1
Buổi
chiều hôm qua chúng nó họp nhau ngoài vườn bà Ba Lẫm. Cũng như mọi lần,
thằng Lê đóng vai “chủ tọa”, mấy đứa kia có thằng Bảnh, thằng Côn,
thằng Lành – toàn là học trò lớp nhất – đóng vai “hội thảo viên”. Cả bọn
thích mấy cái “chức” chúng phong cho nhau đó lắm. Chả là thằng Lê vốn
là con ông Trưởng Ấp, thường thấy ba hội họp nên bắt chước, cũng hội
họp, cũng chủ tọa, cũng hội thảo với lũ bạn. Ngày thường, chúng nó chỉ
họp nhau ngoài đồng vào những chiều tắt nắng, trái lại lần này, bốn đứa
hẹn nhau đến vườn bà Ba Lẫm, cô ruột thằng Lê, từ khi vừa tan học.
Cả bọn ngồi dưới gốc soài to bằng hai ôm tay nhai ổi thật ngon. Thằng Lành nhồm nhoàm một miếng ổi lớn vừa nhai vừa nói :
- Ổi cô Ba ngon quá há bay, tao ăn tới trái thứ hai rồi mà còn thèm…
Thằng Lê cười không nói nhưng thằng Bảnh móc :
- Mầy có muốn xin mấy trái đem về thì xin cho rồi, ở đó bày đặt khen…
- Có mầy thèm chớ ai ! Thằng Lành cự.
Thấy hai đứa muốn cãi nhau, thằng Lê phải giảng hòa :
- Tao kêu bay tới đây để nói chuyện chớ để bây cãi lộn hả ?
Lời
nói của nó có uy lực vô cùng, hai đứa kia nín khe. Dù sao nó cũng là
hạng đàn anh kia mà ! Trong Ấp nầy, tụi trẻ cỡ tuổi chúng nó có đứa nào
hơn thằng Lê được. Nó là con ông Trưởng Ấp, còn đứa nào hơn ? Nó học
giỏi hạng nhất bọn lớp nhất, còn đứa nào hơn ? Cái gì nó cũng nhất chứ
bộ… Nhưng… có một cái, chỉ trừ một cái, phần thưởng đạo đức mà năm nào
cũng về tay thằng Hòa, thằng bé di cư hiền ngoan nhất trường. Lê biết vì
sao nó không được phần thưởng đạo đức trường phát hàng năm lắm chứ. Tại
các thầy cô không ưa nó mà. Lý do rất giản dị là vì Lê có một cái
“không hay” trong cái gọi là đạo đức của nó.
Bốn đứa họp nhau hôm nay cũng vì cái “không hay” ấy.
Nắng còn chưa tắt, le lói len qua kẽ lá đến chỗ chúng nó. Lê nhìn lũ bạn, cái chấm nắng trên người nó lệch qua một bên, nó nói :
- Tao có chuyện này hay lắm bay ! Tao có cách khác chọc cha giáo Bảy rồi…
Thằng Côn im lặng nãy giờ mới lên tiếng :
- Cách gì mày ? Bộ không đóng kịch “què giò” nữa hả ?
- Ờ ! Bỏ kịch đó sao mày ? Uổng quá !
Lê không trả lời ngay, nó lên giọng hỏi :
- Bay biết ca không ?
- Tao thì dư sức, vọng cổ sáu câu hả ? Thằng Lành nói.
- Còn tao ca tân nhạc khỏi chê, lần phát thưởng nào mà không có giọng “oanh vàng” của tao. Thằng Côn vênh mặt khoe.
- Tao hỏi cho có vậy chứ ai không biết bay ca hay. Tao có bài ca này hay mà ngắn lắm, có hai câu hà…
Thằng Bảnh thắc mắc :
- Mà chuyện ca hát dính líu gì tới chuyện kia ?
- Bay chưa biết ý tao, để tao ca cho nghe một lần là bay hiểu liền.
Rồi không đợi ba đứa kia đồng ý, Lê lấy giọng ca :
- … Một… hai… ba… thằng cha bán kẹo què giò… còn một giò đi kéo xe lôi… một… hai… ba…
Ba đứa bạn vỗ tay cười khen :
- Tưởng gì chớ vậy dễ ợt, tao mới nghe là thuộc liền…
- Mà nè Lê, ai chỉ mày vậy ?
Thằng Lê chỉ tay về phía nhà bà Ba Lẫm :
- Cô Ba tao chớ ai, cổ nói mình ca hát vậy cha giáo Bảy không nói gì được mà còn tức hơn hồi trước mình làm kịch “què giò” nữa.
- Cô Ba giỏi thiệt hén ! Thằng Côn khen rồi đưa ổi lên cắn một miếng tự thưởng. Miếng ổi bị nhai rồn rột nghe bắt thèm.
Thằng
Lành nhai ổi theo vừa ca khẽ : “Một… hai… ba… “, tụi kia bắt giọng ca
theo câu hát đượm đầy ý nghĩa với ông giáo Bảy, người chịu bao cay đắng
vì nghiệp giáo của mình.
2
Hôm
nay tôi bắt đầu đi học. Cậu mợ tôi không muốn tôi ở nhà để cứ “nghịch
ngợm mãi”, cứ “đánh nhau với thằng Tâm”, hay cứ “leo lên cây soài rồi
ngã gãy chân đấy”. Nhà tôi dọn về Ấp sáng hôm qua. Lúc theo cậu xuống
văn phòng Ấp, tôi có xem qua trường học rồi. Ngôi trường xây gạch lợp
tôn có bốn phòng đủ cho sáu lớp thay đổi sáng chiều ; phòng ngoài cùng
là văn phòng, rồi đến phòng lớp mẫu giáo và lớp ba, phòng lớp năm và lớp
nhì, cuối cùng, phòng lớp tư và lớp nhất. Tôi xem trường vào buổi sáng
nên chỉ thấy bọn trẻ nhỏ học hành chứ chưa biết mặt bọn học lớp nhất,
bọn bạn sau nầy của tôi. Tôi cũng chưa biết mặt thầy hay cô giáo mới, vì
lúc cậu tôi vào xin ghi tên cho tôi, chỉ có ông hiệu trưởng, một nhà
giáo trẻ chỉ khoảng ba mươi. Ông xem qua học bạ cũ của tôi ra chiều hài
lòng lắm. Cậu tôi hãnh diện vô cùng.
Học
buổi chiều thật khó chịu. Thôi thì đủ thứ bực mình : trời nắng chang
chang, mặt đường nóng bỏng, lại còn cơn buồn ngủ nữa chứ ! Từ giờ trở đi
chả còn được “nằm thẳng cẳng đánh một giấc” như lúc còn ở tỉnh nữa.
Trường cách nhà tôi tới hơn nửa cây số, lại không có chỗ để xe, thành ra
tôi phải cuốc bộ. Lâu lắm mới đi bộ tôi thấy mỏi cả hai chân. Nếu không
có ý mong đợi sớm được gặp thầy hay cô mới, gặp tụi bạn mới thì có lẽ
tôi chả sao bước được. Tôi đến trường sớm hơn giờ học chừng nửa tiếng mà
trong lớp đã thấy bóng dáng và tiếng cười của vài đứa rồi. Chúng nó
đang ca hát gì đó thì phải. Nắng nhẹ đi, màu đất sậm
hơn nhưng không có chút gió nào.
Tôi
dừng chân trước cửa lớp, ngập ngừng muốn nói với một đứa ngồi đầu bàn
lại thôi. Tất cả có năm đứa. Bốn đứa kia đang quây quần ca hát. Một
thằng đang vào vọng cổ, nó xuống thật mùi. Tôi bật khen : “Hay quá”.
Nghe tiếng tôi, năm đứa cùng quay ra cả. Đứa ngồi đầu bàn nhìn tôi cười
toe toét hỏi :
- Mầy “ma mới” hả, lớp nào đó ?
- Lớp nhất, phải lớp nầy không anh ?
Bốn đứa kia nghe trả lời ùa ra vây lấy tôi bắt chuyện :
- Ê mầy, tao là Lành nè, mầy nghe tao ca sáu câu mùi không ?
- Lính mới tên gì, báo danh đi.
- Tôi tên Quân.
- Ý ngộ quá bay ơi, lính mới tên Quân, quân lính…
Một
đứa cao lớn nhất bọn thốt. Nó giới thiệu tên Lê, ba đứa kia ngoài thằng
Lành ca vọng cổ ra là thằng Côn, thằng Bảnh, thằng Hiền trưởng lớp.
Đoạn, Lê quay sang chất vấn tôi :
- Mầy ở đâu về đó… quân lính ?
- Lúc trước nhà tôi ở trên tỉnh, nhưng cậu tôi nói thiếu đề tài mới dọn xuống đây.
- “Cậu” mầy làm gì mà thiếu đề tài ?
- Viết văn.
- Hồi ở tỉnh mầy học trường nào ?
- Trường N. D. mấy anh biết không ?
- Mầy học ở N. D. hả, bộ chì lắm sao ? Thường mầy đứng hạng mấy ?
- … cũng thường thôi…
Tôi
muốn trả lời rằng khi học ở N. D. tôi không biết con số nào ngoài con
số một, nhưng lại sợ tụi kia không tin, hay bảo mình khoe nên thôi. Vả,
nói chuyện với nhau mà cứ như chất vấn, tôi không ưa mấy, tuy tôi vẫn
phải làm theo lời mợ căn dặn : “Nói chuyện cho tử tế không chúng nó thù
thì khốn, lại đánh nhau”. Mợ tôi bao giờ cũng thế, chỉ sợ đánh nhau, ở
nhà thì sợ đánh nhau với thằng Tâm, ra trường lại sợ đánh nhau với bạn
học, mà tôi, tôi có sợ đánh nhau tí nào đâu !
Chúng
tôi càng lúc càng trò chuyện thân mật hơn. Có thêm mấy thằng nữa mới
vào, chuyện lại thêm dòn. Bỗng thằng Lê nhìn ra ngoài cổng trường, huých
tay thằng Lành ngồi cạnh nói :
- Ê Lành, cha giáo Bảy tới kìa !
Đoạn quay sang hỏi tôi :
- Mầy biết ca không ?
Tôi lắc đầu dù chẳng những hát mà tôi còn biết cả đàn nữa. Lê không để ý, nói như ra lệnh :
- Ca đi bay…
Ba
thằng Lành, Bảnh, Côn cất giọng theo Lê ca vang : “… Một… hai… ba…
thằng cha bán kẹo què giò… còn một giò đi kéo xe lôi”. Bốn thằng hát
theo bốn giọng khó nghe vô cùng nhưng vẫn rõ từng tiếng một. Tôi để ý
thấy cả bọn vừa hát vừa nhìn ra cổng nên dõi mắt nhìn theo. Dưới cơn
nắng trưa oi ả, một người tàn tật chống nạng đi khập khễnh về phía văn
phòng. Ông có gương mặt thật phúc hậu, nhìn qua đã sinh lòng cảm mến
rồi, có lẽ là “cha giáo Bảy” thằng Lê nói khi nãy. Ông đi ngang lớp, bốn
đứa hát nhỏ đi vừa vỗ tay theo như muốn che giấu. Nhưng ông vẫn phải
nhíu mày, rồi bước nhanh như chạy trốn, chiếc nạng gõ xuống nền xi măng
nghe cồm cộp. Tôi
bỗng thấy giận mấy đứa bạn mới, giá chúng là bạn thân, tôi đã chẳng
ngần ngại thoi mỗi đứa một cú rồi, không, nhiều cú là khác. Chúng nó
càng đáng giận hơn khi ông Bảy bước vào lớp học, lớp chúng tôi, lớp
nhất. Đấy, thầy giáo mới của tôi.
3
Trong
Ấp này, không ai không biết thân thế ông giáo Bảy. Gia đình ông giáo
vốn là một trong những gia đình kỳ cựu trong Ấp từ khi còn là một ngôi
làng nhỏ. Cảnh nhà lúc trước cũng khá giả, cũng nhà cửa, ruộng vườn, đến
đời ông giáo thì đã sa sút, phải vay mượn thêm mới đủ dùng. Lúc ấy, bà
giáo vẫn còn sống, chứ từ khi bà vô phần mất đi, ông giáo phải sống
những chuỗi ngày khổ cực vô cùng để nuôi thằng cu Tám, con trai duy nhất
của ông. Nhìn cảnh gà trống nuôi con của ông giáo, ai cũng thương xót
nhưng chẳng giúp đỡ được gì, bởi trong Ấp, ngoài gia đình ông Trưởng Ấp
ra, ai nấy đều chỉ đủ ăn. Mọi người giúp ông giáo được mỗi một việc : là
đề
nghị cho ông được tiếp tục dạy học dù bị tàn tật hồi năm rồi, trên
đường ông ra tỉnh. Ông giáo không phụ lòng bà con, cố gắng dạy dỗ lũ trẻ
tận tình. Năm vừa qua, trong Ấp có tới ba đứa học trò đậu vào đệ thất
trường công trên tỉnh, quả là hãnh diện cho ngôi trường nhỏ nầy.
Đây
là về đời sống vật chất cứ kể như ông giáo đủ sống qua ngày đi, nhưng
về tinh thần, không lúc nào ông được yên ổn. Lúc thì lo nghĩ về tương
lai cho cu Tám, lúc lo nghĩ về mình ngày một chồng chất tuổi già, nhưng
nhất là luôn bị ám ảnh bởi cái chân tàn tật của mình. Cũng chính nó, ông
giáo phải nhận nhiều sự khinh khi của vài kẻ trong Ấp, trong số có bà
Ba Lẫm. Không hiểu sao bà Ba vẫn nuôi sự thù hằn với bà giáo mãi để trút
cái thù hằn đó vào ông giáo. Ông giáo nhớ lại cảnh đùa giỡn của lũ
thằng Lê mà ứa nước mắt, tuy ông vẫn biết bọn trẻ không có ác ý gì lắm
như người cầm đầu lũ nó trong việc không mấy đẹp kia, bà Ba Lẫm.
Bà
Ba càng ngày càng thâm độc hơn. Năm rồi, thằng Lê mới học lớp nhì, mới
chỉ dám đứng xa nói với tụi bạn : “Cha giáo Bảy bị què giò rồi sao người
ta còn cho dạy học bay há ?” rồi mấy đứa cười to huyên thuyên trả lời
cho việc không may của ông giáo. Qua năm nay, Lê lên lớp nhất, lớp ông
giáo, tưởng đâu nó sẽ vì trọng thầy mà chừa bỏ tính xấu, trái lại, Lê
còn hơn cả trước kia, tụ bè kết đảng làm nhiều trò chế nhạo cái chân què
của ông giáo một cách vô tâm. Ông giáo chỉ cắn răng chịu đựng.
Có
nhiều lúc, ý nghĩ trừng phạt đứa học trò hư hiện ra rồi lại mất đi
nhanh chóng. Đành rằng thiếu gì cớ để phạt Lê, thiếu gì cơ hội để phê
điểm xấu cho Lê, nhưng lương tâm không cho phép ông giáo hành động như
thế. Đằng khác, Lê học giỏi nhất lớp kia mà ! Ông giáo có lần được nghe
bàn tán về việc Lê vẫn được đứng nhất dù luôn chọc phá thầy. Các thầy
các cô khác, họ cho là ông giáo sợ thế lực của ông Trưởng Ấp nên mới bấm
bụng cho con ông ta điểm lớn. Ông giáo vẫn lặng thinh, ai hiểu được
lòng ông bằng chính ông. Bởi ông giáo nghĩ Lê học giỏi, dĩ nhiên nó được
hưởng điểm cao, được đứng nhất, còn việc kia là chuyện khác, đấy là vấn
đề hạnh kiểm, thằng Lê có bao giờ được đến năm điểm hạnh kiểm đâu ?
Ông
giáo sửa kính nhìn qua học bạ cũ của đứa học trò mới và gật gù. Đã từ
lâu ông hằng mong ngày này, ngày lớp học ông có một đứa học trò khá, khả
dĩ khiến thằng Lê phải đứng xuống hạng nhì là ông giáo mãn nguyện lắm
rồi. Mãn nguyện vì đã trả thù (!) được những người quấy phá ông dù sự
“trả thù” kia chả có chút nghĩa lý nào. Có người sẽ bảo ông giáo lạ đời,
chuyện thằng Lê sụt hạng, giả sử có đi nữa, thì ăn nhập gì trong việc
trả thù của ông. Phải ở hoàn cảnh ông giáo mới biết, khi người ta căm
hận ai mà không làm gì được kẻ đó thì thật khó chịu, lúc nào cũng chỉ
muốn kẻ đó gặp chuyện không may để đỡ bực tức. Ông giáo cũng
vậy, nhìn mãi những con số một suốt mấy tờ học bạ rồi ông giáo chợt
cười, nói một mình : “Để rồi xem”.
4
Buổi
học hôm ấy, ông giáo dành đến phân nửa thì giờ cho việc thử sức học của
tôi. Tụi kia được ngồi không thật sướng trong lúc tôi sợ xanh mặt.
Thằng Lê ngồi dưới bực lắm thì phải vì cứ sau mỗi câu trả lời của tôi,
lại có tiếng nó thầm thì với đứa ngồi cạnh “Cái đó tao cũng biết”, hay
“Sao thầy hỏi dễ vậy ?”. Tôi biết dụng ý những câu nói đó, chả là Lê sợ
mất mặt với bạn bè vì những câu ông giáo hỏi tôi, bọn kia không biết.
Vả, còn để lên mặt với bọn con gái cùng lớp nữa chứ. Hết hỏi bài lại đến
hỏi toán. Ông giáo thử tôi :
- 11 nhân 11 là mấy ?
-
121. Tôi buột miệng ngay không suy nghĩ, vì bài toán nhân quá thông
thường ấy tôi đã thuộc từ lâu và xếp vào loại “tính nhẩm”. Ông giáo như
biết tôi thuộc nhiều những con số thông thường ấy mới hỏi tiếp :
- 25 lần 25 là mấy ?
- 625
- 12 lần 12 ?
- 144.
Ông
giáo cười hài lòng lắm. Tôi khẽ liếc xuống dưới lớp. Thằng Lê vừa buông
bút xuống nói khẽ : “Sao nó thuộc hay vậy hé ?”. Rồi nó nhìn lên tôi ra
chiều ganh ghét. Tôi quay lại vừa lúc ông giáo cho về chỗ. Ông giáo cho
tôi 9 điểm trong cột trả bài, số điểm mà lúc còn học trên tỉnh, tôi chỉ
kiếm được mỗi khi làm toán ! Thằng ngồi bên tôi tên Hòa, quay sang tôi
khen : “Mày chì quá”. Tôi khiêm nhượng : “Tôi sợ hết hồn”.
Buổi học được tiếp tục bằng bài luận văn. Tôi chỉ làm dàn bài rồi làm bài luôn vào giấy. Thằng Hòa hỏi :
- Sao mày không làm nháp, coi chừng thua thằng Lê à, nó làm luận hay lắm.
- Tôi làm thế này quen rồi, mà sao Hòa cứ sợ thua điểm Lê…
-
Tao có bao giờ hơn điểm nó đâu, cái gì nó cũng hơn, không một điểm cũng
nửa điểm. Chỉ có điểm hạnh kiểm là tao nhất. Thôi làm đi kẻo không kịp
giờ.
Im
lặng. Cả lớp chìm vào suy tưởng. Có đứa cắm cúi viết, có đứa cắn bút
suy nghĩ. Ông giáo Bảy ngồi yên nhìn lũ học trò. Cũng như những lần làm
luận trên trường N. D. tôi góp bài trước tiên. Thằng Hòa ngạc nhiên :
“Sao mau vậy mày, tao còn chưa hết thân bài”. Ông giáo cho tôi về sớm.
Lúc ôm cặp đi ngang bàn đầu, tôi liếc lại phía sau, dãy bên kia, Lê đang
cắm cúi viết, bên này, có đứa con gái lén nhìn tôi, con bé đang cắn bút
nghĩ. Về sau tôi biết, con bé tên Thùy.
5
Chỉ
một tuần lễ đầu, tôi đã chiếm trọn cảm tình của bọn bạn mới. “Thần
tượng” Lê của chúng khi xưa đã rung rinh rồi, có lẽ sắp bị hạ xuống.
Hiền trưởng lớp lén cộng điểm cho tôi bảo Lê kém tôi những năm điểm, rồi
thêm : “Có lẽ tháng nầy mầy giật hạng nhất của thằng Lê rồi”. Tôi cười.
Bọn bạn mới bảo tôi hiền quá, lại ít nói và không kiêu căng như Lê. Tôi
cũng chỉ cười, tự nghĩ : mình mà hiền, tụi nó biết đâu mình đã từng dự
những trận đánh nhau đến tím mày tím mặt. Mình mà ít nói, mình đã chả
ngồi tán dóc với tụi bạn trên N. D cả tiếng vào hôm thầy nghỉ là gì.
Mình không kiêu căng ư ? Chưa chắc đâu. Có điều tôi biết tôi ít
nói thật. Cũng bởi cái điệp khúc của mợ : “Nói chuyện cho tử tế kẻo
chúng nó thù thì khốn, lại đánh nhau”.
Tôi
nhớ rõ lần làm quen đầu tiên của bọn bạn với tôi. Hôm ấy, ông giáo cho
toán về nhà làm. Bài toán khó quá, tôi mò mẫm cả tiếng không ra, đến
đêm, lúc lim dim sắp ngủ, tôi mới nghĩ ra cách làm. Mừng quá, tôi vội
nhỏm dậy làm bài khiến cậu phải kêu : “Cái thằng đi ngủ rồi còn thức dậy
làm gì thế ?”. Nhưng câu trách ấy chả ăn thua gì hết vì đến trường tôi
được một phen sung sướng. Lành hỏi tôi câu đầu tiên, giọng ngượng ngùng :
“Mầy làm ra toán không, Quân ?”. Tôi gật đầu hỏi lại : “Lê không làm
được à ?”. Lành đáp : “Không biết, nó nói hôm nay bệnh không đi học”.
Một ý nghĩ xấu về Lê thoáng hiện trong tôi. Lê nghỉ học vì không làm ra
toán
chứ không phải vì bệnh ? Dù vậy, ý nghĩ này cũng chấm dứt ngay vì thằng
Lành lên tiếng gạ : “Cho tao chép nghe Quân ?”. Tôi lại cười. Thế là
hôm ấy cả lớp, trừ một số đến muộn không kịp chép, chuyền nhau bài làm
của tôi. Thằng Hòa với con Thùy chỉ xem nhưng không chép. Hòa thì mượn
tập của tôi ngồi xem. Thùy chỉ xem tập chép lại của một con bạn, có lẽ
con bé xấu hổ.
Đến
giờ học, tôi nhìn quanh lớp. Những đứa chép được bài thì hí hửng lắm
trong lúc những đứa kia xanh mặt. Có đứa cứ cúi mặt xuống vờ xem sách vở
để thầy khỏi chú ý mà kêu lên sửa toán. Nhưng tất cả đều vô sự, ông
giáo biết bài toán khó nên sửa cho học trò. Thằng Hòa, con Thùy đắc
thắng trong buổi hôm ấy ! Tuy thế, Hòa cũng quay sang tôi, nó nói câu
nói hôm nào : “Mầy chì quá”.
Cũng
như tôi, em trai tôi nổi nhất lớp tư. Tâm có kể cho tôi nghe chuyện nó
làm ra bài toán trước thằng cu Tám, con ông giáo Bảy, cũng là đứa dẫn
đầu lớp tư. Nhưng Tâm học bài thua cu Tám, toán kém một điểm. Hai đứa có
vẻ thân nhau lắm, có lần Tâm đã dẫn cu Tám về nhà chơi.
Hôm
ấy là ngày chủ nhật. Mọi người trong nhà tôi đều có mặt đầy đủ. Thường
cậu tôi hay cho ca hát suốt buổi sáng, xen vào đó là một chầu bánh rán.
Cu Tám đến nhà tôi đúng ngày chủ nhật có “cái thường” ấy. Cậu tôi ngồi
trên ghế mây rung đùi, chả nói gì cả, có lẽ đấy là cái thú riêng của cậu
cũng nên. Mợ tôi rán bánh dưới bếp. Ba đứa chúng tôi ngồi bệt dưới nền
nhà bừa bãi mấy bản nhạc. Tôi đàn bài “Khỏe vì nước”, thằng Tâm hát
theo. Một lúc, cu Tám cũng hòa nhịp sau cái huých tay của Tâm. “… thanh
niên ơi hồn thiêng núi sông đợi chờ, nơi tay ta toàn dân ngóng trông
từng giờ… “ Bài hát dứt, tôi chế cu Tám : “Cu Tám ca giống ễnh ương kêu
quá, còn Tâm, Tâm giống như bò rống vậy”. Thế là Tâm nhào tới thoi tôi
một đấm ngay hông, tôi không chống đỡ được vì còn vướng cây Mandoline
trên tay, đành lãnh đủ. Cu tám biết tôi đùa mới nói : “Chắc anh Quân ca
hay lắm, mà hay bằng… nhái bén kêu không ?”. Cậu tôi đang nằm yên bỗng
bật cười, tôi cười theo vừa nói : “Bằng”. Rồi tay đàn, miệng hát làm
thằng Tâm, cu Tám bắt trớn theo : “… Hát hay không bằng hay hát… “.
Đến
cuối tháng, mợ tôi lại một lần phải rán bánh. Hai anh em tôi cùng đứng
nhất. Thằng Tâm kêu cả cu Tám lại ăn vì hai đứa nó đồng hạng. Tôi thì
chả dám kêu đứa nào. Thằng Lê bị xuống hạng nhì đang tức mình, thằng
Hòa, con Thùy cũng thế, đang hạng nhì, hạng ba phải xuống hạng ba, hạng
tư. Những đứa khác lại không thân mấy. Bữa bánh rán hôm ấy có năm người.
Cu Tám vừa ăn vừa bảo :
- Anh Quân hạng nhất là tháng này anh Lê mất một trăm rồi.
- Sao lại thế ? Tôi hỏi.
- Tại đứng hạng nhì ông Trưởng Ấp đâu cho nữa.
Tôi chợt hiểu. Cậu tôi nửa đùa nửa thật hỏi anh em tôi :
- Con người ta đứng nhất được tiền, còn hai đứa chỉ được vài cái bánh rán, thế hai đứa thích tiền hay thích bánh rán ?
Hai anh em cùng trả lời :
- Ăn bánh rán ngon hơn chứ !
Cậu tôi hài lòng lắm, mới hỏi cu Tám :
- Còn cu Tám mỗi lần đứng nhất thì được gì ?
- Được ba con khen giỏi.
- Thế thôi à ?
- Dạ.
Câu trả lời của cu Tám làm tôi hơi suy nghĩ, tôi đề nghị :
- Vậy mỗi tháng cậu thưởng cả cu Tám đi.
Cậu tôi gật đầu ngay. Cu Tám khoái quá cười hinh hích. Thằng Tâm vừa nhai vừa hỏi cu Tám :
- Ngon không ?
- Ngon !
6
Mấy
hôm nay Lê có vẻ không vui. Tôi đoán vì không được thưởng nên nó buồn.
Có lẽ nó giận tôi lắm. Không hiểu nó nghĩ thế nào hay có ai xúi biểu nó
mà một hôm tôi lại nghe tiếng ca của bốn đứa bọn thằng Lê : “… Một… hai…
ba… thằng cha… “ khi ông giáo Bảy đi ngang lớp. Lại những bước chân
bước nhanh hơn, lại những tiếng gõ cồm cộp. Lần này, không nhịn được,
tôi nói như mắng thằng Lê :
- Học trò mà hỗn với thầy vậy đó hả ?
Lập tức bốn đứa ngừng hát, đứng quây lấy tôi. Lê hỏi :
- Mầy nói gì ?
- Anh điếc sao không nghe ?
Tôi
nói thế vì giận quá. Sau đó, tôi tưởng thế nào cũng có xô xát giữa
chúng tôi, nhưng trái lại, Lê không phản ứng gì, chỉ buông giọng thách
thức :
- Mầy điệu thì tan học về đánh tay đôi với tao, dám không ?
Ba đứa kia hùa theo :
- Dám không ?
- Không thì xin lỗi tụi này đi.
Lạ,
tôi mà đi xin lỗi chúng nó, đúng ra phải là ngược lại chứ. Trong khoảnh
khắc, bao hình ảnh, bao lời khuyên dặn hiện ra trong tôi. Nào hình ảnh
trận đòn sắp tới của cậu mợ nếu tôi nhận lời với Lê, nào hình ảnh ông
giáo đi như chạy, nào hình ảnh những trận đánh nhau thời trên tỉnh, nào
hình ảnh bốn thằng bạn trước mặt. Cuối cùng tôi nhận lời. Thế là chúng
tôi mỗi đứa đi một nơi đợi giờ vào học. Tôi hồi hộp quá, ngồi học mà cứ
nghĩ đâu đâu, cũng may chỉ có viết chính tả với chép bài. Lâu quá rồi
không đánh nhau, tuy có ngứa chân ngứa tay thật đấy, nhưng đỡ bị sái
chân sái tay, đỡ bị trầy trụa, bầm tím. Không hiểu bây giờ tôi còn khỏe
như
dạo trước không ? Được hay thua thằng Lê ? Được thì sao ? Thua thì sao ?
Rồi
giờ học cũng chấm dứt, năm đứa chúng tôi không cho đứa nào khác biết,
chạy về trước để đánh nhau. Chúng tôi chọn một chỗ thật thuận tiện, vừa
gần đường vừa được che khuất khiến không ai trông thấy. Tôi nghĩ đến lúc
thằng Lê chỉ chỗ mà buồn cười, đánh nhau mà tìm chỗ yên lặng, kín đáo,
cứ như tìm chỗ tu hành vậy. Nhưng tôi đoán được dụng ý của nó. Nó khôn
lắm. Chúng tôi có nhiều điều lợi, không ai biết chúng tôi đánh nhau,
chúng tôi cũng chẳng có gì kiêng dè, cứ việc thẳng cánh. Thằng Lê cởi áo
trước, đứng chống nạnh đợi tôi. Bọn kia ba đứa ngồi xuống xem vừa làm
trọng tài. Tôi chợt nhận ra mình hớ, vội giao hẹn :
- Tôi không thích đánh hôi đâu nghe, đừng ỷ đông…
Lê không để tôi nói tiếp :
- Biết rồi, nhưng mầy thua thì sao ?
- Tôi xin lỗi các anh và mặc các anh chọc phá ai cũng được, còn anh thua ?
Lê cười to, ba đứa bạn nó cũng cười. Chúng như nắm chắc cái thắng trong tay hay sao ấy. Tôi hơi ngại. Lê thôi cười bảo :
- Ừ… nếu tao thua thì… mầy muốn sao cũng được.
- Tôi chỉ muốn anh đừng chọc phá ông giáo Bảy nữa…
Lê lại cười :
- Ừ… nhưng chắc gì mầy thắng tao… thôi bắt đầu đi.
Và
chúng tôi bắt đầu nhập trận. Bấy giờ, tôi mới thấy lời dặn của mợ là
đúng : “Nói chuyện cho tử tế, kẻo nó thù thì khốn, lại đánh nhau”, nhưng
đã lỡ rồi. Thôi thì trận đòn, những lời la mắng đều như biến mất. Tôi
chỉ còn biết đến việc làm thế nào đánh bại thằng Lê. Chúng tôi đấm đá
trả đòn nhau khá lâu rồi mới cùng nhào xuống cỏ. Thằng Lê không hiểu sao
lại đè lên tôi được. Nó có vẻ sung sức lắm. Đôi tay nó ghì chặt vào tay
tôi nổi lên từng cuộn thịt rắn chắc. Tôi chỉ còn hai chân cựa quậy.
Bỗng đâu một cục đất ném phịch trúng giữa lòng bàn chân tôi, tôi la lên :
“Ai chọi vậy?” và tự nhiên co rụt đầu gối lại. Cử động đó
làm Lê đau điếng, đầu gối tôi thúc nhằm cạnh sườn nó. Lê vừa giận thằng
bạn chọi tôi để vô tình hại nó, vừa nghiêng mình tránh cái thúc thứ hai
của tôi, cái thúc gối cố ý. Thừa cơ tôi vùng được ra ngoài lồm cồm bò
dậy. Lê cũng nhăn nhó ôm bụng đứng lên nhìn ba thằng bạn cau có, nó hỏi :
- Hồi nãy thằng nào chọi vậy ?
Ba đứa kia im lặng, một lúc thằng Bảnh mới lên tiếng, ấp úng :
- T… t… tao…
- Tao cấm mày chơi trò đó nữa nghe, làm tao đau điếng cạnh sườn.
Tôi
hài lòng về câu nói của thằng Lê lắm. Ít ra nó cũng anh hùng đấy chứ.
Ba thằng kia ngồi yên, chúng tôi lại nhập trận, Lần này vô tình thế nào,
đôi tay chúng tôi xoắn chặt lấy nhau trong thế đứng. Cả hai chỉ còn
cách đẩy nhau ngã xuống. Tôi mím môi, Lê cũng mím môi. Tôi nhỏ mồ hôi
từng giọt, Lê cũng nhỏ mồ hôi từng giọt.
Nhưng Lê được lợi thế hơn tôi rất nhiều. Ba thằng bạn nó đã đứng dậy tự lúc nào vỗ tay cổ võ :
- Rán lên Lê ơi, nó sắp mệt rồi.
- Mầy lấy hết gân đi, muộn rồi đó.
- Kết thúc cho sớm nghe mầy, Lê.
Tôi
hoàn toàn cô độc trong chiến trận này, lại nghe đến những tiếng “muộn
rồi đó” mà nhớ ra thực tế. Trời đã ngả chiều tự bao giờ. Có lẽ giờ này
nhà tôi sắp dọn cơm, rồi cậu mợ tôi lại phải tất tả đi tìm, cậu mợ mà
bắt gặp tại trận thì…
Tôi
phân tâm làm Lê được thế hơn, nó vươn tới, tôi cố đứng vững và phản
công nhưng đôi tay nó cứng như đồng. Tôi biết thế nào mình cũng ngã
xuống, chi bằng… Tôi nghĩ ra một kế, bỗng nới lỏng tay, Lê chúi về phía
trước. Hai đứa cùng ngả mình, tôi ngã ngửa, Lê ngã sấp. Nhưng tuy tôi ở
dưới lại được lợi thế hơn vì đó là cái ngã sắp đặt. Lê đâu biết cái kế
của tôi, ba đứa đứng ngoài cũng vậy, chúng nó hò reo inh ỏi :
- Nó té rồi, lần này tao không chọi đá nữa đâu, ghì chặt đừng cho nó vùng dậy nghe Lê.
- Thằng Quân sắp phải xin lỗi tụi mình rồi Lê ơi, sướng quá !
Có
lẽ thằng Lê sướng thật nên chẳng dè đã sa vào bẫy của tôi. Vừa nằm trên
mặt cỏ tôi lập tức nghiêng mình đưa vai ra đón thân hình Lê đang lao
xuống. Nó rú lên vì ngực chạm vai tôi, đồng thời bị đẩy nhào sang một
bên. Tôi ngoi mình lên nó. Lê vùng vẫy, ba đứa đứng ngoài thôi la hét
đứng im như trời trồng. Cả bốn có ngờ đâu việc này. Lê lại vùng vẫy, tôi
vẫn ghì chặt. Từ ngày tôi biết đánh nhau, có đứa nào bị tôi kìm dưới
đất mà thoát ra được ! Lê đổ mồ hôi nhiều hơn, tôi đắc thế ngửa mặt đón
từng luồng gió nhẹ thoáng qua. Tôi không hỏi nó chịu thua chưa, cũng chả
thèm nghĩ gì đến trận đòn cậu mợ sắp “ban tặng”. Thằng Côn lo lắng ra
mặt
:
- Mầy mệt rồi sao Lê ?
- Mầy không vùng thoát nó sao Lê ?
Lê
cố gắng một lần chót rồi đành lên tiếng : “Tao thua”. Giọng nó thật
buồn, nước ràn rụa mặt nó, tôi không biết mồ hôi hay nước mắt, có lẽ
nước mắt lẫn mồ hôi.
7
Tôi
đã thắng một trận vĩ đại, cả “quân sự” lẫn “chính trị”. Sau buổi đánh
nhau bất đắc dĩ ấy, dĩ nhiên tôi được thưởng một trận đòn đau. Cậu tôi
thấy tôi về muộn, mặt mũi lại bơ phờ, thêm vào đó dấu tích cú đấm trời
giáng của thằng Lê còn hằn rõ một vệt tím thâm. Cậu chỉ hỏi :
- Đánh nhau ?
- Vâng.
- Với ai ?
- Thằng Lê.
- Tại sao ?
- Nó thách con.
Chỉ
mấy câu nói nhát gừng đó đủ chấm dứt cuộc thẩm vấn, bước sang phần “đền
tội”. Tôi biết tội, không kêu khóc, cũng chẳng van xin. Mợ mỉa tôi :
- Cho đáng, ai bảo không nghe lời bố mẹ.
Thằng
Tâm không như cậu mợ tôi, cứ kè kè bên tôi hỏi cho ra chuyện. Tôi giấu.
Nhưng hôm ấy, tôi bị phạt cơm, Tâm lén đi mua bánh cho tôi, tôi đành
phải kể cho nó nghe đầu đuôi. Tâm nghe xong khoái chí lắm, nó bảo :
- Mai em đi học phải kể cho tụi bạn nghe mới được, anh Quân chì quá. Lần sau có đánh nhau thì rủ em với nhé.
Tôi
sợ ông giáo biết chuyện vội bảo Tâm đừng kể cho ai nghe hết, nhưng rồi
bọn lớp tư, kế đến, bọn lớp nhất đều biết chuyện. Bọn thằng Lành đem
chuyện ra kể tuốt luốt trong lớp. Thằng Bảnh còn khoe : “Nhờ tao chọi
cục đất trúng chân thằng quân, nó mới thắng đó” nhưng dường như chẳng
đứa nào để ý chuyện ấy. Lê bị ba đứa bạn thân bỏ rơi lảng đi chỗ khác,
nó bực mình lắm mà chẳng làm gì được. Tôi bị tụi bạn xúm quanh hỏi
chuyện nhiều quá cũng đâm ra cáu, chúng có biết đâu tôi đang lo trong
bụng thế này thì thằng Lê với tôi đâu còn điểm hạnh kiểm cao tháng này
nữa. Không khéo lại mất bữa bánh rán. Tôi nhìn thằng Lê đang ủ rũ trong
góc lớp,
đi về phía nó gạ chuyện. Lê không còn chút nào là “kẻ cả” nữa. Nó nói :
- Mầy có chuyện gì ?
- Thầy biết chuyện này chưa ?
Lê nhăn nhó :
- Biết rồi, thằng cu Tám về kể lại.
Tôi đâm giận em tôi vô cùng, tại nó mà !
- Ê Quân !
Tiếng của Lê làm tôi giật mình, nó ấp úng :
- Tao… với mầy… làm hòa nghe… tao không chọc ông giáo nữa…
Tôi sung sướng quá, Lê đã nói một câu mà tôi mong ước từ sau trận đánh nhau hôm trước. Tôi nắm tay nó :
- Ừ, mình làm hòa.
Và
chúng tôi hòa với nhau từ đấy. Lúc ông giáo lên tiếng hỏi chuyện đánh
nhau, hai đứa cùng đứng lên nhận tội. Mỗi đứa bị phạt quỳ một góc lớp,
nhưng thỉnh thoảng vẫn lén nhìn nhau cười. Không biết Lê cười vì nghĩ
gì, còn tôi, tôi cười vì sung sướng, sung sướng đã được thêm một thằng
bạn, và sau này, một con bạn nữa, con Thùy. Con bé kể chuyện em nó bị
thằng Lê bắt nạt hoài mà chẳng dám làm gì, nay kể như thoát nạn. Nó nói :
“Không có anh Quân thì thằng Lê còn làm phách lắm”. Tôi bênh bạn :
“Nhưng giờ Lê là bạn tôi rồi. Thùy đừng gọi bằng thằng”. Con bé phụng
phịu giận.
Từ
đó, tôi và Lê trở nên cặp bài trùng. Nhiều người ngạc nhiên lắm, nhất
là ông giáo Bảy. Ông làm sao ngờ được hai đứa mới đánh nhau hôm trước
lại thân nhau ngay hôm sau, và thân nhau mãi. Các thầy cô trong trường
không còn thấy Lê đi với bọn Lành, Bảnh, Côn nữa, không còn có những cử
chỉ chọc phá ông giáo nữa, dù chỉ là đùa bỡn. Mỗi lần đi ngang ông giáo
Bảy, nó đứng nép một bên khoanh tay cúi đầu thật lễ phép. Ông Trưởng Ấp
sau vụ này mới biết tật hư của con, vì lúc trước có ai dám mách chuyện
cho ông biết đâu. Ông xuống nhà bà Ba trách móc một hồi rồi hôm sau dẫn
Lê đi xin lỗi ông giáo Bảy. Lê kể cho tôi nghe chuyến đi đó, nó bảo suốt
từ khi vào
nhà đến lúc đi về, nó toàn cúi mặt chả dám nói câu nào, trừ lúc phải
đứng khoanh tay xin lỗi ông giáo theo lời ba nó. Tôi thông cảm nó, tôi
biết Lê sợ ba nhất nhà.
Về
phần tôi, cậu mợ đã hiểu vì sao tôi lại đánh nhau với Lê nhờ thằng Tâm
(cũng lại nó !) kể chuyện. Hôm chủ nhật, nhân lúc đang đàn hát, cậu tôi
hỏi :
- Hôm nọ cậu đánh Quân có đau không ?
- Chả đau. Tôi đáp.
- Ừ nhỉ, thảo nào cậu không thấy con khóc.
Cu Tám ngồi chơi với Tâm bỗng quay nhìn tôi thốt :
- Có khi anh Quân đau nhưng không dám khóc.
- Sao cu Tám biết, bộ cu Tám có bị vậy rồi hả ?
Cu Tám cười gật đầu : “Ừa”.
Cuối
tháng ấy, ông giáo bỗng nhuốm bệnh, chúng tôi phải nghỉ mấy ngày. Lê
lại được thưởng một trăm vì nó đứng nhất, bằng tôi. Cu Tám lại được ăn
bánh với thằng Tâm, hai đứa chia nhau nhất nhì. Lê cũng tham dự bữa bánh
rán này. Lúc về, Lê khều tôi ra ngõ nói nhỏ :
- Tao có một trăm tính mua đồ gì biếu ông giáo mà không dám đi một mình, mày đi với tao nghe !
Tôi cảm động vì ý nghĩ đẹp của Lê và nhận lời.
Ngay
buổi chiều, chúng tôi hai đứa khệ nệ xách mấy nải chuối, chục trái ổi,
chục cam, tất cả của ông Trưởng ấp, sang nhà thầy. Tôi hỏi Lê :
- Sao không lấy tiền của Lê mà mua ?
- Có chứ, tao có mua rồi mà ba tao không chịu.
- Mua gì ?
- Bánh in, kẹo dừa…
Tôi
phá ra cười, Lê hòa theo. Cu Tám đón chúng tôi tận ngoài ngõ, nó nhìn
Lê trân trối. Chúng tôi, Lê thì đúng hơn, đã đem đến ông giáo một niềm
vui vô biên mà có lẽ ông giáo không bao giờ dám nghĩ tới. Trong một phút
chốc, tình thầy trò vụt dâng lên cao độ.
8
… ngày… tháng… năm…
Kính gửi cậu.
Thế
là cậu lên Sài Gòn in sách đã hơn tuần lễ. Công việc chắc sắp xong rồi
chứ cậu ? Mợ và chúng con đợi cậu lắm đấy. Chắc cậu ngạc nhiên lắm khi
đọc thư này. Thứ nhất là không phải do anh Quân viết, anh ấy bị đau tay
cậu ạ, nhưng cậu đừng lo, có tin vui về anh Quân đấy.
Thứ
năm rồi có kết quả thi đệ thất trên tỉnh. Ở ấp mình có bốn người đậu
cơ. Anh Quân đậu thứ ba, anh Lê thứ tám, anh Hòa chị Thùy cũng đậu. Cậu
xem tới đây có mừng chưa ? Còn con, cậu đi được một hôm thì con bắt đầu
đi học hè lớp ba với ông giáo Bảy, chỉ có hai đứa thôi, con với cu Tám.
Nghỉ hè buồn quá, nếu không học thêm thì cũng chả biết làm gì cậu nhỉ.
Mợ
có bảo chắc nhà lại dọn lên tỉnh vì anh Quân phải học trên ấy, nhưng
con với anh Quân cùng không muốn thế, ở quê vui hơn cậu ạ. Cậu đừng dọn
nhà lên tỉnh nhé. Anh Quân bảo anh ấy ở trọ chú Phi cũng được, chủ nhật
thì về quê, cậu tính có được không ?
Cái
ngạc nhiên thứ hai dành cho cậu là của anh quân, con viết theo lời anh
ấy nói với cậu đây : “Cậu ơi, con có lời xin lỗi cậu vì đã làm cậu thất
vọng một tí, con không đứng đầu trong cuộc thi tuyển như một nhân vật
trong tiểu thuyết của cậu mà có lần cậu kể cho con nghe và thầm ước. Sức
con chỉ đến thế thì biết sao. Hôm đi xem kết quả, con cùng đi với lê.
Nó đậu thứ tám cậu ạ, nó đãi con một chầu nước đấy. Con vẫn nhớ lời cậu
dặn đừng nhận lời bạn đãi, nhưng nó ép quá. Lúc về dưới quê, con trả lễ
nó hai quả ổi ngâm rồi. Về nhà, con mừng quá chạy như bay đến nỗi vấp
ngưỡng cửa ngã sưng tay cậu ạ, khiến bây giờ phải để em Tâm viết thư
thay, cậu đừng cười con nhé. Nãy giờ con vẫn chưa nói đến cái ngạc
nhiên dành cho cậu, con mới nghĩ ra chiều hôm qua đấy. Cậu này, trước
khi cậu nghe con nói, cậu hãy tưởng tượng như con đang đứng trước mặt
cậu và hứa sẽ không dọn nhà lên tỉnh đi, chắc cậu hứa rồi và con nói : –
“Ở quê vui quá đi thôi. Còn hai tháng nữa con mới phải lên tỉnh học.
Trong hai tháng, nay mai cậu về con sẽ kể lại cho cậu nghe những chuyện
của con với Lê để cậu dựng lên một truyện nhé, rồi cậu lại cho in và mỗi
đứa chúng con được một quyển giấy trắng đặc biệt mà trên tựa đề câu
truyện cậu thêm một câu : Viết tặng Quân và Lê. Cậu bằng lòng chứ ? Thôi
con dừng lời và chúc cậu ở trên ấy vui luôn”.
Anh
Quân đã dừng lời thì con cũng sắp dừng bút thôi, mợ nhắn cậu cố thu xếp
để chủ nhật này về kịp, mợ có làm bánh phồng tôm đấy. Lần này mợ định
mời ông giáo Bảy, ông Trưởng Ấp, anh Lê, anh Hòa, chị Thùy, cu Tám cùng
đến chung vui. Xem ra mợ sốt sắng với việc này lắm. Thôi con dừng bút,
chúc cậu tiến hành công việc được tốt đẹp để kịp về ăn bánh phồng tôm.
NGUYỄN THÁI HẢI (Biên Hòa)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 100, xuân Kỷ Dậu, ra ngày 1-2-1969)