Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

CHƯƠNG 3 (PHẦN II)_VŨ KHÚC TUYỆT VỜI


3


Sáng hôm đó, sáng chủ nhật đầu tiên dành cho sự trở về gia đình của Sĩ Nhân, Ngôi Nhà Hồng và ngôi vườn vang dội tiếng vui mừng của một ngày đẹp trời mùa hạ.

Những con chim sẻ cổ đỏ hót ríu rít ca ngợi mặt trời:

- Mặt trời đến kìa! Mặt trời đến kìa!

Và:

- Sĩ Nhân kìa! Sĩ Nhân kìa!

Không có mặt trời đích thực nếu Ngôi Nhà Hồng không có đủ người.

Một cánh cửa sổ của Ngôi Nhà Hồng bỗng mở rộng: một cái đầu con trai ló ra.

- Sĩ Nhân kìa! Sĩ Nhân xuất hiện kìa!

Liền lúc đó ba giọng nói vang lên:

- Sĩ Nhân! Sĩ Nhân! Sĩ... Nhân!

Minh, Vân và cả bé Bi Bi nữa đang tựa trên bức vách tường thấp ngăn cách hai nhà. Minh nói với Sĩ Nhân:

- Qua chơi! Dẫn Tuyết Trang nữa! Có bánh ngon lắm!

Chỉ một lát sau, Sĩ Nhân, Tuyết Trang và chó Ki Ki qua nhà Minh.

Hai gia đình ông Tuấn và ông Lý lúc sau này thật khắng khít. Từ ngày Sĩ Nhân bình phục trở về, cuộc sống của hai gia đình dần dần trở lại bình thường. Người ta đã bớt tung ra những lời thị phi về ông Khờ và bắt đầu quên ông để bàn luận về những vấn đề khác có vẻ hấp dẫn hơn. Trò đời là thế! Hơn nữa, nhờ thái độ của ông Tuấn, mọi người đã hết nghi ông Khờ. Ông Khờ càng ngày càng được mọi người hiểu biết kính trọng. Ông sống yên lặng hiền hòa giữa các thú vật và các cây cối của ông. Những lúc vui nhất của ông là những lúc các đứa bé của hai gia đình ông Tuấn và ông Lý đến chơi với ông.

Hôm nay, bọn Sĩ Nhân và Minh dự định đem bánh cho ông Khờ, ăn trưa và chơi trong rừng đến chiều.
Sĩ Nhân đã hoàn toàn bình phục. Cậu bé đã lấy lại được lối sống quen thuộc hằng ngày nhưng cậu bé vẫn không quên được cuộc du hành lý thú của mình.

Cậu bé vẫn thích kể lại cuộc hành trình sôi động đó mỗi lúc cậu ta nhớ đến. Theo lời khuyên của bác sĩ, mỗi lần Sĩ Nhân nhắc đến cuộc du hành vừa qua, ông bà Tuấn liền lái cậu bé sang ngay chuyện khác.

- Má! Má biết không, con đã đi giữa các vì sao …

- Con! Đừng nghĩ đến điều đó nữa...

Khi Sĩ Nhân dự định kể cho ai nghe cuộc du hành của mình, cậu bé phải im ngay trước thái độ kỳ lạ của người nghe. Không có ai tin Sĩ Nhân cả! Các người lớn đều nói Sĩ Nhân là một đứa trẻ giàu tưởng tượng.

Ô kìa! Những người lớn! Những người lớn không muốn tin những gì họ không kiểm soát được. Song le, sự kỳ diệu ở khắp nơi chung quanh chúng ta. Ai đã ngạc nhiên khi chỉ cần quay một nút là ánh sáng tràn ngập cả gian phòng? Ai đã nghi ngờ, cách đây một trăm năm, âm thanh và hình ảnh đi lang thang trong không khí như cá trong nước, và các nhà bác học đã bắt chúng bất cứ ở nơi đâu để cho chúng ta xem và nghe một cách hết sức linh động trên màn ảnh ti vi và ra-đi-ô.

Còn rất nhiều lãnh vực chưa được khám phá! Sự kỳ diệu lướt trước mắt chúng ta, nhưng muốn khám phá, chúng ta phải cần có đôi mắt trẻ thơ.

Ðây là lần đầu tiên, cậu bé trở lại chỗ đáp phi thuyền.

Chim chóc hót vang chào đón khách. Ngôi chòi của ông Khờ vẫn im lặng, nằm khiêm nhượng trong rừng...

Trao quà biếu cho ông Khờ xong, cả bọn vui vẻ dắt nhau trèo lên đồi cao, đến tận núi đá, nơi Sĩ Nhân bị té dạo nào.

Sung sướng làm sao! Mặc dù mặt trời sáng rực, những luồng gió mát vẫn làm mọi người dịu cả lòng.

- Mình hãy nghe tiếng hát của các loại côn trùng trong cánh đồng dưới kia, Tuyết Trang nói Tiếng hát như vuốt ve và dỗ Tuyết Trang ngủ.

Sĩ Nhân trả lời:

- Tuyết Trang à! Anh tự hỏi các loài côn trùng đó có thể làm được những chuyện gì?

Vừa nghe Sĩ Nhân nói, Vân cười:

- Các côn trùng cũng như chúng ta vậy, chúng tìm kiếm một chỗ đứng nhỏ dưới ánh sáng mặt trời.

- Nhỏ lắm! Tôi nghĩ các vì tinh tú lớn như thế còn không thấy được mảnh đất Việt Nam này, huống chi một con côn trùng và cả một con người! Thật là chán… Một con người, chả nghĩa lý gì hết.

- Tôi đã thấy những "chả nghĩa lý gì hết" khai thông một con đường giữa các vì tinh tú!

Cũng có những "chả nghĩa lý gì hết" mang tên Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Nguyễn Du... đồng bào của chúng ta và còn nữa, những nghệ sĩ, những bác học mà mọi người nhắc nhở đời đời. Tất cả đã để lại dấu vết khi họ đi qua... Có gì mà chán... Cuộc sống sôi nổi lắm!

- Anh sẽ mang Vân lên trên kia khi anh trở thành phi hành gia nghe anh Sĩ Nhân? Vân bỗng hỏi Sĩ Nhân.

Sĩ Nhân trả lời:

- Dẫn Vân theo? Lẽ dĩ nhiên, nhưng phải chăng ở lại địa cầu tốt hơn? Phải chăng tôi vẫn còn giữ ý định: trở thành nhà thám hiểm? Còn rất nhiều cái đẹp ở địa cầu, hành tinh quê hương của chúng ta, cần được khám phá, phải không Vân?

- Anh sẽ suy nghĩ kỹ điều đó sau! Bây giờ anh hãy kể lại cuộc hành trình trong không gian cho tụi Vân nghe đi.

- Không ai muốn tin điều tôi kể cả!

- Chúng tôi tin! Cả bọn nhao nhao nói với Sĩ Nhân.

Mỗi đứa hỏi điều chúng thích nhất:

- Bồ tả cho tôi biết các chi tiết của những cái nhà ở hành tinh Tột Đỉnh đi! Minh hỏi như thế vì cậu ta muốn trở thành kiến trúc sư.

Một tia sáng vui vẻ xuất hiện trên ánh mắt Sĩ Nhân. Sĩ Nhân nói:

- Khi bồ vẽ các bản đồ, bồ nhớ đừng quên dành chỗ cho các công viên giữa các tòa nhà và đừng quên vẽ nhà bếp, phòng ăn... Bồ biết không? Khô khan lắm! Các viên kẹo không phải là một bữa ăn ngon của một gia đình!

Tuyết Trang hỏi những chi tiết về các con vật tiền sử đi nhún nhảy trên Hành Tinh Mới. Tuyết Trang còn ở tuổi thích những cực đoan: Con bọ rùa làm cô bé thích thú, nhưng cô bé cũng đứng hàng giờ ở sở thú để ngắm con voi. Cô bé tưởng tượng hành tinh Mới giống như một sở thú khổng lồ chứa những con vật kỳ dị, những con vật khổng lồ đã làm cô bé thích thú.

Về phần Vân, cô bé thích vũ khúc tuyệt vời của các vì sao: thế giới hành tinh và thiên thể trượt chầm chậm theo một điệu nhạc vũ trụ. Tất cả đều theo một con đường đã định? Biết đâu... trong bầu trời vô cùng, có thể có những con đường ánh sáng mà chưa có một dụng cụ nào có thể khám phá được?

Thình lình Tuyết Trang la oai oái lôi mọi người trở về thực tại:

- Kiến! Kiến cắn!

- Tôi cũng bị kiến cắn!

Lúc đó, Minh đang cầm một cành cây khều một tổ kiến, làm kiến chạy tứ tung. Cậu Minh nhà ta lúc nào cũng phá!

- Mình trở về đi! Mình theo đường nào về?

- Đi theo đường mòn, con đường đó thú vị nhất!

Trời nóng như thế này mà đi theo con đường đó thì còn gì thú bằng! Con đường mòn hẹp xuống dốc núp dưới các bóng cây, hai bên đường đầy những quả dâu dại bé nhỏ đỏ hồng. Rồi con đường quay tròn và mở rộng dần... với hoa rừng muôn sắc.

Đi hết con đường mòn, mọi người sẽ đi dưới bầu trời và gặp con đường ven rừng với dòng suối êm mát... Tiếng suối reo đeo đuổi người qua đường. Có những hốc nước với những tảng đá rêu xanh nổi lên mà những bà tiên thường đến ngồi trên đó.

Vân nói:

- Không nên theo đường mòn! Các bồ không thấy mưa sắp rơi sao?

Ở núi rừng, mưa đến thật nhanh. Mặt trời bị che tức khắc.

- Nhanh lên! Sấm đã nổ từ xa rồi kìa!

- Mình chạy về chòi mau!

Mưa bắt đầu rơi mạnh. Nước chảy ào ào giữa các tảng đá. Bỗng một tia sáng nổi lên, rồi sấm nổ vang dội cả núi rừng. Cả bọn đến chòi giữa lúc mưa đang mạnh.

- Các em ăn với tôi! Ông Khờ nói.

Thế là cả bọn xúm lại ăn vui vẻ, chỉ chốc lát tất cả đồ ăn sạch bách...

Chờ mưa xong, cả bọn chào ông Khờ ra về.

Bà Tuấn và bà Lý đã chờ ở dốc đồi từ lúc nào (các bà mẹ bao giờ cũng lo lắng cho con).

Vừa thấy má, Sĩ Nhân và Minh reo vang át cả tiếng các em gái.

Và tiếng cười vang rền tận đến Ngôi Nhà Hồng.

- Các con có sao không? Hai bà mẹ hỏi.

- Không, tụi con đến kịp chòi ông Khờ giữa lúc mưa đang mạnh.

- Các con có đói không?

- Tụi con đã ăn rồi!

- Ăn với ai?

Bọn Sĩ Nhân nhìn nhau có vẻ do dự vì chúng đã ăn hết đồ ăn dự trữ của ông Khờ.

Hai bà mẹ đã đoán được hết cả mọi chuyện:

- Chắc các con đã ăn hết đồ ăn của ông Khờ rồi? Ngày mai Sĩ Nhân phải đem đồ ăn cho ông Khờ đó nghe!

Vì ngày mai Sĩ Nhân vẫn chưa đi học, nên Sĩ Nhân mới có thể đi đến chòi của ông Khờ trong rừng được. Hè đã sắp đến rồi và bác sĩ đã bắt Sĩ Nhân nghỉ cho đến tựu trường mới được đi học.

Mỗi ngày, sau bữa ăn, Sĩ Nhân ngủ trưa giữa trời. Cậu bé thích nằm dài giữa các lớp cỏ cao. Những giây phút đó không phải là vô ích: cậu bé đã rắn chắc thêm và đã học hỏi thật nhiều khi quan sát những gì xảy ra chung quanh.

Thường thường, giữa lúc sắp ngủ, Sĩ Nhân tưởng tượng mình trở thành bé nhỏ như một con muỗi và tất cả các cọng cỏ bấy giờ giống như một khu rừng dày đặc bao chung quanh cậu bé. Cậu bé lướt trên đất giữa các cọng cỏ đó...

Phía trên đầu cậu bé, những cây nấm đang rung rinh những cây lọng của những người tí hon. Người ta thoáng thấy một chút bầu trời xuyên qua một màn lưới. Giống cỏ hòa bản là một loại cây có nhiều lá run rẩy dưới mỗi cơn gió. Cây lúa kiều mạch giống như một cây dương liễu, gần một cây cỏ lùn vươn cao các nhánh ngắn giống như một cây bách dương. Phía cao, tận trên cao, ở mãi một chỗ chẻ lúa, một giọt nước đẫm ánh sáng mặt trời phóng những tia nhấp nhánh như vì tinh tú…

Ðây là một khu rừng đích thực dành cho các loại côn trùng. Sĩ Nhân nghe tiếng động chát tai của đời sống, bởi vì có nhiều sinh vật đang lay động dưới các bóng cây, sinh vật này làm việc, sinh vật kia hát, mỗi sinh vật đang theo số phận của mình...

- Giống như con người! Một giọng nhỏ thì thầm.

Sĩ Nhân phân biệt được mỗi hoạt động khác nhau. Có những thợ rèn sáu chân đang xuyên gỗ hoặc cưa các sợi. Đằng này, có những nhà quét đường đang đẩy bụi và vẽ một con đường hơi rõ trong cát. Ðằng kia, những nhà quét rửa những con bọ hung đang làm sạch những chỗ dơ bẩn. Những người thợ mỏ dế mèn, kiến đang đào những con đường hầm và những phi công ong đất, chuồn chuồn đang rù rù bay trên rừng.

- Giống như con người! Một giọng bỗng lặp lại.

Con ve sầu hòa giọng hát nhẹ nhàng của mình với nhịp điệu làm việc của các người thợ.

- Giống như con người! Giọng nói bí mật lại lặp lại câu nói.

Sĩ Nhân tự nhủ:

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tại sao những con vật bé nhỏ này lại làm việc?

- Tôi! Con kiến trả lời Tôi đào các hang để giữ trứng, và con tôi sẽ sinh ở đó.

- Tôi! Tôi tìm lương thực để nuôi các ong trẻ Một con ong nói.

- Tôi! Tôi dệt lưới để bắt lương thực cho tôi và cho các con tôi Con nhện vừa đan vừa nói.

- Tôi tìm chỗ ở cho các con tôi...

- Tôi tìm đồ ăn...

Và tất cả, tất cả, từ con rệp bé nhỏ đến con bọ rầy khổng lồ, tất cả đều có một công việc: nuôi con và tìm chỗ ở cho con.

- Giống như con người! Giống như con người! Một giọng nói thân thiết lại vang lên.

Tới phiên các cọng cỏ nói lên ý nghĩ của mình:

- Tôi sẽ vươn cao như một cây để thở.

- Tôi sẽ cho rễ làm việc để lấy chất bổ trong đất nuôi tôi.

- Tôi cho các hột của tôi chín mùi để giòng giống tôi tồn tại.

Buổi tối, các tiếng động dịu dần và im lặng. Những cái chân nhỏ đã ngừng nghỉ. Mỗi con vật bé nhỏ đã vào hang của mình và chốc lát người ta chỉ còn nghe tiếng gừ gừ nhẹ nhàng hạnh phúc.

Sĩ Nhân ngồi dậy. Sĩ Nhân đã trở về chính mình.

Sĩ Nhân tự hỏi:

- Hoàn thành số phận của mình, số phận mình sao thì mình chịu vậy, không tìm kiếm gì khác… Phải chăng đó là một hành động khôn ngoan? Không, Vân đã có lý, cuộc sống sôi nổi lắm. Con người là một sinh vật cao cấp không như những con vật khác.

Cậu bé Sĩ Nhấn đã ý thức sự nhỏ bé của mình khi tới gần "vô cùng lớn" thế giới thiên thể và đồng thời tìm lại được cảm giác vĩ đại của mình khi quan sát "vô cùng nhỏ" trong các hốc cây.

Sĩ Nhân bỗng cảm thấy mình khát khao muốn thực hiện những công việc lớn lao, đội đá vá trời, muốn trở thành một Albert Einstein làm vinh quang Việt Nam và địa cầu.

_______________________________________________________________________ 

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>