2
Lúc
trở về thật là vui vẻ. Mặt trời tràn ngập những tia sáng vinh quang đỏ
hồng. Nhiều con chim sẻ cổ đỏ hót vang ca tụng mặt trời. Trong vườn cây
tràn ngập tiếng thì thầm:
- Anh biết chưa? Sĩ Nhân đã trở về!
- Sĩ Nhân đang ở trong phòng với các bạn. Cô Vân hái hoa trang hoàng chỗ cậu nằm.
- Còn người lùn là ai vậy? Tôi không biết!
- Đó là ông Khờ! Dường như ông Khờ đã cứu Sĩ Nhân.
Chiếc xe gắn máy của ông Lý để trước nhà cũng xen vào nói chuyện:
- Phải! Sĩ Nhân mến ông Khờ lắm. Người ta phải đưa ông ấy về đây đó! Bác sĩ nói ông ta là một y tá giỏi. Ông ta ngủ cạnh Sĩ Nhân vì Sĩ Nhân vẫn còn đau, chưa khỏi.
- Ông Khờ bằng lòng rời khỏi lều của ông ta?
- Lúc đầu ông ta do dự... Người ta hứa hằng ngày đưa ông ta về chòi để ông khỏi nhớ cảnh núi rừng. Nhưng sống gần Sĩ Nhân, ông ta sẽ quen dần. Tôi nghe nói ông Lý muốn nhận ông ta làm người coi sóc vườn và dành cho ông ta một gian phòng riêng. Thế là ông ta khỏi phải sống xa rời xã hội...
- Càng tốt! Càng tốt! – Ngàn hoa, ngàn cây cùng nói một lượt...
Lúc đầu, tất cả đều êm đẹp. Mọi người đều thương mến Sĩ Nhân và ông Khờ.
Nhưng tin Sĩ Nhân mất tích và trở về tràn lan khắp thành phố. Nhiều tiếng thị phi nổi lên:
- Tại sao ông Khờ mua nhiều bánh mì quá? Có lẽ ông ta nuôi nhiều con chó điên?
- Chuyện này có vẻ mờ ám. Người ta không biết đứa bé đã làm gì trong hai ngày.
- Tại sao lại tin một người như thế? Đâu là sự thực?
- Nếu ở địa vị cha đứa bé, tôi sẽ...
Nhiều người – thân hữu của gia đình ông Tuấn hoặc chỉ là những người hiếu kỳ đến thăm Ngôi Nhà Hồng.
Ông Khờ bị những cặp mắt nghi ngờ xoi mói và lãnh những nụ cười khinh bỉ. Ông Khờ bèn tự cô lập. Ông cảm thấy ông là kẻ xa lạ trong Ngôi Nhà Hồng.
Ngày hôm sau, khi đêm xuống, ông ra ngồi một mình ở góc vườn. Ông theo dõi một con cóc to lớn và ba con cóc con đang nhảy vội vã hết sức vụng về đến một tảng đá lớn phủ rêu. Ông nghe dường như chúng đang nói với nhau:
- Chúng ta hãy trốn mau, vì chúng ta xấu xí. Con người luôn kết án và tiêu diệt những gì xấu xí mà không bao giờ chịu tìm hiểu những gì cao thượng tốt đẹp che giấu dưới lớp vỏ xấu xí... Chúng ta hãy trốn mau!
Ông Khờ gật đầu:
- Các con cóc có lý! Chúng ta hãy trốn, trốn mau. Tôi phải trở về rừng, trở về với ngôi chòi của tôi!
Ông Khờ nằm suốt đêm bên cạnh người bạn mới. Ông nói với Sĩ Nhân:
- Tôi buồn quá. Tôi muốn gặp các thú vật và các cây thuốc của tôi.
Tình trạng của Sĩ Nhân không hoàn toàn tốt đẹp lắm. Cậu ta vẫn còn bị sốt và trí nhớ của cậu ta vẫn còn suy sụp.
- Nhiều người đến với cháu quá – Bác sĩ nhận xét – Cháu có khỏe không cháu?
- Dạ! Cháu sẽ khỏe nếu được ở trong rừng.
- Cháu có muốn vào rừng ở vài ngay không?
- Cháu muốn lắm, nhưng... má cháu?
Câu hỏi của Sĩ Nhân nghĩa là: má cháu sẽ buồn, má cháu không muốn rời xa cháu.
Bác sĩ Phát sắp đặt mọi chuyện:
- Bà Tuấn, cháu bình phục chậm lắm. Tôi tin rằng nếu cháu sống thoải mái một mình thì tình trạng tinh thần của cháu sẽ thăng bằng dễ dàng. Bà có thể cho cháu nghỉ một thời gian ngắn giữa thiên nhiên trong cái chòi của ông Khờ? Tôi thấy cháu thích lắm!
- Tôi phải xa cháu?
- Chỉ mười lăm ngày thôi. Tôi tin rằng cháu sẽ hoàn toàn bình phục. Bà có thể một mình đến gặp cháu lúc trưa mỗi ngày...
Bà Tuấn bằng lòng. Lẽ dĩ nhiên con chó Ki Ki không xa rời chủ nhỏ.
Gặp lại cùng một lúc rừng núi, người bạn nhỏ và các con vật quen thuộc, ông Khờ đã trở về con người đích thực của mình, hạnh phúc, nhiệt tâm và hòa đồng với thiên nhiên.
Đối với Sĩ Nhân, đó là một dịp vô cùng thích thú để cậu ta lấy lại và nếm lại một lần nữa đời sống êm dịu nhẹ nhàng. Sĩ Nhân bị cuộc hành trình vừa qua đánh lạc hướng. Em độc giả thân yêu, em hãy thử đặt mình vào trường hợp của Sĩ Nhân? Em sẽ cảm thấy như thế nào? Một đứa bé được nuông chiều, tin mình là trung tâm của vũ trụ, chả có gì quan trọng hơn cậu ta cả! Đứa bé ấy tin tưởng tất cả những sáng tạo đều thoả mãn nhu cầu và ý thích của cậu ta: các con vật quen thuộc, các cánh đồng, các rừng, bầu trời đầy sao... Đứa bé cảm thấy chinh phục được tất cả, khuất phục được tất cả, kể cả bầu trời... cho đến lúc đứa bé ấy đã khám phá được mình chỉ là một sinh vật bé tí ti, bé hơn cả một hạt bụi bơ vơ trong vũ trụ bao la ngút ngàn. Địa cầu đối với cậu ta dường như quá rộng, cũng chỉ là một vật bé nhỏ trong vũ trụ mênh mông! Còn quê hương nhỏ bé Việt Nam? Và chính bản thân cậu ta? Tất cả là gì? Chả là gì hết! Một mảnh vụn nghèo nàn biến mất trong sáng tạo bao la!
Như một em bé, Sĩ Nhân cần được che chở, bảo đảm và giải thoát ám ảnh. Sĩ Nhân trốn tránh trong thế giới ảo tưởng của trẻ thơ.
Một con bướm bay vào.
- Những cánh bướm! – Sĩ Nhân thì thầm – Bướm ơi! Bướm may quá! Con người luôn luôn tìm kiếm đôi cánh mà không được!
Sĩ Nhân nghe bướm trả lời:
- Bướm đã hết sức gian khổ mới thắng nổi con người về vấn đề này. Bị khép kín trong nhiều ngày, thật nhiều ngày – Con nhộng trong kén – bướm phải phá các dây buộc và xuyên thủng kén. Cậu không thể nào biết được bướm đau đớn biết là dường nào!
- Tôi biết chứ... dường như tôi bị cột bởi những sợi dây. Tôi muốn cắt đứt và giải thoát khỏi những sợi dây đó, nhưng tôi không làm được. Đầu tôi nặng quá, thật là khổ!
Xưa kia, Sĩ Nhân thấy tất cả những gì xung quanh đều rất tự nhiên. Bây giờ, cậu ta mở to mắt thán phục bất cứ một vật nhỏ nào.
Như những thiếu niên bừng tỉnh trước cuộc sống, Sĩ Nhân đòi hỏi những truyện, những cổ tích ru ngủ nhân loại khai sinh. Ông Khờ nhờ tâm hồn còn ngây thơ đã đi vào được trong cuộc chơi kỳ diệu này.
Ông Khờ đã ngủ cạnh Sĩ Nhân mỗi đêm. Sáng hôm nay, Sĩ Nhân mở mắt không thấy cây cối trước mặt. Cậu ta hỏi:
- Phải chăng có những tấm màn?
Sĩ Nhân nghe tiếng trả lời:
- Những tấm màn? Không, đó chỉ là sương mù!
Vừa nghe tiếng sương mù, Sĩ Nhân bỗng run toàn thân vì cậu ta nhớ đến lớp sương mù dày đặc ở hành tình Mới. Cậu ta lại nói sảng:
- Sương mù... đầy những con vật lạ lùng... Chúng ta đi ngay!
- Đừng sợ gì hết! Mặt trời sẽ xuất hiện và sẽ làm tan sương mù, – Con chim sáo vừa hót vừa báo tin cho Sĩ Nhân biết. Nào, uống sữa đi!
Sĩ Nhân dịu lại. Và đây là một truyện dành cho Sĩ Nhân giải trí. Ai đã kể cho cậu ta nghe? Ông Khờ hay con cú mèo? Có lẽ ông Khờ... Ông Khờ không thông minh... Tâm hồn ông ta cũng như thân thể ông ta không chịu lớn lên, không vượt qua được giai đoạn trẻ thơ. Ông Khờ kể rất vụng về, nhưng ông đã cảm thông được thơ trong thiên nhiên. Những người có cánh và những cây rừng bổ túc cho bài kể truyện.
Các em độc giả hãy nghe chung với Sĩ Nhân truyện kể sáng nay tựa là:
NHỮNG TẤM MÀN VÀ SƯƠNG MÙ!
...................
Một ngày nọ, một tiệm ở thành phố trình bày trong tủ kính những màu trắng đẹp tuyệt vời, đến nỗi mọi người đi ngang phải ngừng lại ngắm xem.
Những màu trắng đó chỉ là những tấm màn trong suốt và nhẹ nhàng muốn bay lên tận trời cao.
Một cậu chim sẻ cổ đỏ bay vào thành phố và bay ngang tiệm đó. Cậu chim này còn nhỏ nên chưa được thấy nhiều. Vì thế cậu ta đã ngây ngất trước những tấm màn trắng rồi bay tung cánh trở về rừng.
Cậu chim này kể cho các bạn chim ở rừng nghe điều cậu thấy ở con người:
- Thật là đẹp! Đẹp hơn những luồng bọt trắng xóa của con suối trên đồi... Các bạn có biết chăng, tổ các bạn sẽ đẹp tuyệt vời nếu nó được một tấm màn trong suốt bao phủ!
Những con chim tước bu quanh cậu chim sẻ cổ đỏ và lắng nghe cậu này nói. Con chim sáo, con chim cu, con chim ác là, cũng bay tới nghe kể truyện. Tất cả những con chim hiện diện đều muốn làm giống như con người.
Con chim tiêu dễ thương đang ở một hốc cây tuyên bố:
- Tôi thích có một tấm màn nhỏ treo trước cửa tổ tôi.
- Tôi khoái có những ren trong tổ tôi, vì tôi là một nhà nghệ sĩ.
Con chim đỏ mỏ, con chim bạc má, con chim chìa vôi mơ những màn che để trang điểm nôi của những đứa bé chim. Sự thèm muốn thật là hay lây, cây sơn trà cũng ước mơ một tấm màn trong suốt. Cây mẫu đơn cũng góp ý kiến:
- Chúng tôi có vẻ cục mịch quá, chúng tôi đỏ quá. Một tấm màn nhỏ sẽ làm chúng tôi xanh hơn và hào hoa phong nhã hơn.
- Làm thế nào bây giờ! – Các con chim và các hoa tự hỏi.
Cậu chim sẻ cổ đỏ bình tĩnh lạ thường. Sáng hôm sau, cậu ta bay vào thành phố và đến trước cửa tiệm có những tấm màn trong suốt đẹp tuyệt vời. Ngày đó là ngày tiệm đóng cửa, nhưng người ta có mở một cửa lớn và các cửa sổ để cho thoáng khí. Cậu chim sẻ cổ đỏ bèn bay vào tủ kính và nhún nhảy trên các màn trắng.
- Ô kìa! Một con chim sẻ cổ đỏ! – Tấm màn lớn nói.
Tấm màn này biết rất nhiều vì suốt ngày nó đều nhìn qua kính.
- Cậu muốn gì? Cậu chim sẻ cổ đỏ?
Sau một chút do dự, cậu chim giải thích:
- Các chim trong rừng và các hoa muốn xem các anh và tiếp các anh tại tổ vì họ không thể nào đến thành phố được... xin các anh đừng từ chối...
Tất cả các tấm màn trong suốt đều nói một lượt:
- Khó quá! Nhưng để chúng tôi thử xem... Nào, tất cả lên đường!
Liền lúc đó, nhờ một luồng gió, tất cả các tấm màn đều băng qua cửa sổ như những đám mây trắng trôi lững lờ trên bầu trời thành phố.
- Kìa! Kìa! – Những người đi đường ngạc nhiên – có sa mù ở trên cao!
Sa mù tiến dần về phía rừng và làm thỏa mãn tất cả các bạn của cậu chim sẻ cổ đỏ. Sa mù tự xé nát và tản mát lướt giữa ngàn cây... rồi tạo thành những tấm màn chung quanh mỗi tổ hay lúc lắc ở cửa vào các hốc cây. Những cái khăn mịn quay tròn chung quanh những thân cây sồi và cây phong. Con chim ác là đã có ren đầy tổ. Cây sơn trà và cây mẫu đơn đều thỏa mãn...
- Đẹp làm sao! Đẹp làm sao! – Cậu chim sẻ cổ đỏ hót vang.
Lúc đầu, tất cả đều sung sướng. Nhưng sau đó, người ta nghe những tiếng thì thầm:
- Chết! Tôi không thấy ngõ vào. – Một con chim đực mang mồi nói.
Trong tổ của con chim ác là, những ren đã làm cản trở các bé chim ác là, làm các bé bấu vào nhau la inh ỏi.
Chim bạc má và chim cổ đỏ có vẻ buồn:
- Chúng tôi không còn thấy rõ chung quanh nữa. Chả vui tí nào!
Các cây cũng chán nản:
- Chúng tôi không cần có khăn choàng cái cổ dài của chúng tôi nữa. Chúng tôi không yếu ớt đâu!
Cây uất kim hương ngạo cây mẫu đơn:
- Tôi thấy các chị tức cười quá! Trông giống như các chị có băng trắng trên đầu!
Cây sơn trà bỗng giận dữ dùng gai xé rách tấm màn bao phủ mình rồi nói:
- Bây giờ tôi thấy rõ rồi!
Cậu chim sẻ cổ đỏ có vẻ lo lắng. Cậu ta nghĩ rằng, cậu ta đã sai lầm khi đã kể những gì cậu thấy ở con người. Những người ở rừng và ở đồng không cần thứ đó. Làm cho họ thích những vật vô ích có ích lợi gì!
May quá, tất cả đều được sắp đặt một cách tốt đẹp. Các tấm màn bèn tụ họp lại và tiến về thành phố trông giống như một luồng hơi sáng và dịu bên trên nóc rừng.
Sáng hôm sau, các tấm màn trong suốt đó trở về nằm trong tủ kính và nói với nhau:
- Chúng ta không phải là đồ dùng dành cho rừng và đồng quê. Chúng ta hãy ở lại đây, thành phố mới là của chúng ta.
Vài ngày sau, các con chim rừng vừa thức dậy liền thấy sương mù dày đặc. Lần này mới chính là màn sương mù đích thực đang bao phủ rừng.
Chim sáo thấy sương mù đầu tiên:
- Xem kìa! – Chim sáo hót – Bầu trời đã đặt những tấm màn chung quanh các tổ chim! Mặt trời sẽ làm tan những tấm màn đó. Hoan hô mặt trời!
....................................
Hoan hô mặt trời! Mặt trời cũng đã xuất hiện ở cửa chòi ông Khờ. Nhưng sương mù quê hương không kéo dài...
Sĩ Nhân đã quên sương mù ở Hành Tinh Mới, sương mù dày và ấm đã khép kín biết bao đời sống đang thành hình và biết bao con vật thời tiền sử.
Sĩ Nhân vẫn còn yếu, chưa dậy được, nhưng cửa sổ mở đã mang đến cho cậu bé những hương thơm tốt lành của rừng, tiếng gió rì rào qua các kẽ lá, tiếng sột soạt của các loài côn trùng đang hoạt động và tiếng chim hót vang lừng. Mọi vật đều cười vui với Sĩ Nhân và dường như muốn nói với Sĩ Nhân:
- Địa cầu đẹp lắm Sĩ Nhân ơi!
Nhiều khi, một con ong vàng hực bay vào chỗ Sĩ Nhân nằm đem đến cho Sĩ Nhân một niềm an ủi mới. Con ong này bị thu hút bởi mùi đậm đặc của các cây thuốc mà ông Khờ để cạnh giường ngủ của Sĩ Nhân.
Sĩ Nhân theo dõi con ong và hỏi:
- Sao ong vội quá vậy?
- Tại vì tôi có phận sự phải hoàn thành!
- Ong nói cho tôi biết, phải chăng các loài côn trùng là những mẫu thông minh và tổ chức nhất?
- Đúng đó! Tất cả đều được sắp đặt ở chúng tôi. Không có gì cho sự ngẫu nhiên cả! Sự tưởng tượng không được chấp nhận trong tổ ong!
- Dường như con người phải bắt chước các phương pháp trong tổ ong?
- Hẳn nhiên, chúng tôi làm việc theo dây chuyền! Đó là phương pháp tốt nhất để đạt năng suất cao nhất. Nhưng mỗi chúng tôi chỉ là một con vít trong một guồng máy và suốt đời chỉ làm có một công việc mà thôi. Anh ơi! Tôi ước mơ đời sống các loài chim: mỗi con chim có quyền làm tổ tùy theo ý thích, có quyền kiếm đồ ăn, nuôi con và hát vang!
- Tội nghiệp! Bộ loài ong không được hạnh phúc dù xã hội đã được tổ chức hết sức thông minh?
- Phải! Mỗi chúng tôi đều cảm thấy thiếu thốn một cái gì. Anh hãy nghe truyện sau đây, rồi anh sẽ hiểu bi kịch của chúng tôi:
...................................................................................
Từ sáng sớm, cả tổ ong dường như bị một nỗi buồn to lớn bao phủ. Các con ong xì xào nói với nhau:
- Nữ Hoàng già của chúng ta đã mất rồi!... Nữ Hoàng đã mất!
Đàn ong than thở buồn rầu chung quanh xác nữ hoàng. Cả đàn rất thương nữ hoàng vì nữ hoàng là người mẹ hiền của tất cả. Nữ Hoàng đã mất rồi, tương lai sẽ ra sao? Đàn ong biết rằng nếu không có nữ hoàng, tổ ong sẽ bị tiêu diệt. Ong chúa đã mất rồi, tìm đâu ong chúa khác bây giờ?
Nhưng, một nàng ong nhỏ vừa đi ra khỏi sáp ong. Nàng ong này chưa được cứng cáp lắm, cánh còn dính trên thân thể. Nhìn chung quanh, nàng ong có vẻ ngạc nhiên tột độ.
- Đừng sợ gì hết! – Người vú nuôi vừa vuốt ve vừa nói – Nàng hãy đứng dậy: Nàng là ong chúa, nữ hoàng của tổ ong!
- Nữ hoàng! Cái gì vậy?
- Tôi sẽ nói cho nàng nghe sau. Nàng hãy liếm đôi cánh đi!
Trong khi nàng ong trang điểm, người vú chạy khắp tổ báo tin:
- Một nữ hoàng vừa được sinh!
Tiếng rù rù vui mừng vang lên khắp nơi:
- Nàng có mạnh không?
- Mạnh, nàng được nuôi trong dinh hoàng gia.
- Nàng đẹp không?
- Đẹp! Nàng hung hung như một tia sáng nhỏ.
- Chúng ta đặt tên nàng là Diễm Hồng.
- Tôi đi tìm nàng đây!
Lúc bấy giờ, người vú hướng dẫn nàng ong đến giữa lòng tổ. Diễm Hồng vui vẻ tiến đến gần các con ong khác.
- Tôi vừa vũ với các ong trẻ – Diễm Hồng nói – Nhưng tại sao các ong ấy lại dang ra khi tôi đi đến?
- Đó là vì sự kính nể. Nàng là nữ hoàng. Một nữ hoàng phải có con đường tự do trước mặt.
- Thế à! – Diễm Hồng nói to có vẻ ngạc nhiên khi biết điều trên.
Vài ngày sau, người vú nói với nàng ong bé nhỏ:
- Nàng hãy đến ngôi vườn gần tổ. Nàng hãy đánh dấu những gì có thể hướng dẫn nàng trở về nhà những khi nàng đi ra một mình... Phải biết đường trở về sau khi đi chơi!
Diễm Hồng khám phá ra ngàn hoa đủ màu sắc, thú vị làm sao! Diễm Hồng thấy những con ong khác đang làm việc giữa các đài hoa muôn ngàn màu sắc.
- Mỗi con ong phải hút mật nhanh – Người vú nhận xét – để mang nhiều mật về tổ và cả sáp nữa.
Diễm Hồng thích quá:
- Vui quá! Tôi bay từ hoa này qua hoa khác! Tôi cũng hút mật.
- Không, không phải là phận sự của nàng. Chỉ có những con ong kiếm mật phải tìm mật mà thôi. Còn nàng, nàng là nữ hoàng! Hơn nữa, nàng cũng không thể nào tìm mật được, vì lưỡi nàng ngắn quá. Nàng không thể liếm đến vành hoa và gặt hái lấy mật hoa, đồng thời chân nàng không có giỏ đựng phấn hoa.
Vừa nghe người vú nói xong, Diễm Hồng có vẻ thất vọng:
- Vậy hả! Trời!
Những ong đất đực vừa mới sinh quay tròn từng nhóm chung quanh nàng ong chúa. Chúng lặp lại không ngừng:
- Nàng phải kết hôn! Nàng phải kết hôn!
Có một chàng ong có vẻ dũng mãnh hơn những chàng ong khác hiện ra trước mặt Diễm Hồng. Mọi người đặt tên ong này là Hoàng tử.
Diễm Hồng nói với người vú:
- Tôi muốn kết hôn với Hoàng tử!
- Không được! Vì nàng là nữ hoàng, nàng không có quyền chọn lựa. Một chàng ong mạnh nhất sẽ làm chồng nàng.
Diễm Hồng trở nên buồn khi biết số phận của mình như thế. Người vú giải thích:
- Nàng sẽ đi ra khỏi tổ một mình vào một lúc đẹp trời. Nàng sẽ quen dần và bay càng lúc càng xa, càng lúc càng cao. Tất cả các chàng ong đất đực sẽ theo hộ tống nàng. Vào một ngày thật đẹp, mặt trời rực rỡ, nàng sẽ bay lên thật cao và khi nào chỉ còn một chàng ong cạnh bên nàng, chàng ong đó sẽ là chồng nàng. Đó là định mạng....
- Nếu tôi không thích chàng đó?
- Nàng là nữ hoàng. Nàng không có quyền chọn lựa.
- Tôi sẽ làm gì sau ngày kết hôn?
- Những ngày trăng mật của nàng sẽ kéo dài. Nàng sẽ không đi ra nữa. Nàng sẽ đẻ trứng không ngừng trong những ngăn được các ong thợ sửa soạn. Và những con ong mới sẽ được sinh vào một ngày nào đó. Nàng sẽ là mẹ của chúng.
Diễm Hồng nghĩ:
- Như thế tôi thích lắm!
Diễm Hồng nói với người vú:
- Tôi sẽ nuôi nấng con tôi và vuốt ve con tôi.
- Nàng là nữ hoàng... Chỉ có những con ong thợ nuôi các con nàng, xem xét các tổ mà thôi. Không phải là phận sự của nàng!
Diễm Hồng nhận xét:
- Làm nữ hoàng thật là kỳ cục!
- Đó là luật của tổ ong. Tuy nhiên, nàng sẽ được hưởng ngày lễ vu qui. Không có con ong nào được hưởng niềm vui này!
Diễm Hồng liền vào tổ. Nàng ong chúa bé nhỏ an phận với định mạng của mình.
Một thời gian sau, nàng bay ra ánh sáng vào một ngày đẹp trời. Nàng tung đôi cánh và bay cao, thật cao... Những tiếng rù rù đuổi theo nàng. Những chàng ong yếu ớt bị rơi lần. Cuối cùng, chỉ còn gần nàng một chàng ong độc nhất, và, may quá, đó là chàng ong Hoàng tử ước mơ của nàng. Hoàng tử là người chiến thắng ngày hôm đó.
Diễm Hồng và Hoàng tử kết hôn ở một nơi, một nơi thật cao, cao đến nỗi cả hai đều không thấy vườn tược, cánh đồng. Chỉ có mặt trời chứng kiến lễ thành hôn vương giả này.
Và kể từ ngày hôm đó, nữ hoàng sanh sản không ngừng và trong tổ đầy những bé ong. Nhưng nàng chỉ có quyền sanh mà không có quyền nuôi. Nàng là một người mẹ xa xôi, không có quyền vuốt ve âu yếm con mình.
......................................
- Tội nghiệp! – Sĩ Nhân nói – Có lẽ không phải chỉ có thông minh là đủ phát sinh hạnh phúc, mà còn phải có thêm những cái khác nữa!
Trời đã trưa rồi. Như thường lệ, bà Tuấn đem cơm và quà cho Sĩ Nhân.
Đây rồi, đây mới là hạnh phúc!
Những lời nói âu yếm yêu thương của mẹ, một bữa ăn đậm đà thú vị bao trùm ngôi chòi của ông Khờ.
Sĩ Nhân bình phục nhanh chóng. Ông bà Tuấn quyết định cho Sĩ Nhân trở về sống bình thường trong Ngôi Nhà Hồng.
_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 3 (PHẦN II)