- Cho Bông Búp (Tới)
- Tặng Thủy, Châu, hai em tôi
- Tặng Thủy, Châu, hai em tôi
Ngọn đèn măng-xông treo cao giữa phòng
khách, rọi sáng khắp mọi vật trong phòng.
Ông nội vận quốc phục đen, ngồi xếp
bằng trên bộ ván gỗ mun, kê bên hông phải. Trước mặt ông, hai tờ giấy hồng đơn
khổ hẹp, song song trải dài như đôi liễn. Nghiên mực tàu mài sẵn, ngọn bút lông
gác ngang bình trà, tách trà bốc khói, với bấy nhiêu thứ, ông nội sửa soạn viết
câu đối Tết.
Phương ngồi gần bên để mài mực và
thỉnh thoảng châm trà cho ông nội. Tôn trọng sự trầm tư tìm hứng của ông, anh
lẳng lặng theo dõi.
Gian phòng rộng chỉ có hai ông cháu,
hơi trống trải. Nhưng sự bày biện đầy vẻ Tết nhất tạo phần vui mắt nhiều. Nhất
là ở cái tủ thờ kê sát giữa bức vách trong. Tủ xưa, nước gỗ đen bóng, xà cừ
chạm trổ ánh lên đủ màu. Trên tủ, một bộ lư hương đặt ngay chính giữa, hai chân
đèn đối xứng hai bên, đồng đỏ được chùi bóng lộn. Phía trong, cạnh hai bức ảnh
bán thân của ông cố bà cố, một cặp dưa hấu trái nào cũng to bằng cái vỏ bình.
Một cái dĩa bàn chất vung những cam quit, điểm thêm những quả sung xanh, loại
trái chưng lấy tên cầu may cho năm mới. Tấm bài vị treo ở trong cùng, đã được
ông nội thay mới từ hôm qua, nền vải đỏ, các chữ Hán đen đậm nét nổi bật, đượm
vẻ thần bí trang trọng. Sự trang trọng như được tăng thêm qua làn khói nhang
bay tỏa từ mấy cây nhang trầm cắm ở bát nhang để gần bộ lư hương, mùi nhang
thơm thoang thoảng khắp phòng.
Phía trước tủ thờ, giữa mặt bàn tròn
trong bộ bàn ghế tiếp khách, một cái lục bình to, cắm một nhánh mai già. Những
cành mai khẳng khiu đơm đầy những hoa vàng cánh mỏng. Dưới chân lục bình, sắp
sẵn mấy bộ đồ trà, mấy quả bánh mứt, sửa soạn đón khách viếng nhà trong mấy
ngày Xuân.
Sau một lúc nghiền ngẫm, ông nội sửa
lại gọng kính, hớp một ngụm trà, đưa tay cầm lấy bút lông chấm mực…
Bỗng có tiếng gõ cửa. Ông nội ngẩng
lên:
- Có khách nào kìa Phương, ra mở cửa
coi con!
Phương vâng theo. Cửa mở, một cụ già
khăn đóng áo dài đen, xách gậy tre bước vào, nhận ra ông Sáu Hòa ở xóm trên anh
cúi đầu kính cẩn:
- Thưa ông Sáu!
Ông cười ha hả:
- Đêm Xuân, sao không để hương Xuân
tràn vào nội thất, lại then cài cửa đóng như vậy?
Ông nội buông bút bước xuống bộ ván:
- Ủa anh Sáu! Anh đi đâu khuya khoắt
vậy?
Ông khách lại cười, giọng cười khàn khàn,
nhưng bộc lộ đầy sự vui vẻ cởi mở:
- Thì lại thăm anh, rủ anh du Xuân.
- Du Xuân giữa đêm giao thừa?
- Chớ sao! Anh coi, nhà tôi ở cách đây
trên hai cây số. Tôi bắt đầu rời nhà mình vào lúc xế chiều, để đi tới nhà nầy
nhà kia thăm bà con quen biết. Đi một lúc trời đã tối mịt, tôi cứ tiếp tục đi.
- Sao anh không đợi sáng hãy đi? Ai
lại xuất hành giữa đêm hôm như vầy?
- Ồ, lúc nầy phải đi giữa đêm hôm mới
tận hưởng được cái vui cái thú của một mùa Xuân thanh bình thật sự. Trời lạnh
thì choàng thêm áo ấm, trời tối thì đốt đuốc soi đường. Nhưng dù có bỏ áo khoác
ngoài, dụi tắt đuốc đi, tôi cũng thấy trong lòng ấm áp, trước mặt sáng như ban
ngày… Chống cây gậy tre dò bước một mình, nhưng tôi đâu có thấy lẻ loi anh! Tôi
lắng tai nghe tiếng pháo nổ đì đẹt đây đó, tiếng trẻ reo cười giòn tan. Tôi để
ý nhìn từng ánh đèn ánh lửa thắp sáng trong từng mái nhà thấp thoáng xa gần.
Tôi hình dung được những gương mặt hoan hỉ, những cảnh vui vầy sum họp…
Phương mỉm cười, ông cụ nói nhiều chắc
đã có hơi men.
Kéo một chiếc ghế, ông nội mời:
- Ngồi nghỉ đi anh Sáu! Tôi hiểu ý ông
bạn già của tôi rồi!... Anh có lý lắm! Mấy năm loạn lạc mình có bao giờ dám đi
đâu giữa đêm hôm. Đêm tối hồi đó là thế giới của hung hiểm, chết chóc. Nó xua
mọi người vào hốc nhà, hốc hầm trú chật hẹp. Nó không cho mình có được một giấc
ngủ thẳng thớm yên tâm. Nhất là những miệt như ở đây…
Bây giờ bình yên rồi, đêm cũng như
ngày, ở trong nhà cũng như ở ngoài đường, ở khắp cả mọi nơi, không có gì cấm
cản bước chân của mình hết! Mình phải đi, đi giữa đêm hôm để vui sướng nhận rõ
điều đó phải hôn anh Sáu?
Ông Sáu Hòa:
- Đúng rồi, ý tôi là vậy!
Ngồi đối diện bạn, ông nội hỏi:
- Từ chiều tới giờ anh đã ghé qua nhà
những ai?
Ông Sáu Hòa gõ tay xuống bàn:
- Anh Tư Thi nè, chú Bảy Thái nè, anh
Chín Quốc nè, và bây giờ, anh!... Ôi, thật là cảm động đến chảy nước mắt! Tôi
không dè còn có ngày được gặp lại đám bạn bạn già mình, tay bắt mặt mừng, ở
giữa chốn làng mạc thân yêu cũ! Bao nhiêu năm chạy tản cư, mỗi người một nẻo,
tôi cứ tưởng đến giờ nhắm mắt cũng không sao được nhìn thấy lại quê xưa, nói gì
bạn bè. Ngờ đâu!... Ôi, tôi mãn nguyện lắm rồi!
Ông nội:
- Tôi chưa kịp viếng hết bà con quen
biết. Nhưng tôi đã bỏ trọn mấy ngày qua để đi thăm lại mồ mả ông bà, thăm lại
từng ngôi miếu, kiểng chùa, đình làng, bờ tre, bến nước… Bắt gặp còn sót được
chừng bao cảnh vật xưa cũ quen thân, là tôi mừng vui chừng bấy nhiêu phần!
Phương rót trà mời hai ông cụ. Ông Sáu
Hòa xua tay:
- Thôi, trà nước gì! Ông tính lại rủ
ông nội cháu qua nhà ông Năm An chơi liền bây giờ đây… À, anh Ba, anh với cháu
nhỏ đang làm gì đó?
Ông nội:
- Tôi đang sửa soạn viết câu đối Tết,
mới nghĩ được một vế chưa kịp viết thì anh tới. À, hay sẵn có anh, anh cho vế
đối thứ hai đi?
- Vế của anh thế nào?
- Tàm tạm thôi, tôi đọc anh nghe thử,
chỗ nào không ổn anh sửa giùm cho nghe!
Nói đoạn, hớp một ngụm trà, ông nội
nhìn cành mai trước mặt, ngâm nga:
- An
lạc xuân lai hồi cố thổ.
Ông Sáu Hòa:
- Hay lắm, hợp lắm! Bây giờ anh cứ
viết vế đó ra đi, trong khi ấy tôi rán nặn óc nghĩ vế đối lại.
Ông nội vui vẻ trở lại chỗ bày giấy
bút, cầm bút lông chấm mực, hươi tay viết một hơi bảy chữ nho sắp dài trên một
tờ giấy hồng đơn. Nét chữ có chỗ mạnh và thẳng như một tia pháo vạch, có chỗ
mềm mại lả lướt như ngọn cỏ đầu Xuân.
Ông sáu Hòa đến bên đứng xem. Ông vừa
đọc từng chữ trong vế đối của bạn vừa ngẫm nghĩ. Khi ông nội vừa viết xong chữ
cuối, ông cũng vừa đập tay reo:
- À, được rồi, nhưng không hay lắm.
Đâu nà…
An
lạc Xuân lai hồi cố thổ…
Thái
bình Đông mãn hội tân trang…
Được hôn anh Ba?
Ông nội tươi cười:
- Hay! Đối chan chát như vậy còn đòi
gì nữa? Rồi, vế đối của anh anh viết giùm đi!
Ông Sáu Hòa làm theo lời. Hai câu đối
mới viết xong, hai cụ già giơ trước đèn ngắm nghía, ngâm nga, cười nói rất vui
vẻ.
Đoạn, ông nội bảo Phương:
- Đến giờ giao thừa, con lấy dán hai
câu đối nầy lên hai cây cột trước cửa nhà nghe! Bây giờ ông nội theo ông Sáu
lại đằng ông Năm chơi, không chừng ở suốt tới sáng mới về.
Phương:
- Hay ông nội mời ông Sáu ở lại nhà
mình chơi mai hãy đi. Đi suốt đêm mệt lắm ông nội.
Ông Sáu Hòa:
- Cháu đừng lo, hai ông không mệt đâu!
Suốt bao nhiêu năm dài các ông của cháu đêm đêm cứ cố dỗ giấc ngủ, và nhiều khi
muốn ngủ luôn không bao giờ dậy, để quên đi, lánh đi cái cõi nhân gian khổ đau
vì chém giết. bây giờ thì các ông của cháu phải thức, thức để hưởng trọn từng
khoảng ngày giờ yên vui thật sự trong số tuổi về chiều, hiểu hôn!... Thôi, đi
anh Ba!
- Ừ đi! Cây đuốc của anh dựng đó hả,
đốt lên!
Trước khi theo chân bạn, ông nội còn
quay bảo Phương:
- Nói bà nội mầy, tao đi thưởng xuân
nghe!
Phương đứng nơi ngạch cửa nhìn theo
dáng hai cụ già, người cầm đuốc, người chống gậy dắt tay nhau lần ra ngõ. Ánh
lửa bập bùng reo vui trên đầu ngọn đuốc. Tiếng cười nói của ahi ông cụ cũng
thật vui. Tự nhiên Phương muốn chạy theo, hoặc hét lớn lên, bộc lộ niềm vui
cũng đang rào rạt trong lòng mình.
Đây đúng là một mùa xuân yên bình thật
sự. Chiến tranh, hận thù giết chóc là những gì đã xa rồi không ai buồn nhắc
tới. Tình người như đã lên ngôi. Người ta đến với nhau bằng nụ cười vui tươi cởi
mở, bằng ánh mắt thân ái rạng ngời. Không có biên giới phân chia. Không có đây
là bạn, đây là thù. Tất cả đều là anh em, sống với nhau bằng sự nhân nhường,
chia sớt. Chưa bao giờ cái nghĩa đồng bào thắm thiết như vậy. Chuyện tích xưa
“trăm trứng trăm con” người ta đọc lên với cả ý tự hào…
Có tiếng reo cười vang từ nhà dưới.
Phương khép cửa bước xuống. Dưới nầy đông người và vui vầy hơn. Một nồi bánh
thật to đặt trên cái bếp nhóm tạm ngay dưới nền giữa nhà bếp. Lửa cháy đỏ ngọn,
liếm quanh nồi trông thật ấm áp. Lửa bếp, thêm ánh đèn dầu đặt ở chiếc bàn
vuông, rọi lên mặt mọi người chập chờn, không rõ. Nhưng những nét nhìn thấy là
những nét vui vẻ chan hòa.
Bà nội ngồi trên vạt tre ngoáy trầu
cồm cộp. Mái tóc bạc phơ, coi nội già nhiều. Nhưng nụ cười mãn nguyện nở trên
môi làm nội như khỏe hẳn lại. Lúc trước nội
hay khóc, chiều chiều thắp hương khấn nguyện đất trời cho đất nước sớm
thái bình, khấn nguyện Ông Bà phù hộ cho đứa con trai vì chiến cuộc mải miết
phương xa. Trời Đất, Ông Bà đã chiều lòng nội!
Ba ngồi đong đưa trên võng gần đó, bé
Châu, bé Hải chen nhau nép vào lòng. Bao nhiêu năm ra đi làm kẻ chinh nhân, gió
sương lửa đạn làm ba có vẻ dạn dày. Chợt bình yên, buông súng thép trở về chốn
cũ nhà xưa, người thân đủ mặt quây quần, hẳn ba vui sướng lắm!
Má và Thủy đang lăng xăng vừa chụm lửa
nồi bánh, vừa sắp xếp lại mấy quả mứt. Đố ai tìm thấy nét ủ dột ngày nào trên
gương mặt má! Má hoàn toàn tươi tỉnh, trông trẻ hẳn lên.
Nhỏ Thủy thì thêm liến thoắng. Vừa
cười nói, cô bé vừa bốc kẹo mứt nhai luôn miệng.
Lúc Phương xuống, mọi người đang bàn
chuyện đi xông đất nhà bà con ngày mai. Vừa thấy mặt anh, Thủy hỏi:
- À, phần anh Phương, mai tính lại nhà
ai trước hết? Chắc nhà chị Dung chứ gì? Hi hi!...
Phương chưa kịp đáp, bé Châu vọt miệng
bảo:
- Chị khỏi nói, ảnh đâu có đợi tới
ngày mai. Hồi chiều nầy ảnh đã rủ em qua chị Dung chơi rồi!
- Vậy hả?
- Qua bển có chuyện tức cười lắm chị
ơi!
- Chuyện gì?
- Cho em một miếng mứt cà đi em kể cho
nghe!
- Con nhỏ nầy thiệt!... Đây nè, kể đi!
Tiếp lấy miếng mứt đỏ hồng mướt đường,
Châu bỏ vào miệng nhai ngon lành. Thủy giục:
- Kể mau đi!
Châu:
- Để em ăn xong đã chứ! Cha chả, mứt
chị Thủy làm ngon ghê ta!
Ăn xong, cô bé lại quay sang Phương:
- Anh Phương muốn em giấu chuyện nầy
thì kiếm cho em một cái bánh gì đi!
Thủy la:
- Con khỉ! Láu lỉnh vừa vừa thôi chớ!
Phương nhún vai:
- Đứa nào muốn kể gì thì cứ kể cho mỏi
miệng đi, anh có sợ đâu mà phải lo lót!
Châu cười:
- Vậy em kể ra rồi đừng có cú đầu
nghen!... Chị Thủy biết hôn, trong khi tiếp chuyện với anh Phương, chị Dung mới
cầm một miếng bánh phồng đang đãi ảnh ăn, đố ảnh vậy chứ bánh làm bằng gì? Chỉ
bảo, nếu ảnh đáp trúng sẽ đem đãi thêm ngay một món đặc biệt khác chưa từng
thấy. Câu đố dễ ợt, vì thứ bánh phồng nầy ở nhà má có làm. Anh Phương thân mến
của tụi mình bèn cười toe toét, bảo ngay:
- Bánh phồng làm bằng nếp có trộn mãng
cầu xiêm chứ gì!
Chị Dung khen:
- Hay quá ta!
Khen xong, chỉ bắt qua chuyện khác,
như quên khuấy lời hứa sẽ có quà thưởng. Anh Phương đâu chịu bỏ qua. Ảnh giục:
- Người ta nói trúng, hứa đem đãi một
món đặc biệt, sao làm thinh luôn vậy?
Chị Dung cười:
- Làm gì gấp vậy? Được rồi, để người
ta đem ra, đợi một chút nghe!
Nói rồi chỉ bước vô trong, lục đục một
lúc bưng ra một cái dĩa kiểu, trên đậy kín một cái chén kiểu. Chỉ làm ra vẻ
trịnh trọng:
- Mời thí sinh trúng giải nhận quà, và
dùng ngay kẻo mất ngon!
Anh Phương mừng húm đỡ lấy, và từ từ
giở chén ra: Ảnh bật ngửa, em ngồi gần đó thấy món quà trong dĩa cũng bật ngửa
và cười muốn bể bụng! Ha ha!...
Thủy:
- Món gì vậy?
- Một cục thịt kho to tướng!
Thủy cười ngất. Bà nội, ba má và bé
Hải nghe chuyện cũng cười. Phương đành… cười theo, xong, anh bảo:
- Còn lâu bánh mới chin, mới tới giao
thừa, Châu, Hải, kéo ra sân chơi trốn tìm nè!
Thủy:
- Mẹc ơi! Anh thử rờ cằm coi có mấy
sợi râu rồi?
Phương rờ cằm rồi hóm hỉnh:
- 35 sợi! Than ôi, ta đã già, tuổi thơ
đã bỏ ta đi mất! Ồ, nhưng già thì già, ai cấm cản anh Phương của mấy nhỏ chơi
trò con nít! Thủy nè, tuổi nhỏ của mình hoàn toàn nằm trong thời loạn lạc. Giặc
giã đã làm thời thơ ấu của mình mất mát nhiều. Hồi bằng tuổi con Châu, thằng Hải,
mình có được hồn nhiên, bình yên đùa giỡn đâu? Nhất là đùa giỡn ngoài vườn giữa
đêm tối, dù là vườn mình đất mình. Bây giờ mình thử sống bù lại cái thời con
nít, cứ chơi trò con nít, hoặc bày cho đám em hưởng trọn cái thú con nít, được
chớ!... Thôi đi, Châu, Hải! Nhỏ Thủy muốn dự thì tháp tùng.
- Thôi, em sợ ma lắm!
Phương:
- Bậy nữa! Sao lại sợ ma? Nhỏ Thủy thử
nghĩ coi, những hồn ma hôm nay có phải phần đông là những người gục ngã hôm qua
vì chiến cuộc. Mình là những người may mắn sống sót, để bây giờ trọn hưởng cảnh
thái bình. Tại sao mình không nghĩ đến họ, lại sợ họ. Nhỏ Thủy không nhớ đến
nhỏ Hoa sao?
Hoa là em kế của Phương, chị của Thủy.
Hoa đã chết cách nay một năm vì đạn lạc. Nghe Phương nhắc đến Hoa, mọi người
đều ngậm ngùi. Ba chép miệng:
- Tội nghiệp, lúc chôn cất con Hoa, ba
cũng không về được!
Hải kéo Châu rời võng:
- Chị Thủy không đi thì thôi, hơi đâu
rủ chỉ! Anh Phương, hai đứa em theo anh liền!
Cậu bé vừa dứt lời chợt có tiếng gõ
cửa trên nhà trên. Phương bảo:
- Khoan, để coi khách nào tới nữa!
Anh trở lên mở cửa nhà trước. Một cô
con gái mặc áo bà ba trắng, tóc buông xõa ngang vai, dáng dấp rất quen, đứng
đợi trước cửa. Trong phòng đèn sáng, bên ngoài tối mờ mờ, nên Phương phải cố
nhìn một lúc mới thấy rõ mặt cô khách nọ. Vụt anh rùng mình, rợn tóc gáy:
- Cô… cô…
Thấy anh lắp bắp hỏi không ra câu, cô
gái nhoẻn miệng cười. Nụ cười làm Phương kinh hãi hơn:
- Không thể lầm được!
Với ý nghĩ thoáng qua óc đó, anh vụt
bỏ chạy xuống nhà dưới.
- Ai vậy Phương?
- Cái gì vậy Phương?
Đáp lời bà nội và ba, Phương bật thốt
với giọng sợ hãi:
- Ma!
Thủy cười:
- Cha, nghe người ta nói người ta sợ
ma rồi hù chơi hả?
Phương:
- Anh không nói giỡn đâu!
Châu:
- Không nói giỡn mà điều nói chơi hả
anh hai? Đâu để em ra coi mặt ma thử coi, hồi nào tới giờ chưa thấy!
Dứt lời, Châu bước ra phía trước.
Không lâu, cô bé cũng chạy ngược trở xuống, sợ thất thần:
- Ma! Ma thiệt ba ơi, má ơi!
Thình lình, Phương trỏ tay về phía cửa
thông với nhà trên:
- Nó đuổi theo xuống kìa!
Chợt:
- Xoảng!
Cả gian nhà dưới vụt tối sụp. Bà nội
vừa hươi tay che mắt nhìn theo tay Phương, lỡ chạm phải cây đèn dầu. Ống khói
văng đi, ngọn lửa tắt phụp. Bếp lửa nấu bánh bấy giờ như cũng đồng tình, lụn đi
vì cháy hết củi.
Trong bóng tối mờ mờ, cái bóng trắng
từ nhà trên đang chậm chạp bước xuống. Hải lại thét lên:
- Ghê qua! Ma!
Cậu bé nhảy lại ôm lấy cổ ba. Châu
nhào theo. Thủy thì đeo chặt má… Phương mất cả gan lì, quên hết mấy lời nói
phải lẽ, gan góc của mình lúc nãy.
Ba lớn tiếng bảo:
- Ma cái gì?
Hướng về phía bóng trắng, ba nạt:
- Đứa nào đó, đứng lại!
Bóng trắng vâng theo, dừng lại cạnh
một gốc cột, cất giọng run run ngập ngừng:
- Ba!... Má!... Bà nội!...
Bà nội hỏi lại:
- Đứa nào đó, đừng có giả ma cỏ nhát
mấy đứa em, tao đập chết nghe!
Bóng trắng:
- Bà nội… Con là con Hoa mà bà nội!
Câu trả lời làm bọn Phương thêm rợn
người. Hoa? Hồn ma của Hoa hiện về?
Má đã kịp châm lại đèn, đốt lại bếp
lửa. Gian nhà lại sáng lên, và mọi người nhìn thấy nơi gốc cột kia rõ ràng một
cô con gái. Nhưng càng thấy rõ, mọi người càng lạ lùng. Bà nội:
- Sao tao thấy con nhỏ nầy giống hệt
con Hoa bây! Hổng lẽ ma Thiệt?
Cô gái rưng rưng nước mắt:
- Không phải ma cỏ chi hết nội! Con
còn sống, con là con Hoa, cháu nội của nội đây mà!
Không khí đã bớt phần kinh dị, nhờ ánh
sáng, nhờ sự đối đáp, và nhờ dáng điệu cô gái có vẻ người thật. Nhưng sự kinh
dị bớt đi, thì sự kỳ lạ đổi lại, khiến mọi người không kém phần thắc mắc, hoang
mang…
Ba rứt tay ra khỏi Châu và Hải, tiến
lại gần:
- Hoa, cháu là… con là Hoa?
Bất chợt:
- Phải rồi, nó là con Hoa, anh không
nhận ra sao anh Tư?
Một giọng đàn bà vang lên, một người
từ nhà trên bước xuống. Phương và các em buột miệng kêu:
- Dì Năm!
Dì Năm là dì ruột của bọn Phương. Dì
bước lại vỗ vai cô gái lạ lùng nọ:
- Đã bảo để dì dắt vào, nóng nẩy tới
trước làm chi, cho bà nội ba má và mấy em cháu tưởng lầm!
Má lên tiếng:
- Dì Năm, dì nói rõ giùm tôi coi! Con
Hoa sao còn sống? Còn con Hoa nào tôi đã chôn cất ngoài kia?
Dì Năm cười:
- Chị riết rồi con mình cũng không
nhớ! Anh chị đâu phải chỉ có một con Hoa. Hồi trước chị sanh đôi hai đứa con
gái, một đứa đặt tên Tuyết Hoa, một đứa đặt tên Hồng Hoa. Con nầy là Hồng Hoa
chứ đâu phải con Tuyết Hoa đã chết?
Cả bà nội, ba và má đồng reo lên:
- A!
- Ủa!
- Trời, Hồng Hoa!
Phương xen hỏi:
- Nhưng em Hồng Hoa bị thất lạc mất
tích hồi nó còn mới biết đi, trong một cơn chạy loạn mà!
Dì Năm:
- Ừ, thì dì có bảo khác đâu? Cháu
không rõ, nguyên hồi đó có người bắt gặp em cháu, đem về nuôi nấng đến ngày
nay. Trong lúc giặc giã, gia đình cháu cũng như hầu hết mọi người trong làng bỏ
nhà bỏ cửa lánh đi phương khác làm ăn. Người ta khó tìm biết gốc gác em của
cháu để giao hoàn. Bây giờ yên ổn rồi, người ta mới truy ra…
Bà nội ngắt lời:
- Đội ơn Trời Phật! Người nào mà phúc
đức quá vậy cháu Năm?
- Dạ, ông nầy không phải ở làng mình.
Theo lời ổng kể thì ổng phải dò hỏi nhiều ngày mới tìm ra được nhà ngoại con
Hoa. Ổng mới dẫn nó tới bên nhà cháu hồi chiều nầy. Con nhỏ nóng lòng muốn gặp
cha mẹ ruột, nó xin cháu dắt đi về đây ngay. Cháu đưa nó đi, dọc đường nhè gặp
người quen, cháu đứng lại trò chuyện. Đã được cháu chỉ sơ nhà cửa, con bé dông
đi trước…
Hiểu ra, ba má bước lại bên đứa con
gái thất lạc, mừng mừng tủi tủi, xúc động nghẹn lời. Bọn Phương cũng tiến lại,
đứa nhìn em đứa nhận chị, thật lăng xăng.
Bà nội cười bảo:
- Cha chả, tui bây giành hết không cho
tao mừng cháu nội hả? Hồi nãy sao bảo là ma, chạy trốn?
Cả nhà cười vui vẻ. Bỗng, một tràng
pháo nổ thật giòn, liên tục. Rồi thêm một tràng thứ hai… Phút chốc từ xa đến
gần, tiếng pháo tiểu pháo đại thi nhau nổ không dứt.
Thủy la lên:
- Giao thừa rồi đó!
Hải hét lớn:
- Ba ơi, dây pháo của mình đâu, đưa
con đem ra sân đốt!
Phương cũng bảo:
- Hồ đâu, đưa tôi đi dán câu đối đón
mừng năm mới nè!
Ai cũng muốn cười, muốn la hét. Niềm
vui tỏa rộng như hoa ngát hương Xuân!
*
Phương nằm ngả trên giường ngủ. Sau
mấy giờ góp mặt với bạn bè trong các cuộc vui tất niên, trở về gác trọ anh nghe
mệt mỏi và thêm một chút chán chường. Mấy tờ bản thảo truyện ngắn viết về một
đêm giao thừa, một cái Tết thật bình yên, anh chợt hứng ghi một mạch vào lúc
hừng sáng, còn vất vương vãi nơi đầu giường. Với lấy, anh đọc lại từ đầu đến
cuối:
- Thật đẹp! Thật vui! Nhưng…
Sẵn cây viết đỏ còn dắt trên túi,
Phương rút lấy, vạch mấy chữ to nguệch ngoạc, đè lên mấy dòng chữ xanh chi chít
của tờ bản thảo câu : CHỈ LÀ TƯỞNG TƯỢNG!
Phải, chỉ là tưởng tượng! Đến một giấc
chiêm bao, Phương cũng khó tìm thấy những cảnh vui vầy như thế đó. Than ôi, cái
đẹp cái vui phải chăng chỉ có trong tưởng tượng, thực tế bao giờ cũng trái
ngược, nát lòng? Đọc truyện của chính mình viết, đọc những ước mong của chính
mình kết thành chữ nghĩa, rồi nhìn về thực tại, anh nghe đau xót âm thầm.
Cũng là một giao thừa, cũng là một cái
Tết, nhưng bình yên đâu? Ở đây không là quê nhà Phương. Không có ông nội bà
nội, không ba má, vắng cả các em thân yêu!... Cái trơ trọi, vắng lạnh hiện đến
với anh thật rõ.
Nhìn lại mấy tờ bản thảo trong tay,
Phương chợt muốn xé nát đi, để viết một bài khác, một bài than khóc chuyện
chiến tranh chết chóc, cho hợp cảnh hợp tình.
Nhưng rồi anh thấy mình vô lý. Làm thế
để làm gì? Chuyện đó đã có lắm người nói đến, và người dân Việt kkhổ đau nào
không một đôi lần hứng chịu, chứng kiến, hay nghe thấy? Mình nhắc lại có thừa
và vô ích lắm chăng?
Không than thở kêu gào suông nữa, tốt
hơn hết mình nên tự chọn lấy một thái độ sống thế nào cho thích hợp với hoàn
cảnh chiến tranh xâu xé kéo dài. Nhưng sống thế nào gọi là thích hợp? Mặc
nhiên, và tìm cách chạy theo những thú vui thác loạn, để tạo thêm ung nhọt cho
xã hội, và cuối cùng chuốc lấy sự thiệt thân? Không! Chiến tranh không phải là
cái cớ cho mình hư hỏng. Hư hỏng rồi vin vào chiến tranh để bào chữa lỗi lầm,
tự cho mình có lý? Có lý, nhưng không phải là cái lý của lẽ phải, chỉ là cái lý
để được tha thứ phần nào. Mà đã nói tới hai tiếng tha thứ, là mặc nhiên xác
nhận sự lầm lỗi vậy.
Phương không muốn mình phạm sự lầm
lỗi. Phải tốt đẹp trong cái xấu xa, phải đứng vững khi bao người sa lấy, mới
đáng ngẩng mặt, mới không thẹn với chính mình.
Vậy, trong bất cứ địa vị nào, hoàn
cảnh nào, mình nên giữ lấy những hành động hợp đạo nghĩa, nhân tâm. Ta bảo ta
chán ghét chiến tranh, thì đừng làm những gì trái ngược, đừng tạo cho bộ mặt
chiến tranh thêm gớm ghiếc. Ta hãy tỏ ra biết nghĩ đến người, cảm thông nỗi khổ
của người, xem người như mình. Lúc nào ta cũng yêu mến tha nhân. Tình thương ta
giữ trong tim thắm tươi ý nghĩa.
Với chủ tâm nầy, Phương chắc mình
không đơn độc. Anh biết nghĩ đến hai chữ tình thương, thì hẳn cũng có nhiều
người biết nghĩ. Trong cuộc chiến, cuộc sống xâu xé hôm nay, dù sao tình đồng
loại vẫn còn. Anh hay thấy những tên hung bạo xấc láo lên mặt húng hiếp người,
thì thỉnh thoảng anh cũng gặp những người hiền hòa vui vẻ, sẵn sàng nhân nhường
giúp đỡ kẻ yếu kém hơn. Ở trường hợp trước anh bất bình, buồn bao nhiêu, thì
vào trường hợp sau, anh vui sướng bấy nhiêu, vui như chính mình nhận được sự
nhân nhường giúp đỡ kia vậy. Ôi, tình người, đẹp đẽ biết bao. Xin giữ lấy và
khơi dậy trong ta trong ai tình người cao quí đó!
Đồng hồ nhà bên thong thả gõ 12 tiếng
ngân nga thật đều.
- Giao thừa!
Phương chỗi dậy, tiến lại mở toang cửa
sổ căn gác, nhìn bao quát khu xóm trong đêm. Những mái nhà cái cao cái thấp,
xếp san sát như không còn kẽ hở. Có chỗ có ánh sáng đèn, có chỗ chìm trong bóng
tối. Giao thừa không tiếng pháo đón mừng, chỉ nghe một loạt súng xa xa bất chợt
vọng về phố thị. Và, cuối một góc trời, chập chờn ánh trái hỏa châu…
- Dù sao, bước sang năm mới mình cũng
cầu mong đất nước sớm thật sự hòa bình!
Phương nghĩ thầm, và hướng mắt về một
vì sao tỏ nhất, chênh chếch giữa nến trời đêm.
Mỹ Tho chiều 18-12-73
NGUYỄN
VĂN NGHỆ