Ánh nắng gay gắt ngả dài trên những
đám lá xanh trong giây phút trở nên nhợt nhạt. Mây chùng thấp xuống, lướt nhẹ
qua mặt trời, đổ bóng mát xuống con đường tràn đầy hoa vàng và những thứ cây đã
cằn cỗi.
Huân ngơ ngác nhìn con đường nhỏ,
những bụi cây. Nó lấy chân đá tung một viên sỏi rồi lại lao vụt đi. Qua chỗ rẽ,
thằng bé dừng lại.
Một căn nhà lá hiện ra bên những bụi
găng. Huân reo lên vui mừng:
- Hàn ơi!
Hàn ơi! Tiếng gọi lanh lảnh vang lên
giữa khoảng không gian tịch mịch tràn đầy tha thiết. Hai cái bóng thấp thoáng,
hai cái đầu rồi hai đứa trẻ vụt chạy ra.
- A! Huân!
Hàn – đứa đi đầu – giơ cả hai tay lên
trời sung sướng:
- Nhà tao xa lắm phải không?
- Ừ, xa lắm! Tao phải đợi ông anh họ
tao ngủ mới ra chơi với tụi mày đấy. Ở nhà hoài buồn lắm.
- Thế hả?
- Phát đây phải không?
Huân chỉ tay về hướng một đứa trẻ đứng
gần đó. Thằng bé gật đầu.
Hàn nhìn Huân:
- Phát đấy! Nó dát lắm… ờ mà để tao
cho mày xem cái này!
Hàn bỏ vào trong nhà vội vàng, Phát
cũng chạy theo. Huân đứng ngoài trông theo hai cái bóng len lỏi rồi lẩn vào
khung cửa mất dạng.
Bỗng nhiên trí nhớ nó hiển hiện những
ngày đầu tiên Huân gặp Hàn. Hồi mới tới đây, nó thấy Hàn đang lang thang ven bờ
ao. Rồi hai đứa thân nhau, tình bạn dần dà theo thời gian thêm phần thắm thiết.
Hàn, cái tên của thằng bé thực cũng…
lạnh như cuộc đời nó. Cha mẹ Hàn mất cả, nó được một ông thợ đem về nuôi năm
lên tám tuổi. Nếu cuộc đời của đứa trẻ nào cũng tràn đầy vô tư và sung sướng
thì Hàn lại sớm biết đau đớn. Nó biết buồn khi gió lạnh, khi hay tin một người
quen gục xuống mặc dầu trong người Hàn vẫn còn chất chứa thật nhiều nét đẹp của
tuổi ngọc ngà.
- Vút !!!
Hàn bất chợt lao vụt người ra, đồng
thời thanh gươm gỗ trong tay nó phạt những chiếc lá gần đó tơi tả.
Huân ngạc nhiên quay ngoắt lại:
- Tụi mày làm gì thế?
Phát cười:
- Nó biểu diễn đấy.
Hàn im lặng không nói. Nó quay tít cây
gươm trong tay múa những đường vô thứ tự. Nhiều lúc đang nhanh bỗng trở nên
chậm chạp, chắc những lúc đó, chàng ta thấm mệt rồi bất thần, Hàn lại lao người
lên múa loạn, cây gươm lao đi vun vút.
Huân cười phá lên:
- Thôi chứ, mệt rồi còn gì!
Hàn đặt cây gươm xuống rồi đưa khoe
bạn:
- Đẹp không. Gươm này thiêng lắm đấy, có
thể… “trấn yểm” được nữa.
Huân nhìn kỹ. Đó chỉ là một thanh gỗ ở
chân giường hay bàn có đẽo gọt cẩn thận điểm thêm một chút công lao chạm trổ.
- Xời! Đây là cái chân giường hay ghế
gì đó phải không?
Hàn gật đầu vuốt ve thanh kiếm.
- Bây giờ mình tính đi đâu chơi đây?
Phát nói:
- Tao tính… mình ra câu cá rồi thả một
vòng ở vùng này.
Huân vỗ tay:
- Được chứ. Nhưng bây giờ bắn bi cái
đã. Tao có mang bi theo đấy. Cả chục viên lận.
- Ừ… Vào trong vườn này.
Hàn nhanh nhẹn dẫn Phát và Huân đi
vào.
Những tiếng cười hồn nhiên vang lên.
Ba đứa ngồi bệt xuống đất. Những viên bi xanh đỏ được đổ đầy ra đất trông thật
đẹp mắt.
- Chơi ca rê nhé?
Vài cây hoa lắc lư trong cơn gió nhẹ
nhàng. Một con ong bầu đen nhánh vo ve trong bụi trúc. Bóng mát chợt đổ xuống
rợp cả cảnh vật.
*
Trước mặt chúng là những hàng cây chạy
dài. Ngôi làng hiện ra xa xa. Buổi trưa ở đây yên tĩnh, chỉ có tiếng hót thật
yếu ớt và mong manh vô cùng của một loài chim lạ. Chim đậu trên cao, trông chỉ
nhỏ bằng mấy chú quyên hay sâu thường kéo vào vườn kiếm lá khô là cùng. Mầu hơi
xanh xanh, tiếng hót của nó như tiếng huýt gió nhưng yếu ớt lắm, có một vẻ gì
dễ thương lạ.
Huân so vai:
- Buổi trưa mà chẳng bức một tí.
- Này Huân – Hàn hỏi – Hình như một
giờ trưa?
- Có lẽ.
Huân ngước mặt nhìn lên tàng cây xanh
in ánh nắng yếu ớt. Con chim đã bỏ đi. Có tiếng lá cọ vào nhau sột soạt.
Nó nắm từng viên sỏi ném vụt ra xa.
Rồi hai đứa thi nhau ném, một màn sỏi thưa thớt rào rào rơi xuống.
Trò chơi chấm dứt mau chóng. Hai đứa
ngồi im mệt mỏi. Sau những lần chạy chơi khắp chốn này, đôi chân của Huân như
muốn rã rời ra.
Huân phá tan sự tẻ lạnh:
- Hàn! Sao tụi nó gọi mày là Hàn
khùng?
Im lặng.
Những tiếng gió vi vu qua kẽ lá buồn
buồn.
Hàn khẽ quay mặt đi:
- Thôi kệ tụi nó.
- Không! Tao hỏi tại sao cơ!
Hàn đắn đo rồi hạ thấp giọng:
- Chả có gì… Tại hồi ba me tao mất đi
tao buồn quá nên người như ngây dại hẳn. cả ngày chỉ khóc. Rồi tụi nó gọi là
Hàn khùng.
Huân cười :
- Bây giờ mày có khùng đâu. Thằng nào
đặt cái tên ấy láo quá. Chơi với mày hoài tao phải biết chứ.
Hàn xót xa:
- Biết làm sao bây giờ. Mày thấy thằng
nào cũng gọi tao bằng tên ấy phải không?
Huân gật đầu:
- Rồi… Tụi nó còn bảo trông thấy Hàn
khùng leo lên cây ngồi. Gặp người đi qua nhăn răng cười trông đến phát khiếp
rồi nhẩy ùm xuống sông bơi… À mày có biết lội đâu nhỉ?
Hàn gật đầu không nói.
Huân ngập ngừng rồi kể tiếp:
- Cả thằng Quy nữa. Nó nói… tình cờ
lúc đi ngang qua vườn mía đầu làng vào một đêm trăng sáng tao thấy Hàn khùng
khóc tức tưởi mà ớn, áo nó rách nát, mặt nhăn nhở.
Dứt lời, Huân phá lên cười:
- Tụi nó “láu cá” thật!
Hàn gượng cười:
- Chỉ tại hồi đó tao khóc quá.
- Ừ… Tin gì mấy đứa ấy. Sao mày không
đi học đi?
Hàn lắc đầu:
- Đi gì nữa. Sau hồi ba me tao chết đi
thì kỳ quá! Tao chả còn nhớ được những bài học. Bây giờ mày thử hỏi nước ta,
dân sống về nghề nào nhiều nhất hay ông Lê Lợi khởi nghĩa ở đâu tao cũng quên
tuột.
- Chán nhỉ? Đi học cũng vui lắm chứ.
Ánh nắng nhẹ giải khắp thôn xóm. Hàn
đảo mắt nhìn về phía những mái nhà lá. Nào dừa nào chuối xanh mướt, tất cả nghỉ
ngơi trong sự im lặng.
Hàn bỗng thở dài:
- Tao nhớ ba me tao quá.
- Thôi nói chuyện vui đi. Nãy giờ ngồi
đây tao thấy mày thốt ra toàn chuyện buồn.
Hàn gật đầu:
- Ừ, nào thì vui. À! Thằng Phát bảo
chỉ lên thăm bà nó độ một tuần rồi về thế mà đã mười mấy ngày rồi. Hay tao sợ
nó làm sao?
- Nhỡ ở dưới ấy vui nên nó ở lâu –
Huân nhìn Hàn – mà mày lại nói chuyện không vui rồi. Thôi về!
Hai đứa trẻ đứng dậy bước đi. Huân tự
trách thầm mình. Chính nó đã khơi nỗi buồn của Hàn ra, giờ đây bên cạnh nó là
một khuôn mặt của ưu tư và nhung nhớ.
Hai đứa tựa lưng vào một gốc cây. Bầu
trời chìm vào niềm ảm đạm. Những đám mây xám dắt nhau bỏ đi. Nền trời trắng
toát được vẽ lên những nét hoang dại của các cành cây khẳng khiu thiếu lá.
Chân trời vương mây hồng. Thứ mây dài
lê thê óng lên bởi ánh sáng ủ dột của mặt trời như e ấp lấy những rặng dừa cùng
các mái nhà cũ kỹ ở xa. Mây lướt xuống thật thấp, hình như trùm cả xuống đầu
những ngọn đồi xanh. Nơi ấy, dấu tích của bao huyền thoại tuổi thơ, bỗng mờ đi
vì những cuộn khói trắng bốc lên vương qua tầm mắt hai đứa.
Một lũ trẻ đang đùa dưới kia. Huân
trông thấy cả thằng Trực, thằng Hòa… mấy đứa bạn mình mới quen. Nỗi vui mừng
gợi ánh mắt long lanh. Nó kéo tay Hàn:
- Hàn! Xuống chơi với tụi nó nhé.
Thằng Hàn ậm ừ. Mắt nó cũng đang chăm
chú theo dõi bọn trẻ.
Cả lũ chia làm hai phe. Một bọn nấp
sau các lùm cây. Một bọn tấn công. Phe xung phong trang bị đầy đủ khí giới. Hai
đứa đi đầu có lẽ là nguyên soái nên được hai tên khác cõng thay cho ngựa. Những
thanh trúc dài ngoẵng được tước hết lá trên đầu chỉ còn một chòm lơ thơ dùng
làm roi phát hiệu lệnh.
Một tiếng hô xung phong. Bọn “giặc”
tấn công như vũ bão. Có đứa bị trúng “đạn” từ trong lùm cây bắn ra giả vờ té
khuỵu xuống. Trận chiến xem chừng vui lắm. Những tiếng reo hò ầm ĩ.
Huân nhắc lại:
- Xuống chơi Hàn.
Hàn khẽ nhấc một bàn chân lên. Nhưng
ngập ngừng, nó lại đặt xuống:
- Thôi đừng chơi với tụi nó!
- Tại sao?
- Nó bảo tao làm ngựa cho nó hoài. Ức
lắm.
Huân cười:
- Tại mày chạy giỏi.
- Thì phải làm ngựa à? Mà tao chán đùa
lắm rồi.
Hàn buông thõng. Huân thất vọng ngồi
lại chỗ cũ. Chợt nó nhổm dậy:
- Hàn! Sao mày ưa dẫn tao ra chỗ này
ngồi vậy? Có gì là thú vị đâu?
Hàn khẽ nói:
- Huân ơi! Có chứ.
- Đâu? Cái gì?
- Nơi này… buồn không?
- Ừ thì buồn.
Mà buồn thật. Cả một vùng đất chạy dài
cằn cỗi như vừng trán của cụ già đã trải qua một khoảng đời lo nghĩ. Những thân
cây xạm đen lạc lõng, từng đám cỏ đã chuyển màu vàng. Vắng ngắt. Ở đây chỉ có
gió là nhiều. Từ tờ mờ sáng, khi sương mù còn bao phủ không gian, gió đã về.
Chúng rúc vào những tàng lá xanh cao tít mà nô giỡn. Đến trưa, hiền lành hơn,
ngoan ngoãn trên những ngọn cây. Nếu có thích chí cũng chỉ dám lướt thật nhẹ
nhàng làm rớt rơi một vài chiếc lá khô xuống đất. Chiều thật mới buồn nữa!
Những lúc như hôm nay, gió chuyển động dữ dội làm hàng cây xót xa đổ lá.
- Kỷ niệm của tao ở đây nhiều lắm.
- Thế à? Tao có thấy gì đâu?
Hàn nhỏ nhẹ:
- Xa rồi. Chỗ này là nhà tao. Cũng có
vườn tược sân chơi đàng hoàng. Tao thường ra trước nhà ngồi trên hàng rào gỗ
đợi bố tao về… Ờ… mà còn cả một cái bể cá con nữa… Những buổi chiều ngày ấy
sung sướng ghê Huân ơi.
Giọng nói run lại, Huân hỏi:
- Bố mẹ mày ốm chết hả?
- Không! Trận bão thổi nhà tao tung
đi. Bố mẹ tao mất. Tao xuống dưới kia chơi với thằng bạn nên hôm ấy thoát chết.
Những giọt nước mắt của nhớ nhung vời
vợi rơi xuống đôi má gầy gò.
Đôi mắt Hàn chợt tối hẳn:
- Chỉ có đứa nào tao thích tao mới nói
cho nghe.
Huân hơi cảm động:
- Thế hả?
- À Huân ơi! Mày đừng giận tao nhá.
- Tại sao mày lại nói vậy?
Huân ngạc nhiên.
- Ừ… tao sợ nhỡ mày giận tao thì buồn
chết! Tao ít bạn thân lắm!
- Mày ngu thế? – Huân trợn mắt – Thằng
nào cho tao cần câu, ná gỗ? Thằng nào dẫn tao quen dần đi với khung cảnh ở đây?
Tao đâu nỡ xí mày.
Huân chợt im bặt. Đôi mắt nó chăm chú
về phía một con bướm nâu đang ngắc ngoải tuyệt vọng dưới gốc cây. Đôi cánh to
vỗ vỗ liên hồi rồi chậm dần, con bướm nằm im. Đời sống của loài bướm quá thảm
thương và ngắn ngủi. Một cảm giác sợ hãi len lén xâm nhập vào thân thể Huân. Nó
lay mạnh Hàn rồi hai đứa đứng dậy.
Hoàng hôn chưa xuống. Bọn trẻ ra đi để
lại một cảnh tượng quá vắng. Hai đứa chạy như bay rồi bỗng dừng lại. Bãi tha
ma. Một đám người đang bu quanh ngôi mộ. Quan tài đã được hạ xuống. Đất chờ lấp
lại. Những tiếng nức nở thương tiếc người quá cố vang lên lạnh lẽo. Mây xám
chùng thấp xuống.
- Đi thôi Huân. Buồn quá.
Những bước chân thả chầm chậm. Hai đứa
băng qua những rặng cây lay động lào xào. Còn đường dẫn vào làng chìm trong nỗi
buồn thảm. Tiếng chó sủa mong manh và thoang thoảng vọng đến tai hai đứa gợi
một nỗi đau xót lớn lao.
*
Huân ngồi vắt vẻo trên bàn. Nó hé mắt
nhìn ra ngoài vườn. Trời hôm nay bỗng hơi lành lạnh. Đối với nó thời tiết như
vậy là rét lắm.
Hai đứa bước vào một căn phòng. Hàn tò
mò nhìn lên bốn bức tường quét vôi trắng toát. Cảnh vật quen thuộc với nó hơn
cả vẫn là những bãi cỏ hoang không gót chân người, những cơn gió phiêu du qua
miền cô quạnh.
- Hôm nay mày ở chơi lâu một chút nhé.
Hàn lắc đầu:
- Không. Một tí thôi.
- Mày ngồi đây. Để tao vào lấy cái
này.
Huân bước vào phòng bên cạnh. Nó chợt
dừng lại vì Văn – người anh họ nó – đã đứng sẵn ở đây.
- Huân.
Huân ngạc nhiên:
- Gì anh?
- Sao dẫn thằng ấy vào nhà mình?
- Nó là bạn em mà.
- Bạn em?
- Vâng.
- Nó lêu lổng lang thang không ai là
không biết… Mà em chơi với nó từ lúc nào thế?
- Từ lúc mới tới đây – Huân chậm rãi.
Anh Văn vụt nói như quát tháo:
- Thế à? Hư thật! Nó tốt gì mà em chơi
với nó?
Huân xót xa, tiếng nó chợt lạc đi:
- Có chứ. Hàn tốt với em lắm.
- Nó khùng. Em biết chưa? Chơi với nó
rồi sẽ có lúc em thiệt thôi. Nhỡ bây giờ cơn nó lên thì làm cách nào để tống nó
ra khỏi nhà này?
Một giọt nước mắt lăn trên má Huân. Cổ
họng tắc nghẹn. Giọng nó run lên:
- Anh đừng nói thế!
- Thôi anh không biết. Tùy em đấy.
Anh Văn bỏ đi. Huân nhìn theo cái bóng
người khuất dần. Nỗi tức giận dâng tràn. Nó chết lặng.
- Huân ơi!
Tiếng Hàn gọi. Huân bàng hoàng. Bóng
tối ở căn phòng ngoài chập chờn làm nó chỉ thoáng nhìn thấy cái đầu của Hàn lấp
ló.
- Huân ơi! Tao về đây!
Giọng Hàn tràn đầy nước mắt.
Huân rụng rời. Nó đã hiểu.
- Mày về làm gì? Anh ấy có đuổi mày
nữa đâu? Đừng sợ Hàn. Ở lại đi, vui lắm.
Hàn run run:
- Nhưng tao phải về!
- Sao thế? Mày giận ai? Giận tao? Tại
sao về?
- Tao buồn quá!
Những giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi.
Huân chạy lại phía Hàn nhưng thằng bé
lủi đi.
- Ở lại chơi một chút. Mày buồn gì mới
được chứ?
Huân nhăn nhó.
Nó mong đợi một câu trả lời, chỉ vỏn
vẹn một câu này thôi. Nhưng những bước chân xa rời dần chứng tỏ đứa bạn đã bỏ
đi. Huân ngỡ ngàng. Một cảm giác thẫn thờ xen lẫn rồi như bị xui khiến, Huân
lao mình ra cửa vội vàng.
- Hàn!
Huân thò đầu nhìn ra ngoài. Gió lạnh
quật phần phật vào khuôn mặt nhợt nhạt vì lạnh giá và tái tê. Im lặng.
Tiếng gọi mông mênh xa vắng quyện theo
hơi gió bay xa. Những bước chân người ban nãy còn dồn dập lắm, rõ ràng lắm thế
mà giờ đây biến đâu hẳn. Bóng tối chập choạng ru con ngõ. Nỗi buồn dâng ứ lên mắt.
Huân buông một tiếng nấc nho nhỏ. Rồi sợ hãi, nó bỏ vào để lại sự im vắng cho
con đường nhỏ dài thăm thẳm, đi qua biết bao nhiêu bãi cỏ và nhà cửa và bị xóa dấu
vết ở một vùng nào đó chắc hẳn xa lạ.
Nguyễn
Thi Hùng