Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Chú Chồn Láu Cá


Con Bông nhà tôi thuộc giống chó săn. Vì thế mỗi khi thấy một con vật nào là nó rượt bắt cho bằng được, nếu không cũng làm cho đối phương phải một phen chạy có cờ! Bông thường sủa ầm ỹ và tỏ ra tức tối khi trông thấy một con sóc cong đuôi nhảy tót lên cây ngồi chễm chệ trên chạc ba.

Tôi cũng rất thích săn bắn và từng cùng Bông dẫm nát mấy khu rừng quen đầy bóng mát trong những ngày hè oi ả.

Một buổi sáng kia, chúng tôi rủ nhau xuống một cái đầm lớn. Lập tức Bông trổ tài thi đua với tôi. Bông xông xáo chạy trước và trông thấy một chú chồn già đang lẩn quẩn gần mặt đầm. Cố nhiên chồn phải chuồn gấp, nhưng chuồn đi đâu bây giờ vì ở đây chẳng có lấy một ngọn cây!

Kẹt một nỗi là chồn đã già lại mập, vậy làm sao có thể chạy nhanh bằng Bông được? Thế mới nhiêu khê!

Chợt chồn quay mình phóng thẳng xuống nước, choải lấy choải để hòng thoát khỏi nanh vuốt con Bông.

“Ùm!” Bông cũng lao mình xuống đầm rượt theo. Cuộc thi bơi ngẫu nhiên giữa chồn và chó diễn ra thật sôi nổi. Bông mỗi lúc mỗi tới gần chồn hơn. Tình hình có vẻ khốn đốn cho chồn vì xem ra nó khó lòng chạy thoát.

Giữa hồ có một khúc gỗ nổi lơ lửng, chồn liền trèo vội lên rồi quay lại nhìn chầm chập vào mặt Bông, yên lặng chờ đợi. Hình như nó đã tìm được cách thoát thân.

Bông đã bơi tới sát khúc gỗ. Chồn giơ những vuốt nhọn bé nhỏ ra bổ vào đầu Bông, ấn lùi trở lại. Mỗi lần chồn đẩy như vậy là mỗi lần đầu Bông chìm lỉm dưới nước trông thật thảm hại!

Con chồn láu cá luôn luôn ghìm đầu Bông dưới nước đến nỗi Bông phải chổng mông lên trời, đuôi và hai chân sau dãy dụa dữ dội trên không trung. Cuối cùng, Bông phải bỏ cuộc, nuốt hận mà bơi vào bờ.

Đầu gục xuống, đuôi cụp vào hai chân sau, Bông lủi thủi bỏ đi, không còn lòng dạ nào để ý đến chú chồn đắc thắng đang ung dung ngồi nhìn trên khúc gỗ với vẻ mặt tự cao tự đại.

Vào khoảng một tuần lễ sau, nhân một ngày tốt trời, tôi vác cần ra sông câu. Cố nhiên Bông cũng đi theo. Khi chúng tôi đang ngồi trên bãi cát, con chồn già hôm nọ lại xuất hiện. Nó đi về phía chúng tôi, mặt tỉnh bơ như không thấy gì trước mắt. Nó đi sát bên tôi và Bông như để kkhiêu khích. Bông có nhìn thấy nó nhưng “không thèm” đứng dậy!

Chồn chạy tuột xuống mặt nước, nhặt một con sò lớn, đưa lên mồm cắn cắn vài cái, nhưng sò không chịu mở miệng. Chồn liền đặt nó xuống một tảng đá phẳng gần đó, rồi đi tìm một con sò khác. Khi tìm được rồi, chồn lại đưa lên miệng cắn. Một lần nữa sò vẫn “từ chối” không chịu há miệng. Chồn lại xếp con sò này nằm bên cạnh con sò trước.

Cứ thế chồn tiếp tục săn thức ăn và tất cả số sò nó mò được đều nhất định ngậm miệng… ăn tiền! Nghĩa là không chịu há ra cho chồn móc ruột.

Được một lúc, tảng đá lớn đã đầy sò. Chồn có vẻ như thất bại trong buổi kiếm ăn ngày hôm nay. Cuối cùng chồn bỏ đi, kệ cho đống sò nằm trơ trên mặt đá. Xui cho chú chăng?

Không! Khoảng một giờ sau, chồn trở lại, tiến tới hòn đá nhặt một con sò lên, rồi thủng thẳng lật từng con một : phía dưới để lên trên, phía trên để xuống dưới.

Sau đó bạn có biết không? Tất cả vỏ sò đều há miệng hết, chồn ta chỉ việc lấy chân tách khẽ là hai cái vỏ cứng của sò mở to ra liền. Bấy giờ chồn cứ thủng thẳng gỡ từng ruột sò béo ngậy và đỏ lòm bỏ vào miệng là được một bữa ăn ngon lành.

Chẳng mấy chốc, đống sò chỉ còn toàn vỏ, chú chồn già béo phục béo phịch khoan khoái ra đi, có lẽ chú về tổ để đánh một giấc ngủ trưa.

Vậy là tôi đã được chứng kiến một ngư phủ già đầy kinh nghiệm : chú “ngư phủ chồn” đã biết phơi sò ra ngoài ánh nắng để nhờ sức sưởi của mặt trời, sò sẽ trở nên lười biếng chậm chạp và yếu đi. Bấy giờ chồn mới có thể tách miệng sò ra dễ dàng.

Thật là láu cá hết chỗ nói!


VĂN TRUNG         
(Viết theo Reader’s Digest)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 76, ra ngày 11-2-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>