Cả bốn đứa Thu Thủy, Đại Bình, Lâm Mai và Hương thảo đang lê những bước chân mòn mỏi về phía nhà thờ Huyện Sĩ. cả một dòng người cuồn cuộn đổ về đây để sửa soạn tham dự thánh lễ nửa đêm. Hai chị em Mai và Thảo đến nhà thờ với tư cách "cảm tình viên", còn lũ Bình Thủy là "đạo cội". Suốt buổi tối, bốn người bạn của chúng ta đã thực hiện một chuyến dạo chơi khắp miền thành phố để gọi là "đi thăm cho biết sự tình". Khiếp, giá ngồi ở nhà thì chả ai có thể tưởng tượng nổi bộ mặt của Sàigòn nó lại khủng khiếp đến thế... Thành phố sáng choang trong ánh điện muôn màu, tưởng chừng như tất cả các bóng đèn đều được trưng dụng về đây. Đến đường nhựa, các hè phố và nhất là các quán giải khát thì chen chân không nổi... Thiên hạ hình như bỏ nhà, bỏ cửa để dung dăng dung dẻ dưới bầu trời đêm.
Những bộ tóc dài, những bộ y phục mặc vào để thấy mình kỳ lạ nhất nước, được đem ra trình làng, khiến cho đêm Sàigòn trở thành một "Dạ hội hóa trang tập thể". Chưa hết đâu, mặt đường còn lại được dành cho các quí vị loi nhoi "lạng xế" tưng bừng, mạnh ai nấy lạng, xui ai nấy chết. Mấy ông phú lít mặt cứ đờ ra chả biết phải thổi còi ai, bởi vì cả trăm người như một.
Bộ bốn tứ tử của chúng tôi tuy chẳng đến nỗi cù lần đệ nhất, nhưng thuộc "băng" con nhà lành sạch, trông thấy cảnh tượng ấy đều phải kinh tâm tán đởm. "Người mà đến thế thì thôi, đua nhau lạng xế, giỡn chơi với tử thần".
Riêng Đại Bình thì ít khi được dạo phố kiểu này, kiểu này là kiểu dư tiền, dư thì giờ và của những người "đã tới tuổi". Trong khi các bậc đàn chị Thu Thủy và Kim Mai rủ rỉ tâm tình với nhau thì ai dám cấm bọn đàn em Đại Bình, Hương Thảo ra sức khoe tài? Bình sinh, Đại Lọ có tính hay khôi hài, bây giờ lại phải ra cái vẻ lịch thiệp, tao nhã với "người ta", hắn thấy cả là một sự khó nhọc. Giá như có thằng Thành ở đây, hai đứa sẽ đấu láo toe toét về những cảnh trông thấy ngoài đường: chẳng hạn một nữ nhân đang đi đằng trước, người cao độ thước tư, thước rưỡi, thân hình thì phong phú dị thường, trông không khác một quả mít biết di động, thế mà lại sánh vai với một nam nhân mười phần cao ráo. gầy gò có một không hai ở cái đất Sàigòn này... Nhưng với Hương Thảo, quả thật "không dám thế".
Chuyện trò cũng đã khá, nhưng đôi chân cũng đã muốn tịnh dưỡng, giờ thánh lễ cũng đã điểm, cho nên tứ tử kéo nhau trở về nhà thờ Huyện Sĩ, định bụng xong lễ sẽ phóng gấp về nhà gần đó, nhậu Réveillon, có ông bà Hoàng chờ sẵn.
Ôi, người đông như nêm cối. Trong nhà thờ bây giờ nồng nặc hơi người. Những cơn gió mát ban đêm của thành phố bị đẩy ra ngoài. Hôm nay thiên hạ đều chưng diện quần áo mới và "yêu nước" kỹ càng mà còn thế đấy!
Suốt buổi lễ không được ngồi một phút, Đại Bình càng mỏi mệt bao nhiêu thì lại càng động lòng trắc ẩn đối với "người thân hữu" bấy nhiêu, nhưng biết làm thế nào đây nhỉ? Chỉ có đôi lời thăm hỏi là cùng... Đến cuối lễ thì mồ hôi đã bò lổn ngổn trên ngực và sau lưng, ướt đẫm áo Đại Bình. Trong khi đó tiếng nhạc orgue và ban hát vẫn dõng dạc ngân vang "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời..." Rất may khung cảnh thánh lễ trang trọng quá, bài ca tuyệt diệu quá khiến mọi người không ai "xúc động mạnh".
Trên đường về nhà, Bình sốt sắng giảng giải cho Thảo các nghi lễ vừa diễn ra trong nhà thờ. Thảo say mê lắm nhưng thắc mắc mãi, một người như Bình lại chịu khó đi chơi một mình. Ánh đèn ngôi sao ở nhà đã hiện ra trước mặt. Bình giải đáp vội vàng, nhưng cũng khá thành thật: "Bạn trai của Bình đông lắm nhưng xui xẻo kỳ này đứa thì đi xa, đứa thì có mục riêng ở gia đình bỏ đi không được. Còn bạn gái thì... thực tình hiếm hoi!" Có lẽ Hương Thảo cũng "cảm động" trước những lời tâm phúc của Đại Lọ.
Ông bà Hoàng đón bốn đứa ngay từ cổng nhà. Bữa tiệc đơn sơ nhưng sầm uất diễn ra ngay tại phòng ngoài. Chiếc hang đá nhỏ được Bình săn sóc từ hôm tuần trước nằm gọn trên mặt buffet, huy hoàng và xinh xắn. Tiếng nhạc giáng sinh trổi lên nho nhỏ từ chiếc cassette khiến căn phòng trở nên ấm cúng lạ thường. Bình đề nghị nên dùng ánh sáng của nến cho bữa tiệc thêm trang trọng. Nhưng bà Hoàng phản đối ; bà bảo "trời thế này mà đốt nến thì nóng chịu không nổi". Để dung hòa ý kiến, ông Hoàng và Thu Thủy bảo nên dùng điện mờ, và tăng cường chiếc quạt để bàn, mọi người đồng ý hết mình.
Không muốn kéo dài giờ khai mạc sợ muộn, ông Hoàng có đôi lời khai mạc, vắn tắt về ý nghĩa đêm Giáng sinh họp mặt, một ý nghĩa rất tốt đẹp, nhất là với sự có mặt của đôi bạn trẻ Kim Mai, Hương Thảo. Tiếp theo tràng vỗ tay là phần nhập tiệc. Các món ăn rất nhẹ và lành. Bà Hoàng hỏi thăm về gia thế Mai, Thảo. Ông Hoàng kể cho cả nhà nghe những kỷ niệm dĩ vãng vào dịp lễ Giáng sinh ở miền bắc. Giáng sinh mùa Đông sướt mướt lạnh. Đàn bà mặc áo bông, áo gấm, đàn ông thì pardessus trùm kín cổ, mũ dạ che ngập đầu. Những hơi thở ra khói trắng, những bàn tay khuất dạng dưới tà áo, hay nằm sâu trong túi... Nhưng người ta vẫn thích ra đường, ra để tìm cái thú rét? Hay ra để rồi đến lúc trở về mới thấu cảm được hết không khí tuyệt diệu của tổ ấm gia đình?
Bọn trẻ được dịp cùng sống lại dĩ vãng xa xưa đầy thú vị của một người lớn thì lấy làm thích chí ; những nụ cười hồn nhiên vang lên khi ông Hoàng thuật lại một chuyến suýt ăn đòn mà ông vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Tất cả chỉ vì muốn giả làm ma dọa nạt bà cụ khi đi lễ đêm về đến đầu xóm...
Tiệc tàn, đồng hồ cũng điểm 12 giờ khuya. Giờ này mọi khi thì ai nấy đều sống trong mơ nhưng hôm nay vẫn còn tỉnh táo, chỉ hơi mệt một chút. Ông Hoàng và Thu Thủy lấy xe giúp Kim Mai, Hương Thảo về nhà, cách đó cũng không xa lắm. Khu Phạm Ngũ Lão.
Mọi người đi rồi Đại Bình còn thơ thẩn ngoài sân. Niềm vui và nỗi buồn hình như rất mờ mịt trong tâm tư hắn. Ở cuối ngõ, ánh điện màu chăng dài chớp, tắt trong đêm. Một cơn gió thoảng qua lay động nhánh lá bên nhà, hắn thấy hương đêm đã rõ lắm, ngọt nồng.
THÁI BẮC
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 16, Giáng Sinh, ra ngày 20-12-1971)