Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Cây Đinh Rỉ


Biếc thò tay xuống ao để móc những củ súng đem lên bờ. Nó lôi theo cả đám lá lòng thòng chất thành một đống và lớn tiếng gọi:

- Mẹ ơi như vậy đã đủ chưa?

Mẹ nó gật đầu và quệt hai tay vào quần. Bà vừa cất một cái vó ở ao nhà và đem những con tôm trắng đục bỏ vào rổ.

- Con đi chơi được chưa, má?

Bà Tư nhìn Biếc và lắc đầu:

- Không, mày không thể đi chơi được.

- Nhưng trời đẹp quá…

- Ra ngoài ruộng mà bắt ít nòng nọc về cho bố mày cắm câu.

Biếc im lặng. Một cảm giác nặng nề làm nó khó chịu. Mặt nó nhăn lại, trông nó giống bà lắm, nhất là vừng trán và đôi mắt to có vẻ ranh mãnh.

Nó chỉ mong một cái gật đầu của bà để chạy đi xem con khỉ nhà ông Năm Giò, hoặc ra ngoài sông bơi lội. Thế mà bà lại lắc đầu. Nó cảm thấy chán nản, và ném mạnh một cục bùn dính ở chân xuống ao. Nó đi vào nhà vớ lấy cái rổ, cái lon, rồi trở ra đồng. Biếc cũng không quên liếc trộm mẹ nó một cái xem bà có chú ý đến nó không. Nhưng không, bà Tư vẫn chăm chú nhặt gạo và thỉnh thoảng lại quay đầu trông chừng con em nó. Đứa bé này đang lững thững đi lại trước thềm.

Thế là hết! Nó thất thểu ra đồng và thấy mình thật là bất hạnh. Đang buổi ban mai đẹp trời lại phải đi làm những công việc nản lòng. Trời đã sang tháng hai. Buổi sớm mai ở đồng quê có cái vẻ dịu dàng của những đám mây nõn như tơ. Trời thì xanh ngát, không khí đầy hương cỏ và mạ non. Những ao ngòi gặp gió thổi, lăn tăn từng gợn nước. Đám cỏ lau xa xa phất phơ những cái đầu mềm mại.

Tiếng cá quẫy nước vang lên trong cái im lặng của đồng ruộng. Ở đây cá lóc, cá rô nhiều lắm. Thỉnh thoảng Biếc vẫn trông thấy một đàn cá lóc con đỏ ngầu như kiến lửa. Chúng lừ đừ, nổi lên mặt nước, nhưng bao giờ cũng có cá mẹ ở gần đó. Nó khôn ngoan ẩn mình sau lau lách ngập sâu bùn.

Những cái ao đầm ở đồng quê thì đầy vẻ huyền bí đối với đứa trẻ con. Nơi ấy có những con lươn quằn quại trong vũng nước tối tăm, những con cua, con rắn nước và cả những cây súng. Bông súng màu hồng phơn phớt nở ra làm tăng thêm vẻ đẹp điền dã.

Thỉnh thoảng Biếc vẫn lượm được một miếng da rắn trong một khe đất nứt nẻ. Nó hin hít và thấy có mùi tanh khó chịu.

Những ý nghĩ bâng quơ nào đó thoáng hiện qua đầu óc đứa trẻ rồi lại trôi đi mất. Nó lững thững đi trên con đường đất thẳng tắp, một bên là ruộng, cỏ xanh rì, một bên là những khóm nhà lá màu nâu dợt. Chân bước thật chậm, nó muốn kéo dài những giây phút nhưng không trước khi phải bắt tay vào việc đi bắt nòng nọc.

Một người đàn ông tiến về phía nó. Ông ta vừa đi vừa nghển cao cái cổ lên để nhìn ngang dọc. Người ông xác xơ như thằng bù nhìn ngoài ruộng. Đây là một người bắt chim – Biếc nghĩ thầm thế. Nó tò mò đứng lại dòm. Người đánh bẫy chim cũng ngừng xe. Ở yên sau Biếc thấy một cái bẫy lớn xem ra như một cái chuồng gỗ.

Nó rất ngạc nhiên không hiểu những con chim, vốn rất sợ sống trong lồng, lại đâm đầu vào cái chuồng này. Trong cái bẫy lúc nhúc những con chim sẻ đuôi nâu, những con bìm bịp kêu từng hồi rền rĩ. Biếc nghĩ cái lồng trông hao hao một cái cũi giải tù. Nó ghé mắt gần quá đến nỗi trông rõ cả những đôi mắt ngơ ngác của bầy chim.

- Ông bắt cả chim sẻ nữa à?

- Để bán ấy mà.

- Có người mua không ông?

Có chứ, các ngày rằm, hay là người ta mua làm thịt.

Biếc hiểu ra. Nó vẫn thường thấy những bà đi mua cá hay chim chóc để phóng sinh vào các ngày rằm lớn.

Vừa lúc đó một lũ trẻ tiến về phía người đánh bẫy chim. Biếc hỏi:

- Tụi mày đi đâu vậy?

- Ra sông lội. Ai đó, mày?

- Một người đánh bẫy chim.

- Lại xem đi.

Lũ trẻ bắt đầu bu lại. Thằng Liêm bám hẳn vào xe đạp. Thằng Ốm thì thò một ngón tay vào lồng xem có bị chim mổ không. Em nó lại táy máy hơn nữa, reo lên ầm ĩ và nó rờ rẫm chiếc lồng một cách khoái trá.

Bỗng nắp lồng mở ra, lũ chim chừng dăm con bay đi như tên bắn. Người đánh bẫy chim cốc vào đầu đứa trẻ và đóng bẫy lại.

- Thôi các ông mãnh này, đi hết đi cho ta làm ăn chớ…

Nhưng những đứa trẻ vẫn không chịu rời.

Chúng vẫn bám sát nhìn cái lồng chim lom lom. Cuối cùng ông ta phải dẫn xe trở ra đường cái.

- Biếc! Mày chưa đi hở?

Tiếng mẹ nó gọi vang lên the thé. Biếc giật thót mình vớ lấy cái rổ và cái lon lăn lóc dưới chân. Nó ngoái đầu lại nhìn bà Tư một cái rồi ù té chạy.

Thoắt một cái nó đã ra đến vũng nước gần ngôi mả. Vũng này có cỏ mọc khá rộng, khi Biếc đến nơi thì có một con nhái lao vụt vào bụi cỏ mất tăm.

Biếc thất vọng ghê gớm. Bao nhiêu trò chơi hứa hẹn nó. Thế mà bây giờ phải ra bắt nòng nọc. Một công việc chẳng có gì hứng thú.

Nó ngâm rổ xuống nước và lấy tay quấy lên cho đàn nòng nọc chạy tán loạn. Nhưng tuyệt nhiên không có đến một con. Chỉ có một chú cá rô còn bé bằng đầu ngón tay út giẫy giụa. Nó thả lại vào nước và tức giận dậm chân cho nước đục lên. Chân nó mát lạnh. Biếc thơ thẩn lội về phía bên kia vũng nước.

Những cơn gió thổi về mát rười rượi báo một ngày đẹp đẽ làm biếc thêm chán nản. Nó nhớ đến những công việc mỗi ngày mẹ nó sai làm, khi thì phải giúp ông Tư nhổ cỏ, khi thì ra ao vớt bèo hay tìm đàn vịt đi lạc… Có những việc làm chẳng lấy gì làm nặng nhọc, nhưng Biếc nản lòng vì nó không còn được rong chơi thơ thẩn như lúc trước. Độ này nó bắt đầu phải làm lụng nhiều và mẹ nó có vẻ gắt gỏng khó khăn hơn. Nó nghĩ đến một lũ em ngớ ngẩn vô tích sự để đến nỗi chỉ toàn nó chịu sai bảo.

Biếc bắt đầu đi một cách chầm chậm. Một tay để rổ nghiêng nghiêng trong vũng nước, một tay lùa đi làm thành một đường rẽ sóng. Hai con! Biếc nhấc rổ lên và đổ nòng nọc vào lon.

Nó tiếp tục dò dẫm từng bước trong vũng nước. Thỉnh thoảng nó lại ngắt một ít củ năng và nhấm nháp rất ngon lành.

Đến lúc cái lon đã lúc nhúc nòng nọc thì Biếc ngưng tay. Nó nhìn trời và thất vọng ghê gớm. Nắng đã gắt, trời thì đứng gió và giờ ăn cơm có lẽ cũng sắp đến.

Nó lội trở lại bờ nhưng được một đoạn thì cảm thấy chân mình đau nhói. Biếc nhắc hẳn lên để dòm vào lòng bàn chân. Một vệt máu loang ra làm nó hốt hoảng. Nó mò tay xuống nước và vớt lên được một cái mảnh sành. Ít ra cũng không phải một cái đinh. Vết thương do mảnh sành gây ra không nặng lắm. Biếc thở phào nhẹ nhõm và leo lên một mô đất. Nhưng nhìn đến đám nòng nọc chen chúc Biếc nghĩ đến mẹ nó và bỗng cảm thấy giận dỗi vô cùng. Cổ họng nó chợt nghẹn lại và mắt thì đỏ hoe, cay cay.

Nó nghĩ đến lúc về nhà thể nào cũng phải cho mẹ nó xem cái chân chẩy máu. Lúc ấy chắc bà sẽ hối hận vì đã sai nó quá nhiều công việc. Các nếp nhăn trên mặt bà chắc sẽ trùng hẳn xuống. Nó có lý do để mà hờn dỗi, để mà trách móc mẹ đã “đày đọa” nó khốn khổ.

Nó quẹt nước mắt, vươn vai một cái và lững thững đi. Được một quãng nó trông thấy một cái đinh rỉ. Biếc cầm lên ngắm nghía và đút vào túi. Cái đinh gây nên một vết thương chảy máu sẽ làm mẹ nó mủi lòng hơn…

*

Biếc trở về nhà, chân tập tễnh như một người tàn tật. Thật ra Biếc cũng chẳng còn đau gì nữa nhưng nó cứ muốn kéo dài cái vẻ đau đớn cho bõ tức. Nghĩ đến một buổi sớm êm đẹp sau những ngày mưa chán nản đã trôi qua vô vị, nó cố bước đi một cách khó khăn hơn.

Khi về đến nhà, Biếc thấy mẹ nó đang hì hục nâng cái vó nặng nề lên khỏi mặt nước. Mặt bà trông thật mệt nhọc, tóc thì lòa xòa xuống trán và phải khó khăn lắm mới đứng vững được bên bờ ao. Bà đã có mang nên những bước đi thêm phần nặng nề. Lại mấy lúc này bà hay đau yếu luôn, mặt trông xanh lắm.

Tự nhiên Biếc vứt cái đinh xuống đất và chậm rãi tiến về phía mẹ. Nó đã ráo nước mắt và bước đi ngay ngắn lại.

Bà ngửng nhìn nó, hỏi:

- Sao, con về đó hả?

- Dạ, con bắt được nhiều nòng nọc lắm. Nhưng mà…

- Sao vậy?... Thôi, cho con đi chơi, không sao cả.

- Nhưng con còn phải làm gì không má?

- Không! Như vậy đủ rồi con ạ.


NGUYỄN TỊNH  

 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 195, ra ngày 15-2-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>