Tầm ở trần, nằm ngửa trên chiếc thuyền con. Nắng chiều đã dịu. Mặt sông chỉ còn loáng thoáng ít tia nắng thưa, ngời sáng lên từng đợt. Màu trắng của nước, khi chợt xanh, lúc lại đổi vàng, có lần đỏ ối. Những hình ảnh này thật quen thuộc với Tầm. Quen thuộc từ dạo Tầm còn là cậu bé mới tập bơi, run rẩy mỗi lần được dạy.
Ngày xưa ấy, khi anh Ngọ của Tầm còn ở nhà, cũng là quãng thời gian sung sướng nhất của Tầm ; quãng thời gian của tuổi thơ đẹp nhất đời người. Anh Ngọ làm hết mọi việc, từ việc ngoài đồng với ba, đến việc trong nhà với má. Tầm chỉ có việc ăn học, khi nào nổi hứng thì ra ngoài ruộng cỡi trâu với anh. Hoặc có khi cùng anh thả thuyền ven sông hóng gió. Cái thú nằm ngửa trên thuyền mặc nó bập bềnh trôi đi đâu thì đi của Tầm bây giờ chính là của anh Ngọ để lại. Dạo anh sắp đi lính, anh thường hay làm như thế. Mỗi lần Tầm bảo thả thuyền như thế thì có ích gì, anh chỉ cười. Bây giờ Tầm mới hiểu rằng ngoài những phút giây làm việc mệt nhọc trong ngày, người ta cần những lúc được thảnh thơi. Nhất là vào những ngày có chuyện bực mình, nghỉ ngơi trong khung cảnh yên tĩnh thế này thật thú.
Tầm thì ít khi có chuyện bực mình lắm. Trong nhà bây giờ chỉ còn có ba người, ba má và Tầm. Anh Ngọ thật lâu mới được về chơi một lần, lâu đến nỗi Tầm tưởng như không có anh trên đời này nữa ; nếu không nhớ ra những kỷ niệm ngày xưa với anh. Những kỷ niệm ấy thường hiện ra vào những lúc như lúc này đây ; lúc nằm một mình trong lòng thuyền lờ lững ven sông.
Chợt Tầm nghe có tiếng thuyền máy. Tầm nhỏm dậy làm chiếc thuyền con chòng chành. Chà! Hôm nay nước chảy mau dữ, mới đây mà đã đến bờ sông nhà ông Hai Ngon rồi. Tiếng thuyền máy Tầm vừa nghe có lẽ của ông Hai chắc cũng đi dạo như mình? Mà thôi kệ! Mình chèo về là vừa, nắng gần tắt rồi còn gì, coi chừng về muộn ba má lại la cho. Vả lại, lảng vảng ở khúc sông nhà ông Hai khó chịu lắm, người ta nhà giàu mà!
Tầm với tay lấy chiếc mái chèo nhẹ khua trên mặt nước. Tay Tầm chèo thật đều và con thuyền trôi thật êm. Nhưng mới được một quãng, Tầm đã nghe tiếng trò chuyện đằng thuyền máy. Có tiếng của ông Hai, của cô Ngoan và tiếng của một người lạ nữa. Ai vậy kìa? Tầm quay nhìn về phía sau. Chiếc thuyền máy của ông Hai hiện ra trước mắt. Trên đó, ngồi cạnh cô Ngoan là một thiếu niên khá bảnh. Tầm ưng nhất mái tóc của anh ta. Bềnh bồng. Ông Hai ngồi phía sau, mới thấy Tầm đã hỏi, làm ra vẻ sốt sắng lắm:
- Giờ này còn đi đâu vậy Tầm?
- Tui thả thuyền đi chơi...
- Chà, sang dữ ta, giờ về hả?
- Dạ.
Tầm trả lời ông Hai mà tức anh ách. Gì mà "sang". Bộ con nhà nghèo không được thả thuyền đi chơi sao? Bộ cứ phải có thuyền máy mới được cái quyền đó? Cái thứ nhà giàu khó ưa ghê! Nói chuyện với họ thật chán. Nhưng... Tầm lại phải nói chuyện với họ. Vì cô Ngoan hỏi vọng sang:
- Anh Tầm có gấp không?
Tầm định trả lời "gấp" để ra về cho xong, nhưng không hiểu sao lại lắc đầu:
- Không, mà chi vậy cô?
- À... tôi muốn nói chuyện với anh chút mà, lâu quá không gặp. Với lại, thằng em họ tôi muốn làm quen với anh đó.
Tầm nhìn lên chiếc thuyền máy. Thiếu niên có mái tóc bồng đang nhìn Tầm và cười. Hàm răng anh ta đều và đẹp. Ông Hai đã tắt máy. Tầm cũng ngưng chèo và cặp kè với chiếc thuyền máy. Lúc này, Tầm mới thấy mình quá cách biệt với những người bên kia thuyền máy. Mình nghèo quá!
Thiếu niên tự giới thiệu:
- Tôi là Trọng, Đặng Phước Trọng, mới về đây chơi ít ngày...
Tầm bắt chước:
- Tui tên Tầm...
Nhưng chỉ được tới đó rồi thôi, chẳng biết nói thêm gì. Tầm có gì nữa đâu. Hết đi học rồi. Chẳng lẽ lại giới thiệu là... làm ruộng? May sao, Trọng không để ý mấy. Anh ta tiếp:
- Tôi có nghe chị Ngoan nói nhiều về anh...
Tự nhiên Tầm đưa tay gãi đầu, len lén nhìn Ngoan hỏi:
- Cô nói chi về tui vậy, cô Ngoan?
Ngoan nhoẻn miệng cười không đáp. Trọng trả lời thay:
- Chị ấy nói anh là người bơi cừ nhất ở đây. Cũng là người khỏe mạnh nhất trong số bạn bè cùng trang lứa.
Tầm lại gãi đầu, ấp úng:
- Đâu có, cô Ngoan nói chơi vậy chớ...
- Chối chi anh, tôi mới về đây, thành ra rất muốn được có nhiều bạn. Anh bằng lòng cho tôi làm bạn chớ?
- Là... làm sao?
Trọng không đáp, nhắc:
- Anh bằng lòng?
Kỳ quá! Đang khi không đòi làm bạn với mình. Anh chàng Trọng này mới lạ chứ, làm bạn với mình thì ích gì. Chẳng lẽ mình chối. Tầm muốn cho xong, gật đầu đại. Rồi, kiếu ra về. Không ai giữ lại cả.
Đợi Tầm chèo khá xa, Trọng mới như nhớ ra điều gì, gọi với theo:
- À này, mai tôi tới chơi nhà anh đó nghe.
Tầm gật đầu và cứ thế chèo thẳng. Văng vẳng đằng sau, Tầm nghe có tiếng của Trọng nói với Ngoan:
- Anh Tầm có thân hình lực sĩ đẹp quá.
Tầm cười một mình.
*
Nhà giàu nhất định là không tốt rồi. Bao giờ, Tầm cũng nghĩ thế. Và mới rồi đây, Tầm lại thấy mình đúng. Trọng tới chơi và trong lúc trò chuyện, đã nhờ Tầm dạy anh ta bơi. Thảo nào!
Tầm muốn từ chối ngay nhưng nghĩ ngợi, sợ người bạn buồn, nên nói hẹn khi nào nhà rỗi sẽ dạy. Kỳ thực, Tầm không muốn dạy Trọng tập bơi chút nào. Hừ! Họ chỉ lợi dụng. Bảo là kết bạn với mình đâu phải vì quí mình mà là vì họ muốn học bơi, muốn mình làm thầy không công cho họ. Thằng Tầm này đâu phải ngu.
Nhưng nghĩ quanh quẩn một hồi, Tầm lại thấy tội nghiệp Trọng. Về chơi ở đây mà không biết bơi thì còn gì thú vị nữa. Cũng tựa như con vật ở trong sở thú nhìn ra ngoài rừng mà thèm. Hay là, cứ dạy Trọng bơi đi. Người ta không tốt với mình, người ta muốn lợi dụng mình, mình biết hết mà vẫn giúp người ta, giúp vì lòng tốt thế mới quí. Và như thế, mình mới thấy sung sướng vì đã làm một việc phải.
Nhưng thôi, gác chuyện đó lại đã. Má vừa sai mình lên nhà ông Hai, nếu dùng đường ven sông thì chỉ nửa cây số là đến, nhưng đi dường bộ phải tới hơn một cây. Tầm chạy xe đạp trên con đường đất ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng lại bấm chuông leng keng. Nhà ông Hai vắng hoe. Con chó lai cũng đi đâu mất. Tầm đẩy cổng bước vào và dựng xe cạnh cây nhãn. Trong nhà có tiếng đàn của ai vọng ra. Tầm tần ngần trước cửa, mãi vẫn chưa lên tiếng. Ai đàn trong nhà vậy? Chắc là Trọng. Sướng thật, biết chơi đàn nữa chứ. Chả như mình, một nốt nhạc cũng không biết.
Tầm làm bộ lấy giọng rồi gõ cửa. Tiếng đàn im đi và bóng Trọng hiện ra trước khung cửa phòng khách, trên tay còn cầm cây guitare. Thấy Tầm, Trọng niềm nở:
- Anh Tầm, có chuyện gì vậy anh?
- Tui muốn gặp ông Hai.
- Bác Hai mới đi với chị Ngoan. Anh đợi được không?
Tầm không muốn nói chuyện nhiều với Trọng - vì mặc cảm cũng có mà vì không ưa những người nhà giàu cũng có - mới trả lời:
- Tui bận việc lắm, chút nữa ông Hai về nhờ cậu nói dùm là má tui mời ông Hai qua nhà có chuyện cần. Thôi... giờ tui về...
Trọng ngạc nhiên:
- Ủa, về liền sao anh? Ở chơi chút xíu mà.
Tầm cười, quay ra ngoài sau khi nói:
- Con nhà nghèo đâu có thì giờ nhiều, cậu.
Nói xong câu đó, Tầm thấy hả hê lắm. Tầm nhảy lên xe đạp lọc cọc đạp về phía nhà mình, mặc Trọng muốn nghĩ sao thì nghĩ. Vui tay, Tầm lại bấm chuông leng keng.
*
Trọng ngồi dạo đàn trước mũi thuyền. Tầm nằm bắt chữ ngũ lắng nghe. Nắng chiều nhảy múa trên năm ngón tay phải luôn di động của Trọng trên sáu sợi dây đàn đẹp ghê. Năm ngón tay chờn vờn lạ mắt. Lần đầu tiên, Tầm được mục kích thật rõ người khác chơi đàn. Lại gặp tay chơi khá như Trọng thành ra Tầm thích lắm. Tầm cứ suýt soa mãi không thôi: "cậu đàn hay tuyệt".
Nghe Tầm khen, Trọng chỉ cười, cái cười nửa miệng thật tươi. Đôi khi, Trọng còn cất tiếng hát, giọng buồn buồn. Bỗng Tầm ngồi dậy, dụi mắt vừa hỏi:
- Sao chiều nay cậu lại không chịu học bơi. Tui rảnh mà!
Trọng lắc đầu:
- Thôi anh ạ, khỏi cần...
- Ờ, hay là để khi tui về làm cho ông Hai rồi tui sẽ chỉ cho cậu cũng tiện. Có điều, cậu xin phép ông Hai dùm tui...
Trọng không đàn nữa, tỳ cằm trên cần đàn, mắt dõi xuống dòng nước mơ màng nói:
- Hình như anh không được vui khi phải về làm cho bác Hai tôi?
Tầm cúi mặt, khe khẽ gật đầu.
- Sao vậy?
- Tui không muốn xa ba má tui. Với lại, về bên đó tui khó được tự nhiên, hồi nào tới giờ tui vẫn sống nghèo khổ. Chỉ tại ba má tui còn thiếu nợ ông Hai mà chưa trả nổi.
- Nếu anh được ở nhà anh sẽ sung sướng lắm?
Mắt Tầm sáng rực lên nhưng rồi lại dịu xuống. Tầm cười khẩy, nói như để một mình mình nghe:
- Sướng chứ sao không... Nhưng còn tiền nợ...
Trọng không để ý, im lặng một lúc rồi mới ngập ngừng:
- Anh sẽ vẫn được thả thuyền dạo chơi mỗi chiều như hiện nay...
- Cám ơn cậu, nhưng còn vui thú gì mà đi chơi sông nữa.
Trọng lắc đầu:
- Không phải như anh nghĩ đâu. Tôi muốn nói là anh sẽ không phải qua làm cho bác Hai tôi nữa... Anh sẽ ở nhà...
Tầm chống tay nhìn sững Trọng:
- Cậu nói thiệt sao?
Trọng cười:
- Anh coi, từ hồi kết bạn với anh tới giờ, tôi có nói chơi với anh điều nào đâu.
- Còn tiền nợ của ba má tui?
- Anh sẽ phải làm việc nhiều hơn để giúp ba má anh trả lần lần...
- Ờ, tui sẽ làm việc nhiều hơn...
Nỗi vui mừng bất ngờ làm Tầm quên cả cám ơn bạn. Tầm nhúng tay xuống sông quẫy mạnh, sung sướng cười một mình. Trọng im lặng nhìn bạn. Mãi, Tầm mới nhớ ra, vội hỏi:
- Mà sao cậu lại giúp tui vậy?
- Có gì đâu, tôi để ý thấy anh không được vui, tôi đâu nỡ để anh buồn trong khi tôi có thể giúp được anh...
Tầm định nói là "vậy mà tui đã không làm vừa ý cậu", nhưng sợ Trọng cười mình, nên thôi. Mà thật, Tầm có lỗi quá. Trọng đâu phải lợi dụng mình. Đâu phải đòi làm bạn với mình để nhờ mình dạy bơi. Mình đã dạy anh ta bơi lần nào đâu. Toàn là kiếm cớ từ chối. Cũng tại cái ý nghĩ như đã ăn sâu vào tận não óc của Tầm, là "Nhà giàu nhất định không tốt, chỉ hay lợi dụng". Thế mà, chẳng những Trọng không được gì ở mình, trái lại, còn tự ý giúp mình nữa. Mình bậy quá!
Tầm nói:
- Chiều mai tui sẽ chỉ cậu tập bơi.
Trọng lắc đầu:
- Thôi, cám ơn anh. Sáng mai tôi trở lên tỉnh rồi.
Tầm sửng sốt:
- Thiệt vậy sao? Cậu chưa biết bơi mà.
- Không cần nữa, dịp sau vậy. Tôi còn về đây nhiều lần nữa mà. Không về đây chơi thì nhớ anh chịu gì nổi.
Tầm đâu cười được trước câu nói pha trò của Trọng. Mắt Tầm nhòe hằn đi. Tầm vừa thấy trong lòng nao nao. Sáng mai Trọng về tỉnh rồi. Mình hết còn được nghe tiếng đàn của Trọng rồi, hết còn được trả ơn anh bằng cách tận tình chỉ bảo bạn học bơi rồi...
Tự nhiên, Tầm thấy mình ác quá.
*
Buổi chiều lại về trên sông. Nắng hoàng hôn nhuộm đỏ vùng nước trước mặt. Những đợt sóng nhỏ lăn tăn lấp lánh ánh nắng từ xa chạy dần về phía Tầm. Tầm không nằm, mà ngồi ngay đầu thuyền. Làn da sạm nắng trắng từng khoảng, chỗ có ánh nắng thừa còn sót lại vướng vào. Tầm nhớ lại một ngày nào đó, thời anh Ngọ còn ở nhà. Hai anh em thả thuyền dạo chơi, Tầm có bảo: "Buổi chiều ở đây đẹp quá", anh Ngọ thêm: "Nhưng buồn ghê". Hồi đó, Tầm đâu hiểu nổi ý nghĩa ba chữ "nhưng buồn ghê" đó. Mà cho đến những giây phút trước lúc này đây Tầm cũng vẫn chưa hiểu rõ. Chỉ có lúc này, lúc ngồi nhìn hoàng hôn về trên mặt sông này, Tầm mới thấm thía ý nghĩa ba chữ "nhưng buồn ghê".
Buồn ghê! Trọng đã về tỉnh mất rồi. Chắc chắn là Trọng không mảy may giận mình rồi, nhưng người ta không giận là phần của người ta, riêng mình, mình đâu yên. Tầm thấy hối quá, tự nhiên, Tầm thèm được sống trong cảnh hai người bạn vui vẻ đùa giỡn dưới sông, đắm mình trong làn nước nhuộm vàng màu nắng. Trọng có hẹn dịp khác sẽ về và sẽ học bơi. Tầm mong dịp Trọng về chơi chóng đến, càng mau càng tốt. Vì chỉ khi nào dạy cho Trọng bơi được rồi, Tầm mới yên tâm.
Trời hoàng hôn đã dần tàn, Tầm khua nhẹ mái chèo. Những làn sóng nhỏ tạo nên bởi mái chèo của Tầm lan dần ra xa rồi mất hút. Tầm đưa mắt nhìn theo, và Tầm tìm được trong ấy hình ảnh của Trọng.
Im lặng. Chỉ có tiếng bì bõm của mái chèo đập xuống mặt sông.
NGUYỄN THÁI HẢI
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 99, ra ngày 1-1-1969)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.