ấy tuy đáng buồn nhưng mà thế còn hơn là để nó phải mang một dĩ vãng đau thương của những kẻ không có tình mẫu tử. Tôi mong hình ảnh dịu dàng của Xuân sẽ tạo dĩ vãng cho nó. Nó sẽ chỉ lớn lên trong tình thương và sự êm ấm. Như vậy đỡ tủi cho nó hơn.

Nhưng tôi thật là lầm khi nghĩ rằng nó đã quên được mẹ nó. Chuyện xẩy ra vào một hôm giáp tết Trung thu. Tôi dẫn Mai đi dạo trên vỉa hè phố hàng Thiếc. Mai reo mừng và chỉ huyên thuyên vào những đồ chơi sơn màu sặc sỡ. Tôi mua cho nó một cái xe con bướm. Rồi anh em dẫn nhau lên coi đèn ở phố hàng Mã. Chính nơi ấy Mai đã sà vào vai một người đàn bà và gọi mẹ rối rít. Tôi bàng hoàng nhìn kỹ bà ta. Tôi tưởng chúng tôi đã gặp dì Tư ở đấy. Nhưng lúc bà ta quay lại thì chúng tôi ngỡ ngàng trước một kẻ xa lạ. Mai sợ hãi nép đầu vào má tôi. Lòng tôi nao lên như muốn khóc. Hình như tôi có cảm giác mình vừa nắm hụt một hình bóng mơ hồ ngày xưa. Nếu tôi gặp được dì thì có lẽ tôi sẽ sung sướng như tôi tìm được một người thân yêu nhất, sau những ngày xa cách. Ý tưởng ấy làm tôi bỡ ngỡ trước cặp mắt ngạc nhiên của người đàn bà xa lạ. Bà ta nhìn Mai bằng con mắt đầy trìu mến. Đến khi tôi nói rằng nó tưởng bà là mẹ nó thì bà ấy bế nó lên tay và cười rất dịu dàng. Lúc hôn vào mắt nó, bà ta nói giọng đầy lòng thương:

- Tội nghiệp! Tội nghiệp con tôi!...

Rồi như một bà mẹ hiền thực thụ bà ấy bế Mai đi vào một hiệu đèn. Bà mua cho Mai một cái đầu sư tử. Tôi cảm động không biết nói thế nào để cám ơn về cử chỉ ấy. Bà ta hành động giống như mẹ tôi ngày xưa. Nếu mẹ của Mai mà cũng như thế thì nó đã chẳng phải khổ như thế này.

Tối hôm trung thu thành ra Mai lại có nhiều đồ chơi. Những cái đèn xếp chị Xuân gấp cho nó bằng giấy xanh đỏ, cái xe con bướm của tôi và cái đầu sư tử mới. Xuân đến với nó từ chập tối. Nàng giở phần kẹo của nó do nhà chùa phát cho đem ra bầy ở trên bàn. Nàng còn mua cho nó cả một hộp nến đem thắp la liệt trên những cái hộp sữa. Ánh nến lung linh soi tỏ bộ mặt rạng rỡ của nàng và đôi mắt long lanh của nó. Lòng tôi tràn ngập niềm vui. Đến khuya, chúng tôi ra ngồi ở bãi cỏ đằng sau. Trăng sáng trên khoảng trời xanh bao la. Bóng chúng tôi in rõ ở trên nệm cỏ. Gió mát thổi từ những lùm cây. Vũ ngâm nho nhỏ những bài thơ mới làm. Xuân cười với người yêu và hôn lên mắt Mai. Chúng tôi bóc kẹo ăn với nhau đến tận khuya. Lúc Vũ nắm lấy tay Xuân đi ở dưới trăng thì tôi bế Mai ngủ ở trên tay. Tôi nghĩ rằng hôm ấy là một ngày vui hoàn toàn. Không bao giờ tôi quên được hình ảnh người đàn bà lạ mặt với cái đầu sư tử có ngù bông nhuộm phẩm mà bà ta mua cho Mai. Về sau, cái đầu sư tử ấy Mai còn giữ cho đến khi Vũ dọn nhà mới bị thất lạc.


CHƯƠNG IV

Mùa thu qua rồi. Bầu trời càng thêm đục. Gió lạnh trở về mang cái rét gây gây của buổi lập đông. Đã đến lúc chúng tôi lo cho cuộc sống thiếu thốn của chúng tôi. Vũ đã chịu khó bỏ cả một buổi để ken cánh liếp ngăn ở phía cửa ngoài bằng những mảnh giấy dầy. Nhưng cái chăn của chúng tôi thì chẳng có cách nào làm cho được dầy hơn. Lúc về đêm, hơi đất lạnh lẽo xông lên tẩm vào vách gỗ, trên bàn, trên phản, ở khắp mọi nơi làm cho căn buồng của chúng tôi đã trống trải càng thêm trống trải. Xuân đem cho Mai một cái áo len cũ. Cái áo tuy hơi dài nhưng thật là ấm. Nàng bảo đấy là của đứa em trai độc nhất của nàng đã chết từ hồi năm kia. Lúc nàng thử áo cho Mai, tôi nhìn nàng với lòng tri ân sâu xa. Xuân đã giúp tôi rất nhiều. Tâm hồn trong sáng của nàng gây cho tôi những cảm giác mến yêu và vì nể. Tôi nghĩ rằng nếu sau này có lấy ai, tôi cũng sẽ chọn người giống tính nết của Xuân. Trong những phút hai người quấn quít lấy nhau, tôi thấy Vũ thật là một người may mắn.

Vào những buổi tối mùa đông, các phòng đã thắp sáng, Xuân hay bế Mai xuống nhà cho nó nô đùa với mẹ nàng. Bà cụ rất thương nó. Văng vẳng qua sân gạch, tôi nghe thấy tiếng Mai cười khanh khách một cách vô tư. Có cả giọng Xuân trong và ấm nói ở trong đó. Những khi ấy thì mặt Vũ đầy vẻ sung sướng. Mắt hắn long lanh ở dưới ánh đèn. Vũ ném cuốn truyện xuống phản và nằm vùi đầu vào cái mền mỏng. Lòng Vũ hẳn đang xao xuyến nhiều nỗi niềm vui. Những lúc ấy tôi hay bỏ Vũ nằm một mình. Người tôi bò xuống phản. Trong những ngày lập đông tôi đã viết những trang nhật ký đầu tiên của đời tôi. Tôi cho rằng chẳng có cách nào tiêu khiển say mê hơn bằng sự viết. Quyển vở nhỏ có trang giấy trắng quyến rũ tôi một cách khác thường. Tiếng gió mùa đông hun hút thổi trong đêm tối bên ngoài gây lại cho tôi những kỷ niệm ngày xưa. Đời tôi thật lạ kỳ. Cuộc sống êm đềm trong tình thương đầy đủ qua đi như một bức tranh lộng lẫy. Mẹ tôi hiền dịu yêu mến tôi như một con chim nhỏ. Cha tôi khoan hòa và độ lượng. Gia đình chúng tôi là một tổ ấm. Tôi cũng không thấy hằn học với những ngày vừa qua. Hình ảnh của cha tôi, thân hình lực lưỡng của dì Tư và bộ mặt đáng ghét của phó Đông, tất cả chỉ gây cho tôi một nỗi buồn nao nao như sắp khóc. Tôi luyến tiếc những buổi trưa mùa hạ có nắng chiếu từ sân thượng xuống bể nước long lanh. Đã có lần tôi xé tờ giấy bạc tung từng mảnh vụn xuống nổi lều bều ở trên mặt nước. Đến tối, cha tôi cười trong tiếng nói ngọt ngào của dì Tư. Em Mai bú no rồi chạy tung tăng trên sàn gác. Dì Tư gắp từng miếng thịt tiếp vào bát cơm của cha tôi. Tôi đọc thấy những niềm vui mới ở trong cặp mắt ngà ngà rượu của ông. Tôi nghĩ nếu sự êm ấm ấy không xây ở trên tội lỗi của dì thì đời chúng tôi chẳng đến nỗi khổ như thế.

Hình ảnh những ngày qua, dù vui, dù buồn, bao giờ cũng làm tôi ứa nước mắt. Những lúc ấy thì tôi không viết được nữa. Tôi bắt Vũ ngâm những bài thơ mới làm hoặc ngồi coi Vũ chăm chỉ cắt ở báo ra những bài đã đăng của hắn. Thơ Vũ đăng lên chẳng có một lần nào được tiền. Người ta chỉ gởi cho hắn được hai số báo. Hắn đem tặng Xuân một số. Mặt Xuân đỏ hồng hồng khi thấy hai tên Xuân-Vũ ghép vào nhau. Nàng cười mỉm, răng cắn lấy môi. Tia mắt của nàng nhìn Vũ đầy vẻ tinh nghịch. Riêng Vũ chỉ cười vu vơ ra chiều ngượng ngùng. Chính những sự ấy khiến Vũ hăng hái sáng tác. Hắn có thể làm thơ vào bất cứ lúc nào. Hòm sữa của hắn đầy nhóc những mảnh giấy vụn mà hắn quí như vàng. Vũ vẫn ước ao có ngày mình in được thơ. Tôi nghĩ rằng Xuân có thể thực hiện được ý định của hắn khi hai người đã lấy nhau. Tôi mong Vũ mau chóng có việc làm. Theo lời Xuân thì chỉ độ một, hai tháng nữa là cùng. Chúng tôi đã sống trong những ngày náo nức chờ đợi. Cuộc sống có được sự mong chờ nên trở thành ý nghĩa hơn. Chúng tôi đã cười vui với nhau trong những buổi sáng có nắng hanh ở sân ngoài. Vũ vô tư và yêu đời hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang được sống trong hạnh phúc.

Nhưng có một hôm mặt Mai buồn thiu. Bữa cơm buổi sáng nó ăn uể oải có một bát. Rồi đến chiều thì nó không ăn được nữa. Một đôi lần nó húng hắng ho, tiếng ho khan và ngắn. Lúc Xuân bế nó đi ngủ, nàng trao cho tôi lọ dầu:

- Anh giữ lấy mà xoa kỹ lên ngực nó.

Tôi băn khoăn nhìn vào đôi mắt buồn bã của Mai. Dưới ánh đèn, khuôn mặt của nó ngả sang màu xanh rớt. Sờ tay lên trán nó, tôi thấy hâm hấp nóng. Xuân khuyên tôi ngày mai chỉ nên cho nó ăn cháo thôi. Lòng tôi tràn ngập nỗi lo âu. Tôi băn khoăn đứng, ngồi ở trên bực cửa. Vũ cố giấu sự bối rối bằng những tiếng cười. Nhưng tôi lại chỉ đáp lại bằng những cái nhếch miệng nhạt nhẽo. Đến nửa đêm thì Mai nóng một cách đáng sợ. Cặp môi của nó đỏ và khô. Mỗi lần nó ho lồng ngực lại nẩy lên. Tôi ngồi bế Mai ở dưới ngọn đèn, áp má nó vào má tôi. Hơi thở của nó thật là mệt nhọc. Tôi buồn rầu nghĩ đến lúc Mai chạy chơi ở trên sân gạch. Tiếng cười của nó trong trẻo và đầy sung sướng. Bây giờ nó nằm lả ở trên cánh tay tôi. Cặp mắt lờ đờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Đằng xa có những ánh lửa lốm đốm đỏ ở xóm lao động nổi lên trong màn đêm. Gió rào rạt trên những lùm cây. Tôi ôm Mai vào lòng thủ thỉ nói chuyện với nó. Nó nghe chuyện của tôi nhưng không trả lời. Tôi chỉ trông thấy hai mắt của nó to và đen long lanh. Đêm đã khuya mà chúng tôi vẫn không ngủ. Vũ ngồi bó gối ở cạnh bàn, buồn tay cậy những vụn đất ở trên vách. Hắn bàn với tôi ngày mai phải cho Mai đi nhà thương làm phúc.

Đêm ấy đối với tôi thật là dài. Quanh tôi chỉ có hơi thở gấp và tiếng ho của Mai. Tôi gọi tên Mai trong khi nó ngủ. Tôi nói thầm với nó rằng nó đừng bỏ tôi. Những dự tính của tôi về đời Mai, tôi chưa thực hiện được.

Lúc trời hửng sáng, tôi đội lên đầu Mai cái mũ nan, quấn cái mền quanh người Mai. Xuân đưa tiền xe cho tôi đi qua những con đường có hai hàng cây trơ trụi lá. Trời buổi sáng chưa có nắng và đầy mây. Gió thổi lồng lộng làm cái rét trở nên như cắt thịt. Tôi ôm sát Mai vào lòng và bước vào sân sỏi của bệnh viện. Ở đấy đã có đông người đến trước tôi. Tôi thất vọng ra ngồi ở một góc. Bây giờ thì Mai nằm li bì. Từ khi ra xe đến giờ chưa lúc nào nó mở mắt. Người nó nóng thêm, tiếng ho khản lại từng hồi. Một người ở cạnh tôi buông sõng:

- Coi chừng nó sưng phổi.

Tôi nghe lời ấy như một tiếng sét. Người tôi bừng tỉnh như một kẻ đang đi trong bóng đêm vừa trông thấy một ánh đèn. Nỗi lo sợ dâng lên tràn ngập lòng tôi. Bất giác tôi nghĩ đến lúc Mai bỏ tôi ở lại một mình. Tôi không được nghe Mai nói, không được ngắm Mai cười. Buổi chiều mùa hạ, Mai sẽ không chạy tung tăng với tôi trên con đường có phượng đang nở hoa. Tự nhiên tôi bưng mặt khóc. Tôi ôm Mai đi lại phía người y tá đang hút thuốc ở cạnh cái bàn. Tôi nói bằng một giọng thiết tha:

- Thưa ông, bệnh tình em tôi nguy lắm...

Người ấy nhìn Mai rồi nhìn tôi:

- Lấy số chưa?

- Dạ lấy rồi.

- Thế thì chờ đến lượt mình.

Tôi thất vọng lùi về phía đằng sau. Chả bao giờ tôi thấy cay đắng như thế. Nếu tôi có tiền, nếu có ba tôi còn sống thì chắc Mai không thể bị để thờ ơ như thế này. Và mãi đến gần mười một giờ Mai mới được tiêm một phát. Người ta lại cho nó một cái đơn kê hai thứ thuốc. Tôi tự hỏi rằng mình sẽ lấy tiền ở đâu ra bây giờ đây. Tôi bế Mai về chùa. Xuân và Vũ cùng xúm lại hỏi thăm. Nhưng tôi không cho hai người xem tờ đơn thuốc. Vũ cũng nghèo, mà Xuân thì tôi đã nhờ vả quá nhiều. Tôi không thể làm phiền hơn được nữa. Tôi gửi em Mai cho nàng, và bỏ đi lang thang. Tôi qua những phố phường đông đúc, qua những hiệu thuốc đồ sộ nguy nga. Tôi ao ước nhìn vào những tủ thuốc cao ngất ngưởng. Em Mai của tôi chỉ cần một phần rất nhỏ ở trong ấy mà thôi. Nó sẽ sống, nó sẽ khỏe lại, nó sẽ còn nói cười như một con chim nhỏ vô tư. Đời tôi sẽ biết bao hạnh phúc. Nhưng sự thật vẫn còn đau xót. Tôi còn đi lang thang mà không dám nghĩ đến sự quay trở về. Tôi không biết Mai bây giờ thế nào. Chắc Mai gọi tôi, chắc Mai khát nước  và chẳng có ai ở gần Mai cả. Người tôi cứ như rộp lên. Tôi bồn chồn nóng nẩy. Tôi cần tiền. Tôi rất cần tiền. Một ý nghĩ bẩn thỉu thoáng qua đầu óc của tôi. Nếu tôi liều, nếu tôi có gan ăn cướp tiền của người ta thì tôi sẽ chẳng phải ao ước cái gì cả. Có tiền là có tất cả. Tôi đứng rất lâu ở đầu phố Hàng-Gai. Có nhiều người sang trọng đi về. Tôi nhìn vào những cái ví mà người ta xách ở tay. Có người chỉ cặp vào nách. Nếu tôi tiến lại gần rồi giật nhanh cái ấy, thì tôi có thể chạy xuống dốc hàng Hành tạt ngang vào ngõ Yên Thái rồi ra chợ hàng Da. Tôi vụt nghĩ đến thằng bé ngày xưa bị người ta đánh sấp mặt xuống bùn khi ăn cắp nải chuối. Tôi ghê sợ đến bàng hoàng. Tôi đã từ địa vị một cậu bé con nhà giầu thích đi xem bắt kẻ cắp trở thành một thằng bé bơ vơ đang có tư tưởng đi ăn cắp. Tôi không thể đốn mạt như thế được. Hình ảnh lộng lẫy chói lòa của mẹ tôi như hiện ra ở trong đầu. Chân tôi run lên bần bật. Trống ngực tôi đập ran liên hồi. Tôi vội đi hối hả như sợ có người đọc được ý nghĩ của tôi. Nhưng còn em Mai. Nó cần sữa để ăn, cần thuốc để uống. Đầu tôi như điên lên vì hai sự trái ngược ấy. Tôi buồn bã ra về với một niềm thất vọng. Mai không đỡ mà vẫn còn li bì. Xuân và Vũ cùng lo lắng nhìn tôi. Chúng tôi không nói với nhau nhưng có cùng một ý nghĩ. Rồi cả ba cùng nhè nhẹ thở dài. Vũ để phần tôi một đĩa cơm rang. Tôi ăn hối hả rồi nắm vật trên giường. Đêm hôm ấy tôi sống trong nhiều cơn ác mộng. Tôi mơ thấy mình giật gói khăn tay của một cô gái đi xe đạp. Có rất nhiều người đuổi theo tôi. Người ta cầm gậy, cầm dao chạy rầm rập ở phía đằng sau. Tôi nghe thấy người con gái kêu thất thanh trong bóng tối. Rồi có nhiều tiếng hò reo vang lên ở khắp ngả. Tôi chạy như một con vật  bé nhỏ ở trên đường dài, hai bên có những lùm cây. Chân tay tôi run lẩy bẩy. Óc tôi kinh hoàng. Mặt tôi xanh nhợt nhạt. Tôi vấp ngã nhiều lần. Rồi người ta theo được tôi. Tiếng xe đạp phanh kêu ken két ở bốn phía chung quanh. Tiếng gọi nhau ơi ới xen với tiếng hò hét ồn ào:

- Ăn cướp! Ăn cướp!

Người ta dúi đầu tôi xuống mặt bùn để đánh tôi như ngày xưa tôi được chứng kiến người ta đánh thằng bé ở chợ hàng Da. Cái khăn tay mầu trắng tung ra. Tôi nom thấy những tờ giấy bạc bay lả tả xuống cuối ngọn gió. Tôi hét lên rùng rợn:

- Mai ơi! Em Mai ơi!

Khi ấy tôi choàng tỉnh dậy và thấy chỉ là một giấc mơ. Tôi nén ngực cho bớt sợ. Mồ hôi tháo ra ướt đầm cả vai áo. Tôi tự nhủ mình chưa làm gì cả. Giờ phút này tôi vẫn còn là một người lương thiện. Không ai bắt được tôi. Không ai có quyền đánh tôi. Nhưng chỉ thương em Mai. Bệnh Mai trầm trọng lắm rồi. Ngày mai đối với chúng tôi ai biết sẽ ra làm sao. Tôi lại áp má tôi vào cái trán nóng hổi của nó. Hơi thở của anh em tôi quyện vào nhau ở trong bóng tối.


CHƯƠNG IV

Chỉ còn một cách là phải dạn dầy. Tôi quyết định trờ lại nhà ông bà Thuận-Ký một lần nữa. Nếu còn nghĩ đến cha tôi chắc họ cũng chả nỡ lòng nào từ chối sự cứu giúp một đứa nhỏ, một đứa con gái bé bỏng của bạn mình. Ý nghĩ ấy khiến tôi gây được một niềm hy vọng. Nếu tôi hỏi vay được tiền, nếu ông bà Thuận-Ký còn có chút từ tâm thì em Mai sẽ được đi chữa thuốc. Nó sẽ khỏi, sẽ lại chơi đùa, anh em tôi lại có những ngày vui. Trời ơi! Nếu mà sự thật đúng như thế thì sung sướng biết bao. Tôi cầu mong linh hồn ba tôi phù hộ cho Mai, cho tôi, cho việc làm của tôi. Tôi lên cửa hàng Thuận-Ký vào lúc chín giờ. Bác thợ đồng hồ liếc mắt nhìn tôi gật đầu đáp lại lời chào của tôi. Rồi bác ta lại cúi xuống chăm chú với những cái bánh xe nhỏ li ti dưới ống kính. Tôi đi thẳng vào trong nhà. Mặt đá của những chiếc cẩm đôn, những bộ tràng kỷ đưa hơi lên mát lạnh. Sự sang trọng của căn phòng khách gây cho tôi một cảm giác bỡ ngỡ. Gặp một thằng bé ngồi ở bậc cầu thang, tôi hỏi:

- Má đâu?

Mồm nó lúng búng ngậm kẹo. Nó nhìn tôi không đáp. Tôi nhìn vào phía nhà trong. Có những tiếng dội nước lao xao ở trong ấy. Tôi đoán là bọn người làm của ông bà Thuận-Ký. Đứng tần ngần một lát, tôi đi lên cầu thang. Cử chỉ ấy và khung cảnh ấy khiến tôi nhớ lại hình ảnh lúc tôi từ biệt cha tôi một lần cuối. Bây giờ chỉ có một mình tôi. Sàn đá hoa trắng và lạnh. Ai mà ngờ được ngày xưa đã có lần cha tôi đứng ở dưới ấy. Tôi nao nao với những ý nghĩ đau xót về mình. Một u già đi ở trên xuống, già ấy nhìn tôi khinh khỉnh. Tôi hỏi trước:

- Ông chủ có nhà không?

Thấy lắc đầu, tôi lại hỏi:

- Thế bà chủ?

- Ngủ!

Rồi già đi qua mặt tôi. Tôi thất vọng đứng nhìn chiếc áo cánh nâu, chiếc khăn mỏ quạ khuất ở phía dưới. Người ta khinh tôi, người ta ghét tôi. Nhưng tôi chỉ cần tiền cho Mai. Tôi sốt ruột nghĩ đến bệnh tình của Mai ở trong căn buồng trống trải. Đồng tiền thật là đáng quí và hiếm hoi. Nó ở thật xa tôi, xa lắm mà hình như sức của tôi không sao tiến tới mà nắm lấy được. Ý nghĩ ấy khiến sự lo lắng của tôi càng lên cao. Tôi bồn chồn đến váng vất. Tôi nhìn ra chung quanh. Ở đây trông rõ cả những cái kính tủ, ở trong toàn những vật quí giá đắt tiền. Ông bà Thuận-Ký thật là giầu. Nếu ông bà ấy cho tôi một phần nhỏ, rất nhỏ không thấm thía vào đâu thì thật là họ đã cải tử hoàn sinh cho tôi lúc này. Không biết nghĩ thế nào, tôi bỏ thằng bé ở lại sau, để đi như một cái máy lên hết mấy mươi bực cầu thang. Cái cửa sổ hiện ra trước mắt tôi. Nơi ấy là nơi một lần chót tôi được nhìn thấy bóng ba tôi với cái áo vét tông xanh đi ở trong lòng phố. Nơi ấy là nơi tôi đã úp mặt vào cánh cửa mà khóc khi được tin ba tôi mất. Bây giờ tôi đã trở lại với một số phận đơn côi, với một ý nghĩ rằng mình chưa được làm người. Thật đúng rằng lũ chúng tôi, chưa ai được làm người. 

Bà Thuận-Ký ngủ ở trong phòng. Kính cửa đằng sau trông ra những mái nhà ngả mầu rêu xám. Bầu trời tối đen, có những đám mây u ám, lạnh lùng. Ánh sáng mờ chiếu qua khung cửa. Ở trên mặt bàn có một đĩa cam, một chai sữa, và một đĩa bánh mì cắt thành từng khoanh tròn và mỏng. Bà Thuận-Ký nằm ở trên giường rủ màn trắng, có nệm trắng và chăn bông bằng vải hoa lốm đốm đỏ. Mặt bà quay vào phía tường. Có những sợi tóc lòa xòa, rủ trên mặt gối thêu. Tôi đứng mãi chỗ ấy mà không biết mình sẽ phải làm gì, nghĩ gì cả. Tôi soi mình vào trong bóng gương, cái tủ gương bóng lộn in rõ từng nếp nhầu ở quần áo, vẻ hốc hác ở khuôn mặt. Tôi biết rằng mình đã tồi tàn, nhưng tôi không ngờ mình lại tồi tàn đến thế. Tôi tiến lại gần cánh tủ. Tôi nhìn mãi vào đôi mắt vẩn lên những tia đỏ ngầu ngầu. Hai con mắt giống hệt như mắt cha tôi ngày xưa, chúng có vẻ lờ đờ, mệt mỏi và vẩn đục. Tôi nhíu cặp lông mày lại, khuôn mặt tôi trở thành nhăn nhúm. Tôi có ý nghĩ thoáng qua rằng mình đã già cội đi trước tuổi. Nhưng tôi chợt nhìn sang một bên cánh tủ. Thớ gỗ mầu trắng ở cái nẹp vì chưa khép kín nên lộ ra ngoài. Trong một giây rất nhanh, tôi thoáng nhớ đến ý nghĩ của mình buổi chiều hôm qua. Tự nhiên tim tôi đập mạnh hơn bao giờ hết. Sự im lặng của căn phòng như thúc đẩy tôi vào vòng tội lỗi. Tôi quay lại nhìn bà Thuận-Ký. Bà ấy vẫn ngủ, mặt quay vào tường. Dẫy hành lang im lìm nằm trong cái lạnh gây gây của một buổi sáng mùa đông. Tôi giơ hai ngón tay run rẩy của mình ra kéo nhè nhẹ cánh cửa. Ánh sáng lùa vào những ngăn tối. Tôi nhìn thấy cái sắc của bà Thuận-Ký dựng đứng ở bên cạnh những hộp phấn và lọ sáp môi. Nếu bây giờ tôi nói rằng tôi không làm chủ được mình lúc ấy thì sẽ có người cho rằng tôi tự bào chữa. Nhưng sự thật là thế. Óc tôi loãng ra đến độ cùng cực. Tôi cảm thấy hơi nóng của trái tim lan ra khắp cơ thể. Cái "luồng" ấy chạy tới đâu gây ra sự run rẩy đến đấy. Chân tay tôi tự nhiên tê dại lại, hơi thở rất gấp và rộn ràng. Hình ảnh bà cô Vũ chửi hắn ngày nào trong tối ở Ô Quan Chưởng về sự hắn ăn cắp cái đồng hồ, thoáng qua rất mơ hồ trong óc tôi. Tôi muốn ngồi xuống cái phản ọp ẹp kê ở căn buồng trống trải dưới ngõ Sinh Từ. Giá bây giờ tôi được ôm em Mai vào lòng, nhìn vào đôi mắt trong đen của nó. Có lẽ như thế, tôi sẽ nén được cái xao xuyến đang bừng bừng nổi dậy ở trong ý nghĩ, ở khắp làn da nóng bỏng của tôi. Nhưng sự thật là tôi đang đứng chôn chân ở đây, trong căn phòng im vắng, có đĩa cam và chai sữa ở trên bàn, có bà Thuận-Ký nằm ngủ li bì ở dưới tấm chăn. Trước mắt tôi là cánh tủ đang hé mở, ở trong ấy có cái sắc cầm tay mà tôi đoán là đựng rất nhiều tiền. Tôi thoáng nghĩ đến những tờ giấy bạc. Tờ giấy bạc dắt sang những hộp thuốc bọc giấy bóng kính để ngăn nắp thứ tự trong những quầy hàng. Tôi lại nghĩ đến  buổi sáng hai anh em ngồi ôm nhau trong căn phòng đông đúc ở nhà thương làm phúc, hai mắt Mai nhắm nghiền, lồng ngực hổn hển vì hơi thở nặng nhọc. Hình ảnh cuối cùng ấy xui tôi thò tay vào với lấy cái sắc. Tôi hấp tấp mở rộng. Tôi quơ được những vật lủng củng ở trong. Lọ dầu con hổ, cái cắt móng tay, những chiếc kẹp tóc, và những tờ giấy bạc. Tôi bỏ tất cả những thứ ấy vào túi vì tôi không còn đủ can đảm để trả lại các vật vô dụng ấy. Người tôi nhược đi vì hành động quá sức. Nếu lúc ấy ai bắt tôi làm lại một lượt như thế nữa thì chắc chắn tôi không thể làm nổi. Tôi vội ấn cánh tủ lại rồi hấp tấp trở ra. Khi ấy tôi có cảm giác rằng cái bàn, cái ghế, cùng mọi vật vô tri trong căn phòng cùng biết nhìn theo tôi khinh bỉ. Nhưng tôi không lo bằng cái lo bà Thuận-Ký có thể trở dậy. Phải rồi, nếu bây giờ bà ấy quay ra, hét lên:

- Đứng lại!...

Như thế tôi không biết mình sẽ phải làm gì lúc ấy. Có thể tôi sẽ nhẩy qua cánh cửa sổ kia mà mong chết ngay ở dưới mặt đường. Nhưng không, chẳng một ai biết tôi vừa làm cái công việc khốn nạn nhất trên đời này cả. U già đã bế đứa bé đi đâu từ lúc nào. Bác thợ đồng hồ vẫn chăm chú làm việc. Tôi đi ra cố làm ra vẻ thản nhiên. Bác ấy nhìn tôi. Tôi có cảm giác như nếu cái nhìn ấy kéo dài thêm một giây nữa thì bác ấy sẽ lôi được ở trong túi tôi ra những tờ giấy bạc, lọ dầu con hổ và cái cắt móng tay. Vì thế nên vượt qua được bực cửa, tôi như người qua được một bức tường thành cao ngất ngưởng. Sự đông đúc của phố phường làm cho tôi thấy mình có một chỗ trú thân kín đáo. Tôi đi len lỏi qua những đám người. Nhưng tôi vẫn tưởng như bà Thuận-Ký đang cho người đuổi theo tôi. Bất giác tôi bước nhanh như chạy. Có một toa tàu điện đang đi qua. Tôi bám vào tay vịn mà nhẩy lên một cách vô cùng liều lĩnh. Tiếng bánh sắt chạy rầm rầm ở dưới, tiếng ồn ào của mọi người ở chung quanh. Tất cả rộn rã đến như thế mà không thể át được những câu nói vẫn văng vẳng ở trong lòng tôi: "tôi là thằng ăn cắp".

Tôi đem tiền về đưa cho Vũ. Nhìn vẻ mặt bối rối của tôi, Vũ hỏi:

- Ở đâu ra thế?

Tôi ấp úng:

- Vay... đi vay...

- Bao nhiêu?

Tôi không thể đáp được, vì tôi cũng không biết rằng tôi ăn cắp được bao nhiêu. Tôi lôi ở trong túi ra những tờ giấy bạc, Vũ trông thấy lọ dầu. Hắn vụt nhìn tôi. Tôi không thể chịu được những cái nhìn như thế. Tôi vụt bỏ lại tất cả cho Vũ rồi ôm mặt chạy về giường khóc nức nở như một đứa bé. Hình ảnh lộng lẫy của mẹ tôi hiện ra rồi lại tan đi mơ hồ. Thật là một sự trừng phạt đau đớn. Tôi không còn dám nghĩ đến ai, ngay cả đến Xuân, đến Vũ và đến Mai nữa. Bây giờ tôi là một kẻ bẩn thỉu. Tay tôi đã nhúng vào tội lỗi. Làm sao tôi quên được cái lúc tôi thò những ngón tay run rẩy vào trong cái sắc của bà Thuận-Ký. Căn phòng lặng lẽ mà ghê tởm. Tôi ghê tởm tất cả những gì có ở trong ấy. Vì chúng nó chứng kiến được việc làm của tôi. Lương tâm của tôi như một cái gương sáng. Bây giờ nó soi lại cho tôi thấy tất cả những việc xẩy ra. Tôi cuồng lên như một kẻ tuyệt vọng. Tội lỗi vây quanh tôi như một bức tường đá cao, rất cao đến cái độ mà tôi cho rằng mình không bao giờ còn vượt qua được nữa. 

Vũ để cho tôi khóc. Hắn im lặng ngồi trầm ngâm hút thuốc lá ở đằng cuối giường. Hai cằm của hắn bạnh ra, con mắt nhíu lại. Hắn thở phì phì từng hơi thuốc lá. Bàn tay của hắn xoay cái hộp dầu con hổ cho đảo tít đi như một con quay. Tiếng động của cái hộp nhỏ vang lên mặt giường, đập vào óc tôi như những nhát búa. Tôi ôm lấy đầu, tưởng như suy nghĩ mà thật ra không suy nghĩ gì cả. Có tiếng guốc của Xuân đi vào qua bậc cửa. Vũ hỏi:

- Mai đâu?

Tiếng nàng đáp:

- Nguy quá rồi anh ạ... Nó mê đi suốt từ sáng.

Tôi muốn nhờ nàng mang nó đi hộ bác sĩ, nhưng không làm sao nói ra được. Vì bây giờ tôi có cảm giác như tôi chẳng có một đồng xu nào cả. Đồng tiền tôi lấy được thực sự không phải của tôi. Nếu bây giờ tôi nhắc đến thì tôi còn xấu hổ với Vũ, với Xuân, với cả Mai nữa. Vì vậy tôi vẫn nằm im, mắt nhìn xuống phản. Nhưng Vũ đã làm việc ấy thay tôi. Hắn bảo:

- Em dẫn nó đi bác sĩ hộ. Có tiền đây này.

Xuân reo lên:

- Ở đâu mà ra thế?

Vũ ấp úng:

- À... anh Khánh... anh Khánh...

Rồi có tiếng loạt soạt Vũ trao tiền cho Xuân. Vũ bảo:

- Em hãy cầm lấy năm trăm đã. Nhớ lúc về mua thuốc một thể.

Không hiểu sao, tôi lại thấy mừng rằng số tiền tôi lấy được thật là to. Tâm trạng con người bỉ ổi đến được như thế đấy.

Xuân đi rồi thì Vũ kéo tôi dậy. Hắn rủ tôi đi vào một hiệu cà phê. Tôi theo hắn như một cái máy. Bây giờ tôi không nghĩ được gì, nhưng lòng tôi đang khóc. Toàn thân tôi, cả linh hồn lẫn thể xác như đang ngụp lội ở trong sự nhục nhã, ê chề. Tôi tự hỏi không biết đến bao giờ mới qua được cơn ác mộng này.

Lúc ngồi vào ghế, Vũ hỏi:

- Mày lấy tiền ở đâu?

Tôi đáp e dè như một kẻ đang bị hỏi cung:

- Nhà Thuận-Ký.

- Có ai biết không?

- Rồi sẽ biết.

Hắn thở dài như một người đang đứng trước một sự gì bất lực. Chúng tôi ngồi yên lặng bên nhau. Sự yên lặng thật nặng nề, đè chĩu lên cả những phong bánh đậu bầy trong cái đĩa, lên hai cốc cà phê đang bốc khói, lên tâm hồn hai đứa chúng tôi. Giây lâu, Vũ lại thì thầm:

- Họ có biết chỗ mày ở không?

Tôi lo lắng:

- Hình như biết.

- Sao lại hình như?

- Một lần trước tao có nói cho bà ấy nghe...

Vũ thất vọng hoàn toàn. Hắn ôm hai tay lên đầu, thở một hơi rất dài. Tôi nghĩ đến Liễn và những lá thư của nó gửi cho chúng tôi. Bây giờ thì tôi muốn khóc mà không khóc được. Chỉ có linh hồn đang thổn thức. Tôi lấy ở túi ra tấm ảnh cũ kỹ của mẹ tôi. Tôi nhìn mãi vào hai con mắt trong sáng của bà. Ở đằng sau, có một hàng chữ mà tôi ghi từ hồi còn đang đi học: "Maman, maman, décédée à Hưng-Hóa, 19..." Tôi tưởng như mình đang nức nở ở trong linh hồn của bà...


CHƯƠNG CUỐI

Tôi bị bắt dễ dàng ngay vào lúc bữa cơm buổi chiều sắp bắt đầu. Tôi biết như thề, và cho rằng mọi sự tất nhiên phải như thế. Nhưng tôi chỉ tủi hổ một điều là có cặp mắt của Xuân nhìn tôi. Lúc đó người ta dẫn tôi đi qua cái sân gạch thì Xuân đang xới cơm ở cạnh những thùng tôn. Mặt nàng đỏ ửng lấm tấm mồ hôi sau làn khói trắng. Nàng buông đôi đũa cả nhìn tôi sững sờ. Vũ bế em Mai bước vội ra đằng sau. Mai gọi tên tôi mấy lần. Những bạn học sinh đổ dồn hết cả ra ngoài hiên. Sự ồn ào tự nhiên im bặt. Chỉ có tiếng giầy của hai người cảnh sát gõ lốc cốc ở trên sàn gạch và tiếng khóc của em Mai. Tôi cúi gầm mặt xuống, người nóng râm ran. Tôi không dám nhìn một ai cả. Lòng tôi chứa đựng nhục nhã, đớn đau. Hình ảnh người ta bắt thằng ăn cắp mà ngày xưa tôi được chứng kiến khi theo mẹ tôi ra chợ bây giờ ám đúng vào đời tôi. Tôi là thằng ăn cắp. Người ta đang dẫn tôi đi về ánh sáng của công lý. Tôi không oán hận ai, vì tôi hiểu rõ bổn phận  của những kẻ muốn được làm người. Hoài bão của tôi đã vẫn chẳng là mong được làm người lương thiện, có việc làm, có cơm, có áo đấy hay sao?

Cho nên tôi tìm được sự an ủi cho mình. Tội lỗi chưa bén rễ được vào tận tâm hồn tôi. Vì hình mẹ tôi vẫn là một tấm gương sáng soi đường cho tôi đi, chỉ bảo cho tôi đứng vững được ở trong cuộc đời. Tôi chỉ đau xót cho thân phận bé bỏng của em Mai. Nó thật là xấu số. Hình như cuộc đời chỉ dành cho nó toàn những nỗi gian nan. Tiếng khóc của nó thật là đáng thương. Tôi trông thấy bàn tay bé bỏng của nó với về phía tôi. Lòng tôi dâng lên một niềm thương giạt giào. Khi bước lên xe, tôi còn trông thấy hai con mắt long lanh của nó. Má nó đầm đìa nước mắt. Tôi cũng khóc theo. Chỉ có Vũ là đứng im lặng. Mặt Vũ có vẻ đau xót. Chưa lần nào tôi trông thấy Vũ buồn như thế, Vũ nhìn tôi, nhìn Xuân, rồi bất giác Vũ kéo đầu em Mai áp sát vào cổ mình. Tôi không trông thấy gì nữa. Quanh tôi là những khẩu súng, những bộ mặt lạnh lùng và có một lớp vải dầy bao kín chung quanh. Tôi nghĩ rằng từ đây đời tôi lại bắt đầu một cuộc thay đổi mới. Tôi nghĩ đến Liễn, đến Sơn, đến Quì và những kẻ đồng lứa tuổi mà xấu số như tôi. Sau cuộc chiến, còn biết bao nhiêu kẻ như thế nữa. Tất cả đều không có nhà, và không có tình thương. Điều kỳ vọng ở đời là được ăn no, mặc ấm, là được hưởng những điều kiện tối thiểu của con người. Chỉ cần ngần ấy thứ nhưng cũng đã quá sức của chúng tôi lắm rồi.

Gần một tháng sau thì vụ của tôi được đem ra vành móng ngựa. Đời tôi thật là lạ lùng. Ngày xưa những buổi tối mùa đông có gió lọt vào căn phòng thắp ánh sáng mầu xanh, tôi bắt đầu giấc ngủ trong cánh tay êm ái của mẹ tôi. Cặp môi của bà âu yếm hôn lên đôi mắt nặng chĩu của tôi. Quanh tôi là bầu không khí ấm áp bao phủ tình thương. Tôi có bố, có mẹ. Chỉ có những người ấy mới thật sự là quên mình mà nghĩ đến con cái. Nhưng chẳng ai lại ngờ trước được rằng cuộc đời lại dẫn tôi đến cái chỗ này. Hôm ở tòa người ta hỏi:

- Bố làm gì?

Tôi thưa:

- Dạ, chết!

Lại hỏi:

- Mẹ làm gì?

Tôi thưa:

- Dạ, chết!...

- Bao nhiêu tuổi?

- Dạ, mười tám tuổi.

- Nghề gì?

- Dạ không có nghề.

- Nhận tội không?

- Dạ có.

- Du thủ, du thực, ba tháng tù!

Tôi lẳng lặng quay lại phía đằng sau. Vũ mặc quần xanh, áo xanh đứng ở trên dẫy ghế đầu. Xuân mặc áo dài đen, bồng em Mai ở trên tay. Hai người nom thật đẹp đôi. Họ cùng nhìn tôi bằng những cái nhìn chan chứa.

Vũ chỉ vào ngực mình, chỗ có thêu một hàng chữ đỏ. Tôi biết Vũ đã có việc làm. Thế là Vũ đã thực sự được làm một người lương thiện, thực sự tạo lấy cho mình miếng cơm, manh áo. Tôi nhoẻn một nụ cười với Vũ. Lúc ấy Xuân cũng nhìn tôi. Cặp mắt bồ câu đen láy. Rồi nàng cúi xuống hôn em Mai. Tôi sung sướng và yên tâm vô cùng. Khi bước ra khỏi vành móng ngựa, tôi không còn thấy khổ nữa. Lòng tôi trở nên nhẹ nhàng cà can đảm. Ba tháng tù sẽ rửa sạch cho tôi tội lỗi mà tôi phải trốn tránh. Tôi sẽ có cơ hội để làm lại cuộc đời. Mộng tưởng của tôi vẫn là mong muốn được dự phần vào guồng máy khổng lồ của xã hội. Mồ hôi của tôi sẽ đổi lấy những buổi chiều có gió mát dẫn em Mai đi chơi ở trên đường có hoa xoan tây rụng đỏ. Mai sẽ lớn lên như một con chim có linh hồn trong sáng. Tôi nhìn ra trời xanh. Nắng buổi sáng hắt qua khung cửa rộng, chói lòa bưng ngang tầm mắt.

Tôi đi về phía hành lang. Ở đấy có một người lính dẫn tù đang đứng chờ tôi...


Saigon tháng 11-58 - tháng 5-59  
     
NHẬT TIẾN              
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>