Bốn
Những
ngày tiếp nối qua đi thật tuyệt vời. Tôi không biết dùng từ ngữ nào
khác hơn ngoài chữ “tuyệt vời” để diễn tả. Uyển và tôi vẫn đều đều trao
những mảnh giấy, những lá thư. Các quyển sách, cuốn vở là những bác đưa thư tin
cẩn và kín đáo. Những lá thư nằm giữa các trang giấy xóa tan được những
nghi ngờ. Bạn bè tưởng chúng tôi cho nhau mượn sách vở. Tôi dường như
đã quên hẳn thời gian. Tôi ươm hồng những ngày-học-trò. Tôi lênh đênh,
ngất ngây trên dòng suối tình cảm. Mỗi ngày đến lớp gặp Uyển là một ngày
sung mãn tươi vui cho tôi. Tôi đã trở thành cậu học trò si tình trong
bài thơ “Áo Lụa Hà Đông” của Nguyên Sa:
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị kỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
Tôi đã nhiều đêm mất ngủ để tập làm thơ. Bài thơ tình đầu đời của tôi dĩ nhiên để nói về Uyển. Tôi ví Uyển như một vì sao trong rừng sao trên trời. Vì sao rất bé nhưng sáng nhất, đứng riêng biệt ở một nơi cao vời vợi. Tôi gọi gió về làm con tầu diễm tuyệt rước vì sao nhỏ bé đó xuống trần gian để tôi đặt để trong trái tim căng máu hồng của tôi. Tuy nhiên thơ của tôi còn non mùi sữa… cho nên không khoe nhau bài thơ. Tôi giấu kín bài thơ, chỉ để tâm sự cho mình mình nghe…
Thầy Hòa, vị giáo sư hướng dẫn lớp bước vào giữa tiếng ồn ào của học sinh. Tôi dừng lại cơn mơ mộng, đứng lên. Sau khi đọc lời tâm niệm thầy vui vẻ vừa nói vừa lấy trong cặp-táp ra một tập giấy “pơ-luya” đầy đặc chữ.
- Còn hơn ba tuần lễ nữa thì Noel…
Tức thì lớp học vỡ ra những tiếng reo vui. Tôi bàng hoàng. Sắp Giáng sinh rồi sao? Mau thật. Lễ Giáng sinh, lễ kính nhớ tình yêu cao độ của Thượng Đế dành cho loài người. Tôi liên tưởng tới đêm huyền diệu với những mầu sắc hoan ca. Thế mà tôi đã quên mất trong những ngày dịu ngọt tình cảm. Hình ảnh Uyển đã ngự trị tất cả tâm trí.
Tiếng thầy Hòa:
- Trong phiên họp chủ nhật vừa rồi, trường mình quyết định tổ chức một đêm văn nghệ thật đặc biệt mừng Giáng sinh…
Lại tiếng vỗ tay nổi lên cắt đứt câu nói của thầy. Chờ một lúc cho học trò im lặng trở lại thầy mới tiếp:
- Theo bản phân công, lớp chúng ta sẽ giữ về bộ môn kịch, lớp đệ nhị lo về vũ, đệ tam phụ trách hợp ca. Tôi đã chọn cho lớp một vở kịch phản ảnh đúng bộ mặt xã hội hiện tại.
Một vài tiếng nói ở cuối lớp phía nam sinh vụt lên:
- Đầu đề là gì, thầy?
- Thưa thầy có bắn súng, phi sì-ke không ạ?
- Phải có ái tình mới hấp dẫn!
Khác với mọi ngày, thầy dễ dãi giơ tay ra hiệu giữ trật tự, rồi nói:
- Tên vở kịch là “Sự thật đã chết”. Đại loại câu chuyện như thế này.
Thầy ngừng tiếng, tay lật mấy trang giấy. Lớp yên lặng lạ lùng mỗi khi được kể chuyện. Các bộ mặt ngẩng lên, các cặp mắt mở to, chờ đợi. Có lẽ muốn kéo dài giây phút nôn nóng để mọi người chăm chú hơn vào câu chuyện, thầy Hòa từ từ đi lại trên bục gỗ, dáng vẻ suy nghĩ rồi mới cất giọng trầm trầm kể:
- Trong bất cứ xã hội có chiến tranh nào cũng vậy, nền đạo đức không tránh khỏi bị khủng hoảng nếu không muốn nói là bị phá sản. Gia đình ông Minh trong vở kịch là một minh chứng điển hình. Vì cảnh khó khăn của cuộc sống, ngoài giờ làm việc trong công sở ông Minh phải kiếm tiền thêm bằng cách đi làm đêm tại một hãng thầu ngoại quốc. Trong khi đó hai đứa con của ông: Trường, đứa lớn lêu lổng chơi bời. Hoàng, người em thì ngược lại, vì ý thức nỗi vất vả của cha mẹ nên ngày đêm chăm lo đèn sách để hy vọng cuối năm ra trường giúp đỡ gia đình. Hoàng có một cô bạn gái tên là Duyên hồi còn nhỏ rất ngoan, ngây thơ nhưng khi lên đến đệ nhị trung học lại bị vật chất lôi cuốn. Cuộc sống tiếp tục vận chuyển với bao đắng cay, bao mâu thuẫn. Hoàng muốn dùng lẽ phải để khuyên nhủ người anh và tình yêu để cải hóa người thương. Những cuộc đấu khẩu xẩy ra. Một bên biểu tượng cho sự thật, một cho gian dối. Một hôm, sau vụ cãi vã, Trường lỡ tay giết chết em ruột mình trong lúc hai người dằng co một khẩu súng. Vừa khi đó Duyên chạy tới. Đứng trước cái chết của người vẫn thương mình trọn vẹn, Duyên nhận ra bộ mặt trái của cuộc đời. Vì muốn che mắt nhà chức trách về cái chết của người em, Trường giết luôn người chứng duy nhất là Duyên bằng một phát đạn xuyên qua màng tang rồi gài súng vào tay nạn nhân để ngụy trang một vụ tự tử vì tình…
Thầy Hòa đột nhiên ngừng kể, tiến lại bàn giáo sư, kéo ghế ngồi. Hàng chục con mắt nhìn thầy giục giã. Có một vài tiếng xuýt xoa nhè nhẹ:
- Kết cục sao thầy?
- Trường có bị bắt không thầy?
- Thưa thầy kể tiếp!
Như để câu chuyện ngấm sâu vào tâm trí người nghe, thầy im lặng, đưa mắt nhìn sâu xuống lớp, mãi sau mới nói, giọng thật chậm rãi:
- Rồi một phần bị lương tâm cắn rứt, phần bị cái chết của hai người vô tội ám ảnh, Trường – người con hoang đàng – trở về tạ tội với cha mẹ. Khi Trường vừa nói xong lời sám hối thì nhà chức trách đến phong tỏa khu vực vì đã khám phá ra sự thật. Đàn em tới định giải vây cho Trường nhưng Trường gạt đi, thanh thản bước ra nhận lãnh chiếc còng vào hai cổ tay. Những năm tháng trong ngục tù chắc chắn là dịp cho Trường suy ngẫm về cuộc đời…
Lớp học ầm vang tiếng vỗ tay và tiếng bàn tán. Đa số kêu vở kịch quá dài và khó thực hiện. Thầy gõ tay xuống mặt bàn để mọi người giữ lại im lặng:
- Tôi kể thì dài để các em dễ hiểu câu chuyện còn thật ra vở kịch chỉ nêu những cảnh quan trọng mà thôi. Nói đúng ra, thường văn nghệ học đường từ xưa đến nay vẫn bao gồm những tiết mục đơn giản như ca, vũ và những màn kịch ngắn hài hước. Tôi muốn cách mạng, muốn thí nghiệm một lần xem sao, đem cuộc đời thực tế vào sân khấu học đường. Tôi muốn chứng tỏ học trò vẫn có thể làm văn nghệ như những người chuyên nghiệp. Một vở kịch dài, xã hội để thay đổi không khí sân khấu học đường, công nhận là khó đóng, thứ nhất vì chúng ta còn quá ít thời giờ, thứ hai vì các em chưa quen lắm sân khấu, đặc biệt vì các nhân vật trong vở kịch phải diễn tả nội tâm… nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta cố gắng thì chắc sẽ thành công. Đồng ý không?
- Dạ, đồng ý!
- Vậy bây giờ tôi chọn vai nhá. Chúng ta phải bắt tay vào việc ngay mới kịp.
Lớp lại xôn xao về các vai trong vở kịch. Người được chọn lại từ chối, kẻ đề nghị lẫn nhau lại bị đa số chê. Thầy Hòa đi từ đầu lớp đến bàn cuối, nhìn từng bộ mặt như thể vị đạo diễn nhà nghề tuyển chọn tài tử. Các vai phụ tương đối dễ lựa nhưng thầy phải do dự chọn ba nhân vật chính. Cuối cùng thầy chỉ Bạch:
- Anh giữ vai Trường du đãng cho tôi!
Bạch há miệng ngạc nhiên. Tôi bật cười khi thấy đôi mắt ốc nhồi của nó đảo đảo sau hai tròng kính cận. Có lẽ Bạch định đứng lên từ chối nhưng chưa kịp nói gì thầy Hòa đã ném trước mặt hắn kịch bản:
- Này, về đọc kỹ rồi bắt đầu học vai trò của mình.
- Nhưng… thưa thầy…
- Không sao đâu, ngồi xuống!
Thầy đi lên bục gỗ, nhìn xuống:
- Còn vai Duyên và vai Hoàng, các em đề nghị ai?
- Vai Duyên chị Uyển, thầy!
- Chị Thu đi, thầy ơi!
- Anh Lộc vai Hoàng, thầy!
Tiếng ồn ào như vỡ chợ khiến thầy phải nhăn mặt, bịt tai. Biết thầy đùa, lớp cười theo.
- Các em im lặng nào, tôi chọn được rồi!
Câu nói của thầy như một phép lạ, bắt các tiếng cười nói ngưng bặt tức khắc. Chờ đợi. Thầy gật gù đầu, nói:
- Tôi chọn chị Uyển trong vai Duyên và anh Nguyễn trong vai Hoàng!
Tôi mơ hồ nghe tiếng vỗ tay, mơ hồ thấy Uyển thẹn thùng gì đó, cấu vào vai người bạn. Chẳng hiểu sao tôi không phản ứng được gì trước quyết định của thầy Hòa.
Thế là tối tối tôi phải tới trường tập kịch. Lần đầu tiên được phép ra khỏi nhà vào ban đêm tôi hơi ngỡ ngàng. Nhưng trong cái ngỡ ngàng đó tôi đã bắt gặp một nguồn vui nhẹ nhẹ pha lẫn thú vị. Thành phố về đêm dịu hiền hơn ban ngày. Không có nắng gắt mà được thay thế bằng ánh sáng trắng ngần như ánh trăng của những ngọn đèn ống. Tiếng xe cộ vơi đi và trầm xuống. Hàng cây bên đường quấn quít nhau hơn và thì thầm với nhau to hơn. Các dẫy nhà mờ nhạt nhưng ấm cúng. Vạn vật về đêm trở nên thân quen.
Tôi tới trường cũng vừa đúng lúc Uyển đến. Chúng tôi cùng sóng bước lên hội trường. Các giác quan của thân thể tôi ngập nóng khi hình ảnh những cặp tình nhân dìu nhau trên phố vắng hiện hình trong trí óc. Không gian chừng vắng lặng. Tôi thầm ước cho các bậc cầu thang biến thành nhiều vô số và các tầng lầu cao lên mãi, lên mãi. Tôi sẽ không mỏi chân đâu. Có Uyển bên cạnh thì đường cao sá gì. Tôi nhớ cô bé 15 “đi Chùa Hương” của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Giòng suy nghĩ của tôi bị cắt đứt khi Uyển bảo:
- Anh Nguyễn đang nghĩ gì vậy?
Tôi cười nụ:
- Nghĩ… đi Chùa Hương!
Uyển tròn xoe mắt, dừng chân:
- Ủa, đang yên sao anh nghĩ vậy?
Đến lượt tôi bối rối:
- Cũng… không biết nữa.
- Chắc phải có cái gì gợi ý chứ?
- … Có lẽ…
- Gì?
Chúng tôi leo tiếp những bậc thang. Tôi kể, cô bé 15 tuổi theo bố mẹ đi Chùa Hương rồi gặp một văn nhân. Khi vào chùa trong, đường mây đá cheo leo, mẹ cô bé bảo cầu Quan Thế âm Bồ tát để đi mau tới, nhưng cô bé không chịu cầu mà vẫn thấy đường đi mau. Nghe xong, Uyển phụng phịu:
- Như thế này mà anh Nguyễn dám ví mình đang đi Chùa Hương?
- Thì có khác gì đâu?
- Uyển chỉ thấy mỏi chân quá trời. Gì mà hội trường ở mãi tận lầu 4. Muốn đứt hơi luôn!
Tôi nghe chút cảm hứng của mình nhạt đi nhưng nhìn khuôn mặt “cô bé” bí xị vì mệt tôi lại thấy thương hại:
- Sắp tới rồi, cô Uyển!
- Chắc tại anh Nguyễn mơ mộng quá nên không thấy mệt đấy.
Tôi pha trò:
- Cô Uyển biết… văn hào Clémenceau nói gì về việc… lên cầu thang không? Ông ta nói, lúc đẹp nhất của… người con gái là khi người ta leo lên cầu thang!
- Xí, anh Nguyễn phịa!
- Thật mà!
- Ai cho phép anh sửa câu nói của người ta đấy?
- Hồi nào?
- Chối nữa. Câu đó thế này này: “Lúc đẹp nhất của tình yêu chính là khi người ta leo lên cầu thang”. Của tình yêu (Uyển nhấn mạnh) mà lại sửa “của người con gái”, lêu lêu!
Tôi đành cười chữa thẹn:
- Người ta bảo con gái thường khôn hơn con trai, đúng lắm!
Uyển cười trong hơi thở dốc. Tôi cũng cười to hơn. Tiếng cười của chúng tôi như trải khắp các bậc cầu thang.
Thầy Hòa đã tới trước, đang ngồi đọc báo. Thấy chúng tôi thầy tỏ vẻ mừng:
- A, cô cậu đã đến!
- Thầy ạ!
- Còn thiếu ai nữa không?
- Dạ còn anh Kiên, chị Hồng.
- Vai ông bà Minh đó phải không?
- Dạ.
- Còn anh gì đeo mắt kiếng xanh xanh nữa?
- Dạ, anh Bạch.
- Đúng rồi, tôi cứ hay quên. Đâu?
- Tối nay thầy dặn chỉ tập màn 1, không có vai Trường.
- Đó, tôi lại quên nữa. Dạo này nhiều việc quá nên hay lẩn thẩn.
Tôi nhìn vị giáo sư khả kính, nghe xót xa trong lòng. Tóc thầy đã điểm những sợi trắng, mặt nhiều nếp nhăn và sạm nắng. Tuy nhiên thầy vẫn giữ được dáng dấp trẻ trung, phóng khoáng và rất nghệ sĩ. Là người hướng dẫn lớp, thầy lo cho học trò như bố mẹ lo cho con. Lớp tôi thương thầy nhất.
Một lúc sau đã đầy đủ các vai, thầy Hòa khởi sự tập ngay. Cảnh đầu Hoàng và Duyên nói với nhau về tình yêu và tương lai. Tôi và Uyển tiến ra sân khấu theo sự chỉ dẫn của thầy Hòa. Dưới ánh đèn mặt Uyển hồng lên như trái đào. Tôi cũng không tránh khỏi những lúng túng, ngượng nghịu. Giọng đối thoại của chúng tôi bị thầy Hòa phê bình:
- Nói gì như đọc vậy? Diễn kịch là phải có hồn, sống thực với vai trò của mình. Phải tự nhiên như sống ngoài đời. Làm lại từ đầu! Anh Nguyễn tiến lại gần chị Uyển hơn nữa… nữa… việc gì mà sợ… gần nữa đi… coi kìa, nữa… Được rồi!
Tôi bồn chồn cả người như thể đang bị một lò lửa ở độ mạnh nhất đốt cháy. Tôi đứng gần Uyển quá, nghe rõ hơi thở của Uyển, tưởng chừng chỉ cử động một chút thôi là đụng phải người Uyển. Tôi cố nén, không dám thở mạnh.
- Nguyễn, nói đi chứ, sao lại đứng như tượng gỗ vậy?
Giọng run run, tôi lắp bắp:
- “Em Duyên… chắc em đã hiểu… trong cuộc đời này… tình yêu…”
- Ngưng! Phải tự nhiên hơn. Nói cho rõ ràng và liên tục, đừng ngắt quãng vô lý. Làm lại!
- “Em… Duyên…
- Ngưng! “Em Duyên” phải đi liền nhau chứ. “Em” rồi một lúc mới “Duyên” thì còn ra cái thể thống gì! Hơn nữa gọi tên người yêu thì giọng phải dịu dàng, tha thiết. Gọi gì như gắt người ta vậy? Làm lại!
Mồ hôi giọt ngắn giọt dài bò trong sống lưng, tôi thấy mình lao đao như đang bước cao bước thấp trên những vùng sâu. Tôi có cảm tưởng đang nhận chịu những khổ hình. Tôi nói. Thầy sửa. Tôi nói lại. Thầy sửa nữa. Đến trên mười lần:
- Phải quên rằng mình đang đóng kịch. Hãy sống thực sự với nhân vật. Bây giờ không còn là Nguyễn, là Uyển nữa, mà là Hoàng, là Duyên! Hiểu chưa! Nguyễn, phải nhớ mình đang đích thực tỏ tình chứ không còn là học trò nói chuyện về toán học, về vạn vật.
Tôi chán nản:
- Thưa thầy… khó quá…
- Không khó gì hết! Chịu cực tập lúc đầu là những lần sau sẽ thấy dễ ngay. Nguyễn, nghe tôi nói đây này, anh phải tưởng tượng là anh đang đứng trước mặt người yêu của anh. Anh phải có những tâm tình của một người đang đam mê thật sự. Hiểu chưa nào?
Người tôi lênh đênh trên những ngọn lửa thần. Tôi tưởng chừng thầy Hòa đang phơi bầy những giao động tình cảm thầm kín từ lâu được vùi chôn trong đáy tim tôi chứ không phải thầy đang tập kịch. Có lẽ vì vậy mà tôi mất tự nhiên? Tôi đang sống thật với vai trò của tôi chứ. Tôi, Uyển thật sự chứ không phải Hoàng, Duyên trong kịch bản. Nếu Uyển là người khác, và tôi vẫn là chú nai vàng ngơ ngác trên đồng cỏ non… thì vai kịch quá dễ dàng. Dưới trường quận lỵ tôi đã có lần lên sân khấu. Nhưng đêm nay tôi đã không còn là tôi của ngày hôm qua. Cánh nụ đã hé mở để đón nhận sương khuya… Lòng tôi đã biết vui biết buồn… Cánh thiên đường đã mở hé… Tôi đã biết nhớ đôi môi đương cười ở phương trời, nhớ đôi mắt đương nhìn anh đăm đắm. Và tôi đã xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn… để rồi xa vở bài, mở rộng sách Ham Mê… Do đó tôi cảm thấy ngột ngạt đứng trước Uyển và nói về tình yêu, tương lai, dù những lời lẽ đã được viết sẵn trên giấy.
Uyển nhìn tôi – ánh mắt thật hiền, thật trìu mến – như để khích lệ tôi.
Tiếng thầy Hòa vang lên dưới hậu trường:
- Bắt đầu lại, Nguyễn! Phải nhớ quên mình đi thì mới diễn tả sống động vai tuồng được!
Không, tôi không quên tôi được, trái lại tôi phải nhớ, phải xác định tôi là tôi, là Nguyễn, đang đứng gần Uyển (chứ không phải Duyên trong vở kịch) và đây là lúc đẹp nhất, thích hợp nhất để tôi sống cho tôi, cho những tình cảm chất chứa sâu kín tận đáy tâm hồn.
Tôi nói – như trong cơn mê – bằng một giọng thật xa vắng, nhạt nhòa:
- … Sau những năm tháng ngủ dài, anh mở mắt thức dậy, thấy mùa xuân ôm trọn hoàn vũ, tỏa hương thơm tròn trĩnh, nâng nhẹ cánh bướm nằm nũng nịu trên cành cây, mái tóc, thấy những hiện sinh ngực căng phồng nhựa sống, mắt chứa mặt trời. Cũng là lúc anh ý thức được rằng tình yêu chúng mình mở mắt từ nguyên thủy, có từ khi chưa có anh và em. Anh vào đời, mang theo hạt giống tình yêu và hình ảnh thần tượng người con gái duyên số trong đất mầu trái tim. Đến lượt em vào đời, ở một điểm nhỏ trên hành tinh trái đất giữa muôn triệu con người. Hành trang cũng gồm có hạt giống tình yêu và hình ảnh thần tượng người con trai duyên số. Hai đứa không biết nhau. Thời gian trôi và bánh xe định mệnh đun đẩy, quay tròn quay tròn… để rồi mình gặp gỡ, cho hạt giống tình yêu trong đất mầu trái tim vỡ vỏ lớn mạnh, xanh tươi mầu da trời trong vắt. Hình ảnh thần tượng không còn là hình ảnh mà biến thành bản thể sự thực vĩnh viễn… Hỡi thiên thần bé nhỏ của cuộc đời anh. Hãy ở trong nhau với tình yêu trinh nguyên và trọn vẹn. Hãy để vòng tay xiết chặt thể hiện niềm thương nỗi nhớ, và những giọt nước mắt nức nở đan trong nét chữ đốt cháy thời gian xa vắng. Hãy vui và tin. Mặc cho gió lốc đâm sau lưng và đá ngầm cắn gót chân búng máu. Chúng mình sẽ dìu nhau đi vào lòng cuộc đời bằng những nấc thang tình yêu…
- Ngưng! Anh Nguyễn nói những câu đó ở đâu vậy?
Vừa nói thầy Hòa vừa tiến đến gần sân khấu. Uyển tròn mắt, vẻ sững sờ in đậm trên mặt. Tôi vẫn trong cơn hôn mê. Tay cuộn tròn kịch bản, thầy Hòa đã đứng đối diện tôi:
- Anh Nguyễn nói sai hết so với nguyên văn, nhưng tôi chịu. Giọng nói của anh vừa rồi thật có hồn và say sưa. Đó, phải sống như vậy mới được. Có nhiều lúc trong khi diễn kịch, vì cảm hứng, người ta “cương” ra ngoài kịch bản, tuy nhiên đừng đi xa quá như… lúc nãy. Thôi được, nếu anh Nguyễn giữ được cái nhiệt tình như vừa rồi từ đầu đến cuối thì tôi tin rằng anh sẽ thành công. Bây giờ đã có trớn rồi đó, ta tập tiếp.
Tôi hơi cúi đầu, vẫn không hiểu mình vừa nói những gì.
Sau giờ tập kịch, đường phố đã vắng người và xe cộ. Trên nền trời lấp lánh những vì sao khuya. Gió thổi thật nhẹ, làm bay bay những sợi tóc lòa xòa xuống trán. Các ngọn đèn mầu nhấp nháy trên các bảng hiệu làm nhạt nhòa những dẫy nhà khép kín khiến người ta có cảm tưởng chúng đang co rúm lại với nhau. Tiếng chân của tôi và Uyển vang rõ mồn một trên mặt hè. Hai đứa không nói với nhau câu nào. Nhiều lần tôi muốn phá vỡ sự thinh lặng này nhưng không biết phải mở đầu ra sao. Đành thôi. Không hiểu Uyển đang nghĩ gì mà mắt đăm chiêu trên bầu trời mênh mông. Một vài cặp tình nhân gục đầu trên vai nhau đi ngược lại xui tôi phải nhích xa Uyển. Những bước chân tôi luống cuống và đôi tay tôi thừa thãi. Giữa hai đứa vẫn là khoảng dài im lặng. Con đường yên tĩnh lạ lùng.
Bỗng Uyển:
- Anh Nguyễn!
Tôi quay lại. Khuôn mặt Uyển cắt nét trên mầu xám đục. Uyển tiếp:
- Anh Nguyễn đưa Uyển về tận nhà được không?
Tôi gật đầu. Vẫn hướng mắt về phía trước, Uyển lập lại câu nói:
- Được không anh Nguyễn?
Như người máy, tôi lại gật đầu. Im lặng. Giọng Uyển chợt trầm xuống:
- Chắc phiền anh Nguyễn lắm?
- Đâu có!
- Sao anh Nguyễn không trả lời Uyển?
- Trả lời gì?
- Đưa Uyển về tận nhà.
- Rồi. Tôi gật đầu rồi.
Uyển cười. Mắt nhìn là lạ. Tuy không hiểu nhưng tôi thấy mình bạo dạn hơn. Hai tà áo của Uyển bay lên, thỉnh thoảng vờn cả sang chân tôi, giống như đôi bướm đùa hoa. Tôi muốn Uyển thả mãi hai con bướm này chứ đừng lấy tay khép lại hai vạt áo. Tôi nói một câu thật bâng quơ – cho có chuyện – mà khi nói xong mới biết không có duyên chút nào:
- Đường vắng quá nhỉ.
- Tại khuya rồi đó anh Nguyễn.
- Đêm nay trời mát thật.
- Vâng.
Tôi thích Uyển nói tiếng “vâng” ghê. Nghe dễ thương lắm. Trước khi phát ra âm thanh, đầu những chiếc răng cửa trắng đều khẽ để trên môi dưới – giây lát – rồi mới nói “vâng” thật ngọt lịm. Tôi bắt Uyển nói nữa:
- Đi như thế này thích nhỉ.
- Vâng.
- Giá ban ngày trời cũng dễ chịu như ban đêm thì… thích nhỉ.
- Vâng.
- Cô Uyển có hay đi chơi tối không?
- Một mình thì chưa bao giờ. Có hai ba lần ba Uyển dẫn đi xem chớp bóng thôi. Còn anh Nguyễn?
- Đây là lần đầu tiên.
- Anh thích không?
- Còn phải nói. Tuyệt vời, vì…
Tôi giữ lại được phần còn lại của câu nói trong lồng ngực. Tuyệt vời, vì được đi bên cạnh Uyển. Thật may, Uyển không hỏi gì, trái với thường khi nghe tôi bỏ lửng câu trả lời hoặc còn ngập ngừng Uyển đòi tôi phải nói hết câu. Bao giờ Uyển cũng như ra lệnh và tôi phải thua. Phải, đêm nay thật tuyệt vời cho đời tôi, cho sung mãn những ước mơ thường ngày. Những buổi tan học, tôi theo Uyển về trong ánh mắt, từ đàng xa. Uyển đi bên kia đường, tôi bên này hè mà xa cách ngàn trùng. Bao nhiêu là ngày, theo nhau đường dài, trưa trưa chiều chiều… tôi chỉ mơ ước được một lần sóng bước bên Uyển. Nhưng chỉ thuần là những ý muốn. Và tôi đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ những ý muốn đó thành hình trọn vẹn. Nhưng đêm nay tôi đang thực sự sống trong mầu hồng mơ ước, đến nỗi không dám tin là sự thật. Tôi nghe rực cháy trong lòng. Để “trả thù” cho những bước chân nặng nề và nhịp tim nức nở ban ngày, không ai bảo ai tôi và Uyển đi gần nhau hơn. Thỉnh thoảng tay tôi chạm vào tay Uyển. Tôi có cảm tưởng đang bị say sóng. Cũng may bóng tối đã khỏa lấp phần nào cái nôn nóng trên thịt da. Tôi mơ hồ thấy đôi mắt Uyển mở to lung linh giữa muôn triệu vì sao.
Giọng tôi xóa mờ khoảng trống thinh lặng, nghe xa vắng sao đâu:
- Cô Uyển?
- Anh Nguyễn gọi?
- Cô Uyển đang nghĩ gì vậy?
- Về vở kịch của lớp mình.
- Cô Uyển đóng tự nhiên đến không ngờ.
- Nhưng không sống thực bằng anh.
- Thầy Hòa phải sửa đi sửa lại mãi, cô Uyển không thấy sao?
- Ai chả vậy.
Uyển quay nhìn tôi, giọng chợt đổi thân mật:
- Anh Nguyễn này.
- Gì cô uyển?
- Anh bỏ tiếng “cô” trước tên của Uyển thì Uyển mới nói cơ. Uyển xin anh nhiều lần rồi mà, anh chả nhớ gì cả.
Tôi bạo dạn, gọi thật dịu:
- Uyển!
- Như vậy Uyển mới chịu.
Ngừng lại một thoáng như để nhớ lại một cái gì đó, Uyển nói như thì thầm bên tai tôi:
- Hồi nãy tập kịch anh Nguyễn lấy những câu nói về… tình yêu ở đâu vậy?
Tôi nhìn Uyển – tình tứ – hỏi ngược lại thay câu trả lời:
- Uyển… thấy thế nào?
- Như những lời thơ.
- Lấy từ… tiềm thức đó.
- Nghĩa là…
Uyển bỏ lửng câu nói, thoáng ngạc nhiên lạ lẫm trong ánh mắt nhưng cũng vừa đậm đà thân thiết. Tôi đánh bạo diễn tả những ý nghĩ của mình:
- Có những điều người ta tưởng quên được, hoặc, vì một lý do nào đó muốn gạt bỏ chúng ra ngoài cuộc sống hiện hữu, nhưng thật ra chúng lại sinh trưởng trong vùng tiềm thức… để chờ một cơ hội thuận tiện nào đó phát khởi bằng ngôn từ hay hành động.
- Uyển vẫn chưa hiểu rõ.
- Những lời nói lúc nãy trên sân khấu là do… hình ảnh của Uyển từ trong tiềm thức thúc đẩy, Uyển ạ.
Không ngờ tôi bạo miệng đến thế. Uyển giương mắt nhìn tôi dẫy đầy thương yêu. Và khi bàn tay tôi và Uyển vô tình chạm vào nhau thì chúng không còn đong đưa như trước nữa, nhưng nằm trong nhau. Cơn nóng mê man òa tới chụp lấy toàn thân tôi. Những bước chân của tôi bỗng trở nên ngây ngô, khờ khạo như đang leo lên những con dốc. Chung quanh là huyền ảo, đảo tròn. Mãi một lúc sau, ý thức được sự liều lĩnh của mình, tôi muốn rút tay về nhưng lại vừa không dám, vừa như nuối tiếc. Không hiểu Uyển đang nghĩ gì, có giao động gì không, tại sao lại không nói lấy một câu? Bàn tay tôi như đang tan thành nước trong những ngón tay nóng như những thỏi sắt cháy đỏ của Uyển.
Con đường còn lại trở nên vắng lặng tuyệt đối. Không gian yên tĩnh. Tôi và Uyển nín thinh. Nhiều lần tôi muốn nói một câu, bất cứ câu gì, nhưng ý tưởng ngập ngừng đầu môi. Tuy nhiên dù không ai nói với ai lời nào nhưng tôi tin rằng trong những giây phút thiêng liêng mầu nhiệm này chắc hẳn hai tâm hồn “ngấm ngầm trao đổi những ân tình. Để thêm ấm áp nguồn tư tưởng. Để bóng trời khuya bớt giật mình”.
Cuối cùng nhà Uyển đã hiện ra. Con đường không dài thêm như niềm mong ước của tôi. Mùi hoa dạ lan tỏa nhẹ trong gió. Cây bông giấy đan thành chiếc lọng khổng lồ trên đầu cánh cổng. Bất giác tôi đi chậm chân hơn Uyển.
- Anh Nguyễn vào chơi.
- Để lần khác, muộn rồi Uyển ạ.
- Cám ơn anh đã đưa Uyển về.
- Uyển vào ngủ ngon nhé.
Tôi vừa quay gót thì tiếng Uyển gọi lại – nghe như hơi thở của gió đêm:
- Anh Nguyễn!
Uyển đã đưa tay đẩy cánh cổng. Không chờ tôi lên tiếng, Uyển nói vội, thật nhanh nhưng những âm thanh vẫn rõ ràng và ngọt lịm:
- Anh còn nợ Uyển một câu trả lời: “Bây giờ anh Nguyễn bỏ ý định học Y khoa và sau này về sống dưới quận lỵ được không?”.
Cánh cổng đóng lại ngay sau câu nói. Tiếng guốc chạy trên mặt gạch biến sâu vào trong nhà.
Như cậu bé vừa được quà, tôi đi như chạy trên đường trở về nhà, với tiếng huýt gió trên môi. Niềm vui dạt dào trong lồng ngực làm lệch những nhịp tim. Câu hỏi của Uyển chỉ là một thoáng gió, không làm tôi hoảng hốt nữa. Bởi vì tôi đã có câu trả lời. Vào cuối niên học này, tôi sẽ thực hiện những gì Uyển muốn. Chả cần nghĩ tới nữa, tôi đang bận với những giây phút diễm tuyệt vừa qua. Tôi nắm chặt bàn tay. Để nhớ một bàn tay. Để tưởng nhớ mùi hương.
Cả đêm tôi nằm thao thức mãi, và khi gần về sáng vừa chợp mắt được thì Uyển đã đầy ắp trong giấc mơ.
Tôi cứ mong thời gian tập kịch kéo dài mãi, mong tối nào thầy Hòa cũng chỉ tập những màn chỉ có tôi và Uyển xuất hiện. Để có những đêm đưa nhau về diễm tuyệt đến vô tận. Để có những lần đan tay nhau vụng dại. Để có những câu nói thì thầm vu vơ nhưng mọng thương yêu. Để có những giao động mơ hồ ngà ngọc. Tôi đã đồng ý với Uyển những tối nào có đông người, nhất là có Bạch cùng tập kịch, Uyển sẽ nhờ đứa em đem xe đến đón về. Những đêm không có Uyển ở cạnh, tôi thấy những con đường cũ dài ra, thênh thang ra. Tiếng nói chuyện của Bạch nghe rã rời, nặng nề, làm buồn ngủ. Tôi thường giục hắn đi nhanh cho chóng về đến nhà. Cái thói quen gặp Uyển mỗi tối đã trở thành cần thiết đối với tôi. Bởi vậy tối nào bất đắc dĩ phải xa Uyển tôi thấy mình như bị bệnh.
Rồi ngày qua đi. Noel gần kề. Đêm văn nghệ mừng Giáng Sinh đã đến. Không khí nhộn nhịp đã khuấy động nhịp sống độc điệu của học trò cả một tuần lễ trước! Các lớp ráo riết luyện tập tiết mục văn nghệ của mình. Sách vở bị quên lãng. Việc học lỏng lẻo trông thấy. Các thầy cô cười xòa cảm thông. Cả trường đang trong mùa hội lớn.
Trên tấm màn nhung sân khấu, chung quanh bốn bức tường của hội trường được trang điểm bằng những sợi giấy đủ mầu và những bông hoa Hippy lạ mắt. Tiếng nhạc kích động đã vang ầm từ trước giờ khai mạc cả tiếng đồng hồ. Tôi nghe nôn nao lạ lùng. Chắc hẳn những nghệ-sĩ-học-trò cũng hồi hộp lắm. Thỉnh thoảng lại có người hé màn sân khấu nhìn xuống hội trường. Uyển đang được các bạn hóa trang. Tôi muốn lại gần ngắm Uyển nhưng không dám. Trước mặt đông người tôi vẫn chỉ là một đứa nhút nhát. Như xa lạ với Uyển.
Các thầy và quan khách đã tới đông đủ. Tiếng giáo sư điều khiển chương trình vang lên trong máy vi âm mời mọi người đứng dậy chào quốc kỳ. Màn đọc chương trình, tuyên bố lý do, màn đại diện học sinh đọc bài chúc mừng thầy cô, quan khách qua đi mau lẹ. Lớp đệ tam hợp ca bản Đêm Thánh Vô Cùng để mở đầu. Thầy Hòa căn dặn từng người phải bình tĩnh, nói chậm và rõ, phải tự nhiên và tự tin. Lời khích lệ ân cần của thầy giúp tôi yên tâm phần nào dù tim vẫn đập mạnh trong lồng ngực.
Khán giả vỗ tay khi xướng ngôn viên vừa cất tiếng giới thiệu màn kịch tiếp nối chương trình. Tấm màn nhung từ từ kéo lên. Sân khấu đã biến thành một phòng khách. Uyển ngồi đó trong dáng vẻ suy tư. Nàng đang chờ đợi người yêu. Tôi bước vào. Hai ngọn đèn cực mạnh chiếu thẳng vào chỗ chúng tôi đứng. Uyển trách móc tôi đến chậm để nàng lo âu. Mặt nàng đỏ hồng nũng nịu. Dưới ánh đèn tôi thấy Uyển rực rỡ. Uyển tuyệt vời. Uyển đẹp hơn nhiều những ngày thường. Tôi quên là tôi đang đóng kịch. Tôi tiến lại gần nàng để xin lỗi:
- Em Uyển! Em Uyển!
Tức thì trong hậu trường có tiếng nhắc: “Em Duyên… Anh ân hận đã…”
Tôi choàng tỉnh, ấp úng:
- Em Uyển, à quên… em Duyên…
Khán giả cười ồ. Tôi mất bình tĩnh. Sợ. Uyển cầm tay tôi. Tôi nhớ trong kịch bản và khi tập không có cảnh này. Một ý nghĩ thoáng về trong đầu óc, tôi chợt hiểu. Uyển muốn trấn tỉnh, an ủi tôi. Uyển muốn thêm tinh thần, ban thần lực cho tôi. Đúng Uyển là thiên thần của tôi. Thế là tôi tìm lại được con người của tôi. Tôi bắt đầu xuất thần trong vai trò. Hội trường không một tiếng động. Người ta đã quên khuyết điểm khởi đầu của tôi. Cả Uyển nữa, nàng cũng đã thoát xác trong nhân vật Duyên. Chúng tôi đang đưa khán giả vào thế giới tình yêu tuổi trẻ. Và khi tấm màn hạ xuống, tiếng vỗ tay nổ tung như muốn kéo sập hội trường. Bạn bè cùng lớp vây quanh khen ngợi chúng tôi. Thầy Hòa cười tươi hơn bao giờ:
- Khá lắm! Khá lắm! Hai màn sau nhớ cứ như vậy.
Uyển nhìn tôi chớp chớp mắt. Trong tôi ngập lụt cảm xúc.
Màn hai kết thúc đúng như niềm mong ước của thầy Hòa, trong sự phấn khởi của mọi người.
Sau những bài hát, hoạt cảnh “để thay đổi không khí”, tấm màn nhung lại được kéo lên để khán giả thưởng thức tiếp vở kịch “Sự thật đã chết”. Cuộc sống cháy bỏng trong ảnh hưởng của chiến tranh. Mọi phương diện bị đảo lộn. Nền tảng gia đình tróc rễ. Và truyền thống luân lý cổ truyền mất dần chỗ đứng trong ý thức con người. Bạch trong vai Trường hùng hổ biện minh cho những ngày tháng sa đọa của nó. Nếu không phải trên sân khấu chắc tôi đã phải lăn ra cười khi thấy tên Bạch mặc quần áo của dân Hippy: Đầu hắn đội một bộ tóc dài đến vai, rối bù. Mặt đeo cặp kính to bản và bộ râu xồm xoàm. Chiếc áo không cài cúc để hở khoảng ngực với dấu hiệu phản chiến và dòng chữ Make love – not war viết bằng mực xanh. Chiếc quần thật rộng ống và đầy những tua chung quanh. Hắn vừa dứt tiếng, tôi cũng gay gắt kết án những thành phần buông xuôi, trốn tránh trách nhiệm. Tiếng qua tiếng lại dữ dằn. Cuối cùng, quá tức giận, Trường (Bạch) lấy trong người ra khẩu súng nhỏ. Tôi (Hoàng) nghĩ rằng hắn chỉ dọa nạt nên xông lại. Hắn la lớn, giọng nói thật nhanh:
- Đứng im! Đừng tưởng là anh em mà tao không dám bắn đâu! Khẩu súng này không có vệ tinh đâu nhé…
Khán giả bật cười. Tôi giả vờ đưa tay lau mồ hôi trên mép để cố bình thản trước câu nói “ngọng” của Bạch. Khẩu súng này không có nể tình đâu nhé, mà hắn lại nói không có vệ tinh đâu nhé. Có lẽ bị “khớp” nên thay vì còn nói mấy câu đối thoại ngắn nữa, hắn giơ súng lên bắn tôi. Sau ba tiếng nổ, tôi đành ôm ngực ngã xuống… chết. Duyên (Uyển) hốt hoảng chạy ra. Chợt hiểu chuyện, Duyên quay lại mạt sát Trường. Phần say máu, phần muốn loại trừ nhân chứng. Trường giết luôn Duyên. Tôi he hé mắt thấy Uyển lả người xuống sàn gỗ, giẫy dụa rồi lăn về… phía tôi. Tôi giật bắn mình, hoảng hốt. Uyển đã nằm cạnh tôi. Quá gần. Một tay Uyển vắt ngang bụng tôi. Hơi thở của Uyển phà nóng bên cổ. Chân tôi đụng vào chân Uyển. Như chạm phải một luồng điện cực mạnh, toàn thân tôi rực nóng, tê dại. Trời ơi, không thể được. tôi muốn nhích ra nhưng tay Uyển như một tảng núi đã đè nặng trên người tôi. Không kịp suy nghĩ, tôi liền đứng lên, lảo đảo đi vào hậu trường. Dưới khán giả có những tiếng cười, tiếng nói vọng lên:
- Ủa, chết rồi mà!
- Người chết sống lại!
- Hoàng chưa chết! Chưa chết!
Thầy Hòa trợn mắt, mở tròn miệng lắp bắp định nói gì nhưng không thành tiếng, ngạc nhiên tột độ. Tôi chưa hoàn tỉnh đã bị một cánh tay đẩy mạnh trở lại sân khấu. Tay vẫn ôm ngực, chân bước chệnh choạng, tôi làm như người bị thương nặng. Có lẽ sau những phút kinh hoàng, Bạch tỉnh trí, quát lớn:
- Mày vẫn chưa chết hả? Đừng hòng tao tha mày. Cho hai đứa bay về bên kia thế giới mà yêu nhau. Ha! Ha! Ha!
Hắn giơ khẩu súng về phía tôi, đưa qua đưa lại trước mắt. Bên trong hậu trường tiếng thầy Hòa vội vã – Còn pháo không, đốt đi – Đoàng! Đoàng! Tôi gục người xuống đồng thời lấy tay bóp mạnh túi nylon đựng thuốc đỏ đeo sẵn trong người cho máu (!) tràn trề hơn nữa trên ngực áo. Như người chết thật, tôi dướn người lên, ngoẹo đầu trên vai, co quắp chân tay rồi… tắt thở. Hội trường vỗ tay. Tôi không hiểu khán giả hoan hô đoạn kịch gây cấn bất ngờ hay sự… nhanh trí của diễn viên? Bây giờ thì tôi an tâm nằm bất động mà hé mắt nhìn các bạn tôi diễn tiếp vở kịch. Còn Uyển vẫn nằm kia, cách xa chỗ tôi đến ba thước. Tôi thương dáng nằm của Uyển, như con chiên con nằm trên nắm cỏ. Mọi người còn bận xem kịch, họ đã quên các… xác chết nên tôi tha hồ hé mắt ngắm Uyển mà nghĩ vẩn vơ…
Buổi văn nghệ kết thúc trong thoải mái. Khi tiếng vỗ tay của khán giả còn đang vang dội, tôi tìm Uyển, nói nhỏ:
- Mình về trước nhé.
Uyển gật đầu ngay:
- Chờ Uyển ở cổng.
Một lúc sau Uyển ra. Chiếc áo dài trắng đã trả lại cho Uyển nét hiền thục thường nhật. Tôi thấy chúng tôi gần gũi nhau hơn.
Bây giờ đang là mùa đông. Thành phố của “mưa nắng hai mùa” chỉ mát rượi về đêm chứ không có cái rét cắt da cắt thịt. Chắc các lá cây trên cao cũng đã ướt đẫm sương. Chúng tôi thả dài trên những hè phố thật vắng người. Hai đứa nhắc lại vở kịch vừa diễn mà cười đến chảy nước mắt. Chợt Uyển hỏi:
- Sao anh lại đứng dậy lúc Uyển bị bắn chết như anh?
Đã sẵn câu nói dối, tôi trả lời tự nhiên:
- Tại khi ngã xuống nằm phải… cái đinh, đau quá chịu không nổi!
Không biết vô tình hay hữu ý, Uyển nắm lấy tay tôi, giọng đầy lo âu:
- Chết, có sao không anh?
Tôi đùa:
- Rách áo, chảy máu!
- Trời ơi!
Tôi nghe tâm hồn mình mát lịm trong giọng kêu hoảng hốt của Uyển. Đàn ông, con trai có cái lạ, thường chỉ để ý đến những việc tổng quát nhưng lại thích được săn sóc những cái nhỏ nhặt. Tiếng “trời ơi” của Uyển vừa rồi cho tôi tin là Uyển xót xa thực sự khi biết tôi bị… đau. Tôi lặng thinh giấy lát cho cảm giác sung sướng lan khắp cơ thể rồi mới vui vẻ trả lời:
- Chẳng đau. Ăn thua gì!
Nói xong tôi mới sực nhớ, “chẳng đau” mà phải đứng dậy bỏ sân khấu chạy vào trong. Sợ Uyển nhận ra sự mâu thuẫn, tôi vội chữa lại:
- Lúc nãy thì… đau kinh khủng, bây giờ hết rồi!
Chúng tôi đi sát vào nhau hơn. Như đôi nhân tình. Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời lốm đốm những sao khuya. Tôi muốn kể cho Uyển thật nhiều chuyện, nói với Uyển những điều mà tôi đã dự định, đã sửa soạn những khi vắng Uyển, nhưng bao giờ cũng vậy, gần Uyển tôi lại quên hết. Đi đến cuối con phố vắng, chúng tôi sang qua đường, đi ngược trở lại.
- Uyển mỏi chân chưa?
- Chưa, Uyển đi bộ một cây!
- Khi nào Uyển bắt đầu cảm thấy mỏi chân, mình về nhé.
- Nếu thế thì phải cả đêm.
Tôi lặng thinh nhưng thầm ước cho đêm dài mãi còn thời gian thì đọng lại. Tôi cầu cho đôi chân của Uyển khỏe hoài, không bao giờ mỏi để đừng phải trở về vào giữa đêm thần thánh này.
- Đêm nay đẹp quá Uyển nhỉ.
- Vâng. Đẹp thật đẹp.
- Có những kỷ niệm mà suốt đời mình không bao giờ quên.
- Uyển cũng đang nghĩ như anh.
Tôi định tìm một câu văn hoa, tình tứ để tiếp nối câu nói của Uyển nhưng đầu óc như đang chơi vơi trong mù sương. Tôi lặng thinh. Một cơn gió mạnh hơn bỗng từ đâu tràn tới, thổi tung tà áo của Uyển và đuổi những chiếc lá khô lăn trên mặt hè phố. Tôi liền chụp lấy cơ hội:
- Uyển lạnh không?
- Hơi hơi thôi.
- Coi chừng đau đấy.
- Uyển còn mong lạnh hơn nữa để thấy giống đêm Giáng sinh.
Câu nói của Uyển vô tình nhắc tôi nhớ đến thời gian. Thế là sắp hết tháng 12. Tháng của những bận rộn văn nghệ mà xao lãng bài vở. Tháng của những giao động tê dại. Tháng của tâm hồn tôi thoát xác bay bổng. Tháng có những đêm gấm vóc để đời. Nhưng tháng 12 lại sắp thuộc về dĩ vãng.
Uyển nhìn tôi đúng lúc tôi quay lại Uyển:
- Đêm Giáng Sinh anh đưa Uyển đi lễ nhé?
Tôi mím môi, không trả lời. Lúc này sao gió đi đâu hết để tôi nghe ngột ngạt, bứt rứt.
- Ủa, sao anh Nguyễn không nói gì?
- Tôi… phải về thăm gia đình.
- Anh mừng Giáng Sinh ở dưới quê?
- Phải…
- Buồn nhỉ…
Có lẽ tôi còn buồn gấp trăm, gấp ngàn lần Uyển. Đột nhiên tôi bực tức với hoàn cảnh hiện tại của tôi. Một thoáng nuối tiếc mơ hồ chợt đến. Không dám để ý nghĩ đi quá xa, tôi lấy giọng tha thiết nói với Uyển:
- Mình coi đêm nay là đêm Giáng Sinh của chúng mình vậy.
- Vâng. Và anh Nguyễn đang dẫn Uyển đi lễ.
- Và sẽ dành riêng cho Uyển những lời nguyện.
- Anh cầu cho Uyển những gì nào?
- Cuối năm… thi đậu này, được nhiều may mắn này…
- Cám ơn anh. Uyển cũng sẽ dùng ý đó để cầu cho anh Nguyễn.
Chúng tôi vui vẻ trở lại. Hai đứa đều có cảm tưởng đang đi trong đêm Giáng Sinh. Đêm của Thượng Đế vì tình yêu mà bỏ trời xuống thế. Tôi nói cho Uyển nghe về tình yêu của Thượng Đế dành cho loài người. Giọng tôi thật say sưa. Hình như có một thần lực nào đó thúc đẩy tôi, tôi cứ ca tụng mãi về tình yêu. Tôi mơ hồ thấy rằng những lời nói của tôi về tình yêu của Thượng đế chỉ là bình phong để tôi nói về một ý nghĩa khác. Uyển như chìm đắm trong tiếng nói rất nhỏ nhưng lại vang xa của tôi.
Đêm đã không dài thêm và thời gian đã không đọng lại như niềm thầm ước của tôi. Và đôi chân của Uyển vẫn chưa mỏi – Uyển bảo thế. Nhưng tôi vẫn phải đưa Uyển về tận cổng nhà Uyển. Chúc Uyển có nhiều giấc mơ thật đẹp. Anh Nguyễn về ngủ ngon nhé. Tôi cám ơn Uyển rồi trở gót. Tôi biết đêm nay tôi lại mất ngủ. Tôi sẽ không ngủ ngon như lời chúc của Uyển. Nhưng cần gì. Tôi không dại phí thời giờ cho giấc ngủ. Tôi sẽ nằm mà tưởng tượng đêm nay đêm Giáng Sinh. Đêm của tình yêu.
________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM